No Country For Old Men (2007)

Bộ phim của anh em đạo diễn Joel Coen và Ethan Coen đoạt bốn tượng vàng tại lễ trao giải lần thứ 80 của Viện Hàn lâm khoa học và kịch nghệ Mỹ tối 24/2, tổ chức tại Nhà hát Kodak (Los Angeles, Mỹ). Đó là các giải dành cho phim, đạo diễn, nam diễn viên phụ và kịch bản chuyển thể xuất sắc.

No Country For Old Men là bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cormac McCarthy. Bộ phim do hai anh em Joel và Ethan Coen cùng viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất, đã nhận được vô số lời khen ngợi từ giới phê bình và thắng lớn tại lễ trao giải Oscar lần thứ 80 với bốn giải: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản chuyển thể hay nhất và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Bộ phim mang sắc thái bạo lực, cũng là xu hướng chính trong các phim tham dự giải Oscar lần thứ 80. Việc nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các chuyên gia trong ngành điện ảnh và dẫn đầu danh sách đề cử với 8 tượng vàng đã nói lên những thế mạnh đa dạng của No Country For Old Men (đạo diễn, kịch bản, diễn viên,…). Nhưng giải thưởng chưa nói lên tất cả khi những thành công mang tính quyết định, khá quan trọng với bộ phim lại không có trong hạng mục trao giải của LHP. Hay nói rõ hơn bộ phim đặc biệt thành công về mặt hiệu quả âm thanh và lời thoại.

Nếu với những tình tiết căng thẳng, những pha rượt đuổi liên tiếp của tên sát nhân Chigurh (Javier Bardem), gã thợ săn Llewelyn (Josh Brolin) và viên cảnh sát trưởng Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones) bộ phim đã phát huy tối đa hiệu quả âm thanh để đem lại yếu tố bất ngờ, căng thẳng trên từng thước phim (không phải ngẫu nhiên mà bộ phim nhận được giải Cinema Audio Society Awards: Hòa âm hay nhất, một giải thưởng tiền Oscar), thì với lời thoại của nhân vật người xem lại được đi tới từng cung bậc của sự xung đột không phải trong hành động mà trong sự vận động tâm lý của nhân vật. Đây cũng là biệt tài của anh em nhà Coen khi xây dựng những câu thoại hết sức thông minh, đạt đến độ tinh tế về mặt biểu đạt hay khắc họa tính cách nhân vật.

Dù là độc thoại hay đối thoại, người xem luôn thấy được “sức căng” trên bề mặt tâm lý của các nhân vật. Hay nói cách khác lời thoại trong phim của anh em nhaf Coen nói chung và trong No Country For Old Men nói riêng luôn gợi mở nhưng hàm súc, khắc họa được tính cách, mối quan hệ của nhân vật, tình huống trong phim chứ không chỉ trau chuốt, chú trọng ở hình thức biểu đạt, diễn đạt của diễn viên khi thể hiện vai diễn. Và hơn hết owr No Country For Old Men mỗi đoạn đối thoại là một cuộc chiến thực sự giữa các nhân vật, dù ít hay nhiều đó luôn là sự tranh đấu của sự sống và cái chết, niềm tin và sự sợ hãi, quá khứ và tương lai để khẳng định chính mình hay khẳng định cái lẽ sống bên trong của nhân vật.

Ta có thể xem xét một số đoạn độc thoại điển hình trong phim của mỗi nhân vật để thấy rõ sự khắc họa thông qua lời thoại của bộ phim. Đầu phim là lời độc thoại của viên cảnh sát trưởng Ed Tom Bell về một quá khứ của miền tây Texas: “Thời trước cảnh sát không hề mang súng. Một số người cảm thấy khó tin vì chuyện đó. Jim cũng đâu cần mang súng. Bây giờ tôi lại thích nghe chuyện về thời trước.” Lời độc thoại, lời dẫn cũng là phần giao đãi mở đầu phim có mối quan hệ chặt chẽ tới tên cũng như nội dung tư tưởng của phim. Nhân vật Ed Tom Bell chính là biểu trưng của một lớp người, một thế hệ đã đi qua. Đây là nhân vật như nằm ngoài hành động chính của bộ phim (gã sát nhân truy tìm Llewelyn để lấy chiếc cặp đựng tiền). Mọi suy nghĩ, sự hồi tưởng của ông đều là hoài niệm, cái thế hệ đấy đã đi qua, những con người ấy đã cũ, họ hoang mang trước hiện tại mặc dù tội ác muôn đời vẫn thế. Lời dẫn đầu phim cùng với hai giấc mơ về người cha ở trường đoạn cuối phim của viên cảnh sát chính là sự hoang mang của ông khi đã đi đến cái ranh giới gần cuối cuộc đời, ông nhận ra mọi việc là số mệnh “Ta chẳng thể ngăn cản những gì đang đến, tất cả không phụ thuộc vào tôi ”.

