Hầm Hô ở Bình Định

Non nước Hầm Hô

Hầm Hô là khu di tích - danh thắng thuộc thôn Phù Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 55 km về phía tây bắc. Nằm trong lòng sông Kút, trên thượng lưu sông Đá Hàng đổ ra sông Kôn có dòng nước quanh năm xanh biếc, Hầm Hô có vẻ đẹp kỳ vĩ. Trước mắt du khách là cảnh núi rừng trùng điệp. Hai bên bờ suối: rừng cây nguyên sinh rợp bóng mát với những vách núi dựng đứng. Lòng sông với những dãy đá hoa cương có nhiều hình thù kỳ dị, nhấp nhô, hòn đứng, hòn nằm muôn màu lóng lánh, rực rỡ tạo nên một kho tàng đá khoe mình bên làn nước trong xanh.Có những cụm đá nhìn tựa đàn voi đang tắm. Có những dãy đá trông như bầy ngựa đang phi. Có tảng đá giống như con cá sấu khổng lồ đang há miệng săn mồi, cùng biết bao hình thù kỳ thú khác hài hoà mà ngoạn mục đến mức không có một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc tài danh nào có thể dựng nổi. Những khối đá vô tri như sống động, như có hồn được bao phủ bởi rêu phong của thời gian, bởi huyền tích do con người thêu dệt.Thắng cảnh Hầm Hô rộng lớn có diện tích hàng nghìn mét vuông.Con người dường như nhỏ bé trước không gian mênh mông khi đến đây. Đến với Hầm Hô du khách khám phá và thưởng ngoạn những địa danh sử thi lãng mạn như: đá Thành, đá Bàn Cờ, đá Chũm, đá Dựng, đá Trái, cửa Sanh, cửa Tử, thác Cá bay, vũng Cá rói, hòn Trào, hòn Vò rượu, dấu chân Khổng lồ v.v...Tất cả luôn tạo cho du khách cảm giác tươi mất, sảng khoái khó ngờ. Có thể nói cảnh quang, trời mây sông nước Hầm Hô thật " Sơn thuỷ, hữu tình ". Càng đi vào sâu, cảnh vật càng kỳ thú, hương rừng ngào ngạt, chim hót véo von, tạo cho du khách cảm giác rất thi vị.

Hầm Hô ! tiếng gọi dân dã có từ lâu đời diễn tả một sự kiện có thật xãy ra trên đoạn sông này từ xưa. Đó là: hàng năm vào thời điểm nóng nhất của mùa khô, lúc mọi người mong đợi mưa thì ngay đoạn sông này vào ban đêm, ngoài âm thanh bình thường của gió rừng, nước chảy còn có những âm thanh lạ lùng trỗi lên rất rõ như tiếng nhiều người cùng nhau hì hầm, hô hoán lên ! Sau đó một thời gian ngắn sẽ có mưa, thoả lòng mong đợi của bao người. Từ những tiếng hô hoán như vậy nên đoạn sông này được gọi Hầm Hô, xuất phát từ cụm " hô phong hoán vũ" mà ra. Cho dù sau này có rất nhiều cách giải thích khoa học, song hai tiếng Hầm Hô vẫn là tiếng gọi linh thiêng đọng lại trong tâm trí con người nơi đây.

Hầm Hô với nhiều tên gọi: " Cửa ngõ của một thiên đường ", " duyên dáng nét ngọc Hầm Hô "," Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên", " Hầm Hô thạch Trụ " quả thực có sức hấp dẫn rất lớn đối với mọi du khách.. Ngoài sự tạo hoá của thiên nhiên từ hàng ngàn năm để Hầm Hô... nên duyên, bây giờ bắc qua dòng suối còn có những chiếc cầu duyên dáng; Dọc theo triền núi bên suối, những nhà nghỉ xinh xắn ẩn mình dưới tán cây xanh, nơi dành cho du khách những giờ phút thư giãn, nghĩ ngơi. Đến với Hầm Hô, du khách có thể đắm mình trong dòng suối mát lành, bơi lội, leo núi, câu cá, bơi thuyền, đốt lửa trại...và thưởng thức những món cá tươi ngon rất dồi dào ở dòng suối này, trong đó cá mương chiên giòn ăn với lá non lộc vừng cuốn báng tráng là đặc sản của Hầm Hô.

Ngoài những danh lam, thắng cảnh đẹp, hấp dẫn, Hầm Hô còn có địa thế hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, nghĩa binh Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng và là nơi hoạt động của lực lượng Cách mạng ở địa bàn tây nam huyện Tây Sơn những năm chống Mỹ cứu nước.Thế mạnh của Hầm Hô laö một danh thắng ngay cạnh những di tích lịch sử:: Bảo tàng Quang Trung, các Tháp Chàm, nhà từ đường của các võ tướng thời Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng...

Hầm Hô yên tĩnh với nhiều cảnh quan đẹp, kỳ ảo, hấp dẫn là điểm nghĩ lý tưởng cho du khách muốn hoà mình vào thiên nhiên hoang dã, tham quan và nghỉ ngơi.

Hầm hô - thắng cảnh và du khách

Soi bóng Hầm Hô

* Nguồn ảnh : Nguyễn Xuân Tư và Đào Tiến Đạt