Hoàng Công Danh- Truyện ngắn

Chú Phụ cưới o Dưỡng hai năm rồi mà chẳng có con cái chi cả. Tại vợ chớ không phải tại chồng. Đêm, o Dưỡng rỉ tai nói với chú Phụ: "Em mần vợ anh mà chẳng đẻ đái chi được. Thôi mình ly dị, để anh đi lấy vợ khác". Chú Phụ nói còn em thì răng? Một tiếng thở dài trong đêm...

- Truyện ngắn -

1. Trong làng có o Sinh, ba mươi tuổi, ế chồng. O Sinh sống một mình nơi túp nhà tranh gần chợ Thuận. Một đêm, chú Phụ lẻn vào nhà o Sinh. Đêm đó trời nhiều mây, rồi đổ mưa. Một đêm mây mưa của hai người. Tháng bảy, ông trời hay trở chứng, có vài đêm mây mưa liên tục. Đàn bà quá lứa lỡ thì như ruộng khô ngày hạn, gặp mây mưa dại gì từ chối?

Chú Phụ hứa với o Sinh rằng sau khi o có thai, chú sẽ đưa o về nhà mình ở, coi như chú có hai vợ. Đàn ông năm thê bảy thiếp, gái lỡ duyên làm vợ lẻ cũng đành! O Sinh nghe thế cũng yên tâm. Đàn bà như cây tầm gửi, không thể không kiếm một thân cây vững chắc nào mà bám víu vào. Ế chồng không phải là mặc cảm, mà ế chồng là tội lỗi cho tương lai của một người phụ nữ.

O Sinh có bầu. Chú Phụ lờ đi, tránh mặt o. Đàn ông trong bữa ăn luôn mồm khen ngon, ăn xong thì vứt đó bỏ đi. O Sinh bị bỏ rơi! O cũng chả thèm buồn. Thôi thì, không chồng kiếm đứa con, chớ mai mốt già cả ai nuôi cho.

Rồi o đẻ được đứa con trai, mừng lắm! Người làng cũng mừng thay cho o. Coi như sau này có đứa phụng dưỡng o rồi, lại là con trai thì thật còn gì bằng.

Khi thằng cu được sáu tháng tuổi, o Dưỡng xuống tận nhà o Sinh, dỗ ngọt:

- Chị Sinh này! Tui biết thằng cu này là con của anh Phụ. Tui cám ơn chị đã đẻ cho chồng tui một đứa con. Nhưng chị thì nghèo khổ, liệu có nuôi nổi nó không? Mà đâu chỉ ăn, rồi nó cần được học hành. Nó lại cần cha nữa. Danh chính ngôn thuận tui là vợ anh Phụ, chị là gái đẻ hoang. Thôi để tui bồng thằng cu về nuôi, dù răng nhà tui vẫn khá giả. Với lại, để nó lớn lên khỏi phải mang tiếng con không cha.

O Sinh khóc đầm đìa. Nhưng nghe thế, ngẫm cũng phải. O mà nuôi thằng cu thì rồi nó thua kém bạn bè, rồi mai này lỡ chút gì người ta lại chửi nó là đồ con không cha như nhà không nóc! O có thể chịu khổ, nhưng o không thể để con của mình khổ được. Đến nước này, chỉ có cách o cho nó về sống với cha, với vợ của cha. Nó sẽ có cha có mạ đầy đủ, trong một mái ấm gia đình sung túc. Đoạn, o Sinh trao đứa bé cho o Dưỡng.

2. Thằng cu được đặt tên Quý. O Dưỡng hiền lành, tốt bụng. O thương thằng cu Quý như con ruột. Từ ngày có cu Quý, nhà cũng ấm áp hơn, có tiếng khóc tiếng cười.

Một năm sau, o Sinh bỏ làng ra đi. O không thể ở lại mảnh làng này được nữa. Thằng cu Quý đã bắt đầu biết đi, rồi chẳng mấy chốc nó biết đường tìm tới nhà o - nhà mạ đẻ của nó. Rồi sao nữa? Khó xử lắm. O Sinh rời làng trong một đêm khuya khoắt, không ai biết o đi đâu.

Cu Quý lớn lên, cha nó là chú Phụ, mạ nó là o Dưỡng. Nhà ba người, hạnh phúc. Chả có gì giấu mãi được, rồi cu Quý cũng biết nó chỉ là con trai chú Phụ, còn o Dưỡng không phải người béc thịt đẻ ra nó. Biết thì biết, cu Quý chả để tâm. Năm tuổi, trẻ con đâu cần biết mình từ đâu chui ra, cứ ai nuôi cho ăn uống thì kêu mạ thôi!

Trong làng cũng chẳng ai quan tâm chuyện Quý không phải là con đẻ của o Dưỡng nữa. Thì cứ trông vào cái tình cảm ấy, ai mà tin o Dưỡng và Quý không phải là máu mủ? O Dưỡng cũng thế, o luôn nghĩ thằng cu Quý là con ruột của mình. Chao ôi, đàn bà chưa một lần sinh nở thì đâu biết phân biệt giữa con đẻ và con nuôi!

