Thuận Nghĩa-Chuyện Đời

Chuyện Đời

Thiên hồi ức Thời Hoang Dại Cuối Cùng (Hệ Lụy) này viết để tặng CC, NTP, và Phạm Văn Hội.

Nếu nói tôi với hắn là bạn nối khố thì không đúng, vì chúng tôi không có cùng chung tuổi thơ. Dù cũng là khúc ruột miền trung cả nhưng trước giải phóng, Hội ở phía trong vĩ tuyến 17, tôi ở phía ngoài vĩ tuyến.

Nói là bạn bè chí cốt thâm giao cũng trật, vì thời gian chúng tôi chơi với nhau chỉ có đúng 7 năm, thời gian ngắn ngủi này chưa thể kể là sinh tử có nhau được. Cho dù thời đó chúng tôi rất nghèo và phong trần, cũng có kề vai sát cánh, nhưng chỉ để thực hiện những chuyện vặt vãnh của cuộc sống thôi chứ chẳng có gì hiểm nguy hệ trọng.

Cũng chưa thể dùng hai cái từ vĩ đại là Bạn Thân để mô phỏng tình bạn giữa tôi với hắn. Vì hai chữ Bạn Thân, ngoài tình bạn cao cả ra còn có tình thân ái như ruột thịt nữa. Tôi và Hội không có điều đó.

Giữa tôi với hắn có lẽ chỉ dùng được hai chữ Cố Nhân là đúng nhất.

Tôi về Trung Tâm Dạy Nghề trước hắn 1 năm. Cuối năm 1983, Hội tốt nghiệp khóa 2, khoa Sinh, Tổng Hợp Huế. Tốt nghiệp xong là về Trung Tâm ngay.

Trung Tâm có hơn 50 thầy cô giáo nhưng chỉ có 3 người là độc thân. Tôi, Hội và Cẩm Vi. Tôi thường nói với hắn "Trong Trung Tâm ni chỉ có tau với mi và Cẩm Vi là người khôn nhất". Hắn vừa nghe tôi nói vậy, đã biết tôi ám chỉ cái gì rồi nên cười hề hề tiếp lời " chớ răng, chớ răng..không có gì quí hơn độc lập tự do mà, các Thầy Cô kia dại cho nên họ mới bị gông cùm xiềng xích đó chớ"

Có một điều rất lạ là cả 3 đứa độc thân chúng tôi đều là tuổi Hợi 1959 cả. Tôi nói với Hội "hay là vì tuổi Hợi nó cao số mi hè". Hắn cười phá lên "cao số cứt, mi thì gàn gàn, tau tưng tửng, lại nghèo kiết xác, đã rứa lại còn trèo cao, cứ đòi phải đẹp, tướng số phải sang mới chịu. Còn Cẩm Vi thì quá sắc sảo, không những đẹp mà còn quá thông minh, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga nói như gió, đã thế gia thế lại quí tộc, giàu sang nữa, thì thời buổi ni kiếm mô ra người môn đăng hộ đối được. Ế cả thôi chứ cao số chi mà cao số". Tôi nghe hắn nói cũng gật gù "e rứa , e rứa .."

Hội và Vi dạy ở môn Sinh Hóa và cả hai cùng nghiên cứu về Công Nghệ Sinh Học. Cẩm Vi chuyên về gen và nuôi cấy mô tế bào, Hội thì chuyên về công nghệ chiết xuất Aga và cái chất khỉ gió gì đó từ cây rong mơ. Tôi thì dạy ở môn cơ khí. Tuy rằng giữa tôi với Hội và Cẩm Vi khác "hệ" nhận thức, nhưng chúng tôi chơi với nhau rất thân. Vì cả Trung Tâm chỉ còn chúng tôi độc thân, và cái quan trọng nhất là cả 3 đứa đều rất nghiền đọc sách.

Tôi thì mạnh về cái mảng sách mới xuất bản, một phần vì tôi toàn chơi thân với các cô bán hiệu sách và làm ở phát hành sách, nên dễ kiếm được sách hay, sách quí. Hội thì có nguồn sách cũ trước giải phóng từ chùa Huyền Không, đặc biệt là các pho chuyện kiếm hiệp quí và sách về tôn giáo. Cẩm Vi thì ngoài nguồn sách cổ học của gia đình ra lại có tài đọc sách ngoại ngữ, nên hay kể chuyện sách dịch cho chúng tôi nghe. Bởi vậy mà trong thời buổi khan hiếm sách. Chúng tôi lúc nào cũng có cái mà giải nghiền.

Hồi đó giới văn nghệ sĩ của Bình Trị Thiên mạnh lắm, tập trung toàn những tay bút thượng thặng trên văn đàn. Tạp chí Sông Hương là một trong những tạp chí nổi tiếng đậm đặc chất văn nghệ trên toàn quốc.

Tuy tôi không thuộc giới này, nhưng tôi có bộ sưu tập sách hơn chục ngàn cuốn sách hay, khá có tiếng tăm trong giới đọc giả Huế. Mặt khác hồi ấy tôi chơi thân với thằng Tuyến cháu ruột của nhà Thơ Ngô Minh, và nhà báo Bạch Diệp, một cây bút nữ nổi tiếng về sắc đẹp của báo Công An, nên bọn họ hay dẫn tôi đi dự các cuộc hội họp của giới văn nghệ sĩ Huế. Qua các cuộc hội hè của giới văn nghệ sĩ tôi mới biết thêm được Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Tô Nhuận Vỹ, Xuân Đức, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Vũ Thuật, Bửu Chỉ, Hải Kỳ....

Sau này nhờ quan hệ chiến hữu giữa Ông Lê Phước Thúy, là thủ trưởng trực tiếp của tôi, với Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nên tôi biết được hầu hết giới văn nghệ sĩ Huế. Cũng từ ở căn nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ, của hai vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi mới có cơ hội "kỳ hình" những nhân vật nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Phùng Quán, Trần Dần... Và cũng nhờ đó mà tôi có cơ hội theo họ vào Sài Gòn để gặp cho kỳ được thần tượng của mình là Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng.

Chẳng có gì thú vị bằng, khi trong cái nghiệp đọc của mình, mình không những đọc được những trước tác văn nghệ hay, mà còn được chứng kiến tận mắt bằng xương bằng thịt người đã viết ra nó. Nhất là được tận tai nghe những giai thoại của làng văn từ chính người trong cuộc kể ra.

Tôi và Hội không thuộc loại người háo danh, nên không cầu cạnh sự quen biết với họ. Khi đến dự các cuộc nhậu của giới văn nghệ sĩ, thường chỉ là người điếu đóm vòng ngoài, nghển cổ lên nghe họ tán chuyện là sướng lắm rồi.

Sau này anh Phạm Văn Mùi một cư sĩ Phật Giáo có bút danh trong giới văn nghệ là Mùi Tịnh Tâm, lập nên Tao Đàn Tịnh Tâm, thì cơ hội tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ gạo cội của tôi càng cao.

Vì Mùi Tịnh Tâm là anh ruột của Hội, lại là bạn thâm giao chí cốt với Phương Xích Lô, một nhà thơ giang hồ rất nổi tiếng của Huế.

Tao Đàn Tịnh Tâm là nơi hội ngộ thường xuyên của giới văn nghệ sĩ.

Dạo đó tôi cũng đã biết tòm tèm làm thơ, và khá thông thạo về câu đối. Đã có rất nhiều lần trong mấy ngày Tết, tôi ra chân cầu Tràng Tiền, viết câu đối tết và "cho chữ" khách thập phương. Những câu thơ viết bằng chữ thảo có liên quan đến vận khí trong năm của thân chủ hồi đó của tôi cũng được giới giang hồ thi tửu đánh giá cao lắm. Chính vì vậy mà dân hay lui tới Tao Đàn gọi tôi là Đồ Gàn, và trong những cơn say chén tạc, chén thù đó, họ đã "tấn phong" cho Mùi Tịnh Tâm, Phương Xích Lô và tôi là Cố Đô Tam Tuyệt. Kiểu như danh xưng hảo hán của Côn Luân Tam Tuyệt trong Cô Gái Đồ Long của Kim Dung vậy.

Cũng từ Tao Đàn Tịnh Tâm này tôi đã được tận tay mình điếu đóm, hầu trà, hầu rượu với những nhân vật kiệt xuất trong giới Văn Nghệ Việt Nam, như Trịnh Công Sơn, Trần Dần, Phùng Quán....Và kể cả Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập..nữa.

Sau này đã quen thân với mấy vị này rồi, mới dám xưng anh, xưng em, chứ hồi ấy tôi coi các ông ấy là thần tượng ở trên trời, chỉ được ngồi hóng mỏ lên nghe Nguyễn Quang Lập kể chuyện tục, nghe Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh đọc thơ, nghe Trịnh Công Sơn vừa đàn vừa hát là sướng râm ran như được diện thánh rồi. Chứ có phải như bây giờ được bàn chuyện nhân tình thế thái, thi ca với mấy ổng đâu.

Mỗi lần đi dự một cuộc nhậu của giới văn nghệ sĩ về là tôi và Hội bàn tán rất xôm tụ. Ông ni viết hay rứa mà ngoài đời lại rứa hè, ông ni viết sang trọng rứa mà bình dân hè...Đôi khi hai thằng nhắc lại các giai thoại làng văn nghe được, cứ như chính mình trong cuộc vậy. Sướng râm ran!

Cẩm Vi nghe tôi với Hội bàn tán cứ há hốc mồm ra nghe thỉnh thoảng lại thốt lên "bui hè, bui hè.."

Biết Cẩm Vi cũng thích gặp các tác giả mà cô ấy yêu thích, đôi lần tôi rủ cô ấy đi theo. Nhưng lần nào Cẩm Vi cũng lắc đầu. Tôi hỏi răng rứa, răng rứa... Cẩm Vi chỉ lắc đầu mà không trả lời. Sau này thằng Hội nói với tôi "mi ngu rứa, Cẩm Vi là dân quí tộc Huế, răng mà dám tới mấy chỗ ăn nhậu dân dã nớ được". Tôi trương cổ lên nói, mấy chỗ nớ có chi xấu mô, răng không tới được. Hắn nói "mi ngu, mi ngu, con gái Huế là rứa đó"

Hội thì thích đọc các loại sách về Thiền học và sách nghiên cứu khoa học, còn tôi thì thích sách văn học và thơ hơn. Nhưng cả hai thằng đều nghiền chuyện chưởng.

Hội có một chiếc xe đạp cui cui, không gác đờ bu, không chắn sên, không chuông, sơn màu mận chín. Tôi cũng có một chiếc không khác gì hắn chỉ khác là sơn đen. Cả hai chiếc đều thuộc dạng như dân gian nói "Mọi thứ đều kêu, trừ cái chuông".

Tan sở, hai thằng thường lòng vòng đạp quanh phố dạo chơi. Hội gọi chiếc xe đạp cà tàng của hắn là con "huyết hãn thần câu", còn tôi thì gọi chiếc của tôi là "hắc lý thiên mã". Hai thằng vừa đạp tàn tàn vừa nói chuyện. Dân đi đường nghe chúng tôi trò chuyện ai ai cũng cứ há hốc mồm kinh ngạc hết, vì câu chuyện chúng tôi dù nghiêm túc đến đâu, thì cách xưng hô với nhau cứ như trong chuyện chưởng vậy, nào là mỗ, là tại hạ, là tiên sinh búa xua hết...

Lòng vòng một hồi là chúng tôi tấp vào một quán cà phê nào đó để làm một cữ chót và chia tay. Thông thường quán nào có người phục vụ là phụ nữ đẹp, có nhạc trữ tình là chúng tôi ghé, không kể cà phê ở đó ngon hay dở. Quán chúng tôi hay ghé là quán Cây Sứ trên đường Hùng Vương, hay quán Sông Xanh dưới Vĩ Dạ, hoặc là quán Phượng trong Đại Nội.

Một lần ngồi dưới quán Sông Xanh, Hội hỏi tôi "mi bấm một phát coi trong ba đứa độc thân tụi mình đứa mô ngu trước".

Tôi biết coi Tử Vi và học được cách bấm lá số từ mấy ông thầy mù, nên không cần giấy bút. Bấm, bấm một hồi, tôi nói "hóa ra Cẩm Vi ngu trước mà ngu lâu". Hắn day lại, răng kêu là ngu lâu?. Tôi nói "Thì nó yêu có một người, lấy luôn người đó, lấy đến trọn đời thì kêu bằng ngu lâu chớ rắng". Rứa còn tau với mi thì răng. "Tau thì nhì nhằng phiêu bạt đó đây, có có như không không, còn mi thì thảm". "Thảm răng, thảm răng nói nghe coi". "Mi hả, nỏ có số xuất ngoại, vì cung Thiên Di của mi có Hóa Kỵ và Cự Môn lại nằm ở cung Thổ khắc mạng, Thiên Mã lại nằm ở cung Hợi, ngộ Tuần Trung không vong, nên không có số xuất ngoại. Cung Thê của mi lại nằm ở hãm địa có Hồng Loan ngộ Thiên Không lại gặp Triệt lộ không vong. Trong ba đứa mình mi khôn nhất, vì suốt đời mi được tự do". Mặt hắn rầu rầu nói "rứa thì thảm thiệt, thảm thiệt..". Tôi động viên hắn "Nhưng mà mi là đứa có cơ nghiệp sáng lạn và giàu sang nhất. Tau có số bần hàn, có tích đức lắm cũng chỉ mò đến được đến chỗ có tiếng mà không có miếng. Còn Cẩm Vi, cho dù thông minh thành đạt, có học hàm học vị cao, nhưng cung Phu và cung Tử Tức nằm ở cung sinh xuất, lại có các cát tinh hội ngộ. Thanh Long, Bạch Hổ, Phượng Các, Giải Thần, Lâm Quan, Tả Phụ, Hữu Bật chi cũng có cả, vậy là nhằm vào cái số ích tử vượng phu. Đàn bà nhằm vào số này là tướng Quí. Cho nên nó sẽ bỏ cơ nghiệp, không đeo đuổi hoài vọng của mình mà chỉ đam mê vun vén cho gia đình thôi. Bởi vậy sự nghiệp của nó không hoạnh phát được. Còn mi thì lại khác. Cung quan lộc có Trường Sinh, Đế vượng, lại hội đủ cách quân thần khánh hội, Tử Vi và Thiên tướng đều đắc địa. Cho dù cung Thiên di ngộ Tuần trung không vong. Nhưng Thân cư Tài Bạch, có xương khúc, Hoa cái, và có Tam hóa triều nguyên nên vận hạn của mi trên 36 tuổi cứ lên như diều gặp gió, quan lộ thênh thang". Hội nghe tôi nói không tin "Cứt, cứt.. thênh thang chi nỏ biết, chừ nghèo kiết xác, tương lai mù mịt có chi mô mà hoạnh phát, hoạnh tài, nghe mi nổ mắc mệt". Biết hắn chống chế ra vẻ khiêm tốn vậy thôi, chứ trong bụng chắc sướng âm ỉ, vì hắn không những tin vào Tử Vi, mà còn rất rõ cái tài thần đồng của tôi về Tử Vi.

Cẩm Vi sang Pháp làm luận án tiến sĩ, rồi gặp ý trung nhân là một nhà Toán Học hàng đầu của thế giới. Lấy chồng và định cư ở Paris. Cho dù tốt nghiệp hạng ưu, có bằng tiến sĩ từ một trường đại học nổi tiếng ở châu Âu. Nhưng sự nghiệp của Cẩm Vi cũng chỉ nhì nhằng ở chức phụ giảng, chứ không thể đeo đuổi được hoài bão của mình trong công nghệ gen hiện đại.

Tôi xuất ngoại và định cư ở Đức, có được chút tiếng tăm trong nghề Đông Y, nhưng cơ nghiệp lao đao lận đận vì quá có nhiều đam mê, vọng tưởng. Gia đạo thì có có như không không, không không như có có .