Những lời thoại đó chính là sự mâu thuẫn trong tiềm thức về lẽ sống của cảnh sát trưởng Ed Tom. Khác với viên cảnh sát, Llewelyn cũng là một cựu quân nhân đam mê thú đi săn, nhưng chính gã lại trở thành con mồi không chỉ vì “tiền” mà còn vì “lương tâm” khi trở lại đưa nước cho một tên Mexico đang hấp hối ở nơi gã tìm được hai triệu đô. Sự mâu thuẫn dẫn đến quyết định quay lại nơi đó của Llewelyn được bộc lộ không hề hoa mỹ, cầu kì (mặc dù đây là mấu chốt dẫn đến sự phát triển tình huống, đường dây cốt truyện trong phim) mà chỉ đơn giản với hai từ OK bật lên giữa đêm tối trong giấc ngủ của gã. Đây chính là sự tinh tế trong cách đặt lời thoại của bộ phim mà người viết muốn nói đến.

Còn đối với gã sát nhân, không hề có một đoạn độc thoại nào bởi đơn giản sẽ không ai đoán được hắn nghĩ gì. Với hắn cái chết chẳng cần lí do gì, nó có thể đến ngẫu nhiên như trò chơi đoán mặt đồng xu. Việc hắn giết người là bản năng, hắn sinh ra đã là con người như thế và để làm những việc như thế. Cũng từ đây ta sẽ nói về những phần đối thoại giữa các nhân vật của No Country For Old Men để thấy rõ cuộc chiến thể hiện qua chính lời thoại của các nhân vật. Đây là đoạn đối thoại giữa Chigurh và ông già ở hiệu tạp hóa:

Chigurh: What time do you close?

Shopkeeper: Now. We close now.

Chigurh: Now is not a time. What time do you close?

Shopkeeper: Generally around dark. At dark.

Chigurh: You don’t know what you’re talking about, do you?

Shopkeeper: Sir?

Chigurh: I said you don’t know what you’re talking about. What time do you go to bed?

Shopkeeper: Sir?

Chigurh: You’re a bit deaf, aren’t you? I said what time do you go to bed?

Shopkeeper: Somewhere around 9:30. I’d say around 9:30.

Chigurh: I could come back then.

Shopkeeper: Why would you be coming back? We’d be closed.

(Gã sát nhân đặt đồng xu xuống)

Chigurh: Just call it.

Shopkeeper: Well, we need to know what we’re calling it for here.

Chigurh: You need to call it. I can’t call it for you.

Điều thú vị ở đây là những xung đột trong tâm lý, sự hoang mang của ông già cứ tăng dần. Trái ngược với sự bình thản đến rợn người của tên sát nhân đang dồn ông già đến chân tường, mọi sự phản khán đều yếu ớt, rụt rè. Người xem không thể đoán được kết cục cuối cùng của sự việc. Lời thoại cùng với diễn xuất tuyệt vời của Javier Bardem khiến cho đây chính là trường đoạn người xem cảm nhận rõ ràng nhất sự sợ hãi khi đứng trước cái chết, đứng trước tên sát nhân máu lạnh. Ta còn bắt gặp lại nhiều trường đoạn khác trong phim như khi Chigurh chĩa súng vào gã thám tử đang truy tìm hắn:

Carson: We don’t have to do this. I’m a daytrader. I could just go home.

Chigurh: Why would I let you do that?

Carson: I’ll make it worth your while. Take you to an ATM. Forteen grand in it. And everybody just walks away.

Chigurh: An ATM…

Carson: I know where the satchel is.

Chigurh: If you knew, you would have it with you.

Carson: Find it from the river bank. I know where it is.

Chigurh: I know something better

Carson: What’s that?

Chigurh: I know where it’s going to be.

Carson: Where is that?

