BRIAN EYLER-NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG SÔNG MEKONG VĨ ĐẠI

Vì sao sông Cửu Long (Mekong) đến cực nam lại cạn dòng, trơ đáy? Cần đi nghiên cứu thực địa từ thượng nguồn và hiểu lịch sử những con đập trên suốt dòng Mekong là điều chúng ta, mỗi người đều muốn tự trãi nghiệm. Một chuyên gia nổi tiếng trong giới nghiên cứu vấn đề này, BRIAN EYLER, đã thực hiện chuyến đi đó và viết nên cuốn sách “Last days of the mighty Mekong”- Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong vĩ đại". Brian Eyler là một chuyên gia về các vấn đề xuyên biên giới ở khu vực sông Mê Kông và chuyên về hợp tác kinh tế của Trung Quốc với Đông Nam Á cũng là thành viên cao cấp và Giám đốc chương trình Đông Nam Á. Ông là người đồng sáng lập trang web có ảnh hưởng EastBySoutheast.com. Mời bạn theo chân Brian, khởi đầu từ cao nguyên Tây Tạng.

Người dịch cuốn sách này là một con mọt sách, một bạn trẻ, KIẾN PHƯỚC NGUYỄN TẤN, “thày giáo dạy kèm” tiếng Anh cho tôi mấy năm gần đây, vốn yêu ĐBSCL quê mẹ thiết tha nên bắt gặp cuốn sách giữa lúc bà con nông dân quê anh khốn khó trăm bề vì hạn, ​​mặn, anh quyết định bắt đầu dịch cuốn sách.

Cuốn sách này viết về lịch sử của sông Mekong (mà ĐBSCL ở hạ lưu) từ những ngày còn là vùng rừng thiêng nước độc, cho đến tình trạng hiện nay bị đập thuỷ điện băm nát. Hạn hán và xâm nhập mặn đều có thể nói từ việc phá huỷ sông Mekong mà ra. Mở đầu, tác giả đi về thượng nguồn, lên dãy Kawagarbo (Tây Tạng) để tìm về lịch sử của sông Mekong.

CHƯƠNG I. YUBERG-THIÊN ĐƯỜNG CUỐI CÙNG

Làng Yubeng ở Tây Tạng nấp mình ở lưng chừng vách núi Kawagarbo linh thiêng của tỉnh Vân Nam Trung Quốc, cách biên giới Trung Quốc và Tây Tạng chỉ vài cây số. 50 năm trước, để đến làng Yubeng, người ta phải cưỡi ngựa nhiều tháng trời. Sau đó, chừng 20 năm trước, cách duy nhất để đặt chân lên đường độc đạo tới Yubeng, ta chỉ có cách người cõng ngựa, leo lên ròng rọc mà vượt sông Mekong. Ngay cả hiện tại, để đi từ Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam tới Yubeng cũng mất 2 ngày đường, dù đã có cầu bắc thẳng qua sông.

Truyện cổ kể rằng, làng Yubeng được "phát hiện" bởi các thương nhân du mục, trong lúc đi lạc, được 1 người dân điạ phương chào đón và cho ăn (tác giả ghi là người này tặng 1 túi đại mạch). Bản đồ Trung Hoa lúc đó không hề ghi nhận dấu chân người ở hẻm núi này, nên nhóm thương nhân rất bất ngờ. Hỏi nguồn gốc ngôi làng, người dân không trả lời. Họ lén quay lại, nhiều lần, cuối cùng, giữa 3 bề là núi tuyết của đỉnh Kawagarbo, ngôi làng Yubeng nhỏ bé xuất hiện. Người dân Yubeng hoàn toàn không hề biết về thế giới bên ngoài, vì sông cho họ cá, và rừng thiêng bảo vệ họ.

Ngày nay, Yubeng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng; mỗi năm đón hàng ngàn khách du lịch vì cảnh đẹp, hoặc đơn giản vì khách không tin và muốn đến xem tận mắt. Giờ, họ chỉ còn phải leo 9km (trek) từ bờ sông Mekong, rồi băng qua sườn núi Kawagarbo là được.

Một sáng tháng Sáu, 2015, tôi hòa vào nhóm 30 du khách Trung Quốc ăn vận loè loẹt và bắt đầu đến Yubeng. .. Cùng đi, thi thoảng tôi lại thấy những gia đình dân bản địa mặc cà sa, tụng kinh bắt ấn. Từ họ, tôi biết được họ đang hành hương về 1 thác nước thiêng của Phật Giáo trên 1 đỉnh núi khác của dãy Kawagarbo. Trong văn hoá Tây Tạng, dãy Kawagarbo thiêng liêng và có giá trị tôn giáo cao hơn cả đỉnh Everest; nên người địa phương rất coi trọng quá trình này. Bất kỳ người dân Tây Tạng nào, chỉ cần có thể, đều sẽ bước chân đi về thác nước ít nhất 1 lần trong đời (giống Thánh địa Mecca).

Để hoàn tất 240 cây số hành hương (vòng quanh núi, dài hơn đường đi thẳng lên đỉnh), phật tử nghỉ ở tại các nhà nghỉ đơn sơ dọc đường. Những năm gần đây, phật giáo Tây Tạng trở nên phổ biến với người Hán Trung Quốc; và họ vẫn chọn hành trình gian khổ này. Năm 2015 này lại càng quan trọng, vì theo văn hoá dân gian Tây Tạng, năm đó là kỷ niệm năm sinh của thác nước thiêng (diễn ra 12 năm 1 lần, theo lịch Tây Tạng). Ở vùng đất gió tuyết này, từng ngọn cỏ, cành cây đều được cho là có linh hồn và gắn liền với thần linh. Các vị thần bảo vệ dân địa phương khỏi thiên tai, bệnh tật và ma quỷ. Người nào hoàn tất chuyến hành hương đàng hoàng sẽ được thưởng; và nếu vi phạm sẽ bị nguyền rủa.

Chỉ cao 6800m, dãy Kawagarbo không phải đỉnh núi cao nhất Tây Tạng; thậm chí còn không nằm trong top 100 đỉnh núi cao nhất thế giới. Nhưng Kawagarbo luôn là một trong những dãy núi đẹp và linh thiêng nhất. Lời truyền là đấng thiêng liêng cấm leo đến 6 đỉnh của dãy núi và đã có đoàn leo lên, bị tuyết lỡ chôn sống... Năm 2001, chính quyền địa phương quyết định cấm vĩnh viễn việc leo núi vì lý do tôn giáo và văn hoá.

Sau 3 tiếng leo dọc sườn núi bạt ngàn cây thông và đỗ quyên, tôi dừng chân ở "cổng trời" nơi 2 đỉnh, Nữ Thần và Tướng Quân (Goddess & General) của dãy Kawagarbo xuất hiện sừng sững. Một người đàn ông Tây Tạng trung niên, tên Asheng, xuất hiện từ dãy lều dành cho dân hành hương. Trên tay ông là những túm sen tuyết, loại thảo dược quý giúp trị viêm sưng và kéo dài tuổi thọ. Asheng vốn là người Yubeng. Ông bài xích cuộc sống thành thị vì đã đến và ghét bỏ Côn Minh. Với núi rừng, ông có cuộc sống tự do, ngày ngày bán sen tuyết và các sản vật khác như nấm Tùng Nhung hay Đông Trùng Hạ Thảo, những thứ rất được giá ở thế giới bên ngoài. Ông là người hạnh phúc nhất tôi từng được gặp. Asheng động viên tôi hãy cố gắng buông bỏ mọi thứ và về Yubeng tìm kiếm tự do thật sự. Tôi trả lời ông rằng, tôi cần phải đi và tận mắt chứng kiến dòng sông Mekong đã.

TẬN MẮT THẤY NGÔI LÀNG CÔ ĐỘC BÍ MẬT.

Khi vượt qua dốc núi cheo leo, từ từ đi xuống, làng Yubeng hiện ra trước mắt. Từ trên nhìn xuống, mặt trời rọi nắng xuống các đỉnh chùa Tây Tạng phủ vàng. Màu xanh của cây cỏ và những cánh đồng đại mạch phủ khắp thung lũng. 3 mặt là núi tuyết bao quanh, làng Yubeng được chia làm 2 bởi 1 dòng sông nhỏ mà thượng nguồn ở đâu đó trên dãy Kawagarbo. Dọc theo sườn núi là 2 dãy nhà kiểu Tây Tạng, với hàng rào bao quanh để bảo vệ gia súc. Phật kì nhiều màu được treo khắp nơi, trong gió, tạo cảm giác vừa sống động vừa yên bình mà chỉ những ngôi làng cô độc như Yubeng mới có. Nhắm mắt lại, bao quanh tôi chỉ còn tiếng đất trời và tiếng kinh. Trên từng lá phật kì đều được in nhiều câu kinh để ban phước lành cho những người con của Yubeng. Gió thổi, cờ bay, đây thật sự là thiên đường địa giới.

Cuối những năm 90, phần lớn tỉnh Vân Nam vẫn chưa được mở cho khách du lịch nước ngoài. Nhà nghỉ đầu tiên ở Yubeng là của 1 người địa phương tên Ahnazhu.

Lúc đó là người duy nhất nói được tiếng Hoa trong làng, nên Ahnazhu rất thuận lợi trong việc kinh doanh du lịch. Đầu những năm 2000, người Hán Trung Quốc đến Yubeng nhiều hơn, từ đó dần dần dân địa phương cũng đổi nhà họ thành nhà nghỉ để đáp ứng nhu cầu. Mỗi đêm, khi đó, chỉ có giá chưa tới 1 USD và Ahnazhu điều hành hệ thống, lợi nhuận được chia sẻ cho mọi nhà.

Qua nhiều năm, Yubeng dần dần trở thành 1 làng du lịch chuyên nghiệp, đủ sức đón hàng ngàn khách du lịch mỗi mùa cao điểm. Cứ 4 gia đình hợp thành 1 tổ để đón khách. Nhưng rồi tiền làm mờ mắt, người dân Yubeng quay ra nói dối nhau về số lượng khách họ đã đón tiếp, dẫn đến việc không ai tin ai. Rốt cuộc, mô hình chia sẻ trên sụp đổ. Năm 2009, 1 công ty du lịch quốc doanh ở Vân Nam đã mua quyền kinh doanh du lịch ở cả làng Yubeng.

Giờ đây, mỗi ngày Yubeng đón hơn 100 khách du lịch, chủ yếu là người Trung Quốc. Vì sao? Ở Trung Quốc, bạn có bao nhiêu tiền không quan trọng bằng việc quen ai. Người ta thường khoe của qua những buổi yến tiệc hay những món hàng hiệu. Dân Trung Quốc nhìn vô bạn "có gì" (haves) và "không có gì" (have-not). Nhiều người cho rằng, dân Trung Quốc qua Tây Tạng là để lánh xa sự ấu trĩ tiền bạc đó. Nhưng thật ra, Yubeng cũng chỉ là 1 phần trong trải nghiệm, bạn có gì và không có gì. John Osburg, tác giả của cuốn "Anxious Wealth: Money and Morality among China's New Rich", từng viết: Với nhiều người Trung Quốc, trải nghiệm ở Tây Tạng, là 1 hình thức khoe giàu, dù nó đi ngược hoàn toàn với triết lý Phật Giáo.

Do đi đến Tây Tạng khó khăn, nên người Trung Quốc tìm đến các tỉnh Thanh Hải, Tứ Xuyên và Vân Nam cho các trải nghiệm Phật Giáo. Đối với các nhà sử học, dân Trung Quốc xem phật giáo sau triều đại của Mao Trạch Đông là quá kim tiền và thối nát. Nên phật gíao Tây Tạng vô hình trung được nằm ở vị trí cao hơn và đuọc truy cầu nhiều hơn. Từ đó, dân Trung Quốc bỏ tiền ra xây đường, lắp đèn để lên Yubeng và các thánh địa khác dễ dàng hơn.

Trước khi chính thức lên Yubeng, du khách sẽ trú đêm ở chùa Phi Lai. Nếu may mắn đến nơi trong 1 ngày nắng đẹp, bạn có thể nhìn thấy đỉnh Kawagarbo và sẽ bị dụ trả mức giá khủng hoảng 25 đô cho 1 tấm hình chụp giữa 8 tấm phù đồ, tượng trưng cho 8 đỉnh núi thiêng của Tây Tạng.

Đến Yubeng, vào ngày thứ 2, tôi băt đầu chuyến đi dài 8 tiếng lên mảng hồ băng linh thiêng ngay dưới đỉnh Tướng Quân. Trước khi Yubeng có điện năm 2012, dân Yubeng thường giành buổi chiều để đi lấy củi đốt cho ban đêm. Vào mùa cao điểm, mỗi nhà nghỉ được yêu cầu phải có đủ 100kg củi hàng đêm để nấu nước tắm và nấu ăn. Vì vậy, thiên nhiên Yubeng bị đe doạ nghiêm trọng. Mà tthiên nhiên biến mất thì Yubeng cũng sẽ biến mất. Khi cty du lịch Côn Minh tiếp quản Yubeng, họ dự định sẽ tráng nhựa cả đoạn đường lên núi nhưng bị dân làng phản đối vì họ đã đầu tư rất nhiều vô dịch vụ vận chuyển, nếu có đường nhựa đàn ông ở làng sẽ mất việc hết. Vì vậy cho tới giờ Yubeng vẫn chưa có đường nhựa lên núi.

Người dân Yubeng vẫn theo phong tục đa phu (polyandry): một người phụ nữ ở làng có thể lấy nhiều chồng. Dù con trai vẫn được ưu ái hơn do có thể nuôi sống và bảo vệ gia đình, nhưng chế độ đa phu giúp việc có con gái ko bị kỳ thị (do đàng nào khi trưởng thành phụ nữ cũng sẽ lấy nhiều chồng và tài sản sẽ chia đều giữa những người đó). Chính chế độ đa phu cùng việc chia đều tài sản đã giúp Yubeng "ẩn mình" lâu đến vậy.

THIÊN ĐƯỜNG CUỐI CÙNG ĐÃ ÂU HÓA

Giờ đây, chính quyền Trung Quốc đã nắm quyền quản lý toàn bộ nhà nghỉ ở Yubeng. HIện tại, nhà nghỉ của Ahnazhu đang được cô Hoa Giới (Hua Jie), một phụ nữ Trung Quốc quản lý. Cô Hoa sau 1 lần đến Yubeng năm 2014 đã quyết định bỏ thành phố về đây sinh sống vì thích cuộc sống tự do và khắng khít ở đây. "Chỉ cần con người ta không tham lam thì nơi này sẽ còn tồn tại mãi. Nhưng không, chính phủ Trung Quốc muốn xây cáp treo để đưa khách du lịch lên nhiều hơn. Cáp treo đang phá huỷ hết danh thắng của Trung Quốc rồi" - cô cho biết.

Không phải chỉ Yubeng đang bị khai thác quá mức. Từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế việc qúa tải du lịch. Giá vé lên Yubeng cũng tăng từ 80 tệ (270k) lên 280 tệ (830k) nhưng vẫn bị qúa tải. Đó là lý do vì sao dân Yubeng dần dần bỏ nghề nông -lâm mà đem nhà cho thuê làm nhà nghỉ cả. Giờ người Tây Tạng ở Yubeng phần lớn đều đi làm thuê cho các nhà nghỉ được quản lý bởi người Trung Quốc.

Giờ đây, Arong, chủ nhà nghỉ nổi tiếng nhất Yuberg cũng như nhiều người dân, đã bị Âu hoá. Thần tượng của Arong là đức Đạt Lai Lạt Ma và Barack Obama. Núi rừng vẫn bao quanh Yubeng, nhưng vết chân của du khách đã phủ khắp nơi. Quanh tôi là khách du lịch Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Nhật... Sau 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đã quay lại thác nước thiêng. Theo truyền thuyết địa phương, ai chặt cây hay phá huỷ dòng thác đều đổ bệnh và chết không lâu sau đó.

THƯỢNG NGUỒN MEKONG, NƠI DÒNG SÔNG YUBERG ĐỔ VÀO SÔNG MEKONG.

Để rời khỏi Yubeng, tôi chọn con đường dọc theo sông Yubeng để đổ về sông Mekong. Vào mùa khô của lưu vực sông Mekong, 40% lượng nước đến từ băng tan ở Vân Nam, Tứ Xuyên và Tây Tạng. Nếu xu hướng biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục, với đà này, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2 độ vào 2100. Nhưng ở vùng Himalaya điều đó sẽ đến sớm hơn, vào 2050. Băng Himalaya tan sẽ đổ 1 lượng nước khủng khiếp xuống các sông Mekong, Dương Tử, Brahmaputra, Indus và các sông nhỏ khác có thượng nguồn ở Himalaya. Khi băng tan hết, 1 chu kỳ khô hạn chưa từng có sẽ xảy ra. Nước sẽ trở thành loại tài nguyên khan hiếm. Chính vì điều này, Trung Quốc trong những năm qua đã cho XÂY DỰNG HÀNG LOẠT SIÊU ĐẬP THỦY ĐIỆN, TẠO HỆ THỐNG HỒ CHỨA NƯỚC ĐỂ DÀNH NƯỚC, DÙNG DẦN. Và điều này, chỉ có lợi cho mỗi Trung Quốc mà thôi.

Barry Baker, chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu của Viện Bảo Tồn Sinh Học Fort Collins, Colorado, cho biết sông băng Mingyong (quanh Vân Nam, Địch Khánh và Kawagarbo) đã tan hơn 3km từ những năm 1800. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy 1.2km trong số 3km băng tan kia diễn ra từ 2003 cho đến nay. Hiện tượng này là do việc tầng băng vĩnh cửu đang rã dần. Quanh Himalaya, tầng băng vĩnh cửu này mỏng dần, làm cho băng tuyết ở đỉnh núi bị nóng lên. Bên cạnh đó, tầng đất đóng băng vĩnh cửu cũng bị xói mòn. Những hậu quả này dẫn đến việc sông băng đang tan cực nhanh. Ông trưởng làng cũ của Yubeng, ông Trương Đại Phó (Zhang Dafu) cho biết làng đã không có bão tuyết từ 2012 - 2015. Người dân Yubeng đang dần nhận ra là hệ sinh thái quanh mình đang dần dần biến mất (năm 2005, họ thành công trong việc không cho xây xưởng gỗ ngay tại làng). Do nhiều năm sống cách biệt, họ vẫn nghĩ việc băng sông tan chảy đơn giản là do thiếu kết nối với tự nhiên và thói tham lam kim tiền.

Giấc mơ về núi tuyết cổ xưa vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân Yubeng nhưng có lẽ điều đó chỉ còn là giấc mơ mà thôi.

Chương 2: THƯỢNG NGUỒN MEKONG ĐÃ BỊ BĂM NÁT NHƯ THẾ NÀO?

Sau cuộc tìm lên thượng nguồn qua tiếp cận ngôi làng bí mật Yubeng và dãy Kawagarbo, tác giả đã đi xuôi dòng Mekong, đi qua nhiều con đập mà con người dựng lên để thỏa mãn cơn khát vô tận năng lượng. Hệ thống đập thuỷ điện đó có tác dụng gì với nền kinh tế của các nước liên quan? Hệ sinh thái sông Mekong sẽ bị huỷ hoại như thế nào?

Xuôi dòng về phía Nam để đến nơi dòng sông ở Yubeng hợp vào Mekong, chúng ta có thể ngắm nhìn 1 dãy các hẻm núi hình chữ S cao vời vợi. Vài năm trước, con đường cao tốc dọc bờ Đông của sông vẫn còn là đường đất gập ghềnh. Người Tây Tạng dùng đoạn đường này để chở khoáng sản và cát được khai thác từ các hầm mỏ gần đó. Rải rác đó đây là những ngôi làng Tây Tạng nhỏ, chỉ có 30-40 hộ dân sống trong những ngôi nhà làm bằng đá, gỗ và sỏi. Từng dây, từng dây Phật Kỳ nhiều màu kết nối các ngôi nhà với những ngôi chùa và đền gần đó; đôi khi, dây cờ tiếp tục len lỏi và mất hút về phía núi rừng. Thấp thoáng trong khung cảnh đó là những bức phù điêu được đặt để bảo hộ cho người dân Tây Tạng và các cây cầu gỗ chỉ vừa đủ để 2 chiếc xe máy đi cùng lúc. Nhưng không phải ngôi làng nào cũng có cầu mà người dân phải đi bộ nhiều cây số để qua bờ bên kia.

40 cây xuôi dòng về phía Nam là ngôi làng Phúc Cống (Cizhong), nơi các kiến trúc truyền thống Tây Tạng biến mất và được thay vào đó là các ngôi nhà phong cách Công Giáo, Tây phương hơn. 80% trong số 115 hộ gia đình ở Phúc Cống theo đạo công giáo, là thành viên của nhà thờ được người Pháp xây từ cuối thế kỷ 19 trong nỗ lực truyền giáo cho người Trung Quốc và Myanmar. Mỗi tuần, từng đoàn người Tây Tạng, nữ đội khăn tím, nam đội mũ cao bồi, kéo nhau đến nghe lễ tại nhà thờ này. Cha Diêu Phi (Yao Fei), chuyển đến Phúc Cống từ Nội Mông vào 2008, là người phụ trách các buổi lễ này. Cuối tuần, người ta có thể thấy nhiều du khách phương Tây đến dự lễ chung, để nghe các bài thánh ca tiếng Trung. Lao xao trong không trung, chúng ta vẫn có thể nghe được tiếng kinh kệ Phật Giáo vọng về từ phía núi rừng.

Việc Phúc Cống được cải đạo sang Công Giáo đã làm nơi đây nổi tiếng về rượu vang. Du khách có thể dễ dàng tìm kiếm các cửa tiệm bán rượu vang, vài nơi còn để bảng: "150 năm công nghệ Pháp, hoàn toàn thủ công và được chưng cất công phu" do các nhà truyền giáo người Pháp đến đây, phát hiện giống nho Phong Mật Hồng Hoa (Rose Honey grapes) mà 100 năm trước đã biến mất khỏi nước Pháp do dịch bệnh.

NHẬP MỘT 2 NGÔI LÀNG CỔ, BẮT ĐẦU XÂY ĐẬP

Cách đây không lâu, chính quyền Trung Quốc quyết định tái định cư cả làng Nhạn Môn, với hơn 200 hộ dân, nhập vô làng Phúc Cống. Khác với Phúc Cống nằm cao hơn mực sông Mekong 100m, Nhạn Môn nằm ở gần bờ sông hơn và sẽ bị nhấn chìm bởi con đập Wunonglong cách đó 12km về phía hạ nguồn. Người dân địa phương Phúc Cống lo rằng việc tái định cư lớn như vậy sẽ phá huỷ cuộc sống nơi đây. Do người dân ở Nhạn Môn chủ yếu vẫn theo Phật Giáo và có rất ít trải nghiệm với Công Giáo. Trong khi Công Giáo ở Phúc Cống là 1 hỗn hợp giữa phương Tây và Tây Tạng.

Để đủ chỗ cho dân Nhạn Môn, người ta sẽ phải xây nhà trên các nương ruộng bậc thang đã có từ những năm 1960 (khi đó được trồng để đóng góp vô Bước Đại Nhảy Vọt của Trung Quốc - The Great Leap Forward).

Việc đền bù đất đai cũng là vấn đề nóng chưa giải quyết được. Hơn 1 nửa đất nông nghiệp ở Phúc Cống sẽ được dùng để xây nhà cho dân Nhạn Môn và chuyển giao sinh kế. Ban đầu khi đàm phán, người dân ở đây được đề nghị 30,000 tệ (99.5 triệu VND) cho mỗi mẫu (亩/畝 =.667m2 - 1 mẫu anh (acre) bằng 6 mẫu TQ). Nhưng dân địa phương nói, giá trị phải nhiều gấp 10 như vậy.

Vào 2015 khi tôi ghé thăm Phúc Cống, mức giá đàm phán đã lên tới 100,000 tệ nhưng vẫn chưa đạt được thoả thuận. .. Dân làng Phúc Cống không đồng ý là vì chính quyền sẽ lấy 30% tổng số và chỉ đồng ý trả tiền đền bù mỗi tháng, kéo dài 15 năm và như vậy không cách nào sinh sống được.

Những ngày cuối cùng của tôi ở đây cũng là những ngày cuối cùng của hàng 30 cây óc chó (walnut) ở con đường độc đạo duy nhất vào làng. Chính quyền địa phương quyết định chặt hàng cây này để mở rộng đường xá.