Chú Phụ đi buôn ở trên Lao Bảo, buôn hàng bột ngọt qua biên giới. Mỗi chuyến chừng nửa tháng thì ghé về nhà. Buôn hàng qua cửa khẩu Lao Bảo được rất nhiều tiền. Những lần về nhà, chuyện vợ chồng của hai người đã không còn mặn nồng. Xưa nay đàn ông làm tình để sung sướng. Đàn bà làm tình nửa vì dâng hiến, nửa vì muốn có con. O Dưỡng triệt đường sinh đẻ nên chuyện giường chiếu cũng chỉ là trách nhiệm mà thôi. Vì thế chú Phụ nghi ngờ vợ ở nhà có tình ý với người khác. Đàn ông giàu có sinh ra toan lo, đa nghi.

Vợ chồng lạnh nhạt rồi đến ngày chú Phụ to tiếng đuổi vợ đi. Phụ rẫy! O Dưỡng xách vội túi quần áo ra ngõ. Cu Quý chạy theo níu lấy áo o nói mạ đi mô mạ đi mô, răng không ở nhà với con? O Dưỡng ôm cu Quý khóc: "Con ở nhà với ba. Để mạ đi!". Cu Quý khóc nói con không cho mạ đi mô. O Dưỡng rứt tay cu Quý ra rồi chạy, vừa chạy vừa quệt nước mắt: "Mạ không phải là mạ của con mô, đừng thương mạ Quý ơi!".

Sau hôm đuổi o Dưỡng đi, chú Phụ không lên Lao Bảo nữa. Có vốn, chú ra chợ Thuận mở một quầy hàng tạp hóa bán, nuôi thằng Quý ăn học.

3. Quý học hành bỏ dở, đi học nghề nhôm kính, rồi cũng tới ngày cưới vợ.

Ngày đám cưới, Quý nhận được một món quà gửi qua đường chuyển bưu điện. Quà là một chỉ vàng năm phân mừng hạnh phúc. Một mảnh giấy ghi mấy chữ: "Chúc mừng hai con trăm năm hạnh phúc! Mạ". Mạ là mạ nào? O Sinh hay o Dưỡng. Quý không biết được. Ừ, thì mạ nào mà chẳng thương con. Tiệc cưới bận rộn, Quý cũng chỉ suy nghĩ một thoáng về món quà rồi phải đi tiếp bạn tiếp bè.

Về phần o Sinh. Hơn hai chục năm qua, dù xa làng nhưng tin tức về con trai, o Sinh vẫn biết, nhờ hỏi thăm qua một số người. Đám cưới của Quý, o Sinh cũng biết nhưng o không dám về dự. Về với tư cách gì? Người đẻ ra nó à? Đẻ mà không nuôi thì ai đẻ chả được. Về, liệu o có được đón tiếp tử tế không mà về cho thêm xấu mặt?

Buổi chiều, o Sinh lẻn về làng. Chả làm gì, đơn giản o chỉ muốn coi mặt vợ thằng Quý như thế nào thôi. O nép chỗ bụi cây gần nhà Quý. Ở làng có tục lệ sau khi rước dâu, ngay buổi chiều hôm đó hai vợ chồng mới cưới phải về nhà cha mạ cô dâu để trả lễ. Vì thế nên o Sinh đã nép ở đây để đợi vợ chồng Quý. Ở chỗ này có thể nhìn trộm thấy người đi ngoài đường. O chỉ cần nhìn mặt vợ nó một chút thôi chớ không muốn gặp.

Đợi mãi, chiều đã chín hoàng hôn rồi mà vẫn chưa thấy hai vợ chồng Quý đi trả lễ. Hay là chúng nó đi đường khác. Không, cả xóm chỉ có duy nhất một con đường này để đi ra thôi. Chắc là chúng nó để tối mới đi trả lễ cũng nên - nghĩ bụng, rồi o chui ra khỏi bụi cây để trở về.

Vừa chui ra khỏi bụi cây thì một chiếc xe đạp lao đến tông thẳng vào o. O Sinh ngã văng qua bên đường. Mấy trái cau trong chiếc giỏ đồ trả lễ lăn long lóc. Vợ Quý ngã về phía bên tê đường. Quý hất chiếc xe đạp ra, tức giận ném một câu chửi: "Mẹ cái mụ khùng này, đi đứng chi lạ rứa?". Rồi anh luống cuống chạy tới đỡ vợ: "Em có can chi không?".

O Sinh ngã xuống, đầu đập vào một cục đá nhọn phía dưới, chấn thương sọ não. Trước khi chết, o cố nhướng mắt ra nhìn về phía Quý. Ánh mắt của o như đang mỉm cười toại nguyện: "Con trai giỏi lắm! Biết quan tâm đến vợ như thế là tốt. Đàn bà họ khổ lắm! Đừng bao giờ bỏ rơi người đàn bà của đời mình nghe con!".

Minsk 6.2009

VỀ VỚI MẠ ĐI CON !

