Nguyên Hùng-Thơ

Tôi được biết Nguyên Hùng làm thơ đã lâu và anh đã có thơ in báo từ những năm đầu 1980. Từ bấy đến nay, anh viết chậm rãi, không thật đều, và đến tận bây giờ mới cho xuất bản tập thơ đầu tay Cánh buồm thao thức.

Điều đó cho thấy anh là người “thao thức” với thơ nhiều lắm.

Thao thức nhưng không tỏ ta thâm trầm, kỳ bí, cao siêu.

Ngược lại, thơ Nguyên Hùng có giọng điệu hồn hậu, êm đềm với những tứ thơ trong sáng (dù có khi chuyển tải những ý tưởng táo bạo, sâu sắc) được thể hiện bằng ngôn ngữ dễ hiểu, dễ cảm nhận.

Bên cạnh làm thơ, Nguyên Hùng đã và đang làm nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ, lối tư duy cùng cách sử dụng ngôn ngữ minh bạch của một nhà khoa học hằng có nơi anh đã dung nhiếp vào thơ để tạo nên một giọng điệu như thế. Và đây không phải là thủ pháp mà là bản chất thơ nơi anh. Với một bản chất thơ như vậy có khi tạo nên một thi pháp, thậm chí một phong cách. Chính giọng điệu (ít nhiều đã tạo hình phong cách) này đã hóa thành một lớp “vỏ bọc” khá kín kẽ cho những cảm xúc, ý tưởng trong thơ anh, nó khiến bài thơ dễ được tiếp nhận ngay từ đầu nhưng gây bùng nổ ngầm về sau – hệt như bão tố thường nổi dậy từ những phía trời yên ắng nhất. Có lẽ nhờ vào sự “bọc đường” thường trực như vậy, nhiều bạn đọc dễ có cảm nhận thơ Nguyên Hùng thiên về suy tưởng lẽ đời, tình người nhiều hơn là biểu lộ cảm xúc trên lời thơ, và thốt lên nhận xét rằng anh coi thơ là nghệ thuật của tư duy hơn là nghệ thuật của ngôn từ (!). Thực ra đúng hơn, với anh chỉ có sự kết hợp nhuần nhuyễn, tài hoa giữa tư duy và ngôn từ mới tạo nên nghệ thuật của bài thơ.

Song, dường như không quá đặt nặng vào hình thức nghệ thuật, mỗi bài thơ của Nguyên Hùng trước hết là một câu chuyện đời tự kể. Và thơ đã giúp anh giải tỏa được nhiều điều, nhất là ở lĩnh vực tình cảm mà hình như đã có một thời anh phải trải qua ít nhiều cú sốc. Có cảm tưởng chính thái độ sống của tác giả đã làm nhẹ đi mọi câu thơ anh viết; thơ anh man mác hóa những hờn tủi, ảo mộng hóa những nỗi đau, và triết lý hóa những điều bất toại... Những sóng gió đã bão hòa trong các tứ thơ êm dịu, trong một giọng điệu thơ trầm lắng. Hay có khi sóng gió đã một lần lặn kín tất thảy vào tâm tư người viết rồi nên thơ mới “khải huyền” vẻ ấy?!

Nhưng tâm hồn một nhà thơ thì có khi nào “lặng sóng” nhỉ?

Với Nguyên Hùng, có lẽ hình tượng biển đã ám ảnh anh nhiều. Trong thơ anh có nhiều bài nhắc đến biển. Biển “ám ảnh” anh như biểu tượng của những cơn thịnh nộ, lại như một vẫy gọi khám phá. Anh nhìn ra (hay đã thực thấy trong đời mình?) có những người phụ nữ “muôn trùng” như biển, nâng mình lên hay dìm mình xuống cũng là họ.

Và đối với biển cả lạ lùng như thế, tâm hồn thơ trong anh lại như một cánh buồm thao thức, luôn sẵn sàng giương lên đi vào những cuộc khám phá mới, tràn trề cảm hứng giữa hai bề bất an và hạnh phúc.