AI LÀ SỞ HỮU CHỦ DÒNG SÔNG ?

Năm 2014, thị trưởng cũ của Phúc Cống đã nổi giận trong buổi gặp mặt những người phản đối dự án đập thủy điện. Ông nói: "Đừng phản ứng nữa. Đây không phải đất của mấy người. Đây là đất nhà nước, là tài sản nhà nước." Nhưng trong suy nghĩ của người dân Phúc Cống, chính phủ Trung Quốc mới đến vùng đất này hơn 10 năm trước, làm sao có thể giành đất, giành đai mà họ đã khai phá và bồi đắp bao đời được? Làm sao 1 quốc gia sở hữu dòng sông này được? "Dòng sông này đã ở đây bao nhiêu đời, là một phần của chúng tôi rồi" - Một người dân bức xúc nhưng giấu mặt khi bày tỏ.

Số phận của người dân 2 làng Phúc Cống và Nhạn Môn là điều thường thấy ở Trung Quốc trong chiến lược phát triển thuỷ điện của nước này. Ít ra so với dân Nhạn Môn, người dân Phúc Cống còn có nhà để ở, dù sinh kế có thể tan nát khi đền bù không thỏa đáng. Nhưng chính quyền trung ương Trung Quốc hoàn toàn không hề quan tâm đến tình cảnh người ở 2 làng trên. Trung Quốc là nước sử dụng, sản xuất và nhập khẩu than đá nhiều nhất thế giới, đồng thời là nước gây ô nhiễm và thải khí nhà kính kinh khủng nhất. Nhận thấy hậu quả nóng lên của khí hậu toàn cầu, Trung Quốc cam kết sẽ ngưng xả carbon vào 2030 và được thế giới ủng hộ, thể hiện qua hiệp ước Paris năm 2015 được ký bởi 200 nước. Để làm được điều đó, Trung Quốc thực hiện việc xây dựng hàng loạt đập thuỷ điện trong phạm vi nước họ, hoặc gần biên giới các nước lân cận.

CƠN KHÁT NĂNG LƯỢNG VÔ TẬN.

Từ giờ đến 2040, lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng 90%, buộc họ phải tìm cách tạo ra lượng điện bằng cả nước Mỹ, để cộng vô công suất hiện tại mới đủ. Để làm điều đó, Trung Quốc đã và đang tiến hành xây hàng loạt đập thuỷ điện dọc thượng nguồn Mekong, dọc dòng Trường Giang (Yangtze) và các sông nhánh như Đại Độ (Dadu), Mạnh Giang (Min) và và Nhã Lung Giang (Yalong). 3 thập kỷ phát triển mãnh liệt đã vắt kiệt nguồn dự trữ năng lượng của nước này; các mỏ dầu, than và khí tự nhiên đều nằm quá xa các trung tâm công nghiệp. Mỏ dầu đầu tiên của Trung Quốc ở Đại Khánh, địa phận Hắc Long Giang đã gần cạn. Khi Đại Khánh kiệt quệ, vào đầu những năm 2000, chính phủ Trung Quốc chuyển ngành dầu mỏ về Tân Cương, 1 tỉnh ở biên giới phía Tây. Điều đó kéo theo hàng triệu người Hán Trung Hoa di cư đến Tân Cương, dẫn đến bi kịch tẩy trắng người Uyghur bản địa. Đầu thập niên 90, Trung Quốc nhập dầu nhiều hơn là xuất và ngày nay, các công ty dầu mỏ của nước này hoạt động cở mọi ngóc ngách trên thế giới và đều nằm top giàu nhất. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc có mạng lưới đường ống phức tạp để vận chuyển dầu và khí tự nhiên về dùng. Như vậy, cùng với than đá nguồn tài nguyên mà Trung Quốc dư dả, dầu mỏ và khí tự nhiên sẽ tiếp tục đóng góp 1/2 lượng năng lượng nước này tiêu thụ.

Việc xây dựng đập thuỷ điện đã được thực hiện từ những năm 90, trong chiến dịch "Chuyển điện phương Tây về phương Đông" (send west electricity east - chuyển điện năng từ các đập thuỷ điện ở những tỉnh Tây Nam về các thành phố lớn và các trung tâm công nghiệp ở bờ biển phía Tây nước này). Điều này tốt cho kinh tế Trung quốc: giúp các tỉnh phía trong đất liền như Vân Nam có thể kiếm thêm thu nhập. Từ 2006, khi thấy các nguồn năng lượng hoá thạch đang cạn dần, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên kế hoạch để đến năm 2020, 20% lượng điện năng tiêu thụ phải đến từ các nguồn tái tạo được, và TRỌNG TÂM LÀ THỦY ĐIỆN.

THỦY ĐIỆN Ở THƯỢNG NGUỒN MEKONG

Đối với thượng nguồn Mekong, kế hoạch ban đầu với 9 con đập, tạo ra 15 gigawatts đã tăng lên hơn gấp đôi, thành 20 con đập và 30 gigawatts công suất. Năm 2015, công suất thuỷ điện của Vân Nam đã đạt 50 gigawatts, đủ để chiếu sáng cho 5 thành phố với tổng dân số lên đến 50 triệu người. Thử so sánh, Mỹ, quốc gia đứng thứ 2 sau Trung Quốc về sản lượng thuỷ điện, vào lúc đó tạo ra tổng cộng 100 gigawatts. Còn chỉ tỉnh Vân Nam và vùng quanh Tứ Xuyên - Tây Tạng hiện mỗi tỉnh tạo ra hơn 100 gigawatts thuỷ điện. Trước khi con đập cuối cùng được xây, thì hơn 8 triệu người, chủ yếu là dân tộc thiểu số, sống ở lưu vực các sông nói trên BỊ DỜI NHÀ. Darrin Magee, một chuyên gia thuỷ điện ở Vân Nam, gọi việc này là đang chuyển từ làm THỦY LỢI (watershed) sang ĐIỆN LỢI (powershed). Đối với lãnh đạo Trung Quốc, các con SÔNG CHỈ CÓ GIÁ TRỊ ĐIỆN NĂNG chứ không có giá trị nông nghiệp, thuỷ lợi nữa. Dĩ nhiên, bằng logic đó, họ bất chấp cuộc sống người dân, như thế nào cũng không quan trọng bằng các con đập.

Địa hình Vân Nam rất phù hợp để xây đập vì trải dài từ vùng núi biên giới với Tây Tạng và Tứ Xuyên, tới vùng đồng bằng thấp hơn 2000 mét Tây Song Bản Nạp (Xishuangbanna) về phía Nam. Ở Vân Nam, các vùng có sông cùng với việc chênh lệch độ cao tạo ra những thung lũng lớn và sâu, thẳng thóm không khúc khuỷu. Vân Nam nổi tiếng với nhiều hẻm núi kỳ vĩ như Phi Hổ (Tiger Leaping) và Kim Sa (Jinsha). Đối với Mekong hay bất kỳ dòng sông nào đi qua Vân Nam, chỉ cần thung lũng đó có hẻm núi là đều có thể làm các đập có tường cao được, miễn là có thể làm đường đến đó và có thể di cư dân chung quanh. Đó cũng là SỐ PHẬN CỦA KHU THƯỢNG NGUỒN MEKONG, khi các con đập hoàn thành, lượng nước dự trữ sẽ nhiều gấp đôi lượng nước ở vịnh Chesapeake.

Đối với chính quyền Trung Quốc, vùng cao nguyên quanh đó bị coi là lạc hậu, kém văn minh so với người Hán ở đồng bằng. Định kiến đó đã tồn tại nhiều thế kỷ qua, và họ luôn bị coi là dân man di, mù chữ so với người Hán. Các chính sách triều đình Trung Hoa đã cố gắng văn minh hoá để đồng hoá họ với Hán Tộc, và một triều đại nào của TQ tồn tại càng lâu thì các vùng chung quanh lại càng mau chóng bị gộp vào Trung Quốc; những dân tộc không bị đồng hoá thì sẽ hoặc là bị giết hoặc là bị đi đày.

Vào những năm 1950, các nhà xã hội học Trung Quốc tiếp cận với chủ nghĩa Marx và thuyết xã hội tiến hoá. Họ nghiên cứu về các dân tộc đang sinh sống ở khu vực cao nguyên Tây Nam để "phân cấp" họ theo thuyết tiến hoá. Vì thế, người Va (Wa) bị xếp hạng rất thấp do học sống săn bắt hái lượm, so với người Pai (Bai) sống ở vùng Đại Lý (do người Pai sống bằng trồng trọt). Và như vậy, đương nhiên các dân tộc đó đều đứng dưới Hán Tộc, với ngàn năm phát triển kỹ thuật nông nghiệp.

Sau 1979, khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu cải tổ và mở cửa, chính sách TQ (phương pháp lập trình xã hội) các dân tộc thiểu số được chuyển sang tập trung vào quyền lợi kinh tế nhiều hơn. Cách tốt nhất là chuyển mô hình kinh tế xã hội sang mô hình kinh tế tiền tệ để biến các dân tộc này thành công nhân và dịch chuyển họ về các thành phố phát triển hơn. Chính quyền Trung Quốc hiểu rằng chỉ cần tiền lương tăng là sẽ thu hút được"các sắc dân mọi rợ" này về các thành thị ở đồng bằng. Điều đó không chỉ giúp ích cho nền kinh tế chung mà còn nâng cao đời sống của họ. Điều đó, trong mắt tầng lớp lãnh đạo theo chủ nghĩa lợi ích cực đoan (Chauvinistic - Chủ nghĩa Xô Vanh) là đang ban ơn cho người thiểu số.

Quá trình đền bù được thực hiện rất đơn giản. Quá trình này bao gồm đền bù (sẽ do công ty xây đập chi trả) và di dời (do chính quyền địa phương thực hiện). Giản lược hoá, 1 người kế toán sẽ định giá tài sản của từng hộ dân nơi đó, cộng với diện tích đất nông nghiệp (do trong mắt chính quyền trung uơng, những người này chỉ sống nhờ nông nghiệp) và đền bù bằng đất hoặc tiền tương ứng. Với người dân vùng núi, nếu theo cách tính ngây thơ đó sẽ khó thành công.

Việc di cư dân miền núi rất phức tạp vì các khu tái định cư được thiết kế bởi những người sống ở thành phố, mua sắm ở siêu thị và không tự tay nuôi trồng món gì cả. Các khu tái định cư hoàn toàn khác với môi trường sống bình thường của họ.

LỜI HỨA GIÓ BAY. AI BẢO VỆ DÂN VÙNG LÀM THỦY ĐIỆN?

Khi đập Mạn Loan (Manwan), con đập đầu tiên ở thượng nguồn Mekong được khởi công vào giữa những năm 1980, chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ tạo công ăn việc làm cho các dân tộc thiểu số. Công ty xây dựng đập Mạn Loan hứa sẽ tạo điều kiện để phát triển các làng cá bè và thu hút khách du lịch nhiều hơn. Chính quyền địa phương đầu tư vô 1 bến cảng phía sau con đập và thuyết phục 1 số hộ giàu địa phương mua 1 số du thuyền để làm du lịch. Đánh đổi là 3400 người, 1 nửa dân số thung lũng Mạn Loan, sẽ mất nhà.

Vào đầu những năm 2000, Tiến sĩ Vu Tiểu Cương (Yu Xiaogang), giám đốc trung tâm Thuỷ lợi Xanh, một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Côn Minh, đến thăm vùng đập Mạn Loan. Ông bị bất ngờ khi thấy người dân sống trong điều kiện nghèo khổ: hoàn toàn không có các trại cá hay khách du lịch gì cả mà người dân đang làm nghề dọn rác và bọt bẩn cho chủ đập. Tiến sĩ Vũ đã viết 1 bản báo cáo về việc cần phải đền bù thêm cho người dân và gửi đến chính phủ Trung Quốc. Không lâu sau đó, thủ tướng đương thời, ông Chu Dung Cơ đã ra lệnh đánh giá toàn diện đập Mạn Loan và thuê trung tâm của ông Vũ làm công tác đó.

Để thực hiện việc đánh giá, team của ông Vũ đã cẩn thận theo dõi và bóc tách thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây. Ông phát hiện nhiều điều quan trọng: (1) Nguồn nước sạch trước đây người dân dùng để sinh hoạt đã biến mất vì bị đập làm ô nhiễm; (2) đất đai ở khu tái định cư kém màu mỡ hơn nhiều do nằm trên đồi so với việc nằm cạnh lưu vực sông; (3) do khi xưa dân làng canh tác cùng nhau nên chia chung hệ thống thuỷ lợi, nay các thửa ruộng xa nhau nên việc làm thuỷ lợi cũng khó khăn do thiếu thiết bị; và (4) các khu đền thờ và mộ tổ tiên đã bị con đập cuốn trôi mà không cho người dân cơ hội di dời. Từ các kết quả đó, ông Vũ kết luận mỗi người dân (không phải hộ) cần được đền bù thêm 13000 tệ ($1800). Công ty quản lý đập phải cung cấp thiết bị để làm thuỷ lợi và xây các công trình công cộng như chợ, và trường học. Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây đã tốt lên nhiều. Ngày nay, khi quay lại thăm khu đập Mạn Loan, những người dân tái định cư đã dần hoà nhập một cách khiêm tốn với các cộng đồng đã sống ở đó hàng trăm năm. Tuy nhiên, nhiều lời hứa đã không thành hiện thực, 30km chiều dài đầm chỉ có 5 trại cá, và kể cả đã có đường cao tốc, vẫn rất ít khách du lịch đến đây. Xuôi dòng, các con thuyền đã mua trước đó đã cũ mục.

Khi lần đầu gặp Tiến sĩ Vũ vào 2004, ông đang cố gắng tái hiện lại chiến thắng ở Mạn Loan tại các dự án tái định cư tương tự. Các tổ chức thế giới tin tưởng tiến sĩ Vũ và cử hàng loạt chuyên gia hàng đầu đến cùng làm việc. Đầu năm 2004, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng 13 đập để tạo ra 17 gigawatts trên sông Nu (sông Thalwin của Thái Lan). Bờ tây của lưu vực sông Nu tạo thành biên giới Vân Nam với Myanmar và khi chảy vào Myanmar (qua các tỉnh Shan và Karen) thì được gọi là sông Salween. Lưu vực sông này là quê nhà của nhiều tộc người thiểu số và có nhiều chủng cây và động vật đặc chủng nhất ở Châu Á. Đây là điểm nóng về đa dạng sinh học cực kỳ quan trọng. Bất kỳ con đập nào xuất hiện ở lưu vực này đều sẽ đe doạ nghiêm trọng đến địa chất khu vực và việc xây dựng 17 con đập đồng nghĩa với việc phải di dời 45,000 người.

Đầu năm 2004, Hoa Điển (Huadian), công ty xây dựng đập thuỷ điện quốc doanh, đã trình bày kế hoạch với nhiều lời hứa với người dân địa phương. Tiến sĩ Vũ, với phương thức cũ, đã tổ chức nhiều đoàn tham quan từ sông Nu đến Mạn Loan. Sau khi tận mắt chứng kiến, người dân sông Nu nổi giận vì phát hiện ra các lời hứa đều là thứ tuyên truyền dối trá nên thay vì về nhà, họ đi thẳng lên Côn Minh và biểu tình ở trước uỷ ban nhân dân tỉnh. Điều này buộc những nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ Trung Quốc lại phải xuất hiện. Thủ tướng Ôn Gia Bảo lại phải ra lệnh điều tra dự án đập ở sông Nu và tiến sĩ Vũ lại chiến thắng. Ông được cộng đồng thế giới hân thưởng. Năm 2006, ông được trao “Giải thưởng môi trường Goldman” và 2009, ông đạt giải Ramon Magsaysay, được nhiều người coi là Nobel Châu Á.

NGƯỜI HÙNG BẢO VỆ DÂN VÙNG LÀM ĐẬP THỦY ĐIỆN LẠI BỊ “ĐẬP”.

Nhưng không có chiến thắng nào mà không phải hy sinh. Sau vụ việc ở sông Nu, trung tâm của ông Vũ bắt đầu bị chèn ép. Lần này tiến sĩ Vũ phải đương đầu với thế lực hợp tác với các công ty xây dựng đập như Hoa Điển và Hydrolancang cùng với chính quyền địa phương. Trong lúc đang thực hiện dự án, văn phòng của trung tâm tiến sĩ Vũ bị huỷ hợp đồng thuê nhà và bị cấm nhận tài trợ quốc tế. Năm 2009, sau khi nhận giải Magsaysay, tiến sĩ Vũ bị tịch thu passport và cấm bay quốc tế.

Vào năm 2008, gói kích cầu kinh tế của chính phủ Trung Quốc giúp cho các công ty phát triển thuỷ điện quốc doanh nhận được nhiều tiền và tài nguyên hơn. Năm 2012, khi tiến sĩ Vũ và 1 phái đoàn môi trường đến thung lũng sông Nhã Lung, 1 nhánh sông dài của Trường Giang, để gặp đại diện của hơn 100,000 người dân bị di dời thì họ phát hiện 1 sự thật khủng khiếp. Giờ đây các công ty thuỷ điện không còn hứa hẹn gì nữa mà chỉ đe doạ ai chống đối sẽ bị pháp luật xử lý, bất chấp quyền công dân.

Tiến sĩ Vũ và đội của mình thất bại trong việc đàm phán. Từ đó, bất kỳ nỗ lực nào của ông và các tổ chức tương tự đều bị phá hoại từ trong trứng nước. Khi gặp tôi lần gần nhất ở Côn Minh, ông Vũ cho biết: “Giờ đây quyền lực của mấy công ty thuỷ điện là vô hạn tại địa phương và quá mạnh tại Bắc kinh. Những nhóm lợi ích đặc biệt này có thể dễ dàng thao túng quan chức cao cấp của chính quyền và can thiệp vào các cơ quan chính sách như Uỷ ban Tái thiết và Phát triển Quốc gia (National Reform and Development Commission), hoặc Bộ Tài Nguyên Môi Trường (Ministry of Environment Protection).” Ông chia sẻ cái cách mà các nhóm chạy chính sách để tấn công, phá hoại các tổ chức như ông: Bọn chúng rao tin rằng ông Vũ là nỗ lực của phương Tây để cản bước phát triển của Trung Quốc.

Khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình thừa nhận công khai cần có sự tham gia của các nhóm dân sự vào việc giải quyết những vấn đề quốc gia, như phá hoại môi trường và đời sống nông thôn. Nhưng 2014, chính quyền của ông này lại ra 1 đạo luật hạn chế hoạt động và nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.

Thực tế là việc xây đập thủy điện ở đây có thể gặp nhiều rủi ro: lỡ tuyết, động đất nặng. Bất ngờ thay, vào 2016, Tập Cận Bình yêu cầu chính quyền Vân Nam phải lên kế hoạch cải thiện đời sống lưu vực sông Nu: vì lo sợ rủi ro động đất nặng ở đây. Sông Nu chảy cận kề với sông Mekong và các lo ngại về địa chấn vẫn không cản được các công ty thuỷ điện. Yêu cầu này của ông Tập cho thấy quyền lực các công ty thuỷ điện đang lung lay, và khó lòng lấy thêm giấy phép cho những con đập mới. Vì thế họ sẽ đẩy mạnh tiến độ ở những dự án đã được duyệt.

Ngày nay, khu vực thượng nguồn Mekong ở Vân Nam đã có 6 siêu đập thuỷ điện hoạt động hoàn chỉnh. Đập Đại Triều Sơn (Dachaosan) cung cấp 1350 megawatts khánh thành năm 2003, 10 năm sau Mạn Loan. Rồi năm 2008, con đập Cảnh Hồng, tận cùng phía nam chỉ cách thủ phủ của Tây Song Bản Nạp vài cây số, được khánh thành, có công suất 1750. Không lâu sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xả lũ của con đập này bị hư hại nghiêm trọng khi mùa mưa tới. Năm 2011, con đập Tiểu Vạn (Xiaowan) với công suất 4200 megawatt ra đời. Đã từng là con đập cao nhì thế giới ở độ cao 292 mét (giờ thì đứng hạng 3, sau đập Rogun (335m) và Nurek (300m) đều ở Taijikistan). Đầm trữ nước của đập này bằng ½ vịnh Chesapeake. 200 cây số về phía thượng nguồn, đập Công Quả Kiều (Gongguoqiao) với công suất 900 megawatts khánh thành năm 2011 và 1 con “quái vật” khác, đập Noạ Trát Độ (Nuozhadu) với công suất khủng khiếp 5800 megawatts ra đời năm 2016. Hồ chứa của đập Noạ Trát Độ cũng có trữ lượng bằng ½ vịnh Chesapeake, với chiều dài hơn 100km. Hơn 43,000 người đã bị di dời để xây con đập này. Ngoài những con đập trên, Hydrolancang đã xây thêm 13 con đập khác nhỏ hơn nhưng vẫn có trữ lượng nước khổng lồ. Năm 2012, kế hoạch xây dựng đập Hộ Thần (Guonian) ở ngay chân núi Kawagarpo bị huỷ do sợ tuyết lỡ.

XÂY THỦY ĐIỆN DỒN DẬP MÀ ĐIỆN NĂNG BỊ LÃNG PHÍ, VÌ SAO?

Việc xây dựng hệ thống đập nói trên vẫn tiếp diễn nhưng việc tận dụng nguồn điện năng này vẫn rất hạn chế. Hiện tại, Vân Nam lãng phí phần lớn công suất thuỷ điện vì mạng lưới điện của Trung Quốc bị tắc nghẽn và các đảng phái chính trị vẫn ưa chuộng than đá hơn. Ví dụ, tỉnh Quảng Đông, nơi tiêu thụ 22% lượng thuỷ điện từ Vân Nam, thà mua điện than đá hơn từ các con đập. Hơn 60% điện năng tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn đến từ than đá trong những thập kỷ tiếp theo. Bởi vì: mỏ than tạo ra nhiều việc làm hơn. Nếu họ mua điện từ các con đập thì hàng chục ngàn người sẽ mất việc, và ảnh hưởng đến nền kinh tế chung cùng các chỉ số của địa phương. Điều này dẫn đến việc lãng phí nặng nề cho Vân Nam và các con đập.

Giữa 2 năm 2013 - 2015, lượng điện năng lãng phí ở Vân Nam tăng gấp 10. Mùa mưa 2014, mạng lưới điện quốc gia Trung Quốc không thể tiếp nhận điện từ các con đập, làm những công ty chủ đập (như Hydrolancang) lỗ 100 triệu tệ ($12m, gần 280 tỉ) mỗi ngày. Năm 2016, các con đập ở Vân Nam lãng phí 300 terawatt điện năng. Cùng kỳ, cả nước Thái Lan tiêu thụ chỉ ½ con số đó. Điện năng lãng phí thu hút những khách mời không mong muốn như đám đào tiền ảo (crypto) hoặc các tập đoàn công nghiệp nặng (họ để nhà máy ở Vân Nam vì điện rẻ và chính sách thuế má lỏng lẻo). Điều này phá vỡ thoả ước kinh tế lâu năm giữa Vân Nam và các tỉnh miền biển.

Các công ty thuỷ điện Trung Quốc, cùng đồng nghiệp kinh doanh dầu mỏ, đã trở thành những tập đoàn giàu nhất thế giới. Họ nhanh chóng mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới, chạy theo xu hướng năng lượng xanh và nhờ nguồn tiền dồi dào (rẻ) từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Vì tác động xấu lên môi trường nên các tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế Giới (WB) áp luật mượn tiền rất chặt đối với những công ty này. Nhưng các ngân hàng trong nước TQ luôn đủ sức để cho họ vay và từ đó củng cố bàn tay của Trung Quốc tại mọi ngóc ngách trên thế giới. Các chương sau sẽ trình bày kỹ hơn về cuộc chơi này, nơi không phải chỉ có các công ty thuỷ điện Trung Quốc tham gia khai thác và phá huỷ môi trường.

CHƯƠNG 3-“NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐAI”

Ở chương này, tác giả bàn về lịch sử lâu đời của khu vực Vân Nam - Đại Lý, nơi thượng nguồn của sông Mekong chảy qua và là quê nhà của nhiều dân tộc thiểu số đã bị đồng hoá trong chương 2. Đại Lý, mọi người đã quá quen thuộc với gia tộc họ Đoàn trong Thiên Long Bát Bộ với tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm. Đại Lý vốn là 1 quốc gia Phật Giáo hiền hoà và có nền văn hoá riêng. Nhĩ Hải là một trong những hồ to lớn và màu mỡ nhất của Đại Lý. Vậy điều gì đã xảy ra với Nhĩ Hải và Đại Lý?