Còn Hội thì sau những năm 2000, tự nhiên cơ nghiệp phát lên dữ dội. Hắn là chủ rất nhiều đề tài khoa học hợp tác với Nhật. Không những danh tiếng nổi như cồn, mà tiền của cũng bộn bề ra phết. Bây giờ đi ô tô đời mới, có tài xế riêng. Kẻ đón người đưa, đời sống đúng nghĩa với cái từ dân dã hay nói là "Đại Gia". Chỉ duy có một điểm tương đối bất hạnh là đến nay vẫn chưa có vợ. Thậm chí cũng không màng đến gái gú nữa. Rất nhiều người, kể cả người nhà của hắn nghi ngờ, nói hắn đồng cô, đa hệ.

Tôi không tin điều đó, vì tôi biết và hiểu hắn. Vì cả tôi và hắn đều vướng vào hệ lụy với chuyện tình đầu.

Hắn cũng vì mối tình đầu quá sâu đậm mà trái tim hắn không còn chỗ để chứa thêm hình ảnh của một người con gái nào khác.

Tôi còn thê thảm hơn hắn, tôi cũng dính vào một mối tình nghiệt ngã, để rồi dấu ấn ấy suốt cả cuộc đời khó có thể phai nhạt được.

Hắn hơn tôi ở chỗ là không đem cái hệ lụy kia của hắn làm khổ người khác. Còn tôi, thì tội lỗi chất chồng. Dấu ấn trong mối tình đầu lãng mạn đã ru ngủ tôi trong sự hoài niệm vu vơ, nên tôi mang nó đi "đầu thai" vào những mối tình khác, và đã làm khổ lụy rất nhiều phụ nữ trên những chặng đường tôi đi qua.

Người con gái mang hệ lụy đến cho Hội tên là Yến, còn người hệ lụy của tôi tên là Phượng. Hai đứa cầm tinh con lợn, cuộc đời đều bị "bầm dập" vì những người con gái mang tên của loài chim. Có phải đó là định mệnh chăng...

Hội với tôi có một thời chung lưng sát cánh bên nhau làm chuyện phạm pháp, thời ấy nếu mà bị bắt, chắc bị không ít ngày tù.

Đó là chuyện tôi và Hội tự thành lập một "băng đảng" chuyên đi đốt quán thịt chó. Tôi làm hội trưởng, Hội làm hội phó, hồi mới bắt đầu hành sự, chỉ có 2 thằng, sau thu nạp thêm mấy đứa học trò làm "vây cánh" nữa.

Trước 1975, Huế không có quán nhậu thịt chó. Vì Huế là cái nôi Phật Giáo, nên dân tình không bao giờ ăn thịt chó. Sau giải phóng người ngoài Bắc vào mới nảy sinh ra có quán nhậu thịt chó. Dù không trương bảng hiệu công khai, nhưng có quán xá đặc sản hẳn hoi.

Hội là Phật tử ròng không nói làm gì, tôi cũng là dân Bắc vào Huế. Nhưng tôi rất thù ghét mấy người ăn thịt chó.

Số là hồi nhỏ, nhà tôi có con vện. Con vện lớn hơn tôi 1 tuổi. Bà nội tôi nói, khi chuyển từ Tân Thủy về Xuân Thủy, đã mang con Vện theo. Về đến Xuân Thủy, thì tôi mới được sinh ra đời. Con vện là một thành viên luôn gắn bó với gia đình tôi trong thời cơ hàn của sự qui chụp thành phần Địa Chủ.

Nghe nói có mấy lần ủy ban xã Xuân Thủy gửi thông tư cấm gia đình tôi nuôi chó, họ nói thành phần địa chủ không được phép nuôi vật bốn chân, chỉ được phép nuôi gà vịt và ngan ngỗng thôi. Ba tôi phải đem tất cả giấy tờ hoạt động cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa có chứng nhận của mấy ông trên Trung Ương, mới bảo vệ được con Vện khỏi bị đường lối chủ trương của mấy ông cường hào mới trù dập.

Con vện có linh tính rất hay, trong thời bắn phá, hình như nó có linh cảm về đạn bom, nên đã nhiều lần cứu được gia đình tôi khỏi bị bom Mỹ giết. Anh Hai tôi có lần trú trong hầm chữ A, khi bị toạ độ con vện cắn lai quần anh tôi kéo đi chỗ khác, Anh tôi theo con Vện đi chỗ khác trú ẩn, ngay sau đó căn hầm ấy bị một quả bom tấn đánh ngay trúng nóc, cả căn hầm biến mất tiêu chỉ còn cái hố to đùng, to đoàng.

Hồi tôi mới 6, 7 tuổi theo mấy anh mấy chị đóng bè chuối đi chơi lụt, khi ngang qua hói Hoàng Giang, bị nước xoáy, xoáy ra giữa dòng, ai cũng tưởng tôi bị cuốn trôi và chết đuối rồi. Ai dè con Vện lao theo dòng nước, bì bõm lôi được tôi lên bờ. Sau vụ đó, con Vện càng trở nên thân thiết với cả gia đình tôi và chòm xóm quanh vùng.

Ngày con Vện già, mắt mũi kèm nhèm, da dẻ ghẻ lở đầy thân bỏ ăn bỏ uống, quằn quại đau đớn khôn nguôi. Ba tôi dắt qua bên miếu thành hoàng dưới gốc cây đa Lệ Bình, Ba nói cho nó ở bên đó, vì để chó chết trong nhà xui. Hôm sau qua bên ấy thăm nó, không tìm thấy nó, tôi về đổ thừa là Ba đem con Vện bán cho người khác giết thịt.

Ba nghe tôi càm ràm trách móc cả ngày không nói gì, hai ba bữa sau tôi bỏ ăn, khóc hù hụ suốt ngày. Ba tôi tức tối, bực mình chẳng nói chẳng rằng, lôi tôi ra quất một trận, phọt cả máu lưng.

Sau này mới biết Ba tôi đã đem con Vện đi chôn, và đắp cho nó một nấm mồ nho nhỏ. Vì sợ ủy ban xã để ý, qui chụp mê tín dị đoan, nên Ba không nói cho tôi biết.

Từ đó tôi không bao giờ ăn thịt chó, và rất ghét người ăn thịt chó.

Khi ở Huế bắt đầu lác đác có mở quán thịt chó, dạo ấy họ chỉ mới dám công khai mở quán cóc nho nhỏ thôi. Tôi và thằng Hội thù lắm, quyết định, rình đốt hết quán thịt chó của mấy người ngoài Bắc.

Tổng cộng tôi và Hội đốt phải trên 20 chục quán thịt chó, từ Hương Trà đến Huế và xuống tận Hương Thủy.

Tôi và hắn hành sự rất bí mật, có sự điều nghiên và hoạch định kế hoạch hẳn hoi, nên không bao giờ bị phát hiện.

Trận tranh cãi nảy lửa nhất giữa tôi và Hội, cũng là cuộc tranh cãi về việc đốt quán thịt chó.

Khi quán thịt chó mở ra nhiều quá, và đã có nhà hàng đặc sản thịt chó. Hội nản chí không dám đi đốt quán nữa. Hắn nói "phải diệt từ gốc rễ căn cơ, chứ cứ đi đốt quán thế này có ngày bị tù rục xương, mà mấy người ngoài Bắc vô căn cơ của họ tàn bạo lắm, không phân biệt đâu là bạn đâu là thù của loài người, sướng là họ bắn, họ giết. Đến người mà họ còn không coi mạng sống ra gì nói chi đến chó".

Tôi nghe hắn nói thế, bẽ mặt sừng sộ quặc lại hắn "Mi nói rứa là trật hung rồi. Là người thì ở mô cũng có kẻ tốt người xấu, kẻ ác người hiền, thế mới gọi là chúng sinh là ta bà, chớ có phải phân biệt là người Bắc hay người Nam mô". Hắn tằng tằng nói "Có chớ, răng người Bắc thích ăn thịt chó, mà người Nam không thích là răng". Tôi nói "mi nói như cứt, căn cứ vô mô mà mi nói người Nam không ăn thịt chó, mấy cái quán mình đốt, hơn phân nửa là quán của mấy người theo Đạo Thiên Chúa. Dân đạo Chúa, ngày Nô-en mô mà nỏ xực thịt chó. Hắn cũng trương cổ lên quặc lại "Mấy người đạo Chúa cũng di cư từ ngoài Bắc hồi năm tư vô cả, chính họ dạy cho người Nam biết ăn thịt chó, chứ tự xưa nay người Nam không biết ăn thịt chó". Tôi bực mình chửi hắn "mi nói như ẻ, chỉ vì việc phong tục có ăn thịt chó mà mi phân biệt cái Tâm của người Bắc và người Nam như rứa là mi nỏ biết chi về nhân tình thế thái hết".

Hội thấy tôi nổi đoá, nên xuống nước cười hì hì "răng mi sân si dữ rứa, tau có nói chi mi mô, mà mi sừng sộ hè, thì mi cũng là người Bắc, nhưng mi có ăn thịt chó mô hè". Tôi đang bực nên xẵng giọng "tau ẻ vô mần người Bắc hay người Nam, tau mần người Trung thôi". Hai thằng ôm nhau cười hòa.

Từ đó Hội không theo tôi đi đốt quán thịt chó nữa, tôi đốt thêm mấy cái nữa rồi cũng ngưng luôn.

Tôi và Hội không thuộc loại người cố chấp, không phân biệt "bộ đội" hay ngụy quân ngụy quyền, cứ ai tốt người có Tâm thì chơi. Nhưng hắn không mấy ưa chính quyền, và trong thâm tâm hắn có nghĩ người ngoài Bắc dã man hơn người Nam.

Cũng chả trách hắn được, vì hắn ám ảnh chuyện cải cách ruộng đất khi xem bộ phim phát hành trước giải phóng, là bộ phim "Chúng tôi muốn sống". Phim này là phim tư liệu tuyên truyền kể về sự tàn bạo trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở ngoài Bắc. Và cũng chín hắn tận mắt chứng kiến chuyện xảy ra hồi Mậu Thân 68. Ba hắn chỉ là thợ cắt tóc, hay nói chuyện thời sự mua vui cho khách. Khi giải phóng vào chiếm Huế. Có người xì báo gì đó, bộ đội đến nhà bắt Ba hắn ra giữa sân dí súng vào mang tai bóp cò. Chính hắn chứng kiến Ba hắn chết thảm như vậy nên ám ảnh cũng đúng thôi.

Nhưng có lẽ chuyện ám ảnh nhất của hắn là chuyện của Yến. Người yêu của hắn. Yến với hắn là bạn học từ hồi tiểu học, và cùng sinh hoạt chung trong một Gia Đình Phật Tử. Lớn lên vào trung học thì phải lòng nhau, có thề non hẹn biển với nhau. Yến là người yêu thích văn nghệ, nằm trong ban hướng đạo của Gia Đình Phật Tử Thủy Biều. Khi giải phóng được một thời gian, Yến tham gia thành lập và ấn hành một tờ báo truyền tay. Báo có tên là "Tự Nguyện". Báo Tự Nguyện chỉ phát hành tin tức Phật sự và có in thêm thơ văn. Yến phụ trách trang Thơ. Tờ báo bị chính quyền qui chụp là phản động. Yến bị bắt và bị kết án tử hình. Bị bắt chỉ mấy ngày sau là đem đi thụ án ngay. Người ta đem Yến và mấy người nữa ra sau lưng sân vận động Huế bắn. Hội chứng kiến người yêu của mình tuổi chưa tròn 20 đã phải chết dưới những viên đạn oan nghiệt. Từ đó mối tình đầu trở thành nỗi ám ảnh cay nghiệt trong trái tim của hắn.

Cho đến những năm đầu của thập kỷ 80, mối tình và cái chết đau đớn của Yến không bao giờ nguôi trong lòng của hắn. Chuyện tình của hắn ít ai biết. Nếu như Mùi Tịnh Tâm, là anh ruột của hắn không kể cho tôi nghe, tôi cũng không biết. Chắc chắn là tôi cũng nghĩ như mọi người là thằng ni lại cái, nên mới không màng đến chuyện vợ con gái gú.

Có rất nhiều cô gái đã từng yêu hắn, hắn có vẻ cũng thích người ta. Nhưng mỗi khi tình cảm có chiều hướng đi sâu hơn, là hắn chạy làng, lẩn tránh người ta. Có nhiều cô gái hận hắn, nhiều người thì trách hắn ngu, hay là nhẫn tâm. Những lúc đó tôi rất thông cảm với hắn và hỏi "Mi còn nhớ chim én à". Hắn quạu mắt trừng tôi "nhớ chi mà nhớ, tau ẻ vô đàn bà". Nói xong hắn quay mặt đi chỗ khác, khuôn mặt thẫn thờ, mơ hồ thở dài nhìn về hướng sân vận động.

Có lần tôi khuyên hắn " đến và đi với cõi đời này là tùy duyên, người rời khỏi cõi tạm này sớm cũng vì duyên, biết đâu đó là sự giải thoát, khỏi phải nấn ná với cái cõi đời ô trọc ni, mắc mớ chi mà mi mang nó theo mãi cho nó nặng lòng, chẳng phải biết buông bỏ là chân của hạnh phúc đó ư". Nghe tôi nói vậy, hắn xịu mặt xuống rồi làm bộ hùng hổ "tau ẻ vô đàn bà, đàn bà là cái cứt chi mà phải đeo vô cho nó nặng kiếp, ẻ vô..ẻ vô". Nói xong là hắn nhảy lên xe cắm đầu cắm cổ đạp đi.

Cho đến bây giờ hắn vẫn còn độc thân, đã hơn 50 tuổi đời rồi mà vẫn cứ là trai tân. Ai không biết thì nghĩ hắn có vấn đề. Tôi thì biết trái tim của hắn đã chết. Cho dù bây giờ cuộc sống của hắn thênh thang hoan lộ, muốn gì có nấy. Nhưng trái tim của hắn không rung cảm được nữa trước phụ nữ. Trái tim hắn đã dành trọn cho Yến, và cái chết của cô gái chưa qua tuổi trăng tròn, nơi trường bắn, mãi mãi là vết thương không bao giờ lành được trong tâm hồn của hắn.

Tôi cũng vì ám ảnh hệ lụy với một người con gái khác cũng mang tên một loài chim. Chuyện tình của tôi không đến nỗi kết cục thê thảm như của Hội, nhưng ám ảnh cay nghiệt về mối tình ấy cũng khó có thể phai nhòa trong ký ức của tôi...

Dừng chân lại Huế ở tuổi 24. Đúng vào năm Quí Hợi. Hồi đó thầy tôi đã trở lại chùa và đã khoác lại áo Tỳ Kheo sau bao năm lẩn tránh lưu lạc trong dân gian.

Khi đưa tôi về lập nghiệp ở Huế, thầy cười cười đọc tặng tôi một bài thơ:

đủ hai con lợn thì dừng

đến ba mươi rắn lại vùng vằng đi

ba năm gối quị chân quì

ba mươi năm nữa cũng vì trâu thôi

Tôi và Thầy khi bàn những chuyện hệ trọng, kể cả lúc Thầy truyền thụ kiến thức đông y cho tôi cũng bằng cách đối đáp bằng thơ tứ tuyệt hay thơ lục bát.

Biết là Thầy cho ý chỉ gì đó, nghĩ mãi không ra là ý gì, nên tôi đành phải cúi đầu thúc thủ hỏi Thầy:

- Rứa là răng, thưaThầy, cấy chi mà hai con heo, ba mươi con rắn, rồi thì ba năm, đến ba mươi năm nữa cũng vì một con trâu là răng?

Thầy không giải thích, chỉ thở dài nói:

- Đọa lạc, đọa lạc...

Mãi đến sau này, khi trải qua mấy khúc trường đời tôi mới ngộ ra được ý của Thầy. Và cũng từ đó tôi mới có 24 khúc Đoạ Lạc là 24 bài thơ tâm đắc thời trai trẻ của tôi, được in trong tập thơ cùng tên.

