Phan Chí Thắng-Ngẫm lại mình

Phan Chí Thắng

Ngẫm lại mình (1)

Người Việt nam mình có một cái tính rất lạ, đó là hay chê bai kẻ khác. Ông điện thoại thường ngồi chê ông giao thông, bà y tế báng bổ cô giáo dục, chú du lịch dè bỉu cậu bóng đá, v.v.

Tất tần tật các ngành các lĩnh vực khác đều yếu kém, bất cập, ngu dốt. Tất nhiên là trừ ngành mình, địa phương mình và cá nhân mình!

Người Việt nam nào cũng nghĩ là mình tài giỏi. Rỗi hơi và thấp cổ bé họng như ông xe ôm thì suy nghĩ và phát ngôn như lãnh đạo, còn ông lãnh đạo thì nghĩ như...

Như gì nhỉ? Viết đến đây tôi tắc tị. Tôi không phải là lãnh đạo nên không biết lãnh đạo nghĩ gì. Đã không biết mà cứ cố nhét vào đầu người ta những ý nghĩ không thuộc về họ là việc làm khiếm nhã. Biết vậy nên tôi viết tiếp: "...lãnh đạo suy nghĩ như... lãnh đạo!"

Tôi là một người Việt đích thực. Tôi đang suy nghĩ và viết về những yếu kém của người Việt.

Có trừ tôi ra hay không?

Viết vậy thì tôi có kiêu căng ngạo mạn hay không?

Tôi có phải là kẻ mới học được dăm ba chữ, nhìn thấy vài ba thứ, đi đến một vài nơi rồi nay giống như gã xe ôm đang ngồi vắt vẻo trên cái xe hai bánh chờ khách, rỗi rãi mà đàm tiếu những chuyện quốc gia đại sự?

Bạn đọc có thể mắng vào mặt tôi như thế. Bạn có lý, vì bạn cũng là một người Việt như tôi. Khi nghe một ai đó nói điều gì, người Việt chúng ta quen quan tâm xem xét theo hướng như sau: Ai đang nói chứ không để ý nghe xem người ta đang nói cái gì. Nhiều khi nghe một người có tên tuổi đứng trên bục nói chuyện nhạt hoét vô thưởng vô phạt mà cả hội trường đua nhau ghi chép rột roạt. Cũng chính cái hội trường ấy sẽ ồn ào nói chuyện riêng nếu người đăng đàn phát biểu là một kẻ vô danh.

Điều này giải thích vì sao khi ông Kim Ngọc nói về khoán trong sản xuất nông nghiệp - điều rất quan trọng và bổ ích vào thời điểm đó - thì không ai thèm nghe ông ta (ông Kim Ngọc lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ, không phải là nhân vật cấp thấp), ngược lại còn liệt ông ta là phản động. Mãi sau này ông Kim Ngọc mới được công nhận là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới, được phong tặng những danh hiệu cao quý.

Tôi không có ý mạo muội tự cho mình là một người tiên phong. Tôi chỉ muốn nói là nếu chúng ta biết nghe những lời lọt tai và cả những lời chưa lọt tai thì chắc là chúng ta, cả dân tộc ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để khắc phục những sai lầm yếu kém trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.

Tôi xin nói trước là tôi sẽ viết rất lan man, không theo một sườn bài hay một kết cấu nào cả. Đây chắc chắn sẽ không phải là một câu chuyện tiểu thuyết hấp dẫn, đầy những tình tiết ly kỳ.

Nếu bạn đọc dừng lại ở bất kỳ trang nào của tập sách này thì đó là lỗi do tôi chưa biết viết cho ngon lành, còn nếu ai chịu khó đọc đến hết những giòng cuối cùng thì tôi rất muốn, tuy biết là không thể, ôm hôn người đó thay lời cảm ơn.

Gốc của vấn đề ở đâu?

Hồi còn nhỏ, một lần tôi được nghe cha tôi nhắc lại lời của Karl Marx: "Giải quyết một vấn đề cũng giống như giặt một cái áo sơ mi, ta phải túm được cái cổ áo thì mới giũ áo sơ mi sạch được".

Không rõ hình ảnh này do chính Karl Marx nghĩ ra hay ông ta chỉ nhắc lại một câu ngạn ngữ phổ biến bên Châu Âu, song tôi không bao giờ quên lời dạy của cha là muốn giải quyết vấn đề thì ta cần phải tìm ra cái gốc của nó.

Người Việt nam chúng ta có rất nhiều đức tính và phẩm hạnh. Ai nói xấu hoặc bôi nhọ dân tộc Việt nam, tôi sẽ là một trong nhiều người, rất nhiều người phản đối mạnh mẽ.

Không có những giá trị tinh thần và đạo đức cao cả thì chúng ta, với tư cách là một dân tộc có cương thổ xác định, đã không thể tồn tại qua hàng ngàn năm lúc nào cũng đầy ắp những nguy cơ bị kẻ thù bên ngoài tiêu diệt?

Chúng ta có quyền chính đáng tự hào về dân tộc mình. Và chúng ta cũng có quyền chính đáng nói rõ với con cháu, với những thế hệ mai sau về những yếu kém của mình, để chúng biết đường mà phấn đấu, mà vươn lên "sánh vai cùng các cường quốc năm châu bốn biển".

Một chiều mùa đông năm 1976 tôi có dịp ngồi nói chuyện với một viên sỹ quan già, cán bộ cấp sư đoàn. Hồi đó ta vừa kết thúc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước. Báo chí đăng lại những thông kê của nước ngoài về chi phí mà nước Mỹ đã phải bỏ ra cho chiến tranh Việt nam. Một người Mỹ là Tom Ryden ước tính chi tiêu cuối cùng lên tới 676 tỷ USD. Chi tiêu này là do cộng chung tất cả các chi tiêu phụ cho chính phủ liên bang và cho nền kinh tế Mỹ, trực tiếp và gián tiếp, kể cả phụ cấp của cựu binh, trả tiền lãi cho nợ quốc gia và ước tính số tiền thu nhập của nền kinh tế Mỹ. Người khác, nhà kinh tế Steven ước tính chi tiêu cuối cùng của Mỹ cho cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ lên tới 925 tỷ USD. Không rõ quy đổi ra thời giá hiện nay là mấy ngàn tỷ?

Với một người Việt thu nhập bình quân lúc đó chưa tới 100 USD/năm thì con số gần một ngàn tỷ thật quả là vô cùng to lớn. (Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số thu nhập bình quân đầu người ước tính cho cả năm 2008 là trên 1.000 USD. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khi có GDP bình quân đầu người vượt 950 USD, các quốc gia ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, và bước sang nhóm có thu nhập trung bình)

Vị sỹ quan già chậm rãi nói với tôi:

- Quy luật tiến hành chiến tranh là chi phí chiến tranh của người chiến thắng thường nhiều hơn của kẻ chiến bại.

Tôi hiểu ý của ông là Việt nam đã chi số tiền ngàn tỷ USD cho chiến tranh chống Mỹ. Lúc đó tôi hoàn toàn không hiểu chúng ta đã chi những gì mà nhiều thế. Bây giờ, khi bằng đúng số tuổi của vị sỹ quan lúc đó, tôi bắt đầu hiểu ra.

Lịch sử là cái mà không ai làm lại được. Cái gì đã xảy ra là nó đã xảy ra. Tôi nhắc lại lịch sử để hiểu cái đang diễn ra ngày hôm nay chứ không muốn chép miệng "Giá như lịch sử rẽ theo một hướng khác!"

Chúng ta đã mất hàng triệu sinh mạng, trong đó chủ yếu là những người tuổi trẻ, những người được gọi là "tương lai của đất nước".

Chúng ta có hàng triệu gia đình, nơi những đứa con lớn lên không có cha.

Chúng ta có ít nhất ba thế hệ thiếu sự giáo dục đầy đủ của gia đình.

Ai tính nổi những thiệt hại trước mắt và lâu dài của việc "mất dạy" này? Để có được "thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp" như mong mỏi của Thủ tướng Phạm văn Đồng thì chúng ta phải mất bao nhiêu năm nữa và phải chi hết bao nhiêu tiền?

Tôi rất buồn phiền khi thấy trẻ con bây giờ nói chuyện như cãi nhau, như xấn xổ sắp nhảy vào cào cấu nhau. Tôi rất đau lòng khi thấy nhiều cán bộ không có được một sự giáo dục tối thiểu về ứng xử.

Nhiều khi chúng ta hay đổ hết tất cả lỗi cho cơ chế. Đến khi cơ chế đã thông thoáng rồi, ta vẫn thấy nhiều chỗ tắc tị, đó là do người cán bộ vận hành cái cơ chế ấy không được dạy dỗ ngay trong trường phổ thông những quy tắc xã giao thông thường. Thay vì niềm nở thì anh ta cáu kỉnh, thay vì hướng dẫn thì anh ta bắt bẻ hoạnh họe, thay vì làm việc tận tâm thì anh ta chểnh mảng...

Tất nhiên không chỉ riêng một chuyện "vô học". Còn nhiều nguyên nhân nữa, chúng ta sẽ tìm hiểu dần.

Ngẫm lại mình (2)

Giáo dục là ngành quan trọng số một trong tất cả các ngành. Nó còn là một ngành cực kỳ đặc biệt.

Đối tượng của giáo dục là con người, sản phẩm của giáo dục là con người và tham gia vào mọi quy trình sản xuất trong ngành giáo dục cũng lại chính là con người.

Con người có thể đói ăn, thiếu mặc một khoảng thời gian nào đó nhưng nhất thiết không thể thiếu giáo dục một ngày.

Chúng ta tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa để làm gì nếu chúng ta không thể cho ra lò những con người văn minh hiện đại có đầy đủ tố chất về thể lực và tinh thần để vận hành cái xã hội mà chúng ta đang hướng đến?

Ngày nay chúng ta rất hay thấy trên truyền hình đưa những bài phỏng vấn mà cô cậu phóng viên không hề biết cách đặt câu hỏi và người trả lời phỏng vấn cũng không sao trả lời cho đúng trọng tâm câu hỏi. Ê a, ề à, lắp bắp. Nói dài mà không rõ ý. Đó là vì sao? Là vì trong trường phổ thông cũng như trên bậc đại học người ta không được dạy cách nói.

Cha ông ta có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". "Ăn" ở đây không thuần tuý là động tác cho thức ăn vào miệng, nhai rồi nuốt. Thế là đớp chứ không phải là ăn!

Vì sao việc học ăn lại được cha ông ta đưa lên hàng đầu?

Người Việt chúng ta, giống như một số dân tộc Á Đông khác, có thói quen ăn theo kiểu cộng đồng: các món ăn được bày ra để dùng chung, ai muốn ăn gì thì gắp cái đó, khác với cách ăn của người Âu Châu là thức ăn được chia phần rành mạch. Ăn uống kiểu cộng đồng đòi hỏi người tham gia vào hoạt động ăn uống phải nắm được một số quy tắc nhất định. "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng" là một trong số các quy tắc đó. Học ăn là thể hiện nét văn hoá đẹp, khi trong mâm cơm có nhiều người như: ông bà, cha mẹ, anh chị, khách... ta phải ăn thế nào để mọi người khỏi chê cười là người "tham ăn, tục uống", tránh ăn hùng hục, ăn lấy được, chọn miếng ngon ăn trước, không để ý những người xung quanh, kính trên nhường dưới. Đó chính là cách ăn của người có văn hoá, lịch sự trong sinh hoạt ẩm thực.

Ngoài nghĩa đen nêu trên, động từ "ăn" còn có nghĩa bóng. Nghĩa càng đa dạng hơn khi được dùng để cấu tạo từ ghép, ví dụ "ăn ý", "ăn hàng", "ăn khách", "ăn tiền", "ăn thua" v.v.

Trong nghĩa rộng, "ăn" là một hành động hấp thụ một lợi lộc nào đó về phía mình.

Vậy là cha ông ta rất coi trọng việc dạy con cái "ăn" theo nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng, đó chính là dạy con cái biết điều tiết những hành vi phục vụ lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng.

Đừng có tưởng rằng người ta mang phong bao đến hối lộ cho anh là anh có thể trắng trợn "ăn tiền" một cách dễ dãi!

Học nói thì khỏi phải bàn nhiều, ai cũng đã rõ. Con người phải biết nói sao cho rành rọt dễ hiểu, phải biết làm cho người nghe cảm thấy thú vị rằng họ được tôn trọng và thấu hiểu:

Lời nói không mất tiền mua

Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau...

Thế còn học gói học mở là gì?

Tác giả Nguyễn Ngự Bình trên báo điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cần Thơ viết: "Bên cạnh vấn đề học nói là học gói, học mở. Gói như thế nào cho thích mắt mọi người, cho đẹp không phải là chuyện dễ dàng (vấn đề thẩm mỹ). Vì thực tế cho thấy có những người rất khéo tay, ta quen gọi là "bàn tay vàng", nhưng lại có những người rất vụng về.

Bởi vậy học gói, học mở tuy đơn giản song đòi hỏi con người phải học tập, quan sát, khéo léo, có con mắt nghệ thuật mới tạo ra được những sản phẩm đẹp, ưng ý mọi người. Vấn đề ở đây không phải là học gói, học mở mà là ý nghĩa chung của công việc hàng ngày, phải ngăn nắp, cẩn thận, chu đáo, sắp xếp đâu ra đấy, có nề nếp, có khuôn phép trong gia đình. Mở rộng ra với xã hội là luật lệ, quy định ta phải tuân theo kiểu như "Sống, làm việc theo pháp luật".

Tôi cho rằng tác giả Nguyễn Ngự Bình viết đúng nhưng chưa đủ.

Sự thâm thuý của cha ông ta là ở chỗ nghĩa bóng, nghĩa rộng của câu tục ngữ.

Chúng ta cần biết khi nào thì nên "gói gọn" vấn đề và khi nào thì có thể "mở" nó ra.

Giả sử ai đó mắc lỗi với ta, người ấy biết đưa ra một lời xin lỗi đúng lúc và ta biết "gói gọn" vấn đề lại thì chắc chắn sẽ không bùng nổ một cuộc cãi vã đôi khi dẫn đến việc phải huy động nhiều từ ngữ tục tĩu trong kho tàng chửi bới rất phong phú của dân tộc ta, thậm chí tổng động viên cả hai nắm đấm và bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể khả dĩ có thể gây đau đớn cho đối phương.

Việc "mở" ra một vấn đề sao cho đúng lúc đúng chỗ cũng hoàn toàn không đơn giản.

Gặp đúng hôm cô bạn gái vừa thi trượt đại học, mặt buồn thiu, nước mắt lã chã, bỏ ăn nằm quay mặt vào tường mà anh bạn trai đã không biết an ủi động viên nàng thì chớ lại còn kiếm cách tỏ tình thì thôi rồi, tôi xin đảm bảo là con đường tình ái của anh này đã đi vào ngõ cụt.

Cha ông ta còn có câu: "Tiên học lễ hậu học văn". Tôi còn nhớ vào những năm 60 của thế kỷ trước tôi được đọc một bài trên báo Nhân Dân phê phán kịch liệt nhà giáo nọ đã khẳng định lại câu này. Tác giả bài báo ghép cho nhà giáo cái tội lạc hậu, thủ cựu, đi ngược lại đường lối giáo dục của Đảng. Tuy còn nhỏ, không đủ lý luận, nhưng tôi vẫn có cảm giác tác giả bài báo chưa hiểu hết câu nói "Tiên học lễ hậu học văn", hoặc giả ông ta "nói vậy mà không phải vậy".

"Học lễ" ở đây không đơn giản chỉ là học lễ phép, lễ độ, lễ nghĩa, lễ nghi..., những điều đương nhiên là cần thiết trong ứng xử của học trò đối với thầy và bạn, mà "lễ" phải đựoc hiểu theo nghĩa rộng là phép tắc làm người. Anh phải học phép tắc làm người trước khi học văn hóa, học các môn toán lý hoá văn sử địa...?

Cha ông ta quan tâm đến giáo dục như thế đấy. Nếu không quan tâm thì làm gì có những hiền tài như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung và nhiều người khác nữa để làm rạng danh đất nước?

Vậy hơn nửa thế kỷ qua chúng ta đã làm giáo dục như thế nào?