4.2007 ĐOÀN VỊ THƯỢNG

LỬA

1.

Em xinh như diễn viên

Em hát hay như ca sĩ

Em dịu dàng, dung dị

Em giỏi giang, lắm tài.

Nhan sắc em dường như chẳng hề phai

Giọng hát em dường như còn trẻ mãi

Em cứ thế nồng nàn lửa cháy

Thiêu rụi những ai đang đâu đó lặng nhìn!

2.

Nhiều tháng rồi mới lại gặp em

Em vẫn thế với nụ cười rất ấm

Anh chao đảo như con thuyền chực đắm

Cái nhìn em vời vợi, mênh mông

Anh nóng ran bên má em hồng

Ngực muốn vỡ vì con tim loạn nhịp

Em cứ thế không đơn thuần chỉ đẹp

Em cháy nồng nàn

Tan chảy anh.

NẾU...

Nếu có một ngày trăng bỗng nhiên biến mất

Biển nhàm chán biết bao vì không có thủy triều

Sẽ nhạt nhẽo bao nhiêu với một tình yêu

Không sóng gió, không thăng trầm sướng khổ.

Sẽ chẳng có thơ khi người ta đầy đủ

Không khát khao, không mong ước đợi chờ

Và tất thảy đàn ông chỉ là một lũ ngu ngơ

Nếu phụ nữ trên đời ai cũng đẹp.

THẺ NHỚ

Em ạ, thời nay

Mọi thứ đều dễ dàng số hóa

Kể cả bão giông và ngọn lửa

Thì một chút nắng vàng có nhiều nhặn gì đâu

Em hãy nhận và cất vào thẻ nhớ.

Ngày mưa bão xa anh, em đừng sợ

Lửa lòng anh trong thẻ nhớ của em

Những lúc buồn, hãy mở ra xem

Anh hiện hữu bên em từng khoảnh khắc.

KHÔNG ĐỀ 1

Mùa Xuân về, chim lao xao làm tổ

Nơi cây em vẫn vắng lặng thu vàng

Thèm một tiếng kêu, thèm một bàn chân nhỏ

Chim vô tình hay không chịu ghé sang?

Xuân chưa kịp dừng nhưng hè đã tới

Cây chưa kịp đâm chồi, lá đã héo khô

Tàu chuyển bánh mà người chưa vội

Cứ ngỡ còn chuyến sau nên vẫn lặng lẽ chờ.

2002.

KHÔNG ĐỀ 2

Em đã năm lần chín(1)

Mà chưa “mơ”(2) lần nào

Và Xuân nay lại đến

Trao tặng toàn chiêm bao...

2002

BIỂN VÀ EM

Anh lớn lên trên sóng

Nên say hoài biển xanh

Biển đưa ngàn chiếc võng

Ru bồng bềnh hồn anh.

Em chỉ là giọt nhỏ

Giữa dòng đời, lặng trôi

Mà trước em, anh ngỡ

Trước muôn trùng biển khơi.

1985.

TẢN MẠN VỀ BIỂN

1.

Không gió thổi, biển làm gì có sóng

Không có em, anh đơn lẻ trên đời

Vành trăng kia dẫu vàng rực giữa trời

Sóng lúc trắng, lúc thẫm xanh màu ngọc.

2.

(Với Khải Nguyên, tác giả “Khao khát”)

Anh đã viết cả ngàn lần về biển

Về tình yêu không có bến bờ

Vẫn khát khao như chưa từng được nếm

Vị mặn mòi của biển cả - nàng thơ

Anh đã viết cả ngàn lần về biển

Mà vẫn đắm say trước mây nước ngàn trùng

Những câu thơ chứa đầy trải nghiệm

Vẫn cháy bỏng khát khao yêu đến tận cùng.

3.

(Với Khải Nguyên, tác giả “Khao khát”)

Biển ngủ rồi

Nhưng ta vẫn thức

Chờ trăng lên từ biển - phía chân trời.

