Cát Bà 07.14

Phong cảnh Hạ Long trên đường phà từ Tuần Châu đến Cát Bà

Cát Bà nổi tiếng là một điểm du lịch hấp dẫn, có núi, có biển, có rừng, có hang động và có những bãi tắm hoang sơ. Chỉ có điều đến với Cát Bà hơi khó khăn, đi xe đến Tuần Châu rồi phải đi phà tiếp đến Cát Bà. Hơn nữa, phà từ Tuần Châu đi Cát Bà thường xuyên bị quá tải vào cuối tuần, mất khá nhiều thời gian chờ đợi. Thực ra mình đã âm mưu đi tour du thuyền 3 ngày có ghé Cát Bà 1 ngày nhưng chưa có dịp thử nghiệm, tour này chắc chắn hay hơn nhiều là đi Cát Bà bằng đường bộ.

Điểm đáng đến nhất ở đảo này là pháo đài thần công trên đỉnh của một ngọn đồi cao nhìn bao quát cả thị trấn, Vịnh Lan Hạ, rừng quốc gia Cát Bà, bãi Cái Bèo, đảo Khỉ… Nơi này là địa điểm lý tưởng cho săn ảnh phong cảnh Hạ Long, nhất là khi lên đây vào bình minh hay hoàng hôn khi trời đẹp, bạn sẽ có những bức ảnh đẹp nín thở. Quả đồi này từng là nơi đặt pháo thần công của quân đội. Trong khuôn viên vẫn còn lại hai khẩu pháo và những con đường địa đạo quanh co dẫn đến những điểm ngắm cảnh đẹp.

Điểm nhấn thứ hai của Cát Bà là đường vòng bờ biển nối các bãi tắm Cát cò 1-2-3. Biển một bên và núi một bên, con đường quanh co uốn khúc vô cùng lãng mạn. Bạn nên bớt chút thời gian đi dạo quanh các bờ biển này, ít nhất cũng để hít thở không khí biển trong lành, ngoài ra còn có thể có săn được những bức ảnh phong cảnh đẹp long lanh.

Các bãi tắm Cát Cò 1-2-3 trên đảo cũng khá đẹp, chỉ có điều ken đặc người vào cuối tuần. Dân Hà Nội cuối tuần kéo nhau đến đây ăn chơi như một trào lưu thời thượng, và hậu quả là các khách sạn kín phòng, các bãi tắm dầy đặc, các nhà hàng cũng chen lấn không còn chỗ. Và dịch vụ du lịch thì mau chóng trở thành máy chém sắc lẻm.

Đảo Cát Dứa với tên dân dã là đảo Khỉ cách Cát Bà có khoảng 15' đi thuyền. Bọn mình thuê thuyền, mua vé ra đảo để rồi thất vọng, vì tiếc tiền mà cố nhảy xuống bãi tắm đầy rác rưởi, cũng ken đặc người những mấy bãi Cát Cò.

Rừng quốc gia Cát Bà là 1 trong 4 khu rừng nguyên sinh được bảo tồn của quốc gia. Vào rừng đúng lúc mưa tầm tã, nên chỉ đi được một đoạn đường rừng, xem mấy cây kim giao, nghía vài con hươu sao, mua chục đôi đũa kim giao về để cất đi không dám dùng, vì biết đâu ngày nào nó cũng đổi màu thì có lẽ phải vứt đũa chứ không dám đổ thức ăn đi mà nhịn đói.

Trong rừng có một số hang động (hang quân y, hang Trung Trang) được quân đội sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ như bệnh viện, như nơi trú ẩn...cũng khá đẹp và hấp dẫn.

Cát Bà là tên đọc dân dã của Các Bà, chính là chế độ mẫu hệ từ ngày xưa ở đảo này. Cát Bà là đảo lớn nhất, còn Cát Ông là một đảo nhỏ bé xíu nằm khiêm tốn bên cạnh Cát Bà. Cho đến nay, chế độ mẫu hệ vẫn còn, con cái vẫn tiếp tục lấy họ của mẹ ở đây. Bà nào muốn làm trụ cột gia đình thì di cư ra đảo này nhé.

Chuẩn bị cập bến phà Cát Bà

Bãi tắm Cát Cò đông nghẹt -Sunrise Resort

Đường vòng bãi biển đảo Cát Bà

Con đường xanh biếc bóng cây

Đường vòng bãi biển đảo Cát Bà

Đảo Khỉ (Cát Dứa)

Bãi tắm đảo Khỉ

Hoàng hôn ở thị trấn Cát Bà

Bình minh Hạ Long nhìn từ pháo đài thần công

Bình minh Hạ Long nhìn từ pháo đài thần công

Đường lên pháo đài thần công

Vũ điệu của mây trắng trên đường về

Dạo chơi với hoàng hôn biển

(Cát Bà, 7.2014)

Giá cả của máy chém có tên gọi Du lịch Cát Bà mình ghi lại ở cuối bài để mọi người tham khảo để không làm loãng bài viết.

Giá vé phà là 60K/người/lượt. Giá vé để tham quan pháo đài thần công là 60k. Giá xe ôm khứ hồi lên đến đỉnh đèo là 80k/người vào cuối tuần, mặc dù mình đọc thấy đâu đó trên net bình thường chỉ có 30K. Khách sạn 3 sao (Hùng Long) với trang thiết bị bình thường hét giá đến 1,5 triệu/đêm, lại còn phải mua kèm thêm một "Gana Dinner" giá 399K/người vừa bi hài bôi bác vừa cắt cổ du khách không thương tiếc. Giá thuê thuyền ra đảo Khỉ cho đoàn 20 người là 1,5 triệu đồng khứ hồi, cộng thêm vé ra khơi 30K/người.