Ngẫm lại mình (3)

Trước khi viết tiếp tôi lại tự đưa ra câu hỏi: "Tôi có tư cách gì để bàn về vấn đề giáo dục?" Tôi không phải là nhà giáo, không phải là nhà nghiên cứu về giáo dục. Đã có nhiều người ăn cơm và bánh mì mòn răng để nghiên cứu vấn đề này rồi, cần gì một kẻ ngoại đạo như tôi?

Liệu tôi, với tư cách một người từng đi học, một người từng lẽo đẽo tham gia trong các ban phụ huynh học sinh chăm lo cho các con tôi đi học và bây giờ thì đang quan tâm đến chuyện học hành của mấy đứa cháu, tôi có thể nói lên ý kiến của mình về công tác giáo dục được không? Liệu ý kiến của những người như tôi có đáng được quan tâm hay không?

Trong kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do áp dụng hệ giáo dục phổ thông chín năm. Theo tôi chín năm, mười năm hay mười hai năm là không quan trọng. Cái chính là người ta dạy cái gì và dạy như thế nào mà thôi. Số các bác từng học phổ thông trong kháng chiến sau này hầu hết đều là những người có tài, hữu ích.

Chỉ buồn cười là hồi đó ở các vùng địch tạm chiếm thì học trò gọi thầy giáo là thầy xưng con, còn ở vùng tự do thì quy định gọi thầy cô là anh chị và xưng em. Người ta bảo thế mới là dân chủ. Cái thứ dân chủ ngộ nghĩnh ấy sau này bị huỷ bỏ, chuyển sang áp dụng lối xưng hô "thầy" và "em" như ngày nay.

Tôi nhớ khi chúng tôi còn học cấp 3 phổ thông có lưu truyền một câu nói: "Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa".

Tâm lý này là tàn dư của chế độ cũ, khi nghề thầy thuốc còn được trọng vọng và kiếm ra tiền.

Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến 1964 chỉ có những người thực sự giỏi mới được vào đại học. Đó là nói về học sinh phổ thông, còn đối với các cán bộ được cử đi học thì lại là một thể thức hoàn toàn khác. Nhiều cán bộ mới học xong cấp hai được vào học chuyên tu một năm ba lớp để rồi còn kịp đi học đại học trong hoặc ngoài nước. Từ đó có câu: "Dốt chuyên tu, ngu hàm thụ".

Theo tôi, thời kỳ mới hoà bình lập lại, chúng ta rất thiếu cán bộ, việc đào tạo gấp rút như thế là hợp lý. Điều đáng nói là cái gì hợp lý mà cứ kéo quá dài thì sẽ trở thành vô lý.

Tiêu chuẩn tuyển chọn người vào đại học cũng rất trớ trêu. Người học giỏi thì được chọn vào Bách khoa, Y, Dược, Tổng hợp..., kém hơn một chút thì vào Tài chính, Ngân hàng, Nông lâm, những anh bét bảng về học lực và lý lịch thì cho vào... Sư phạm!

Điều đó thể hiện quan điểm sai lầm về công tác giáo dục. Sinh viên Sư phạm là những người không phải giỏi nhất, đạo đức nhất thì khi ra trường họ sẽ dạy được gì, dạy được ai và họ có thật sự yêu nghề hay không? Sinh viên Sư phạm luôn than vãn: "ăn như sư, nói như phạm" - ăn uống đạm bạc như người tu hành và nói năng như phạm nhân?

Làm sao mà học trò có thể tôn trọng những thầy cô mà về nhà ông bố của chúng nói thẳng toẹt vào mặt con mình: "Thằng thầy mày ngày xưa học cùng với tao, ngu nhất lớp!"?

Khoảng năm 1963-1964 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cảm thấy nhiều bất cập trong ngành Giáo dục, ông đích thân đi "kinh lý" một số trường ở nhiều địa phương khác nhau và về đã viết một số bài quan trọng mong chấn chỉnh công tác giáo dục. Những điều Thủ tướng nói cách đây bốn mươi lăm năm nay hầu như vẫn còn mới mẻ, có lẽ là do ngành Giáo dục nước nhà chưa có bước tiến bộ nào rõ rệt so với thời bấy giờ?

Hôm đó Thủ tướng đến dự giờ Địa lý của lớp tôi. Thầy Sửu dạy Địa là một thầy rất giỏi, lớp tôi lại là một lớp được xếp vào loại khá trong trường.

Thủ tướng hỏi ai biết Châu Mỹ La tinh có những nước nào. Tôi liều lĩnh xung phong trả lời. Thầy Sửu mặt cắt không còn hột máu vì tôi là thằng lười học môn Địa nhất lớp. May sao giải vô địch bóng đá thế giới 1962 vừa tổ chức xong ở Chi Lê (hồi đó ta còn gọi là Chili), tôi thuộc nằm lòng tên các đội tuyển bóng đá của Châu lục này. Thủ tướng cười ha hả khen tôi thuộc bài. Nhưng khi Thủ tướng truy tiếp còn có những nước nào khác nữa ở Châu Mỹ La tinh thì tôi tắt điện vì tôi chỉ nhớ tên mấy nước có đội bóng tham dự giải bóng đá mà thôi.

Thủ tướng quyết định không hỏi về thế giới nữa mà hỏi về Việt nam, và ông không cho học sinh xung phong mà chỉ định luôn Phạm Minh Ngọc đứng lên trả lời. Cả đời tôi sẽ không bao giờ quên tên cô bạn Phạm Minh Ngọc chính là nhờ cú trả lời có một không hai này.

Thủ tướng hỏi đảo Hải Nam nằm ở phía nào của Việt Nam. Minh Ngọc như nuốt mất lưỡi vào bụng, đứng yên không trả lởi, mặt đỏ bừng. Một số bạn nhắc khẽ (học trò là thế, bao giờ cũng có vụ nhắc bài, cho dù trước mặt là thầy giáo hay Thủ tướng đang kiểm tra), đứa thì nói là phía đông, đứa lại nói là phía nam. Minh Ngọc lý nhí thưa là đảo Hải Nam nằm ở phía nam Việt Nam, trong tiếng cười ha hả của Thủ tướng, nhưng lần này là cười để che dấu nỗi thất vọng.

Sau này khi đi nói chuyện nhiều nơi về công tác giáo dục, Thủ tướng luôn đưa câu trả lời của Minh Ngọc ra làm ví dụ về việc chúng ta dạy địa lý như thế nào mà học sinh không biết đảo Hải Nam nằm ở phía nào của nước ta.

Cái sự dạy và học của chúng ta là như thế đấy. Thầy giáo cố nhồi nhét kiến thức cho học sinh mà không cần biết những gì sẽ đọng lại trong đầu học sinh.

Tôi luôn cho rằng ngày nay điều quan trọng nhất trong dạy học không hẳn chỉ là dạy kiến thức mà là dạy cho học sinh cách thu thập, chọn lọc và sử dụng kiến thức như thế nào. Cái thời học thuộc lòng Tam tự kinh qua lâu rồi. Ngày nay, với một cú clik chuột, bất kỳ ai vào internet đều có thể dường như ngay lập tức lấy ra được những thông tin và kiến thức bổ ích cho mình. Dạy cho học sinh cách tự bồi bổ kiến thức - đó chính là một trong những việc dạy làm người.

Một điều thú vị nữa là vào năm cuối cấp ba phổ thông chúng tôi được học vi phân, lấy đạo hàm, điều mà nhiều nước trên thế giới chỉ đưa vào chương trình đại học. Chúng ta muốn tỏ ra là mình hơn người chăng? Tâm lý "hơn người", muốn tạo ra những cái không đâu vào đâu để tự hào mình hơn người liệu có đúng không?

x

x x

Đến lượt chúng tôi thì bắt đầu lấy ồ ạt vào đại học.

Chúng tôi được giải thích là chúng ta học tập kinh nghiệm của Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhờ đã tranh thủ cử rất nhiều thanh niên ra nước ngoài học tập, sau hoà bình lập lại họ có ngay lực lượng xây dựng đất nước. Nhưng hình như cái kinh nghiệm chọn người để đào tạo và sử dụng sau đào tạo của họ ta chưa quan tâm học hỏi đến nơi đến chốn thì phải. Chuyện này tôi viết sau.

Riêng số học sinh đi Liên xô năm đó theo danh nghĩa là của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã là gần ba trăm người, số do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam cũng xấp xỉ như thế. Còn số đi Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hunggari, Bungari, Rumani, Mông Cổ, Triều Tiên, Cu Ba cộng lại chắc cũng phải lên cả ngàn người.

Ta không cử người đi Nam Tư vì Nam Tư là nước "xét lại", Anbani thì đang ly khai phe Xã hội Chủ nghĩa nên ta cũng không ký hiệp định đào tạo với họ.

Đi Trung Quốc là đông nhất. Tôi không có số liệu là tổng lên đến bao nhiêu người, chỉ biết riêng một lớp cấp ba của tôi đã có hơn mười người được đi học Trung Quốc. Hồi đó, gia đình nào có con được đi Trung Quốc là mừng lắm, họ nói rằng bên đó ăn uống giống ta, Trung Quốc đoàn kết "môi hở răng lạnh" với Việt Nam, đời sống thuần phong mỹ tục chứ không hư đốn như ở các nước châu Âu và về mặt địa lý thì lại gần gũi, dễ đi phép về thăm gia đình.

Chỉ hơn một năm sau, toàn bộ lưu học sinh Việt nam ở Trung Quốc phải về nước hết do Cách mạng Văn hoá. Họ được sắp xếp vào học các trường đại học trong nước. Các trường này bung ra nhận kế hoạch đào tạo bổ sung, mà lại toàn ở các khu sơ tán xa Hà Nội!

Tôi liên tục ra ga Hàng Cỏ tiễn bạn đi học nước ngoài, chờ mãi không thấy đến lượt mình, trong khi đã nhận được giấy báo vào học Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thể dục Thể Thao Từ Sơn (!), Đại học Y và cả Đại học Tổng hợp (Văn). Đến cuối tháng 10 năm đó tôi mới có giấy gọi tập trung học ngoại ngữ ở Thanh Xuân để chuẩn bị đi Liên xô học đại học. Hoá ra tôi thuộc loại có thể yên tâm cho sang học tập ở một nước đang có chủ nghĩa xét lại.

Trong số gần ba trăm người lứa chúng tôi đi Liên xô học sau này có nhiều vị nắm giữ những cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Một vị Phó Thủ tướng, nhiều vị thứ trưởng, vụ trưởng, giám đốc các sở ở địa phương. Tôi không dám nhắc đến một vị cực kỳ to, sợ bạn đọc cho rằng tôi thấy sang bắt quàng làm họ.

Khoá học đó ở Bách Khoa Kiev có mười người thì tám người là cán bộ đi học. Thường thì con cháu các ông to được bố trí học ở Matxcơva để Sứ quán tiện theo rõi giúp đỡ và thân nhân có sang thì cũng dễ gặp hơn là phải đi đến thủ đô các nước Cộng hoà xa hàng trăm cho đến hàng ngàn cây số.

Mười tên chúng tôi chỉ có hai người là học sinh phổ thông đi học sau này về làm việc theo đúng ngành nghề, còn lại hầu hết chuyển sang làm công tác quản lý. Tấm bằng đại học chỉ là giấy thông hành đi vào hàng ngũ quan chức hoặc chỉ là để cho chủ nhân của nó có chỗ đứng dưới ánh mặt trời mà thôi.

Khi lượng tăng thì tất nhiên chất phải giảm. Sinh viên Việt nam một thời nổi tiếng học giỏi ở Liên xô, thầy giáo yêu mến, bạn bè quý trọng thì nay hầu hết trở thành đối tượng "thông cảm" của các giáo sư, trở thành những người mang tấm bằng tốt nghiệp đầy tính chất hữu nghị.

Một vị là Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt nam phụ trách kỹ thuật hễ máy thu hình bị hỏng là gọi tôi đến sửa giúp, chắc là ngại nhờ lính của chính mình đến làm việc đó. Vui thật.

Ngẫm lại mình (4) - Anh bạn tiến sỹ của tôi

Trên danh thiếp của anh ta có ghi rõ ràng: TS Trần Văn Tôi.

Anh ta được phép ghi thế, mặc dù anh ta chỉ là phó Tiến sỹ, sau này nhờ Nhà nước cho nằm chung một chuồng với các tiến sỹ, nên anh ta là tiến sỹ.

Nói dại, nếu Nhà nước ta thành lập một Viện Hàn lâm Khoa học độ khoảng năm ngàn người, chắc hẳn ông bạn tôi đã là Viện sỹ ngon ơ rồi.

Ở ta dùng từ "phó Tiến sỹ", chứ ở Liên xô, nơi cấp số lượng lớn bằng đại học và trên đại học cho các sỹ ở Việt nam, người ta dùng từ "кaндидат" nghĩa là "ứng viên" vào học vị tiến sỹ. Người này phấn đấu còn khuya mới lên được hàm tiến sỹ, chứ không hề là phó cho ông tiến sỹ nào hết.

Chúng ta là chuyên gia đi tắt đón đầu, không phải đầu tư, chả phải vất vả, chỉ cần ra một cái quyết định thế là có ngay mấy chục ngàn tiến sỹ.

Anh bạn tôi ngủ qua một đêm, sáng ra đã thấy mình là tiến sỹ thứ thiệt.

Nhà nước đã quy định thì mọi người phải tuân theo, trong chuyện lên tiến sỹ, anh bạn tôi không có lỗi gì hết.

Thế nhưng cái chuyện phó Tiến sỹ của anh ta là khá khôi hài, và cũng không phải là trường hợp cá biệt, vì vậy tôi phải cố công chép nó vào đây.

Hồi đó chúng tôi là một lũ mới ra trường, tên nào tên nấy hăm hở muốn mang sức trẻ và số kiến thức vừa mới được trang bị ra phục vụ đất nước. Kẻ thì đăng ký làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước, người thì đề tài cấp Bộ, chí ít thì cấp Viện. Ông bạn của tôi do học không giỏi lắm, đầu óc chậm hơn chân tay, nên toàn được giao việc điếu đóm cho một đề tài nào đó. Chạy vật tư, xin kế hoạch, nếu không thì ngồi cầm mỏ hàn làm việc như một công nhân thí nghiệm.

Được cái anh ta rất tích cực những việc mà các nhà "khoa học" ngại làm, mà nếu muốn làm cũng không có thời gian, đó là làm báo tường, kẻ khẩu hiệu, trồng rau xanh đầu nhà và tích cực lân la trò chuyện với các đồng chí cán bộ đảng viên.

Vậy là anh ta được kết nạp đảng, một trong những người thuộc lứa đầu tiên. Chúng tôi mừng, vì đảng viên trong cơ quan hầu hết là các vị bộ đội chuyển ngành hoặc thanh niên xung phong, làm sao lãnh đạo được một cơ quan nghiên cứu KHKT, bây giờ có thêm mấy ông trí thức vào đảng, chắc chắn chi bộ sẽ mạnh hơn.

Một vài năm trôi qua. Cơ quan có chỉ tiêu cử hai người đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Tất cả những người đang làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học (thường ít nhất là một năm, không thì hai ba năm) đều không thể bỏ công việc mà đi được. Bạn nên hiểu là một cơ quan nghiên cứu, quỹ lương được nhà nước cấp theo số đề tài thực hiện. Vỡ đề tài là vỡ nồi cơm của cả cơ quan, chưa nói có khi vỡ luôn cái ghế của mấy ông lãnh đạo Viện.

Vì vậy đám thực sự nghiên cứu khoa học thì không được đi nghiên cứu sinh. À, phải nói là chưa được đi thì mới chính xác khoa học chứ?

Ông bạn tôi được đi, vì đang không đảm đương đề tài, lại là đảng viên.

Tôi nhớ là chỉ còn mấy bữa nữa là phải thi ba môn, trong đó có môn toán. Mặc dù đã được nghỉ hơn ba tháng ôn thi, ông bạn tôi vẫn ngồi cắn bút làm mãi không xong một bài toán. Một ông bạn khác đi qua, thấy thế ngứa mồm:

- Mày ngu thế, đặt cụm này bằng "a" là giải được ngay thôi mà!

Ấy thế mà ông ông bạn tôi vẫn không tự ái, người không tự ái mới là người cầu tiến.