Dẫu đêm nay trăng lại khuyết thêm rồi

Không tròn sáng, không còn thơ mộng mấy

Thì vẫn hơn cả ngàn sao đang nhấp nháy

Đăm đắm nhìn ta bằng ánh mắt đưa tình...

Biển ngủ rồi, ta chưa hết chòng chành

Con sóng giữa lòng ta vẫn dâng trào lên mãi

Thuyền buông neo, người nằm im trên bãi

Mà cánh buồm tình ái vẫn ra khơi...

TÔ CHÂU

Thái Hồ(1) mây nước mênh mang

Uy nghi thành ngự(2), mơ màng liễu buông

Xa xa mờ ảo trong sương

Hiện lên ráng lửa chiến trường năm nao!

Tô Châu như dải lụa đào

Nhìn vào dịu mắt, chạm vào mát tay!

Phong Kiều(3) bến cũ người nay

Nỗi sầu Trương Kế(3) vơi đầy Hàn San…

Tô Châu, 28-11-06

ĐIỀU ƯỚC

TRONG NGÀY VALENTINE

Ước gì mình mãi có nhau

Mà không giây phút làm đau tim người

Ước gì trở lại một thời

Khi ta chưa kịp thề lời nước non

Ước gì năm tháng vẫn còn

Đủ cho ta được chết mòn vì nhau

Ước gì hóa kiếp trầu cau

Để ta quấn quýt ngàn sau không rời…

14.02.2007

NGÀY MƯA BÃO

Bầu trời giận ai mà giấu sắc trong xanh

Cho mặt đất ngậm ngùi trong nước mắt?

Em của anh, nắng vui sao nỡ tắt

Ðể nỗi u buồn phủ lạnh nơi anh?

SÔNG NHỚ

Đò qua sông. Mỗi người một ngả

Anh ra đi ngược dòng sông nhớ

Nhớ bến đêm nào hai đứa thức canh thâu

Không bức tường con che chắn nụ hôn đầu.

XÔN XAO

Nhớ em vượt ngàn dặm đất

Gặp em chìm đắm bến sâu

Ngụp biển thu chiều xanh ngắt

Xôn xao sóng bạc trên đầu...

QUÊ EM

(Cũng họa thơ Minh Nguyệt)

Quê em trăng tròn mỗi tối

Hương lúa ngày mùa thoảng bay

là bờ ao cành bưởi

Chùm hoa hái ướp khăn tay

Khế ước” tình yêu nông nổi

Ngọt ngào tới tận hôm nay.

Cho ta một chiều bình lặng

Con mình từ đó ra đời

Trèo non, thấy trăng sắp lặn

Hái trăng, cất giữ trong người

Mỗi khi nhắc về chuyện ấy

Ngày buồn cũng hóa thành vui.

NHẸ NHÀNG

(Họa thơ Minh Nguyệt)

Nhẹ nhàng như lời Trăng

Làm liêu xiêu lòng Cuội

Nhẹ nhàng làn gió thổi

Buốt lạnh cả cánh đồng.

Nhẹ nhàng tựa hư không

Phủ căn nhà hoang vắng

Nhẹ nhàng như khoảng lặng

Ngồi nhớ về ngày xưa...

Nhẹ nhàng điệu đong đưa

Thắp lên niềm háo hức

Bất ngờ rơi xuống vực

Vờ nhẹ nhàng như không!

20-01-07.

CHÙM THƠ VIẾT Ở BẮC KINH

1.

Chúng tôi đến Bắc Kinh một chiều giá rét

Tuyết đầu mùa bất chợt trong đêm

Các bạn tôi reo vui lần đầu thấy tuyết

Tôi lặng ngồi ấm áp nhớ về em.

2.

Vạn lý trường thành mờ sương lạnh

Tấp nập khách thăm đủ màu da

Mọi người thi nhau làm hảo hán(*)

Tôi muốn lên cao để nhận sóng từ xa.

3.

