Marrakech

Ta có thể không biết đến Maroc, nhưng không thể không biết cái tên Marrakech. Có thể nói Marrakech giống như đôi mắt to, sắc sảo của người phụ nữ Maroc, mới đầu làm người ta ngần ngại, nhưng càng nhìn sâu vào đôi mắt ấy thì càng bị quyến rũ trước một vẻ đẹp thăm thẳm và huyền bí . Marrakech không thu hút người đến ngay trong lần thăm đầu tiên bởi cái cảm giác đề phòng đè nặng : thành phố tai tiếng với các tệ nạn trộm cắp, lừa lọc, chém giết, hối lộ, hàng giả... Nhưng chỉ cần hiểu đôi chút về thành phố và con người ở đây để có thể quên đi cảm giác này, định sẵn trước và theo đúng chương trình thăm đã vạch ra thì mỗi điểm đến sẽ là một phát hiện bất ngờ về một lịch sử, một văn hóa, một kiến trúc và một phong tục vô cùng đặc sắc để rồi khi rời thành phố lòng phải luyến tiếc về khoảng thời gian ngắn ngủi không đủ để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp ở đây và thầm hẹn sẽ có ngày quay trở lại với thành phố huyền thoại nghìn lẻ một đêm...

Thành phố được chia làm hai khu khác biệt : Guéliz là thành phố mới, được xây dựng bởi người Pháp sau này, mang kiến trúc hiện đại, là trụ sở của các công ty nước ngoài, các ngân hàng và ủy ban hành chính, các hãng du lịch và thương mại cao cấp. Người tới đây không thể bỏ qua vườn Majorelle độc đáo có ngôi biệt thự của nhà thời trang vĩ đại người Pháp Yves St Laurent, giống như một nhà bảo tàng xinh xắn trưng bày bộ sưu tập tư nhân giá trị của ông. Đại lộ Mohammed V. dài 3 km nối Guéliz và La Medina (thành phố cũ), nơi ngự trị lăng tẩm của bảy vị Thánh, được người dân ở đây tôn sùng là đất Thánh.

Vườn Majorelle nơi có ngôi biệt thự của Yves St Laurent

Ngược về thế kỷ XII, Marrakech lúc bấy giờ là kinh đô cổ Berber dưới các triều đại Almoravides và Almohades nằm trên miền đồng bằng « Haouz », được bao bọc bởi 19 km tường thành màu đỏ xây nên từ cát hồng và vôi nhằm thay thế hàng rào gai để bảo vệ các trang trại đầu tiên của người Almoravide. Những trang trại này gồm các bộ lạc quanh núi Atlas, những du mục của sa mạc Sahara, những bộ tộc châu Phi bại trận và các nô lệ da đen... (Ta có thể nhận thấy người dân của Marrakech ngày nay có màu da đen sậm hơn so với dân các vùng khác của Maroc). Bức tường tượng trưng cho sức mạnh của thành phố với 200 pháo đài vuông, chín cổng thành đồ sộ dẫn vào La Médina, một kiệt tác của kiến trúc thời Trung đại.

Bức tường thành màuđỏ

Qua khỏi cổng tường thành, sừng sững ngọn tháp của Thánh đường Hồi giáo Koutoubia, với chiều cao 77 mét, được mệnh danh là tháp Eiffel của Maroc, là một công trình nghệ thuật đẹp nhất Bắc Phi, điển hình của kiến trúc Tây ban nha Hồi giáo (hispano-mauresque). Truyền thuyết kể rằng khi mới được xây, Koutoubia bị chảy máu, màu máu đỏ ngấm lên các tường thành, nhuộm đỏ các địa danh làm nên cái tên « Al Hamra » (Đỏ) và trở thành màu của nền cờ Maroc. Marrakech (tiếng Ả rập là Marakush) cũng là gốc của tên nước Marocco. Tháp được xây bằng những tảng đá hồng với nghệ thuật trang trí các đường viền cong xen kẽ với sơn hoa tiết họa, trạm khắc hình triện tròn. Bốn quả cầu bao quanh đỉnh tháp với quả cầu lớn nhất có chiều ngang 2 mét, là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Truyền thuyết cũng kể rằng những quả cầu đó ở trong bằng vàng, có phép màu nhiệm để giữ cân bằng cho toà Thánh đường, được đúc bằng nữ trang của một hoàng hậu đời vua Yacoub el Mansour. Nàng làm việc này để sám hối vì một ngày đã không theo đúng những nguyên tắc của lễ Ramadan.

Thánh đường Hồi giáo Koutoubia

Muốn thấy được vẻ đẹp trọn vẹn lung linh của Koutoubia, phải đợi lúc hoàng hôn buông xuống. Bốn phía của ngọn tháp trạm khắc khác nhau ẩn hiện qua ánh sáng huyền ảo của đêm.

Dọc theo một con đường nhỏ rợp bóng cây với những trái cam vàng trĩu nặng là điện La Bahia (Người đẹp). Sidi Moussa là quan thừa tướng dưới triều đại Moulay Hassan. Phủ điện mang tên người đàn bà được ông sủng ái nhất, là một trong 24 chánh phi của ông, được xây vào năm 1880, kết thúc sau 7 năm là tinh hoa nghệ thuật của những bàn tay thợ giỏi nhất được tuyển chọn kỹ lưỡng trên toàn xứ, tích tụ nguyên vật liệu quý hiếm thời đó, với 160 sảnh điện và khuê phòng, được bao quanh bởi 8 ha vườn xanh tĩnh lặng um tùm nhiều cam, nhài, bách, cọ.... Ngoại sảnh được lát bằng đá hoa được chuyển đến từ Meknès, có chiều dài 50 mét, rộng 30 mét, nằm giữa những hàng cột khắc chạm tinh tế, được trang điểm bằng ba bồn phun nước. Nội sảnh được lát bằng đá hoa Ý. Kiến trúc điện mang đậm ảnh hưởng kiến trúc Andalousie được thể hiện qua các mosaic trên các vòm trần, các cánh cửa, duyên dáng, cầu kỳ, sang trọng. Ngoài các khu vườn riêng dành cho bốn người vợ và 24 ái nữ, quan thừa tướng ưu ái cho nàng La Bahia rất nhiều khoảnh vườn thanh nhã nhất và vô số những khuê phòng được trang điểm kỳ công nhất.