Ấy thế một cái nữa: ông bạn tôi qua được kỳ thi, có lẽ là đỗ vớt do thiếu chỉ tiêu và vẫn đi Nga làm phó Tiến sỹ, để bây giờ đương nhiên làm cái ông tiến sỹ trên... danh thiếp.

Học xong phó Tiến sỹ về, ông bạn tôi tiếp tục điếu đóm cho các đề tài, làm công tác thanh niên, làm công tác công đoàn rất tích cực. Có điều là ông chả có một công trình khoa học nào, âu cũng là tại số?

Gần đây nghe tin sắp sửa có cái khu gì đó để khắc tên, vinh danh các tiến sỹ đương đại. Tôi rất mừng.

Thế là sẽ có chỗ để thỉnh thoảng mình lên đó, thắp hương cho ông bạn tiến sỹ đáng kính!

Ngẫm lại mình (5) - Chuyện dọc đường

Trên đường đi công tác chúng tôi đã gặp ông Lê Ất Hợi - nguyên Chủ tịch UBNDTP Hà Nội (giai đoạn 1989 - 1994) trong một quán ăn ở ven đường. Tôi không nhớ chính xác cuộc gặp này là vào cuối năm 1994 hay đầu năm 1995.

Lúc này ông Hợi đã thôi làm Chủ tịch Thành phố Thủ đô. Tôi kém ông đúng một Giáp, về cấp bậc thì tôi kém ông xa. Có đôi lần ông thay mặt Thành phố tiếp đoàn khách nước ngoài của Bộ chúng tôi, tôi làm phiên dịch. Người nước ngoài toàn gọi ông là Ngài Thị trưởng.

Chúng tôi bước vào một cái quán bình dân gần Bắc Ninh để ăn trưa. Ông Hợi đã ngồi đó, một mình, vẻ mặt tư lự. Nhận ngay ra ông, nhưng theo phép tắc được dạy, tôi không dám chủ động đến chào. Phép xã giao quy định người trẻ tuổi hơn, người cấp dưới không được chủ động chìa tay ra bắt tay người lớn tuổi, người có cấp bậc cao hơn mình.

Chúng tôi đang đưa mắt tìm một cái bàn khả dĩ ít bẩn hơn để ngồi thì ông nhận ra một người quen trong số chúng tôi, anh này có chức vụ tương đương với ông Hợi. Ông đứng lên niềm nở mời chúng tôi lại ngồi cùng bàn.

Bữa cơm công vụ khá đạm bạc, canh chua, cá kho và cà muối. Ông Hợi gọi thêm mấy chai bia Hà nội, rào đón trước: "Tôi mời các anh. Tiền túi. Các anh đương chức về cơ quan phải làm thủ tục thanh toán với tài vụ mệt lắm!".

Ông cười, tán thưởng câu nói đùa của mình, làm cho không khí trở nên thân mật.

Lần này do không phải làm phiên dịch, tôi có thời gian ngắm kỹ ông. Một người trí thức, nho nhã, động tác khoan thai, dùng từ chuẩn mực, cách diễn đạt rõ ràng và ngắn gọn.

Tôi có tật là hễ gặp ai ăn nói gọn ghẽ là mê ngay. Là phiên dịch, tôi từng phải dịch cho khá nhiều người có tài nói mà người nghe không hiểu là họ nói gì. Người nghe có thể tặc lưỡi bỏ qua chứ anh phiên dịch thì không thể, vì anh ta phải dịch. Vì thế tôi rất căm những kẻ nói mà tôi không hiểu, ngược lại, rất mê những ai biết nói tiếng Việt một cách trong sáng.

Vừa ăn vừa nói chuyện. Ta thường như thế mà Tây cũng vậy. Nói chuyện trong bữa ăn rất thú vị, nhất là những người chỉ gặp nhau trong bữa ăn.

Hồi tôi còn bé, cha mẹ bận đi làm suốt ngày, tối ngồi vào mâm là cha tôi thường la mắng con cái, vì ông không có lúc nào khác để "giáo dục" chúng tôi. Điều này thật phản khoa học và phản giáo dục. Bữa cơm ngon lành bị biến thành một cuộc chỉnh huấn, dịch vị biến mất, lấy đâu mà tiêu cơm? Sau này khi đã có con, vợ chồng chúng tôi bảo nhau không được rầy la con cái trong bữa ăn, để cho cả nhà ăn uống vui vẻ, có gì cần nói thì ta nói sau. Hình như các con tôi cảm thấy hạnh phúc về điều đó.

Thật bất ngờ là ông Lê Ất Hợi lại rầy la trong bữa ăn. Tất nhiên là ông không rầy la chúng tôi. Ông than phiền quy hoạch thành phố chả ra đâu vào đâu, quản lý đô thị yếu kém, xây cất bừa bãi, giao thông ùn tắc, đường vừa làm xong thì lại đào bới v.v. và v.v.

Tôi há hốc mồm ngồi nghe. Xin lỗi, nói há hốc mồm ngồi nghe là nói theo thói quen chứ đúng ra thì tôi vừa ăn vừa nghe một cách chăm chú.

Ông nói giống như bất kỳ một người dân Hà Nội nào nói về thành phố của mình, thậm chí đúng hơn, đầy đủ hơn và mang tính tổng hợp hơn, chả gì ông cũng là người đứng đầu thành phố suốt một nhiệm kỳ năm năm?

Tôi tự hỏi ông đã biết hết tất cả những yếu kém trì trệ của thành phố, tại sao ông, một người có quyền lực lớn nhất trong thành phố lại bất lực, bây giờ khi đã nghỉ hưu rồi mới than vãn như một người bất đắc chí?

Là người thông minh, ông Hợi hiểu ngay câu hỏi không nói ra của tôi. Ông buồn bã lắc đầu:

- Cơ chế của ta nó thế!

x

x x

Không phải ngẫu nhiên mà tôi nhớ lại và chép câu chuyện về ông Lê Ất Hợi vào đây.

Tôi không tán thành một số người có kiểu chửi đổng là mấy ông lãnh đạo nhà ta yếu kém.

Tôi biết nhiều vị lãnh đạo, có thể là không tất cả, đều được đào tạo đến nơi đến chốn, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực mình phụ trách.

Ông Tạ Quang Bửu, một nhà bác học không học vị, là người rất giỏi và tâm huyết với ngành Giáo dục. Ông từng nhiều năm làm Bộ Trưởng ngành Giáo dục. Các thế hệ bộ trưởng sau này cũng thế. (Tạ Quang Bửu (23 tháng 7 năm 1910 - 21 tháng 8 năm 1986) là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa VI (1946-1981).

Ông Tạ Quang Bửu từng phản đối việc cho điểm ưu tiên khi thi vào đại học. Ông cho rằng những đối tượng nào cần ưu tiên (bộ đội, công nhân có thành tích, con em gia đình có công, con em các dân tộc miền núi...) thì Chính phủ phải có chương trình hỗ trợ các đối tượng này bổ sung kiến thức cho đạt ngưỡng như bất kỳ thí sinh nào khác, chứ không ưu tiên hạ điểm đỗ đại học cho họ. Đầu vào chưa đạt chuẩn thì đầu ra chất lượng chắc chắn sẽ không đảm bảo.

Ý kiến đúng đắn của ông Tạ Quang Bửu đã không được chấp nhận.

Bạn bè tôi nhiều người làm trong ngành giáo dục, ở cơ quan quản lý, nghiên cứu, cũng như trực tiếp giảng dạy, khi đọc những bài viết này của tôi, họ đều nói là họ biết tất cả những gì tôi viết, thậm chí biết nhiều hơn (đương nhiên rồi!). Họ thông thái, họ được đào tạo và cống hiến suốt cả đời cho sự nghiệp giáo dục, họ là người ở trong chăn nên biết có rận, vậy vì sao mọi chuyện vẫn Nguyễn Như Vân (vẫn như nguyên)?

Đành phải mượn câu trả lời của ông Lê Ất Hợi:

- Cơ chế của ta nó thế!

Ngẫm lại mình (6) - Sau đại học

Người ta thường dùng cụm từ "sau đại học" để chỉ các bước dùi mài kinh sử tiếp theo nhằm đạt trình độ cao hơn hoặc thuần tuý chỉ là để có bằng cấp cao trên mức đại học.

Tôi thì lại muốn nói việc các sinh viên tốt nghiệp ra được sử dụng ra sao "sau đại học". Nói về thời chúng tôi. Về thời khác xin để người khác nói.

Mùa hè năm 1972 tôi đạp xe lên Thượng Cát, một xã nằm ven sông Hồng, ở phía trên Chèm, quá cầu Thăng Long ngày nay một chút về phía thượng nguồn để nộp giấy phân công công tác cho đơn vị mà lúc đó tôi nghĩ sẽ là nơi mình mang sức trẻ máu đào ra cống hiến suốt đời.

Do ngành tôi học thuộc loại "ngành nặng", tổng cộng gồm 11 học kỳ, tức là 5 năm rưỡi chứ không phải bốn năm hay năm năm như các ngành khác nên khóa chúng tôi tốt nghiệp vào mùa đông, lên tàu về nước đúng ngày mồng tám tháng Ba, ngày Quốc tế phụ nữ.

Về nước lại trúng vào lúc cơ quan Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lục tục đi sơ tán, mãi tôi mới được lên Chùa Thầy, nơi Vụ Quản lý Lưu học sinh đang sơ tán trong nhà dân để nhận quyết định về đâu công tác.

Hồi đó tổ chức phân công ta cái gì là ta phải chấp hành cái đó, cấm cãi.

Việc phân ngành học cũng thế. Một ông bạn cùng lứa với bà xã tôi được phân đi học bảo tồn bảo tàng, ngồi khóc mấy hôm liền. Bạn bè được học toàn những ngành oai oách, riêng mình phải học cái ngành oái oăm như thế, ai mà chịu được. Đời may hơn khôn, ông bạn này nghĩ thế rồi yên tâm học hành, coi như mình không gặp may. Mà rồi đúng là may hơn khôn thật. Về bộ Văn hoá làm, nơi rất nhiều các vị "tay ngang" chưa qua đào tạo, ông bạn này nhanh chóng được đề bạt, hiện làm Cục trưởng cả chục năm nay rồi. Trong khi đó, ối ông học những ngành có tên kêu choang choang thì vẫn lận đận ở tận đâu đâu.

Sau này, trong một dịp về làm việc với tỉnh Hà Nam Ninh, tôi mới được anh Hợp Giám đốc Sở Thuỷ lợi Hà Nam Ninh nói cho biết là anh - Bí thư chi bộ lớp tôi đã cùng với Đảng uỷ Nhà trường sắp xếp ngành học cho tôi (chúng tôi học Chuyên tu Ngoại ngữ Thanh Xuân để chuẩn bị ra nước ngoài học đại học. Tất cả các thầy các cô đều là dân ngoại ngữ mà lại ngồi xem xét để sắp xếp cho học sinh đi vào tất cả các ngành khoa học và công nghệ, chưa kể anh Hợp cũng chỉ là một học sinh như tôi!). Anh Hợp nói đáng lẽ tôi đi học chế tạo máy bay nhưng anh đã thuyết phục mọi người để tôi đi học ngành điện tử vì anh thấy tôi đã lắp đài ga-len từ năm học lớp 5. Nếu anh ấy mà biết là từ năm lớp 5 tôi đã rất mê chơi tem thì có khi anh ấy đã cho tôi đi ngành sản xuất tem bưu điện rồi chăng?

Cất kỹ tờ giấy quyết định trong cặp, tôi hào hứng đạp xe hai mươi cây số. Hà Nội hồi đó còn vắng tanh, ra đến Đội Cấn đã là ngoại thành. Những thửa ruộng xanh ngát trải dài trước đôi mắt của một chàng trai hăm hở bước vào đời.

Lòng vòng hồi lâu trong làng rồi tôi cũng tìm ra nhà của thủ trưởng cơ quan Phòng Nghiên cứu Điện tử Bộ Cơ khí Luyện kim. Chỗ này phải nói thêm một chút. Chính phủ quy định chỉ có Chính phủ mới ra quyết định thành lập các Viện nghiên cứu, Bộ chỉ được phép ra quyết định thành lập các Phân Viện và Phòng nghiên cứu thôi. Vì thế cơ quan chúng tôi mới có tên là Phòng nhưng lại là phòng trực thuộc Bộ, làm nhiệm vụ nghiên cứu như là một viện thứ thiệt. Đó cũng là một kiểu lách luật, có phải bây giờ người ta mới lách luật đâu?

Ông đại uý công binh - Trưởng phòng tiếp tôi. Thời kỳ ông Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng Bộ Cơ khí Luyện kim tất cả các ban bệ của Bộ đều do người bên quân đội chuyển sang nắm giữ.

Trưởng phòng rót nước mời, hỏi han thân thiện sơ về gia đình, quá trình học tập rồi yêu cầu tôi trình bày tóm tắt luận án tốt nghiệp.

Tôi thật thà trình bày mọi việc như chúng vốn có, say sưa nói về đề tài ca-tốt lạnh của mình. Sau này tôi mới biết là hôm đó nếu tôi trình bày một đề tài nào khác, ví dụ nói về mạch tổ hợp hay về tia la-de thì kết quả cũng sẽ không có gì thay đổi. Vì ông Trưởng phòng đâu phải là dân điện tử!

Tôi bắt đầu làm công tác nghiên cứu bằng cách cùng anh chị em, gần một trăm kỹ sư mới bóc tem như tôi, hàng ngày lao động làm nhà tranh tre nứa lá để có chỗ làm việc.

Chúng tôi phải mò xuống ao vét bùn lên trộn với rơm để trát vách. Nhiều người đi qua thấy một đống xe đạp ngoại và một lũ mặt mày trắng trẻo đang lao động như thế thì kết luận ngay rằng bọn này học ở nước ngoài bị kỷ luật đưa về cải tạo lao động. Tự chúng tôi thì cho việc lao động như thế là bình thường, so với bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa đang ở chiến trường, vào sinh ra tử, khó khăn vất vả hơn rất nhiều thì công việc ấy của chúng tôi có thấm tháp gì.

Trung uý công binh Đinh Phơ chuyên phụ trách việc làm nhà. Ông này lăm le chức trưởng phòng nên làm tích cực lắm. Được vài năm, ngộ ra rằng với trình độ văn hoá lớp 10 thì không thể đứng đầu một cơ quan nghiên cứu khoa học được, ông bỏ việc, về nhà mở cửa hàng sửa xe máy, bây giờ giàu ra phết.

Mấy hôm sau thì tôi được gặp ông Trợ lý Trưởng phòng. Hoá ra ông này học cùng một lớp ngoại ngữ với tôi. Người miền Nam, mẹ vợ từng nuôi ông Lê Đức Thọ hoạt động cách mạng (bà này là người duy nhất được ngồi bán bánh và các loại chè ở Câu lạc bộ Thống nhất - nơi sinh hoạt của các cán bộ miền nam tập kết, trong khi mọi hoạt động tư doanh hồi đó đều bị ngăn cấm). Ông này học xong khoá ba năm Đại học Tổng hợp rồi được cho đi nghiên cứu sinh ngay. Ông rất tự hào mình là Phó tiến sỹ đầu tiên của Việt nam về ngành điện tử, chả biết có đúng hay không nữa.

Cái điều mà ông ấy không thể tự hào là ông học rất kém. Học cùng lớp với nhau, làm gì tôi không biết.

Sau ngừng bắn năm 1973, cơ quan tôi được phép chuyển về Hà Nội. Lại lao động làm nhà xây trụ sở, lại có người đi qua nghĩ rằng chúng tôi đang bị cải tạo lao động, mặc dù đến lúc này chúng tôi không còn trắng trẻo như trước đây.

Ông Trợ lý Trưởng phòng tham mưu đểu cho Thủ trưởng là phải huy động anh em lặn xuống moi đất lên làm nền để cất nhà trong khi Bộ chưa cấp kinh phí xây phòng làm việc.

Cũng chính ông ta sau đó phản ảnh với Bộ là Trưởng Phòng làm bậy, bắt anh em đào đất từ đáy ao lên như thế là làm hỏng địa mạo của khu vực, thành phố sẽ có ý kiến phê bình. Ông Trưởng Phòng mất chức, ông Trợ lý lên thay.