Ba nằm trên chiếc võng, vừa đung đưa vừa hát: "Quảng Trị miềng ơi năm ni gạo mất mùa. Chồng bàn với vợ đào hố chôn con!". Mạ nói ba mi hát chi mà buồn rứa hè? Rứa để tui hát lại: "Quảng Trị miềng ơi trung ương gọi lấy mì. Quảng Bình nghe lộn liền đánh xe đi".

- Truyện ngắn -

Đó là những ngày đói, đói thì hát vu vơ, hát như cầu kinh kêu trời kêu Phật. Vụ Hè-Thu vốn xưa nay là vụ lúa cay nghiệt, nào là chuột phá, bọ rầy, hạn hán, rồi không chừng ông trời mần cho cái lũ tiểu mãn thì cũng đọa luôn.

1. Đói, lại đẻ. Nhà hàng xóm đẻ. Đẻ con gái thì tên chi mà chẳng được. Thôi thì năm Bính Tý đặt tên là Chuột. Khổ! Cánh đồng mùa ni chuột ngứa răng nó cắn nát hết. Hận con chuột không biết mấy cho ngạ mà còn đặt tên con là Chuột!

Bé Chuột sinh ra nhỏ tí tẹo như con chuột. Suốt ngày khóc đòi sữa. Thím Sóc vú teo tóp, bóp mãi bóp hoài ra được mấy giọt. Có chi ăn mô mà vẹ có sữa? Buổi tối thím mệt quá ngủ lịm đi, sáng ra bé Chuột đã chết. Khát sữa không còn sức kêu, nó chết lúc mô thím cũng chẳng biết.

Chôn bé Chuột xong. Thím Sóc ngồi bên mộ con, hai tay đập ình ịch xuống đất, cả đầu cũng đập xuống. Vừa đập vừa khóc: "Về với mạ đi con! Ở lại đây mần chi, lạnh lẽo lắm. Về với mạ đi! Mạ bứt lá ăn cho có sữa để con bú. Nghe mạ nói không? Về với mạ đi con!".

"Quảng Trị miềng ơi năm ni gạo mất mùa. Chồng bàn với vợ đào hố chôn con!".

2. Mạ bưng cái rổ rau, chạy sần sật từ đầu chợ đến cuối chợ. Vừa đi vừa rao:

- Ai cải không? Ngò không? Rau thơm ném lá chi cũng có hết!

Đi hết ba lượt như rứa mà chẳng ai mua cho. Ở làng rau màu nhà ai cũng có trồng, mua mần chi? Mỏi cẳng quá, mạ ngồi bệt xuống đất, đặt cái rổ rau trước mặt. Suốt cả buổi sáng bán được ba bó cải hai trăm bạc. Mạ dắt tôi tới quầy chè o Thảo. Tôi ngồi lên chiếc ghế ăn chè. Mạ đứng sau lưng, không ăn. Mạ nói với o Thảo:

- Hôm ni cho thằng cu đi chợ. Đem mủng rau đi bán kiếm tiền mua cho hắn tô bún mà rau ế quá, chỉ bán được hai trăm, đủ mua ly chè.

Đó là ly chè đầu tiên trong đời tôi được ăn ở chợ Thuận. Cái muỗng vát lia lịa một nhoáng đã hết sạch, lưỡi muỗng chạm vào đáy ly kêu ken két. Mạ nói đừng vét nữa con, hết chè rồi, thôi về nhà, bữa khác có tiền mạ cho ăn thêm. Tôi đứng dậy, bước đi theo mạ, đi mười bước rồi còn quay lui nhìn quán chè. Mạ nói dòm chi dòm hoài, thôi, về với mạ đi con! Tôi cứ ước chi mạ có tiền cho mình ăn thoải mái, chắc mình ăn hết mấy cái soong chè đó luôn.

3. Trời mưa suốt mấy ngày. Đi học trường làng. Mỗi đứa che một miếng ni-lông, cái thứ này là người ta dùng để che chuồng vịt! Nhưng có được tấm ni-lông che đi học là đã tốt lắm rồi. Nhà tôi nghèo, đến ni-lông cũng chẳng có mà che. Ba lấy cái bao bóng lót trong xách phân URÊ, đem ra cắt hai góc bao, cắt giữa đít bao thêm một lỗ nữa. Hai lỗ ở góc bao chuồi tay qua, còn đầu chui qua cái đít bao. Nhà nghèo, ai bảo chui qua đít người rồi cho ăn cho học mình cũng chui chớ nói chi cái đít bao! Đội thêm cái nón cời nữa là tới lớp được. Thấy người ta đi học mình cũng đi học chớ chẳng biết học mần chi?

Cô giáo đòi học phí. Học phí là chi? Học phí là tiền chơ chi nữa. Một tháng không có tiền nộp, mấy thằng bỏ học hết. Mạ nói cứ tới lớp, cô có đòi tiền thì nói mai mạ lên nộp cho. Ngày mô tới lớp cũng nói mai mạ lên nộp. Mà cả tháng ba mươi cái mai như rứa chưa chộ mạ tới nộp. Hôm đó mạ tới lớp. Tôi ngồi học đói quá chịu không nổi, gập đầu xuống bàn. Cô giáo nói thằng ni ở nhà mần chi mà lên lớp ngủ cục! Mạ tới đứng ngoài cửa lớp kêu: "Về đi con. Học mần chi? Mạ không có tiền nộp mô. Học mần chi. Người ta vay gạo vay tiền chớ chữ nghĩa ai vay mà học! Thôi, về với mạ đi con!". Mạ dắt tay tôi đi về.

