Spring, Summer, Autumn, Winter

Xuân, Hạ, Thu, Đông

Lời dẫn của Văn Thành Nhân

Cuộc đời con người như bốn mùa của một năm: Xuân, Hạ,Thu, Đông. Cứ như thế, như thế, người này chết đi người khác lại sinh ra. Mùa Đông qua đi lại một mùa Xuân mới đến.

Cách đây 5- 6 năm. Nghĩa, người dẫn chương trình” Những tác phẩm điện ảnh” của VTV2 có giới thiệu cho tôi xem bộ phim ” Spring, Summer, Autumn, Winter”.

Nhiều năm trôi qua không làm cho tôi quên được bộ phim này.

Dù rất hay về nội dung và cách thể hiện nhưng bộ phim này vẫn không được chiếu trên sóng VTV.

Đây là một bộ phim của Hàn quốc mang nặng yếu tố Phật giáo. Bối cảnh của phim chỉ diễn ra trên một ngôi chùa nổi. Ngôi chùa độc nhất vô nhị này tọa lạc trên một cái hồ. Hồ nước nhỏ này nằm gọn trong một thung lũng kín đáo quanh năm xanh trong.

Nhân vật chính trong phim là một cậu bé, sau này cậu ta lớn lên trở thành một thanh niên. Nhân vật trung tâm của câu chuyện là một Nhà sư. Cuộc sống mấy chục năm của hai người đàn ông chỉ diễn ra trong chùa, trên hồ nước và những cánh rừng quanh đó.

Bộ phim chỉ có 11 vai diễn, 7 nhân vật nhưng gần hết trong số đó qua đi mà không để lại ấn tượng, họ chỉ làm nền cho nhân vật chính.

Chỉ có 3 người: Hai người đàn ông, một vị sư già, một môn đệ trẻ. Một thiếu nữ trẻ xinh đẹp được gia đình gửi lên chùa chữa bệnh.

Phim đã để lại cho ta những ấn tượng đẹp. Không có những pha gay cấn đến tắc thở thì có những pha ” Làm tình làm tội” nhau một cách lãng mạn.

Tất cả đều có nhưng vừa phải, đúng với khung cảnh Thiền tự của bộ phim.

Nhân và quả trong bộ phim được đạo diễn khắc họa rất rõ nét. Kẻ tu hành đã quyết dành cả phần còn lại của cuộc đời mình cho Đạo Phật phải làm những gì, phải trả giá cho cuộc đời như thế nào.

Tình yêu nam nữ như là tạo hóa đã ban cho con người. Kẻ tu hành có thoát được lưới tình…..

….Có thể thoát được mảnh lưới của Pháp luật, nhưng có thể thoát được lưới Trời, luật Trời hay không?

Người không tu hành, người tu hành cũng có thể xem bộ phim này như là xem một bộ phim giải trí.

Khuôn hình đẹp. Âm nhạc rất Thiền, cảnh quan rất Thiền, nhân vật cũng rất Thiền và Thiện.

Bộ phim cũng rất nhẹ nhàng, dịu dàng như một ngôi chùa cổ….

Việc chọn được một cảnh quay rất khó, nhưng chọn được hai nhân vật lại càng khó.

Tất cả những chi tiết đáng chú ý trong phim như:

- Cổng chùa: Không hàng rào nhưng mọi người ra vào chùa đều tự giác mở cánh cửa để đi qua cổng chùa.

Có một hàng rào vô hình.

- Trong ngôi nhà: Không có vách ngăn, nhưng mọi đi lại sang gian bên cạnh đều phải đi qua cửa.

Có những vách ngăn vô hình.

…..

Điều đó cũng như Phật pháp, Luật pháp, Gia pháp, Gia phong… cũng như một ngã tư đường phố không có cảnh sát giao thông. Nhưng nếu mọi người trong xã hội dù to dù nhỏ không tôn trong luật thì điều gì sẽ xảy ra, chắc ai cũng biết.

Điều đó là Nhân Qủa.

Đúng như tác giả của bộ phim đã nhận định:

” Đôi khi hiện tại của chúng ta lại phải gánh những gánh nặng từ những việc làm trong quá khứ. “

Lời giới thiệu có lẽ đã hơi nhiều. Để khỏi mất thời gian của các bạn. Xin mời các bạn xem phim.

Rất tiếc bộ phim này không có phụ đề và bản thuyết minh tiếng Việt.