Suốt cho đến năm 1980, "công việc nghiên cứu" của chúng tôi là lao động làm nhà và làm mấy cái "đề tài nghiên cứu" mà tôi đã có lần trót dại nhận xét là có nhiều đề tài còn không khó bằng bài tập năm học lúc tôi còn là sinh viên. Không hiểu sao tôi không bị kỷ luật vì câu nói đó, có lẽ là nếu kỷ luật hết những người như tôi thì lấy ai ra mà làm đề tài?

Một lần ông Nguyễn Duy Thái Thứ trưởng phụ trách ngành về thăm và nói chuyện với đơn vị. Ông này cũng là quân nhân, lúc đó đeo hàm đại tá.

Có hai điều từ ông này làm chúng tôi bất ngờ. Một là ông xách theo cái điều cày, thỉnh thoảng ngừng nói, rít một hơi lọc xọc, ngửa cổ phả khói lên mái nhà lợp lá gồi, mắt lim rim đê mê. Hai là câu nói bất hủ: "Ngành Điện tử là gì? Đó chẳng qua là mấy cái biến thế! Chúng ta nhất quyết xây dựng thành công ngành Điện tử!"

Việc ông hút thuốc lào chúng tôi chỉ hơi lạ mắt một chút, nhưng cái tuyên bố dõng dạc của người lãnh đạo ngành định nghĩa ngành Điện tử là gì trước các kỹ sư được đào tạo từ nhiều nơi trên thế giới về thì quả thật là một cú xốc kinh khủng.

Vài năm sau Giải phóng miền Nam 1975, ông Thứ trưởng lại đến nói chuyện với chúng tôi sau chuyến đi công du Nhật bản về. Lần này ông lại rít điếu cày, lại cho ra một định nghĩa mới về ngành Điện tử: "Các cậu không biết đâu, ngành điện tử bây giờ nó ghê lắm! Tôi cho đồng xu vào cái lỗ, thế là nó tòi ra tờ báo. Cho đồng xu vào cái lỗ khác, nó tòi ra chai bia!"

Lần này thì tôi kinh hoàng thật sự.

Tôi nghĩ ở cơ quan Bộ rất thiếu chất xám về những ngành mũi nhọn. Những người cấp trên của chúng tôi không có khái niệm ngành Điện tử là gì thì làm sao mà vạch đường chỉ lối cho chúng tôi?

Năm 1980, khi có đề nghị rút tôi về Vụ Khoa học Kỹ thuật của Bộ, tôi đồng ý ngay.

Lại tiếp tục hy vọng một cách ngây thơ là mình sẽ có đất cống hiến.

Ngẫm lại mình (7) - Quá giỏi cũng là một khuyết điểm?

Tôi đã kể về một ông tiến sỹ "ăn theo phong trào", nay xin kể thêm về vài ông tiến sỹ đích thực.

Ra trường đi làm cùng thời với tôi có các ông Nguyễn Quang A, Trần Công Nhượng và một số người nữa rất giỏi. Thành thật mà nói là họ giỏi hơn tôi nhiều.

Hai ông Nguyễn Quang A, Trần Công Nhượng đều là Tiến sỹ học ở Hungari về, luận văn tiến sỹ của họ được đánh giá rất cao, giải quyết những vấn đề mang tính đột phá trong lĩnh vực điện tử và tin học thời đó. Ví dụ ông Nguyễn Quang A đã đề cập đến vấn đề mạng internet từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi chưa ai có khái niệm internet là gì.

Đó là hai nhà khoa học rất có triển vọng. Tiếc thay, với tư cách là nhà khoa học thì họ chỉ dừng lại ở mức triển vọng. Sau này cả hai ông đều không làm khoa học nữa, số phận họ rẽ theo hai hướng khác nhau.

Tuy cùng xuất thân từ nông thôn, rất thông minh, học giỏi nhưng hai ông có tính cách khác biệt. Ông Nguyễn Quang A cao lớn đẹp trai, biết chơi ra chơi làm ra làm, làm cật lực không mệt mỏi. Ông Trần Công Nhượng thì lại ít nói, nhu mì, rụt rè, đeo kính cận, đúng như hình ảnh ông trí thức mà chúng ta vẫn thấy trên phim ảnh trước đây.

Nguyễn Quang A về làm ở Viện kỹ thuật Quân sự, từ đó chuyển ra ngoài khi Chính phủ thành lập Tổng cục Điện tử và Tin học Việt nam. Ông là Tổng Giám đốc cơ sở đầu tiên ở Việt nam sản xuất và kinh doanh máy vi tính, công ty Genpacific - một đơn vị liên doanh với Pháp. Rồi ông thành lập Công ty 3C, tiếp theo là Ngân hàng cổ phần VPB. Mấy năm gần đây ông chuyên nghiên cứu, viết bài, trả lời phỏng vấn về các vấn đề kinh tế, thị trường, tiền tệ, đầu tư, giáo dục... Tóm lại là đã từ khá lâu, ông không còn nghiên cứu môn khoa học mà ông được đào tạo, dẫu vẫn là Tổng Biên tập Tạp chí Tin học Việt nam.

Thời thế không cho ông làm khoa học, song ông biết thời thế đã thế thế thời phải thế. Nay ông có cuộc sống của một đại gia, một người thành đạt trên thương trường.

Trần Công Nhượng học giỏi và có biệt tài nhớ như in những gì mình đã học. Ai cần hỏi một cái gì đó liên quan đến bài vở từ thời phổ thông cho đến đại học thì cứ hỏi Trần Công Nhượng.

Cơ quan tôi cử tám người đi nghiên cứu sinh, khi họ lần lượt về nước thì cơ quan đã chuyển đổi từ Phòng Nghiên cứu Điện tử thành Công ty Điện tử Đống đa.

Nguyễn Hà, giám đốc Công ty là người lo xa. Ông tìm mọi cách cản trở các vị có bằng cấp cao hơn mình quay về nơi đã cử họ đi học.

Bảy người đủ nhạy cảm để tìm chỗ làm việc mới, riêng Trần Công Nhượng tuyệt đối trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào lãnh đạo Công ty, chẳng gì thì ông với họ cũng đã cùng nhau bắt đầu từ thuở hàn vi.

Trần Công Nhượng được bố trí làm Quyền Trưởng Phòng Kỹ thuật.

Ở ta có thói quen bố trí cán bộ làm "quyền" một thời gian, sau rồi mới "cắt cu". Về hình thức thì đó là thời gian thử thách xem anh có hoàn toàn xứng đáng với chức vụ đó hay không và để anh còn cố gắng phấn đầu hơn nữa.

Về thực chất thì đó là một chuyện khá tế nhị.

Thứ nhất, "chúng tao" cho mày làm trưởng phòng thì mày phải biết điều đối xử với chúng tao. "Chúng tao" đây là cấp uỷ, ban giám đốc và cả những người thân với hai đám người trên. Biết điều là phải... biết điều, tự mày hiểu lấy. Nếu không biết điều thì chúng tao không cắt cu cho mày, dần dần sẽ kiếm thằng khác lên thay.

Thứ hai, trong hệ thống thang bảng lương của nhà nước áp dụng cho doanh nghiệp không có thang luơng cho phó tiến sỹ trở lên. Phó hay trưởng tiến sỹ gì thì cũng ăn lương kỹ sư. Chết một nỗi là thời gian đi học nước ngoài lại không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương. Theo đó, nếu anh đi nghiên cứu sinh ba năm thì thì khi về người bạn đồng nghiệp ở nhà không đi học sẽ trên anh một bậc lương. Túm lại là anh phó tiến sỹ có lương thấp hơn anh kỹ sư.

Chỉ có hai cách để thoát ra khỏi tình huống vừa buồn vừa cười kia. Một là phấn đấu lên chức vụ quản lý. Hai là cố gắng chuyển sang ngạch chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp. Phương án thứ hai thì mãi tít sau này mới có, lúc Trần Công Nhượng lên Quyền Trưởng Phòng thì chỉ có phương án một.

Cái tinh vi của Giám đốc Nguyễn Hà là chỗ đó. Cho Trần Công Nhượng lên làm công việc của Trưởng phòng, chịu trách nhiệm của Trưởng phòng, nhưng lương thì vẫn giữ nguyên lương kỹ sư, thấp hơn lương các cán bộ cấp dưới của mình và thấp tẹt so với các trưởng phòng đồng cấp.

Khi Giám đốc đã không muốn anh tồn tại ở Công ty nữa thì ông ta thiếu gì cách làm cho anh không hoàn thành nhiệm vụ. Các miếng võ này nhiều như vỏ hến.

Quá chân phương, Trần công Nhượng chỉ biết cách mang hết sức mình làm ngày làm đêm. Thế nhưng "dư luận" vẫn cho rằng anh này chỉ giỏi lý thuyết chứ làm thực hành thì chưa được.

Trần Công Nhượng vẫn bám trụ.

Giám đốc thấy tay này ngu lâu khó bảo quá liền cho người đến rỉ tai nhà khoa học là nếu Nhượng đồng ý chuyển cơ quan thì Công ty sẽ cho lên một bậc lương.

Anh chàng thông minh nhưng chậm hiểu kia bây giờ mới hiểu cái điều mà bảy người khác đã hiểu ngay từ đầu. Trần Công Nhượng làm đơn đi khỏi Công ty.

Mấy chục năm rồi tôi không không gặp Trần Công Nhượng, chỉ được nghe bạn bè nói là ông ta bỏ việc nhà nước từ lâu, kiếm sống bằng nghề dạy học tư.

Người làm khoa học thường rất kém về các vấn đề xã hội, anh ta mong manh dễ vỡ.

Người thì nói có lần gặp ông Nhượng xách túi đi thất thểu ngoài đường trông rất tội nghiệp. Người lại bảo cuộc sống ông ấy bi đát.

Đố bạn đọc đoán ra nhà khoa học đầy tiềm năng kia phải dạy môn gì để tồn tại?

Biết chắc là các bạn sẽ không đoán nổi, tôi xin nói luôn: "Ông Nhượng dạy Anh văn!"

Ngẫm lại mình (8) - Ông Đại sứ

Đang định viết kỳ tiếp theo của "Ngẫm lại mình" thì tôi phải chạy ra Kem Bốn Mùa gặp gia đình một cô ở Đức về thăm quê hương. Một người bạn của tôi gửi qua cô món quà nhỏ cho đứa cháu ngoại kháu khỉnh của tôi mà anh ta chỉ mới nhìn thấy trên ảnh.

Chứ tôi không quen trực tiếp cô này.

Đưa chồng và hai con về "quê ngoại", Minh - cô ấy luôn "trên từng cây số", thoắt ở Sapa đã thấy đi Ninh Bình, lúc thì ở Vĩnh Yên, lúc lại đang Tam Đảo, vừa về đến Hà Nội đã vù đi Bát Tràng nên chúng tôi bốn năm lần nói với nhau qua điện thoại: "OK, thôi để hôm nào em quay lại Hà Nội thì sẽ gặp nhau vậy".

Chiều nay gia đình Minh phải bay đi Tp Hồ Chí Minh rồi từ đó bay thẳng sang Đức. Chỉ còn một ô trống là buổi trưa. Cô ấy gọi: "Gia đình em đang ra Kem Bốn Mùa, anh ra đó có được không?".

Bạn của bạn thì là khách của mình. Bạn hai ba lần nhắn hỏi xem tôi và cô ấy đã gặp nhau chưa. Minh cũng đôi lần nói qua điện thoại: "Em rất muốn gặp anh để sang Đức kể lại cho anh T. xem anh có khoẻ không, phong độ thế nào". Tôi xách xe chạy ngay ra Bốn Mùa.

Minh đứng trên vỉa hè đón tôi. Bắt tay. Người ở Tây lâu phong cách cũng khác hơn người ở nhà: lịch thiệp, nhẹ nhàng và thẳng thắn. Minh nói luôn với tôi: "Có cả anh trai em và một anh bạn anh ấy làm ở Đại sứ quán X. Ông này nói nhiều quá, làm em bực mình"

Tôi không quan tâm đến người đàn ông làm công tác ngoại giao mà Minh nhắc tới đó, tôi chỉ đến nhận quà và gửi tặng Minh cùng anh bạn tôi mấy cuốn sách. Và muốn nói chuyện đôi chút với ông chồng người Đức của Minh mà tôi được giới thiệu từ trước đó là rất chiều vợ. Tất nhiên là cũng sẽ nói chuyện với hai cô con gái của Minh nữa.

Người duy nhất không đứng dậy bắt tay tôi là người đàn ông trung niên làm công tác ngoại giao. Ông này cao lớn trắng trẻo, chắc là từ bé đã được hưởng chế độ dinh dưỡng khá tốt và có học hành.

Tôi không phật ý. Tôi từng có quá nhiều những cuộc giao tiếp mà không được ai đó bắt tay. Không bắt tay tôi, có khi người đó bị thiệt chứ tôi thì không mất mát gì. Đó là cách nghĩ rất Việt nam của tôi.

Tôi tranh thủ ký tặng mấy cuốn sách và ngỏ lời ngưỡng mộ hai cô con gái của Minh giống nhau như hai giọt nước, mặc dù cô chị lớn hơn cô em bốn tuổi. Làm sao mà không ngưỡng mộ được khi hai cô bé rất đẹp, theo tiêu chuẩn Tây phương cũng như xét theo chuẩn mực Á Đông, lại còn nói được một số câu tiếng Việt nữa chứ. Cô em lật tập thơ của tôi, đề nghị mẹ dịch cho nghe. Tôi trân trọng động tác nho nhỏ này, nó chứng tỏ cô bé được giáo dục kỹ lưỡng, không giống như một ông bạn thân của tôi, sau một tuần nhận tập truyện ngắn do tôi tặng, ông này thật thà nói: "Tôi bận quá, chưa kịp đọc tập truyện của anh".

Minh hỏi ông cán bộ ngoại giao: "Anh làm cho nước X. hay làm cho Sứ quán ta ở X?". Ông này ưỡn ngực, nói dõng dạc gằn từng từ như nói cho người có đôi chút khiếm thính nghe:

- Tôi - là - Đại - sứ - Đặc - mệnh - toàn - quyền - Nước - Cộng - hoà - Xã - hội - Chủ - nghĩa - Việt - nam - ở - X.

Minh dấu được sự khó chịu, ông chồng người Đức của Minh cũng dấu được. Tôi thì làm ra vẻ đang chăm chú viết lời đề tặng sách.

Khoảng mươi phút sau, anh trai của Minh ngỏ lời mời tôi đi dùng cơm trưa với họ. Tôi từ chối, lấy cớ là đã có cuộc hẹn khác.

Hai cô gái Việt - Đức bắt tay chào tôi:

- Cháu chúc bác viết được nhiều!

Người duy nhất không bắt tay tạm biệt với tôi vẫn là ông Đại sứ.

Thực lòng nếu không có mặt cái ông cán bộ ngoại giao cao cấp kia thì tôi cũng không ngại ngần đi dùng bữa cơm trưa với những thành viên trong gia đình Minh mà tôi rất cảm mến.

Khoảng 5 giờ chiều tôi gọi lại cho Minh:

- Cho anh gửi lời chúc em và gia đình có những ngày nghỉ vui vẻ ở phía Nam và sau đó bay về Đức trong an lành hạnh phúc. Em hôn hai cháu giúp anh nhé!

Minh cảm ơn và chào tạm biệt. Thấy tôi không cúp máy, Minh cười hỏi anh muốn nói gì nữa à?

Tôi bảo:

- Cho anh xin lỗi về cái ông Đại sứ trưa nay!

Ngẫm lại mình (9) - Ông siêu hình

Bây giờ tôi xin kể chuyện về hai ông bạn học.

Thật lòng tôi không muốn kể về nhược điểm của một số người đồng môn. Tất cả chúng tôi nay đã về hưu hết rồi, con đàn cháu đống, yên hưởng tuổi trời.

Tôi kể về họ là muốn nhắc lại một thời nhiều tốt lắm xấu mà chúng tôi đã trải qua, chịu đựng nó, cùng tồn tại với nó.

Như tôi đã kể, khoá học đại học chúng tôi có mười người Việt nam.

Hai ông người miền Nam đi theo diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Sáu vị khác là cán bộ miền Bắc đi học, trong đó một ông cũng người miền Nam tập kết nhưng đi theo diện miền Bắc, thường được chúng tôi gọi là "Ông siêu hình". Còn lại là hai học sinh trơn.