Chigurh: It will be brought to me and placed at my feet.

Carson: You don’t know to a certainty. Twenty minutes it could be here.

Chigurh: I do know to a certainty. And you know what’s going to happen now, Carson? You should admit your situation. There would be more dignity in it.

Carson: You go to hell.

Đoạn đối thoại trên thực sự là cuộc đấu trí cân não đến nghẹt thở giữa ranh giới của sinh mệnh. Một bên cố tìm cho mình lối thoat khỏi cái chết cận kề, một bên là gã sát nhân tinh quái đang vờn con mồi như một trò chơi. Sự thay đổi trong nhân vật gã thám tử diễn ra rõ rệt khi cái chết ngày càng tiến gần. Mới đầu là sự ngạo mạn, bình tĩnh, sau đó run sợ và mất bình tĩnh. Mỗi bước chuyển cho thấy sức mạnh ngôn từ trong lời thoại của phim. Ngay sau cuộc đối thoại trên là cuộc nói chuyện giữa gã thợ săn và tên sát nhân Chigurh. Một điểm chung của tất cả những cuôc đối thoại nói trên là sự ám ảnh của cái chết, sự kinh hoàng. Kinh nghiệm là chưa đủ, bản lĩnh là điều phù phiếm, đứng trước cái chết chỉ có sự sợ hãi, nỗi sợ bản năng của loài người. Anh em nhà Coen đã tài tình đi trên cái ranh giới của sống – chết mà lột tả được được tình huống trong tâm lý nhân vật một cách đông đặc nhất thông qua lời thoại. Cuộc chiến trong tâm lý diễn ra ngay trong những lời thoại ngắn gọn mà ẩn chứa sự nguy hiểm, sự đổ máu có bất kì lúc nào. Đặc biệt lời thoại chiếm vai trò rất lớn trong viêc xây dựng thành công nhân vật tên sát nhân máu lạnh cũng như về mặt tiết tấu của No Country For Old Men.

Mặc dù điện ảnh là hành động, nhưng khi lời thoại đạt đến một giá trị nhất định thì đó cũng là linh hồn của bộ phim. Thậm chí một bộ phim có thể bị lãng quên nhưng những câu nói trong phim vẫn được người ta nhắc đến. Đây chính là điều các nhà đạo diễn, biên kịch cần hướng tới khi sáng tạo nên những tuyệt phẩm của riêng mình.

Trong 5 đề cử hạng mục phim hay nhất của giải Oscar lần thứ 80, No country for old men là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất , và những giải thưởng danh giá mà nó mang về thật không đáng ngạc nhiên chút nào bởi vì nó quá xuất sắc ...

Chuyện phim bắt đầu bằng lời tự sự của một cảnh sát trưởng già và chấm dứt cũng bằng tâm trạng của chính người này. Có vẻ như Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones đóng) vẫn nuối tiếc thời của cha và ông nội ông, khi mà các cảnh sát trưởng không cần phải mang súng. Bản thân ông đã là cảnh sát trưởng ở tuổi hai mươi lăm, và đã đưa một kẻ sát nhân nguy hiểm lên ghế điện. Nhưng thời thế ngày hôm nay đã khác. Nó mở đầu bằng việc một nhân viên dưới quyền ông bị một tội phạm ma túy, Anton Chiguh (Javier Bardem đóng), dùng hai bàn tay bị còng chẹt họng chết ngay trong đồn cảnh sát, đúng lúc anh ta đang báo việc bắt giữ hắn với cấp trên.

Còn với Lewelyn Moss (Josh Brolin đóng), chuyện lại bắt đầu từ một hướng khác. Nếu Moss không tình cờ nhìn thấy một bãi xác chết đẫm máu giữa hai phe buôn bán heroin và không động lòng tham bởi số tiền 2 triệu USD vô chủ thì hẳn cuộc đời anh vẫn bình lặng bên người vợ hiền ngoan. Số tiền lớn nhuộm đầy máu này đã trở thành một đại họa, đặt mạng sống của vợ chồng anh vào tay Chiguh. Bởi tên sát thủ này đang điên tiết truy lùng số tiền bị mất qua hệ thống phát sóng gài trong va ly.