"Đủ hai con lợn thì dừng" có nghĩa là đúng 2 con giáp của tuổi Hợi. Tôi sinh năm Kỷ Hợi (1959) , đến năm Quí Hợi (1983) là vừa tròn 2 con giáp. Đó cũng là năm tôi chấm dứt bước chân giang hồ, để dừng lại làm thầy giáo dạy nghề tại Trung Tâm Hướng Nghiệp. Tính đến lúc đó tôi vừa tròn 24 tuổi. Tiếp theo câu thơ Thầy để lại là câu "Đến ba mươi rắn lại vùng vằng đi". Đến năm 1989 tức nhằm năm Kỷ Tỵ, đúng vào lúc tôi tròn 30 tuổi, thì tôi lại rời Huế xuất ngoại sang phương Tây. "Ba năm gối quị chân quì", có lẽ là ý thầy nói tôi đã có ba năm rơi vào hệ lụy trong vòng đọa lạc của tình ái. Bởi vì 3 năm sau đó tôi đau đớn ê chề và khổ lụy trong mối tình đầu cay nghiệt với Phượng.

Phượng sinh năm 1961 nhằm năm Tân Sửu cầm tinh con Trâu. "Ba mươi năm nữa cũng vì trâu thôi", tính từ năm tôi 24 tuổi thêm 30 năm nữa là năm tôi 54 tuổi. Bây giờ tôi đã 52, không biết thêm 2 năm nữa tôi có bị "con Trâu" nào dày xéo nữa không?. Cũng chẳng thể nào mà biết được, nhưng đằng đẵng chừng ấy năm, kể từ ngày tôi gặp Phượng cũng đã ngót nghét 30 năm rồi, thế mà cái hệ lụy về mối tình ấy trong tôi chẳng mấy khi phai nhạt. 30 năm, đã đủ làm nên một thiên tình sử cay nghiệt cho cuộc đời của tôi. 30 năm Phượng đã đẩy tôi vào thế giới của Thi Ca, thế giới của vu vơ mơ hồ và ảo vọng. Tôi có tập Đọa Lạc, có tập Tháng Hai Có Ba Mươi Ngày và hàng ngàn bài Thơ khác, trong đó đều có chất chứa hình bóng của Phượng, ảo ảnh của mối tình cay nghiệt ấy luôn hiển diện trong Thơ tôi. Có buồn mới làm thơ được, người ta nói thế. Nỗi buồn để làm nên Thơ tôi chính là Phượng.

Cũng đã gần 30 năm rồi tôi chưa một lần nào gặp lại Phượng. Chỉ đôi lần phong phanh nghe tin về cô ấy. Phượng có một gia đình rất hạnh phúc. Chồng con đề huề, gia đạo khang trang, hoà thuận và thịnh vượng. Và cái quan trọng nhất trong cô ấy là hình bóng của tôi, mối tình của tôi đối với cô ấy, chỉ như vệt mờ, một cơn gió nhẹ thoảng qua tuổi xuân thì non dại của cô ấy mà thôi. Thậm chí mối tình ấy của tôi đối với Phượng chỉ là một bông cỏ may vu vơ, một vết bùn dơ dính vào gấu quần trên bước đường đi tìm hạnh phúc của Phượng.

Phượng có còn nhớ tôi không, còn có ấn tượng về mối tình một thời làm náo động đất Cố Đô hay không. Điều đó không quan trọng, cũng không nằm trong nỗi nhớ của tôi, không có trong ước vọng của tôi, và tất nhiên cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến hành trình của Thơ tôi.

Tôi không buồn phiền vì mối tình ấy tan vỡ. Vì chính tôi là người chủ động nói lời chia tay, chính tôi là người thực hiện âm mưu, để bắt Phượng phải rời xa tôi dạo đó.

Cái làm tôi đau đớn, cái làm tôi hãi hùng, cái hệ lụy mà tôi mang theo suốt cuộc đời, không phải là tôi mất Phượng, mà tôi đã giết chết tình yêu trong trái tim của chính mình.

Phượng đã làm cho trái tim của tôi rung động trước Tình Yêu, Phượng đã cho tôi biết tình yêu đích thực là cái gì. Tôi đã biết yêu là nhờ Phượng. Và có lẽ cuộc đời của một con người, chỉ được yêu có một lần đúng nghĩa. Và lần đó của tôi là Phượng.

Tôi nhớ có lần khi tôi và Phượng ngồi trên bến Ngã Ba Tuần, bên gốc cây đào lộn hột vừa mới đơm bông vụ đầu. Hôm đó là buổi gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi. Tôi nhìn những đám mây bay thấp vần vũ trên rừng thông già phía lăng Minh Mạng rồi nói với Phượng:

- Em như những đám mây thấp, cuồn cuộn mà bồng bềnh, đủ sắc màu mà vẫn trắng.

Phượng cầm tay tôi bóp chặt và nói:

- Em là mây, vậy anh là cái gì ?

- Anh như mặt sông kia, chỉ ôm được bóng mây vào lòng. Mây bay đi rồi, mặt sông chỉ biết gợn sóng để hoài niệm về mây thôi.

Phượng không nói gì chỉ khóc. Tôi cũng không nói gì, cũng không an ủi Phượng. Vì Phượng đã thường khóc như thế. Bởi mối tình của chúng tôi không những đã chan đầy nước mắt của Phượng mà cũng đã thấm đủ máu của Phượng và tôi.

Có lẽ câu trả lời của tôi chính là câu sấm ký, để suốt cuộc đời tôi phải làm thơ về những đám mây xa....*

* Phụ Lục Mấy Bài Thơ

CUỘC MÂY

Thì thôi anh bày lại cuộc Mây

Về treo gió và treo mình dưới hát

Nghe khúc môi trời lợt lợt

Xẻ phanh một ngày nắng đỏ

Cho trùng trùng rụng về độ nọ

Ngày em cũng là môi trời

Tiên cả một rừng cho lá

Tiên cả cho anh

Và tiên cả cho rơi

.

Thì thôi anh bày lại cuộc rơi

Về rơi xuống vết loang màu lên cũ

Ngày nắm tay em mà xốn xang buốt nhớ

Nhớ cả tóc xòa uống gió ở kề bên

Về rơi xuống hạt nguyên lành cho vỡ

Cho thênh thang ngọt buốt cả mắt mềm

.

Thì thôi anh bày cuộc không em

Không có dặt dìu du dương trầm phiến mộng

Dẫu vẫn biết Huế không còn lồng lộng

Áo thật thà thấm dại cả cơn mưa

.

Thì thôi anh sẽ bày một cuộc chưa

Chưa có gặp và cũng chưa là nhợt nhạt

Màu hoa đào không đơm đầy giếng khát

Hẹn thu về uống lá để Mây say

.

Nếu còn nhớ xin ghé ngày chung cuộc

Thắp cho nhau một thoáng môi trầm

Là anh đó Hương Giang mùa trắng nước

Gợn thành hình sóng lẻ vỗ bờ câm

25.05.06

____

XIN MỘT MÙA MÂY CŨ

1

Chỉ còn lại đây một ngày trăng

Một vài nhúm gió đã loang bầm

Một om trà mạn khô rốc đáy

Một mái hiên buồn dưới nắng thâm

.

Chỉ còn lại đây bốn mùa câm

Cỏ cây hoa lá cũng hoang trầm

Em đi từ độ còn chưa nát

Để đến bây giờ vụn trăm năm

.

Muốn tước mình ra muôn sợi mỏng

Buộc chặt nỗi nhớ thả trôi sông

Cho mắt môi ấy đừng về nữa

Bờ tóc xưa thôi re riết tuôn dòng

.

Muốn nhen muôn trùng thành ngọn lửa

Đốt bóng hình em để tìm quên

Muốn khô khắt mình như cỏ úa

Đừng quay quắt khát ánh mắt mềm

.

Em ơi, em hỡi là em hỡi

Em đến làm chi thế gian này

Để anh hoang thú tìm tru gọi

Một lần thôi em hãy về đây.

Một lần thôi, nắm lại bàn tay

Một lần thôi đắm dưới màu Mây

2

Anh muốn làm một tên xỏ lá

Xỏ cả nhân gian trả thù em

Em nói quay về sao chẳng thấy

Mỏi mòn anh cầu được lần quên

.

Ước chi trời đất chỉ là mây

Bốn phương tám hướng cứ giăng đầy

Sau cơn thiếp ngủ giật mình nhớ

Để chạm vào đâu cũng đầy tay

.

Em hứa một lần sẽ về thăm

Chỉ một lần trong cả trăm năm

Nếu được một lần xin nhắm mắt

Thanh thản về nơi giun dế nằm

.

Sao em biền biệt chẳng hồi âm

Anh như đá cuội chốn lăn trầm

Ba vạn sáu ngàn ngày thừa thải

Trần gian là hố thẳm lạnh căm

Có khi giật mình nghe ngọn gió

Cứ ngỡ chân người vọng trong khuya

Ba muơi năm chẳn lòng để ngõ

Vẫn chờ đây một bước chân về

3

Xin được một lần thôi em ơi!

Một lần quá đủ với anh rồi

Thì không nắm tay nhìn cũng được

Chỉ một lần thôi, một lần thôi!

.

Không được nhìn thì nghe vậy thôi

Chỉ cần giọng nói cất lên lời

Với anh đã đủ ngàn âm vọng

Đã đủ cung thanh sưởi ấm đời

.

Không nghe giọng nói thì tin nhắn

Qua người hay qua một bức thư

Đôi lời ngắn ngủi là em vẫn

Bình an từ dạo ấy đến giờ.

.

Chỉ còn lại đây một ngày trăng

Một đau một đớn một quại quằn

Om trà đã cạn bao mùa đắng

Ôm một lời yêu ngỡ chiếu chăn

.

Chỉ còn lại đây tháng với năm

Môi khô tóc bạc mắt cỗi cằn

Ngơ ngẩn sáng chiều hong mảnh nhớ

Nếp nếp ưu tư lớp lớp nhăn

.

Hay chỉ một lần thôi em nhé

Chỉ hứa thêm một lần nữa thôi

Đến ngày anh rũ tàn dâu bể

Một nén nhang buồn. Thắp vậy thôi

27.04.2009

Khi dừng chân lại Huế, cũng là lúc tôi dừng bước giang hồ. Chấm hết một "Thời Hoang Dại".

Ở vào độ tuổi 24, 25 thông thường đó là độ tuổi chín rộ nhất của tuổi xuân thì. Nhưng với tôi thì đã trở thành già cỗi. Cho dù tôi chưa từng trải qua một mối tình nào. Nhưng tuổi thơ nghiệt ngã đã đốt cháy mất thời xuân trẻ của tôi rồi.

Một phần lăn lộn đó đây, tiếp xúc với đủ hạng người, chứng kiến nhiều những mối quan hệ hôn nhân đổ vỡ nên tôi đã hiểu ra được thế nào là nhân tình thế thái.

Một phần cứ ngấm dần lời dạy của Thầy, nên tôi cũng tạm thấu được cái bã độc của tình ái, cái họa hại của sắc giới trong cõi tạm này

Và cái quan trọng nhất là tôi đọc quá nhiều, thượng vàng hạ cám gì cũng đọc, cho nên từ cái sự đọc đó, tôi cũng dần ngộ ra cái "xiêm y" phù phiếm phủ lên trái tim của người đời mà họ thường nôm na gọi đó là Tình Yêu.

Vừa về đến Trung Tâm. Thì người bạn đồng nghiệp, người chị đồng hương kính nể của mình hồi còn học ở trường Dạy Nghề đã hối hả theo chồng dọn vào Đồng Nai. Chị Nguyệt học khóa 2, bên môn Tiện (cùng khóa với Mai Vũ). Chị là hoa khôi của Trường Dạy Nghề, yêu thầy dạy thể dục có biệt danh là Đức Voi. Đức Voi vốn là cầu thủ đá bóng của Quân Khu Bốn, sau về đá cho Sông Lam Nghệ Tĩnh. Cuối cùng hết thời cầu thủ thì về dạy thể dục ở Trường tôi. Chị Nguyệt ra trường, cưới Đức Voi và về dạy nghề ở Huế. Sắc đẹp đằm thắm của gái một con, đã làm xao xuyến biết bao trái tim của tao nhân mặc khách Huế. Kể cả những người có chức cao trọng vọng cũng khó thoát khỏi ma lực mê hồn của Chị. Đức Voi hoảng hốt tránh "lưới trời lồng lộng" đưa vợ con vào Đồng Nai, nói là đi làm huấn luyện cho đội tuyển Đồng Nai chứ thực chất là đi lánh nạn "Tình".

Ngày tiễn chị ấy vào Nam, khi nghe phong phanh những chuyện tình ngoài luồng "hôn nhân" của chị, tôi hỏi:

- Răng chị lại rứa hè, răng lại rứa hè.

Chị mỉm cười xoa đầu tôi nói:

- Tình yêu là rứa đó, mai mốt dính vô rồi mới biết lễ độ, khi nớ khỏi trách chị hỉ.

- Nỏ cần, nỏ cần, em ẻ vô yêu. Yêu mà khổ rứa, yêu mần chi. Em thà nỏ chộ quan tài, chứ không thèm đổ lệ.

Tôi đã khiếp tình yêu trai gái.

Thằng Hải, là bạn thân người Đồng Hới, học Nguội khóa 6, hắn da trắng như trứng gà bóc, tướng to con đạp trai nhìn rất phong độ, chỉ tội là hơi mềm yếu chút xíu nên mọi người ta thường gọi hắn là Hải Bạc. Hắn tốt nghiệp sau tôi, nhưng về dạy ở Trung Tâm trước tôi 1 năm.

Hắn và cô giáo Hạnh ở trường Nguyễn Chí Diễu kế bên làm nên một thiên tình sử mà dân giáo dục Huế gọi là "Tình Yêu 8 Lầu".

Trung Tâm Dạy Nghề tọa lạc ở 11 đường Đống Đa, dân Huế gọi là đường Hàng Đoác. Trường này vốn xưa kia là một Tiểu Chủng Viện của dòng Cứu Thế. Sau giải phóng, không biết vì sao Tiểu Chủng Viện này lại bị tịch thu. Nghe đồn rằng hồi giải phóng Huế, trong Tiểu Chủng Viện này có một tiểu đoàn quân lực cộng hòa chống chọi lại dữ dội lắm, cho nên khi giải phóng mới có căn cứ để tịch thu. Tiểu Chủng Viện này là một ngôi trường rất khang trang, được kiến trúc xây dựng rất hiện đại, nó còn sang trọng bề thế, rộng rãi hơn cả Trường Đại Học Tổng Hợp Huế, đối diện bên kia đường nữa.

Tiểu Chủng Viện có 3 tầng, thêm một sân thượng rộng bát ngát dùng để đậu máy bay trực thăng nữa là 4 tầng.

Sau này Tiểu Chủng Viện chia thành hai, một bên là Trung Tâm Hướng Nghiệp đặt dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một bên là trường phổ thông cơ sở Nguyễn Chí Diễu. Chiều chiều khi tan lớp, các Thầy cô giáo hay lên sân thượng này hóng mát. Cô giáo Hạnh một lần lên đó chơi, vô tình để rơi chùm chìa khóa xuống, theo phản xạ, cô nhoài người theo để túm chìa khóa, và rơi bộp một cái từ tầng 4 xuống sân cỏ. Vừa rơi từ tầng 4 xuống, cô đã đứng dậy phủi quần leo lên hóng mát tiếp, ngày hôm sau vẫn đi dạy bình thường, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Đến lượt thằng Hải Bạc, hắn dính với cô Hạnh. Gia đình hắn không đồng ý, nói cô Hạnh không nghiêm túc, lăng nhăng. Tổ chức hai trường cũng không đồng ý. Vậy là hắn ăn một nắm lá trúc đào, để lại một bức thư tuyệt mệnh, lên tầng thượng nhảy xuống sân bê tông tự vẫn. Không biết sao lần này hắn đã cố tình nhảy xuống phần sân xi măng mà cũng không hề hấn gì. Chân tay vẫn nguyên vẹn, không một xây xát nhỏ, chỉ dập nội sơ sơ phải vào viện hút máu bầm, nằm hai ngày là ra đi dạy bình thường.