Ba nằm võng hát: "Quảng Trị miềng ơi cha con chẳng có tiền. Ăn còn chẳng đủ học mần chi?".

4. Tháng chín. Lụt một trận đã đời! Lụt xong thì được cứu trợ mì tôm với áo quần. Thành ra lụt là sướng chớ không phải khổ (!). Đi chia hàng cứu trợ ai cũng đòi lấy mì tôm, nhất quyết không lấy áo quần. Đói mới chết, ở lỗ thì đâu có chết mà lo!

Mụ Dậu ở bên cạnh nhà tôi. Mấy hôm lũ đói xanh mắt. Hôm nay nhận được năm gói mì tôm, mụ đem cả năm gói nấu nước sôi chế ăn. Chờ nước sôi, mụ ra hiên đứng nói oang oang: "Đói quá, ăn một bữa cho sướng coi!". Nói xong khóc hu hu, tại nhớ chú Thân con mụ. Hồi tháng 5, chú Thân đi đào khoai về ăn, đào răng lại trúng quả bom nổ tan xác.

"Dưới đất này khoai lẫn với bom

Nhiều khi muốn thò tay moi khoai lại sợ nhầm kíp nổ

Ôi có nơi mô sự sống và cái chết gần nhau đến rứa?"

Chế xong soong mì tôm, mụ Dậu lại khóc: "Thân ơi! Về mà ăn con ơi, có mì tôm chính phủ cho đây nì. Về với mạ đi con! Nằm chi giữa đồng giữa bãi rứa con ơi!".

Đêm đó mụ Dậu chết. Tại đói liên miên, chừ ăn nhiều đột ngột nên bội thực.

* * *

Hôm nay Minsk đẹp trời. Tôi dắt vợ (người Việt) đi chơi quanh thành phố. Vào những siêu thị sang trọng, cho em tùy ý lựa chọn áo quần son phấn. Rồi vào một quán ăn thượng đẳng. Quán có tên Quê Hương. Tôi hỏi: "Em nhớ quê hương không?". Em trả lời: "Nhớ làm gì hả anh. Em ở phố từ nhỏ, nhà cửa tiện nghi, ăn uống đầy đủ. Cần gì quê hương. Vẫn sống tốt đó thôi!".

Tôi đưa vợ về căn hộ sang trọng mà chúng tôi sẽ sống ở đây suốt đời. Lương hai vợ chồng dư dả cho cuộc sống ở đất này. Cả ngày đi dạo, ăn đồ tây uống đồ tây với nàng đã chán chê. Nằm xuống ngủ liền. Tôi nằm bên vợ, trong phòng nức mùi nước hoa. Nửa đêm chợt mơ thấy tiếng mạ:

"Ở bên nớ ăn uống có cực lắm không con? Thôi về đây! Làng miềng mới gặt lúa xong, có cơm rồi, không phải độn sắn độn khoai nữa. Về mạ nấu cho bữa cơm trắng mà ăn. Về với mạ đi con!".

Minsk, 6.2009

BƯỚC NHẢY LƯỢNG TỬ

Hôm nay là ngày bảo vệ niên luận. Tôi đến phòng hội thảo rất sớm. Nhưng Dasa đã tới trước tôi, nàng ngồi bên chiếc máy bán cà phê tự động, có lẽ nàng biết sở thích điểm tâm sáng của tôi nên ngồi ở đây đợi. Dasa mỉm cười hỏi: - Cậu đã sẵn sàng cho Bước nhảy lượng tử chưa?

- Truyện ngắn -

1. Dạo mới sang, người con gái tôi quen đầu tiên chính là Dasa. Nàng có một vẻ đẹp lặng thầm, ẩn kín như những chiếc metro chìm dưới lòng đất; làn da trắng như tuyết ngày đông, như sương mùa hạ; và tâm hồn điển hình cho những cô gái Nga.

Sau mỗi buổi tan giờ, tôi cùng Dasa đi dạo quanh vườn cây trong khuôn viên trường. Vào cuối mùa thu lá chín vàng như tấm voan phủ lên những nóc cây, dưới đất lại như được dát vàng lá của ngài Cấp Cô Độc trong khu vườn thái tử Kỳ Đà ở Ấn Độ hai ngàn năm trăm năm về trước. Đấy là vẻ đẹp cổ điển mang màu sắc hoài niệm và đầy chất thơ.