Hai ông "giải phóng" lớn tuổi nhất. Ông Nhung là thương binh, làm ngành Đường sắt. Ông thứ hai tên Sung, công nhân Nhà máy Cơ khí Hà nội. Ông Nhung học dốt. Có lẽ nói thế là không đúng, phải nói là ông ấy không thể học được.

Ông Sung học tốt hơn nhưng sức khoẻ rất kém, người gầy gò, bị bệnh phổi.

Chúng tôi rất hay trêu ông Nhung là vì sao ông lại bị thương vào mông. Người ta đi chiến đấu giáp mặt với súng đạn thường hay bị thương phía trước, cớ sao ông bị địch bắn vào mông?

Cả hai đều từng có thành tích gì đó. Do Nhà nước không có chế độ an dưỡng nên đã cho họ đi học nước ngoài, áp dụng việc đi học như một kiểu an dưỡng dài hạn. Họ biết như vậy nên cũng không coi việc học hành làm trọng.

Các giáo sư Liên xô cũng không coi đó là trọng. Thi vấn đáp, thầy cứ cho ba chữ "đạt yêu cầu" là xong chuyện (ba điểm trên thang năm điểm) vì có ra câu hỏi thêm một ngàn lần nữa thì kết quả vẫn chỉ là "không đạt yêu cầu"!

Ông Nhung học kém đến mức chúng tôi phải xúm vào mỗi người giúp một tay vẽ, viết luận án cho ông ấy. Một người được phân công viết bài nói (tất nhiên là phải bằng tiếng Nga) để ông trình bày tóm tắt luận án trước Hội đồng thi Quốc gia. Ông Nhung học thuộc lòng bản tiếng Nga này, chăm chỉ ôn luyện hàng ngày.

Đến hôm đứng trước Hội đồng thi, ông Nhung đọc được một phần ba bản tóm tắt luận án thì ngắc ngứ không đọc tiếp được nữa. Ngần ngừ giây lát, ông đĩnh đạc phát thanh bằng tiếng Việt:

- Xin lỗi các đồng chí, tôi quên, nay xin đọc lại từ đầu!

Rồi đọc lại cái bài học thuộc lòng đó từ đầu thật, lần này đọc được hết đến cuối. Tài!

Xin thề là tôi tuyệt đối không hề bịa.

Cần kể thêm là hồi đó anh em Việt nam chúng tôi có "chiến thuật" đi thi là để những người kém thi trước, ai giỏi nhất thì "khoá đuôi". Làm thế để mấy người kém có thể qua lọt được kỳ thi, chứ người giỏi mà vào trước thì người kém bị "tương phản" nhiều quá, dễ bị điểm liệt.

Ấy vậy mà vừa thoát được thủ tục bảo vệ luận án, ông Nhung vọt ngay lên Sứ quán và lấy vé tàu về nước một mình, khoe nhặng lên ở Bộ Đại học là tao bảo vệ xong lâu rồi mà chúng nó học dốt còn đang lao đao chưa xong!

Bạn đọc có thể tuỳ ý hình dung ông Nhung sẽ làm việc gì sau khi về nước, trừ công việc chuyên môn ra.

Tuy nhiên tôi có thể bật mí là ông ấy làm cán bộ tổ chức.

Sau năm 1975 ông Nhung chuyển về Thành phố Hồ Chính Minh làm Phó Văn phòng đại diện của một Bộ ở phía nam. Ông chuyên bán giấy chứng nhận cán bộ viên chức nhà nước cho những ai muốn tránh đi kinh tế mới.

Bị lộ, ông chuồn thẳng ra khỏi cơ quan, bỏ luôn cả quá trình cống hiến, bỏ cả bà vợ đeo đuổi ông mấy chục năm, về sống với mợ vợ góa của một viên sỹ quan Việt nam Cộng hòa có quán gì đó trên đường Nguyễn Huệ.

Tự tôi chưa gặp, song nghe bạn bè nói chiều chiều vẫn thấy ông ấy béo núng nính mặc bộ đồ pijama ngồi ngay cửa quán.

x

x x

Bây giờ đến lượt tôi phải "xin lỗi các đồng chí" về việc định kể chuyện ông Siêu hình thì lại quay ra kể chuyện ông Nhung.

Ông siêu hình tên thật là Tiến. Người Quảng Ngãi. Tính ông thích khoe là đồng hương với cụ lãnh đạo này này cụ cao cấp kia. Ừ, có cái mà khoe cũng hay chứ sao.

Nhưng hồi đó do vẫn còn trẻ con, tôi chọc lại ông Tiến bằng cách khoe tôi là đồng hương với... Bảo Đại!

Ông Tiến vặn tại sao cậu lại đồng hương với Bảo Đại? Tôi nói tôi sinh ra ở Huế, ông Bảo Đại cũng người Huế, không đồng hương thì là cái gì?

Ông Tiến tổ trưởng Đảng ghi nhận việc tôi đồng hương với ông vua bù nhìn như một trong các điểm trừ trong lý lịch của tôi.

Ông Tiến rất hay dùng từ "siêu hình". Không rõ ông bắt gặp từ này ở đâu nhưng ông khoái dùng nó trong mọi trường hợp, nhằm phủ định người đối thoại và khẳng định trình độ lý luận chính trị của mình.

Có người rủ ông đi chợ nông trường mua táo về ăn, ông nhăn mặt:

- Siêu hình! Trời đang lạnh thế này mà đòi đi chợ nông trường!

(Chợ nông trường là nơi bà con nông dân Liên xô được phép mang sản phẩm trên đất 3% của mình đi bán, ở đó nông sản thịt thà thường ngon hơn đồ Mậu dịch nhiều. Còn thế nào là đất 3% thì tôi xin để ngỏ để bạn đọc tự tìm hiểu lấy, nếu không thì tôi sẽ viết kỹ vào một dịp khác)

Nghe tin Mỹ đưa người lên mặt trăng, một anh bạn vội thông báo cho ông, ông cáu:

- Siêu hình! Mỹ thì làm sao đưa người lên mặt Trăng được.

- Truyền hình Liên xô đưa tin rõ ràng mà? Anh bạn đưa ra bằng chứng.

- Vậy là Truyền hình Liên xô cũng siêu hình nốt!

Khách quan mà nói, ông siêu hình học khá hơn ông Nhung, ở cái mức những điểm "3" của ông ấy là hoàn toàn xứng đáng chứ không phải là kết quả của quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước như các điểm "3" của ông Nhung hằng được nhận.

Tốt nghiệp về nước, ông siêu hình được phân công về dạy ở Đại học Tổng hợp. Không dạy được, ông chuyển sang làm ở phòng thí nghiệm. Không làm cán bộ thí nghiệm được, một thời gian sau ông xin chuyển về Đài Truyền Hình Việt nam, làm cán bộ tổ chức. Làm cán bộ tổ chức không xong (chắc là vì "siêu hình" quá), ông xin sang bộ phận truyền hình lưu động, chuyên đi rải cáp vi ba.

Sau rốt ông đi xuất khẩu lao động, làm đội trưởng phụ trách một đội mấy trăm người.

Rồi về hưu.

Đời người thế cũng là siêu hình?

Ngẫm lại mình (10) - Phân tích một số đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt Nam

Truyền thống văn hoá đặc trưng cho dân tộc và đi kèm với nó là những đặc điểm tâm lý được hình thành trong quá trình vận động và phát triển. Văn hoá là sản phẩm của con người và tự nhiên, vì vậy để xem xét đặc điểm truyền thống văn hoá của dân tộc cũng như những đặc điểm tâm lý của người Việt, ta cần tìm hiểu sự khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) nước ta so với các dân tộc khác như thế nào.

Từ ngàn năm nay, Việt nam là một nước thuần nông. Hiện nay vẫn còn 80% dân số Việt Nam làm nông nghiệp. Tâm lý người nông dân Việt nam ảnh hưởng rất lớn đến mọi quá trình nhận thức và hành động trong kinh tế, chính trị và văn hoá ở Việt Nam.

Việt Nam đã hình thành văn hoá Việt trên cái nôi của nó là vùng châu thổ sông Hồng.

Vùng đồng bằng sông Hồng nằm ngay cạnh phía Nam của đường bắc chí tuyến, giữa vĩ độ 22°00' và 21°30' Bắc và kinh độ 105°30' và 107°00' Đông. Nó có hình dáng điển hình của một vùng châu thổ, với đáy là đường bờ biển kéo dài 130 km từ trung tâm mỏ than và cảng Thành phố Hạ Long ở phía Bắc, đến điểm cực Nam của tỉnh Ninh Bình ở phía Nam. Đỉnh của tam giác này thay đổi theo thời gian cùng với sự mở rộng của nó và hiện tượng mực nước biển rút xuống. Trần Quốc Vượng cho rằng vào thời kỳ nhà nước Văn Lang, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng ở gần thành phố Việt Trì ngày nay. Đến thời kỳ nhà nước Âu Lạc (thế kỷ 3 TCN), đỉnh của tam giác đã lui xuống vùng Đông Anh (Hà Nội). Hiện nay, đỉnh của tam giác này ở Hưng Yên. Nếu vẫn coi đỉnh tam giác là ở Việt Trì, thì diện tích tổng cộng của đồng bằng sông Hồng khoảng 16.644 km², trong đó diện tích canh tác khoảng một triệu ha (thời Văn Lang, hiện nay đã thu hẹp rất nhiều).

Những đặc điểm điều kiện tự nhiên và xã hội nổi bật và tâm lý phát sinh:

1. Diện tích canh tác trên đầu người thấp nhất thế giới

Bình quân đầu người diện tích canh tác ở châu Âu được đo bằng đơn vị ngàn mét vuông, ở Mỹ là hàng chục ha (100.000 mét vuông), thì ở Việt nam là vài ba trăm mét vuông trên một người nông dân!

Diện tích đất canh tác ít, người nông dân may mắn lắm mới đủ sống sau khi đã nộp các khoản sưu thuế cho hào lý và chính quyền phong kiến trung ưong. Không có điều kiện hình thành nền sản xuất hàng hoá nông nghiệp nhằm kích thích tiểu thủ công và thương nghiệp phát triển, tạo tiền đề cho quá trình tích tụ tư bản - yêu cầu ban đầu cho công nghiệp hoá.

Ở các nước châu Âu, chế độ phong kiến không phát triển rực rỡ được như ở châu Á vì người nông dân châu Âu không những hoàn toàn có thể tự nuôi sống được mình mà còn có sản phẩm dư thừa đưa ra thị trường. Giai cấp nông dân ở đây ít bị lệ thuộc vào chính quyền cai trị hơn là ở phương Đông. Nhờ đó chế độ Tư bản sớm được hình thành và phát triển.

Diện tích đất canh tác ít, của khó người khôn, đời sống tự cung tự cấp dẫn đến tính tư hữu của người nông dân Việt Nam là vào bậc nhất thế giới. Khác với người nông dân Âu Mỹ, họ phải quay vòng nhiều mùa vụ, khai thác triệt để khả năng của đất trồng (tấc đất tấc vàng) vì vậy họ rất cần cù chịu khó và đương nhiên là luôn tìm cách mở mang thửa ruộng của mình, cũng như sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng đó.

2. Sản xuất và đời sống người nông dân phụ thuộc vào thiên nhiên.

Cầu cho mưa thuận gió hoà là mong ước mỗi ngày của người làm ruộng. Trong sản xuất, người nông dân phụ thuộc quá nhiều vào các hiện tượng tự nhiên như nắng, mưa, bão lụt... Sự phụ thuộc vào thiên nhiên làm người nông dân dễ trở nên rụt rè, thụ động và kinh nghiệm chủ nghĩa, một thứ kinh nghiệm chủ quan, cảm tính.

Con người ứng xử với nhau theo nguyên tắc lấy tình làm chính (duy tình). Sống cố định lâu dài với nhau, người nông dân cần tạo ra một cuộc sống hoà thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu để giúp nhau chống lại thiên tai luôn rình rập họ: Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình. Lối sống duy tình đẩy cái " duy lý" (luật pháp) xuống dưới: Phép Vua thua lệ làng.

Lối sống trọng tình là cách ứng xử hết sức linh hoạt và thích ứng nhanh với diễn biến hoàn cảnh, ít giữ vững nguyên tắc, nói một cách khác là láu cá vặt, giỏi biến báo: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.

3. Nền nông nghiệp lúa nước

Lúa nước làm cho tâm lý người nông dân Việt nam khác xa những người nông dân trồng lúa khô (lúa mì và các loại tương tự). Vì sản xuất lúa nước là phụ thuộc nhiều nhất vào thiên nhiên, và vì phải giữ nước, người ta buộc phải chia cánh đồng ra thành các thửa ruộng nhỏ. Mỗi gia đình nông dân canh tác trên một mảnh ruộng bé xíu. Điều đó dẫn đến tâm lý hẹp hòi nhỏ nhen chỉ quan tâm đến cái nhỏ, cái cụ thể của cá nhân chứ không quan tâm đến các lợi ích mang tính cộng đồng rộng lớn. Khái niệm "thể diện quốc gia" là hoàn toàn xa lạ với người nông dân.

Chỉ có người Việt nam và những nơi nào có trồng lúa nước mới cụ thể hoá khái niệm Tổ quốc là "đất nước - non sông" vì đất và nước là hai yếu tố quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp lúa nước.

Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống

Vai trò của "giống" bị đặt ở vị trí cuối cùng cho thấy người nông dân Việt nam chỉ coi trọng kinh nghiệm, khó chấp nhận mọi sự đổi mới, không coi trọng tri thức và hàng ngũ trí thức, trừ người được ra làm quan. Tầng lớp sĩ phu bất đắc chí chỉ còn biết cách lngâm vịnh, ở ẩn, vui chơi với non nước, dài lưng tốn vải.

4. Văn hoá làng xã - tính cộng đồng hẹp.

Người nông dân phải dựa vào nhau, liên kết với nhau để chống chọi thiên tai, bảo vệ hoa màu, lo kịp thời vụ. Do đó, tính cộng đồng hẹp (làng xã và gia tộc) là một đặc điểm tâm lý đặc trưng của người Việt Nam

Gia tộc là một cộng đồng gắn bó, sức mạnh thể hiện ở tinh thần đùm bọc, thương yêu nhau. Người trong tộc có trách nhiệm cưu mang, hỗ trợ nhau về vật chất và tinh thần, dìu dắt, nâng đỡ nhau về chính trị (Một người làm quan cả họ được nhờ). Quan hệ huyết thống và tính tôn ti trật tự trên dưới rõ ràng. Từ đó xuất phát tâm lý gia trưởng, đặc biệt là tâm lý địa phương, cục bộ. Nhiều người sẵn sàng hy sinh quyền lợi toàn cục, thậm chí cả quyền lợi Quốc gia, cho quyền lợi của cộng đồng hẹp - gia tộc hay bè cánh.

Làng xã Việt Nam như một vương quốc thu nhỏ với luật pháp riêng (hương ước) tạo nên một sự cố kết, bền vững của làng xã và cũng tạo nên tâm lý bè phái, địa phương bản vị.

Hương ước của làng xã chính là hệ thống giá trị, chuẩn mực của làng xã, nó quy định cung cách ứng xử, lối sống của cá nhân trong làng, tạo nên sự đồng nhất, mà trước hết là trong dòng họ. Sự đồng nhất đó có mặt tích cực là làm cho mọi người luôn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau (nhưng trước hết phải là trong dòng họ) như: Chị ngã em nâng. Nhưng mặt trái của tính đồng nhất là ý thức về giá trị cá nhân bị thủ tiêu.

Sự đồng nhất dẫn đến chỗ người nông dân Việt Nam có thói quen dựa dẫm, ỷ lại và đổ thừa cho tập thể, cho số đông: Nước nổi thì thuyền nổi hoặc Cha chung không ai khóc. Cũng từ đó, một nhược điểm của họ là tâm lý cào bằng, đố kỵ, không muốn cho ai hơn mình: Xấu đều hơn tốt lỏi.

Ngày nay, văn hoá làng xã còn ảnh hưởng cả đến đời sống đô thị, khiến cho đô thị Việt Nam đang như là "bị nông thôn hoá".