Tử Cấm Thành dân thập phương chen chúc

Chờ một lần được thử ngai vua

Trước vạn căn phòng xa hoa tôi chỉ ước

Có một góc ngồi nghe chuyện ngày xưa…

4.

Di Hòa Viên Càn Long xây tặng mẹ

Rộng mênh mông và cảnh sắc mê hồn

Giá có em giờ này cùng tôi nhỉ:

“Vườn nhà mình lớn rộng vạn lần hơn…”

Bắc Kinh, 26.11.06

() Lời Mao Trạch Đông: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa tới Trường thành chưa phải là hảo hán)

ANH XIN LÀM NGỌN GIÓ

(Ai sẽ là người đàn ông

bốn trong một của em? – XH)

Anh không muốn là nước

Gặp nhiệt để bốc hơi

Anh không muốn là đất

Em giận, giẫm vụn tơi.

Anh cũng không mong ước

Làm cây cho người trèo

Anh không là vàng bạc

Làm nhẫn để em đeo

Anh xin làm ngọn gió

Thổi bùng ngọn lửa em

Anh xin làm thảm cỏ

Dịu mát đỡ lưng mềm…

TIẾNG CƯỜI CỦA EM

Anh đã quen nghe giọng nói tiếng cười

Mỗi ngày không gọi nhau vài lần thì nhớ

Thu Sài gòn sáng ra đường nhiều gió

Chỉ lo em dễ cảm lạnh giống mình

Giọng nói em thanh như ngọc, lung linh

Tiếng cười em quá hồn nhiên trong sáng

Nghe em nói nơi lòng anh chợt ấm

Để lại sau lưng bao lo lắng thường ngày

Em cứ hồn nhiên như cỏ như cây

Như mưa hạ, như chiều thu ngập nắng

Cầu cho em dù ngọt ngào, cay đắng

Nụ cười hiền vẫn ấm áp trên môi

Cám ơn em, cám ơn cuộc đời

Cho anh gặp uống say lời thơm ngọt

Để đêm đêm trong cơn mơ bất chợt

Bỗng mỉm cười như đang được bên em!

ĐI LỄ CHÙA

Dắt nhau đi lễ chùa xa

Thắp hương khấn Phật, dâng hoa Thánh hiền

Cầu xin gia cảnh bình yên

Cầu xin mình được lâu bền bên nhau

Cuộc đời dù lắm bể dâu

Sướng vui thì có, thương đau thì đừng…

Đi xa mấy chục dặm đường

Về nhà còn đọng mùi hương vườn chùa.

SAO TÔI LẠI GẶP EM?

Từ lúc gặp em

Tôi không muốn làm “mai” nữa

Dẫu biết thế là đùa với lửa

Nhưng trái tim tôi chẳng nói dối bao giờ

Tôi thầm tiếc đã có lần nhanh nhảu nói hộ bạn thơ

Điều đáng lẽ dành cho mình mới phải

Để chiều nay tự trách sao khờ dại

Biển Hòn Rơm ủ nóng lửa phương nào?

Sóng dưới chân khe khẽ rì rào

Sóng trong ngực gầm gào như bão bể

Những tưởng tránh lòng mình thì ra Mũi Né

Mà con sóng vô hình phủ trọn cả ngày đêm

Tôi tự vấn mình: sao lại gặp em?

Mũi Né, 11.2006.

NÓI VỚI EM

Lại một Tết, một mùa Xuân côi cút

Côi cút một mình giữa tổ ấm và em

Bởi lỡ để vuột tầm tay hạnh phúc

Anh thành người nửa dại nửa điên.

Anh lầm tưởng gần nhau thì xích lại

Những cách ngăn, giá lạnh sẽ lui dần

Bởi chân thật nên tình anh vụng dại

Cứ ngu ngơ chẳng biết nẻo xa gần!

Chân lạc bước giữa bể đời đen bạc

Mắt vẫn thấy em thăm thẳm phía sao trời

Giữa hai ta là hố sâu ngăn cách

Anh tuyệt vọng nhìn, em ơi!