Chương 3: NGƯỜI HÁN ĐỒNG HÓA “NƯỚC” ĐẠI LÝ-THUNG LŨNG HỒ NHĨ HẢI ĐIÊU TÀN

Ít người biết rằng hồ Nhĩ Hải cũng là 1 phần của lưu vực sông Mekong. Năm 1946, đập thuỷ điện đầu tiên ra đời ở hồ Nhĩ Hải để lấy điện cho thành phố Đại Lý, nhưng sau đó đã bị dẹp bỏ khi đập Tiểu Loan ra đời. Con đập Tiểu Loan với công suất 4200 megawatts nằm ngay chỗ hợp dòng của Mekong và dòng Dạng Giang (Yangbi), lấy nguồn nước từ hồ Nhĩ Hải làm thuỷ điện.Đại Lý và Nhĩ Hải, trong tâm trí người Trung Quốc, đều được nhớ đến nhờ tiểu thuyết gia Kim Dung, qua các tác phẩm cuối những năm 1950-60.

Trước thế kỷ 20, thung lũng hồ Nhĩ Hải, tương tự phần lớn Vân Nam, đều biệt lập với Trung Quốc. Vùng này chỉ có thể đến được thông qua đường núi gập ghềnh và là có địa hình dễ để người dân địa phương phòng thủ khỏi ngoại xâm. Điều này, cùng sự màu mỡ của đồng bằng phía tây Nhĩ Hải đã giúp 1 số vương quốc độc lập thách thức sự bành trướng của Trung Quốc, và có lúc họ đã lấn sâu tầm ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á.

NHỮNG NGÀY HÌNH THÀNH VƯƠNG QUỐC ĐẠI LÝ

Vương quốc Nam Chiếu-Vào thế kỷ thứ 8, một nhóm dân tộc thiểu số hùng mạnh quanh thung lũng Nhĩ Hải đã hợp nhất để tạo ra vương quốc Nam Chiếu, gần Đại Lý ngày nay. Nam Chiếu đã có lúc lấn sâu vào các khu vực mà ngày nay là Myanmar, Lào, và Thái Lan. Họ cũng đã lên phía bắc, đánh chiếm Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên ngày hôm nay. Nằm ngay giao lộ thương mại của Trung Quốc và Ấn Độ, Nam Chiếu nổi lên là thủ đô của Phật Giáo Mật Tông (Tantric Buddhism), trường phái Phật Giáo uyên thâm nhất thời điểm bấy giờ. Phật Giáo Mật Tông có lẽ được hình thành nhờ sự giao thoa với phật giáo Tây Tạng. Hùng mạnh là thế, nhưng rồi Nam Chiếu tự sụp đổ khi bành trướng quá mức, đến độ mất tự chủ và các thành viên hoàng tộc bị ám sát, khiến rất nhiều người phải rời khỏi thung lũng Nhĩ Hải. Theo nhiều học giả, nhóm người lưu vong này đã góp phần hình thành nên Thái Lan, Lào và Myanmar hiện đại ngày nay.

Vương quốc Đại Lý-Khi Nam Chiếu suy tàn, đã có 1 người tên Đoàn Tư Bình (Duan Siping), hậu duệ quý tộc nước này dẫn 1 nhóm người bỏ đi và lập ra vương quốc Đại Lý vào năm 937. Không to lớn như Nam Chiếu, nhưng vương quốc Đại Lý lại chiếm được vùng Vân Nam (ngày nay) trù phú và nhờ đó đã tồn tại độc lập hơn 300 năm và là trung tâm Phật Giáo hàng đầu Châu Á. Phật Tử từ Ba Tư và Ấn Độ đổ xô đến đây, ngồi dưới chân Sùng Thánh Pháp Tự (Chongsheng Monastery). Nhiều người hành hương đến đây để đi lại theo bước chân của đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), dọc theo 140 cây số bờ sông. Ngày nay, 3 chùa lớn nhất của Đại Lý, nằm ngay dưới chân của công trình phục chế của Sùng Thánh Pháp Tự, cùng với dãy tường thành cổ là di tích duy nhất còn xót lại của thời kỳ đó. Trong thập kỷ vửa rồi, Sở du lịch của Đại Lý cũng đã đổ tiền tái hiện lại các công trình Phật Giáo dọc theo bờ hồ Nhĩ Hải.

Tỉnh Vân Nam-Vào thế kỷ 13, Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đã đánh chiếm Đại Lý và lập ra một chính quyền cai trị của người Mông Cổ, đặt tên là Vân Nam - đây là lần đầu tiên cái tên này xuất hiện trong lịch sử. Vương gia Mông Cổ đầu tiên cai quản Đại Lý là Hoàng tử Hốt Ca Xích (Hugeshi), một người theo đạo Hồi (Islam), và ông đã dùng nhóm quân theo đạo Hồi để cai quản vương quốc này. Người Hán đồng hóa Đại Lý. Năm 1257, ngài Sayyid Ajall đã thành công trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp Vân Nam và giới thiệu hệ tư tưởng Nho Giáo của người Hán đến vùng này. Sử gia người Myanmar, Thant Myint U, trong quyển sách của mình “Nơi Ấn gặp Trung” (Where China meets India) đã mô tả giai đoạn này là thời kỳ đồng hoá của Hán tộc đối với Đại Lý.

Trung tâm hành chánh của Vân Nam đã được chuyển từ Đại Lý đến Côn Minh khi đế chế Mông Cổ sụp đổ và triều đại Nhà Minh nổi dậy vào thế kỷ 13. Tuy nhiên, do địa thế cách trở nên Đại Lý, trong mắt triều đình Trung Quốc, vẫn là dân tộc bất trị khi vào thế kỷ 19, một thương nhân đạo hồi tên Đỗ Văn Tú (Du Wenxiu) đã dẫn đầu cuộc khởi nghĩa Panthay (Panthay là 1 từ tiếng Myanmar, chỉ những thương nhân từ Vân Nam đến) chống lại triều đình nhà Thanh đang suy yếu. Quyền lực của Đỗ Văn Tú phủ lên vùng Vân Năm mà không bị cản trở gì trong hơn 2 thập kỷ. Khi 2 nhà thám hiểm người Pháp, De Lagree và Garnier, trong 1 chuyến viễn chinh lên thượng nguồn Mekong thất bại, đã vô tình đến được Đại Lý năm 1868, và trước mắt họ là một vương quốc hiện đại đầy sinh khí.

Khởi nghĩa Panthay kết thúc khi triều đình Đại Thanh cùng với quân đội Anh kéo lên Đại Lý năm 1872 với đầy đủ súng ống, sau khi đã dập tan cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (Taiping) ở trung tâm Trung Quốc trước đó. Họ Đỗ đầu hàng mong cứu được tính mạng của mình và thuộc hạ nhưng cuối cùng cũng bị ép uống thuốc độc; họ Đỗ bị chặt đầu và thủ cấp bị bỏ vào 1 hũ mật ong đưa về triều đình. Thuộc hạ của ông đã bị truy đuổi, những ai không chạy kịp bị ép nhảy xuống hồ và chết đuối ở đó. Sự thất bại của khởi nghĩa Panthay và Thái Bình Thiên Quốc, cùng nhiều đợt binh biến lẻ tẻ khác đã đẩy rất nhiều người đi sâu vào vùng núi phía Tây, vượt sông Mekong để tiến về bán đảo Đông Nam Á. Ngày nay, dinh thự của họ Đỗ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Đại Lý. Trước nhà ông có 1 tấm bia kể về tiểu sử của ông và ghi chú như 1 vị anh hùng đứng lên chống lại triều đình Mãn Châu xâm lược.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BẰNG TÀN PHÁ VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN

20 triệu khách du lịch đến Đại Lý hàng năm, lớn hơn nhiều nếu so với Angkor Wat, thường được coi là điểm du lịch nổi tiếng nhất Mekong, chỉ có 3 triệu khách/năm. Đại Lý là 1 vùng giàu lịch sử và văn hoá. Khung cảnh hùng vĩ của dãy Thương Sơn, nằm ở biên giới phía Tây của thung lũng Nhĩ Hải, cùng hồ Nhĩ Hải xanh biếc cùng Đại Lý Cổ thành là thắng cảnh nổi tiếng nhất lưu vực sông Mekong. Và tương tự như Yubeng, lượng du khách khủng đã và đang đe doạ lên Nhĩ Hải, hồ lớn thứ nhì Mekong.

Năm 1999, khi tôi lần đầu tiên đến thung lũng Nhĩ Hải sau 10 giờ đi xe buýt tơi tả, Đại Lý vẫn là một thành phố yên bình, chậm rãi, nơi chỉ có những du khách mộng mơ tìm đến. Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc vẫn chỉ là $800.Phần đông người đến Đại Lý đều là những nghệ sĩ trẻ, yêu và tò mò về vùng đất cổ tích này, (Điều đó phải cám ơn nhà văn Kim Dung) và họ đã dựng lên các trà quán, phòng trưng bày nghệ thuật nho nhỏ làm duyên cho Đại Lý.

Lúc đó, du lịch không phải là nguồn thu duy nhất ở Đại Lý. Cổ thành có đầy đủ các tiện ích như bệnh viện, trường học, chợ búa, nhiều sở chỉ huy quân sự địa phương, chùa chiền và có cả nhà thờ. 2 sản phẩm nổi tiếng nhất của Đại Lý lúc đó là đá hoa cương từ các hầm mỏ dãy Thương Sơn và dệt nhuộm từ các hợp tác xã do phụ nữ làm. Cả 2 sản phẩm đó đều được xuất đi bán khắp Trung Quốc, đặc biệt mô hình hợp tác xã dệt nhuộm đã thắng nhiều giải thưởng khu vực và quốc tế cho hình thái kinh doanh địa phương. Ngày đó, đi trên đường phố Đại Lý Cổ Thành, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều chị em người Pai mặc đầm trắng, bên ngoài khoác áo thêu tay tinh xảo (tương tự thổ cẩm mình), đầu quấn khăn đen khi họ đi chợ, hoặc đang tán gẫu bên hiên nhà. Do ở xa thủ đô và hoà nhập với tinh thần phóng khoáng của du khách phương Tây, người Đại Lý khi đó có trồng và buôn bán cần sa; đôi lần ngồi uống cà phê bên vệ đường, tôi đã bắt gặp nhiều phụ nữ trung niên đến hỏi nhỏ “ganja, ganja?” (cần sa). Khách du lịch luôn kháo nhau rằng “Đại Lý thì ở trên cao (high, còn có thể hiểu là luôn phê pha), còn hoàng đế thì ở mãi nơi nao” nên không cần lo; điều này cũng thể hiện sự lỏng lẽo trong quyền lực cai trị của Trung Quốc đối với các khu vực xa xôi.

Phụ nữ trẻ người Đại Lý thường quấn đầu bằng khăn bán nguyệt, tay phải đeo núm tua để cho thấy mình còn độc thân. Hàng quán ven đường bày bán đủ loại đồ ăn vặt, mà nổi tiếng nhất là rushan, tương tự phô mai que của mình. Theo ông Colin Flahive, một doanh nhân - tác giả người Mỹ, đã dọn đến đây sinh sống từ 2002: “Đại Lý có 1 nhịp sống rất lạ. Nơi đây làm cho ta chỉ muốn mỗi ngày ngồi ở một quán cà phê thật đẹp, nhấp từng ngụm cà phê, viết từng trang cuốn tiểu thuyết dang dở của mình. Chẳng có nơi nào tuyệt vời để an cư hơn là Đại Lý, nuôi 1 con chó nhỏ, để tóc dài hơn một chút, mỗi ngày thả hồn cùng bạn bè bên đàn guitar.”

Nhưng từ 1999, sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng bành trướng đến đây. Lúc đó, những trung tâm mua sắm lớn và khu chung cư đã bắt đầu được xây dựng. Năm đó, đường xe lửa từ Côn Minh đến Đại Lý được hoàn thành, giúp giảm ½ thời gian di chuyển giữa 2 nơi. Sự thuận tiện đó giúp tôi đem được bạn bè, vợ và ba mẹ tôi đến đây trong chuyến đi du lịch ngoại quốc đầu tiên của họ năm 2009. Cuộc sống rất yên bình. Nhưng cuộc sống này không kéo dài bao lâu khi du lịch phát triển.

Các công ty du lịch lần lượt đập bỏ từng phần của Cổ Thành để “phục dựng” những cổ tích “giả” cho mục đích kinh tế.

Chính quyền phục dựng Ngô Tự (bị Cách mạng Văn hóa tàn phá những năm 60), cả Sùng Thánh Pháp Tự. Ngày nay, du khách Trung Quốc đến Đại Lý đi từng đoàn lớn, chen lấn xô đẩy và ồn ào hết mức. Đến đâu cũng chỉ dừng lại vài phút đủ để chụp hình rồi lại bị lùa đi tiếp. Đêm họ vào 20 quán bar mới, phá huỷ bầu không khí yên bình của Cổ thành. Những người đã lỡ yêu Đại Lý cũ, mỗi năm đều đến đây ở dài ngày thì đã không còn xuất hiện nữa.

Năm 2015, khi quay lại Đại Lý, tôi gặp lại A Triệu (Ah Zhao), một người bạn cũ. A Triệu và vợ là một trong những người đầu tiên xây khách sạn, làm món cá chép om và giò heo hầm địa phương và giàu lên nhờ du lịch. Gặp lại, A Triệu kể rằng Đại Lý đã dần mất đi nền văn hoá của mình. Người Hán ngày càng đông, họ kiểm soát luôn nhiều nhà hàng khách sạn, và làm mọi thứ đáp ứng nhu cầu của khách.Thấy rõ, trong sự lụi tàn dần của 1 nền văn hoá lâu đời, mọc lên đủ các nhà hàng tào lao, các quán bar tạp nham và hàng loạt quầy quà lưu niệm thập cẩm từ các công xưởng ở Quảng Đông. A Triệunói khi chia tay: ông lo lắng cho tương lai Đại Lý khi lượng khách tăng quá nhanh, dẫn đến cả thành phố đều bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mùa xuân Đại Lý nóng hơn hẳn trước đây và khi băng ở đỉnh Thương Sơn tan hết cũng là lúc Đại Lý điêu tàn vì các hồ quanh đây không còn nguồn nước dự trữ. Nước giếng đào nhiều, cũng dần cạn.

Vùng đồng bằng trù phú dài 40 cây số nằm giữa hồ Nhĩ Hải và 18 đỉnh của dãy Thương Sơn có thể nuôi sống cả 1 vương triều cổ đại, nhưng bất lực trong việc cung cấp cho hàng chục triệu miệng ăn của du khách. Kèm theo là việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học và việc không thể xử lý chất thải từ động vật đã đe doạ nghiêm trọng hệ sinh thái của thung lũng Nhĩ Hải.

Năm 2001, lần đầu tiên chính quyền Đại Lý phải đương đầu với 1 thảm hoạ tự nhiên chưa từng có: dịch Tảo nở hoa (algae bloom). Tảo nở hoa là 1 loại tảo sinh sôi nảy nở ở môi trường nước có nhiều nitrogen và phốt-pho (thường thấy trong phân bón và nước thải chưa qua xử lý). Tảo nở hoa lan rộng rất nhanh chóng, bao phủ hết mặt hồ, cản không cho ánh nắng xuyên xuống các tầng sâu hơn, làm chết thảm thực vật của hồ, trực tiếp làm cạn kiệt nguồn thức ăn của cá tôm nơi đó. Loại tảo này cũng chết nhanh, bị phân huỷ và tiêu thụ khí oxy, đe doạ luôn sự sống dưới hồ. Vòng xoay đó gọi là Phú dượng (hay phì dưỡng-eutrophication) cứ vậy mà tiếp diễn không ngừng và giết cả cái hồ. Đại Lý đã mất hơn 2 năm để kiểm soát được nạn tảo này. Sau hơn 10 năm bùng nổ du lịch, đó là món quà của tàn phá thiên nhiên.

Giáo sư Chu Tuấn (Zhou Jun), khoa Quản lý Tài nguyên Tự nhiên của đại học Đại lý đã nghiên cứu về chất lượng nước Nhĩ Hải trong hơn 10 năm qua. Kết quả: ông nhận thấy rằng sự đa dạng sinh học của loài cá ở đây đang suy giảm nghiêm trọng. “10 năm trước, nước hồ trong có thể thấy đáy. Nhưng giờ đây, do ô nhiễm nên chỉ nhìn thấu 2 mét sâu thôi”.

NHỮNG MẤT MÁT KHÔNG BAO GIỜ TÌM LẠI ĐƯỢC CỦA "PHÁT TRIỂN BẤT CHẤP"

Kinh tế phát triển cũng dẫn đến một hiện tượng khác: nhu cầu cho các loại thực phẩm mới. Giờ đây, để đáp ứng nhu cầu sữa tươi khủng khiếp, ngành khai thác bò sữa đã được chuyển về thị trấn Đặng Châu (Dengchuan) ở mạn Bắc của hồ. Hơn 100,000 đầu bò sữa tạo ra hơn 14 triệu tấn khí nitrogen mỗi năm, và khi mùa mưa đến, lượng khí đó lại xuôi dòng xuống hồ. 1 số loại phân bón làm từ phân bò cũng được người dân sử dụng để trồng trọt, tiếp tục góp phần đẩy thêm chất thải xuống hồ. Năm 2014, chính quyền Đại Lý đưa ra kế hoạch 2333 với mục tiêu làm cho chất lượng nước hồ Nhĩ Hải trở lại cấp độ 2 trong 3 năm, với ngân sách 3 tỷ tệ đầu tư vô 3 dự án. Giáo sư Chu cho là kế hoạch 2333 không giải quyết triệt để vấn nạn môi trường.100% các nhà nghỉ ven sông đều đổ thẳng chất thải sinh hoạt xuống hồ. Giáo sư Chu đề nghị tôi đến Song Lương (Shuanglang), khu du lịch mới nổi ở bên kia hồ để hiểu thêm về điều đó.

Song Lương vốn là 1 làng nhỏ yên bình khi tôi lần đầu đến đây năm 2009, hấp dẫn nhờ một đảo nhỏ giữa hồ có vài căn nhà cổ theo truyền thống dân tộc Pai.Ở mũi đảo là 2 kiến trúc hiện đại, khu biệt thự nghỉ dưỡng của nghệ sĩ múa nổi tiếng nhất Trung Quốc Dương Lệ Bình (Yang Liping). Bà Dương Lệ Bình là người dân tộc thiểu số Pai và là người đem vũ khúc chim công của Trung Quốc ra với thế giới. Nhờ sự nổi tiếng của bà Dương và cảnh quan tươi đẹp mà Song Lương đón tiếp khách du lịch ngày càng nhiều hơn. Năm 2010, Song Lương được đấu nối vào đường cao tốc chạy dọc bờ Đông hồ Nhữ Hải để kết nối Côn Minh và Lệ Giang (Lijiang), một thành phố du lịch khác ở phía Đông Bắc Đại Lý. Những ai du lịch Lệ Giang mà không kịp đến Đại Lý đều dừng 1 ngày ở Song Lương.

Sau khi chia tay giáo sư Chu, tôi đã thuê 1 chiếc xe máy để đi đến Song Lương. Dọc hồ, mọc lên các nhà nghỉ và quán bar giành chủ yếu cho tình một đêm, thú vui kỳ quái mới của người Hán khi đến Vân Nam. Đối với người Hán Trung Quốc, Vân Nam luôn bị xem là 1 vùng mọi rợ và lạc hậu, và phụ nữ vùng này được xem là bừa bãi dễ dãi.

Khi du khách Nam người Hán tới đây vui chơi, họ bị thu hút bởi mị lực của phụ nữ Ma Thoa nhưng chính họ lại nhanh chóng nhận ra không thể dụ dỗ được ai. Chính vì thế các dịch vụ cư trú và giải trí ở Lệ Giang đều cung cấp thêm gói “tình một đêm”. Và đường cao tốc mới cáu đã đẩy luôn dịch vụ này vào Song Lương. Song Lương đã mở rộng gấp 4-5 lần so với khi tôi đến làn đầu năm 2009. Khắp nơi, không khí tràn ngập mùi vôi vữa dùng để xây các nhà nghỉ mới, với nhiều chiêu trò kinh doanh quái đản mới. Tất cả kiến trúc cũ của 10 năm trước đều đã bị thay mới và toàn bộ những nhà nghỉ mới này đều xả thải thẳng xuống hồ Nhĩ Hải. Thật sự tôi không hiểu ai sẽ chịu ở đây trong vài giờ chứ đừng nói là vài ngày. Đi được vài bước và tôi suýt bị 1 bao xi măng rớt từ công trường gần đó rớt trúng đầu. Quay lên cằn nhằn vài câu và nhận được sự phớt lờ của công nhân nơi đó, tôi liền lên xe rời khỏi Song Lương vì thật sự không thể chịu nổi được nữa.

UNESCO muốn phục hồi lại Song Lương. Nhưng hiện trạng của khu du lịch Lệ Giang sau khi trở thành Di sản văn hoá đã thể hiện điều ngược lại. Từ năm 1997, du lịch Lệ Giang phát triển không ngừng và ngày nay, mỗi năm họ đón hơn 40 triệu khách. Năm 2007, UNESCO đe doạ loại bỏ Lệ Giang khỏi danh sách di sản vì tình trạng thương mại hoá vô tội vạ làm thui chột nền văn hoá Nạp Tây cổ truyền. Ngày nay, Lệ Giang nổi tiếng tại Trung Quốc như là 1 khu chuyên bẫy du khách và các quán bar rẻ tiền.

Ở Đại Lý và khu vực quanh Nhĩ Hải, quan chức Trung Quốc vẫn đang nắm vận mệnh người dân nơi đây. Chủ nghĩa thành tích vẫn ăn sâu vào máu của quan chức Trung Quốc nên họ vẫn luôn thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế bất chấp. Từ đó, cơ hội tham nhũng càng nhiều, đặc biệt nơi xa như Đại Lý, Vân Nam. Họ luôn cố gắng xây thêm cơ sở hạ tầng để kiếm thêm tiền, thay vì giải quyết như 1 cộng đồng gắn kết như các quốc gia dưới hạ nguồn. Đại Lý và hồ Nhĩ Hải đã đến điểm bùng nổ và không lâu nữa sẽ phải cần 1 cuộc đại tu từ thượng tầng chính phủ, thẳng từ thủ đô về đến địa phương. Và đó sẽ là một vòng quay khắc nghiệt.

Ảnh. Đại Lý (2 ảnh). Hồ Nhĩ Hải (2 ảnh). Làng Song Lương (3 ảnh). Tảo nở hoa ở hồ Oregon

CHƯƠNG 4 - "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI"

Rất cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian ra nhắn tin góp ý, đặc biệt nhờ các anh chị mà mình đã dịch được 2 địa danh quan trọng là làng Yubeng (Vũ Bằng) và dòng Wunonglong (Ô Năng Long). Trong các chương trước, có 1 từ mà mình đã lược dịch là từ Zomia. Từ này được sử gia Willem van Schendel của ĐH Amsterdam dùng để nói về Khối núi Đông Nam Á của lục địa Á Châu vào năm 2002. Từ Zomia cũng được tác giả James Scott dùng để nói về vùng cao nguyên của Đông Nam Á trong cuốn sách “The Art of Not Being Governed” (Nghệ thuật chống cai trị). Từ thời điểm này mình sẽ dịch Zomia là Cao nguyên Đông Nam Á.

Chương 4: NGƯỜI DAO VÀ CAO NGUYÊN ĐÔNG NAM Á?