Chuyện mối tình 8 lầu của Hải- Hạnh cộng thêm rất nhiều lần học sinh rơi từ các tầng lầu xuống, kể cả rơi từ trên tháp chuông cao mấy chục mét xuống, mà không một ai bị tổn thương gì, ai cũng nhăn răng khoẻ mạnh, chẳng hề hấn gì hết. Người ta đồn đại rằng đó là nhờ Đức Mẹ nâng đỡ. Huyền thoại về Tiểu Chủng Viện, người rơi lầu không bao giờ chết, cho đến mãi sau này tôi về thăm lại Huế, những tình huống kỳ lạ ấy vẫn không ngừng bổ sung thêm bộ "sưu tập" của mình trong sự kinh ngạc của người đời.

Lúc tôi về nhận nhiệm sở, thì Hải Bạc mới từ nhà thương về. Hắn nhe răng nhìn tôi cười xin lỗi nói:

- Hẹn đón anh về nhà ngày hôm qua, nhưng có chuyện không đón được, mong anh thứ lỗi.

- Chuyện chi, chuyện mi nhảy lầu phải không? răng mi ngu rứa

- Có lẽ vì ma xui quỉ khiến hay răng đó, chừ tỉnh rồi. Nhưng theo anh thì em mần răng chừ hè ?

- Mi yêu thì mi lấy, có phải bọ mạ mi lấy mô mà sợ. Sướng khổ chi mi chịu. Cái chuyện cỏn con nớ mà không giải quyết nổi, để rồi tính chuyện tầm phào, chán mi thiệt.

Hải bỏ qua tất cả mọi lời đàm tiếu, mướn hội trường Trung Tâm làm một đám cưới kiểu Công Đoàn, hai đứa về sống chung với nhau trên một căn hộ tầng 3 của Trung Tâm.

Ở với nhau chưa được tròn năm, đã thấy nhấm nhảy, chửi bới gây lộn nhau tùm lum. Tôi ngửa mặt lên trời than. "Ôi tình yêu, ôi tình yêu...tình yêu đã vượt qua dư luận, vượt qua cả cõi chết, mà còn thế đấy"

Tôi kinh sợ tình yêu trai gái từ đấy.

Tự trang bị cho mình một tấm "lá chắn" kiên cố trước sự cám dỗ của Tình Yêu. Tôi và thằng Hội trở thành đôi bạn thân, nhong nhong đi về, phớt lờ những cô gái chân dài.

Thích thì tới một quán cà phê nào đó có gái đẹp phục vụ, nhâm nhi cà phê và ngồi ngắm kiệt tác của thiên nhiên và làm thơ. Vô tư mà an lạc.

Một hôm thằng Hội, báo cáo kế hoạch "Phủ Xanh Đồi Trọc", một chương trình có tầm cỡ Quốc Gia của phòng giáo dục Huế. Chương trình có tầm chiến lược lâu dài trong việc giáo dục Năng Lượng và Môi Trường trong trường học. Đây là một ý tưởng siêu việt của cái đầu lãnh đạo tài ba của ông Lê Phước Thúy, mà lúc bấy giờ ông là trưởng phòng giáo dục Huế, kiêm phó chủ tịch thành phố Huế. Ông là một người cực kỳ thông minh, là một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên học sinh Huế, cùng thời với Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm..... Ông Thúy là một nhà chiến lược đại tài, sự đóng góp của Ông trong ngành giáo dục sau giải phóng ở tỉnh Bình Trị Thiên không nhỏ. Chính Ông đã nhìn ra được tầm quan trọng của việc giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường. Trong khi đất nước đang nhộn nhạo thời kỳ đổi mới, thì ông đã nhìn ra được hiểm họa của việc tàn phá môi sinh của thời đại phát triển công nghiệp ở tương lai. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ Giáo dục học ở Ấn độ, với đề tài là "Giáo dục năng lượng và bảo vệ môi sinh trong trường học".

Chương trình "Phủ xanh đồi trọc" và "Giáo dục năng lượng trong trường học" đã được ông thực nghiệm và phát triển ở các trường học trong khu vực Huế.

Chính chúng tôi, Hội, Cẩm Vi, Nguyễn Thanh Phúc, Nguyễn Văn Hội (Hội Điện) dưới sự chỉ đạo của Ông cùng với sự tư vấn của một tiến sĩ năng lượng Pháp, đã hoàn thành một mô hình phát điện sinh học, và sản xuất khí đốt tự nhiên từ hầm Biogas (hầm phân hủy rác, phân thải và cỏ). Công trình này sau này được Bộ Giáo Dục chọn và tổ chức Hội Nghị Giáo Dục Năng Lượng Trong Trường Học Lần Thứ Nhất vào năm 1986 tại Trung Tâm.

Rất tiếc vì ông Thúy có tính ngang, không chịu sự kiềm chế và "quản thúc" của Đảng Bộ. Nên những công trình này cũng bị chìm theo sự nghiệp của Ông , khi Ông bị hạ bệ vì suy nghĩ và việc làm của Ông đi quá sớm trước thời cuộc.

Lại nói hôm thằng Hội báo cáo Kỹ thuật ươm trồng đào lộn hột cho các thầy cô giáo dạy sinh vật trên toàn địa bàn thành phố Huế. Kế hoạch phủ xanh đồi trọc trung du Huế bằng cây đào lộn hột, nếu hồi đó được đầu tư đúng mức có lẽ bây giờ miền trung du Huế đã xanh rờn những rừng cây có giá trị kinh tế cao này rồi.

Lúc nghỉ giảo lao, Hội hớt ha hớ hải chạy đi tìm tôi:

- Nì nì, có một cô giáo hay lắm mi ạ, làm tau phải ngậm hột thị mấy lần, nên báo cáo không suôn sẻ.

- Răng, răng? đẹp tàn bạo lắm hay răng mà mần cho mi thất thần rứa.

- Nỏ biết đẹp không, nhưng mà mặc bộ bà ba đen, tóc bối, mặt tròn xoe, nhìn thánh thiện lắm, Huế lắm.

- Trời, tưởng ra răng, chứ Huế lắm, thì thiếu chi, ra đường đi mô mà nỏ gặp Huế.

- Không phải, Huế ni là Huế nguyên sơ, Huế không lai tạp, nói túm lại là mê hồn.

- Mi nói Huế nguyên sơ, thì phải mặc áo tím chứ mang bà ba đen thì có khác chi quạ đội cầu ô thước mà mê hồn với chẳng mê xác.

Hội tức tối bỏ đi, vì tôi không thèm để ý đến lời hắn kể, cứ căm cụi gò bức phù điêu bằng đồng, để làm giáo cụ cho bộ môn gò mỹ nghệ.

Ngày hôm sau, đến giờ giải lao, Hội lại chạy đến tìm tôi, nói:

- Đi, đi, đi với tau, tau giới thiệu mi với em, em đang đứng thơ thẩn một mình trong hành lang như đang tìm ai đấy.

- Thì mi đi đi, thích thì tấn tới, mắc mớ chi tìm tau.

Hội thở dài buông tầm mắt thẫn thờ nhìn về hướng sân vận động. Thấy thái độ của hắn vậy, tôi chợt chạnh lòng, hắn lại nhớ Yến. Cô gái bị bắn tử hình dưới sân vận động vì làm Thơ.

Tôi miễn cưỡng theo hắn đi vào hành lang của hội trường. Hội dắt tôi đến giới thiệu với người con gái mà hắn cho là Huế lắm. Hắn trịnh trọng giới thiệu :

- Đây là bạn anh, ông đồ của thế kỷ 20

Tôi nhìn cô gái mà Hội giới thiệu thõng một câu

- Mi mần chi đây, O có khoẻ không (O tiếng Huế chỉ bà Cô lớn tuổi).

- Em đi dự hội thảo ươm trồng đào lộn hột, mấy bữa ni đến đây để ý mà không thấy anh. Mạ em vẫn rứa.

- Tau mần việc dưới xưởng rèn, mắc mớ chi lên đây mà gặp- Nói xong tôi quay sang Hội- Hai đứa bay nói chuyện hỉ, tau xuống mần việc đây.

Người con gái "hớp hồn" thằng Hội chính là Phượng. Phượng vừa tốt nghiệp khoa Sinh trường Sư Phạm Huế và đang dạy học ở trên Tuần. Phượng là con gái duy nhất của một bà Cô là bạn thân của Cô ruột tôi. Là bạn cùng học hồi phổ thông với con trai thứ hai của Cô tôi, bọn nó thuộc lớp nhỏ, tôi biết Phượng từ hồi cô ấy đang ở truồng. Hồi nhỏ Phượng đen đúa, lúc nào cũng buộc một nhúm tóc vàng hoe trên đầu, mặt lèm nhèm, mũi dãi thò lò, và hay khóc nhè. Hồi ấy tôi ghét Phượng lắm. Tôi có tuổi thơ đầy bão tố, nên rất ghét những đứa trẻ nhõng nhẽo được bố mẹ chiều chuộng.

Khi về lại Huế, có gặp Phượng mấy lần bên nhà Cô tôi. Hai gia đình vẫn qua lại chơi thân với nhau như thời khói lửa loạn lạc. Thấy Phượng lúc đó đã trổ mã, trở thành một cô gái xinh đẹp, hấp dẫn, nhưng tôi không mấy để ý, vì tôi đã trang bị cho mình một tấm lá chắn kiên cố chống lại sự cám dỗ sắc dục.

Tôi chỉ bị chấn động, bị Phượng khuất phục khi Phượng được Mẹ sai mang đến cho tôi cái cặp lồng phở mà Mẹ Phượng nấu vào dịp cuối tuần. Mẹ Phượng trò chuyện với Cô tôi, nghe Cô tôi kể lại thời thơ dại của tôi, nên cũng mủi lòng thương hại tôi. Sợ tôi mới về Huế cô đơn lạc lõng, nên thỉnh thoảng nấu món gì ngon đều sai Phượng mang đến cho tôi một ít.

Lúc Phượng đến nơi ở của tôi, thấy tôi nằm ngủ trên đống sắt vụn trong cái kho xép của xưởng rèn, phía dưới mấy tấm ván kê lại thành giường là chất tầng tầng lớp lớp sách sưu tầm của tôi. Phượng lật nắp vung cái "niêu thần" của tôi, thấy còn một bát cơm nguội và một dĩa muối ớt, thì òa lên khóc nức nở, miệng lẩm bẩm :

- Răng mà khổ rứa, khổ rứa tê.

Thấy Phượng khóc tôi chống chế nói cho Phượng yên tâm:

- Tau cũng được phân phòng ở đó chứ, nhưng ở chung với thằng Hải Bạc, chừ hắn cưới vợ rồi, tau nhường phòng lại cho hắn. Mình độc thân ở mô mà nỏ được.

Phượng không nói gì, tấm tức khóc, nhảy lên xe đạp về, nước mắt vẫn dàn dụa.

Tôi mồ côi Mẹ từ nhỏ, ra đời lưu lạc đó đây, không biết gì đến tình Mẫu Tử, nay có người thương cảm, nhẹ nhàng êm ái nên chợt động lòng. Từ đó tôi để ý đến Phượng, và tình yêu đến bao giờ không hay.

Tấm lá chắn của tôi bị nát vỡ tan tành, tôi bị lôi cuốn vào mối tình đầu với Phượng. Một mối tình oan nghiệt chan đầy nước mắt của Phượng cùng máu của tôi và cô ấy....

Xưa có câu "nhân tại giang hồ thân bất tự kỷ", có nghĩa là "người ở trong giới giang hồ, không thể tự làm chủ được, cuộc đời do dòng xoáy của thế cuộc đưa đẩy". Tôi nghĩ rằng câu nói đó cũng đúng với tình yêu.

Hồi trẻ khi chưa biết yêu, tôi cũng đã nghĩ như vậy rồi. Tôi nghĩ tình yêu cũng là một thứ giang hồ, mà nơi đó người ở trong cuộc không thể làm chủ được mình. Sau này nghiệm ra thấy cũng không sai là mấy. Bởi vậy tôi có làm bài thơ Giang Hồ, trong đó có đoạn viết

...

Chưa xuống núi đã thau vàng gác kiếm

Bởi vì em thật trọn đủ Giang Hồ

Có thượng thừa giữa quần hào nức tiếng

Thiếu em rồi cũng tột đỉnh bơ vơ.

...

Tôi xem tình yêu như một cuộc giang hồ. Và chính tôi chưa đủ công lực để xuống núi, chưa đủ thâm hậu để đối đầu với giông bão của tình yêu, nên đã đành thúc thủ sớm gác kiếm, khi chưa một lần xuất trận. Bởi tôi biết rằng dù có đủ công lực thượng thừa đi chăng nữa, thì cuộc hợp tan mai hậu cũng để lại cho ta một trời bơ vơ mà thôi.

Phượng là mối tình đầu của tôi, nhưng tôi không phải là mối tình đầu của cô ấy.

Phượng đã có một mối tình trước đó với người giám đốc trẻ của công ty cơ khí mồng 3 tháng 2. Người giám đốc này trước đó yêu một cô gái khác, sau đó gặp Phượng thì chia tay. Cô gái kia uất hận vì bị phản bội nên tự vẫn dưới hồ sen trước cửa Ngọ Môn.

Cái chết của người con gái ấy trở thành nỗi đau, nỗi ăn năn, uất ức của Phượng.

Kết thúc mối tình đó, Phượng cũng giống như tôi cũng tự mọc những cái gai lởm chởm, như con nhím lông xù, xù lông lên để chống chọi với sự cám dỗ của tình yêu. Phượng cũng giống như tôi, sắm cho mình một cái lá chắn, và cứ ngỡ nó kiên cố vô địch thiên hạ.

Chẳng thể có mãnh lực nào xâm phạm tới và lay chuyển nổi.

Ai dè những cái lá chắn của chúng tôi, mềm nhũn như bọt bèo hoang dại, khi chúng tôi sáp cận vào hồn nhau.

Niềm vui hạnh ngộ của hai tâm hồn trẻ chưa kịp đơm hoa trổ lá, chúng tôi vừa mới nhận ra nhau trong cuộc đời đầy sự mù mờ khuất lấp, để tấp tễnh làm một cuộc "dời non lấp bể" là hóa quyện vào nhau mà thăng hoa vào cảnh giới chất ngất của ân tình, thì giông bão đã ập tới.

Nếu như không có sự cay đắng oan nghiệt ấy có lẽ thời gian tiếp cận nhau của chúng tôi sẽ làm cho chúng tôi hiểu về nhau hơn. Và biết đâu khi đã nhận biết ra nhau thật sự, chúng tôi sẽ tự rã đám trong một ngày nào đó, như những mối tình khác của những người mới quá độ trăng tròn.

Đâu ngờ Mẹ của Phượng bàng hoàng ngây dại khi biết đứa con gái rượu ngoan hiền xinh đẹp của mình lại đem lòng yêu một kẻ khố rách áo ôm. Bà không thể tưởng tượng nổi, đứa con gái học thức và trí tuệ của bà. Cô "công chúa" kiều diễm của giới thượng lưu mà bà đang trôi nổi trong đó lại định trao thân gửi phận cho một kẻ vừa mới " rửa tay gác kiếm giang hồ".

Người phụ nữ, góa bụa từ lúc mới 23 tuổi, thủ tiết thờ chồng, nuôi con gái khôn lớn thành người. Không thể nào đứng nhìn con gái của mình rơi vào "cạm bẫy" của trái tim non nớt. Bà đã nổi cơn thịnh nộ. Và tai ương bắt đầu đổ ụp lên đầu chúng tôi.

