Nguyễn Thị Đạo Tĩnh-Thơ
Bùa lá
Lá vàng tôi thả bùa mê
cho ai nhặt về làm chút duyên chơi
lỡ làng mười tám đôi mươi
tôi đi chợ muộn kiếm cơi trầu già
tơ vương tóc rối chân gà
ai mua tôi bán - để mà cầu duyên….
Đợi người như đợi trăng lên
Người như chàng Cuội - Người quên lối về
Đêm dài - đêm thả bùa mê
Cho con đom đóm bờ đê lạc đường
Buồn tình ngồi ngắm trăng suông
chẳng ai thương đến thì thương lấy mình
lá rơi lạc xuống sân đình
bùa yêu tôi thả - cho mình tôi …. yêu
Hà Nội mùa lá đổ
Không đề
Giá như ngày ấy mình đừng quen nhau
em sẽ thành một người đàn bà khác
Người đàn bà không biết làm thơ không nhiều nước mắt
không đam mê không biết dỗi hờn
Không vẩn vơ buỗn trước mỗi hoàng hôn
Không một mình lang thang trên con đường cô đơn vô định
Không khắc khoải đêm đông
Không ngẩn ngơ ngày nắng
Không dấu tận đáy sâu những tiếng thở dài
Em sẽ yên bình mỗi buổi sớm mai thức dậy
cùng chồng con ríu rít
Sẽ là người đàn bà hạnh phúc biết vun lo bếp lửa gia đình
chia sẻ cùng chồng chăm những đứa con xinh
Có thể tháng ngày sẽ tất bật hơn nhưng trái tim được an lành bến đậu
Anh đã đến ngập tràn dông bão - khu vườn em chao đảo lá cành
Như cánh chuồn chuồn quá đỗi mong manh
Em đã cuốn vào tình anh hoang dại
Ta như con tầu không bánh lái giữa đại dương mịt mù
Hoa cúc sẽ chẳng vàng nếu không có mùa thu - nhưng cũng vì mùa thu mà tàn lụi
Anh đến cho em quá nhiều nông nổi - khi anh đi tất cả vẫn tràn đầy
Em - Người đàn bà được sinh ra từ những đám mây
Mùa thu bay đi
Rồi mùa thu bay đi
trên đôi cánh đẫm mùi hoa sữa
thứ hoa nồng thơm
đến nỗi làm ta xây xẩm cả mặt mày
gió quẩn gốc sấu già như lũ mèo hoang thảm thiết
gọi bạn tinh mùa sinh nở
áo thu mỏng thẫn thờ trên vai thiếu phụ vừa
hững hờ vừa đắm say
những con đường duỗi dài mệt mỏi chẳng đưa
ta đi đâu về đâu chỉ ỡm ờ trong trò chơi cút bắt
tan tác giấc mơ hoa cải vàng trên cánh đồng chiều
ngổn ngang mầu mây lông ngỗng
ngày mai
chẳng biết ngày mai có còn heo may cho
những lứa đôi dại dột như ta đã từng dại dột
cứ nghĩ mùa thu chỉ có nắng vàng
nắm chặt tay gầy giữ lấy thời gian mà không biết
thời gian đang bò luồn trên mái tóc bò luồn
trong mắt nhau
tiễn mùa thu đi rồi ta bật khóc
trở về nhặt một hạt mầm
hì hụi ươm vào cuối trời xa.
Thôn dã
Tháng chín về
Những người nông dân sửa soạn liềm và hái
Ngoài cánh đồngcúc dại mọc đầy bãi hoang
Nắng bớt nồng nàn
Như thiếu phụ đã qua thời xuân sắc
Cây trong vườn nhà uôm uôm ánh vàng
Chiếc cổng tre hững hờ cái làn hương thiên lý
Ang nước mưa giấu một mảnh trời xanh
Giấu một mảnh đời gương mặt cô tôi thời thiếu nữ
Ngày chưa về nhà chồng
Bên gốc cây rơm gà mổ nhau táo tác
Đôi se sẻ vi vút tha rác lên trái nhà
Lót chiếc ổ vàng cho lứa con đầu lòng trú rét
Con mèo giẫm lên lớp lá khô trên mái bếp
Giật mình làm bong mảng rêu lưu niên
Bà tôi ngồi trước hiên nhà tuốt rơm bện chổi
Thơm nống mùi nước quết trầu
Tôi mang cho bà tích nườc chè tươi ủ trong giỏ tre nóng rẫy
Bà cười se sẽ gió tầu cau
Ráng chiều quét lên đỉnh núi phía tây lớp nhũ mầu vàng rực
Năm ấy tôi mười ba tuổi.