Tôi kể cho Dasa nghe chuyện thời Đức Phật còn tại thế, có một ông nhà giàu tốt bụng tên là Cấp Cô Độc muốn dâng tặng Phật một khu vườn để Ngài thuyết pháp. Ở xứ Ấn có một khu vườn rất đẹp của thái tử Kỳ Đà. Ông Cấp Cô Độc ngỏ lời muốn mua khu vườn này, nhưng thái tử Kỳ Đà thách nếu Cấp Cô Độc có đủ vàng để rải kín khu vườn thì thái tử sẽ bán. Tưởng nói đùa, ai ngờ Cấp Cô Độc đã đem vàng rải kín khu vườn. Cảm phục trước sự mộ đạo đó, thái tử Kỳ Đà đã cùng với Cấp Cô Độc dâng tặng khu vườn này để Đức Phật làm nơi giảng đạo. Từ đó người đời gọi khu vườn là "Cấp Cô Độc viên Kỳ Đà thụ".

Dasa quay mặt sang phía tôi:

- Cậu có vẻ tin vào Đức Phật nhỉ?

- Ừ, tớ tin vào tất cả các tôn giáo và Thượng đế. Đó là niềm tin về cái đẹp và lòng tốt luôn có mặt trong đời sống này!

- À, mà cậu có nghĩ rằng dân Vật lý cũng cần lãng mạn và trí tưởng tượng không?

- Để làm gì?

Dasa nhắm mắt, mím môi cười và lắc nhẹ đầu như không muốn trả lời. Đó là một bí ẩn của tự nhiên. Trên cao, bầy chim đã bay về hót lời hoan ca khúc khích. Hai chúng tôi đến trước bức tượng Fransics Scorina. Ở chỗ này có một lối bậc cấp thang đá trắng dẫn lên chân bức tượng. Dasa nhủ tôi:

- Cậu lên nhảy đi, nhảy chập đôi như chim chuyền cành ấy, tớ thích ngắm điệu tác đó!

Tôi gật đầu, khép hai bàn chân sát nhau và bắt đầu nhảy lên. Có tất thảy mười tám bậc thang đá. Vừa nhảy tôi vừa đọc: "Chuyền, chuyền một đôi. Chuyền, chuyền hai đôi..." Dasa ở phía dưới nhìn lên, reo cười thích thú.

- Cậu đọc thơ đấy à?

- Không. Đó là bài đồng dao trẻ con ở Việt Nam thường hát khi chơi trò nhảy nhón chân.

- Giống chim nhỉ? Ước gì hai đứa mình là đôi chim để cùng nhảy.

Lòng tôi thoáng buồn khi nghe Dasa nói câu ấy. Lần nào cũng chỉ mình tôi nhảy, còn nàng đứng ngắm. Tôi nhảy như một nốt nhạc trên bản ký âm của khu vườn, còn Dasa như một dấu lặng khóa cuối bản hòa âm. Và kết thúc mỗi buổi chiều ngập tràn niềm vui, riêng tôi vẫn day dứt một nỗi niềm khôn tả.

Chính Dasa, hay đúng hơn vì trò chơi nhảy chuyền ấy đã khiến tôi chọn đề tài niên luận là "Bước nhảy lượng tử". Ngày nhận đề tài, Dasa trố mắt nhìn tôi:

- Sao cậu lại chọn đề tài đó?

- Tớ cũng không biết nữa. Có thể là một sự liên tưởng với trò chơi của chúng mình.

Dasa cười khoái chí: - Bây giờ thì cậu đã tin dân Vật lý cũng cần trí tưởng tượng chưa?

2. Nhóm chuyên ngành Nguyên tử có tất cả bảy sinh viên. Đến phiên tôi lên trình bày, Dasa ngồi dưới vẻ mặt đầy lo lắng. Sau bảy phút tóm tắt sơ lược đề tài, tôi đứng nghiêm ngắn chuẩn bị trả lời phản biện, nhưng mắt lại hướng về nhìn Dasa. Tôi nghĩ rằng ở Dasa có một điểm tựa cho mình tự tin hơn. Câu cuối cùng, thầy phản biện hỏi:

- Theo anh có Bước nhảy lượng tử không?

Một thoáng bối rối, tôi nhìn thẳng vào mắt Dasa và như nhận được câu trả lời từ phía nàng. Tôi đáp:

- Có. Nếu chúng ta tin vào sự huyền nhiệm của cuộc sống và lòng bao dung của Thượng đế!

Buổi bảo vệ kết thúc, thầy phản biện có lẽ không hài lòng lắm với câu trả lời của tôi. Thầy nói câu trả lời ấy hơi trừu tượng, Vật lý cần sự khách quan hơn. Nhưng tôi thì thấy vui, vì đó là câu nói tôi muốn gửi gắm cho Dasa.

Sau buổi bảo vệ, tôi và Dasa lại đi ra vườn cây, đến chỗ bức tượng quen thuộc. Dasa có vẻ buồn, mắt ẩn chứa chút giận hờn:

- Sao lúc nãy cậu lại trả lời như vậy?

Tôi cười.

- Thôi, đừng buồn nữa. Để tớ lại nhảy chuyền đôi cho cậu vui nhé!

- Không cần. Hãy giải thích với tớ đi đã. Tớ biết cậu có câu trả lời khác xác đáng hơn mà!

Tôi nheo mắt cười, và bắt đầu nhảy lên. Chuyền, chuyền một đôi; chuyền, chuyền hai đôi.