Trên con đường Chiguh đi qua, máu trào tuôn như suối. Bất kỳ ai nhìn thấy hắn đều phải chết, và nhiều khi chẳng vì lý do nào cả. Hắn giết người như một phản xạ, một thói quen, bằng cả thứ vũ khí hiện đại nhất, đồng thời với thứ vũ khí tự chế quái gở nhất: một bình ga thay cho súng. Hình hài hắn đáng để người nào nhìn thấy phải chết: vô cảm, biến thái, là một điển hình ác quỷ đến từng ánh mắt, từng cái nhếch mép, từng tiếng nói nhát gừng..., ngay cả từng sợi tóc. Hắn có thể đến bất cứ nơi nào hắn cần và làm bất cứ việc gì hắn muốn, giết chóc bất cứ ai vào bất cứ lúc nào... mà pháp luật dường như không thể chạm được tới hắn.

Ba người Bell, Moss, Chiguh hợp lại thành một tam giác kỳ quái, tạo thành những cuộc truy đuổi, truy sát và trốn chạy liên miên. Bell đánh mất cuộc sống vợ chồng lẽ ra yên ả và thú vị của mình cho nhiệm vụ của một cảnh sát trưởng. Và người vợ - tri kỷ của anh phải tự tìm cách vui sống mà không cần chồng bên cạnh. Moss đánh mất sự an toàn của cuộc đời mình, chỉ vì món tiền nghiệp chướng, phải chạy trốn và suýt chết liên tục nhưng vẫn không đành lòng từ bỏ món tiền ấy. Còn Chiguh đánh mất cả linh hồn và nhân tính cho tiền và ma túy. Chiguh luôn theo sát Moss, vũ khí lúc nào cũng giương lên, nếu không giết được Moss thì giết người khác vậy

Phim kết thúc khi Moss ý thức rõ rằng thần chết chỉ ở cách mình một gang tay và có thể chính vợ mình cũng sắp thành nạn nhân của hắn. Anh đã đồng ý trả lại tiền cho Chiguh. Nhưng tất cả đã quá muộn. Tên sát thủ đã bắn chết Moss, và Bell tới chậm một bước đã không thể làm gì nữa. Vừa xong tang lễ của Moss, Chiguh lại lạnh lùng lẻn vào nhà và giết chết vợ Moss, thanh toán nốt phần còn lại của bản án.

Kịch bản phim dựa theo một tiểu thuyết được giải Pulitzer của Cormac McCarthy. Cách kể chuyện theo kiểu truyền thống, các sự kiện đan xen vào nhau rất cổ điển, nhưng yếu tố tượng trưng được tận dụng: mở phim là cảnh tên sát thủ đã sa lưới pháp luật nhưng lại lật ngược tình thế, giết chính người đã bắt được mình. Còn cuối phim, Chiguh bị tông xe sau khi ở nhà vợ Moss ra, tay gãy, máu me đầm đìa, chắc chắn sa bẫy luật pháp, nếu không được những thiếu niên tốt bụng vô tình trợ giúp. Chính những thiếu niên trong sáng và đầy ý thức cộng đồng này, về sau có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo của Chiguh...

Không bảo vệ được công dân của mình, cảnh sát trưởng Bell tuyệt vọng bỏ đi, tìm đến nơi có những giấc mơ mang hình ảnh người bố chết trẻ của mình. "Tôi đã già đi và không tin gì nữa".

Cái ác đang thắng thế, nhâng nháo có mặt khắp chốn và muốn làm gì thì làm, không thể bị ngăn chặn. "Xứ sở này quá khắc nghiệt với con người. Anh không thể ngăn cản những gì sẽ đến. Tất cả không phụ thuộc vào anh". Đó là một lời báo động, hay là lời kêu cứu của nhân loại?( N.T.K.C)

No Country for Old Men

Không Chốn Dung Thân

Đạo diễn: Joel Coen, Ethan Coen

Diễn viên: Tommy Lee Jones, Javier Bardem, Josh Brolin, Beth Grant, Garret Dillahunt

Nhà sản xuất: Paramount Vantage

Thể loại: Hình sự, Tâm lý, Kinh dị

Độ dài: 122 phút

Quốc gia: Mỹ

Năm sản xuất: 2007

“No Country for Old Men”, bộ phim được nói nhiều nhất trước lễ trao giải Oscar 80 đã trở thành “nhà vô địch” tại lễ trao giải năm nay khi giành tới 3 giải thưởng quan trọng: đạo diễn xuất nhất, bộ phim xuất sắc nhất và nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.