Thôn Hạ 2006
Dưới bóng cây gai
Dưới bóng cây gai
Người đàn bà ngồi chải tóc
Chị mơ thấy mình thành những chiếc gai nhọn sắc
Thành những chiếc lá mềm mại xanh non
Thành lớp vỏ xù xì ôm bọc
những thớ gỗ mịn thơm và rắn chắc
Thành bộ rễ bám sâu vào lòng đất
Miệt mài chắt lọc nuôi cây...
Chị mơ thấy mình thành một cái cây
Nhưng chưa bao giờ chị mơ
Thấy mình thành những đoá hoa nở trên cây đó
Càng không thể mơ
Thấy mình thành quả
Không ai hiểu vì sao
Chị cũng không hiểu vì sao...
Một lần
Cấy gai ngủ thiếp
Trong giấc mơ tội nghiệp
Nó thấy mình
Thành người đàn bá cô lẻ đơn độc
Quá đỗi kinh hoàng
...
Dưới bóng cây gai
Người đàn bà vẫn ngày ngày ngồi chải tóc.
10-2005
Bờ Sông Hoa Tím
Mỗi khi buồn em lại tới bờ sông
Nơi có loài hoa ly ty
Mầu huyền tử
Những bông hoa chẳng ai trồng vẫn nở
Nở cho riêng mình
Nở chẳng chờ ai ......
Nơi đó có thiếu phụ tóc dài
Thường hát bài ca của thời thiếu nữ
Bài ca buồn như mất ngủ
"Em đi lấy chồng, trả yếm cho anh"
"Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh"
Tìm đâu nữa chiếc yếm đào thuở ấy
Em đi lấy chồng rồi, anh nào có thấy
Hoa tím chiều, hoa tím cả lòng sông
Người gọi là màu tím thuỷ chung
Người gọi là màu hoa ly biệt .....
Tên thật của loài hoa chỉ mình em biết
Có một người mang nó đã đi xa
Tháng giêng hoa dại
Bức tranh hoa dại
tràn vào
tháng giêng
rừng rực sắc màu
mê man
sương khói.
thiên nhiên phập phồng
nõn nà
cỏ dại.
gái góa nôn nao
đất trời
hoang hoải.
dứt tung dải yếm
ngực xuân nhú chồi.
không gian bùa ngải
lửa tràn trên môi./.
1/2006
Viết tặng lời nói dối
Mười đóa hồng nhung
Tấm thiệp hồng
Cùng vô vàn lời âu yếm
“Anh rất yêu em
Anh nhớ em nhiều lắm
Rất
Rất
Rất nhiều”
….
Ở một nơi nào đó
Gần thôi
Có một người đàn bà
Cũng vừa nhận được món quà
Giống hệt như tôi
Mười đóa hồng tươi
Tấm thiệp hồng
Và vô vàn lời âu yếm
…
Dù thế nào em vẫn cảm ơn anh
Cảm ơn lời nói dối ngọt ngào
Đã cho em cảm giác
Mình vẫn còn
Được sống
Trong tình yêu./.
Valentine 14/2/2005
Chợ tình Khau Vai
Mong một lần được đến chợ Khau Vai
Để tìm lại những gì đã mất.
Tay tìm tay.
Mắt tìm mắt.
Yêu thương tìm yêu thương…
Em đã lạc anh giữa ngã ba đường
Em đã tìm anh
Mặt trời ở đỉnh đầu
Mặt trời rơi xuống dốc.
Dù sông có trôi
Thì nước vẫn đầy.
Một ngày xa nhau
Một ngày thêm nỗi nhớ
Thời gian tính bằng thế kỷ
Đời người tích tắc kim giây.
Nếu Khau Vai lỡ hẹn phiên này
Em sẽ chờ phiên khác…
Anh yêu ơi những gì đã mất
Đừng vô tình để gió cuốn đi./.
2/2006
Ngậm ngùi quan họ
Con nhện chăng tơ
dụ mình sa lưới
tình ơi tình đợi…
Tin ở mình xinh
trúc dựa bóng mình
canh trường bóng lẻ…
Trăng cài trước ngõ
quan họ chờ ai
đêm dài quán dốc…
Dao cau mắt sắc
ngồi tựa song đào
duyên tủi lòng đau…
Áo cởi trao nhau
dối cha dối mẹ
ơi là tình ơi…
Quan họ đêm nay
trầu têm cánh phượng
kẻo mà chàng say…
Lỡ rồi một kiếp
buông áo em ra
cầm bằng như thể
chưa từng… hai ta!./.