Loại thịt mà Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất là thịt heo, nhưng nhiều năm qua, ngành này luôn dính liền với các scandal về quản lý chất lượng và buôn lậu, dẫn đến việc nước này phải thắt chặt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ 1.5 triệu con heo mỗi ngày. Năm 2013, 900 người bị bắt ở miền Bắc Trung Quốc vì tội trộn thịt chuột, và cáo chồn để làm giả thịt heo. Năm 2015, hơn 1,000 người bị bắt vì tội bán thịt heo nhiễm độc làm học sinh ngộ độc hàng loạt ở Vân Nam. Cuộc điều tra sau đó cho thấy đống thịt heo đó đã được đông lạnh hơn 40 năm và có chứa E Coli. Nhưng cuộc khủng hoảng thịt heo đó lại mở ra cơ hội cho làng Nam Phượng Trung (Nanpengzhong), một ngôi làng nhỏ chỉ với 130 hộ dân nằm ở vùng núi Tây Song Bản Nạp của Vân Nam. Sau khi đường xá được xây để nối làng này với vùng thung lũng bên dưới vào 2014, trưởng làng, ông Nhân Sơn (Ren San) bắt đầu nuôi giống heo tai nhỏ bằng thức ăn và nước hữu cơ. Khi nhu cầu thịt heo tăng cao, ông dần dần chỉ làng mình và 3 làng lân cận cách nuôi heo này. Thịt heo Nam Phượng Trung có giá cao hơn gấp đôi so với thịt heo phổ thông ở Trung Quốc, và mỗi tuần đều có 2 chuyến bay đem thịt heo từ làng về các thành thị lớn để tiêu thụ. Người giàu Trung Quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh rất chuộng loại thịt heo này và thật buồn cười khi chỉ hơn 10 năm trước, vùng Nam Phượng Trung vẫn nghèo và lạc hậu nhất nước.

“Hơn nửa dân làng bây giờ đều đã có xe hơi, mọi người đều có xe máy và một số gia đình đã đủ điều kiện cho con vào đại học” - ông Nhân cho biết. Được bầu làm trưởng làng lần đầu năm 1998, ông Nhân đã từ từ giúp bà con nơi đây trồng thành công trà, cà phê, cao su và sau đó là nuôi heo. Để làm được điều đó, ông đã liên tục đi học các khoá đào tạo về nông nghiệp cho chính quyền địa phương Tây Song Bản Nạp tổ chức ở Cảnh Hồng, thủ phủ vùng này. Ông Nhân và 400 dân làng thuộc về dân tộc Dao, nhóm người thiểu số mà chính phủ Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông luôn coi là lạc hậu và “mọi rợ”. Hơn 2 triệu người Dao sống rải rác ở cao nguyên phía Nam Vân Nam, Đông Myanmar và vùng đồi núi phía Bắc Thái Lan, Lào và Việt Nam. Nhà nhân chủng học Patricia Pelley cho biết trong văn hoá dân đồng bằng Á Châu, tộc nào càng sống trên cao thì càng man rợ, và người Dao luôn sống ở các vùng cao nhất lục địa.

Vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc yêu cầu người Dao phải đăng ký chứng minh nhân dân, và tất cả người Dao đều phải tìm cho mình 1 cái tên tiếng Hoa. Người Dao lúc đó không có ngôn ngữ viết. Trước đó, trong sinh hoạt hằng ngày, họ không bao giờ phải viết tên mình xuống. Họ đã từng có nhưng theo truyền thuyết, khi bị xâm lược và buộc lưu vong thì họ đã phải ăn những tấm da trâu ghi chép lịch sử của mình để tồn tại.

Nhờ lối sống tách biệt mà họ giữ được tính cách, sự cân bằng văn hoá sinh thái và việc sử dụng tài nguyên bền vững. Những tộc người thiểu số sống ở lưu vực sông Mekong như người Dao luôn dịch chuyển lên xuống các dãy núi nhiều thế kỷ qua. Vì thế, rất khó để có thể định hình chính xác lịch sử của họ; xa xưa, họ luôn truyền miệng lịch sử của họ qua truyện kể và các bài hát.

Khi ngồi cùng tôi ở mảnh vườn trên tầng thượng nơi ông sinh sống và cũng là văn phòng của đảng Cộng sản tại làng, ông Nhân kể rằng theo ba ông, người Dao định cư ở vùng núi này từ những năm 1950, rồi càng đông người đến sống và làng bị hết nước nên họ mới phải dời tới vị trí hiện tại từ 1971.

Nhưng khi lục lại lịch sử Trung Quốc được ghi chép, thì người Dao đã xuất hiện từ hơn 2000 năm trước tại vùng Tứ Xuyên và có một nền văn minh lúa nước tương đối phát triển. Sau đó, do xung đột với các dân tộc phương Bắc nên họ bị đẩy khỏi Côn Minh, về phía đồng bằng sông Hồng, liên minh với người Nam Chiếu và Đại Lý cùng phát triển.

Trong văn hoá người Dao, họ luôn đặt cây lúa ở trung tâm để tưởng nhớ về nền văn minh lúa nước đã thất truyền của mình. Các câu chuyện cổ của người Dao luôn cảnh báo việc bị phụ thuộc hoặc xâm chiếm bởi các đế chế bành trướng. Nhà nhân chủng học người Hà Lan, Leo Alting Von Geusau, người đã giành nửa cuối đời mình sống với người Dao, cho biết trong lòng dân tộc này vẫn tồn tại tâm thế của kẻ bại cuộc (heritage of defeat) và tự nhìn nhận họ là một dân tộc bất lực, phải tránh xa khỏi các quốc gia hùng mạnh vùng đồng bằng.

Người Dao nổi tiếng về văn hoá truyền miệng có thể lưu giữ được phả hệ của hơn 60 đời. Lịch sử du mục của người Dao cũng được kết lại trong các bài ca lịch sử đó. Mỗi lần có 1 đứa trẻ ra đời thì gia đình lại đặc tên cho nó qua nghi lễ truyền thống. Trách nhiệm của mỗi gia đình là phải dạy cho con cái của mình nhớ về gia phả và lịch sử người Dao bằng cách truyền miệng. Mỗi 12 năm, người Dao sẽ tự tổ chức lễ thờ cúng cho tổ tiên của mình tại nhà, rồi cùng cả làng ăn mừng. Ai phá vỡ các nghi thức này sẽ đem lại xui xẻo và có thể bị đuổi khỏi làng.

MÔ HÌNH NƯƠNG RẪY, THỰC CHẤT ĐÃ GIỮ RỪNG

Một lý do khác buộc người Dao phải luôn di cư là để tìm kiếm nguồn thức ăn. Họ, cũng như nhiều dân tộc ở Cao nguyên Đông Nam Á sống ở vùng cao nguyên Tây Bắc Trung Quốc, áp dụng mô hình nương rẫy. Hình thức này là “đốt rừng làm rẫy” (slash and burn) và bị dân Trung Quốc đồng bằng xem là thấp kém hơn kỹ thuật lúa nước đồng bằng. Người đồng bằng nghĩ phương thức canh tác này sẽ tạo ra 1 vòng lặp không ngừng của việc trọc hoá núi đồi, nhưng điều này là vô căn cứ. Để canh tác nương rẫy, dân thường chọn dùng ở các vùng có nhiều sườn đồi cạnh nhau, phát quang bụi rậm, đốt những cây thấp hơn để tạo 1 lớp phân bón tự nhiên. Họ trồng lúa, khoai hay các loại cây trồng đa canh khác, đáp ứng đủ nhu cầu của dân làng. Những sườn đồi này, tuỳ theo độ phì nhiêu, mà sẽ được canh tác trong từ 2 đến 10 năm rồi khi đất hết dinh dưỡng thì họ để trống trong vòng 10 năm nhằm phục hồi. Dân càng ít, càng cần ít đất.

Hình thức canh tác “du canh du cư” này đã bị cấm ở Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan do người đồng bằng nghĩ là nó tạo ra rất nhiều mảnh đồi trống núi trọc; phá hủy môi trường. Tuy nhiên, họ đã hiểu sai, vì canh tác nương rẫy là tập trung khai thác một diện tích đồi núi nhất định mà thôi; những vùng đất chung quanh sẽ không bị đụng vào và nhìn tổng thể vùng cao nguyên sẽ luôn giữ được cho mình 1 lượng đất rừng ổn định. Canh tác nương rẫy nếu được quản lý đàng hoàng sẽ luôn đảm bảo được hệ sinh thái rừng, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã, giúp núi đồi luôn đủ độ ẩm và ngăn chặn núi lỡ.

*Note: Mô hình canh tác nương rẫy còn giúp người Dao sống tách biệt với dân dân đồng bằng. Ngoài ra, các nghi lễ truyền thống của người Dao (lịch) giúp củng cố chủ nghĩa bình đẳng (phân chia đều tài nguyên, đất đai và các lãnh thổ khác).

Do sản lượng thấp từ canh tác nương rẫy, người Dao phải sống dựa trên các nguồn dinh dưỡng khác như trái cây, thú rừng, nấm và măng. Việc gìn giữ cân bằng sinh thái giữa trồng trọt và núi rừng là điều kiện tồn tại tiên quyết của người Dao, vì vậy truyền thống của họ cấm tuyệt đối việc khai thác những khu rừng sâu. Trong văn hoá người Dao, các khu rừng ở cao nguyên luôn được bảo hộ bởi thần rừng và các loại thú dữ được coi là hiện thân của thần linh. Người Dao khi vào rừng chỉ thu hoạch măng, nấm, và các loại động vật “an toàn” như heo rừng, nai và gấu (!?); Họ tin là chỉ cần lỡ tay gây tổn thương trâu rừng, báo đốm và tê giác, cả làng sẽ gặp xui xẻo. Tương tự như vậy, cây trong rừng cũng được tôn trọng tuyệt đối; gỗ xây nhà hay sưởi ấm được lấy ở mức tối thiểu từ các khu rừng gần làng, mà họ coi như vành đai thủ hộ đảm bảo tính bền vững cho tài nguyên rừng. Ngoài ra, người Dao cũng thu hoạch các loại thảo dược để bán xuống đồng bằng, rất được giá. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Dao vùng Tây Song Bản Nạp cũng thu hoạch thêm mây tre và trồng á phiện (opium) để bán về đồng bằng. Như cách trữ tiền và thể hiện, phụ nữ người Dao hay dắt tiền trên vành nón (nên mới có tên là người Dao tiền). Tác giả Jame Scott mô tả những sản vật này là vũ khí của kẻ yếu (weapon of the weak). Nhưng rồi với đường xá và vũ khí tiên tiến, người Trung Quốc cũng dần dần chiếm được quyền kiểm soát vùng cao nguyên thượng nguồn Mekong này.

Đối với người Dao, sự xuất hiện của người Hán Trung Quốc đồng nghĩa với điềm xui xẻo vì chiến lược Hán hóa của họ. Trong Cách mạng văn hoá, người Trung Quốc đã cấm tuyệt đối dân tộc thiểu số việc thờ cúng tổ tiên và cả trang phục truyền thống ; các bàn thờ của người Dao bị phá bỏ và cấm luôn các phong tục thờ cúng từ xưa. Chính quyền TQ đã cấm cả người Trung Quốc thờ cúng tổ tiên để tạo ra 1 thế hệ người Hán trung thành với lý tưởng khác...Khi đó, chính phủ Trung Quốc tịch thu và xung quỹ toàn bộ vùng rừng núi chung quanh; họ tiến hành thu hoạch gỗ ngay lập tức và đưa khu vực này vào chiến lược khai thác tài nguyên quốc gia. Điều đó dẫn đến xung đột sâu sắc giữa chính quyền Trung Quốc và người dân tộc. Chỉ đến triều đại của Đặng Tiểu Bình, từ sau 1979, người dân tộc mới lại được cho phép mặc trang phục truyền thống và thực hiện các phong tục; nhưng đất canh tác vẫn do chính quyền trung ương quản lý.

*Note: Theo phong tục người Dao, mỗi năm phải xây mới cổng làng, mà bằng gỗ nguyên khối. Tục lệ bị cấm từ năm 1998 do chính phủ Trung Quốc cấm chặt cây rừng, cấm canh tác nương rẫy.

VÌ SAO LỚP TRẺ DAO QUÊN ĐI TRUYỀN THỐNG?

Văn hoá địa phương người Dao từ đó dần dần bị xóa mờ. Tháng 10/2014, trong 1 lần quay lại thăm, tôi được mời tham dự vào lễ hội mùa màng truyền thống của người Dao. Trên đường đến lễ đường, chúng tôi bắt gặp 1 nhóm thanh niên ngồi hát karaoke uống bia ở cửa hàng tiện lợi, khuyên chúng tôi đừng đến lễ hội vì ở đó toàn là mê tín thôi. Chúng tôi vẫn tham dự lễ hội. Sự lệch pha trong cách nhìn của thế hệ thanh niên quả đáng lo ngại cho sự mất dần những giá trị địa phương. So với các dân tộc thiểu số khác ở Vân Nam, người Dao vẫn cố giữ các lễ hội truyền thống. Nhưng chính phủ Trung Quốc tập trung tách thế hệ trẻ người Dao với các truyền thống cha ông. Từ năm 2013, tất cả các gia đình người Dao đều bị bắt buộc phải gửi con cái đến học ở những trường tập trung dưới đồng bằng và chỉ cho chúng về nhà vào cuối tuần. Điều luật này gần như tách biệt giới trẻ người Dao từ 6 đến 15 tuổi khỏi gia đình. Càng về sau, người Dao càng lo ngại vì trẻ con Dao dần dần không còn nhớ về các truyền thống của dân tộc.

Việc cấm canh tác nương rẫy cũng đẩy các khu rừng mà người Dao từng nhiều năm sinh sống đến cảnh bị khai thác kiệt quệ. Những mảnh rừng trước đây được người Dao gìn giữ, nay đã bị đốn hạ để trồng cây cao su. Cây cao su xuất hiện ở Nam Phượng Trung lần đầu tiên vào đầu những năm 2000 như là giống cây sinh kế mới. Giờ đây, chính phủ Trung Quốc giao đất khác người Dao xưa, vì dựa trên đầu nhân khẩu (nhà nào nhiều người được thêm đất). Nhà nghiên cứu lịch sử Dao tộc, Vương Kiên Hoa (Wang Jianhua) cũng cho biết quan chức của vùng này cũng lợi dụng chính sách đó để vơ vét đất đai.

*Note: Ngày nay, người Dao sống phụ thuộc vào thị trường thế giới, chứ không như ngày xưa khi còn tự cung tự cấp. Lối sống của người Dao ở Nam Phượng Trung cũng thay đổi ít nhiều; khi trồng cây dài ngày, rảnh rỗi hơn, họ sinh tật đánh bạc và uống rượu. Khi còn ở đây, tôi đã từng chứng kiến cảnh 1 thanh niên người Dao mất mạng do lái xe khi say xỉn.

*Note: Những phần tiếp theo của chương 4 là các câu chuyện của tác giả tiếp xúc với những người Dao tộc.

NGƯỜI DAO THÁI TỪ DÂU ĐẾN (Câu chuyện 1)

Cuối tháng 12, 2014, tôi bắt gặp 1 cô gái người Dao trẻ tên Meepu ở Mae Salong (giờ còn gọi là làng Santikhiri, ở vùng Chiang Rai, Thái Lan), một ngôi làng phía Bắc Thái, không xa động Tham Luang mà đội bóng thiếu niên tên Heo Rừng đã bị nước cuốn rớt xuống, và được giải cứu tháng 6, 2018. Meepu và bạn bè cô, lúc gặp tôi, đang bán trà hữu cơ trong lễ Năm mới mà người Thái tổ chức ở làng Mae Salong. Thanh niên người Dao rất thích các trò đánh du thể hiện sự tự do, như câu hát nổi tiếng của dân tộc họ: “Dù mất giang sơn, ta vẫn có thể tự do chơi đánh đu giữa đất trời.”

Cô gái Dao Meepu vốn không sinh ra ở Mae Salong mà đến từ Trung Quốc. Trong khi phần lớn trong 75.000 người Dao Thái di cư đến đây vào thế kỷ 20, Meepu và gia đình cô đến đây vào 2004. Cho tới trước 1950, người Thái và các dân tộc thiểu số miền núi khác vẫn thường di cư xuyên biên giới các nước Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam (biên giới chỉ quản lý lỏng lẻo bằng vài chốt canh). Khu vực này với giao thương hàng hoá và nhân lực ở đây chính là khu Tam Giác Vàng sau đó.

Chuyến đi lên làng Mae Salong làm chúng ta có cảm giác như quay lại Vân Nam. Ở độ cao hơn 1000 mét, các biển hiệu ở Mae Salong đều bằng tiếng Hoa thay vì tiếng Thái. Mae Salong là một ngôi làng độc đạo, con đường xuyên qua làng dài 3 cây số đi thẳng lên bờ núi. Hầu hết các hộ dân ở đây đều là con cháu của lính Trung Hoa Quốc Dân đảng (Chinese Nationalist Kuomintang - KMT) bỏ trốn khỏi Vân Nam sau khi đảng Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa (Republic of China) ra đời năm 1949. Những người lính KMT này đầu tiên bỏ chạy sang Myanmar, cố gắng tổ chức các cuộc nổi dậy, và khu Tam Giác Vàng hình thành dần trở thành trung tâm của cuộc chiến á phiện toàn cầu. Đầu những năm 1960, đảng KMT bị trục xuất khỏi Myanmar, để rồi cuối cùng dừng chân ở phía Bắc Thái Lan và Mae Salong là cứ điểm của KMT từ đó.

NGƯỜI DAO THÁI VÀ SỰ THAY ĐỔI TÔN GIÁO (Câu chuyện 2)

Dương Trọng Quang (Yang Congguang), là người Hán Trung Quốc, hiện đang là mục sư ở nhà thờ Baptist tại Mae Salong. Gia đình ông bỏ trốn khỏi Vân Nam đến Myanmar vào năm 1958 và cải giáo sang đạo Thiên Chúa sau khi đã ổn định cuộc sống ở làng Lí Tư, tỉnh Shan (vào những năm 1960, khi biên giới giữa Vân Nam và Đông Nam Á liên tục xảy ra giao tranh, gia đình họ vô tình gặp được cộng đồng Thiên Chúa giáo hiền lành, không hút chích, đánh bạc hay nhậu nhẹt, nên họ quyết định cải đạo). Ông Dương sau đó bị đảng KMT bắt nhập ngũ và sau vài năm ông, bỏ trốn, lưu lạc khắp nơi, cuối cùng đến Bangkok và học đạo để trở thành mục sư. Đầu những năm 1990, chiến tranh lạnh kết thúc, vợ chồng Dương Trọng Quang dừng chân ở làng Mae Salong, xây cho mình 1 nhà thờ nho nhỏ chỉ 1 phòng. Ngày ngày, buổi sáng 2 vợ chồng tổ chức lễ cho người Dao. Cuối tuần, 2 vợ chồng lại mở lớp dạy tiếng Hoa miễn phí cho những đứa trẻ người Dao không quốc tịch (nên không thể vào trường dạy tiếng Thái ở địa phương). Sau vài năm, những đứa trẻ đó vào được trường cấp 3 ở Thái, có vài đứa vào đại học.

Sau khi làng Mae Salong thành lập 10 năm, gia đình Meepu đến đây, cải đạo sang Thiên chúa giáo, và Meepu theo học trường của mục sư Dương. Nhờ đó, cô đã vào được trường Thái, tốt nghiệp cấp 3 hoàng gia Thái, và giờ đây cô đang dạy tiếng Hoa ở trường của mục sư Dương để dành tiền đi học đại học. Cô muốn thành cô giáo dạy tiếng Hoa vì cô không hiểu gì những bài hát tiếng Dao mà dân làng cô hay hát.

Thiên Chúa giáo đến với vùng cao nguyên biên giới giữa Trung Quốc và Đông Nam Á thông qua các nhà truyền giáo từ Anh và Pháp từ thời thuộc địa. Tôn giáo ở đây như 1 cách để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc và nối họ với một thế giới rộng lớn hơn. Dù sau đó Thiên Chúa Giáo bị cấm, các nhà truyền giáo phương tây đã kịp cắm rễ tôn giáo ở các làng Lí Tư, làng Karen (người cổ dài), làng Kachin (Cảnh Pha - Jingpo)...

Cho tới trước những năm 1980, người Dao ở cao nguyên Thái Lan và Myanmar đã bài xích rất mạnh mẽ đạo Thiên Chúa. Việc canh tác lúa nương bị thay bằng trồng cây á phiện. Hoàng gia Thái, cùng sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc (UN) day làm nông thay cây á phiên nhưng thất bại. Thanh niên người Dao lún vào tình trạng nghiện ngập. Nhiều phụ nữ người Dao trẻ đã trở thành nô lệ tình dục, và các ngôi làng Dao thanh bình một thời, chứng kiến cảnh bệnh xã hội lan tràn. Và người Dao càng cải đạo sang Thiên Chúa giáo vì nghĩ điều này giúp họ giữ được hệ giá trị đạo đức của mình.

Nhờ đạo này, người Dao không quốc tịch cũng hoà nhập được cộng đồng. Ở Thái, hoàng gia Thái đòi hỏi người dân trung thành với lý tưởng “Quốc Gia, Tôn Giáo và Quốc Vương” (Nation, Religion, and King), thể hiện sự ưu ái tập trung vào Đạo Phật. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, chính phủ Thái Lan đã xem người dân thiểu số đều là dân nhập cư bất hợp pháp.

Hiện tại, có hơn 17,000 đơn xin nhập tịch từ người Dao ở quận Mae Fah Luang (Dịch ra là Cố Hậu - the late princess mother), nơi có làng Mae Salong. Và hiện chỉ có gần 50% số người Dao là có quốc tịch. Người Dao có khuynh hướng cho con mình học tiếng Anh và tiếng Hoa nhiều hơn là tiếng Thái. Họ cũng nghĩ kết nối các nhà thờ dễ kết nối thế giới. Như trường hợp Ashi, một thanh niên người Dao đã tốt nghiệp thủ khoa khi theo học mục sư Dương, rồi được học cử nhân tiếng Anh ở một đại học tư tại Chiang Rai, và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại đại học Thanh Hoa TQ. Ashi hiện tại đang quản lý 1 start-up công nghệ tại Chiang Rai. Gần đây, Meepu đã được nhận vào học chương trình sư phạm ở 1 đại học công tại Chiang Rai.

Việc cải đạo sang Thiên Chúa giáo đã khiến người Dao kết nối nhiều hơn với các thị trường tư bản, theo chủ nghĩa cá nhân và hệ thống quản trị định hướng phương tây. Đạo Thiên Chúa cũng tạo nên sự chia rẽ trong cộng đồng người Dao. Những người Dao theo đạo luôn coi thường phần còn lại của tộc mình. Học giả về người Dao, Lý Hải Anh cho biết các nhà thờ người Dao cũng ngăn cấm thờ phụng ông bà; phải dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên, không nghe lời các già làng, và không được sử dụng đông dược.

Cả 2 học giả về Dao tộc, ông Vương Kiên Hoa và bà Lý Hải Anh đều đang cố gắng thực hiện các hoạt động cổ vũ việc gìn giữ văn hoá người Dao. Họ lo lắng truyền thống lịch sử truyền miệng của người Dao sẽ dần biến mất.. Khi sự kết nối với gia đình và tổ tiên biến mất, cũng là lúc chúng ta mất đi danh tính của mình. Xung đột đức tin của người Dao vẫn là vấn đề đã và đang xảy ra nhiều năm nay. Phong trào Tân Truyền Thống được khởi xướng từ năm 2008, do những doanh nhân, giáo sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ dẫn đầu, nhằm khôi phục các phong tục truyền thống qua các hoạt động ca hát, nghệ thuật và canh tác nông nghiệp. Trong hơn 10 năm qua, họ đã thực hiện và thành công trong việc tạo ra 1 hệ thống chữ viết tiêu chuẩn để ghi chép lịch sử; việc truyền miệng lịch sử cũng được lược bỏ và chỉ thể hiện trong sách vở qua các tranh vẽ. Những tư liệu này được họ in ấn và truyền bá rộng rãi, lên cả mạng xã hội. Ông Nhân Sơn cũng đem các bộ sách này về trưng bày ở bảo tàng Nam Phượng Trung. Có một trường phái khác, đối lập Tân truyền thống thì đã giản lược hoá quá đáng truyền thống người Dao. Nói chung cả 2 đều cố giữ để người Dao không mất về tay Thiên Chúa giáo.

Lần cuối cùng nói chuyện với trưởng làng Nhân, chúng tôi gọi cho nhau qua WeChat hơn 1 tiếng đồng hồ. Ông khoe về các nỗ lực gìn giữ văn hoá người Dao cuối cùng cũng đạt được 1 ít thành tựu. Giờ đây, các hội nghị về truyền thống Dao tộc được tổ chức đều đặn và nhiều người người tham dự hơn. Ông cũng gửi cho tôi những file PDF, video và hình ảnh về các hoạt động của phong trào. Ngày nay, thay vì tâm thế của kẻ bại trận, người Dao đã phát triển cho mình một hệ thống kinh tế xã hội đầy khí lực, ngay cả khi phải đương đầu với sưu thuế và chế độ nô lệ, vẫn có thể giữ vững giao thương với dân đồng bằng. Công nghệ và các cơ hội xã hội từ đồng bằng đã không còn bị nghi kị nữa. Thậm chí, nhiều người Dao đã dùng công nghệ để giữ gìn và phát huy truyền thống của họ. Điều vui là khi tán gẫu về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ông Nhân cười: “Chúng tôi không lo lắng gì cả. Chiến tranh là chuyện của các nước lớn. Chúng tôi là người Dao, và chúng tôi giỏi nhất là sinh tồn. Nếu chiến tranh nổ ra, người Dao chỉ cần quay lại canh tác nương rẫy là được. Và chúng tôi vẫn giỏi chuyện đó lắm.”