Anh muốn nhảy liều sang để được bên em

………………………...…………… ….cho bõ nhớ

Để được vuốt xanh từng sợi bạc nơi vầng trán em

…………………….....……… ..đang thắt nghẹt tim anh

Để được hôn lên đôi mắt em

………………..…………dường chỉ còn ánh lửa giận hờn

Để được hôn đôi môi đang héo khô

……………...………… những khúc tình ca

…………………......……….một thời làm tim anh ngây ngất.

Nhưng em ơi anh chẳng thể làm gì

………………………………… .trước muôn vàn điều ước

Bởi niềm tin nay đã cạn rồi

Mặc cảm này đeo đẳng mãi không thôi.

…………………*

Lại một Tết anh một mình côi cút

Giữa căn nhà trống vắng ngóng trông ra

Càng thương em những năm dài mơ ước

Tự tay ta tạo dựng một nếp nhà...

TP. Hồ Chí Minh, 1994.

TÔI LÀ NGƯỜI GIÀU CÓ

Bạn bè gặp nhau bây giờ

Thường hỏi thăm nhau có bao nhiêu đất, mấy căn nhà?

Sở hữu mấy mươi ngàn cổ phiếu?

Tôi không đất đai, chỉ có căn nhà nhỏ xíu

Sàn chứng khoán với tôi là khái niệm xa vời

Cơn sốt đất nhà không nóng tới đầu tôi

Giá cổ phiếu không mảy may làm tôi xao động.

Tôi bằng lòng với quãng đời đang sống

Vì chẳng mấy người giàu có như tôi:

Các con tôi, đứa đã vững bước vào đời

Đứa bé nhỏ cũng vừa vào lớp một.

Anh em chúng dù không bên nhau thường nhật

Vẫn luôn nhắc tới nhau mỗi lúc vui buồn

Anh cả đi xa, bé út nhớ bồn chồn

Chat với anh mà khóc nhè đòi anh bay từ... Mỹ về để gặp!

Mỗi một năm có bốn lần sinh nhật

Là dịp các con tíu tít cười đùa

Út nằm viện, chị vào thăm cho quà

Bé vui sướng: “Em thật là may mắn!”

Tôi tự thấy mình giàu bởi nhiều bè bạn

Càng giàu hơn rất nhiều nhờ những đứa con

Dẫu đôi khi có đứa khiến tôi buồn

Tôi vẫn biết mình tự hào về chúng!

24.3.2007.

CHIỀU BẾN SÔNG

Chiều bến sông anh ngồi bên em

Lắng nghe trong lòng con nước lên

Đôi bờ vai trượt nghiêng câu hát

“Biển một bên và em một bên”(*)

Chiều Sài Gòn anh ngồi bên em

Trăng vàng sóng sánh mặt sông êm

Kề má nhau cùng nghêu ngao hát

Thoang thoảng hương sen mái tóc mềm.

Chiều bến sông chúng mình bên nhau

Thời gian trôi qua mau thật mau

Lục bình tím biếc trôi lặng lẽ

Trăng cũng dần nghiêng phía dốc cầu.

Chiều bến sông chúng mình bên nhau…

(*) Câu thơ của Trần Đăng Khoa

2002

ANH CHẲNG THỂ QUÊN

Anh chẳng thể quên đâu

Chiều bến sông sóng vỗ

Bồi hồi từng hơi thở

Em thầm thì thương anh.

Em như làn sóng xanh

Anh như con thuyền cũ

Sóng mơn man, vần vũ

Thuyền chòng chành bão giông.

Thế mà giờ nói “không”

Sóng đã thành xa ngái?

Thuyền nay không còn lái

Biết trôi dạt phương nào?

Từng ngày ngóng đợi nhau

Con mắt thuyền phai nhạt

Sóng không thôi rào rạt

Sông thu vàng mênh mang.