Hội Lim 97
Khúc hát tháng Ba
Đào đã tàn từ lâu
Mà sen thì chưa tới
Ngoài khung cửa
Một khoảng trời chới với
Tháng Ba
Bông lựu đơn nở vội trước hiên nhà
Một chấm đỏ như lời yêu vừa chín
Ai đan áo Nàng Bân
Cho mùa đông bịn rịn
Chỉ một chút thôi
Đủ để rét ngọt ngào
Mẹ ta ngồi vo gạo cầu ao
Tiếng vỗ rá nghe sao mà thân thuộc
Ta thương quá tháng ba ngày trước
Củ khoai gầy lát sắn mỏng thay cơm
Em ta giờ áo mặc đẹp hơn
Mắt lóng lánh nét cười rạng rỡ
Em không phải như ta xưa chăn trâu cắt cỏ
Chân lấm bùn đầu đội nắng trưa
Mẹ mừng thừa gạo trắng tháng ba
Lúa con gái đang thì thơm ngậy đất
Mẹ làm bánh trôi
Mẹ làm bánh chay
Mẹ làm bánh khúc
Kính cẩn dâng trời đất tổ tiên
Những cũ càng không thể gọi tên
Đã nuôi lớn bao cánh buồm trai trẻ
Dù đi muôn phương
Ta vẫn muốn được như ngày thơ bé
Trở về nhà bên mẹ
Sà vào khói bếp tháng Ba./.
Người đàn bà ngồi vá bóng đêm
Người đàn bà ngồi vá bóng đêm
Chị rút sợi chỉ dài bằng cả quãng đời
Âm thầm thời con gái
Sợi chỉ so le
Đoạn ngắn đoạn dài
Như nỗi buồn so le
Chiếc kim trên tay
Chị vá lại đời mình
Vá lại bóng đêm đã hai mươi năm
Rách từng mảnh trống
Đã hai mươi năm
Lạnh cóng
Một ánh nhìn
Đêm
Như con rắn đen
Khôn ngoan độc địa
Luôn ru chị bằng chiếc lưỡi mát mềm bóng tối
Nhưng cũng đầy hăm dọa
Bóng tối chống chênh
Những mũi kim vụng về vá víu
Sợi chỉ trên tay rối bời
Đêm chẳng lành hơn
Chỉ có miếng vá nỗi đau này
Chồng lên miếng vá nỗi đau kia
Ngày một dày thêm
Hai mươi năm chị khâu mộng mị./.
Định mệnh
Nếu như ngày ấy, mình đừng quen nhau, em sẽ thành người đàn bà khác.
Người đàn bà không biết làm thơ, không nhiều nước mắt, không đam mê, không biết giận hờn.
Không vẩn vơ buồn trước mỗi hoàng hôn.
Không một mình lang thang trên con đường cô đơn vô định.
Không khắc khoải đêm đông.
Không ngẩn ngơ ngày nắng.
Không vùi dưới đáy sâu những tiếng thở dài.
Em sẽ yên bình mỗi buổi sớm mai thức dậy cùng chồng con ríu rít. Sẽ là người đàn bà hạnh phúc, biết vun lo bếp lửa gia đình, chia sẻ cùng chồng chăm những đứa con xinh.
Có thể tháng ngày sẽ tất bật hơn, nhưng trái tim được an lành bến đậu.
Anh đã đến ngập tràn dông bão. Khu vườn em chao đảo lá cành.
Như cánh chuồn chuồn quá đỗi mong manh
Em đã cuốn vào tình anh hoang dại.
Ta như con tàu không bánh lái giữa đại dương mịt mù
Hoa cúc sẽ chẳng vàng nếu không có mùa thu – nhưng cũng vì mùa thu mà tàn lụi.
Anh đến cho em quá nhiều nông nổi – Khi anh đi tất cả vẫn tràn đầy.
Em - Người đàn bà được sinh ra từ những đám mây./.
BÙA LÁ
I
Lá vàng tôi thả bùa mê
Cho ai nhặt về làm chút duyên chơi
Lỡ làng mười tám đôi mươi
Tôi đi chợ muộn kiếm cơi trầu già
Tơ vương tóc rối chân gà
Ai mua tôi bán- để mà cầu duyên...