Điện La Bahia (Người đẹp)

Do phải mua lại từ từ đất và nhà xung quanh để xây điện nên kiến trúc của điện không có sự thống nhất về tổng thể. Người thăm nhận được sự khác biệt trong cách trang trí giữa các khu vực khác nhau, nơi trang nghiêm đằm thắm, nơi màu sắc vui tươi, có thể là để chiều theo tâm trạng của các mỹ nữ trong điện.

Rời phủ điện «Người đẹp », lạc trong mê cung của vô số các phố nhỏ với các tường thành rắc rối của các điện, các phủ, các tòa thánh bao quanh Hoàng cung dưới cái nắng nóng của miền sa mạc, hương hồn các vua, các hoàng tử, công chúa sẽ đưa đẩy, hút chân bạn đến lăng tẩm của triều đại Saadiens.

Lăng tẩm của triều đại Saadiens.

Đây là một di chứng lịch sử của một triều đại chìm trong tội ác, chém giết, đầu độc và phản bội lẫn nhau được xây từ thế kỷ XVI. Bị bỏ rơi gần hai thế kỷ, phải tới năm 1917, lăng tẩm mới được khám phá và mở cửa đón công chúng. Toàn khu lăng tẩm nằm giữa một khu vườn đầy hoa, là biểu tượng cho thiên đường của Thánh Allah. Tòa mộ chính gồm một sàn riêng được chia làm ba gian bởi những cột đá hoa trắng. Sàn thứ nhất với vòm trần uốn cong được trang điểm bằng nhũ đá trụ trên bốn cột đá hoa xám làm sàn cầu nguyện. Một tháp sáng nhỏ xuyên tường dẫn ánh sáng vào. Mộ vua Ahmed el- Mansour đặt ở sàn giữa cùng các vua kế vị với 12 cột đá hoa (một cân đá thời đó đổi bằng một cân mía). Sàn thứ ba dành cho các hoàng tử chết yểu, các công chúa, hoàng hậu, phi tần... Phía ngoài là các ngôi mộ đá của quân hầu và lính có công với triều.

Kiến trúc nội sảnh của lăng tẩm

Trước khi rời La Médina, hãy ghé thăm Quảng trường Jamaâ El Fna được dịch là « Hội tận thế », hay là «quảng trường mất trí nhớ ... Người ta kể, ngày xưa, có một tòa Thánh đã bị sụp đổ tại đây trong khi tất cả các ngôi nhà xung quanh còn nguyên vẹn, giống như một sự trừng phạt của Thánh. Thuở ấy, đây cũng là nơi chém và phơi đầu các tội phạm để làm gương. Người đi qua lại quảng trường nặng mùi chết chóc này đều sợ hãi, nỗi sợ hãi ám ảnh vô hình làm cho con người mất tỉnh táo, không còn ý thức được ngay cả mình là ai. Nhưng đây là ngã tư qua lại không thể tránh khỏi để tới các điểm khác, tới các Souks (tiệm, cửa hàng) nên dần dần quảng trường đã trở thành một cái chợ khổng lồ, trung tâm buôn bán, văn hóa, du lịch của Marrakech. Nơi đây có những người kể các câu chuyện huyền thoại li kỳ, có những màn biểu diễn dạo lạ lùng, tập hợp các sáng tạo độc đáo từ kịch nói đến âm nhạc, thể hiện một cách phong phú bản sắc văn hóa truyền thống. Vào lúc hoàng hôn, khoảng 18 giờ, khách du lịch nếu tới đây lần đầu giật mình khi thấy từ các ngóc ngách của các phố nhỏ đến các đại lộ, từng đoàn người đổ ra đi về hướng của quảng trường. Cuộc sống nhộn nhịp lễ hội của thành phố chỉ bắt đầu lúc này. Những người biểu diễn vui tính, đầy thiện cảm, mời mọc khách xem tham gia vào các màn trình diễn. Khói bếp trắng dày đặc bốc lên nghi ngút từ các quán ăn, ngào ngạt thơm mùi các món lạ làm cho khách thấy bụng đói cồn cào.

Quảng trường Jamaâ El Fna

Là một thành phố thủ công, các Souks của La Médina đưa người ta về với những câu chuyện của nàng Sheherazade với vô số các mặt hàng truyền thống mang đậm phong tục của người dân ở đây : trang phục cổ truyền, đồ trang sức, hàng da làm theo cách thức gia truyền, những tầm thảm kỳ công, đèn làm bằng da cừu...

Với khoảng cách ba giờ bay tính từ Paris, giá vé khoảng 140 euros trọn thuế, Marrakech là một trong những điểm du lịch ưa chuộng nhất của người châu Âu. La Médina được Unesco ghi nhận là một Di sản thế giới năm 1985.

Thanh Trà - Bài đã đăng trên báo Nhịp cầu Trí thức, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia.Ảnh: Nhiều nguồn.