Chương 5: Tam Giác Vàng vận hành ra sao?

​CHƯƠNG 5- NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI

(Tác giả: Brian Eyler – Người dịch: Kiến Phước Nguyễn Tấn)

Một tuần trước, ngày 29/3, tôi đã nhận được bản dịch chương 5 này. 8.300 chữ. Bạn trẻ KP này nói dịch cuốn sách chủ yếu cho ba mẹ anh ấy đọc (nhưng vài lúc ảnh bận hay bị lười, ba mẹ ảnh nói, thì tạm nghỉ ít lâu cũng được mà, thì ả vẫn cứ kiên nhẫn giữ nhịp, ngồi dịch, tra cứu từng địa danh, đi tìm từng cái ảnh minh họa, có lẽ không muốn người đọc trên tường nhà anh ấy phải chờ). Và ba anh ấy đọc đều, nhận xét từng chương với người dịch. Còn mẹ ảnh thì bận nhiều việc xen ngang nên chưa trích đăng trên tường nhà minh.

Đã đúng một tuần và ảnh có nói: hôm nay là ảnh xong chương 10, kết thúc việc dịch cuốn sách luôn. Nghe vậy, tôi biết là phải cố gắng chuyển tải các bài dịch từ chương 5 đến chương 9, liên tiếp, để sẽ cùng bạn trẻ này đăng chương 10, góp cùng chàng vài lời tạm biệt cuốn sách. Mỗi chương từ 7 đến 8 ngàn chữ, tôi đành phải tóm lược lần nữa khi đăng. Muốn đọc đầy đủ bản dịch, mời bạn chạy qua nhà anh ấy: phuoc k nguyen tan. Cám ơn các bạn.

Chương 5. TAM GIÁC VÀNG DƯỚI ẢNH HƯỞNG CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN.

Chương này kể lại quá trình tìm gặp và nghiên cứu về khu vực “Tam giác vàng” (The Golden Triangle), nơi được coi là trung tâm của chiến tranh ma tuý toàn cầu. Từ những ngày đầu, khi người dân nơi đây canh tác nông nghiệp thuần tuý, cho đến sau này, dưới áp lực của nhiều chuyển động chính trị xã hội, tác giả đều ghi chép việc chuyển mình của Tam giác vàng và sự thay đổi trong văn hoá sinh hoạt của người dân khu vực này. Mời bạn theo chân tác giả.

Hành trình đến hạ nguồn Mekong của tôi bắt đầu sau bữa học cuối khoá về các nền kinh tế Đông Nam Á ở Đại học California, San Diego (University of California, San Diego). 5 phút cuối của bài giảng, giáo sư Krislert Samphanthrak liệt kê 1 số xu hướng nổi bật của Đông Nam Á, bao gồm cả việc giao thương giữa Trung Quốc và Thái Lan trên sông Mekong đang phát triển nhanh. Vì đã từng đến Cảnh Hồng và Tây Song Bản Nạp vài năm trước và có cách nhìn của riêng mình, tôi chia sẻ với giáo sư rằng bản thân thấy thương mại đường thuỷ gần như không phát triển. Và nhờ cuộc đối thoại đó mà tôi nhận được 1 khoản trợ cấp nhỏ từ trường để theo chân cán bộ công quyền và các nhà buôn đi từ Vân Nam xuôi về hạ nguồn sông Mekong. 4 tháng sau, tôi đã thấy mình ở Quan Luỹ (Guanlei), một cảng lớn của Trung Quốc ở Mekong, và chuẩn bị lên tàu tìm về vùng Tam Giác Vàng.

TÌM VỀ TAM GIÁC VÀNG

Chuyến đi của tôi mục đích là để theo dấu dòng chảy hàng hoá, tìm hiểu xem nông sản làm sao đến được Talad Thai, chợ sỉ lớn nhất Thái Lan, nằm ở phía Bắc Bangkok. Trước khi rời khỏi cảng Quan Luỹ, suốt đêm đó, các phu khuân vác chất đầy thuyền nào tỏi và táo. Để đến được Chiang Saen, một quận phía Bắc Thái Lan cách Quan Luỹ 200 cây số xuôi dòng, chúng tôi phải khởi hành từ mờ sáng. Tuyến đường này theo nhiều người mô tả là đi vào một khu vực bất ổn của Mekong, khi dòng sông chia cắt biên giới Lào và Myanmar. Đây cũng là nơi cát cứ của các lãnh chúa và trùm ma tuý. Đây cũng là tuyến đường dẫn đến Tam Giác Vàng, nơi biên giới 3 nước Lào, Thái Lan và Myanmar gặp nhau, là trung tâm ma tuý lớn nhất thế giới (vào thời điểm đó, cho đến khi bị (hay được?) Afghanistan soán ngôi).

Sau mấy giờ sóng gió, chúng tôi đã đến được Tam Giác Vàng. Chỉ vào bức tượng Phật vàng lớn ven sông, thuyền trưởng cho biết thực chất vùng này có 1 mảnh đất được bồi đắp bởi các con sông nhỏ khi đổ về Mekong, đó mới là nơi biên giới 3 nước thật sự giao nhau.

Thuyền chúng tôi lặng lẽ thả neo ở con đê dọc cảng Chiang Saen và từng nhóm phu khuân vác người Thái và Hoa lũ lượt đổ ra để vận chuyển hàng lên bờ. Từ những ngày đầu, việc giao thương phát triển là do chính sách của 2 nước Thái Lan và Trung Quốc trong việc giảm thuế cho 1 số mặt hàng nông sản nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Sau hơn 60 năm bất ổn ở các tỉnh phía Bắc, Thái Lan tổ chức các chương trình phát triển nông nghiệp do chính phủ tài trợ. Trung Quốc cùng ngân hàng ADB thì tổ chức Chương trình phát triển kinh tế phân vùng sông Mekong (Greater Mekong Subregion program) vào giữa những năm 1990....Đây là 1 phần chiến lược của Trung Quốc nhằm duy trì lưu lượng hàng hoá phòng ngừa trường hợp Hoa Kỳ và các cường quốc quân sự khác phong toả biển Đông.

Tuyến đường cao tốc Côn Minh - Băng Cốc hoàn tất năm 2007 được xem là trụ cột chính của kế hoạch này và sẽ cho phép hàng hoá từ Côn Minh đổ về các chợ ở Thái Lan không tới 1 ngày đường. Lào không đủ tiền nên hầu như không thể đóng góp gì. Hưởng lợi chính trong dự án này là Trung Quốc và Thái Lan.

Những năm sau đó từ 2004, tôi thường xuyên đến đây, thấy hàng hóa giao thương Thái –Trung tấp nập. Người Thái xuất gà và heo đông lạnh về Trung Quốc. Cảng Chiang Saen cũng là nơi thường xuất hàng ngược dòng có nguồn gốc xa xôi tận Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran; một lần tôi được tận mắt chứng kiến 20 chiếc xe hơi thể thao cổ được chuyển về Trung Quốc để làm giàu cho bộ sưu tập của 1 quan chức người Vân Nam.

CHIẾN TRANH MA TUÝ TÀN KHỐC RA SAO?

Trong lần quay lại đây năm 2015, một thuyền viên đã dẫn tôi đến hiện trường một vụ án chưa có lời giải đáp. 4 năm trước, vào ngày 5/10/2011, tàu Hoa Bình (Hua Ping) và tàu Vũ Hưng (Yu Xing) được phát hiện bị bỏ hoang cách cảng Chiang Saen 7 cây số ngược dòng. Lúc đó cảnh sát địa phương chỉ tìm được xác của thuyền trưởng trên boong với 1 khẩu AK-47 và hơn 900,000 viên ma tuý đá (methamphetamine), trị giá hơn 6 triệu USD. Hơn 2 ngày sau, xác của 12 thuỷ thủ đoàn khác mới lần lượt dạt vào bờ. Tất cả đều bị bịt mắt và có dấu vết bị tra tấn tàn nhẫn. Nhân chứng khai nhiều cách khác nhau. Cuộc điều tra của 4 bên với Thái Lan, Lào và Myanmar đã dừng ở một cái tên: Naw Kham, một trùm ma tuý địa phương có lãnh địa nằm ở các tỉnh Đông Myanmar và Tây Lào trong hơn 10 năm qua.

Từ đầu năm 2012, lực lượng chống ma tuý của Trung Quốc nhiều lần suýt tóm được Naw Kham. Nhưng phải đến tháng 04/2012, Naw Kham mới bị bắt sống trên 1 chiếc tàu gần nơi trú ẩn của hắn. Naw Kham bị tuyên án tử bằng thuốc độc, và buổi hành hình cũng được Trung Quốc tường thuật trực tiếp truyền hình. Nhà báo Jeff Howe, người đã có bài điều tra chi tiết về vụ án trên tờ tạp chí Atavist, lại có 1 giả thuyết khác cho vụ án, và mọi thứ bắt đầu từ sòng bài Kings Roman (Kings Roman Casino) là một tổ hợp giải trí khổng lồ này nằm ở bờ đối diện hiện trường vụ án và ông chủ Triệu Vĩ (Zhao Wei) của chúng đã đấu đá khốc liệt với Naw Kham nhiều năm liền.

Cờ bạc và mại dâm đều bị xem là bất hợp pháp ở Trung Quốc và Lào, nhưng điều khoản thuê đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng cho phép chủ thuê tự do làm gì thì làm. Ngoài việc là thiên đường ma tuý và tình dục, khu này còn là ổ buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Sau vụ án Naw Kham, chính phủ các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar thành lập lực lượng tuần tra sông để đảm bảo an ninh đồng thời trấn áp các hoạt động phi pháp. Nhưng nếu báo cáo của EIA là chính xác thì lực lượng này giờ đây thành người bảo hộ cho việc buôn lậu ma tuý, động vật hoang dã và có thể là cả buôn người nữa.

MỘT VÀNH ĐAI, MỘT CON ĐƯỜNG.

Một thị trấn lớn khác ở khu Tam Giác Vàng của Thái Lan là Chiang Khong, bự khoảng gấp đôi Chiang Saen, nằm cách đó 60 cây số xuôi dòng. Nhiều thế kỷ qua, Chiang Khong là tiền tuyến của hoạt động thương mại Thái-Lào. Vì xa xôi cách trở nên người dân Chiang Khong gắn bó với nhau hơn các làng mạc khác. Năm 2008, việc đường cao tốc R3 hoàn tất, bắt qua con sông ngang Chiang Khong và kết thúc ở làng Huayxai, bên Lào đã làm thị trấn này đông đúc hơn nhiều. Và vào 2013, khi Tập Cận Bình công bố sáng kiến Một vành đai, Một con đường (Belt and Road initiative), Trung Quốc đã cho xây 1 cây cầu bắt ngang sông Mekong, nối liền đường cao tốc R3 với hệ thống giao thông bên Thái. “Một vành đai, Một con đường” có tham vọng xây 1 loạt đường xá cầu cống để kết nối Trung Quốc với các thị trường ở Đông Nam Á, Trung Á, Châu Phi và Châu Âu, thể hiện một kế hoạch tham vọng hơn trong chính sách đối ngoại của nước này. Hệ thống cơ sở hạ tầng này sẽ được đầu tư bởi các ngân hàng phát triển của Trung Quốc và giới phê bình phương Tây hay so sánh với kế hoạch Marshall (Marshall Plan - chương trình hỗ trợ giảm gánh nặng thế chiến thứ 2 của Mỹ giành cho Tây Âu, trị giá 12 tỷ USD vào 1948, tương đương 128 tỷ USD vào 2020).

Khác với kế hoạch Marshall, dự án Vành đai - Con đường được thực hiện qua các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc. Những nước nào không có khả năng chi trả thì chính phủ Trung Quốc sẽ giành được quyền sử dụng những loại tài sản tương ứng. Ví dụ như chính phủ Sri Lanka vào cuối 2017 khi nước này không đủ sức trả khoản vay cho cảng Hambantota nên đã cho Trung Quốc thuê lại cảng này trong 99 năm. Các nhà phân tích tình hình Đông Nam Á lo lắng việc vay nợ đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến các nước yếu thế hơn như Lào và Campuchia, ngay khi họ đã và đang nợ Trung Quốc rất nhiều.

Để tìm hiểu về sự thay đổi của Chiang Khong, tôi đã tìm đến Jib, một người bạn cũ, hiện là chủ của nhà hàng Bamboo Mexican House nằm ở tuyến đường chính của thị trấn. Jib cho rằng cây cầu mới xây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con Chiang Khong. Trước kia, khi Lào mới mở cửa du lịch những năm 1980, vì việc lấy visa mất hơn 1 tuần nên khách luôn dừng chân nghỉ ngơi ở Chiang Khong. Giờ đây, với cây cầu và việc Lào cấp thị thực tại chỗ, du khách không còn dừng chân ở đây nữa mà đi thẳng qua Huayxai luôn.

ĐẬP THUỶ ĐIỆN VÀ ẢNH HƯỞNG LÊN TAM GIÁC VÀNG

Dân địa phương Thái Lan vùng Tam Giác Vàng cảm thấy sức ảnh hưởng của các con đập thuỷ điện của Trung Quốc từ lâu, trước khi đường xá, tàu bè hay cầu cống xuất hiện. Cũng như các làng quanh lưu vực sông Mekong, người dân đều sống nhờ vào đánh bắt cá, và những năm gần đây sản lượng cá tại Chiang Khong giảm hẳn. Ông Niwat Roikawe, hay còn được biết đến dưới cái tên Khru Tee, là người điều hành tổ chức phi chính phủ Rak Chiang Khong, dịch ra là “Thương về Chiang Khong”. Ông cho biết từ khi con đập đầu tiên, Mạn Loan, bắt đầu vận hành năm 1993, mực nước dưới đây giảm rõ rệt, dù cách xa tới 600 cây số. 15 năm qua, ông luôn theo dõi việc nước lên xuống mỗi ngày. “Vào 2011, khi siêu đập Tiểu Loan bắt đầu hoạt động, nước sông xuống thấp kỷ lục, đến mức tôi có thể đi bộ qua bờ bên kia vào mùa khô. Và chính sự lên xuống này làm cá khủng hoảng, dẫn đến việc chúng bỏ đi hoặc giảm hẳn sản lượng.”

Điện năng được các con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn Mekong rất cần thiết cho nước này vào các tháng mùa hè do nhu cầu về máy lạnh ở những thành phố ven biển tăng cao. Kết qủa là, các con đập có xu hướng ngừng sản xuất điện vào 2 mùa đông-xuân. Lượng nước bình thường hay chảy về hạ nguồn bị giam lại ở các hồ trữ nước. Nhưng ở lưu vực sông Mekong, 2 mùa đông-xuân lại là mùa khô hạn nhất nên mực nước dưới hạ nguồn giảm một cách bất tự nhiên suốt 6 tháng mùa khô. Điều này cũng làm cho tàu chở hàng Trung Quốc hay bị mắc cạn; và khi đó, họ lại gọi lên để đập Cảnh Hồng xả nước tạm thời. Nếu ở Vân Nam xảy ra các loại thiên tai vào mùa khô như bão tuyết hay gió mùa thì các đập cũng phải xả hồ. Những yếu tố này làm biểu đồ theo thuỷ văn biểu đồ (hydrograph) của sông Mekong lên xuống như sàn chứng khoán vậy.

Truyền thống canh tác của bà con dọc khu vực này bao gồm việc vào mùa khô họ sẽ trồng các loại nông sản phù hợp, và đánh cá để sống. “Nhưng giờ đây người ta bỏ lên thành phố hết rồi, vì làm gì còn cá nữa” - theo lời ông Polorng Taungsook, trưởng làng Huaileuk trong lần họp các trưởng làng tại trường Mekong của Khru Tee. Ông nói thêm: “Dòng sông không còn là dòng sông nữa, mà trở thành 1 chuỗi các hồ trữ nước rồi. Chúng ta cần xây dựng 1 mạng lưới cộng đồng vững chắc để ngăn chặn việc xây đập trên sông Mekong” .

Vào 2014, toà án tối cao Thái Lan đồng ý nghe kiến nghị của chương trình “Thương về Mekong” của Khru Tee và các cộng đồng ven sông khác về ảnh hưởng của đập Xayaburi, do phía Lào xây dựng cách Chiang Khong 300 cây số hạ nguồn. Kiến nghị nêu rằng đơn vị xây dựng đập này, công ty Thái Lan tên CH. Karnchang đã không bàn bạc với những cộng đồng địa phương trước khi xây dựng. Công ty này cũng không cung cấp đầy đủ thông tin về ảnh hưởng của con đập lên sinh hoạt người dân ở các nước ngoài Lào, như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Đây là sự kiện mang tính đột phá trong hoạt động xã hội dân sự tại Thái Lan. Xui xẻo thay, đơn kiến nghị được trình chỉ vài tháng trước cuộc đảo chánh quân sự của tướng Prayuth Chan-Ocha, lật đổ thủ tướng Thái khi đó là bà Yingluck Shinawatra vào tháng 05/2014. Và thế là đơn kiến nghị bị rơi vào quên lãng, do chính quyền mới lên không muốn đụng chạm với những dự án tỉ đô của Thái Lan tại Lào, đặc biệt là khi con đập này vào lúc đó đã được hoàn thành quá nửa.

Khúc sông này của dòng Mekong đã từng nổi tiếng với loài cá tra khổng lồ. Loài cá tra sông Mekong này là chủng cá nước ngọt lớn nhất thế giới và từng được tìm thấy ở nhiều nhành sông Mekong, từ Việt Nam đến Vân Nam (mà theo bà Lệ Khanh, củ công ty xuất khẩu thủy sản lớn của VN, thì con cá tra theo dòng Mekong về đến VN là có chất lượng ngon nhất). Ít điều được biết về tập quán sinh sống của loài cá này, nhưng người ta tin rằng chúng thường sống ở các bãi nước sâu giữa sông, và thường sinh sản ở các bãi cạn thượng nguồn gần Chiang Khong. Năm 2008 lệnh cấm đánh bắt loài cá tra khổng lồ này được ban hành, nhưng thi thoảng vẫn có vài cá thể bị bắt.

Để bảo vệ trữ lượng cá, người dân địa phương Chiang Khong tự mình bắt đầu công tác bảo tồn. Đây cũng là 1 phần di sản của cuộc sống tự cung tự cấp ven sông nhiều trăm năm qua. Họ xác định việc đánh bắt quá nhiều cộng thêm ảnh hưởng của các con đập làm cạn kiệt nguồn cá. Nhiều biện pháp được dân thực hiện để bảo vệ nguồn cá nhưng đều không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

CHƯƠNG 6: NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI

(Tác giả: Brian Eyler-Người dịch: Kiền Phước Nguyễn Tấn)

CÓ MỘT NƯỚC LÀO BỊ “TRUNG QUỐC HÓA” VÀ THAM VỌNG LÀ “BÌNH ĐIỆN CỦA CHẤU Á”

Cố đô Luang Prabang của Lào ở trung tâm Bắc Lào, nằm trên một bán đảo nhỏ hợp lại bởi dòng Mekong và 1 phụ lưu tên Nam Khan.

LUANG PRABANG VÀ TRUNG QUỐC

Thành phố này được coi là di tích được bảo tồn tốt nhất châu Á và với dân số vỏn vẹn chỉ 50,000 người, Luang Prabang có dáng dấp của 1 thị trấn yên bình như đã bị (được ?) thời gian và sự hiện đại bỏ quên. Dưới bóng râm tán cọ là các ngôi chùa cổ, các dãy nhà gỗ tếch truyền thống của Lào và những khu biệt thự phong cách Pháp. Phần lớn du khách đến đây bằng thuyền từ Tam Giác Vàng, hoặc đáp xuống đường băng duy nhất ở sân bay gần đó.

Luang Prabang luôn là thiên đường của giới thực khách sành điệu tìm kiếm món bánh sừng trâu (croissant) hoàn mỹ tại Le Banneton, quán cafe nhiều năm liền nằm trong danh sách hàng quán đứng đầu châu Á. Chiều chiều, người ta lại đổ về đỉnh núi Phousy ở trung tâm thành phố để ngắm mặt trời lặn, giữa mịt mờ sương khói ven sông. Sau hơn 20 năm được UNESCO xếp hạng di tích văn hoá thế giới, Luang Prabang vẫn giữ được vẻ đẹp của 1 viên bảo ngọc dưới bóng rừng già và núi non.

Vào một ngày đầu năm 2014, khi chợ đêm chuẩn bị dọn thì một đoàn hơn 10 chiếc xe hơi chở khách du lịch bấm còi inh ỏi muốn xuyên qua chợ để đến khách sạn. Đây là điều cấm kỵ tại Luang Prabang. À, thì ra đó là đoàn khách Trung Quốc. Họ đến đây ngày càng nhiều, đi đông và còi loa inh ỏi. Chính phủ Lào, năm 2013 phải ra 1 bộ quy cách ứng xử cho khách du lịch. Và đến 2015, du khách TQ vi phạm sẽ bị ghi vào điểm ...tín dụng xã hội của cá nhân. Ngày càng nhiều các chuyến bay thẳng từ các thành phố Trung Quốc đến đây.

LÀO ĐANG BỊ "TRUNG QUỐC HÓA" QUÁ NHANH NHƯ THẾ NÀO?

Vào tháng 01/2017, thủ tướng mới lên của Lào khi đó, ông Thongloun Sisoulith đã cho khởi công xây dựng hệ thống đường sắt dài 417 cây số nối liền Côn Minh - Vientiane. Dự án này vốn đã được đề xuất bởi phía Trung Quốc từ năm 2006, chi phí tới 6,2 tỷ USD (gần pân nửa GDP của Lào năm 2016), quá cao nên Lào không đủ sức. Nay thì đường sắt xây sắp xong, có 2 cây cầu băng ngang sông Mekong, trong đó có ột cây cầu nằm trên TP Luang Prabang). Năm 2016, chính phủ Lào thỏa thuận được với TQ, bắt đầu khởi công đường sắt, chính phủ Trung Quốc đồng ý chi trả phần lớn dự án và cho Lào vay 450 triệu USD, đổi lấy 5 mỏ kali. (PS của người dịch: Các chuyên gia bình luận, đó là chi phí để thu hút Lào tham gia chương trình “Vành đai, con đường của TQ).

Nhiều đồng nghiệp của tôi cho rằng giờ đây Lào bị Trung Quốc hoá quá nhanh, đặc biệt với dự án đường sắt này. Hơn 50,000 nhân công Trung Quốc đã đến Lào để tiến hành xây dựng; con số đáng kể so với dân số chỉ 7 triệu người của nước này. Ở nhiều thành phố phía Bắc Lào, nhân công Trung Quốc chiếm đến 10-20% tổng dân số. Người Trung Quốc đến Lào không chỉ để xây dựng mà còn để sinh sống: họ đã phá rất nhiều rừng, lập nhiều đồn điền để trồng chuối, dưa hấu và sắn, gửi nông sản về TQ. Nhân sự Trung Quốc đến Lào được phân bổ về các mỏ khoáng sản và hơn 40 dự án đập thuỷ điện do nước này đầu tư ở phía Bắc Vientiane. Năm 2017, khi được hỏi, kỹ sư trưởng quản lý 7 đập thuỷ điện ở sông Nam Ou, 1 phụ lưu quan trọng của Mekong, cho biết công nhân Trung Quốc chăm chỉ hơn, và lương thấp hơn người bản địa.

Điều không thể tránh khỏi chính là sự hoà nhập để đồng hoá người Lào của Trung Quốc. Giờ đây, nhiều nhóm việc làm đều được giao cho người Trung Quốc, từ cơ khí điện máy đến dịch vụ. Không ít người Trung Quốc, ở các thị trấn như Luang Namtha, Huayxai, và Luang Prabang đều đã sống lâu năm ở Lào, lấy vợ, sinh con và lập nghiệp luôn.