II
Đợi người như đợi trăng lên
Người như chàng Cuội- Người quên lối về
Đêm dài- đêm thả bùa mê
Cho con đom đóm bờ đê lạc đường
III
Buồn tình ngồi ngắm trăng suông
Chẳng ai thương đến thì thương lấy mình
Lá rơi lạc xuống sân đình
Bùa yêu tôi thả- cho mình tôi... yêu.
TRỐN TÌM
I
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
Em nhắm mắt
Anh nhận phần đi trốn
Quá tin mình tinh tường
Quá tin anh lóng ngóng
Em chẳng hé nhìn
Vẫn biết anh thua...
II
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
Trời đã quá khuya
Mở mắt đi tìm
Anh trốn kỹ
Em tìm hoài chẳng thấy
Em hỏi hàng cau
Hàng cau bối rối
Hỏi cây rơm già
Cây rơm đứng lặng im...
III
Năm, mười, mười lăm, hai mươi
Em mòn mỏi đi tìm
Năm năm đợi
Mười năm đợi
Hai mươi năm ngóng đợi...
Bằn bặt sân trăng từ đấy
Đi hết một vòng đời
Trò chơi vẫn chưa xong...
BỐN NGƯỜI
cho những người đàn bà bất hạnh
Người đàn bà thứ nhất
Đuổi bắt tình yêu
Ngườì đàn bà thứ hai
Cả tin rồi bị mất
Người đàn bà thứ ba
Lập mưu đánh cắp
Cả ba người nào ai hơn ai
Họ lặng im giấu tiếng tở dài
Chỉ người đàn ông
Nhìn trời... khe khẽ... hát
HOA DÃ QUỲ
Vắt kiệt mình trong cơn khát đam mê
Tự đốt cháy, quên mình hoang dại
Tự đốt cháy quên lòng tê tái
Hoa Dã Quỳ
Vàng đến thắt lòng nhau
Suốt cuộc đời không được chút nâng niu
Cứ dâng hiến
Cứ lặng thầm dâng hiến
Hoa như thể nối niềm đau đớn
Thổn thức chiều đông
Quá vô tình
Người có biết không
Em như một đóa quỳ sơn cước
Gió và mưa không thể nào tắt được
Cái màu tươi nguyên sơ !
Tự đốt mình trong cơn khát đam mê
Hoa rực cháy một vùng biên ải
Dã Quỳ
Dã Quỳ
Chờ chi người đến hái
Chiều nay...
Người biết chăng !
Sinh năm 1952, tại thành phố Nam Định.
Phóng viên - Biên tập viên Văn học, Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Tác phẩm:
Bùa Lá - tập thơ 2006
Miền hoa dại - tập thơ năm 2006,
Cây hoàng liên rễ đắng - Tập truyện ngắn – 2006
Giải thưởng
Giải nhất Cuộc thi truyện ngăn báo Văn nghệ 1974-1975
2 giải báo chí toàn quốc năm 1996 và 1998
Giải liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 1996
“Bùa lá” - những cung bậc cảm xúc
Cầm tập thơ “Bùa Lá” của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh trên tay, lần lượt lật từng trang thơ, lần lượt đắm chìm trong những khoảnh khắc kịch tính, những cung bậc cảm xúc, những vòng xoáy tư duy, con tim người đọc như buốt nhói theo nhà thơ…
Bởi nỗi đau và khát vọng về tình yêu của Đạo Tĩnh quá lớn, một mình chị không mang nổi mà đã ứa vào trang thơ, truyền sang người đọc như thể nhân điện, khiến cả những người ít am hiểu về thơ lắm khi cũng thuộc những câu xuất thần của chị:
“Đợi người như đợi trăng lên
Người như chàng cuội - Người quên lối về”
(Bùa lá)
“Đời người - ngọn cỏ sương treo
Sớm long lanh thế, và chiều – hư không”
(Thăm Thập Tam Lăng)
“Suốt cuộc đời không được chút nâng niu
Cứ dâng hiến – cứ lặng thầm dâng hiến
hoa như thể nỗi niềm đau đớn
thổn thức chiều đông”
(Hoa Dã Quỳ)
Cái ưu điểm là, thơ Đạo Tĩnh không dễ dãi, rất tinh lọc từ ý tứ đến câu chữ, nhưng lại không đài các, xa cách với đại chúng. Mạch thơ tuôn trào tự nhiên như những cung bậc tình cảm ở một tâm hồn nhạy cảm, đa mang… Song cũng không thể cho rằng chị không sử dụng những bút pháp rất tinh xảo. Viết về sự phân thân, chị dùng so sánh đối lập:
“Anh
một nửa là anh
một nửa là người khác
một nửa yêu thương
một nửa kia đơn bạc”
Rồi từ sự so sánh đối lập, chị lại chuyển sang lối ẩn dụ thông qua biểu tượng:
“Anh
vầng trăng mọc từ đáy nước
em ngụp lặn suốt đời
không tròn một vòng ôm”
Thủ pháp dùng từ, gieo vần của Đạo Tĩnh ở nhiều bài cũng rất đắt, tạo nên phong cách độc đáo. Như cách chị tả về Sen:
“Mỗi chiếc lá
một mặt trời vạm vỡ
thắp sáng những đóa hoa tươi
rờ rỡ
mặt hồ”
Thì nói thực, chỉ có Đạo Tĩnh với tâm trạng rất riêng mới có thể nhìn thấy những đóa hoa sen “rờ rỡ” ấy.