Phượng là niềm kiêu hãnh của bà, là tất cả hạnh phúc trên thế gian này mà bà có được. Là mục đích cuối cùng của bước đường danh vọng và quyền lực của bà. Phượng sẽ là tương lai, là "dư âm" hình ảnh ngọc ngà châu báu của bà được "tái sinh" lại trong tuổi xế bóng về chiều.

Tiếc thay, bà không thể đủ kiên nhẫn để chờ đợi những trái tim non dại vồ vập lấy nhau ở thuở ban đầu. Rồi một lúc nào đó chúng sẽ tự va vấp lấy những đam mê khác mà "hồi đầu là ngạn". Phượng sẽ trở về với Bà nguyên nghĩa là đứa con yêu.

Cách cư xử của bà đã đẩy tình yêu mới nảy nở giữa chúng tôi, vốn đã lãng mạn như sự lãng mạn của những mối tình mới chớm khác, đi vào chỗ càng lãng mạn hơn nữa. Vì chúng tôi ngoài việc muốn thăng hoa hóa quyện vào nhau trong sự vĩnh cữu, chúng tôi còn có sự "hoạn nạn có nhau", còn được đặt lên bàn cân "chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn", rồi bị ép cưỡng bước ra giữa ranh giới của các ngã đường phải chọn "tình đời, nghĩa đạo", "bên nghĩa, bên tình", "bên sự nghiệp bên tình yêu" v..v...

Trong tình huống đó, tình yêu giữa tôi và Phượng đã vô tình bị đẩy đến một cảnh giới cao hơn. Nó không còn là cảnh giới thường tình của sự rung cảm của trái tim, của sự hưởng thụ, sự tiếp nhận "phồn hoa" của cảm giác yêu đương. Cảnh giới mà Mẹ của Phượng "đoạ đày" chúng tôi đến đó, nếu chúng tôi chấp vào bản ngã thì sẽ trở thành "địa ngục", nếu chúng tôi rời xa bản ngã nó sẽ là "thiên đường".

Cả tôi và Phượng đã chọn "thiên đường". Đã chọn con đường quên mình vì người khác.

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó, cả tôi và Phượng chỉ còn lại một ước muốn duy nhất, làm thế nào để cho người kia đừng bị khổ lụy. Cho người kia đừng buồn, đừng phải rơi lệ. Chỉ cần làm cho người mình yêu có được nụ cười, có niềm vui, dù bằng bất kỳ giá nào chúng tôi cũng đánh đổi.

Tình cảnh ngặt nghèo và con đường tình yêu chông gai mà chúng tôi đã chọn, đã đưa tình yêu của chúng tôi đến cảnh giới vị tha nhất, đã biến tình yêu trai gái thường tình thành một sự dâng hiến tột cùng của cảm giác.

Chúng tôi không còn có thời gian để yêu nhau, chỉ còn có thời gian để vì nhau.

Những chiếc áo thấm đầy máu oan cừu của Phượng, phun ra từ mũi từ mồm do bị đánh đập và cầm cố, tôi cầm nó trên tay và giữ mãi cho đến tận bây giờ không làm chúng tôi tủi hổ và uất ức. Bàn thờ nhà Chị tôi bị lật nhào, Cô tôi bị mắng chửi. Tôi ba lần bảy lượt bị xã hội đen đòi xóa sổ, mấy lần bị công an mời lên vì bị gài bẫy vu khống. Thậm chí Ông Lê Phước Thúy cũng bị áp lực từ trên xuống là phải sa thải tôi...tất tần tật những vụ việc đó chỉ tổ làm cho tình yêu chúng tôi càng thêm phần lãng mạn và sắt son mà thôi, chứ không thể nào lung lạc được tôi, người mà từ 6,7 tuổi đã biết sống còn với sinh tử của đời sống.

Cho đến một lần, khi tôi lẽo đẽo theo sau hai mẹ con Phượng bên kè đá dọc Hương Giang nơi công viên Lê Lợi. Phía trước Mẹ của Phượng vật vờ như một bóng ma hời loạng choạng bước đi, thỉnh thoảng lại thẫn thờ đứng lại nhìn xuống dòng sông cuộn sóng, phía

sau Phượng vừa đi theo vừa tấm tức khóc, vừa hời hời luôn miệng gọi "Mẹ ơi..mẹ ơi...". Sau cùng là tôi, vứt dép đi chân trần, cởi áo cầm tay đi theo sau, chỉ có một việc là chờ ai nhảy xuống sông trước thì vớt người đó lên.

Chúng tôi cứ như những bóng ma như vậy đi lại trên đoạn đường ấy cho đến lúc gần tàn đêm. Khi đến gần bến Da Vàng gần đài truyền hình Huế, Mẹ phượng ngồi thụp xuống và ôm mặt khóc nức nở, bà khóc to, khóc dòn dã như một đứa trẻ con lạc mẹ. Phượng đến bên ôm chầm lấy mẹ, hai mẹ con ôm nhau ngồi bên kè đá mà khóc, khóc trong tiếng "con ơi" và "mẹ ơi"....

Tôi choáng váng và cũng thẫn thờ ngồi lại trên một ghế đá gần đấy.

Trời đất như sụp đổ hết lên tôi. Tôi như lắng nghe được từng tiếng vụn vỡ loảng xoảng, lanh canh nhói buốt trong hồn mình. Tất cả mọi sự khổ ải, oan nghiệt trước đó bỗng chốc trở thành vô nghĩa hết, khi tôi bằng hoàng cảm nhận ra được thế nào là tình mẫu tử.

Hồi đó Thầy tôi đã mất, khi theo các quan chức Phật giáo Huế vào dự hội nghị Phật Giáo Thống Nhất trong chùa Vạn Hạnh ở Sài Gòn.

Thầy tôi tử nạn cùng mấy trăm người Phật tử và Tăng lữ bị đầu độc ở đó.

Thầy tôi đã mất, Chùa tạm thời bị niêm phong. Tôi không còn ai để nương tựa tinh thần. Ấn tượng hãi hùng về cái đêm "rùng rợn" đó đã làm cho tâm tư vụn nát.

Tôi xin nghỉ phép 3 ngày và đi lên núi. Không còn chùa để nhập thất sám hối như mọi lần phạm lỗi khác. Tôi tìm lên con đường đồi từ lăng Khải Định đi Ngã Ba Tuần. Ở trên đoạn đường đó có một ngọn đồi rất cao, trên đó có một bức tượng Bồ Tát Quan Âm xây trên đỉnh đồi. Bức tượng này cao lớn và rất hùng vĩ, tượng Phật Bà Quan Âm quay mặt ra phương Bắc. Nghe nói đó là bức tượng do vợ con và thân quyến của những người lính Cộng Hòa, góp tiền tu tạo nên, khi chồng con của họ đang ở ngoài Quảng Trị trong chiến dịch "mùa hè đỏ lửa."

Đoạn đường từ lăng Khải Định đi Ngã Ba Tuần là đoạn đường ghi lại nhiều dấu ấn giữa tôi và Phượng. Vì đó là đoạn đường khá kín đáo trên đường đi dạy của Phượng, và chỉ ở đó tôi với Phượng mới có cơ hội gặp nhau trong sự kiểm soát ngặt nghèo của mẹ Phượng.

Tôi đến quì dưới tượng Bồ Tát Quan Âm suốt ba ngày ba đêm. Để phá cái công án Thiền: Tình Mẫu Tử.

Cái công án Tình Mẫu Tử mà tôi tham thiền đột phá trong 3 ngày đó không những đã giúp tôi và Phượng giải thoát khỏi sự ngang trái ác nghiệt của tình yêu mà còn giúp tôi đột phá được cảnh giới Hóa Chẩn ở trong Y đạo. Cái công án đó làm cho đời tôi bước sang một bước ngoặt hoàn toàn mới.

Sau này nhớ lại việc này tôi có làm bài thơ Huyền Thoại Em vào lúc tôi tròn 49 tuổi:

HUYỀN THOẠI EM

Có lẽ bốn mươi chín năm về trước

Trong một buổi nồm nam. Mẹ mang thai

Nên giờ đây giữa dòng xuôi ngược

Ngu ngơ ...

Có anh thổi lạc loài

Anh xào xạc khua cánh rừng nuối tiếc

Tìm hương Em về kết lá trăm năm

Em ngậm vị

Xanh cội nguồn lộc biếc

Nghiêng đại ngàn, nâng dáng núi xa anh.

Em thăm thẳm

Gió anh về cô lẻ

Níu rẻo buồn

Hiu hiu với trong xanh

Có một lần ngỡ mái rừng là Mẹ

Anh về trên nhành lá..

..ngủ ngon lành.

15.09.08

Cũng trong thời gian này, qua cái công án "mẫu tử" ấy, tôi có viết bài thơ Em Bỏ Cuộc Tình, mà sau này có in lại trong tập "tháng hai có ba mươi ngày". Bài thơ này nói về bước đi tương lai cho mối tình của chúng tôi, khi tôi đã ngộ ra điều mình cần phải làm vì tình Mẫu Tử.

Bài thơ lấy ý của lễ Vu Lan làm đối trọng của người Mẹ

EM BỎ CUỘC TÌNH

Em bỏ cuộc tình, tôi bỏ cuộc người.

Mắt môi ngày ấy nguyên màu thời gian.

Em bỏ cuộc tình, tôi bỏ cuộc tôi.

Một lần bên mé Vu lan,

Cho ai cài áo, em ngồi tụng kinh.

Em bỏ cuộc tình, tôi võng vành nôi,

Đóa hoa màu trắng cài ngang lưng trời.

Em bỏ cuộc tình, tôi bỏ cuộc say

Câu thơ dạo đó nhuốm thành khói mây

Em bỏ cuộc tình, tôi níu cuộc chay,

Vuốt dòng Thủy Sám gột lên mắt ngày.

...

Sở dĩ tập thơ tình đầu tay của tôi có tên là "Tháng hai có ba mươi ngày" là vì Phượng sinh nhằm vào tháng hai, mà tháng hai thì không bao giờ có 30 ngày, chỉ có 4 năm có một lần 29 ngày thôi. Không biết vì sao lúc làm giấy khai sinh, người ta nhầm lẫn thế nào mà ghi cô ấy sinh ngày 30 tháng 2. Giấy tờ tùy thân của cô ấy nghe nói đến bây giờ vẫn ghi như vậy. Lạ thật!

Trong tập " Tháng Hai Có Ba Mươi Ngày", có hết hơn phân nửa là hồi ức về những gì xảy ra trong quá trình tôi đột phá được trong 3 ngày "nhập thất" giữa đất trời dưới tượng Bồ Tát Quan Âm.

Ví dụ mấy bài Đọa Lạc cũng nhắc đến ấn tượng này:

GIẤC MƠ CỔ LỖ SĨ

(Đoạ Lạc 17)

....

Thu roàng roạc cào banh vùng kỷ niệm

Mạn hanh vàng ghé lá rụng tìm nơi

Trố mắt cáo lối quay đầu khuất cội

Giọt rưng rưng hóa cuội sỏi mất rồi

Lối núi xưa khi em về. Nhẹ bước

Trời kết màu thượng cổ trải rừng phơi

Bờ cát đá rong rêu ngày thổ mộ

Rẻo chiều chia Sáng-Tối để thành đôi

Bước chân trần gai đâm ngày bữa nọ

Nẻ múi buồn, nứt nụ nhớ. Còn đau

Cung Thiện Nghệ nhắm hờn vầng Ngọc Thố

Hóa ra mình tên bắn cắm đời nhau

Em tóc xõa cho phấn son đẫm nguyệt

Vén lên tình bới chỏm mộng khơi khơi

Mảnh tương tư chải ngày chưa kịp khuyết

Chuốt sợi sầu đan lưới hứng trăng soi.

Lời song cửa thả rèm che tục lụy

Vó tịch dương gõ lủng mủng ngày về

Hiên hoa khế rớt màu trăng tím tái

Võng góc nhà kẽo kẹt một cơn mê...

____

Hồi đó tôi đã có ý tưởng theo Thầy xuất gia nhưng Thầy nói tôi còn nặng nợ trần duyên phải trả, nên không cho xuất gia. Bài Đọa Lạc 3

nhắc đến sự "trầm lạc" này

ĐỌA LẠC 3

.....

Tưởng khẻ khàng men bờ Tịnh độ

Nẩy chồi quên về phía Vô ưu

Ai dè còn rưng rức tiếng mõ

Vọng lời yêu đòi nợ oan cừu

Cõng bóng hình qua dòng đành đoạn

Bỏ bên này trỉu nặng bên kia

Nguồn ái chảy, bờ mê chưa cạn

Ta ngu ngơ thèm cõi đi về

Qua công án tôi thấy mình phải gạt bỏ tình cảm luyến ái cá nhân để bảo vệ lấy tình Mẫu Tử của Phượng. Biết vậy nhưng để làm được là cả một đoạn đường đầy kịch tính

.....

Rồi một bữa ta thấy mình kinh dị

Mé bờ yêu quên bỏ lại em rồi

Để phanh phui cả một thời mộng mị

Giữa đục trầm ngao ngán thả tình trôi.

(Kinh Dị)

...

Cũng đôi khi tình yêu chợt cuồn cuộn dâng lên, tôi muốn phá bỏ đi tất cả, chỉ để được yêu, cho dù phải có nhiều hệ lụy

...

Rồi rứa đó, đêm về vò chăn gối

Nặng tiếng thở dài khao khát lắm yêu thương

Rồi vùng dậy òa trang tình viết vội

Mắt môi nào cháy từng nét thơ suông

Cứ như thể nén nhang thời khấn niệm

Chỉ vì Em thắp mấy nẻo dòng đời

Sương khói ấy quyện hình hài lưu luyến

Đêm bạc lòng ngắm từng mảnh trăng rơi

Là rứa đó có gì đâu mà tụng

Diện mục mình khuất sau lớp son yêu

Kinh vạn quyển cho đạo tràng nghiêng ngả

Bể nhân gian thêm lạc lối truông đèo.

Thà cứ vậy, ta đọa vào cửa quỉ

Lạc bên lề nhân thế đắm trên môi

Thà cứ vậy khoác bùa mê hồ mị

Cõi Vô Minh mới đích thực là đời

(Đọa Lạc 3)

...

Bài Đọa Lạc 6 thì mô tả cái phút chuyển dịch tâm tư từ sự đổ vỡ của nhận thức về tình yêu, thông qua tứ thơ nói về sự luyện công lúc "nhập thất" phá công án:

...

Chân đảo nhịp lạc mấy đường quyền phổ

Tình hoang đau khởi lấp buổi huyền công

Em. Từng chữ lấn mê dòng Lục-tự

Qui tức trầm thâu nhiếp một hừng Không

Như muốn hét tới ngàn lần Sư-tử- hống

Cho nát tan toạc rách cả hồn yêu

Trả lại anh thủa chân truyền tĩnh lặng

Chớ đọa đày, phách nhớ quá lêu bêu.

(Đoạ Lạc 6)

Đã có khi ngửa mặt nhìn trời, nhìn đất để than thân trách phận, nhưng cuối cùng cũng tìm ra được "chân lý". Cái "chân lý" về Em đâu cần phải là một thực thể bằng xương bằng thịt nào đó. Cái "Em" để mình yêu, mình thương, mình vần vũ trong đó như một "cuộc chơi" cũng thể được nhào trộn bằng mây gió đất trời mà nên. Chính cái "chân lý này" đã "hun đúc" nên một "Em" lồng lộng khác mà suốt đời tôi thờ phụng. Nó không còn là Phượng nữa mà là một "Em" hoàn bích, hoàn mỹ của Yêu và Thơ:

...

Đừng trách thượng đại thiên thu

Mà ghê cái phút tù mù nắm tay

Trộn đêm xáo với nắng ngày

Trộn trăng với gió đem bày cuộc chơi

Một hôm ngửa mặt dòm trời

Thấy tà mây quấn trắng lời tang đau.

(Nẻo Thu Khác)

Đại khái là vậy!