5. Lối thoát duy nhất: Làm quan

Con vua rồi lại làm vua

Con sãi ở chùa lại quét lá đa

Ngàn đời nay, người nông dân biết chắc là con cháu họ sẽ sống khổ cực như chính họ nếu không có ai trong số đó vượt qua được Vũ môn lên làm quan. Sự thật là phải thoát ly ra khỏi giai cấp của chính mình, anh nông dân mới có điều kiện sống no đủ hơn.

Chế độ phong kiến xây dựng bộ máy quan trường bao gồm các quan lại trung thành với mọi ý muốn của nhà Vua và cho phép hệ thống quan lại đó được hưởng những đặc quyền đặc ân, bổng lộc nhất định. Công việc hàng đầu và nặng nề nhất của một ông quan là "trung với Vua", những việc khác (đòi hỏi những tài năng khác) chỉ là thứ yếu.

Việt nam xảy ra chiến tranh liên miên nên xuất hiện nhiều quan võ và quan đối ngoại có tài, còn về chính trị thì rất ít (Nguyễn Trãi bị Vua giết), về kinh tế thì có một người tài hoa duy nhất là Nguyễn Công Trứ mà cũng phải nhiều bận lao đao.

Vua là trên hết, trên cả luật pháp. Ta theo vua không phải là ta yêu vua mà vì vua là đại diện cho bổng lộc - quyền lợi cá nhân sát sườn của chính ta. "Ăn cây nào rào cây nấy", thấy sai không được chống, thấy đúng không được lên tiếng bảo vệ.

Vua phương Đông, để khẳng định vị trí độc tôn của mình, tự nhân là Thiên tử - con trời.

Theo Vua thì ta cũng có thể đứng trên cả luật pháp.

Chính vì vậy, mục đích của giáo dục trong chế độ phong kiến là đào tạo ra những người có số kiến thức áp đặt, rất hạn chế sáng tạo và chủ yếu là để phục vụ cho hoạt động của chính quyền phong kiến.

Vì chỉ có học để đi thi là con đường tiến thân đổi đời duy nhất nên những địa phương nào càng "chó ăn đá gà ăn sỏi" thì thanh thiếu niên ở đó càng "hiếu học" nhất. Họ không có tiền để "mua quan bán tước" - việc mà chỉ có tầng lớp thị dân mới làm nổi.

Do vậy, người nông dân sẵn sàng ăn đói, mặc rét, chịu thương chịu khó để che chở, nuôi nấng cho con cháu mình được học hành, đỗ đạt.

Điều này cũng giải thích vì sao cho đến nay người ta vẫn cứ bằng mọi giá phải cho con vào đại học, học xong thì chạy chọt xin làm bất kỳ một việc gì cũng được trong hệ thống ăn lương Nhà nước.

Cách ngắn nhất là mua bằng giả.

Và cũng giải thích được sự bớt hiếu học của người Việt nam ngày nay. Đơn giản là vì họ có được những con đường khác để lựa chọn, không nhất thiết phải thông qua khoa cử để thoát ra khỏi cuộc sống nghèo hèn như trước đây.

6. Ngoại xâm thường trực

Đặc trưng của chế độ phong kiến là xâm lược. Chiếm đất đai là chiếm tư liệu sản xuất và những phẩm vật trên vùng đất mới.

Việt nam nằm sát nách phong kiến Trung Hoa, từng bị phong kiến Trung Hoa đô hộ ngàn năm.

Do đó ảnh hưởng của phong kiến Trung Hoa là rất lớn về văn hoá, ngôn ngữ, tư tưởng, lễ giáo, tôn giáo, giáo dục và tất nhiên là cả về tâm lý.

Thường trực một ý thức chống ngoại xâm, người nông dân Việt Nam có tâm lý phản kháng và bài ngoại rất mạnh. Tuy bài ngoại nhưng lại hay học mót, học đòi và vì chỉ là học mót nên không bao giờ đi đến cùng của sự học.

Người Nhật cũng bắt chước, nhưng lại là bắt chước theo kiểu Nhật: lúc đầu làm cho giống, cho bằng của nước ngoài, sau thì làm đẹp hơn, gọn hơn, tốt hơn và đương nhiên là có giá trị cao hơn.

x

x x

Xin nêu thêm vài đặc điểm tâm lý nữa của người Việt Nam.

· Bệnh sĩ diện.

Người ta coi trọng cái tiếng (danh hão) hơn các thứ khác: Lời chào cao hơn mâm cỗ.

Luôn luôn thua thiệt và nghèo đói, người nông dân có tâm lý sĩ diện che đậy sự đói nghèo của mình, thích phô trương, chú trọng hình thức. Ăn đói mặc rét, họ vẫn sẵn sàng tuân theo các thủ tục, nghi lễ nhiêu khê, tốn kém trong cưới xin, ma chay, khao vọng, hội lễ... Do vậy nhiều gia đình nông dân lại càng đói nghèo hơn.

Bệnh sĩ diện không cho phép người ta công khai thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của mình, cho dù trong thâm tâm người ta tự biết quá rõ về những sai khuyết ấy.

· Thiếu chất kết dính:

Trong suốt chặng dài lịch sử Việt Nam, chỉ khi nào chính quyền trung ương tạo ra được một kết dính dân tộc thực sự thì giai đoạn đó hưng thịnh và có những chiến công hiển hách.

Triều đại nhà Trần là một trong các thời kỳ đáng tự hào nhất. Ba lần thắng quân Nguyên Mông, phát triển được kinh tế, văn hóa. Công đầu thuộc về Trần Hưng Đạo. Ông đã vượt được ra khỏi sự ràng buộc của lợi ích hẹp hòi, cương quyết không lập mưu lấy lại ngôi báu đáng ra phải thuộc về ông và con cháu, toàn tâm phục vụ lợi ích Quốc gia. Đây chính là lời hiệu triệu có hiệu quả cao nhất để tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí, huy động toàn lực cho kháng chiến chống ngoại xâm.

Người ta hay nhắc đến hội nghị Diên Hồng. Song nếu nhà Vua không triệu tập hội nghị lịch sử đó thì lấy đâu ra chỗ cho người dân bày tỏ quyết tâm đánh giặc của mình.

Một người Việt đứng riêng thường rất tốt và giỏi. Ba người Việt gộp lại với nhau là không ổn.

x

x x

Với vốn hiểu biết còn rất hạn hẹp, tôi vẫn đã cố gắng trình bày một số điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) nước ta ngàn năm nay đã tác động lên sự hình thành tâm lý của người nông dân Việt nam ra sao và đã nêu một số nét tâm lý chính của con người Việt nam nói chung.

Dẫu đã hàng trăm năm tiếp xúc với văn hoá ngoài phương Đông (gần gũi với chúng ta), dẫu người dân Việt nam đã được nâng cao dân trí rất nhiều nhờ một hệ thống giáo dục được Nhà nước quan tâm phát triển (tuy còn nhiều bất cập và yếu kém đáng phê phán), dẫu môi trường hội nhập toàn cầu đang tạo những điều kiện thuận lợi bổ sung thông tin và kiến thức, nhóm các tâm lý này vẫn còn ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới suy nghĩ và hành động của con người Việt Nam hiện đại.

Nắm bắt được tâm lý người Việt, chúng ta sẽ tiếp tục rọi xét bản thân mình và những gì đang xảy ra hàng ngày.

Ngẫm lại mình (11) - Hạnh phân lân

Khoảng hai mươi năm trước, tôi làm ở Phòng Tổng hợp Văn phòng Bộ Công nghiệp nặng. Trời xui đất khiến thế nào mà tôi lại xung phong nhận cái chức Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân cơ quan Bộ, nhiệm kỳ gần hai năm.

Ngoài Thanh tra Nhà nước còn có Thanh tra Nhân dân. Thanh tra Nhân dân là để xử lý những vụ việc chưa đến mức vi phạm luật pháp và chỉ trong nội bộ cơ quan với nhau. Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân được mời dự thính các cuộc họp bàn việc chia nhà, xét cho đi học công nhân kỹ thuật ở nước ngoài v.v. để nắm bắt tình hình, nếu có cán bộ công nhiên viên nào thắc mắc thì còn biết đường mà giải thích.

Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân chả có quyền hành gì. Thế mà có nhiều vị trong diện phân nhà hoặc có con đang trong danh sách xét cho đi nước ngoài vẫn lân la chuyện trò trình bày hoàn cảnh, "tranh thủ ý kiến" của tôi.

Thói quen vái tứ phương?

Năm đó có một vụ kiện nhớ đời.

Một nữ công nhân của Nhà máy phân lân nung chảy Ninh Bình tên là Hạnh bám riết một vụ kiện kéo dài nửa năm. Người Việt Nam mình thường hay gọi tắt cho dễ nhớ, chúng tôi gọi cô này là Hạnh phân lân.

Hạnh phân lân làm thủ kho. Nhà máy tiến hành tổng kiểm kê tài sản (gọi là kiểm kê ngày ba mươi mốt tháng mười hai hàng năm), phát hiện thấy nhiều vật tư thừa thiếu lung tung. Theo quy định, thủ kho không được để thiếu và cũng không được để thừa bất kỳ hạng mục tài sản nào trong kho do mình quản lý.

Hạnh bị Giám đốc Nhà máy kỷ luật về tội thiếu tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ yếu kém.

Hạnh bỏ không đến nhà máy làm việc nữa và bắt đầu chiến dịch kiện tụng kéo dài.

Hạnh làm đơn, ghi rõ mình là con liệt sỹ, chỉ có lỗi là nhầm lẫn chứ không hề tham ô tài sản Xã hội Chủ nghĩa, kêu bị kỷ luật là oan.

Hạnh mang đơn lên Văn phòng Chính phủ, lên Thanh tra nhà nước, báo Nhân dân, báo Lao động và tất cả những cơ quan nào mà cô ấy biết.

Tất cả đều "kính chuyển" về bộ chủ quản giải quyết.

Hạnh phân lân nằm luôn ở Hà nội, ngày nào cũng mò lên Bộ đòi gặp đích thân Bộ trưởng. Không cho gặp thì cô ấy đón đường ông ấy, vài ngày lại đưa cho Bộ trưởng một bản copy lá đơn của mình.

Ông thứ trưởng phụ trách công tác thanh tra phải tổ chức khá nhiều cuộc họp, mời cả Giám đốc Nhà máy phân lân nung chảy Ninh Bình ra điều trần và bàn bạc.

Thư ký của ông thứ trưởng nọ nhờ tôi "đỡ một tay" tiếp Hạnh phân lân vì ngày nào cô ấy cũng lặp đi lặp lại một bài ca "không tham ô, chỉ nhầm lẫn thì không bị kỷ luật!". Anh ấy giải thích kỹ càng nhiều lần rồi mà cô ấy cũng vẫn cứ quay lại điệp khúc đó. Quá mệt mỏi rồi.

Tôi thử giải thích xem sao. Kết quả là tôi bị Hạnh phân lân đấm cho một quả vào ngực. Tôi nhẹ nhàng mời cô ấy ra khỏi phòng:

- Chị muốn chúng tôi tiếp chị, giải quyết đơn thư cho chị mà chị đánh chúng tôi là sao?

Lần ấy tôi được khen là bình tĩnh tỉnh táo, nếu tôi bợp cô ta một cái thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu.

Hạnh yêu cầu:

- Huỷ quyết định kỷ luật

- Trả đầy đủ lương các tháng cô ấy không đi làm mà ra Hà nội kiện cáo.

- Bố trí làm công việc khác (không thèm làm thủ kho nữa!)

Không quy định nào cho phép thoả mãn những yêu cầu của Hạnh.

Cô ấy tiếp tục ráo riết đánh phá cơ quan bộ. Bộ phải cử ra mấy người tăng cường cho lực lượng bảo vệ, ngăn không cho Hạnh tiếp cận khu vực Bộ Thứ trưỏng và Văn phòng Bộ.

Thứ trưởng phụ trách công tác thanh tra đành phải thuyết phục Giám đốc Nhà máy phân lân nung chảy Ninh Bình đáp ứng các yêu cầu của Hạnh:

- Cô Hạnh có dấu hiệu tâm thần, ta không dùng lý lẽ để giải quyết được. Mặt khác, cô Hạnh là con liệt sỹ, không chồng không con, nếu ta làm không khéo, địch sẽ lợi dụng tuyên truyền là ta ngược đãi con em liệt sỹ...

Đó là cái kiểu dĩ hoà vi quý.

Giám đốc Nhà máy phân lân nung chảy Ninh Bình bấm bụng làm theo lời khuyên của ông Thứ trưởng. Tất nhiên là lấy từ công quỹ chứ ông ấy có phải bỏ tiền túi ra đâu, cha chung việc gì phải khóc.

Được huỷ kỷ luật lao động, được nhận vào làm việc lại, được thanh toán đầy đủ hơn sáu tháng lương, Hạnh phân lân tiếp tục đòi phải cấp cho cô ấy một gian trong nhà tập thể Nhà máy.

Lại đành phải cấp cho cô ấy vậy. Nghĩa là một người lao động nào đó mất gian phòng đáng ra là của mình.

Sau khi nhận gian phòng tập thể, Hạnh lại đi tàu ra Hà nội.

Cô ấy đến Phòng Tổng hợp, mang theo kẹo bánh, chè, thuốc lá, tươi cười mời tất cả anh em chúng tôi:

- Em mời các anh ăn kẹo hút thuốc mừng cho em thắng quả vừa rồi!

Trông cô ấy tỉnh táo, vui vẻ, không còn vương một chút biểu hiện nào là người tâm thần.

Và quên mất chuyện cô ấy từng đấm tôi một quả vào ngực.

Ngẫm lại mình (12) - Văn hoá nói

Ngôn ngữ là kho tàng vô giá ông cha ta để lại. Nó vừa là báu vật lại vừa là tài nguyên cần khai thác, tuyển luyện để ngày một trở nên quý báu hơn.

Thái độ của con nguời đối với tiếng nói là thước đo mức độ văn hoá của người đó.

Đáng tiếc là hiện nay chúng ta đối xử rất tệ với tiếng mẹ đẻ của mình. Chúng ta dùng tiếng Việt mà ít tôn trọng bộ luật của nó là ngữ pháp và nhiều khi không tôn trọng ý nghĩa của các từ tiếng Việt.

1. Sự dung tục trong đối thoại

Khoảng năm 1989 hay 1990 gì đó, cơ quan Bộ chúng tôi mời nhạc sỹ Trần Long Ẩn và hai ca sỹ đến giao lưu. Ông Trần Long Ẩn vừa đưa hai ca sỹ trẻ đi biểu diễn ở Đức về. Lâu quá rồi tôi không nhớ cô ca sỹ lúc đó mới mười sáu tuổi người Nha Trang tên là gì, chỉ nhớ là khá xinh gái.

Ông Trần Long Ẩn làm người dẫn chương trình, giới thiệu ca sỹ và bài hát. Giữa chừng, bỗng nhiên ông nổi hứng tuyên bố:

- Bây giờ nếu các ông đéo mời tôi cũng hát!

Rồi vô tư cười và hát bài "Một đời người một rừng cây" rất hay do chính ông sáng tác: "Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nghĩ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người. Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn ánh lửa chiều hôm, khi gió về... "

Nhạc sỹ là một người học thức, lớn lên ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm văn hoá lớn ở phía Nam, nơi các văn nghệ sĩ ít nói tục. Có lẽ ông tưởng rằng ra miền Bắc là phải nói tục thì mới thời thượng, mới tỏ ra ta đây gần gũi với công nông?

Tôi rất thông cảm với nhạc sỹ, song chúng ta không nên và không thể đồng hoá sự tục tĩu với giai cấp cần lao và đừng ra vẻ ta đây gần gũi với người lao động bằng cách nói tục như họ.

Sự tục tĩu đi liền với sự dung túng.

2. Sự cẩu thả trong nói và viết

Tôi xin nhấn mạnh rằng "vô văn hoá" không hẳn chỉ riêng lối nói tục tĩu đã được chấp nhận và bình thường hóa tràn lan. Dùng từ sai cũng là một dạng vô văn hóa.

Rất thường được nghe trên đài, trên vô tuyến truyền hình, đọc trên báo viết những câu lủng củng, tối nghĩa, những cách dùng từ sai, tôi nghĩ chúng ta đang vô tình đánh phá, làm hư hỏng tiếng Việt - di sản quý báu của mình.

Xin lấy ví dụ nho nhỏ trong rất nhiều trường hợp tôi gặp hàng ngày:

- Chúc bạn có một kỳ nghỉ rất tuyệt diệu!