- Dasa! Tớ lên tới bậc thứ mười tám rồi này.

- Không thèm. Giải thích với tớ đi, không là tớ về ngay đấy!

Tôi chạy xuống, giữ lấy tay Dasa như sợ nàng giận mà bỏ về thì thật tiếc một buổi chiều đẹp nắng như thế này.

- À. Hay để tớ tập cho cậu nhảy lên những bậc thang này nhé!

- Nhưng mà... Tớ...

- Khoác tay vào vai tớ đi, Dasa!

Nàng mau mắn làm theo. Tôi vòng tay phải ôm lấy eo nàng. Và luôn thể hất cây gậy nàng đang chống. Dasa vốn bị tàn tật bẩm sinh, chân phải gầy teo tóp như một ống hóp. Cây gậy là phương tiện trợ giúp cho nàng đứng vững và đi lại được. Nàng đổ người vào tôi. Hai đứa bắt đầu nhảy. Tôi cố đứng thật thẳng cho nàng tựa vào. Chuyền, chuyền một đôi; chuyền, chuyền hai đôi.

Dasa thốt lên:

- Đây là lần đầu tiên trong đời tớ được nhảy lên bậc cấp mà không cần đến cây gậy, vì đã có cậu. Cậu là cây gậy cứng cáp rồi, Hoàng ạ! Này, tớ đang thực hiện Bước nhảy lượng tử đấy!

- Giờ thì cậu đã biết vì sao hồi trưa tớ trả lời câu hỏi phản biện như vậy rồi chứ? - Tôi nói.

Cả hai đứa cùng cười vang. Âm thanh dội qua bốn bìa vườn và trả về một câu nói như lời khải thị: "Hãy tin tin vào sự huyền nhiệm của cuộc sống và lòng bao dung của Thượng đế!".

Minsk, sau buổi bảo vệ niên luận, 6.2009

BÓP VÚ

Cứ chiều chiều, tôi lại lẻn sang nhà hàng xóm để bóp vú chị. Chị là người đầu tiên cho tôi biết da thịt đàn bà. Và cũng chính chị khiến tôi ái ngại với da thịt đàn bà...

- Truyện ngắn -

Ba mạ chị chết do trúng bom khi lên Khe Sanh làm rẫy trồng tiêu, vậy là chị mồ côi từ năm mười lăm tuổi. Chị sống một mình trong ngôi nhà tranh nằm bên cạnh nhà tôi. Chị đẹp, trong mắt tôi - thằng con trai lên mười - thì chị là hoa hậu! Chị chừng hai mươi tuổi, eo thon, vú đầy đặn tròn như thể lấy trái bưởi bổ đôi lắp hai nửa hai bên tầm ngực. Chị ăn mặc khác hẳn những cô gái làng. Chị sành điệu hơn, mặt có thoa phấn trát son, áo bó hông quần tóp ống.

Đêm đêm nhà chị luôn có khách đến muộn, một gã đàn ông nào đó bất kỳ. Khi người kia vừa chui qua cánh cửa thì ngọn đèn dầu bên ấy dập tắt. Người làng gọi chị là con đĩ. Tôi không biết đĩ là con gì, hỏi chị:

- Con đĩ có giống con đỉa không chị?

Chị trả lời:

- Ừ, giống, đều là loại sống bám vào kẻ khác cả mà!

- Rứa con đĩ làm gì hả chị?

- Làm biếng! Suốt ngày nằm ngửa rứa thôi.

Thế rồi chị mang thai, bụng to dần lên, chị không dám đi ra đường nữa, cứ ở nhà ăn rau quanh vườn mà sống. Người làng chỗ này xạo chuyện con đĩ, chỗ kia xới chuyện con đĩ. Đàn bà người nào người nấy lo lắng: có khi nó chửa với chồng mình đấy chứ chẳng phải chơi! Ngày chị trở dạ, mạ tôi sang đỡ giúp. Mẹ tròn con vuông. Một bé gái nhỏ. Mạ tôi chép miệng: đẻ chi mà ra con gái cho khổ nữa không biết!

Hôm sau, tôi sang nhà chị để xem mặt bé gái. Tôi nép ngoài tấm phên chắn cửa, đưa mắt nhìn xuyên qua mấy lỗ thưa. Chị biết. Chị gọi tôi vào. Chị cởi hàng cúc áo, vén hai vạt áo sang hai bên. Bấy lâu chỉ thấy ngực chị phồng lên lớp vải, hôm nay tôi mới nhìn thấy được đôi bầu vú thật của chị. Cặp vú trắng phau, căng mọng lên, cứ như thể chực sẵn phun sữa ra. Tôi nhìn mê man vào ngực chị. Chị mỉm cười nói:

- Bóp vú chị đi em! Bóp đi lát chị cho tiền!

Tôi ngần ngại, với lại biết bóp thế nào, mà bóp vú để làm gì nhỉ? Chị vẫn giữ nụ cười trên môi, hơi tréo miệng một tý:

- Người ta muốn bóp vú chị là phải trả tiền. Còn mày, bóp vú lại được tiền mà cũng ngại à?