Phải công bằng mà nói, tôi phải cảm ơn Phượng và Mẹ của Phượng.

Bởi những ngặt nghèo mà mẹ Phượng đã đẩy tôi vào đó, đã giúp tôi có 3 ngày "Thủy Sám" dưới tượng Quan Âm.

3 ngày đó đã cho tôi rất nhiều thành quả, nhiều ấn chứng mà đôi khi cả một đời tu hành không có nổi. Trong đó cái cực kỳ trân quí nhất là tôi khai mở được thuật Hóa Chẩn. Một thủ thuật chẩn bệnh rất diệu

vợi, mà sau này đã giúp tôi không ít trên con đường lập nghiệp..Có lẽ vì cái ấn chứng ấy có được từ việc phá công án "Mẫu Tử" liên quan đến Phượng cho nên dấu ấn về Phượng trong tôi khó có thể phai nhạt chăng....

Ngày theo Thầy học thuốc, khi ông giảng về Tứ Chẩn xong, ông còn nói thêm, phàm khi chẩn bệnh, người thầy thuốc phải biết đau cái đau của con bệnh, lo lắng cái lo của con bệnh, thì khi đó mới đi đến chổ tột cùng của sự cảm thông, có vậy mới đưa việc tứ chẩn đến diệu dụng được. Tôi hỏi, mần răng và mà mình đau được cái đau, lo được cái lo của con bệnh. Thầy nóí, thì hóa thân mình thành con bệnh, để mà thấm cái đau của họ, mà lo nổi lo của họ chớ răng. Hồi đó tôi còn trẻ dại, tính tình hay bông lơn, cộng thêm cái cái chuyện nghiền chuyện chưởng, nên khi nghe Thầy nói thế, tôi hỏi lại, rứa là y chang như phép phân thân của Tề Thiên Đại Thánh phải không, nhổ một sợi tóc gáy hô biến là biến thành hột kim đan lăn vô bụng bệnh nhân chứ chi nữa. Thầy gõ lên đầu tôi nói, mi nói chơi rứa chớ không trật mô, đúng rứa, đúng rứa, đó là phép Hóa Chẩn phải có khi dụng phép Vọng, Văn, Vấn, Thiết (Nhìn, Nghe, Hỏi, và Bắt Mạch) trong Tứ Chẩn.

Tôi hiểu ý Thầy tôi nói gì, nhưng vẫn chưa thấu ngộ được ý chỉ đó.

Khi bỏ phố, lên Tuần ngồi dưới tượng Quan Âm phá công án "Mẫu Tử", tôi mới có cơ hội tham thấu phép Hóa Chẩn của Thầy.

Tôi phân tâm, đặt mình vào hoàn cảnh mẹ của Phượng để phân tích trạng thái tâm lý sẽ xẩy ra như thế nào. Tôi giả sử tôi là bà ấy, để có được cảm nhận, khi người con gái yêu, hòn ngọc của đời mình mà mình suốt đời thương yêu, và hy sinh tận tụy vì nó, đột nhiên đem tất cả tài sắc đi hiến dâng cho một kẻ khác, mà kẻ đó lại một đứa cù bất cù bơ, không nhà không cửa, nghèo kiết xác, kẻ đó lại có một quá khứ bất hủ trong giới "giang hồ". Nhờ sự phân tâm này, tôi mới hiểu được vì sao Mẹ của Phượng lại có những hành động tàn bạo khi muốn ngăn cản tình yêu của chúng tôi. Tôi mới hiểu vì sao bà ấy, thà ra khỏi Đảng, không cần làm đại biểu Quốc Hội, và tự nguyện từ chức Chủ Nhiệm Ủy Ban Bảo Vệ Bà Mẹ và Trẻ Em tỉnh để ngăn cản cho bằng được quan hệ giữa tôi và Phượng.

Tôi phân thân, thử đặt mình vào hoàn cảnh của chính Phượng. Tôi mới thông cảm được với nổi đau cùng cực của người con gái khi bị đặt vào tình huống "bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn". Từ sự thông cảm đó, tôi đã biết loại ra khỏi tình yêu, sự chiếm đoạt, sự sở hữu thuộc về nhau. Tôi không đồng hóa cái lý "chiếm hữu" trong tình yêu thành cái cảnh giới "thuộc về nhau", "tất cả cho nhau" và vì nhau. Chỉ cần có nhau là đủ, là cái cảnh giới rất thấp, "vị kỷ" nhất trong sự rung động và hòa hợp của Tình yêu.

Tôi thoát ra khỏi sự tự ti, thoát ra khỏi thế tự kỷ, để đứng bên ngoài sự sân hận của mình, đứng bên ngoài đam mê của mình, tôi hóa thân thành một người khác để quan sát nhìn nhận lại chính mình. Khi đó tôi mới cảm nhận ra được mình là ai, mình có cái gì, mình thuộc typ người gì. Qua đó tôi mới hiểu rằng quả thật tôi không phải là loại người vì gia đình, tôi không có lẽ sống vì một gia đình, tôi không thể nào đưa lại cho Phượng hạnh phúc của một gia đình. Tôi không thể nào có sự đảm bảo cho Phượng một cuộc sống huy hoàng và tráng lệ trong hôn nhân được. Tôi không thể nào có thể hóa nhập cái thế bên tình, bên hiếu của Phượng thành một được. Tôi hiểu tôi, tôi biết được những gì xảy ra trong tương lai, tôi không có khả năng bảo kê cho một mối tình "Một mái lều tranh hai trái tim vàng" được. Cái viễn cảnh rồi một ngày nào đó, chúng tôi lại phải "cắn xé" lẫn nhau, rời xa nhau, chia tay trong sự bẻ bàng thậm chí có thể là thù hận như những cuộc hôn nhân, những cuộc kết hợp vì tình yêu khác.

Qua sự phân tâm làm đặt mình vào thân phận của nhiều người khác đó. Tôi đã tìm ra hướng đi cho sự bế tắc của tôi và Phượng.

Khi nghĩ đến lúc rời xa Phượng. Trái tim tôi như quặn thắt lại. Tôi có cảm giác như trong lòng ngực mình, trái tim đang bị những sợi lạt giang bó siết lại như một đòn bánh tét. Tôi thấy hơi thở mình như bị thắt nghẹn, tôi oằn lên trong dãy dụa đau đớn. Tôi có cảm giác máu mình đã ngừng chảy, và trong huyết quản của tôi chỉ còn lại một dòng chảy bằng những chiếc kim. Những chiếc kim đó đang đâm vào từng làn da thớ thịt của tôi.

Cái trạng thái phấn khởi thanh thản khi tìm ra được hướng đi, cộng với cái day dứt còn cào khắc khoải, nhức nhối của sự chia ly, đã đẩy tôi vào một trạng thái rất hỗn loạn. Sức ép tâm lý, hai dòng chảy bạo ngược đó cứ cuộn xoáy tôi vào một hố thẳm thẳm không đáy. Một dòng chảy cuộn tung tôi lên cao, hất tôi lên tới đỉnh cao chất ngất của lòng bao dung, sự hy sinh tận tụy. Một dòng chảy nhấn chìm tôi xuống cái hố đen ngòm của sự tàn phá đổ vỡ khắc nghiệt. Tôi bổng thấy tâm tư mình lùng bùng, choáng ngợp hãi hùng trước một sự tuyệt vọng vô bờ.

Mắt tôi tự nhiên tối sầm lại, trời đất quay cuồng, chao đảo. Tôi thấy tâm tư tôi, khối óc tôi như một cái bóng đèn thủy tinh cứ lớn dần lên, lớn dần lên trong sự chèn ép căng thẳng. Cái " bóng đèn thủy tinh" ấy tưởng chừng như lớn mãi ra không có giới hạn. Tôi như mất hết sức lực để chống lại sự chèn ép ấy và gục xuống. Cái bóng đèn thủy tinh khổng lồ ấy bổng chốc vỡ tung ra, tôi nghe trong tôi có một tiếng nổ dữ dội. Trước khi tôi rơi vào trạng thái hôn mê, tôi vẫn còn cảm giác được từng mảnh vỡ của cái "bóng đèn" ấy găm lổn nhổn vào trong óc não của tôi.

Khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, tôi thấy tâm tư tôi thật bình lặng, một trạng thái an lạc rất lạ kỳ, mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào mô tả và lý giải nổi.

Sau ba ngày ấy tôi về lại phố, trong tâm trạng phấn khởi vui tươi, và nhiên lành không ai có thể ngờ tới.

Chị tôi và mọi người đang lo lắng về sự mất tích của tôi. Họ không ngờ tôi trở về với một con người hoàn toàn khác lạ. Họ không thể ngờ rằng cái thằng mới hôm rồi sầu muộn vì chuyện tình ngang trái, tóc đã điểm vài sợi bạc vì lo nghĩ, nay bổng nhiên thần sắc sán lạn và rất nhu nhuận.

Trước đây chị tôi và mọi người lo lắng cho tôi, thương cả tôi và Phượng mà không ai dám có lời nào khuyên bảo. Chị tôi chỉ khóc và vuốt tóc tôi than "tội hai đứa bay quá", chứ không khuyên bảo gì cả. Cô tôi thì nước mắt lúc nào cũng rơm rớm và ngồi thở dài. Nay thấy tôi mất tích mấy ngày, khi trở về lại thấy tâm tư tôi rạng rỡ, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười. Chị tôi nói với mọi người, đừng lo cho hắn nữa, vì nụ cười của hắn đưa lại cảm giác rất bình yên.

Và quả thật mọi chuyện đã bình yên trở lại. Rồi Phượng cũng có người yêu khác, và họ đã làm hôn lễ trong nụ cười mãn nguyện của mẹ Phượng.

Chúng tôi không biết chia tay từ lúc nào, chắc chắn cả tôi và Phượng chưa hề nói với nhau một lời chia tay nào cả, mọi chuyện cứ nhẹ nhàng, nhích từng tý, từng tý một mà thay đổi trong sự bình lặng. Ai cũng nhẹ nhỏm thoát ra khỏi con đường cụt đầy chông gai và bảo tố đó.

Ngoại trừ thằng Hội, không một ai biết rằng, chồng của Phượng bây giờ là bạn thân của một người tôi quen biết. Và chính tôi là người tạo điều kiện cho hai vợ chồng của Phượng chuyển công tác vào Sài Gòn, và cả hai được nhận vào làm việc ở một cơ quan có khả năng phát triển kinh tế vững mạnh lúc bấy giờ. Ngay cả việc hai vợ chồng được nhập khẩu một cách dễ dàng vào Sài Gòn cũng do bàn tay tôi sắp xếp. Nếu như trong một lần nhập viện vì bệnh áp suất máu cao, Mẹ của Phượng không phát hiện ra người y tá thiện nguyện chăm sóc bà tận tình chu đáo, khi bà chỉ còn lại một mình ở lại Huế là do tôi sắp đặt, để nổi cơn thịnh nộ và xua đuổi cô ấy đi, thì mọi người đều nghĩ rằng tôi đã hoàn toan không còn quan tâm đến Phượng nữa.

Thật ra, ở trong tôi có một cái gí đó đó khác cao hơn, vượt ra ngoài giới hạn của tình yêu đã xoa dịu tôi, chứ hình ảnh của Phượng, tình yêu của Phượng vẫn còn mãi mãi ở lại bên tôi. Tình yêu đó, cảm xúc đó đã đưa tôi đến mảnh đất linh thiêng và thánh thiện của Thi Ca.

Một công trình khoa học của các nhà bác học khoa Vật Lý Lượng Tử ở Mỹ đã tìm ra được Hạ Nguyên Tử, mới đây họ vừa công bố công trình dựa vào khả năng vận tốc phi ánh sáng của hạt Hạ Nguyên Tử, có thể đưa con người trở về quá khứ, thậm chí còn có thể tác động vào các "điểm" nhạy cảm của quá khứ để làm thay đổi hành trình của Lịch Sử nhân loại. Giả sử nhờ vào hạt Hạ Nguyên Tử, tôi có thể trở về quá khứ, thì tôi cũng không hề muốn có tác động nào để thay đổi lịch sử của đời tôi. Tôi cũng chẳng muốn có tác "tích cực" nào để tôi và Phượng sẽ được ở gần nhau. Vì tôi biết rằng con người, họ vốn gần như trăm trăm phần trăm ngộ nhận về nửa còn lại của chính mình. Xác suất tìm ra được nửa còn lại bị thất lạc trong guồng máy của định mệnh vốn không có có khả thi, nếu như không nói rằng sẽ chẳng bao giờ có

Bạn có biết rằng, cái xác suất tìm nửa còn lại của chính mình là bao nhiêu không?. Nó chỉ có xác suất là 1 phần trên 6 tỷ. Có nghĩa là nôm na biết rắng. Trong 1 thành phố như thành phố Hà Nội với khoảng 6 triệu người. Thì xác suất ấy chỉ có thể tìm ra khoảng vào độ một cái móng tay, hay độ khoảng 50 sợi tóc của nửa còn lại của bạn mà thôi. Với xác suất 1 phần trên 6 tỷ đó, bạn có nghĩ rằng, bạn là người may mắn, tìm được 1 phần 6 tỷ ấy không. Vậy thì sao bạn lại dễ dàng chấp nhận để gắn bó trọn đời với cái nửa na ná ấy chứ.

Đoạn Kết

Năm trước về Sài Gòn, có một hồng nhan tri kỷ của tôi, biết được Phượng qua Thơ tôi, nhất là qua tập "Tháng Hai Có Ba Mươi Ngày" và bài thơ Có Một Mùa Mây Cũ, cô ấy hỏi tôi có muốn tìm gặp lại Phượng không. Sau gần 30 năm xa cách, tôi cũng muốn biết cô ấy giờ sống ra sao, nên gật đầu. Cô bạn của tôi bằng sự giao tiếp rộng rãi, đã tìm ra và liên lạc được với Phượng. Cô hỏi tôi có muốn gặp Phượng không, tôi lắc đầu, nói chỉ cần biết tin là đủ, gặp lại làm gì, biết đâu sự gặp lại sẽ giết chết Thơ tôi. Cô ấy cho biết đã liên lạc trò chuyện thường xuyên với Phượng. Và cho tôi biết Phượng hình như đã quên tôi, và chẳng còn ấn tượng gì về tôi nhiều lắm. Phượng còn khuyên cô ấy không nên "dây dưa" với tôi, vì tôi không phải là tạng người của gia đình và hôn nhân.

Người bạn của tôi, buồn buồn hỏi tôi, biết tin người mà anh không bao giờ quên ấy, anh thương nhớ trọn đời ấy không còn có ấn tượng về anh, anh có buồn không?. Tôi trả lời là không hề có một tý gì buồn cả, nhưng chỉ hơi lo, lo vì Phượng nói đúng, tôi không phải là loại người thích hợp với hôn nhân.

Mình tuổi Hợi, là Kỷ Hợi, thuộc hành âm mộc. Các cụ ngày xưa giỏi thật, lấy 10 Can làm cái gốc tại trời (Thiên Can) kết hợp với 12 Chi (Địa Chi) là cái ngọn ở Đất làm nên một giáp tuổi 60 năm, để định cuộc thịnh suy của một đời người. Cái hay nhất của cuộc kết hợp Can Chi này là cứ kết hợp lần lượt vậy, búa xua vậy nhưng chẳng bao giờ đi chệch ra khỏi cái thế Âm-Dương. Đã là Can Âm, thì khi nào cũng kết với Chi Âm. Can Dương khi nào cũng kết lại với Chi Dương, để thành ra có năm Âm, năm Dương, mạng Âm, mạng Dương. Hay thật!