- Cảm ơn chị, em nghĩ với lời chúc này của chị, em sẽ có kỳ nghỉ tuyệt diệu hơn năm ngoái...

"Tuyệt" là tận cùng, là hết, là đỉnh cao nhất. "Tuyệt diệu" là tính từ không có cấp so sánh, vì thế ghép những từ "rất", "hơn" vào với nó là sai một cách trắng trợn.

Một ví dụ nữa. Ông bạn tôi, người có bằng cấp cao, chức vụ cũng không nhỏ, song luôn nói thừa từ, nói trùng lặp. Ông nói:

- Chúng ta cần phải nỗ lực cố gắng phấn đấu hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ công tác công việc được lãnh đạo tin tưởng giao phó cho.

Một loạt từ đồng nghĩa "nỗ lực", "cố gắng", "hết sức"; "nhiệm vụ", "công tác", "công việc" được dùng sát cạnh nhau. "Giao phó" là đã bao hàm chữ "cho" rồi, không cần thêm một chữ "cho" vào nữa thành ra thừa.

Sử dụng từ lặp đã sai, nói lặp ý còn sai hơn nữa.

Sự dễ dãi trong sử dụng ngôn từ dẫn đến sự cẩu thả trong ứng xử và sinh hoạt.

3. Văn hoá nói

Nói là cả một nghệ thuật.

Nói đúng và hay vẫn chưa đủ. Anh phải nói phù hợp với khung cảnh, trình độ hiểu biết, tâm lý và sở thích của người nghe.

Rất nhiều trường hợp người nói luyên thuyên về cái mình biết chứ không phải nói cái người nghe cần.

Nhiều lớp học, tập huấn cũng vậy.

Tôi có người bạn rất tốt tính, hiền lành, ai cũng quý mến. Do quý mến nên họ tha thứ cho anh ta một thói xấu không thể nào sửa được, đó là hay cắt ngang, nói lạc đề, và gây khó chịu cho người đối thoại. Họ gọi anh là "thiên tài về gây khó chịu".

Ví dụ có người bắt đầu kể câu chuyện hôm qua bị ngã xe máy như thế nào. Vừa mới bắt đầu câu chuyện "Hôm qua tôi đang đi trên đường Lý Thường Kiệt thì trời đổ mưa ..." thì ông "thiên tài về gây khó chịu" ngắt lời ngay:

- Hôm qua trời có mưa đâu?

Làm người kể chuyện mất hứng.

Rồi chuyện đi đám ma, có người cười hô hố.

Cũng đi đám ma, có cô mặc váy nhắn cũn cỡn, mắt long lanh làm duyên...

x

x x

Ở trường phổ thông và cả ở đại học, cái gì đang xảy ra với môn Văn?

Tôi không biết. Tôi chỉ biết là các giáo viên dạy Văn phải chịu trách nhiệm về việc học trò của mình chưa biết dùng tiếng Việt.

Bình giảng các tác phẩm hay? - Đúng. Dạy tập làm văn? - Đúng. Giới thiệu văn học thế giới? - Đúng.

Các bác làm gì cũng đúng hết, nhưng nếu học trò của các bác không biết nói và dùng đúng tiếng Việt thì em cứ tóm gọn lại là các bác còn có cái gì đó chưa đúng!

Ngẫm lại mình (13) - Khánh lông vịt và Quang lươn

Giai cấp công nhân Việt nam bắt đầu hình thành khi người Pháp triển khai xây dựng các công trình công nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng và dịch vụ ở Việt nam như các nhà máy điện, nước, rượu bia, đường sắt, mỏ than Quảng Ninh, mỏ thiếc Tĩnh Túc v.v.

Hiện nay giai cấp công nhân Việt nam đang lớn mạnh dần về số lượng và chất lượng. Quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hóa đưa tỷ trọng công nghiệp trong toàn nền kinh tế tăng lên, đồng thời củng cố và phát triển giai cấp công nhân về lượng và chất, đẩy lùi "tính cách tiểu nông" cố hữu trong chúng ta.

Nói một cách cụ thể và khái quát, người công nhân Việt nam bắt nguồn từ nông dân. Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, người công nhân vẫn chưa gột rũ sạch những thói quen đồng ruộng và văn hoá làng xã của mình, với những đặc tính tốt đẹp và cả những thói hư tật xấu của nó.

Đã có rất nhiều gương công nhân lao động giỏi trong sản xuất và chiến đấu. Thiết nghĩ, vẫn nên nêu một vài nhân vật điển hình người "công nhân - nông dân" ?

x

x x

Trần Quang Khánh là công nhân vô tuyến điện. Khánh học Albe Xarô, sau năm 1954 học nốt cho hết phổ thông thì đi làm công nhân, tập toạng đọc và nói được tiếng Pháp.

Hiếm người nào có tài học mót và đôi tay khéo léo như Khánh. Cơ quan tôi tổ chức cuộc thi thiết kế tạo dáng một loại bàn điều khiển. Khánh đoạt giải, đứng trên tất cả các ông kỹ sư cơ khí. Đơn giản là nhờ mày mò tìm đọc nhiều tài liệu tiếng Pháp mà thân nhân bên Pháp gửi về cho, anh ta mô phỏng kiểu dáng một cái bàn điều khiển rất đẹp và hợp lý. Gia đình Khánh có cái hay là không gửi len, mì chính về cho người nhà ở trong nước như những người ở nước ngoài khác hồi đó thường làm mà toàn gửi các tạp chí hay tài liệu kỹ thuật.

Khánh rất kém về lý thuyết. Làm bài thi nâng bậc thợ bao giờ cũng kém, "nhố nhăng" nhất, nhưng tay nghề thì rất giỏi nên vẫn hay được đặc cách cho nâng bậc lương.

Có lần Khánh biểu diễn bàn tay vàng của mình bằng cách chỉ nhìn miệng một cái cốc (hoặc một cái gì đó tương tự), không hề dùng thước đo rồi ước lượng bằng mắt mà cắt ra được miếng tôn tròn đậy vừa khít cái cốc đó, trước sự thán phục của mọi người.

Khánh sửa đài bán dẫn cực giỏi, mặc dù rất kém về lý thuyết mạch vô tuyến điện.

Tôi là một trong số ít ỏi người được Khánh kể về việc Khánh bị ở tù hai năm.

Khoảng vào năm 1968 Khánh đang làm công nhân vô tuyến điện cho một bộ phận ở cơ quan Bộ Ngoại giao thì bị bắt giam. Bộ phận Khánh làm việc bị mất một bóng đèn công suất (loại GU). Với cái bóng này, kẻ xấu có thể tìm cách lắp được một cái máy thu phát vô tuyến điện.

Khánh hay la cà ở các đại sứ quán nước ngoài, do biết tiếng Pháp nên Khánh được họ mời sửa radio. Đây là một chi tiết dễ gây nghi ngờ.

Ông Phó phòng của Khánh tố cáo là so số liệu bàn giao với ông trưởng phòng đang đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài với hồ sơ trước đó thì thiếu một chiếc đèn công suất.

Công an bắt Khánh và triệu hồi ông Trưởng phòng từ nước ngoài về để điều tra.

Ông trưởng phòng không biết gì để khai với cơ quan điều tra, Khánh cũng thế.

May sao, ông cán bộ điều tra là một người tận tình với công việc, quyết tìm cho ra sự thật. Ông lần mò theo các đầu mối mà không tìm ra "đáp án", cuối cùng chỉ còn lại một mình anh thủ kho đã đi bộ đội và được đưa vào chiến trường miền Nam. Ông lặn lội vượt qua mọi khó khăn bom đạn tìm theo dấu chân người lính, vào tận đơn vị anh này thì được biết anh đã hy sinh sau khi bị thương nặng và được chuyển về Bệnh viện dã chiến X. Ông lại tìm đến Bệnh viện này, gặp người bác sỹ điều trị cho anh cựu thủ kho kia, hỏi có còn giữ được chút giấy tờ tang vật nào về người lính do ông điều trị hay không.

Người bác sỹ nói là trước lúc trút hơi thở cuối cùng, người lính nhiều lần nhắc đi nhắc lại câu: "Hãy tha thứ cho tôi, chính tôi là người đập vỡ cái bóng đèn đó". Không ai hiểu ý nghĩa câu nói của người lính, họ nghĩ là anh mê sảng.

Người cán bộ điều tra vượt bom đạn quay ra Hà nội, Vụ án bị đình trệ cho đến một ngày trời mưa xối xả, xói mòn góc vườn cơ quan của Khánh, để lộ ra mấy miếng thuỷ tinh bóng đèn điện tử. Công an lập tức đến kiểm tra, họ đào lên được "di hài" của cái bóng đèn công suất bị cho là thất thoát kia.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an đã làm cho ông Phó phòng phải khai nhận là ông ta đã cấu kết với thủ kho "thủ tiêu" cái bóng công suất nhằm đổ tội cho Trưởng phòng. Người thủ kho bất mãn với Trưởng phòng do chậm được lên lương...

Vụ án được sáng tỏ. Ông Phó phòng đi tù. Ông Trưởng phòng mất cơ hội để có bằng Phó Tiến sỹ. Khánh mất hai năm thanh niên trong tù. Công an thì mất rất nhiều thời gian và công sức.

Cơ quan Công an làm việc rất nghiêm túc. Họ bồi thường cho Khánh hai năm tiền lương, trực tiếp liên hệ bố trí công ăn việc làm cho Khánh.

Khánh có bàn tay vàng. Bàn tay vàng chỉ phục vụ cho riêng Khánh vì xí nghiệp nơi Khánh làm việc không biết tận dụng tài năng của anh ta.

Khánh làm đầu từ giả Sony (đầu từ của máy ghi âm), tung ra thị trường qua con đường Chợ Lớn. Nhiều người mua được mang về khoe với Khánh là đầu từ Sony "xịn" dùng rất tốt, Khánh lấy kính lúp soi cho anh ta thấy 3 chữ "TQK" rất nhỏ được đóng dấu trên đầu từ.

Khánh còn làm màng loa và loa chất lượng cao.

Chuyện vợ con thì Khánh rất tệ. Yêu một cô đã dăm năm, cô này xinh người đẹp nết, hai năm Khánh ở tù cô đi thăm nuôi, ba năm đi sơ tán cô ấy cũng giúp đỡ Khánh rất nhiều. Thế mà Khánh bỏ cô này cái rụp, cưới một cô xấu đui, nhưng... giàu.

Từ đầu truyện tôi chưa nói vì sao mọi người lại đặt cho Khánh cái biệt danh là "lông vịt". Đó là vì Khánh có thói quen hứa hão và hay đưa ra những lý do rất "lông vịt". Một lần đầu giờ sáng thứ hai Khánh vừa mới đạp xe lên khu sơ tán được khoảng mấy chục phút thì chạy ngay sang nhà thủ trưởng gãi đầu gãi tai:

- Anh cho em về Hà nội, chiều lên, vì em để quên quần đùi ở nhà, chiều nay tắm không biết lấy gì mà mặc.

x

x x

Bây giờ chuyển sang chuyện Quang lươn. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi xin nói ngay: do anh này rất lươn lẹo nên mọi người gọi anh ta là Quang lươn.

Quang cỡ tuổi Khánh. Thời kỳ làm công nhân ở Nhà máy Thiết bị Bưu điện, Quang xin học hàm thụ đại học Bách khoa Hà nội và đã làm được một việc quan trọng là được kết nạp vào Đảng.

Học chưa xong chương trình đại học, biết là sắp có đoàn công nhân sang Hungari thực tập kỹ thuật, Quang chạy chọt để được đi vào đoàn đó với chức danh "Kỹ sư trưởng đoàn".

Khi đoàn về nước, Quang bị "ốm", phải đi viện điều trị và về nước sau anh chị em hai tuần. Trong hai tuần đó, Quang kịp nhận toàn bộ số tiền thưởng quý mà do phải về nước nên cả đoàn chưa ai kịp nhận. Phía bạn không yêu cầu giấy uỷ quyền vì suốt ba năm qua trưởng đoàn đích thân nhận lương thưởng cho anh em. Bạn đọc đừng hỏi là Quang có chuyển số tiền đó cho từng người nhận hay không.

Về nước, Quang đi làm với tư cách kỹ sư vì theo quy định là đơn vị mới trả lương theo giấy thôi trả lương của đơn vị cũ. Nhưng Quang vẫn xin giờ đi học nốt hàm thụ năm cuối ở Bách Khoa. Vì sao mà thủ trưởng cơ quan vẫn cho Quang đi như thế thì chỉ có ông ta biết, Quang biết và có lẽ ông Trời cũng biết mà thôi?

Rồi Quang đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài, đi được là nhờ van vỉ một cậu đàn em trong số được chọn đi nghiên cứu sinh năm đó: "Chú mới hai muơi lăm tuổi, còn nhiều cơ hội đi học, anh đã ba mươi lăm rồi, sắp hết tuổi đi học. Chú hãy thông cảm nhường chỉ tiêu năm nay cho anh đi nhé!". Chú chàng thanh niên đang chuẩn bị cưới vợ, nghe bùi tai, đồng ý ngay.

Phải thi đạt điểm chuẩn ba môn toán, lý thuyết mạch và một môn chuyên ngành. Quang mời từng ông trưởng trò ba môn này lần lượt đến nhà chơi và nói:

- Nếu em đỗ môn của thầy thì cái xe máy này sẽ là của thầy.

Với ông thầy thứ hai Quang vẫn áp dụng câu đó, chỉ thay cái xe máy bằng cái xe đạp mipha mới tinh, ông thứ ba thì được hứa cái máy khâu nhãn hiệu Đức.

Nghiên cứu sinh xong, Quang không về nước mà ở lại làm cho "Tây". Trong nước gian khổ, ở nước ngoài sướng hơn lại làm ra tiền nhiều.

Quang chơi thân với các ông trên Sứ quán, mua giúp các mặt hàng quý hiếm. Hễ có đoàn cao cấp nào từ trong nước sang Quang đều biết, đến thăm và biếu quà chu đáo. Nhờ đó Quang có được mảnh giấy chứng nhận Quang được Bộ chủ quản cho phép và cử đi làm cộng tác viên khoa học ở nước ngoài. Tất cả thời gian làm ăn ở nước ngoài sau này được tính là "thời gian liên tục công tác" để xem xét xếp lương và làm sổ hưu.

Khoảng năm 1992 thì Quang về nước, tìm gặp mấy người quen ở Bộ, khóc lóc nhờ giúp đỡ: "Vợ tôi định lừa tôi, cô ấy đang đòi ly dị. Nếu ly dị thì tôi mất trắng vì toàn bộ tiền bạc tôi gửi về cô ấy dùng xây nhà trên miếng đất mang tên bố cô ấy, tài sản không đứng tên một trong hai vợ chồng, toà sẽ không xử chia tài sản được". Mấy anh em quen biết cũ động lòng thương, mỗi người một tay giúp Quang về Bộ làm việc.

Quang có tài "bám sát lãnh đạo", chỉ sau vài năm, Quang vọt lên trên đầu tất cả những người từng tìm cách đưa Quang về Bộ.

Quang có tài vẽ ra rất nhiều việc hợp ý muốn của lãnh đạo, biết chiết ra từ các công việc ấy lợi ích cho riêng mình: đi nước ngoài tham quan khảo sát, dự các hội thảo trong và ngoài nước, nhưng không bao giờ đẩy công việc tới cùng, "đánh trống bỏ dùi", chính xác hơn là đánh trống này xong qua đánh trống khác. Quang không quăng dùi, chỉ là để người khác tiếp tục đánh hoặc thôi.

Bây giờ Quang đã nghỉ hưu, gần như sống định cư ở nước ngoài cùng gia đình người con mà Quang vạch đường chỉ lối sang đó du học, ở lại hành nghề, cưới vợ sinh con.

Thỉnh thoảng Quang có về Việt Nam để... sinh hoạt chi bộ!

Ngẫm lại mình (14) - Chí Phải

Vào một đêm trăng thanh, nơi mộtcái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua...

Đó là điều mà Thị Nở chợt nhớ đếnkhi nghe tin Chí Phèo đâm chết Bá Kiến rồi tự cứa vào cổ. Thị còn nhớ đến cáilò gạch cũ trong suốt chín tháng mười ngày, cho đến khi sinh ra một cục đỏ honhỏn, cũng tại cái chỗ mà sinh linh nhỏ bé kia bắt đầu mầm sống, trong cái lògạch cũ.