2002

TRỞ LẠI ĐÀ LẠT

Mười tám năm mới về thăm lại

Vẫn thấy bâng khuâng như đến lần đầu

Bước chân anh bồn chồn leo phố núi

Hoa thì nhiều mà em ở nơi đâu?

Sơn thủy vẫn hữu tình, suối chảy thông reo

Dáng cương trực, nét dịu hiền hòa quyện

Anh không tiếc chưa đi khắp năm châu bốn biển

Chỉ tiếc lần này chẳng có em theo.

1994.

GẶP LẠI

Sau mười năm gặp lại

Càng yêu hơn thuở nào

Gần: trộm nhìn em mãi

Xa: bồn chồn, nôn nao !

Em cho anh lại sống

Những tháng ngày mộng mơ

Em lấp đầy khoảng trống

Nơi hồn anh bơ vơ.

Xin cám ơn số phận

Cho mình gặp lại nhau

Sau nửa đời lận đận

Với bao niềm thương đau.

1996.

ANH MUỐN LÀM PHẦN THIẾU ĐỜI EM

Anh hư quá, cứ thầm thương trộm nhớ

Như thủa nào tuổi vừa mới đôi mươi

Cũng e ấp, cũng ngượng ngùng, bỡ ngỡ

Cũng bồn chồn mong ngóng bóng hình ai...

Em vẫn đẹp như mười năm về trước

Dẫu thời gian in dấu dáng vai gầy

Dẫu đôi mắt một nỗi buồn man mác

Dẫu mái đầu những sợi gió thôi bay.

Em vẫn thế dịu dàng, mềm mại

Cả khi em lảng tránh cái cầm tay

Cả khi em rầy la con gái

Mải mê phim quên việc học bài!

Em vẫn đẹp trong nỗi niềm cô độc

Xót duyên tình mà không chút kêu ca

Giữa Sài gòn em một mình nuôi con, theo học

Anh muốn được là thầy, là bạn, là cha...

Biết không em? Từ phút đầu gặp lại

Anh nguyện làm cái phần thiếu đời em

Bởi anh hiểu ta cần nhau mãi mãi

Và mãi bên nhau sau bao cuộc kiếm tìm...

1996.

ĐỪNG GỌI ANH LÀ THẦY

Đừng gọi anh là “thầy”

Để bớt phần ngăn cách

Đừng coi anh như khách

Mỗi lần đến bên em.

Anh tựa như cánh chim

Đã tìm về chỗ đậu

Dù vẫn còn giông bão

Luôn rập rình đâu đây.

Em như là nhành cây

Giữa ngút ngàn xanh lá

Và em ơi, kỳ lạ

Anh đến rồi, hết bay!

Đừng gọi anh là “thầy”

Đừng coi anh như khách

Sau bao năm đèn sách

Anh xin làm trò em...

1996.

HÀ NỘI THU VỀ

Nguyên Hùng

Thu về lãng đãng hồ Tây

Giăng mờ mặt nước sương, mây la đà

Thu về hối hả Hồng Hà

Mênh mang cuồn cuộn phù sa đỏ ngầu

Thu về theo hạt mưa ngâu

Lúc thưa lúc nhặt nhịp cầu hoài mong

Thu về theo gánh hàng rong

Chuối, hồng cùng với cốm Vòng, lá sen…

Thu về tôi lại nhớ em

Một thời hương bưởi đọng trên tóc thề

Bây giờ dẫu chẳng là gì

Vẳng nghe sấu rụng vẫn se se lòng

Nhớ ngày em đi lấy chồng

Heo may cũng nổi bão giông Bờ Hồ…

14.9.06

THƯỢNG HẢI

Tháp Minh Châu(*) sáng ngời như tên ngọc

Đột ngột vút xuyên rừng cao ốc Phố Đông

Nơi đây hai chục năm về trước

Như Thủ Thiêm lúp xúp của Sài-gòn

Đường Thượng Hải tầng tầng bao cầu vượt

Xe như nêm không chỉ lúc tan tầm

Đêm Hoàng Phố đèn lung linh mặt nước

Phố lẫn thuyền dễ lạc lối khách thăm…

Thượng Hải, 29-11-06

_______________

(*) Tháp Minh Châu Ðông Phương là tháp truyền hình cao nhất châu Á và cao thứ ba trên thế giới, được xây dựng tại khu phố Đông, nơi hai mươi năm trước vốn được coi là khu kém phát triển của Thượng Hải.