Ví như tuổi mình có can Kỷ là Âm Thổ, kết với chi Hợi là Âm Thủy. Cái can Kỷ này chẳng bao giờ kết được với một chi Dương nào hết. Có Kỷ Sửu, Kỷ Mão, Kỷ Tỵ, Kỷ Mùi....chứ chẳng bao giờ có Kỷ Dần, Kỷ Thìn, Kỷ Ngọ...nào hết. Thế mới hay chứ. Cũng vậy, ví dụ như cái can Canh là Dương thì nó cũng chẳng bao giờ léng béng để kết với một chi Âm nào cả. Có Canh Thìn, Canh Ngọ, Canh Thân, Canh Tuất.. chứ đừng hòng mà có Canh Hợi, Canh Mão, Canh Dậu, Canh Sửu, Canh Tỵ trong một giáp 60 năm...Có thế mới làm nên cuộc Âm, cuộc Dương cho năm, cho mạng được chứ. Tài thật! (Thiên Can: Giáp là Dương mộc, Ất là Âm mộc, Bính là Dương hỏa, Đinh là Âm hỏa, Mậu là Dương Thổ, Kỷ là Âm thổ, Canh là Dương kim, Tân là Âm kim, Nhâm là Dương thủy, Quí là Âm thủy. Thiên Can cứ lần lượt Giáp Ất, Bính Đinh, Mậu Kỷ, Canh Tân, Nhâm Quí, làm thành cuộc tương sinh: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Còn Địa Chi thì: tý Dương thủy, sửu Âm thổ, dần Dương mộc, mão Âm mộc, thìn Dương thổ, tỵ Âm hỏa, ngọ Dương hỏa, mùi âm thổ, thân Dương kim, dậu Âm kim, tuất Dương thổ, hợi Âm thủy. Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi cứ một Âm, một Dương mà luân chuyển không ngừng. Vòng thiên Can theo thế tương sinh tương khắc mà vận hành, vòng Địa chi thuận theo Âm-Dương mà chuyển hóa, tạo nên cuộc Âm Dương- Ngũ Hành cho năm tuổi thật ngoạn mục)

Chỉ riêng cái thế Âm-Dương của năm sinh thôi cũng đã nói lên được bao điều cho cuộc Thăng-Giáng- Phù-Trầm của một đời người rồi. Lại thêm cái thế tương sinh tương khắc của năm sinh nữa, thì còn thêm được bao nhiêu điều để luận bàn. Ví như mình sinh năm Kỷ Hợi, tất nhiên là năm Âm rồi. Mà Kỷ là Âm Thổ, kết hợp với Hợi là Âm Thủy. Vậy là cái gốc (Can) là Thổ nó khắc cái ngọn (Chi) là Mộc, vì theo luật tương sinh tương khắc, là Thổ khắc Thủy mà...chà chà thêm cái thế Can khắc Chi này nữa, thì thiếu chi điều để luận bàn hè.

Chưa nói các cụ ngày xưa còn bày ra trận Nhị Hợp, Tam Hợp, Tứ Hành Xung nữa mới gọi là thiên biến vạn hóa chứ. Chỉ thêm chừng ấy điều của năm sinh ra đời, đã là một cánh rừng đại ngàn bất tận thám hiểm mãi không hết, chứ đừng nói chi thêm cái việc vận thêm 60 quẻ Phục Hy, chế biến nó thành sao nọ, sao kia, theo ngày, tháng, giờ sinh mà tạo nên một Thiên bàn Tử vi, hay Bát tự lữ tài nữa thì quả ư là mênh mông bất tận cho sở học.

Mình tuổi Hợi, chiếu theo tam hợp là bị vướng vào vòng "lao lý" duyên nợ Hợi-Mão- Mùi. Nói tóm lại cứ gặp Mão và Mùi là con heo Kỷ nhà mình i chang như là bị "đoạ lạc" ngay.

Nghiệm lại đời mình quả chẳng sai tý nào. Riêng cái tuổi Mão, là năm 1963 nhằm vào năm Quí Mão, mình phải đương đầu với ít nhất cũng là dăm bảy cuộc "Đọa Lạc".

Khiếp thật!, loanh quanh thế nào rồi cuối cùng cũng bị mấy con Mèo bằng vàng lá trắng (Kim bạch kim) này nó đốn hạ tơi bời hoa lá hẹ cái cây đồng bằng (Bình địa mộc) của nhà mình

Trong "thập diện mai phục" của bọn mèo vàng này, mình có quen thân với hai Mợ mèo. Điều ngẫu nhiên mà mình phải "dây mơ rễ má" với hai mợ Mèo này có một điểm rất quái lạ. Là hai mợ này có họ giống nhau, đều là họ Đoàn (nói họ Đoàn cho nó giống với con cháu Đoàn Chính Thuần trong Thiên Long bát bộ, chứ thực ra là họ khác, không dám nói đích thị mà, sợ bị chúng nó cào..hè hè..). Cái hay nữa là cả hai đều có tên giống nhau mà lại mang tên của sông nước mới chết mình chứ. Cả hai đều có tên họ dài dặc bốn chữ. Có 3 chữ giống nhau, chỉ có một chữ dùng cho tên đệm là khác. Một mợ có đệm là Thanh và một mợ có đệm là Hồng. Chẳng phải là trời xui đất khiến đó ư. Đã mang tên sông nước là thuộc hành Thủy, sinh cho hành Mộc của bổn mạng mình, lại còn thêm cái chữ lót là Thanh(xanh) là hành Mộc tương hòa với mạng mình, một cái là Hồng(đỏ) thuộc Hỏa, tương sinh với mạng mình. Mình không bị "đoạ lạc" vô đó mới là chuyện lạ. Hu hu...còn một điều nữa nó làm mình càng thêm khốn đốn là cả hai Mợ này đều là Hà Thành các các, có nghĩa là dân Hà Nội gốc, thế mới khổ đời cái khúc gỗ mục nhà mình chứ.

Cũng may mình có tý am hiểu cổ học từ nhỏ, nên biết cái "họa vô đơn chí" của thế cuộc này mà có sự phòng bị để mà "biết thì sống".

Mình luận cái năm sinh biết mình đoạ vô cái "ngũ hành ma trận" của tụi Quí Mão, nên khi nào bị cuốn vô vòng "lao lý" của sự giao tiếp với mấy mợ Mèo vàng này là mình chuẩn bị tìm cách chuồn cho nó vuông, yếu nên không dám ra gió với mấy Mợ.

Nói vậy thôi, chứ trốn trời không khỏi nắng, cái cuộc chuồn nào của mình cũng phải đánh đổi cái giá trầy vi tróc vảy cả. Đến bây giờ còn mấy cuộc "thập diện mai phục", cho dù mình có "long đàm hổ huyệt" cố gắng "long tranh hổ đấu" bao nhiêu mà vẫn còn chưa thể "tẩu vi thượng sách" được. Khốn khổ thế đấy.

Mình thuộc hành Bình Địa Mộc, so với tụi Quí Mão, thì được cái thế Tam Hợp đẹp như mơ. Cái thế tam hợp của mình với tụi Mão nhằm vào cái thế Trường Sinh, vậy cho nên nó dây dưa lắm, ví dụ nó nhằm với tam hợp Hợi để có cái thế Lâm Quan, thì có phải là "khởi giá đăng đàn" rồi hay không. Hoặc là nhằm tam hợp với tụi Mùi để ẵm cái thế Đế Vượng thì có phải ngon như "một cặp môi gần" rồi. Đằng này nó nhằm vào cái thế Trường Sinh, nên mình mới khó dụng "tam thục lục kế" chứ.

Trời chẳng cho ai cái gì trọn vẹn, cho mình với tụi Quí Mão có cái thế tam hợp đẹp nhất trong 4 thế Tam Hợp của Địa Chi (Hợi-Mão-Mùi, Dần-Ngọ-Tuất, Thân-Tý-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu) để "đi đâu rồi cũng về La Mã" rồi lại tương ngay một phát tương khắc hiểm ác: Kim khắc Mộc.

Vậy là đưa cái Mộc ẻo lả yếu đuối (âm mộc) của mình ra cho tụi Kim Quí Mão, nó muốn đẽo muốn gọt, muốn chặt muốn chém gì thì tùy chúng nó thao túng, vì chúng có quyền khắc chế mình mà.

"Ưa" thì chúng nó đẽo gọt mình nên giường, nên chiếu, nên nhà nên cửa, nên bàn ghế, tượng thờ. Không "ưa" thì chúng nó băm vằm mình ra thành muôn mảnh làm củi đốt thành tro bụi, thành khói bay chơi vậy thôi.

Nói tóm lại là chúng nó muốn mình trở thành đồ vô dụng hay là đồ hữu dụng thì tùy hứng và khả năng của tụi nó. Mình có "nên người" hay không do chúng thao túng mà nên. Thôi thì biết đâu là "dao sắc", biết ai có "đao pháp" giỏi mà trao thân cho tụi nó "tạo tác". Kiếm đường mà chẩu trước cho nó chắc ăn he he...

Còn cú này nữa mới tỏ cái "thâm hậu" của Định Mệnh chứ. Mình với tụi Quí Mão vốn cả hai là nguyên Âm (Kỷ- Quí đều âm). Âm với Âm đồng tông mà khắc cực, giống nhau mà cùng một cực âm như cực nam châm vậy, nên có hoà hợp mà vẫn phải cứ phải đẩy nhau ra, thế mới khốn nạn chứ. Được một cái là cả mình và tụi Quí Mão đều là Âm Mạng. Nên ở vào thế Sinh Xuất, tức là cái thế cho nhiều hơn nhận, "đứa" nào cũng muốn cho đối phương nhiều hơn là nhận từ đối phương, vì vậy mà cái khắc cực của Âm còn biết "hy sinh" nên dễ thở hơn là cái thế khắc cực của tụi đồng Dương ở thế Sinh Nhập là thế nhận nhiều hơn cho, tức là vị kỷ hơn.

Nói thêm cho các mợ Quí Mão biết một việc có tương tác rất "hệ trọng" này nữa này. Xét về cung Phi trong Lương Duyên Tiền Định, thì bọn nam Kỷ Hợi tụi em thuộc về cung Khôn, còn các Mợ thuộc về cung Cấn. Mà hợp Khôn với Cấn là được cái thế Sinh Khí trong bát quái. Sinh Khí là đệ nhị Cát Lành, nó chỉ sau có đệ nhất Phước Đức mà thôi. Nói về cơ nghiệp mà được cái cách Sinh Khí này là đắc cách lắm đấy. Chỉ tội mấy người tuổi Kỷ Hợi chúng em toàn là "kỳ nhân" cả , tụi em vốn là người hiền lành, ham học hỏi, nên biết nhiều, có nhiều tài vặt, tâm địa lại hiền lương, thích cống hiến cho xã hội. Nếu cái Kim của quí Mợ sắc sảo, thông minh, có "vía" trội hơn tụi em, thì các mợ có thể biến cái Mộc tụi em thành "đồ mỹ nghệ" siêu đẳng để mà tận hưởng cái thế Sinh Khí bất tận. Còn như các Mợ mà không "cao tay ấn", thì cái Kim của các mợ chỉ tổ băm vằm tụi em thành đồ củi mục thôi, lúc đó Sinh Khí sẽ biến thành Hoại Khí tuốt tuồn tuột. Tiếc rằng xưa nay "đàn bà đâu dễ mấy tay". Chán!

Lại nói về hai "mụ chằn lửa" tuổi Mão của mình. Hai mợ Mèo mà trùng tên, trùng họ và cũng nhằm luôn cái đất Hà Thành mà sinh ra đời ấy. Cái mợ có tên lót là Hồng, mình gọi là mụ Đỏ, cái mợ có tên lót là Thanh thì mình gọi là mụ Xanh. Cái mụ Đỏ thì còn có nhiều "gay cấn" lắm, để hậu xét. Hôm nay mình chỉ kể chuyện về mụ Xanh, vì cái mụ Xanh này có liên quan đến Hiểm Họa Talawas mà mình đặt tên cho entry này.

Chắc chắn mấy "trự" bên Talawas nếu đọc cái entry này sẽ nổi cơn tam bành, nhất là "mụ tổ" của Talawas là nữ văn sĩ PTH.

Mụ Xanh, người Hà Nội, thuộc dòng quí tộc Hà Thành, thuộc loại "con ông cháu cha". Mà loại "Ông, Cha" thứ xịn, chức vụ to tổ chảng tận chót vót trên đỉnh lận. Đã thế trời lại ưu đãi cho được cái sắc đẹp khá hoành tráng, mụ Xanh một thời nổi tiếng là hoa khôi Hà Thành. Không những thế lại còn thông minh, hoạt bát, sắc sảo và đáo để nữa chứ.

Trời sinh đất khiến thế nào lại để cho mụ Xanh có duyên nợ hội ngộ với mình. Quan hệ thuộc vào loại "cấm khẩu", đếch nói được nó thuộc vào loại gì. Gặp mụ Xanh, khi đời mình đã "vãi cả linh hồn" với mấy mợ mèo Quí Mão. Nên mình có thừa kinh nghiệm "giang hồ" để kiếm bài "tẩu mã". Cũng may cho mình, mụ Thanh thuộc vào hàng đỉnh, mà mình thuộc vào hàng đáy. Cho nên mụ chẳng để mình vào trong mắt. Vì vậy mà có duyên hội ngộ, thân thiện, nhưng không bị cuốn vào "đoạ lạc" với "ngũ hành mê hồn trận" của mụ.

Số mụ Xanh chỉ xứng với hàng Đại Gia, mà mình chỉ là "tép gia". Cho nên có hạnh ngộ cũng đường ai nấy đi. Hú hồn!

Mụ Xanh kết một tay đại gia nửa mùa bên này, nên nghĩa "non vợ chồng già nhân ngãi". Sống với nhau cũng đề huề hạnh phước lắm, có được cái cơ nghiệp cũng tạm có thể gọi là "đi mây về gió". Mình với mụ Xanh chỉ thỉnh thoảng gặp nhau, trao đổi mấy câu thăm hỏi gọi là "cố nhân" cho phải đạo vậy thôi. Cũng chẳng có gì để bàn bạc thân mật nữa cả. Vì mình với mụ khác hệ. Mụ Xanh thuộc hệ Kinh tài, mình thuộc hệ Văn nghệ. Cho dù mụ ấy có kinh doanh liên quan đến Văn nghệ và Thẩm mỹ, nhưng khoảng cách giữa ý thức hệ giữa mình với mụ cũng có thể gọi là "bên Đông, bên Đoài".

Hồi mụ Xanh về sống với lão Đại Gia kia, mình bấm Âm-Dương làm một quẻ bát quái, tính nhẩm thấy cú này là cú "tiền Kiết hậu Hung". Nhưng chẳng dám nói với mụ ấy, sợ bị la là đồ "mạt rệp" biết cái cóc khô gì mà nói. Vì tay đại gia kia vốn là người rất tự hào mình là bậc trí giả.

Đằng đẵng vậy mà cái Kiết của mụ Xanh được dài ra phết. Cũng đúng thôi, mụ ấy sắc sảo, lanh lợi và giỏi về giao tiếp, biết cách đối nhân xử thế, thuộc nằm lòng cái Đắc nhân tâm của thế thời, nên có kéo dài được cái thế Kiết cũng chẳng có gì là lạ. Nhưng lưới trời lồng lộng, rồi cái thế Hung cũng đã lòi ra.

Cái hung hiểm của mụ Xanh lại liên quan đến một vấn đề rất chi là ẩm ương. Đang cơm lành canh ngọt vậy, tự nhiên tay kia xui xẻo thế nào lại chui vào mạng Talawas. Cha kia vốn là dân thuyền nhân, xưa nay vốn đang vùi đầu vào Kinh tế, rồi xui khiến thế nào nếm phải cái bả Chính Trị của Talawas, đâm ra nghiện.

Cha này là dân khoa bảng ở Đức, không biết sao không đọc cái "Di Huấn" của một chính khách lỗi lạc của nước Đức Dân Chủ. Di huấn của vị Thủ tướng đầu tiên của nước Đức nói rằng "Politik ist schmuzig" có nghĩa : "Chính Trị là bẩn thỉu". Không thấm nhuần được cái di huấn ấy của "tổ tông" Dân Chủ Phương Tây, nên cha đành phải làm con nghiện, vào Talawas theo đóm ăn tàn.