LÀO VỚI LỊCH SỬ CHIA NĂM XẺ BẢY

Với sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, chúng ta cần nhìn lại lịch sử lập quốc của Lào. Từ xa xưa, Lào gắn bó với 2 nước Thái Lan và Việt Nam, 2 nước láng giềng. Các tỉnh trung Lào mọc lên đầy rẫy các đặc khu kinh tế của Thái. Còn cao nguyên Bolaven ở Nam Lào thì có nhiều đồn điền cà phê của Việt Nam. Ở Atteupeu, thủ phủ Nam Lào, có nhiều hàng quán của người Việt.

Lịch sử ngày nay của Lào thường được kể về sự thành lập của vương quốc Lan Xang từ thế kỷ 14, bởi đại đế (great king) Fa Ngum, người đã thống nhất Bắc Lào và đặt thủ đô tại Luang Prabang. Ông cũng là người mang Phật giáo Nam Tông (Theravada Buddhism), đặt làm nền móng cho bản sắc văn hoá nước này. Trai qua hơn 2 thế kỷ thịnh vượng, thì đến thế kỷ 16, dưới áp lực xâm lược của Myanmar, vương triều Lan Xang phải dời thủ đô về Vientiane. Đến thế kỷ 17 thì vương quốc này bị chia làm 3 phần: Luang Prabang phía Bắc, Vientiane ở trung tâm và Champasak ở miền Nam (2 tỉnh này về sau bị đế chế Xiêm La thôn tính luôn). Người Pháp đô hộ Lào từ 1860 đến 1953 và giai đoạn này bị xem là những năm tháng đáng quên (period of ignorance) do người Lào lúc đó được coi là nô lệ, mất đi bản sắc dân tộc. Người Lào cũng giành được độc lập năm 1975.

Người Pháp khi đặt chân đến đây đã chia Việt Nam làm 3 kỳ và biến Lào thành vùng đệm, cản sự bành trướng của người Anh từ Myanmar tràn qua. Logic của họ là Lào khi đó đã thần phục triều đình Huế → triều đình Huế thần phục người Pháp → Lào phải thần phục người Pháp. Người Pháp với ý đồ chính trị theo logic này, đã thuê các chuyên gia bản đồ vẽ lại phạm vi quyền lực Pháp Đông Dương, bao gồm diện tích triều đình Huế và các “chư hầu” liên quan. Kết quả là bản đồ này bao trùm toàn bộ lãnh thổ Lào ở phía Đông Mekong, vùng Isaan và cao nguyên Khorat. (Và để đáp trả, người Thái thuê phe người Anh vẽ bản đồ trùm lên toàn bộ khu vực Mekong ở đây, tính luôn Lào và trải dài tới các dãy núi An Nam).

(Note của người dịch: Người Pháp giải quyết tranh chấp bằng cách đem thuỷ quân chặn ngay sông Chao Phraya ở Bangkok, cắt con đường thông thương của người Xiêm. Thế là người Xiêm phải đồng ý giao lại toàn bộ lãnh thổ phía Đông Mekong cho người Pháp).

Trong 5 thập kỷ tiếp theo, để củng cố sức ảnh hưởng, người Pháp đã cho viết lại lịch sử nước này. Giờ đây, lịch sử Lào ghi nhận công lao to lớn của quốc vuong Fa Ngum, người được coi là đã thống nhất toàn cõi Lào. Người Pháp cũng áp đặt rằng sự sụp đổ của vương quốc Lan Xang là do đấu đá nội bộ chứ không phải do ảnh hưởng bên ngoài.

Chính vì lịch sử phức tạp như vậy, cho nên Lào, dù hoàn toàn đủ tư cách là 1 quốc gia độc lập, các vùng lãnh thổ lân cận nước này luôn vướng nhiều tranh cãi về chủ quyền. Từ những năm đầu thế kỷ 20, do dân số Lào ít ỏi, người Pháp đã khuyến khích người Việt Nam sang Lào sống. Để minh chứng cho điều đó, báo cáo dân số năm 1937 tại Vientiane cho thấy có 12,400 người Việt Nam và chỉ 9,570 người Lào tại thủ đô. Và người Việt Nam đã sống lâu năm ở Lào và tình bạn 2 nước đến nay vẫn tương đối vững vàng.

Bước vào thế kỷ 20, Thái Lan vẫn không ngừng tìm cách lấy lại nước Lào bị “thất lạc” (lost Laos). Vào những năm 1920, người Thái mở rộng hệ thống đường sắt lên phương Bắc, về phía Chiang Mai và cao nguyên Khorat phía Tây. Nhờ hệ thống đường sắt đó mà ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của người Thái lên Lào mạnh mẽ hơn (khi đó để đi từ Sài Gòn đến Luang Prabang mất từ 3-4 tháng, trong khi đi từ Bangkok chỉ mất vài tuần).

Hệ thống đường sắt nối Trung Quốc và Lào, lại thể hiện tham vọng sâu xa của TQ để cũng cố quyền lực của họ tại Lào. Vì nếu thật sự chỉ muốn nối Hoa-Lào, thì có 1 tuyến đường ngắn hơn nhiều: đi thẳng qua Chiang Rai, băng qua Tam Gíac Vàng để đến Lào (ngắn hơn 300 cây số so với đường sắt hiện nay). Trung Quốc muốn kiểm soát kinh tế thương mại và các giá trị văn hoá lên vùng Bắc Lào, cắm rễ sự hiện diện tại khu vực này sâu sắc hơn.

CÁC CON ĐẬP ẢNH HƯỞNG TỚI LÀO NHƯ THẾ NÀO?

Trong những lần quay lại Lào, chúng tôi tập trung tìm hiểu về quá trình xây dựng các con đập và ảnh hưởng của chúng lên đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Đương nhiên, các công ty thầu việc xây dựng đập luôn cường điệu tính hiệu quả của quá trình tái định cư các cộng đồng sống quanh đập. Và hầu hết đều không đúng sự thật.

Vài năm trước, 1 người bạn của tôi tại Côn Minh sau khi trở về từ Bắc Lào đã cho xem những tấm hình người dân tộc thiểu số mặc trang phục sặc sỡ đứng trước con đập thuỷ điện mới xây trên sông Nam Ou. Nam Ou, dài 350 cây số, là phụ lưu dài nhất của dòng Mekong, chảy qua vùng núi rừng đá vôi, cắt ngang các tỉnh Phongsaly và Luang Prabang. Đầu nguồn Nam Ou nằm ngay biên giới với Trung Quốc. Vào thời điểm đó có rất ít thông tin về con đập này. Vì vậy tháng 02/2016, tôi đến đây. Có đi thực địa, mới thấy rõ, môi trường sống tại những khu tái định cư này đều rất tệ. Ngôi làng chúng tôi đến thăm có khoản 100 ngôi nhà lớn với gạch ngói đỏ. Vừa dừng xe, một nhóm dân làng, được dẫn đầu bởi một người phụ nữ trung niên đến phàn nàn cùng chúng tôi. Theo họ, công ty thuỷ điện hứa đền bù khoản tiền đủ để người dân sinh sống 2 năm trong quá trình tái định cư. Nhưng hiện tại họ chỉ nhận được 6 tháng tiền và công ty kia đã phủi tay đi. Với số tiền ít ỏi đó, người dân quá khổ. Đất được dùng làm khu tái định cư là đất cứng, không canh tác được. Để canh tác, họ phải đi nhiều giờ để quay lại ruộng đất tại làng cũ (khi đến nơi thì trời đã sang trưa và họ chỉ có thể làm việc vài tiếng là phải trở về nên mùa màng không được ai trông coi). Người Lào vẫn áp dụng mô hình nương rẫy; nhưng chính phủ Lào không công nhận mô hình này nên đất canh tác không nằm trong gói đền bù. Giờ đây, để canh tác, người dân nơi đây phải đi thuê ruộng của làng bên, và do không có thu nhập nên hơn một nửa dân làng đã lâm cảnh nợ nần. Nhiều người bỏ làng đi. Tỉ lệ người già chết cao hơn, trẻ em suy dinh dưỡng nhiều hơn... Với việc kiểm soát nghiêm ngặt về tuyên truyền của Lào, chúng tôi bất ngờ trước việc bà con nơi đây thoải mái nói chuyện với người lạ. Nhưng rồi mọi người chia sẻ, 18 tháng sống ở đây chẳng có nhân viên công quyền nào đến, mà chỉ có các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền mà thôi. Cuối cùng tôi hiểu rằng chính quyền địa phương đã ăn chặn tiền đền bù của họ.

Cũng có (hiếm hoi) làng tái định may mắn hơn: Dự án đền bù cho 2,000 người dân ở đập thuỷ điện Xayaburi lại được đền bù tương xứng và đúng thời hạn. Có thể do đây là dự án trung ương, bị soi mói nhiều và chính phủ Lào luôn “khoe khoang” về thành tích này.

Ở Lào và quanh vùng Mekong, không khó để tìm thấy các dự án được đền bù tệ hại. Vào đầu những năm 2000, chính phủ Lào mở chương trình tái định cư do Liên Hiệp Quốc (UN) tài trợ để phá bỏ các khu á phiện ở cao nguyên nước này. Việc di dời cộng đồng người Hmong đang sinh sống ở đỉnh núi xuống sườn núi, do bị thiếu sinh kế, tỷ lệ tử vong của họ tăng gấp 4 so với trước đó.

Các kế hoạch tái định cư dân tộc thiểu số về đồng bằng của chính phủ Lào được xem phục vụ cho 3 mục đích: (1) giảm tỉ lệ đói nghèo bằng cách giảm thiểu các hoạt động sản xuất không đóng góp vào nền kinh tế tiền mặt (dân miền núi sống dựa trên sản vật rừng và kiếm ít tiền mặt nhưng sống rất ổn); (2) xoá bỏ các cộng đồng ngoại vi để đồng bộ văn hoá miền núi với văn hoá đồng bằng; và (3) xoá bỏ việc canh tác nương rẫy vì lo sợ ảnh hưởng đến việc quản lý đất nước. Tuy nhiên, vào 2005, 50% người Lào vẫn sống nhờ nương rẫy. Những nỗ lực tái định cư sẽ chỉ thành công nếu chính phủ có kế hoạch kiếm sống rõ ràng cho dân làng, nhưng Lào đơn giản là thiếu đất đồng bằng đủ màu mỡ để canh tác. Nên nước này lâm vào nghịch lý, như nhà địa lý học Jonathan Rigg mô tả: quốc gia ít dân nhất Châu Á mà lại thiếu đất sống. Ngoài ra, khi dân miền núi đã bị đẩy về đồng bằng, thì giờ đây, gần như toàn bộ hầm mỏ và tài nguyên gỗ nước này đều bị quản lý bởi các công ty nước ngoài. Người dân thiểu số bị buộc phải làm việc tại các đồn điền hay cho các con đập do Trung Quốc xây dựng.

Chính phủ Lào có kế hoạch xây dựng 140 con đập trải khắp lưu vực sông Mekong trong biên giới nước này. Và điều này đồng nghĩa họ đánh đổi những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho điện năng mà các con đập mang lại. Vào thời điểm quyển sách này xuất bản đã có 50 con đập thuỷ điện đang được thi công. Tình trạng chỉ có 3 con đập được xây ở nhánh sông chính, Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng, thì tất cả các con đập khác sẽ làm ngập cao nguyên của Lào. Đối với chính phủ thì việc này tốt vì giúp đẩy dân tộc thiểu số về đồng bằng. Địa thế Lào ở trên cao, nên việc xây đập là biện pháp duy nhất để đẩy lùi kế hoạch lấn chiếm mà vẫn thoả mãn nhu cầu của các quốc gia láng giềng. Còn tái định cư chỉ ảnh hưởng tới dân tộc thiểu số nên chỉ là vấn đề không đáng kể.

Thay vì xây dựng nước mình thành thiên đường du lịch với vô vàn cảnh đẹp cùng các phế tích văn hoá. Thì hiện nay, chiến lược quốc gia của Lào là trở thành “bình ắc quy của Đông Nam Á” (battery of Southeast Asia), bán điện cho các nước láng giềng phát triển hơn khi Campuchia và Myanmar cũng sẽ xây đập để thắp sáng nông thôn của họ. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, các nhà môi trường đã nêu câu hỏi, Lào có tiếp tục phớt lờ các ảnh hưởng sinh thái nghiêm trọng của việc xây đập đang xảy ra ở cả Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đây là nghịch cảnh không lối thoát của quốc gia này.

Chương 7: CÓ MỘT HẠ NGUỒN MEKONG ĐẦY ĐẬP THUỶ ĐIỆN

Siphandone, “Bốn ngàn đảo” trong tiếng Lào, là một trong những kỳ quan đẹp và phong phú nhất dãy Mekong. Một đường nứt trong quá trình kiến tạo địa lý dưới lòng Mekong đã cắt ngang dòng sông và tạo ra một mê cung với hàng ngàn đảo. Một số đảo nhỏ hơn bị chìm hẳn suốt 6 tháng mùa mưa. Thảm thực vật màu mỡ của Siphandone cùng vô số đảo không dấu chân người là nơi dừng chân của hàng trăm giống chim di trú. Cây cối ở Siphandone tồn tại qua hàng ngàn năm; nhiều cây to đến nỗi cần nhiều người ôm, với hệ thống rễ sâu nhiều thước, cắm vào lòng đảo. Khi dòng chảy chạm đến biên giới Campuchia và Lào, đường nứt này đã tạo ra 1 khoảng rơi cao 20m, hình thành tổ hợp thác nước ấn tượng nhất Châu Á. Khu vực thác nước này trở thành đường về của phần lớn các loài cá di trú.

Tác giả đã đến đây để tìm hiểu về đời sống thiên nhiên và sinh hoạt của người dân Lào bị ảnh hưởng bởi sự xuất hiện của các con đập thuỷ điện.

Người dân ở Siphandone luôn phải di chuyển bằng thuyền, vì vậy việc đánh cá là hoạt động kiếm ăn chính. Họ chủ yếu sử dụng phương thức dùng “lee” - 1 loại bẫy cá dài, làm bằng tre và được đặt ở dưới chân các thác nước. Hou Sahong (là biên giới của 2 đảo Don Sahong và Don Sadam) là phụ lưu duy nhất ở đây không có thác nước, vì thế hàng trăm loài cá đều chọn khu vực này là nơi bơi về thượng nguồn. Cá khi di cư sẽ mắc vào đây và lúc nước rút sẽ bị mắc lại.

CON ĐẬP DON SAHONG, NHIỀU ĐẬP NỮA & HỆ LỤY

Giờ đây truyền thống đó không còn được sử dụng nữa chính phủ Lào quyết định xây đập ở phụ lưu dài chỉ 5 cây số, và rộng 200 mét này. Cũng như tất cả đập thuỷ điện ở Lào, con đập Don Sahong được quản lý bởi 1 công ty nước ngoài; lần này là bởi Mega First (1 công ty Malaysia sản xuất bóng đèn và chưa từng xây con đập nào cả). Tìm kiếm kỹ hơn, Mega First đã chuyển hợp đồng này cho 1 nhà thầu phụ Trung Quốc, Sinohydro. Năm 2014, Quỹ vì Tự nhiên Toàn cầu (World Wide Fund for Nature - WWF) đã lập chiến dịch phản đối đập Don Sahong vì nó có thể ảnh hưởng xấu đến an ninh lương thực của hàng triệu người khu vực sông Mekong. Đập Don Sahong được xây cách biên giới với Campuchia chỉ 2 cây số, và nằm trong khu vực sinh sống của cá heo nước ngọt. Giống loài này được cho là sẽ tuyệt chủng nếu con đập ra đời (đây vốn đã là 1 loài trong sách đỏ, và chúng chỉ sinh sản mỗi 3-4 năm một lần).

Năm 2013 là lần đầu tiên chính phủ Lào thông báo với Uỷ ban sông Mekong (Mekong River Commission - MRC), tổ chức được lập ra bởi 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Việc thông báo này là để làm theo Hiệp ước Mekong (Mekong Agreement) được ký năm 1995 cũng bởi 4 nước trên. Tháng 01/2015 cũng đánh dấu kết thúc khoản thời gian tư vấn và kháng nghị của các nước còn lại về con đập; nhiều giải pháp được đề xuất như mở rộng những dòng chảy lân cận nhằm đảm bảo việc di cư của cá. Và do không đạt được thoả thuận nào, tháng 06/2015, đập Hou Sahong được khởi công xây dựng. Chính phủ Lào trong những năm qua đã cho công bố nhiều tài liệu biện hộ cho việc xây đập rằng truyền thống đánh cá mới là nguyên nhân chính dẫn đến việc lượng cá bị giảm, hay hiện tượng khô hạn kéo dài là do biến đổi khí hậu. Đây là hành động theo nhiều chuyên gia là tàn nhẫn và vô lý. Những kênh đào nhân tạo mà chính phủ Lào tạo ra để điều chuyển việc cá di trú đôi khi quá hẹp, và người dân sẽ tận dụng điều đó để đánh bắt dễ dàng hơn. Thậm chí, ban đầu Mega First đã lên kế hoạch đền bù cho cộng đồng người dân quanh đó, nhưng chính phủ Lào bảo rằng hoạt động đánh cá là phi pháp nên không cần phải đền bù.

Một trong những con đập nổi tiếng (và nhiều tranh cãi) khác của Lào là đập Xayaburi. Trong thiết kế của con đập có bao gồm 7 cây số “thang máy cá” (fish elevator) để chuyển cá qua khỏi tường đập, vào hồ dự trữ. Đây là 1 trong những công nghệ hiện đại tương tự như các con đập ở Mỹ. Tuy nhiên, chưa có cơ sở nào chứng minh con đập sẽ đủ sức vận chuyển 30 tấn cá mỗi giờ vào mùa cao điểm của lưu vực sông Mekong nơi đây cả.

Việc xây dựng đập ở hạ lưu sông Mekong đã bắt đầu được lên kế hoạch từ những năm 1950. Tháng 04/1965, tổng thống Mỹ đương thời, Lyndon Johnson đã từng so sánh sông Mekong với khu vực thung lũng Tennessee về sản lượng thực phẩm và tiềm năng kinh tế. Khi đó, chính phủ Mỹ đã cử nhiều đoàn cán bộ đến 4 nước hạ nguồn Mekong để thực hiện việc phát triển kinh tế, với trụ cột chính là 14 con đập ở lưu vực này. Rất nhiều báo cáo từ các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc (United Nation - UN) đều đã đánh giá sai về thực trạng đời sống nơi đây và sức ảnh hưởng của dự án phát triển kinh tế của Mỹ. Báo cáo của UN đã ghi trong báo cáo “Mekong và hệ sinh thái sông”, rằng: “Sông Mekong rất kiên cường và có thể chịu đựng sự thay đổi. Sự đa dạng vốn gắn liền với sự bền vững, và bởi vì sự phức tạp này, chúng ta không thể chối cãi việc ảnh hưởng từ các con đập sẽ có thể thay đổi tự nhiên ở lưu vực sông Mekong”. Nhưng sau khi Mỹ rút khỏi Đông Nam Á, từ cuối những năm 1990 đến nay, đã có nhiều tổ chức nghiên cứu bác bỏ điều đó. Năm 2010, Trung tâm Quản Lý Môi Trường quốc tế của Úc đã công bố 1 nghiên cứu đánh giá chiến lược về môi trường (strategic environment study - SEA) được tài trợ bởi MRC. Báo cáo này cho rằng không thể đánh giá được hết tác động của các con đập lên đời sống của người dân nơi đây và đề nghị có lệnh tạm ngừng việc “đập hoá” dòng Mekong trong 10 năm để có thể đánh giá kỹ càng. Nhưng chính phủ Lào vẫn bất chấp báo cáo đó, và sự đồng thuận của MRC, cho tiến hành xây đập Xayaburi vào 2011. Cho đến nay, dự án trị giá 2 tỷ đô này, sau nhiều lần trì hoãn vẫn chưa hoàn thành và đã bị đội thêm 1.2 tỷ đô.

Các báo cáo này cũng tập trung vào ảnh hưởng của các con đập tại Lào lên hệ sinh thái hạ nguồn. Năm 2011, 1 báo cáo thú vị tên Costanza Report, do 1 nhóm các học giả quốc tế và địa phương thực hiện, đã đánh giá kỹ càng vào giá trị các con đập mang lại. Báo cáo Costanza đánh giá 3 tình huống: (1) bao gồm chỉ 30 con đập đã và đang hoàn thành; (2) ngoài số đập trên, thêm 6 con đập ở chính nguồn Mekong; và (3) bao gồm thêm 11 con đập ở các chính nguồn và 30 con đập ở phụ lưu. Báo cáo này tính giá tiền lên từng mẻ cá, khu rừng và vùng đất bị mất, ảnh hưởng lên đa dạng sinh học và các hậu quả khác. Kết quả cho thấy chỉ có Lào và Thái Lan là được lợi khi xây dựng các con đập này. Nhưng tổng mất mát của cả 4 nước sẽ vượt qua lợi thu của 2 nước trên. Ở tình huống xấu nhất, xây 11 con đập ở chính nguồn và 30 con đập ở phụ lưu, cả 4 nước sẽ mất 66 tỷ đô. Năm 2012, 1 nhóm chuyên gia của đại học Leeds, do 1 chuyên gia về nước Guy Ziv, đã công bố nghiên cứu về việc biến mất nguồn thực phẩm của người dân nơi đây. Nếu theo tình huống tệ nhất của báo cáo Costanza, Lào sẽ mất 43% lượng thức ăn và Campuchia là 100%, do hồ Tonle Sap sẽ bị tàn phá nặng nề.

CHIẾN LƯỢC THÀNH “BÌNH ĐIỆN CỦA CHẤU Á” KHẢ THI ĐẾN MỨC NÀO?

Câu hỏi đặt ra là: liệu chiến lược trở thành bình ắc quy Đông Nam Á của Lào khả thi đến mức độ nào? Hiện nay, hầu hết điện năng tạo ra ở Lào được bán cho các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan. Theo luật pháp quốc nội, Thái Lan phải luôn có 40% điện dự trữ: nghĩa là vào bất kỳ thời điểm nào nước này đều cần gần 1.5 lần mức điện năng tiêu thụ tối đa (các trung tâm thương mại ở Thái, đặc biệt là Siam Paragon, tiêu thụ điện nhiều bằng 1 số tỉnh nhỏ của nước này - nhiều chuyên gia cho rằng việc thay đổi luật dự trữ điện ở Thái và sử dụng hiệu quả hơn sẽ làm giảm nhu cầu xây đập). Việc lưới điện ở Đông Nam Á còn lạc hậu là 1 rào cản lớn không kém cũng là động lực để Lào và Campuchia liên tục xây các con đập mới, gần đô thị để hạn chế hao hụt (Thủ tướng đương nhiệm của Campuchia, Hun Sen, đã cho xây đập Hạ Sesan 2 để làm giảm giá điện năng, với giá 800 triệu đô, do 1 công ty Trung Quốc thầu, nhưng việc phải xây thêm 300 cây số lưới điện làm cho giá điện không thể giảm được). Một vấn đề then chốt khác là việc toàn bộ đập ở Lào và Campuchia đều do người nước ngoài thực hiện (50 đập do 10 công ty ngoại quốc thầu hết), với hợp đồng toàn quyền khai thác dài 25-30 năm sau khi hoàn thành. Thông thường, các nhà đầu tư sẽ sinh lời khoản 12-15 năm sau khi đập được đưa vào vận hành. Vì thế, Lào chỉ có thể kiếm được tiền từ thuỷ điện từ 2050, và báo cáo của đh Leeds cho thấy 50 năm xuất khẩu điện của Lào sẽ chỉ kiếm được 700 triệu đô. Và để có thể lấy được số tiền đó, Lào phải đào tạo cả 1 thế hệ kỹ sư, nhân sự chất lượng cao, điều gần như là bất khả thi. Việc thiếu vắng sự hiện diện của Trung Quốc trong các thoả thuận về sông Mekong cũng hạn chế việc các nước hạ nguồn đạt được bất kỳ kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái bền vững nào. Trung Quốc từ trước đến nay luôn đứng ngoài các hoạt động buộc họ phải từ bỏ quyền quyết định quốc gia, đặc biệt là trong tình hình nước này cần phải xây đập càng nhanh càng tốt để đảm bảo lượng nước dự trữ cho tương lai khô hạn lâu dài và bất ổn. Chỉ tới tháng 03/2016, Trung Quốc mới đồng ý họp ở đảo Hải Nam để cho ra đời Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (Lancang-Mekong Cooperation mechanism - LMC). Ban đầu LMC chỉ được lập để quản lý nguồn nước, nhưng chính phủ Trung Quốc nhanh chóng mở rộng ra các phạm vi hoạt động khác, bao gồm trao đổi giáo dục, xoá đói giảm nghèo và xây thêm cơ sở hạ tầng. Nước này “chào hàng” 1 khoản vay trị giá 11.5 tỷ đô cho 4 nước còn lại, nhằm củng cố sức ảnh hưởng của chiến lược “Vành đai - con đường”. Nhiều chuyên gia sợ rằng điều này sẽ đặt cả vùng Mekong vào tay Trung Quốc và LMC sẽ bao trùm lên MRC.