Nói xong, chị chụp tay tôi dúi vào bầu ngực trắng nõn.

- Thế, thế. Xoay xoay bàn tay xung quanh đi em!

Tôi vừa bóp vừa hỏi chị sao lại phải làm thế này. Chị nói tại sữa ở trong bầu vú là sữa sống, phải bóp cho chín chứ không em bé bú vào sẽ đau bụng.

Chị kể chuyện cho tôi nghe. Rằng ngày xưa khi ông trời nặn ra loài người thì hai cái vú nằm ở ngực đàn ông. Ông trời muốn phân chia nhiệm vụ cho công bằng: đàn bà chỉ việc đẻ con, đàn ông lo cho con bú mớm. Nhưng vì đàn ông hay la cà rượu chè nên về muộn, để con ở nhà khóc đòi sữa. Một hôm, đàn bà lén chụp đôi vú của đàn ông gắn vào ngực mình để tiện chăm sóc con. Từ đó cặp vú thuộc về đàn bà. Vậy nên đàn ông có thói quen chụp vú đàn bà như là để đòi lại món nợ ngày xưa.

Tôi hỏi:

- Thế đêm đêm có mấy người đàn ông đến nhà chị là để đòi lại cặp vú à?

- Không, họ đến nộp tiền cho chị đấy! - Chị đáp.

- Sao lại phải nộp tiền cho chị?

- Tại chị phải mang cặp vú này giúp họ.

Hóa ra là thế, cặp vú của chị mà chẳng phải của chị. Chị chỉ là người giữ giúp cho đàn ông tùy ý sử dụng mà thôi!

Từ bữa chị sinh em bé, buổi tối không thấy ai đến tìm nữa. Tôi nằm bên nhà mình, đưa mắt ngó sang, ngọn đèn dầu bên ấy tù mù một vẻ cô đơn. Hôm sau sang bóp vú, tôi hỏi chị răng bữa nay không thấy ai tới nhà chị vào ban đêm nữa? Chị nói trốn hết rồi, đàn ông đều rứa cả, sau này mày cũng là đàn ông, cũng rứa thôi! Ngay lúc đó tôi thấy thương chị và hồ như muốn có chị mãi mãi. Giá như cho tôi thêm mươi tuổi nữa, tôi sẽ cưới chị làm vợ. Thà cưới đĩ làm vợ còn hơn là cưới vợ về làm đĩ!

Bóp vú chị một tháng, thành ra tôi quen việc, lại thấy thích thích. Có cảm giác gì đó lạ lắm. Chị nói: - Làm thế này chị cũng hại mày rồi đây, nhưng được cái mày sẽ khôn sớm hơn, em ạ! Tôi không cần biết hại gì, nhưng bóp vú chị vẫn thấy vui vui, giống bóp trái vú sữa trước khi ăn vậy.

* * *

Một tháng tuổi, đứa bé lên đẹn. Chết. Thế là tôi không còn được sang bóp vú cho chị nữa. Cái vú đến phiên người khác bóp.

Chị vẫn đẹp. Gái một con trông mòn con mắt! Sau hôm chôn đứa con, chị hóa ra ngớ ngẩn điên điên. Chị đi lang thang dọc đường, qua chợ ai cho chi ăn nấy, rồi lại bước đi không hề biết gì. Chiếc cúc áo trên cùng bị đứt hé lộ hai màng da trắng bọc vú như khiêu khích. Đàn ông gặp chị, kẻ này thò tay bóp vú chị, kẻ kia thò tay bóp vú chị. Không thấy ai trả tiền như chị nói. Chỉ có một điều chị nói đúng: cái vú ấy chị mang giúp cho đàn ông tùy ý sử dụng.

Nắng ngày hè rát riết. Chị lẩn thẩn đi giữa trưa chang chang như thế. Đôi mắt ráo hoảnh. Sáng đến giờ không biết bao nhiêu bàn tay đàn ông đã bóp vú chị, khiến chỗ ngực áo ứa ra hai dòng sữa thấm lem xuống. Hình như vú chị đang khóc thì phải?!

Minsk 5.2009

HÔN TRONG THANG MÁY

Lần đầu tiên trong đời tôi được hôn, hôn thật sự lên đôi môi của một người con gái. Chao ôi, đàn ông đến hai hai tuổi mới được hôn thì có gì để khoe, người ta vẫn hôn nhau từ thuở mười lăm mười sáu cơ mà. Thế nhưng, tôi muốn bạn hãy chia sẻ cùng tôi nụ hôn đầu đời này. - Truyện ngắn -

Chiều hôm qua, đi chơi về đã khá muộn, khoảng mười giờ đêm, tôi vọt lẹ vào thang máy và nhấn nút số 12 - đấy là dãy tầng có căn phòng tôi đang sống. Vừa lúc cửa thang máy sắp khép thì có một cô gái bước vào. Và chỉ chờ có thế, chiếc thang máy kín như bưng bắt đầu chuyển dây kéo đưa chúng tôi lên. Khốn nạn thay là đêm nay thang máy trục trặc, nó chạy chậm từng tầng một, chiếc bóng đèn chiếu sáng ở trong cũng bị dập tắt. Có lẽ vì hôm nay là ngày lễ kỷ niệm chiến thắng Phát xít ở Nga (9.5) nên bác thợ điện không đến sửa chữa được. Nhưng không hề gì, chỉ cần biết trong thang máy bây giờ đây chỉ có tôi và một người con gái. Thế là đủ.