HÀNG CHÂU

Liễu đào xoắn xuýt Tô Đề(1)

Tây Hồ thơ mộng đến mê mẩn lòng

Nước dù xưa cũ vẫn trong

Cây xanh cứ mướt mặc đông đã gần

Đình Hồ Thu Nguyệt(2) mỗi rằm

Khách xa lũ lượt ngắm trăng nhìn trời…

................*

Nơi đây yên nghỉ một người

Từng làm đổ lệ người đời vì thương

Viếng nàng không khói không hương

Miên man tiếng sóng Tiền Đường cuối thu…

Hàng Châu, 30.11.06

_____________

(1) Tô Đề: Đê Tô Đông Pha, tức đê do nhà thơ họ Tô khởi xướng. Ở Tây Hồ còn có Bạch Đề, tức đê do Bạch Cư Dị khởi xướng.

(2) Tại Đình Hồ Thu Nguyệt (một đảo giữa Tây Hồ), vào lúc trăng sáng người ta có thể ngắm một lúc rất nhiều ông trăng được tạo ra từ tháp "Tam Đàn Ẩn Nguyệt".

NHỚ NGHỀ THẦY

Đã xa giáo án mười năm

Bấy năm viên phấn thôi cầm trên tay

Từ ngày tạm biệt nghề thầy

Bớt khàn giọng nói, đỡ gầy dáng đi

Cũng thôi khó xử những khi

Gặp trò xinh đẹp mà thi lại xoàng...

Từ ngày thôi chức “giáo làng”

Kiêng dè thì bớt, “mở mang” được nhiều

Gặp ai thấy thích thì yêu

Chẳng cần phải giấu những điều khó nghe

Khi vui, thoải mái cụng ly

Khi buồn, bức xúc sợ gì không văng…

Đã rời bục giảng mười năm

Buồn vui nghề giáo âm thầm mang theo

Bây giờ dù chửa hết nghèo

Đến đâu cũng nhận thật nhiều tình thâm

Học trò mái tóc hoa râm

Gặp thầy chạy đến ôm chầm, reo vui!

(Mắt nheo, sờ trán một hồi

Có người quên mặt, có người quên tên)

Mấy cô trò cũ thì khen:

“Thầy trông vẫn thế! Chúng em cũ xì…

Hẳn thầy có bí quyết gì

Mà sao ngày ấy lờ đi hả thầy?”

Mỗi năm cứ đến dịp này

Trong tôi lại gọi: ôi Ngày Xưa ơi!

20.11.2006

NGƯỜI ẤY KHÔNG CÒN BÊN TÔI NỮA

Tôi có người yêu rất đáng yêu

Tôi ôm không chán, tôi nâng niu

Em chẳng rời tôi dù nửa bước

Tôi chẳng xa em dẫu một chiều.

Tôi có người yêu rất thông minh

Mọi việc em làm cứ nhẹ tênh

Em biết mọi điều tôi cần biết

Giúp tôi cả việc viết thơ tình.

Tôi có người yêu rất dịu hiền

Chia sẻ cùng tôi mọi ưu phiền

Những lúc tôi vui cười thành tiếng

Em chẳng bao giờ bảo tôi... điên.

Tôi có người yêu rất tuyệt vời

Chẳng biết ghen tuông, chẳng ỉ ôi

Cả khi tôi áp vai người khác

Em chỉ nín im một góc ngồi.

Tôi có người yêu hơn người yêu

Tôi cưng tôi quý nhiều thật nhiều

Người ấy bây giờ theo kẻ khác

Em đã bỏ tôi giữa một chiều!

05.01.07