Hoặc khi mô tả về bức tranh “Tháng giêng hoa dại” với một hiên nhiên “rừng rực sắc màu, mê man sương khói”, chị sẽ không thể đạt tới đỉnh điểm của sự bứt phá nếu không đưa hình ảnh người phụ nữ đang được thiên nhiên trợ giúp thêm sức hồi xuân với chuỗi từ “nõn nà”, “nôn nao”, “hoang hoải”, “bùa ngải” được sử dụng thật đúng lúc, đúng nơi:
“thiên nhiên phập phồng
nõn nà
cỏ dại
gái góa nôn nao
đất trời
hoang hoải
dứt tung dải yếm
ngực xuân nhú chồi
không gian bùa ngải
lửa tràn lên môi”
Mà nói gì thì nói, dùng kỹ thuật mà như không kỹ thuật mới là cái đáng nể. Tôi thì tôi hiểu, chị được đào tạo bài bản ở trường Đại học viết văn Nguyễn Du đã đành, nhưng cái chính là, giữa “thơ” và “đời” chị đã không được quyền lựa chọn. Số phận đã chọn chị phải hy sinh phần “đời” cho phần “thơ”. Những mất mát trong tình yêu, hạnh phúc đã không làm cuộc đời vô nghĩa mà nỗi buồn ấy là nỗi buồn đẹp, nỗi đau ấy là nỗi đau ở tầm cao bác ái. Có thể có một chút đắng cay, một chút chua chát, đôi khi giễu cợt như kiểu “Lá vàng tôi thả bùa mê. Cho ai nhặt về làm chút duyên chơi…”, nhưng cuối cùng người phụ nữ vẫn trở về đúng nghĩa người phụ nữ. Đó là tấm lòng bao dung, đó là sự hết mình trong tình yêu.
“Chao ơi nếu được về chốn cũ
em sẽ lại đi tìm
sẽ lại yêu anh
nghẹn ngào đắng chát…” (Cho một màu hoa)
Tập thơ “Bùa lá” gồm 30 bài thơ với nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh vừa được Nhà xuất bản hội nhà văn in xong và nộp lưu chiểu quý II-2006. Hy vọng “bùa lá” sẽ chia sẻ được với nhiều người, nhất là những người sống hết mình cho tình yêu./.
Khúc Thu
Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, người bạn của KS-HPN từ thủa " chân đất đầu trần vác mộng Văn chương đi... cứu nước" hồi còn ở Hội VN HNN. Chị khởi nghiệp bằng văn xuôi, đã từng rinh cái giải Nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 74-75. Nhiều truyện ngắn của chị hồi đó gây dấu ấn khá đặc biệt với người đọc. Thế rồi sau mấy năm cồn lên như những con sóng xô bờ, đột nhiên chị lắng xuống. lắng xuống lâu đến nỗi bạn đọc tưởng chị đã buông bút giã nghiệp văn chương. Nhưng không phải. Năm 2006, NTĐT bỗng dưng trở lại văn đàn. Chỉ có điều, lần xuất hiện này không ồn ào trống rong cờ mở mà cảm giác giống như người đàn bà sau một thời gian náu mình mang thai im lặng chờ đến khi " Mẹ tròn con vuông" mới đưa con về trình làng. Lần xuất hiện ấy, NTĐT xanh xao hơn, mảnh mai hơn, u uẩn và phảng phất trên gương mặt một nỗi buồn thánh thiện. Đứa con THƠ của chị dẫn về làng lần này giống hệt mẹ. Nó là những giọt hổ phách kết tinh bằng máu ứa ra từ vết thương của cây thông trên đỉnh núi tuyết: Trong suốt và Buốt như những giọt nước mắt. (Kao Sơn)