Mời các bạn xem tạm bộ phim qua phụ đề bằng tiếng Anh .

Vanthanhnhan

____

Vài lời thêm: Tôi hoàn đồng ý với đánh giá của nhà bình luận điện ảnh VTN, nhưng chỉ có vài lời nói thêm

Bộ phim này đã được chiếu đi chiếu lại rất nhiều lần trên truyền hình Đức. Đặc biệt là kênh truyền hình N3, một kênh truyền hình chuyên về Nghệ Thuật của Đức, hầu như năm năm nào cũng có chiếu lại, nhất là vào các tiết giao mùa.

Riêng tôi không có lần nào truyền hình chiếu lại phim này mà tôi không xem lại. Vẻ đẹp kỳ tuyệt về ngôn ngữ điện ảnh của phim này dù xem đến lần bao nhiêu cũng không chán.

Về nội dung phim thì không không có gì mới lạ, tình tiết phim thật ra cũng không có gì đột phá, gay cấn cả. Nhưng cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh thì thật là tuyệt vời.

Cả bộ phim chỉ có vài mẫu đối thoại. Cộng hết lời phát ngôn của tất cả nhân vật cao lắm không đến trăm chữ. Cho nên dù bộ phim chỉ có phụ đề tiếng Anh, nhưng tất cả mọi người, dù không biết một chút tiếng Anh hay tiếng Hàn, thì vẫn hiểu nội dung của phim. Và thực chất mấy mẫu đối thoại của các nhân vật, cũng không phải là điểm nhấn trọng tâm của phim. Tất cả nội dung của phim, sự lôi cuốn hấp dẫn của phim nằm ở nơi cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh thật tuyệt vời.

Sự thể hiện tài tình của những nhà làm phim thông qua biểu hiện nội tâm của nhân vật, thông qua cử chỉ hành động và những hình ảnh ẩn dụ, kết hợp với ngôn ngữ thể hiện của thiên nhiên và những tình tiết không lời đã làm cho bộ phim có một sức hút kỳ lạ và gây ấn tượng sâu sắc về cảnh giới Chân- Thiện- Mỹ của đạo Giải Thoát.

Đây là một trong những bộ phim về đề tài Phật Giáo hay nhất mà tôi đã được xem. Cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh làm tôi nhớ lại bộ phim "Mùi Đu Đủ Xanh" của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.

Trung Quốc, Hồng-Kông và Đài Loan là đất nước của Phật Giáo, và có nền điện ảnh khá hoành tráng. Nhưng phim của họ chỉ thành công trong các loại phim hành động dã sử. Và phim của họ mang đậm dấu ấn của ngôn ngữ sân khấu. Còn để đạt đến cảnh giới tuyệt vời về ngôn ngữ điện ảnh như phim này của Hàn Quốc và phim "Mùi Đu Đủ Xanh" của Trần Anh Hùng thì có lẽ phải đợi đến thế kỷ thứ 22.

Phim này chỉ có 11 diễn viên, diễn xuất cho 7 nhân vật. Mà những nhân vật phụ của phim xuất hiện trong những trường đoạn rất ngắn, và chỉ vai trò làm "nền" của họ cũng không thật sự quan trọng.

Phim chỉ xoay quay có 3 nhân vật, mà vị sư già trung tâm của phim và ngôi chùa nổi giữa hồ. "Trường phim" cũng chỉ có ngôi chùa cổ nằm giữa vùng sơn thủy nhỏ hẹp ấy mà thôi. Nhưng giá trị nghệ thuật của phim thì thật "hùng vĩ".

Những nhà làm phim nước mình thường đổ lỗi cho điều kiện đầu tư, kinh phí làm phim hạn hẹp hoặc những điều kiện "nhạy cảm" khác, nên không có phim hay, và phải cho ra đời những bộ phim nhạt như nước ốc, và có thể nói "sỉ nhục" cả nghệ thuật điện ảnh.

Nhưng thực sự với "qui mô" về trường quay, "qui mô" về dàn diễn viên...như phim này thì Việt Nam quá đủ điều kiện, thậm chí là còn dư nữa là đằng khác. Nhưng tại sao lại không thể nào có những bộ phim có "đẳng cấp" như thế này được. Đó là một dấu hỏi lớn và cũng là một nỗi đau nhức nhối cho nền điện ảnh Việt.

Thuận Nghĩa