Thang máy tối om om, chỉ nhìn thấy được cái số báo tầng đang chuyển động. Tôi cố gắng giương mắt thật to để nhìn cô gái đang đi cùng mình, nhưng chịu, không thể thấy được gì ngoài chút ánh sáng từ đèn báo số phản vào tóc. Nàng không có mùi thơm quyến rũ như những cô gái Nga mà tôi từng gặp. Có lẽ cô nàng không thích làm đỏm cho lắm! - tôi nghĩ vậy.

Bỗng dưng cái thang máy dở chứng lắc nhẹ đủ để chông chênh. Nàng đổ người vào tôi. Môi nàng chạm vào môi tôi. Luống cuống. Cả tôi và nàng không biết phải làm gì, cứ để cho hai đôi môi dính nhau như thế chừng 5 giây. Tôi, lần đầu tiên được hôn. Thì cứ hôn. Sợ gì? Tôi là thằng đàn ông xấu trai nhất thế kỷ, chưa bao giờ dám tơ tưởng đến một ai, bây giờ vô tình được hôn thì dại gì từ chối. Ôi, cảm giác của môi kề môi thật tuyệt!

Thang máy dừng lại tầng 12. Cửa mở. Tôi bước ra, cố gắng đi càng nhanh càng tốt, đi như chạy. Tôi không ngoái lui nhìn nàng, bởi tôi sợ nàng sẽ thấy mặt mình rồi rắc rối về sau. Đàn ông làm xong việc với phụ nữ thường muốn lẩn tránh trách nhiệm!

* * *

Sau nụ hôn, tôi nằm thức trắng đêm và nhấm nháp lại cảm giác của lần đầu chạm môi con gái. Không ngọt như đường nhưng vẫn lịm đi. Không mát như đá nhưng vẫn tê mê đi. Không cần biết nàng đẹp xấu thế nào, nhưng nụ hôn vẫn rất tuyệt! Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh thôi mà! Đến gần sáng mới ngủ được.

Tới trưa. Tiếng gõ cửa đánh thức tôi dậy. Một anh chàng cầm đến lá thư đưa cho tôi. Cảm ơn.

Ngoài bì thư. Tên người gửi: (để trống). Tên người nhận: Một chàng trai người Việt Nam ở tầng 12, ký túc xá số 2 Đại học Tổng hợp Quốc gia. Chính xác là của tôi rồi, ở tầng này chỉ có tôi là người Việt Nam.

Bóc thư. Một bức ảnh chụp hình tấm áp phích người ta treo khắp nơi trên đường phố. Dù đã nhìn tấm áp phích này rất nhiều lần ngoài phố nhưng giờ tôi vẫn bật cười. Thì bởi nó là thứ gây cười mà! Tấm áp phích in hình một cô gái xấu xí được làm méo đi cho cái xấu tới mức tuyệt đối, nhìn vào sẽ thấy khuôn mặt ấy rất khôi hài. Tôi cam đoan rằng bất cứ ai dù buồn bực gì, khi nhìn khuôn mặt này cũng phải phì cười.

Ơ, nhưng người nào lại gửi cho mình bức ảnh này làm gì nhỉ? Tôi lật ngược lại bức ảnh. Phía sau có viết chữ, nét viết không đẹp lắm nhưng vẫn đọc được.

"Chào anh!

Chắc anh cũng như bao người trên phố, đã bật cười khi nhìn thấy bức ảnh này phải không? Cả thành phố này ai cũng cười khi nhìn nó; riêng có một người thì không cười mà khóc, người đó chính là em. Em là cô gái xấu xí trong bức ảnh ấy. Một kẻ nào đó đã chụp lén em rồi tô lại cho cái xấu trở nên khôi hài, để làm vui mắt bao người. Em không trách kẻ đó, bởi em biết là em xấu, rất xấu. Chẳng ai dám nhìn em cả. Bởi vậy nên em đã quyết định sẽ chết, đó là giải pháp cuối cùng để đòi Thượng đế trả lại sự công bằng cho em vào kiếp sau. Em đã lẻn vào một một ngôi nhà cao - chính là ký túc xá của anh - định bụng sẽ lên tới tầng cao nhất và nhảy xuống để kết liễu đời mình. Và trong chuyến thang máy tối qua em đã gặp anh. Em được anh hôn. Đó là lần đầu tiên trong đời em biết đến nụ hôn. Thần thánh quá anh ạ! Chính sau nụ hôn của anh, em thấy cuộc sống này đẹp quá, bởi còn có tình yêu. Thế rồi em quyết định không nhảy lầu nữa. Em đi xuống, trở về nhà mình.

Anh ơi! Phụ nữ dù xấu vẫn có quyền được sống, được hôn và được yêu. Đúng không anh?"

...

Minsk 5.2009