Thị tự xoay xở với việc sinh nở.Ông Trời cũng khá công bằng, người nghèo không có tiền thì Trời cho sức khỏe vàkhả năng làm được những việc tưởng như không ai làm nổi.

Đứa bé không bụ bẫm nhưng khoẻ mạnh. Sữa mẹ nó tốt, cơm mẹ nó nhá cho cũng tốt, mặc dù là cơm hẩm mẹ nó đi kiếm mỗi ngày. Nó có nét giống Chí Phèo, tất nhiên là không có những vết rạchtrên mặt, môi nó to và dày giống mẹ. Duy có một cái nó không giống ai, đó là ởcái nơi bất kỳ đứa trẻ con nào sinh ra cũng có cái gọi là chim hoặc bướm thì nókhông có gì cả, bằng phẳng như chỗ ấy của con búp bê nhựa, không lồi không lõm,trừ một cái lỗ tí hin để đi tè.

Thấy con như vậy Thị Nở buồn lắm,nhưng rồi buồn chả bao lâu. Thị nuôi nó, bới trộm khoai lang cho nó ăn, vặt túm nhãn nhà ai đó về dúi cho nó. Thị chơi với con, nựng nó, nó khoái chí kêu khéc khéc còn Thị thì cười khục khục. Hết buồn, Thị bắt đầu khoái cái vụ con của Thị không có chim mà cũng không có bướm, Thị tặc lưỡi: "Không có cái đó càng hay, đời ngưòi chỉ vì cái đó mà rặt toàn gặp những chuyện rắc rối"

Mãi đến năm đứa bé sáu tuổi, Thị mới lên xã làm khai sinh cho con, chả biết khai cho nó cái tên là gì, không nhẽ khai là Cún, cái tên Thị vẫn dùng gọi nó hàng ngày. Ông cán bộ xã nhăn trán nghĩ ngợi một lúc, rồi lấy giúp cho nó cái tên là Chí Phải. Bố đã Chí thì con cũng phải Chí, bố Phèo, nay con cần may mắn hơn, đi theo lẽ phải. Họ thì lấy theo họ của mẹ vì không ai biết Chí Phèo họ gì.

Ông xã cũng quyết luôn giới tính của Chí Phải là nam, tuy nó không nam cũng chẳng nữ. Làm nam sang hơn làm nữ, ở ta vẫn quan niệm vậy.

Thằng Cún cắp sách đến trường.Nói thế cho đúng kiểu các nhà văn hay viết chứ Cún ta làm gì có sách. Nó chỉ cómột quyển vở tập viết, một cái bút lá tre cùng một lọ mực tím mà nó dùng chủyếu để bôi lên mặt và tay chân nhiều hơn là để viết. Tôi không kể việc nó làm dây mực ra áo, cái áo nó là áo nâu sồng, có dây tý mực vào thì cũng chả xấu hơn tẹo nào.

Các nhà khoa học nghiên cứu về gen chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên. Thằng Cún thông minh, sáng dạ, khác hẳn với bố mẹ nó. Hay thực chất là Chí Phèo và Thị Nở cũng thông minh và sáng dạ nhỉ? Xã hội hồi đó không cho phép họ được thông minh sáng dạ nên họ phải ngu đần?

Chí Phải thế mà học giỏi, đượcvào lớp chuyên. Rồi nó được chọn đi nước ngoài học đại học, một phần nhờ vào học lực, phần nữa nhờ ở cái lý lịch cố nông, thành phần cơ bản.

Ở nước ngoài nó học cũng giỏi,không rượu chè trai gái gì hết. Nó không uống rượu có lẽ do đời bố nó uống nhiều quá, nay hết phần nó mất rồi. Còn trai gái thì, giời ạ, nó có cái đấy đâu mà trai gái! Thế là lý lịch của nó càng hoàn hảo.

Ra đi làm, Chí Phải được cấp trên quan tâm bồi dưỡng để làm cán bộ nguồn cho tương lai.

Đấy, cái số nó chết là chỗ ấy đấy, ở ta hễ ai được quan tâm đưa vào diện "đưa lên" thì thể nào cũng toi sớm. Người này ghen tỵ, kẻ kia không ưa, đối tượng khác thì bĩu môi:"Ông bị cái lý lịch tư sản nó dìm ông chứ không thì còn lâu mày mới bằng ông".

Đám ghen ghét kia kiếm cách hại Chí Phải. Nhân một hôm Chí Phải cùng cô bạn gái ở lại sau giờ làm thêm để hoànthành bản thiết kế một loại thiết bị mới, bảo vệ cơ quan ập vào phòng "bắt quả tang" hai anh chị đang hủ hoá. Cả hai bị mang ra kiểm điểm, cô gái kia khóc hết nước mắt, còn Chí Phải ngồi im nhất quyết không nói. Thời đó người ta khoái họp, và khoái kiểm điểm. Đi họp vẫn ăn nguyên lương, ngồi rả rích tán phét, rả rích gặm nhấm niềm vui mình... không bị kiểm điểm, ai chả thích. Ai đấu tranh càng mạnh, thái độ càng gay gắt, ngôn từ càng nặng nề thì người đó được nhận xét là có tinh thần xây dựng, có ý thức cầu tiến. Vụ kiểm điểm này phải họp đến năm lần, vì hai anh chị không chịu nhận khuyết điểm, ngoan cố, thiếu thành khẩn. Cứ phải là kiểm điểm tiếp.

Đến gần cuối buổi kiểm điểm lần thứ năm, Chí Phải bỗng dưng đứng phắt dậy, mặt đỏ như xôi gấc, lừ lừ tiến về bàn "Chủ tịch đoàn", không nói không rằng tụt cái quần bộ đội rộng thùng thình ra, chĩa cái "không có gì" ra bốn hướng cho mọi ngườinhìn thấy rồi kéo quần lên, không thèm cài khuy, một tay túm quần, một tay vung vẩy như đang gánh nước, bỏ ra khỏi phòng họp.

Vụ án hủ hoá được kết thúc mộtcách hi hữu: không ai bị kỷ luật. Cô gái kia xin chuyển cơ quan, Chí Phải thì ngày càng ít nói và hay cáu gắt.

Tất nhiên là cấp trên xoá tên Chí Phải ra khỏi danh sách cán bộ kế cận. Không một lời giải thích, mặc nhiên thế thôi. Chắc hẳn không phải vì hành động tụt quần tự giới thiệu kia, mà là vì Chí Phải không phải là người hoàn thiện.

Làm anh cán bộ bình thường, không còn cơ tiến thân, Chí Phải buồn vô tả. Nó buồn nhưng không uống rượu. Không rõ vì lý trí thắng thế hay bản tính nó không thích rượu.

Uống rượu làm càn là kẻ tiểu nhân, không uống rượu mà vẫn làm càn mới là người có bản lĩnh.

Chí Phải lơ là công việc, cãi lại cấp trên, đi muộn về sớm. Nó bị đuổi việc.

Nó tức. Học đại học kiếm cái bằng đỏ như nó có phải ai cũng làm được đâu? Nhìn thấy thằng Kiểm học tại chức thi lên thi xuống, bây giờ chễm chệ ngồi trưởng phòng, nó chịu sao nổi? Trình độ như mày mà đòi lãnh đạo bố mày sao?

Bị đuổi việc, nó ra làm ngoài. Số nó chưa hết vận đen nên nó bị công an kinh tế cất vó, mất hết cả chì lẫn chài, suýt phải đi bóc lịch mấy năm.

Đến năm 1995 thì nó gặp may trúng tuyển vào làm việc cho một công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt nam. Công ty này chỉ quan tâm trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và vi tính chứ không quan tâm lý lịch, thế là nó trúng. Sau mấy năm nó được bổ nhiệm làm giám đốc một ban, kiểu như ở ta gọi là trưởng một phòng.

Nó được dùng xe hơi công vụ, com lê com táo nghiêm chỉnh, đầu cắt tóc mốt mới nhất, nước hoa thơm lừng. Đời nó thế là toại nguyện. Nó đón cụ bà Thị Nở ra Hà nội ở. Thị Nở về già trông phương phi béo tốt phúc hậu chả kém ai.

Thế nhưng trong thâm tâm nó vẫncảm thấy đau. Cái thằng Kiểm trưởng phòng học tại chức, ngu lâu, dốt mãi kia bây giờ đường đường là Vụ phó một Vụ quan trọng, thỉnh thoảng lên TV trả lời phỏng vấn, ngúc ngắc cái đầu hói trông rất trí tuệ và oai oách. Trong khi Chí Phải chỉ là một thằng làm thuê cho bọn tư bản nước ngoài, không hơn không kém.

Chí Phải đau, và tức. Nó muốn hơn người, nó phải hơn người vì tự nó thấy nó giỏi, vậy mà nó luôn thua thiệt. Tấtnhiên là nó luôn che đậy, giấu kín hai điều: bản chất quê mùa của nó và bản chất không đực không cái cũng của nó.

Để cho ra vẻ không nhà quê, nó ăn nói đãi bôi hơn cả người thành phố, nó tìm cách chơi thân với các nhân vật có tiếng tăm. Bao giờ nó cũng đá tên các vị kia vào câu chuyện của nó, tỷ như "Hôm qua tớ ngồi uống bia với tay X Thứ trưởng Bộ Y" hay "Hôm rồi nhạc sỹ P đến chơi nhà tớ, khen cái piano nhà tớ thuộc loại ngon" v.v.và vân vân.

Còn chuyện dở ông dở bà của nó thì nó dấu bặt, không dại như lần tụt quần cho thiên hạ xem hạ bộ bằng khôngcủa mình. Nó cặp kè với các em chân dài, lẳng lơ véo má vỗ mông các em ở chỗ đông người. Các em chân dài chả giận hắn, giận làm gì khi một cái vỗ mông đánggiá vài triệu, còn lãi hơn nhiều so với việc làm vất vả khác trên giường cùngvới những đại gia khá tiết kiệm, mặc cả sát sàn sạt.

Thế rồi một ngày trở trời nọ, Chí Phải bật hứng làm thơ. Ở Việt nam ta ai cũng là nhà thơ hết, hoặc là nhà thơ có tiếng tăm ở cấp trung ương, cấp tỉnh hay cấp xã, còn lại thì là nhà thơ tiềm ẩn. Chí Phải nghĩ nó là nhà thơ tiềm ẩn. Nó thử làm một bài. Và nó thấy hay. Hôm sau nó mời nhà thơ nổi tiếng cấp thành phố đi uống bia, bố kia gật gù khen hay, uống thêm một cốc, khen hay thêm một câu. Ông nhà thơ khen thơ nó có cái dịu dàng của nữ giới, lại có cái hoài bão của nam nhi. Quả thật ông này rất nhậy, nói trúng phóc! Mấy ngày sau Chí Phải ra sạp bán sách báo, mua mấy chục tờ báo Giao thông vận tải gửi tặng cho bạn bè, trước đó đã lấy bút đỏ đóng khung bài thơ của nó đăng trên báo.

Chí Phải làm thơ là việc tốt, chả hại ai. Khổ một cái là từ khi trở thành nhà thơ, Chí Phải không chuyên tâm làm thơ nữa, mà toàn dành thời gian lắng nghe thiên hạ khen thơ mình đến đâu, âu thì cũng chẳng sao, thiên hạ là một nhúm người ở văn phòng của nó cộng với bà Thị Nở ở nhà, cộng thêm vài ông nhà thơ toàn khen vào lúc uống bia.

Nó phấn khởi. Nó đọc lại truyện Kiều, phát hiện ngay trong truyện Kiều cũng có nhiều câu dở. Nó đọc Tố Hữu, thấy có nhiều bài không hay. Rồi nó chửi đổng, cái này thì nó giống ông bố Chí Phèo của mình:

- Ông mà làm thơ sớm từ năm lên tám tuổi thì bây giờ ối thằng theo không kịp!

Thôi thì chúng ta cũng kệ thây nó, cái thằng Chí Phải với câu chuyện văn thơ của nó, chả chết con mẹ hàng lươnnào, đúng không?

Gần đây, khi đã lưng lửng tuổi, đã thành đạt trong công việc, đã thành nhà thơ, Chí Phải đâm ra hay nghĩ tới cái phận không ra ông chả ra bà của mình. Nó không biết yêu là gì, nên nó hay làm thơ tình. Rõ ràng là người nào biết về cái gì thấu đáo, người đó ít viết vềcái đó, ai hiểu biết lơ mơ điều gì thì lại hay khoe là mình biết rất rõ, làm thơ có khi cũng thế thật.

Nó làm thơ tình một cách ngây ngô, đâm ra lại không giống ai, không giống ai nên có người khen là mới lạ, màmới lạ được coi đồng nghĩa với thơ hay.

Rồi một ngày đẹp trời, nó lại thấy đau, giống như thời kỳ bị gạt ra khỏi danh sách cán bộ nguồn. Lần này nó đau vìnó làm thơ tình mãi mà chính nó lại không có khả năng yêu. Ai cũng yêu, được yêu, dở hơi đi nữa là bị yêu. Riêng nó không yêu, không được yêu và cũng không bị yêu.

Thế là nó cáu, nó ghen với tất cảnhững ai đang yêu hoặc có vẻ như là đang yêu. Số này đông vô kể, gần như hầu hết động vật cao cấp biết đi bằng hai chân khoác cái tên là con người thì đều đang dính tới chữ yêu.

Thế là nó ghen với nhân loại. Nó chửi tất cả những ai đang yêu, chửi bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh,những thứ tiếng mà nó biết. Nó trút nỗi căm thù đã bị người ta trước đây kiểm điểm nó vì tội hủ hoá lên đầu những cặp tình nhân hoặc nó cho là tình nhân. Nó nói xấu họ, nó bịa đủ thứ chuyện tồi tệ về họ. Lúc đầu nhiều người ngỡ ngàng, bực tức, nhưng lâu cũng quen dần. Nó nói gì thì tai nó nghe trước, người ta bảo vậy và không để ý đến nó nữa.

Càng đau đớn hơn, trong đêm tối,nó đóng chặt cửa (để không ai nghe thấy, cái này nó tiến bộ hơn bố đẻ của mình),gào thét, cào cấu ngực, vặn xoắn ngón tay. Nó kinh hoàng, nó hoảng loạn.

Hôm sau nó cáo ốm không đi làm,chạy ra quán bán băng đĩa lậu mua mấy cái đĩa sex loại siêu nặng, về đóng cửamở xem một mình. Thấy trên màn hình người ta thở hồng hộc, nó cũng bắt chước thở hồng hộc. Người ta lăn lộn, nó cũng lăn lộn.

Nửa giờ sau, mồ hôi đầm đìa, mệt lử, nó chả thấy cái gì thú vị, ngoài cái sự mệt. Nó nằm thừ một lúc, lấy tay sờ vào chỗ không có gì của mình, chỗ đó không có cảm giác gì hết. Nó nằm trơ, cặp mắt đơ đơ nhìn mãi một điểm trên trần nhà.

Đêm tiếp sau đó, nó lại xem đĩa sex, lại lăn lộn, lại mệt, lại chán chường. Rồi đêm sau nữa, nhiều đêm sau nữa.Và nó đâm nghiện cái sự lăn lộn và cái cảm giác mệt sau một hồi lăn lộn.

Thuốc lắc giúp nó nhảy nhót, lăn lộn tuyệt vời, đạt được đỉnh điểm khoái cảm của sự lăn lộn. Nó chơi thuốc lắc.Thuốc lắc lắc nó một hồi, nhiều hồi và cuối cùng không lắc được nữa, nó ngã gục, nằm bất động.

Sáng hôm sau cụ bà Thị Nở khóc rống khi thấy Chí Phải đã chết lạnh từ lúc nào. Cũng may là chết toàn thây,không rạch đứt cổ, người đầy máu me như bố nó, ông Chí Phèo nổi tiếng.

Lần đầu tiên tôi viết xong một truyện ngắn mà thấy hoàn toàn yên tâm.

Cụ Nam Cao để Chí Phèo lưu cái mầm sống trong bụng Thị Nở, làm cho có thằng Chí Phải sau này. Chí Phải khôngcó gì để sinh con, coi như từ đây tiệt cái giống nhà Chí.