Lào cần phải thay đổi chiến lược vì hiện tại thuỷ điện đã không còn là nguồn năng lượng sạch được ưa chuộng. Mỹ đã có 3,000 đập và từ năm 1950-1960, rất ít đập được xây dựng mới do sự trỗi dậy của các năng lượng gió, mặt trời và sinh khối (biomass). Giá điện mặt trời đã liên tục giảm trong nhiều năm qua, hơn 80% từ 2009-2014, và đến khi Lào có thể thu được lợi nhuận từ thuỷ điện, giá cả có thể còn thấp hơn nữa. Theo báo cáo năm 2017 của đại học California, Berkeley, nếu Lào muốn có 1 tương lai ổn định về năng lượng, và trở thành ắc quy Đông Nam Á, nước này phải thay đổi chiến lược. Theo các phân tích, cho đến 2030, hơn 50% số điện năng tái tạo của nước này phải được tạo ra từ các nguồn khác ngoài thuỷ điện. Sự kết hợp này sẽ vẫn cung cấp đủ số điện cần thiết và rẻ hơn ít nhất 2.6 tỷ đô so với kế hoạch hiện tại. Và giải pháp hiệu quả duy nhất là phải hợp tác với tất cả các nước còn lại trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam. Với kế hoạch phát triển của mình, Việt Nam sẽ cần gấp 3 số điện năng hiện tại. Và bởi vì không còn con sông nào ở nước mình có thể xây đập được nữa, và năng lượng hạt nhân là vô vọng, nên Việt Nam chỉ có 2 con đường: hoặc là nhập khẩu điện từ láng giềng hoặc nhập khẩu than từ phần lại của thế giới. Việc sử dụng điện than là 1 giải pháp rất kém do mức độ ô nhiễm sẽ trầm trọng hơn. Vì thế, nếu Việt Nam có thể giúp các nước hàng xóm phát triển năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Đây là phương án đôi bên cùng có lợi và Việt Nam là nước duy nhất ở vị thế đặc biệt để có thể hướng sông Mekong sang 1 hướng khác.

Chương 8 NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI

Khi dòng Mekong rời khỏi địa phận Lào, chảy đến Campuchia (CPC), cũng là khi 3,000 cây số địa hình đồi núi hiểm trở đã mở rộng ra, trở thành vùng đồng bằng lộng gió chia lãnh thổ nước này làm đôi.

HỒ BOEUNG KAK -TƯƠNG LAI CAMPUCHIA VÀ HẠ LƯU SÔNG MEKONG

Ở phía Bắc CPC, dòng sông “trôi lang thang” (wander) và tạo ra nhiều đảo bằng, một số dài đến hơn 40 cây số. Bờ sông bồi đắp lên 1 lượng lớn đất đai trù phú và là môi trường sống của nhiều loài chim di trú, như loài Cò quăm cánh xanh (white-shouldered Ibis) đang nằm trong sách đỏ và giống cá heo nước ngọt Irrawaddy. Một số đảo ở đây được khai hoang bởi người dân chạy trốn khỏi Khmer Đỏ (Khmer Rouge), chế độ đã giết từ 2-3 triệu người CPC. Xuôi dòng, 3 dòng Sekong, Sesan, và Srepok nhập lưu tại Stung Treng, đổ vào Mekong. Vào mùa mưa, tổ hợp 3 con sông này nhận nhiều mưa từ cao nguyên Lào và Việt Nam, đóng góp hơn 20% tổng lượng nước của Mekong. Dọc dòng Mekong, gần ¼ dân số Campuchia (tổng dân số là 15.75 triệu người) sống rải rác ở các ngôi làng cổ nơi đó. ¼ khác sống ở các khu nhà bè ở hồ Tonle Sap và các phụ lưu của nó.

Nhiều người cho rằng đồng bằng sông Mekong nằm toàn bộ ở Việt Nam, nhưng tài liệu về địa lý cùng quá trình bồi đắp phù sa chứng minh rằng đồng bằng sông Mekong thật ra đã hình thành tại Campuchia, ngay gần tỉnh Stung Treng, Hơn 5,000 năm trước, nhờ vào sự trù phú của Mekong mà đế chế Khmer ngày xưa và đất nước CPC ngày nay được hình thành. Thủ đô Phnom Penh nằm bên bờ Mekong, nơi hợp lưu với 2 dòng sông khác là Tonle Sap và Bassac (nơi này người tiếng Khmer gọi là Chaktomuk - nghĩa là tứ diện: 4 bề đều là sông và người Pháp khi đô hộ Campuchia từ 1863 gọi nơi này là Quatre Bras - Tứ thủ - 4 tay). Sự hiện diện của người Khmer lần đầu tiên được phát hiện vào 1,500 năm trước theo ghi chép của người Trung Quốc. Lúc đó, người Trung Quốc gọi gộp chung nhóm các nước chư hầu nhỏ bé này là Phù Nam (Funan). Vào thế kỷ thứ 7, xứ Phù Nam hợp nhất, tạo thành 1 quốc gia tên Chenla, là chư hầu của triều đình đời Đường ở Tây An. Vùng đồng bằng màu mỡ này đã dạy cho người dân Chenla kỹ thuật canh tác nông nghiệp và tưới tiêu; qua thời gian, họ trở thành 1 vương quốc hùng mạnh, là tiền đề để vương quốc Khmer ra đời năm 802 sau công nguyên.

Vương quốc Khmer đã có thời gian dài sống thịnh vượng hoà bình nhờ dòng Mekong. Đến thế kỷ 12, quốc vương Khmer Suryavarman đệ nhị đã cho xây dựng Angkor Wat, một trong những ngôi đền Hindu to lớn và nổi tiếng nhất thế giới. Du khách đến thăm Angkor Wat ngày nay có thể tìm thấy các bức phù điêu kể về đời sống cổ truyền, lưới cá trồng lúa của người dân Khmer cổ. Các đời vua chúa sau đó thi đua xây dựng các kiến trúc văn hoá vĩ đại. Các vương quốc chung quanh gai mắt với người Khmer và đến năm 1431, vương quốc Ayutthaya xâm lược và phá huỷ Angkor và đẩy phần còn lại của triều đình Khmer về lưu vực dòng Tonle Sap, lập nên Phnom Penh ngày nay.

Vị trí mới của Phnom Penh đảm bảo bất kỳ chuyến tàu thương mại nào trên dòng Mekong đều phải ghé qua đây, đặt vương quốc Khmer thành giao điểm của các con đường giao thương của bán đảo Đông Dương. Khí hậu nơi này cứ 1 năm có 2 mùa, mưa nắng, và vào mùa mưa, nước sông sẽ dâng lên ngập hết lưu vực quanh Phnom Penh tạo 1 diện tích canh tác nông nghiệp màu mỡ. Người Campuchia trở thành nhà cung cấp nông sản quyền lực của khu vực, và Phnom Penh thành thủ phủ thương mại của họ vào năm 1863. Phnom Penh, như Sài Gòn, đều được người Pháp gọi là hòn ngọc Viễn Đông được người Pháp áp dụng mô hình dùng nhân sự quản lý là người bản địa, đặt dưới quyền 1 quan người Pháp. Họ đã xây dựng lại Phnom Penh theo phong cách kiến trúc Pháp với nhiều công trình quan trọng như, cung điện hoàng gia (Royal Palace), chợ Trung Tâm (Central Market), hệ thống đường xá toàn thành (bắt đầu từ Wat Phnom, điểm cao nhất của thành phố), các trường học và bệnh viện. Sau đó, Nhật chiếm cả vùng Đông Nam Á, rồi quốc vương Norodom Sihanouk đàm phán thành công để CPC được độc lập với người Pháp. Quốc vương khôn khéo tự hạ mình xuống thành hoàng tử và đảm nhiệm vai trò thủ tướng, mời 1 kiến trúc sư trẻ học từ Paris về, tên Vann Molyvann làm trúc sư trưởng cuộc tái thiết Phnom Penh vào năm 1956. Từ 1956-1970 là giai đoạn hoàng kim của Phnom Penh, khi ông Vann Molyvann thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng quan trọng: tổ hợp nhà thu nhập thấp đầu tiên ở Đông Nam Á. Phong cách của ông là sự kết hợp của nét đẹp kiến trúc và chức năng sử dụng; Sân vận động Olympic quốc gia là công trình đáng tự hào nhất của Molyvann khi ông cho xây 1 hệ thống hào thoát nước bao quanh sân (Phnom Penh từ xưa luôn được coi là thành phố phải đấu tranh với sông nước lũ lụt quanh năm, do 4 mặt đều là nước). Molyvann cũng chủ trương chỉ phát triển xây dựng về phía Nam (nơi các con kênh tự nhiên giúp thoát nước), thay vì phía Bắc (nơi sẽ lũ lụt quanh năm).

Giờ đây, Phnom Penh là 1 trong những thành phố phát triển nhanh nhất Châu Á. Năm 2010, cả thành phố không có 1 toà nhà nào cao hơn 6 tầng, thì vào 2017, đã có ít nhất 100 kiến trúc cao hơn 10 tầng. Tốc độ phát triển nhanh như vậy phần lớn là do tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc. Nửa thế kỷ trước, Van Molyvann chỉ xây dựng 1 Phnom Penh cho 1 triệu người. Giờ đây, dân số thành phố này đã gần 3 triệu người. TP mọc lên nhiều công ty may mặc với nhân công từ các tỉnh về, giá lao động rẻ. Vì phát triển không có kế hoạch nên Phnom Penh vào mùa mưa bị ngập lụt khủng khiếp.

Ở CPC hiện nay, hai phần ba dân số là người dưới 30 tuổi, và đuổi theo lối sống thời thượng, hay dùng bữa ở các chuỗi cà phê nội địa nổi tiếng nhu Blue Pumpkin hay Brown Cafe. Các công ty bất động sản Nhật và Trung Quốc nhiều năm qua vẫn luôn ganh đua xem ai xây được trung tâm thương mại lớn nhất Phnom Penh. Chính sự tham lam đó dẫn đến 1 trong những bất hạnh tồi tệ nhất. Giờ đây khi đến Phnom Penh, ai cũng có thể thấy 1 bãi đất to oành nằm kệch cỡm ngay trung tâm thành phố. Khu vực đó trước đây là hồ Boeung Kak, nơi đã từng là nhà của 4,200 hộ dân. Năm1975, khi chính quyền Khmer Đỏ hạ bệ chính quyền Lon Nol thân Mỹ, họ đã phân tán toàn bộ dân Phnom Penh, tống hàng triệu người vào các trại cải tạo từ 1975, và giết hơn 1 triệu người. Năm 1979, chính quyền Việt Nam mới gửi quân sang Campuchia và nội chiến dằng co đến năm 1990 mới chấm dứt. Trong giai đoạn đó, hồ Boeung Kak là nơi nương thân của những người CPC nghèo khổ nhất. Họ sống nhờ đánh bắt thuỷ sản và trồng các loại rau thuỷ sinh như rau muống tại hồ.

Tháng 02/2007, chính quyền Phnom Penh cho công ty Shukaku thuê toàn bộ 133 héc-ta diện tích hồ Boeung Kak để lấp hồ, xây nhà ở và trung tâm thương mại. Hợp đồng cho thuê này như thế nào?

- Sau khi quân đội Việt Nam giải phóng được Phnom Penh năm 1978, người dân nước này trở về nhà trong cảnh hoang tàn đổ nát. Tất cả giấy tờ sở hữu đất đai đều đã bị Khmer Đỏ đốt hết. Chính quyền lúc đó tuyên bố toàn bộ đất đai thuộc về nhà nước và không được quyền cho thuê hay bán.

- Sự xuất hiện của ông Hun Sen: vốn là tướng lĩnh của Khmer Đỏ, ông Hun Sen đã rời bỏ tổ chức để trở thành thân thiết với Việt Nam năm 1977. Sau đó, qua nhiều cố gắng, ông trở thành thủ tướng Campuchia năm 1985, khi mới 33 tuổi.

Tới năm 1993, trong 1 cuộc bầu cử do Liên Hiệp Quốc giám sát, đảng Nhân dân Campuchia (Cambodian People’s Party - CPP) của ông Hun Sen đứng thứ 2, sau đảng FUNCINPEC do gia đình Sihanouk lãnh đạo. Do không đảng nào đủ số phiếu để lên nắm quyền nên giai đoạn này Campuchia có 2 thủ tướng.

- Lợi dụng khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997, ông Hun Sen đã tổ chức đảo chính quân sự, nắm chính quyền luôn. Từ đó, ông Hun Sen nắm quyền tuyệt đối.

- Năm 2003 đánh dấu sự thay đổi về luật sở hữu và sử dụng đất đai của CPC khi chính quyền Hun Sen cho phép người dân đăng ký chủ quyền đất (nhưng chỉ giành cho các tài sản đã mua/chuyển nhượng trước năm 2001).

- Vào thời điểm công bố hợp đồng, vùng hồ Boeung Kak vẫn nằm trong danh mục đất công (state-public). Cho đến 2008, chính phủ ông Hun Sen mới chuyển vùng hồ này thành đất tư để hợp thức hoá chuyện cho thuê. Giá trị hợp đồng cho thuê này là 79 triệu USD, quá thấp so giá thị trường, và thời hạn thuê lên đến 99 năm (ngay cả khi đây là đất tư của nhà nước - quy định tối đa là 15 năm).

- Công ty Shukaku do 1 cựu bộ trưởng CPC sở hữu, nhưng đằng sau là công ty Ordos, công ty Trung Quốc có trụ sở ở Nội Mông (Inner-Mongolia). Vào 2008, khi hợp đồng được hợp thức hoá, công ty này đã cho bơm đất cát lấp hồ suốt 18 tiếng/ngày, phá huỷ môi trường sống của các hộ dân quanh hồ.

- 4,200 hộ dân sống ở đây có nhiều người đã và đang xin cấp giấy chủ quyền đất (họ mua bán đất trước 2001), nhưng tất cả đều bị từ chối. Họ bị ép phải di dời đến 1 vùng cách trung tâm Phnom Penh 20 cây số (chính thức cắt đứt họ với công việc và các điều kiện y tế giáo dục hiện đại).

- Việc bơm đất cát đã làm ngập lụt nhà cửa của các hộ dân tại đây. Vì vậy, 500 gia đình đã đồng ý về vùng tái định cư và cũng có những gia đình ở lại đã đấu tranh tiếp.

- 2010, Ngân hàng Thế giới với chương trình Quản lý và Đăng ký đất đai đã yêu cầu chính phủ CPC đền bù cho mỗi hộ dân còn ở lại số tiền 8,500 USD hoặc sẽ được phân đất tự xây nhà sau khi dự án hoàn tất. Hiện vẫn dằng dai, dân đòi bồi thường cao và chủ đầu tư, chính quyền không đồng ý.

- Tháng 07/2011, Ngân hàng Thế Giới quyết định cắt viện trợ cho chính phủ Campuchia và chỉ vài ngày sau đó, công ty Shukaku đồng ý cấp 12 héc-ta đất.

- 19/04/2012, hồ Boeung Kak chính thức bị lấp đầy, coi như mất 1 hồ tự nhiên.

- Trong quá trình di dời, nhiều hộ dân bị ép phải ký các giấy tờ bất lợi. Vào 22/05/2012, 1 nhóm 13 người phụ nữ (hay còn gọi là Boeung Kak 13) tổ chức biểu tình. Họ bị bắt giam và bị tuyên án 2.5 năm tù giam. Bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ đã phải gặp mặt nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia. 13 người này, trẻ nhất 25 tuổi và già nhất là 72 tuổi, được thả ngay lập tức nhưng không được xoá án. Đến 2018, toà thượng thẩm Campuchia vẫn tuyên án 30 tháng tù giam cho bà Tep Vanny, một trong các lãnh đạo của Boeung Kak.

- Năm 2013, bầu cử quốc gia diễn ra, lần này đối thủ của ông Hun Sen là ông Sam Rainsy, cựu bộ trưởng tài chính đã đem vấn đề hồ Boeung Kak ra làm trọng tâm công kích ông Hun Sen. Vào tháng 07/2013, có lúc mộ số lãnh đạo đảng CNRP của ông Sam Rainsy bị bắt giam thì họ mới chịu thỏa hiệp

- Năm 2014, đối tác Trung Quốc của Shukaku ngừng hợp tác, làm công ty này phải bán 1.3 héc-ta đất cho HLH group, 1 công ty Singapore với giá 14.9 triệu USD, cao gấp nhiều lần số tiền họ đã bỏ ra để thuê hồ Boeung Kak.

- Vào thời điểm cuốn sách này được xuất bản, ông Hun Sen đã 65 tuổi. Trong các cuộc phỏng vấn gần nhất, ông đều nói sẽ lãnh đạo thêm 20 năm nữa (Hun Sen giờ là nguyên thủ quốc gia tại vị lâu nhất thế giới). Và năm 2016, tòa án tối cao CPC chính thức giải tán đảng CNRP

- Tương lai của người dân Boeung Kak chính thức khép lại với 1 sự mờ mịt u tối.

Từ 2013, ông Hun Sen đã liên tục đề bạt những nhân sự trẻ Tây học vào các vị trí lãnh đạo của 2 bộ Giáo dục và Môi trường. Nhưng vì tình trạng toàn trị mà CPC thường diễn ra bất ổn về chính trị. Và như thế, theo tôi, tương lai của dòng Mekong cùng các quốc gia bị ảnh hưởng khác thật không lạc quan chút nào.

Chương 9: NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI.

Vào một ngày cuối năm 2017, 11/2017, tôi và Sorn Pheakdey (Giám đốc văn phòng Campuchia của Liên hiệp Bảo tồn Môi trường - International Union for Conservation of Nature (IUCN) đến được vùng Chhnok Tru, cách Phnom Penh 120 cây số về phía thượng nguồn. Đây là nơi hồ Tonle Sap đổ vào dòng Tonle Sap.

NẾU HỒ TONLE SAP BIẾN MẤT, MEKONG SẼ RA SAO?

Trước mắt chúng tôi, đường xá chìm dần vào hồ. Vào mùa khô, con đường này sẽ kéo dài thêm vài cây số nữa, sâu vào trong hồ. Nhưng vào thời điểm này, hồ Tonle vẫn chỉ mới bắt đầu tháo nước vào dòng Mekong và đây là mùa thu hoạch cá linh (trey riel, dịch ra tiếng Anh là “cá tiền” - money fish).

Cá linh, một nhánh của họ cá chép, là một phần quan trọng của bà con Campuchia vùng hồ Tonle Sap (ta thường gọi là Biển Hồ) . Trung bình, mỗi năm 1 người Campuchia ăn khoản 75kg cá, nhiều hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào. Và đặc biệt hơn, cá đóng góp 65-75% lượng protein động vật của các gia đình Campuchia. Cá linh được nghiền ra làm thành mắm Bò hóc (Prahok) và được người bản địa trữ dùng nhiều tháng sau mùa thu hoạch. Việc đánh bắt và xử lý cá linh là nguồn sống của rất nhiều gia đình tại hồ Tonle Sap; đàn ông sẽ lên thuyền đi đánh cá, còn phụ nữ và trẻ em ở nhà xử lý cá. Khoản thời gian này cũng là sợi chỉ kết nối phần lớn dân Campuchia vì nông dân đã và đang mua bán trao đổi gạo/tiền lấy mắm Bò Hóc. Người Campuchia nào cũng nằm lòng câu nói “mean tuek, mean trey”, nghĩa là “nơi nào có nước sẽ có cá”. Và không có cộng đồng nào thấm nhuần suy nghĩ đó hơn vùng hồ Tonle Sap, khu vực khai thác thuỷ sản trong đất liền lớn nhất thế giới.

HỒ TONLE SAP (TLS)-VÙNG KHAI THÁC THỦY SẢN TRONG ĐẤT LIỀN LỚN NHẤT THẾ GIỚI.

Mỗi năm, hơn 500,000 tấn cá được thu hoạch tại hồ Tonle Sap (để so sánh, toàn bộ sông và hồ nước ngọt ở Bắc Mỹ thu hoạch khoản 450,000 tấn cùng kỳ). Vào mùa khô, dòng Tonle Sap sẽ hút nước từ các hồ lớn và đẩy nước vào chính lưu của Mekong tại khu hợp lưu Chaktomuk. Và rồi, khi mùa khô đến vào tháng 06, nhịp chảy của nước vào dòng Mekong từ Lào và 3 dòng Sesan, Srepok và Sekong mạnh lên dữ dội, đến mức đảo chiều hướng chảy của dòng Tonle Sap. Và chính nhịp điệu kỳ diệu của tự nhiên này đã giữ cho hồ Tonle Sap tồn tại hàng ngàn năm qua.

Khi mùa mưa đến, Tonle Sap sẽ mở rộng gấp 5 lần diện tích hồ so với mùa khô, từ 2,500 cây số vuông lên hơn 15,000 cây số vuông. Mực nước tăng cao trung bình khoảng 1 mét, có vùng nước dâng cao hơn 9 mét, và lượng nước trữ tăng hơn 60 lần. Về bản chất, Tonle Sap là một dòng sông đổ thẳng ra biển và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chu kỳ theo tuần trăng (thủy triều). Theo ông Ian Baird, nhà địa lý và thuỷ sản học ở Mekong, và các ngư dân quanh vùng, mùa đánh bắt tốt nhất ở Phnom Penh là khi trăng rằm vào tháng 12, 01 và 02. Và tại vùng Siphandone diễn ra khoản 2 tuần sau đó cùng tháng, khi trăng non xuất hiện. Trước khi dòng Mekong “kiếm” ra dòng Tonle Sap và hợp lưu vào 5,000 năm trước thì dòng Tonle Sap đổ thẳng ra biển. Vì vậy, nhịp sống của cá chép khu vực này phụ thuộc nhiều vào thuỷ triều: khi nước biển đổ vào dòng sông thì cá sẽ bơi đến các phụ lưu nước ngọt khác. Từ đó tạo ra thói quen cá di cư vào buổi tối triều lên, đặc biệt vào khi trăng non. Chúng ta có thể tưởng tượng như sau: Cá đổ về hồ Tonle Sap vào mùa mưa và di cư khỏi đó vào mùa khô.

Hồ Tonle Sap có thể được chia làm 3 khu vực: (1) vùng hồ vĩnh cữu là nơi sâu nhất hồ, luôn có nước; (2) vùng rừng ngập và thảm cỏ, nơi thường chìm trong nước khoản 5-8 tháng mỗi năm; và (3) vùng đất nông nghiệp trù phú quanh hồ, nơi thường chỉ bị ngập vài ngày mỗi năm. Vùng rừng ngập có diện tích khoản 7,000 cây số vuông là vùng sinh thái quan trọng nhất của hồ Tonle Sap, và cả dòng Mekong. Cây cối nơi đây thường chìm trong nước khoảng 8 tháng mỗi năm. Khi nước sông đổ ngược lại vào hồ, rễ cây sẽ bị mục rữa và tạo ra 1 lượng lớn chất hữu cơ trong hồ. Những con cá di cư đến hồ sớm sẽ không sống được do quá nhiều chất hữu cơ hút cạn khí oxy trong hồ. Nhưng khoảng vài tuần sau đó, lượng oxy trong hồ sẽ cân bằng và cá ồ ạt đổ về để đẻ trứng. Hồ Tonle Sap là nơi sống của hơn 800 chủng cá, chim chóc, bò sát, động vật có vú và lưỡng cư. Trong đó có 17 loài chim nằm trong sách đỏ. Vùng rừng ngập nước này là vành đai bảo vệ hệ sinh thái của hồ, do khi mùa khô đến, nước rút đi, chất dinh dưỡng sẽ được rừng giữ lại, bồi đắp cho thảm thực vật quanh hồ.