Talawas trước đây là một trang thuần văn nghệ, do một nữ sĩ khét tiếng là "Mẹ Đốp" thành lập ra. Cũng chẳng cần gì phải dấu diếm làm chi cho nó mang tiếng là úp úp, mở mở.

Văn đàn Việt nam gần đây có 3 nữ Văn sĩ nổi tiếng là đốp chát, nên được phong là "Mẹ Đốp". Đó là nhà văn Dương Thu Hương, Nữ văn sĩ Phan Thị Vàng Anh con của cố thi sĩ Chế Lan Viên và nữ Văn sĩ ngoại lai (chồng ngoại) Phạm Thị Hoài.

Tác giả của "Chuyện tình viết trước lúc bình minh" giờ ở bên Pháp đang viết văn để "vạch trần" Cụ Hồ lấy kế sinh nhai. Phan Thị Vàng Anh thì đi mây về gió, làm "con rồng cái" trong tất cả mọi lĩnh vực văn nghệ, thơ, văn, báo chí, điện ảnh chi ...Thứ chi cũng làm tuốt, mà làm ra làm, cái gì cũng đạt đến đỉnh cả. Còn nữ sĩ Phạm Thị Hoài thì chế ra cái Talawas nức tiếng hải ngoại và vang dội đến tận quốc nội.

Hồi mới đầu, Talawas rất đáng đọc, vì nó có tính văn nghệ và có nhiều bài viết rất xuất sắc của những học giả danh tiếng, và những người làm văn nghệ nức tiếng. Sau này dính vào chuyện "lề trái, lề phải" chi chi đó, tự nhiên lại trở thành một cái diễn đàn, thượng vàng hạ cám chi cũng có, vàng thau lẫn lộn. Xáo xào thế nào thành ra một mâm cỗ thiu, cho tiếng vo ve đậu vào đó, chửi nhau như cái chợ cá. Mà được ngăn nắp như cái chợ cá Hamburg thì còn may, đằng này như cái chợ cá đầu cầu cảng hay góc Đồng Xuân à uôm thời Khánh Trắng, Dung Hà làm bảo kê. Chán!

Dạo này bật Talawas lên, chẳng muốn đọc nữa, đọc chỉ tổ thêm phí mắt.

Đang tiếc cho Phạm Thị Hoài, thì bất ngờ mụ Xanh gọi điện thoại khóc hờ hờ "Anh ơi, sao số em nó khổ thế này". Mình quạu lại "Răng rồi, hết chỗ đi du lịch hay không còn chỗ nào tiêu tiền nên sinh ra khổ vậy". Mụ Xanh tấm tức phọt ngay cái giọng "giang hồ" mà ngày xưa có một thời làm mình chết mê chết mệt ra: "Du lịch cái đ. gì đâu, thằng cha nhà em dạo này đổ đốn, tự nhiên ôm cái Talawas làm lẽ sống, bỏ bê công ty, chẳng đoái hoài chi đến vợ con, tối ngày lướt mạng tìm nguồn chửi bới cộng sản và chính quyền Việt nam. Ok, thì chả sống có lý tưởng, muốn làm một Lý Tống xịt hơi cay lên mặt mấy thằng ca sĩ đồng cô choai choai khạc mửa nhạc sến trên sân khấu thì kệ cha đi. Đằng này cứ đem cái Talawas ra mà hù dọa, mắng chửi vợ con như tát nước. Em chả biết cái Talawas ấy là cái gì mà cha nhà em suốt ngày úp mặt vào đó, như trai tơ phải bùa, úp mặt vào trôn gái góa vậy".

Mình nghe mụ Xanh "thổ lộ tâm can" theo phong cách chợ vải đường Bưởi , hết cả hồn vía, liền trấn an mụ: "Từ từ, ấy từ từ đã em, đừng có đao to búa lớn mà rách việc. Bọn mình là dân cùng đinh ăn nói cho nó phải phép, đừng có đụng đến vấn đề nhạy cảm mà mang họa vào thân. Chuyện gì có đó, để anh đến gặp lão xem sao, biết đâu đấy chỉ là hội chứng mạng ảo thôi chứ không có chính trị, chính em gì đâu. Yên tâm đi, anh đến thăm tụi em rồi tính"

Hôm rồi đến thăm vợ chồng hờ của mụ Xanh, mình cũng thất kinh xém vãi cả ra quần khi nghe lão chồng của mụ Xanh lý sự chuyện thế thời y hệt một chính khách có tài kinh bang tế thế. Lão xỉa xói mụ Xanh nào là, trình độ của em làm sao mà nói chuyện với anh được. Anh là một thành viên nổi tiếng, có danh vọng cao trong Talawas đấy nhé. Nghe đến danh của anh, cỡ Nguyễn Huệ Chi, Đoàn Viết Hoạt, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên..gì.. gì cũng phải nể mấy phần đấy. Những bài viết của anh được đánh giá như những cương lĩnh của mặt trật dân chủ đấy. Nào là, làm người dân Việt đang đứng trước hiểm họa cộng sản mà cứ bàng quang như tụi em thì còn gì là Tổ quốc và Dân tộc nữa. Nào là, Tổ quốc còn thì dân còn, cứ bàng quan như tụi em thì khi tổ quốc lâm nguy, vận mạng của người dân cũng đâu có còn. Nào là, bọn cầm quyền cộng sản nó ngu lắm, phải để cho những người như Talawas tụi anh lãnh đạo thì đất nước mình mới phồn vinh sánh vai cùng các nước trong vùng được. Nào là, trong Talawas có bài nói rằng, đến cái việc Việt nam nên làm chư hầu cho Mỹ hay làm chư hầu cho Trung Quốc cái nào lợi hơn, để khỏi phải bị mất nước cũng không biết nữa, thì làm sao lãnh đạo đất nuớc qua nổi cuộc can qua này được. Nào là, Talawas nói, xã hội Việt nam đang khủng hoảng Lãnh Tụ, là ý nói đang khủng hoảng những nhân tài như tụi anh đây về lãnh đạo đất nước đấy...vân vân và vân vân..

Nghe lão ấy trình bày quan điểm chính trị để vùi dập mụ Xanh, mình thấy thốn cái lỗ nhĩ thế, tự nhiên mình nỗi máu giang hồ, muốn dạy cho lão này về một bài học về trạng thái tâm thần phân liệt thể Vĩ Cuồng là sao. Mình đằng hắng, giả vờ phùng mang trợn má như một thành viên Talawas chính cống, bắn một tràng tới tấp lên ngọn lửa chính khách của lão ta: "Này, lão Cú (lão này có biệt danh Cú). Talawas là cái đéo gì vậy, mà lão mang ra hù họa vợ con lão ra vẻ oai phong thế. Nó chẳng qua là một trang Blog của một người vô công rồi nghề lập ra để buôn chuyện trên mạng ảo thôi. Lão có biết người thành lập ra trang đó làm gì không, là người ăn trợ cấp xã hội, hưởng Harzt 4 đấy. Là loại người rỗi việc, ấm cật nên sinh ra rửng mỡ. Lão có biết loại người lười biếng không chịu làm việc để hưởng Harzt 4 là loại người có đẳng cấp thấp nhất trong xã hội Đức không?. Là tầng lớp mà xã hội không coi trọng bằng mấy ả điếm hành nghề có môn bài đâu nhé. Vì mấy ả điếm còn đóng thuế để đóng góp cho quĩ phúc lợi xã hội. Quí báu chi mấy câu chữ của mấy người rách việc rỗi hơi sống nhờ vào vào tiền thuế của mấy người bán trôn nuôi miệng mà lão coi đó là kim chỉ nam để mang ra đày ải vợ con lão vậy. Lão tưởng lão là thành viên Talawas là oai phong lắm sao, là lấp đá vá trời đấy à. Chính trị với chả phụ trị, thành viên gì cuối cùng rồi cũng về tống vào mồm cái thứ vợ lão nấu, cũng úp mặt vô háng vợ hàng đêm. Lão có muốn chính trị thì lên mạng mà phát tấu, mà nổ, chứ đem cái thứ nhơ nhớp ấy về mà hành hạ vợ con là không được đâu đấy nhé, đúng là vớ vẩn ."

Lão Cú đang phừng phừng lý tưởng, nghe mình thoá mạ một hồi, sượng ra nghệt ra như ngỗng ỉa, mặt mũi tím bầm khi mình ví cái Talawas thần thánh của lão như "cái ấy".... Hai tay lão nắm chặt lại như chuẩn bị sống chết với mình. Thấy vậy, mình táng thêm một phát nữa:

- Này lão định oánh nhau với tớ đấy à, chứ lão không biết tớ là ai hả, một cái phẩy tay của đây, là đằng ấy giãy đành đạch thôi. Có ngon thì lão đấu khẩu với tớ về Talawas đi, lão có muốn tớ lôi cái tỏng tòng tong của Talawas để chứng minh cho điều tớ nói không?

Lão Cú, bất lực, đứng nghiến răng kèn kẹt, hồi lâu lão định chạy đến giáng tay vả vào mặt mụ Xanh, ai dè mình đã phòng bị trước, dang tay thọc vào gần nách lão, điểm vào huyệt bại xuội của lão. Lão uất ức gầm lên một tiếng như tiếng sói tru, mở cửa lao ra ngoài.

Mụ Xanh, thật tệ, thấy mình "thiết diện vô tư" bảo vệ mụ hoành tráng như "thảo khấu" Lương Sơn Bạc vậy mà mụ chẳng cảm ơn mình. Thấy mình vùi dập chồng mụ vậy, mụ lại đâm ra oán mình, thế mới cay mũi chứ. Mụ thấy lão Cú ôm đầu chạy ra ngoài, thì quay sang đay nghiến mình:

- Sao anh lại làm vậy, tưởng anh đến dàn hòa tụi em, ai dè anh ăn nói lại phũ thế. Tội cho lão Cú quá.

Thấy mụ Xanh thương chồng, mình mới nhẹ nhàng trấn an mụ:

- Thì phải phũ thế lão Cú mới tỉnh ra chứ

- Nhưng mấy cái chuyện anh nói về Talawas như vậy có đúng không, chẳng lẽ lão Cú nhà em trí tuệ lùn đến thế kia ư, không nhận ra hay sao

- Hì hì...mình vừa cười vừa nói với mụ Xanh- Nói thế nhưng không phải thế, chẳng qua là anh hàm hồ bịa chuyện ra vậy để phũ lão Cú vậy thôi, chứ thực tế, tuy rằng Talawas không còn đáng đọc như xưa nữa, nhưng không đến nỗi tệ hại vậy đâu, gần đây cũng có lại mấy bài viết có tính nhân bản ra phết đấy.

- Thế thì tại sao anh lại nói với giọng lưỡi chợ búa ấy, thiếu văn hóa quá. Anh không sợ bọn Talawas nó thịt anh à.

- Sợ chó gì, mình là dân vô danh tiểu tốt, ai để ý mà sợ. Chẳng qua là thấy lão Cú bị hội chứng Blog nó hành nên, phang một cú cho lão tỉnh ra thôi.

- Hội chứng Blog là gì hả anh?

- Là một chứng bệnh tâm lý, do Blog đưa lại. Em phải biết là trong một con người luôn tồn tại phần Người và phần Con, cũng như luôn tồn tại đồng hành giữa thế giới Hư và thế giới Thực. Thế giới Hư nó là mơ ước, là mong cầu, là khát khao, là tưởng tượng. Cho dù là thế giới Hư nhưng nó là bộ phận làm nên tư duy và trạng thái tâm lý của con người. Blog là một thế giới mạng, mà ở đó có sự nhào trộn rất huyễn mị giữa hư và thực. Tiếc rằng phong cách giao tiếp Blog được đặt trên nền tảng giao tiếp Khen Ngợi. Ở đó Bloger bị ru ngủ trong một thế giới tâm linh chỉ có khen mà không có chê. Blog là nơi giao tiếp bằng comment và reply. Những comment khen ngợi, phủ dụ cái tâm lý thích khẳng định mình của bản ngã thì được hoan nghênh. Còn comment có tính chê, thì lập tức bị đào thải ngay, Vì vậy reply cũng bị lâm vào tình trạng chỉ để "cảm ơn" và tự sướng. Cái phong cách giao tiếp này vô tình đã đẩy Bloger vào thế ngộ nhận. Từ những tích lũy về lượng nhiều sẽ dần dần thay đổi về chất. Bloger bị thâu nhiếp bằng sự thỏa mãn danh vọng, dần dần biến thành một hội chứng, mà hội chứng đó, chính là bệnh tâm thần phân liệt thể Hoang Tưởng, và trầm trọng hơn là thể phân liệt Vĩ Cuồng. Bloger qua lời khen ngợi xã giao, ngộ nhận mình là bậc siêu phàm. Nhất là những người có tý hiểu biết, biết tòm tèm viết văn hay làm thơ, hoặc am hiểu về thời sự, rất dễ bị bệnh Vĩ Cuồng, thấy cái bóng ảo của mình qua comment mà cứ tưởng mình là vĩ đại. Đó là hội chứng Bolg khá tai hại đấy. Lão Cú, chẳng phải là có tham vọng chính trị gì đâu. Chỉ vì lão có tý trí tuệ, vào chơi các trang như trang Talawas, Boxit, Đàn Chim Việt.....Lão có tý sắc sảo trong việc tập hợp tin tức, cộng với sự hoài niệm một thời vàng son của chế độ cộng hòa khi xưa, nên lão có những bài viết có tý hơi hám, qua các comment khen ngợi, lão đã ngộ nhận lão là bậc siêu phàm. Vì vậy phải dội cho lão tỉnh ra, không thôi sa đà, cuối cùng Lão sẽ trở thành một Lý Tống làm cách mạng bằng cách xịt hơi cay đấy.

Mụ Xanh nghe mình phân tích về chồng mụ, mụ cứ há hốc mồm ra như cá ngáp mưa. Hồi lâu mụ hỏi, vậy chứ anh có chơi Blog không đấy, mình nói có chứ, nhưng chỉ chơi văn nghệ thôi. Mình chỉ cho mụ Xanh xem Blog của mình. Mình không ngờ mụ này cũng văn thơ ra phết, cứ đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác của mình, miệng cứ "chà..chà...." suốt. Hồi lâu mụ bâng quơ, ngửa khuôn mặt kiều diễm của mụ lên, đôi mắt khép hờ, mộng mị, đẹp như một đoá sen trắng tinh khiết thăm thẳm mơ hồ, đọc một câu thơ của một thi sĩ nào đó mình quên rồi "Có khi nào trên đường đời tấp nập/ ta vô tình như thể lướt qua nhau..."

Mình nghe mụ Mèo này đọc câu thơ đó, hết hồn, lao ra xe rồ máy phắn gấp về Hamburg. Chạy trước chắc ăn, lỡ như mụ Xanh là con dao kim cương, mà mụ này thì có dư đao pháp kỳ lạ, mụ nổi hứng cho mình vào "Ngũ hành mê hồn trận", để mụ ấy đẽo gọt thì nguy tai cái thân mộc yếu đuối của mình.

Hú hồn, về đến nhà thấy thương thương lão Cú, không ngờ đầu hai thứ tóc, phiêu bạt đó đây khắp năm châu bốn bể mà vẫn chưa ngộ ra được đâu là chân hạnh phúc của đời, vẫn còn bị cái bả vinh hoa phú quí và danh vọng hão huyền nó mê hoặc. Mà có phải là quyền cao chức trọng gì cho cam, đó chỉ là sự tung hô của cái mạng ảo , cái trang Blog như một nhật ký cá nhân, Văn nghệ chẳng ra Văn nghệ, Chính trị chẳng ra Chính trị, chỉ là một thứ "oẳn tà rà oằn" không biết chống gậy như Cụ Nguyễn Công Hoan đã nói vậy thôi.

03.08.10