HỆ SINH THÁI VÀ TÍNH ĐA DẠNG SINH HOC GẶP NGUY

Ngày nay, hơn ½ diện tích vùng rừng ngập nước này đã biến mất do nhiều lý do. Đầu tiên là vì sự khai thác quá mức của dân bản địa. Họ đốn hạ rừng để lấy gỗ xây nhà và đốt sưởi. Lý do thứ 2 là khi người Pháp đô hộ CPC, họ đã dọn rừng để phát triển nông nghiệp. Chính quyền Khmer Đỏ đến đây, họ đặt dấu chấm hết cho khu rừng ngập nước này, vì áp dụng mô hình canh tác nương rẫy du mục, họ cho chặt một lượng lớn rừng ngập nước nơi đây. Sau đó, chính phủ Hun Sen lại phá rừng để lùng diệt tàn binh Pol Pot. Giờ đây, chỉ còn 1 khu rừng thứ sinh đầy cây bụi thấp. Các loại voi rừng hay cá heo Irrawaddy biến mất.

Với vùng hồ Tonle Sap, chính phủ Campuchia không có kế hoạch quản lý khai thác rõ ràng và lâu dài. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu và phát triển Thuỷ sản Đất liền Campuchia (Cambodia’s Inland Fisheries Research and Development Institute - IFreDI), hơn 4.5 triệu dân nước này (khoản một phần ba tổng dân số) sống với nghề khai thác thuỷ sản. Có thể con số thật còn cao hơn vì chưa tính người bắt cá để ăn hàng ngày. Mỗi năm, Campuchia thu hoạch khoản 570,000-625,000 tấn cá mà không tính nhóm người bắt cá để ăn hơn 1 triệu người này. Tổng lượng cá thu hoạch thu được khoảng 600 triệu USD khi được bán ra.

Quanh hồ Tonle Sap có hơn 1.2 triệu người đang sống ở các làng gần đó, hơn 100,000 người sống ở các nhà bè trên hồ và hàng chục ngàn người Việt Nam di cư đến đây trong thời chiến. Từ những năm 1990 CPC đã không có kế hoạch bảo tồn và khai thác hồ Tonle Sap bền vững. Họ chỉ quản lý bằng việc bán giấy phép đánh bắt theo diện tích. Số tiền này hoàn toàn không được đưa vào ngân sách. Chính quyền cũng không quy định về phương thức và thiết bị đánh cá, dẫn đến việc đánh bắt trái phép. Họ cũng không đào tạo cho chủ các khu đánh cá về quan hệ giữa sự tồn tại của khu rừng ngập nước với mật độ cá trong hồ. Có nhiều người trả tiền “dưới bàn” để được tăng diện tích và lượng cá khai thác.

Có một thời gian, nhà nước lại triệu hồi cán bộ quản lý thủy sản về thủ đô họp dài hạn. Đó là lúc dân Tonle Sap bung sức khai thác hồ tối đa, dẫn đến việc hơn 1 thập kỷ sau đó, 20% diện tích hồ hoàn toàn không còn cá. Vào năm 2012, một cách bất ngờ, ông Hun Sen ra lệnh huỷ toàn bộ giấy phép đánh cá quy mô lớn ở hồ Tonle Sap với lý do muốn quản lý việc suy giảm lượng cá và xung đột giữa người dân địa phương và các công ty thuỷ sản thương mại. Tôi cho rằng đây là chiến thuật thường thấy để hốt phiếu trước mỗi kỳ bầu cử. Nhưng nhờ vậy, cuối năm 2012, lượng cá ở Tonle Sap tăng cao. Lại thu hút lhàng ngàn người đổ về đánh bắt nhỏ lẻ xuyên cả mùa khô. Người dân bắt được các giống cá quý như cá tra dầu khổng lồ vùng Mekong và các loài cá trắm hiếm thấy. Điều này được gọi là “khai thác đầu nguồn” (fishing down the food web). Các loài cá to này vốn đảm bảo sự cân bằng sinh học của hồ Tonle Sap. Giờ đây, việc khai thác lậu và triệt để khiến hệ sinh thái hồ bị nguy hiểm trước biến đổi khí hậu. Để có thể hỗ trợ tính đa dạng sinh học ở hồ, chúng ta cần một kế hoạch bảo tồn thông minh.

TẤT CẢ NỖ LỰC LÀ VÔ VỌNG VÌ NHỮNG ĐẬP THỦY ĐIỆN

Để hiểu ý nghĩa của hồ với đời sống người dân, tôi đi về vùng Plov Tuok, một cộng đồng bao gồm 6 ngôi làng nổi nằm sâu trong vùng bảo tồn cá. Đây là một tổ hợp bền chặt của 6 ngôi làng nổi, mà toàn bộ nhà cửa đều nằm trên hồ. Vào mùa mưa, vùng rừng ngập nước trở thành lá chắn cho bà con nơi đây khỏi bão và các cơn sóng dữ. Mỗi làng có khoản vài trăm hộ và nhà nào cũng có cano. Người dân 6 làng này cùng với IUCN đã thành lập ra lực lượng tuần tra quanh hồ để đảm bảo không ai đánh bắt lậu. Với nỗ lực kiên trì, IUCN đã dần hình thành được một cộng đồng hoạt động chặt chẽ bảo tồn cá tại Plov Tuok. IUCN và người dân Plov Tuok còn hướng nghiệp cho người đánh bắt cá, cho vay để đổi nghề...nhưng cuối cùng, họ kết luận, kết quả vẫn là vô định, vì sự hiện diện của những con đập thuỷ điện xuất hiện ngày càng dày đặc.

Như tôi nói ở các chương trước, việc xây dựng đập Hạ Sesan 2 ở Campuchia và hàng loạt đập khác ở Lào và Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Khi tôi còn ngồi với bà con Plov Tuok, hồ chứa của đập Hạ Sesan đã bắt đầu nạp nước để chuẩn bị đưa vào hoạt động tháng 01/2018. Hãy tưởng tượng, từ thượng nguồn dòng Mekong ở các dãy núi Tây Tạng, từ tỉnh Vân Nam, khoáng chất và chất dinh dưỡng trôi về phía hạ nguồn, và 11 con đập chính lưu,cùng với các con đập phụ lưu tại Lào và Campuchia sẽ chặn lại ít nhất 50% các chất khoáng và dinh dưỡng này. Biến đổi khí hậu, theo các nghiên cứu, khiến nhiệt độ khu vực tăng lên và làm giảm thêm 8% tổng lượng chất dinh dưỡng. 70% lượng dưỡng chất của dòng Tonle Sap đến từ các chính lưu của dòng Mekong. Bên cạnh đó, các con đập cũng thực sự thay đổi hoàn toàn quy trình nạp và xả nước dọc dòng Mekong, dẫn đến chu trình lũ lên - lũ xuống của hồ Tonle Sap bị thay đổi. Những con đập ở thượng lưu sẽ xả nước vào mùa khô, làm tăng lượng nước của dòng Tonle Sap, và làm tăng hơn gấp 3 lượng nước của hồ vào mùa khô này. Điều đó cũng làm tăng diện tích vùng ngập vĩnh viễn của hồ Tonle Sap lên khoảng 18-31%. Vào mùa mưa, việc giảm lượng nước vào hồ sẽ thu hẹp diện tích các vùng nước ngập nước 75%. Cộng thêm việc bão táp diễn ra thường xuyên hơn, sinh kế và cuộc sống của các cộng đồng nhà bè sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc di cư và sinh sản của cá cũng bị mất cân bằng, do giờ đây cá khó có thể bơi lên thượng nguồn để đẻ trứng. Và nếu chúng lên được tới thượng lưu, thì trứng của chúng cũng khó vượt qua các con đập để rồi trở về môi trường sống thích hợp.

Để đối phó với thay đổi này, chính phủ CPC đẩy mạnh việc nuôi cá tại các trang trại, để bù lượng protein bị mất. Lượng cá tự nhiên thu hoạch được liên tục giảm trong nhiều năm qua và để có thể bù đắp cho việc đó, Campuchia cần phải tăng 63% lượng đất nông nghiệp hiện nay họ đang có. Đồng thời, Campuchia cũng phải thuyết phục nước láng giềng Lào giảm việc xây dựng thêm đập thuỷ điện. Nhưng gần đây, chính quyền Hun Sen lại có chính sách mua thêm điện từ Lào và điều đó cho thấy tương lai của dòng Tonle Sap sẽ rơi vòng xoáy vô định.

Chương 10: VIỆT NAM ƠI, ĐỪNG LÀ NƠI DÒNG MEKONG “QUA ĐỜI”?

Chương 10 là chương dài nhất sách và nói nhiều về Việt Nam . Vì viết năm 2016, đôi chỗ chưa thể hiện sát tình hình biến chuyển rất nhanh của dòng Mekong và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên cái nhìn xuyên suốt của một nhà nghiên cứu môi trường cũng cho ta một cảm nghĩ thật lắng đọng, thật buồn: làm gì đây để Việt Nam đừng là quốc gia ở cuối nguồn và cuối cùng chứng kiến dòng Mekong vĩ đại phải qua đời?

Tháng 04/2016, tôi đặt chân đến Cần Thơ, thành phố trung tâm của đồng bằng sông Mekong với hơn 1.2 triệu dân. Cũng vào mùa xuân 2016,đồng bằng sông Mekong trải qua mùa khô hạn kinh khủng nhất trong 100 năm qua và hầu như nước ở vùng này chỉ còn toàn là nước biển mà thôi.

Tại một hội nghị nghiên cứu về sông Mekong do đại học Cần Thơ tổ chức, tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng tình trạng khô hạn là do Trung Quốc xây dựng hàng loạt đập ở thượng nguồn và có ý kiến cho là do Thái Lan hút 1 lượng nước lớn khỏi chính lưu Mekong cho mục đích tưới tiêu. Tôi quyết định đi xuôi dòng về đồng bằng Mekong tìm hiểu lý do thật sự của tình trạng tồi tệ này.

Ở ĐBSCL các thành phố lớn như Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Long Xuyên vốn được người Khmer, Trung Quốc và Việt Nam di cư đến đây dựng lên. Vùng ĐBSCL cung cấp 40% lượng nông sản của Việt Nam với chỉ 12% của tổng diện tích quốc gia. Mỗi năm, gạo xuất khẩu của ĐBSCL chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, mang về hơn 7 tỷ USD, 2% tổng GDP. Ngoài ra, ĐBSCL cũng cung cấp hơn 60% sản lượng trái cây và 75% sản lượng cá và tôm nuôicủa cả nước. Dọc đường đi chúng tôi thấy rất nhiều vườn cây ăn quả khô héo, các thửa ruộng úa tàn vì nước mặn không thể tưới. Đất đai ở ĐBSCL về bản chất có lượng axit-sulfuric do cách đây hơn 5,000 năm, toàn bộ khu vực này đều chìm dưới nước biển và chỉ trồi lên khi kỷ băng hà cuối cùng qua đi và nhờ chu kỳ lũ của dòng Mekong liên tục bồi đắp. Vùng này, cứ khi mùa mưa đến và lũ dâng, đất đai sẽ được “rửa” mặn, phù hợp cho làm nông. Giờ đây, khi khu vực này bị nhiễm mặn nghiêm trọng như vậy, người dân phải tìm cách sinh tồn.

CUỘC RƯỢT ĐUỔI GIỮA NƯỚC MẶN VÀ NƯỚC NGẦM

Đi càng xuôi về phía ĐBSCL, chúng tôi bắt gặp nhiều ruộng rau xanh rì đủ loại từ dưa leo, bắp cải, củ cải hay sà lách. Khi được hỏi về cách ứng phó,người dân cho biết giờ đây họ dùng động cơ chạy tàu ghe để làm máy bơm nước từ các giếng ngầm. Nước bơm lên được dùng để tưới tiêu và sinh hoạt. Việc hút nước ngầm dữ dội là một hiểm hoạ khác của ĐBSCL. Hầu hết các hộ dân chỉ quan tâm đến sinh kế của gia đình mình trong vài ba tháng tới, chẳng ai chịu suy nghĩ cho 1 viễn cảnh 10-15 năm sau, nên sau nhà ai cũng có 1 cái giếng cho gia đình mình.

Cuộc đổi mới kinh tế từ 1986 dẫn tới đô thị hoá và công nghiệp hoá đã đặt nhiều áp lực lên nguồn nước ngầm của ĐBSCL. Các nghiên cứu cho thấy rằng cho đến đầu những năm 1990, mạch nước ngầm của đồng bằng vẫn chưa bị đụng tới. Nhưng từ 1995, mật độ khai thác ồ ạt của người dân đồng bằng đã vượt qua khả năng tự hồi phục của mạch nước ngầm. Mỗi ngày có hơn 2.5 triệu mét khối nước ngầm được rút lên khỏi lòng đất. Sau 25 năm, ĐBSCL đã lún xuống trung bình hơn 18 cm. Một số điểm nóng như Sóc Trăng hay Bạc Liêu ở phía Tây ĐBSCL còn lún xuống hơn 30 cm.

Trong 1,000 năm qua, ĐBSCL mỗi năm mở rộng hơn 16 cây số vuông (tương đương 3,000 sân bóng đá). Giờ đây, mỗi năm đồng bằng bị mất 1 diện tích bằng 430 sân bóng đá do hiện tượng xói lở. Điều này đẩy ĐBSCL vào 1 vòng xoay huỷ diệt chưa có hồi kết khi: đất đồng bằng lún xuống thì nước biển xâm nhập làm đất đai nhiễm mặn. Và đất đai càng nhiễm mặn thì người dân càng phải hút nước ngầm nhiều hơn. Ngày nay, ĐBSCL được xếp vào danh sách các khu vực đồng bằng sông (river delta) dễ tổn thương nhất thế giới. Nông dân ở ĐBSCL thường diễn tả về biến đổi khí hậu rằng mùa mưa thì ngắn hơn còn mùa khô thì dài hơn, làm nhiệt độ tăng cao. Vào năm 2050, nhiệt độ trung bình ở ĐBSCL được cho là sẽ tăng từ 0.8-1.4 độ C. Một số tỉnh của khu này còn bị cho là sẽ tăng tới 4 độ C, và nhiều chuyên gia cho rằng nhiệt độ sẽ luôn cao hơn 35 độ trong ít nhất 6 tháng mỗi năm. Nhiều tổ chức nghiên cứu về biến đổi khí hậu dự đoán rằng đến năm 2050, nước biển sẽ dâng cao khoản 30 cm. Các nghiên cứu này lại không tính đến việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL và tác động của các con đập trên dòng Mekong. Nhiều chuyên gia tin rằng nếu tính toán kỹ lưỡng, con số 30 cm nước biển dâng lên sẽ đến sớm hơn 2050 rất nhiều (một số chuyên gia cho rằng một nửa đồng bằng sẽ chìm xuống biển vào cuối thế kỷ 21). Nếu biển dâng đến 50 cm, các thành thị, khu công nghiệp sẽ cần phải được nâng theo, hoặc phải được bao quanh bởi 1 hệ thống kênh đào. ADB dự đoán năng suất kinh tế của Việt Nam sẽ giảm ít nhất 20% nếu tình huống đó xảy ra. Việc kêu gọi tài trợ chống biến đổi khí hậu lại rất khó do mức tàn phá kéo dài, khó thấy ngay, từ đó, việc đầu tư cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn nhỏ giọt và thiếu kế hoạch.

Nhìn lại lịch sử ĐBSCL, vào thế kỷ thứ 3, vùng Đồng Tháp Mười (Plain of reeds) còn chưa được khẩn hoang và lúa trời ở đây có thể cao đến 3 mét. Qua nhiều thế kỷ, người Việt và cả người Hoa đã vào khẩn hoang, cho đến thế kỷ 18, họ được triều đình Huế cho phép thành lập và quản lý các thành thị như Mỹ Tho và Sài Gòn. Người Pháp và Mỹ tạo ra ở đây nhiều kênh đào nhân tạo. Đối với phương Tây, quy trình lũ lụt tự nhiên của ĐBSCL là cần được kiểm soát để ổn định việc sản xuất lương thực. Liên tục nhiều thập kỷ, Pháp và Mỹ đã đổ hàng chục triệu USD vào miền Nam Việt Nam. Đối với Pháp, vào năm 1929, họ đã dọn sạch 2.4 triệu héc-ta đất rừng và đầm lầy ở ĐBSCL để chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Họ cũng đã cho xây hơn 1,500 cây số đường sông và 3,500 cây số các kênh phụ. Mục đích của họ là để có thể tiếp cận vùng đồng bằng trù phú này và vận chuyển quân đội, khí tài, tài nguyên ra vào dễ dàng hơn. Thời Mỹ, họ tiến hành Cách mạng Xanh (Green revolution) đẩy nông dân xa khỏi canh tác truyền thống, và thay vào đó là thuốc trừ sâu, phân bón, máy cày và các kỹ thuật canh tác công nghiệp để đạt năng suất hơn. Một nghiên cứu của Hà Lan cho biết vào 1974, có khoản 1 triệu máy bơm nước đang hoạt động ở đồng bằng Mekong.

Khi người Mỹ rút khỏi đây vào năm 1975, liên tục cho đến tận năm 1988, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu gạo do lo sợ nạn đói. Sau nhiều cuộc chiến tranh lâu dài, Việt Nam hơn 50 năm vẫn luôn là nước nhập khẩu gạo, có lúc đến hơn 500,000 - 1 triệu tấn gạo mỗi năm. Nhưng vào năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam đạt con số xuất khẩu gạo lên đến 1.4-1.89 triệu tấn gạo (thu về hơn 300 triệu USD). Nhiều chuyên gia Việt Nam cho là do nghị quyết 10 công nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo. Sản lượng gạo tại ĐBSCL tăng từ 5 triệu tấn năm 1986 lên 25 triệu tấn năm 2017.

TĂNG CHỈ TIÊU, TĂNG VỤ, TĂNG HÓA CHẤT

Đạt các con số ấn tượng là vậy, nhưng thực tế đời sống của nông dân tại ĐBSCL lại là 1 bức tranh nhiều màu ảm đạm. Chất lượng đất canh tác liên tục giảm sút do sự xói lở và bị bao vây bởi hệ thống kênh đào. Trong khi nhiệm vụ vựa lúa của cả nước vẫn tăng chỉ tiêu hàng năm, thu nhập của bà con nông dân năm 2017 lại thấp hơn 10% so với cả nước (năm 1999, con số này cao hơn 10% so với cả nước). Giờ đây, các hộ dân phải canh tác 3 vụ lúa 1 năm nhưng nhiều người vẫn phải bỏ lên thành phố để làm công nhân. Để có thể canh tác 3 vụ mỗi năm, nông dân hiện tại vẫn phải dựa vào thuốc trừ sâu và phân bón vô cơ nhiều. Việc xây hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mekong là yếu tố khiến xảy ra thiếu nước, hạn hán còn phì sa thì bị suy giảm đến biến mất vì hệ thống đập đã chặn lại khoáng chất và dinh dưỡng từ thượng nguồn. Hơn 3,000 năm qua, mỗi năm dòng Mekong đều tải khoản 150 triệu tấn trầm tích về đồng bằng hạ lưu để bồi đắp. Khối lượng lớn trầm tích kẹt lại ở các con đập là các chất nặng hơn lại khiến xảy ra hiện tượng sông bị “đói” (hungry river) và “nước đói” trở nên nhẹ hơn, mà càng nhẹ thì nước càng chảy mạnh và nhanh, cuốn phăng đất đá 2 bên bờ gây sạt lỡ, đi kèm với nước biển xâm nhập sâu vào trong sông. Cho tới cuối 2017, hơn 1,200 gia đình đã phải bị di dời khỏi ĐBSCL, và đặc biệt, đã có hơn 300,000 người. đa số là lực lượng trẻ lao động chính đã phải chạy về các TP công nghiệp như Sài Gòn, Bình Dương kiếm sống. Trong vòng 25 năm qua, hơn 1.7 triệu người đã rời bỏ ĐBSCL.

Nạn khai thác cát quá độ ở ĐBSCL cũng góp phần làm xói mòn khu vực này. Lưu vực sông Mekong trải dài qua 3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam hiện nay đang bị khai thác triệt để. Giữa năm 200 - 2016, Campuchia đã bán hơn 80 triệu tấn cát cho Singapore (bất chấp lệnh cấm khai thác ngành này từ 2009). Giá trị cát bán ra đạt gần 780 triệu USD. Các nước phát triển hơn họ mua cát chất lượng cao tại dòng Mekong để lấn biển, đô thị hoá và nâng tầng hệ thống đường xá của họ. Giá cát hiện nay tầm 5-10 USD mỗi tấn. Chỉ riêng 2016, Việt Nam đã bắt hơn 3,000 cát tặc (thu nhập trung bình của những người này vào khoản 10,000 USD, cao gần 4 lần thu nhập đầu người. Trong khi đó, việc quản lý nạn khai thác cát sông vẫn được quản lý nhỏ lẻ ở quy mô địa phương.

Đi xuôi xuống đồng bằng, chúng ta có thể bắt gặp nhiều gia cảnh chỉ còn người già bám ruộng vườn lây lất. Tôi đã có cả buổi chiều ngồi nói chuyện với một người nông dân trồng mía về thực tế sinh kế của các cộng đồng tại Cù Lao Dung. Gia đình ông đã di cư tới đây từ An Giang vào năm 2000 và bắt đầu trồng mía trên khoản đất lên đến 180 héc-ta và mỗi năm chỉ kiếm được khoản 1,000 USD mỗi năm (vì giá mía đường giảm, nhân công bỏ lên thành phố nên chi phí thu hoạch tăng cao - theo câu chuyện của tác giả). Con cái của ông đã bỏ lên TP.HCM để làm công nhân dệt may và điện máy. Còn ông thì bỏ đi chạy xe ôm.

CON TÔM ÔM CÂY LÚA

Theo giáo sư Dương Văn Ni của Đại học Cần Thơ, giờ đây người dân lâm vào cảnh phải đầu tư rủi ro: hoặc bám ruộng vườn chờ thời, hoặc vay nợ để tổ chức nuôi thuỷ sản, chủ yếu là tôm. Giáo sư Ni là người ủng hộ việc chuyển đổi trồng lúa sang mô hình nuôi tôm ở các vùng nước nhiễm mặn (lợ). Ông mong chính quyền có chương trình huấn luyện nông dân theo mô hình canh tác bền vững kết hợp lúa tôm để đảm bảo thích ứng được hoàn cảnh mới. Một giáo sư khác, ông Nguyễn Minh Quang, là học trò của ông thì hướng dẫn cho nông dân mô hình canh tác nông nghiệp nuôi ghép thủy sản trong rừng đước (mangrove-based polyculture).

Theo giáo sư Ni, các nước mà sông Mekong chảy qua phải ngồi lại với nhau để hợp tác và cùng nhìn về dòng sông này như 1 thực thể sống hợp nhất: bất kỳ bộ phận nào của Mekong bệnh thì cả dòng sông sẽ bệnh theo - không có thượng nguồn sẽ không có đồng bằng, và không có đồng bằng sẽ không thể có chu trình bồi đắp, luân chuyển tự nhiên như hàng ngàn năm qua. Hiện nay, các nước vẫn mạnh tay khai thác sông Mekong trên địa phận nước mình vì lợi ích quốc gia mình mà không có kế hoạch bảo tồn bền vững. Thái Lan, nước trước nay vẫn mua điện từ Lào, đã công bố điều chỉnh chính sách sử dụng và trữ điện nội địa vào tháng 03/2018. Điều này làm giấc mộng trở thành “bình ắc-quy Đông Nam Á” của Lào bị rúng động, do lúc đó họ mới công bố chuẩn bị khởi công đập Pak Beng. Thái Lan đang tìm nguồn năng lượng bền vững khác như mặt trời, sinh khối và điện gió. Đây là tín hiệu đáng mừng le lói trong tình cảnh sông Mekong đang chết dần chết mòn. Không còn thời gian nữa, nếu các nhà đầu tư của chính phủ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam không chịu đánh giá sông Mekong một cách tổng hoà, và chỉ biết lợi ích riêng quốc gia mình thì ngày sông Mekong lụi tàn đã đến trước mắt.

Ảnh.mô hình lúa tôm-TS Dương văn Ni- KS Hồ Quang Cua hướng dẫn SV-Vỏ chai thuốc sâu vứt đầy đồng-Sông cạn dòng-Khai thác nước ngầm-Không bắt được con cá nào. Tranh bơi trên dòng Mekong-khai thác nước ngầm ở Cà Mau.