Đền chùa ven Hồ Tây- Hà Nội

Hà thành may mắn có rất nhiều hồ, như những lá phổi xanh của đô thị. Trong đó, hồ Tây rộng nhất và đẹp nhất. Mình có thú vui đi lòng vòng quanh hồ Tây theo đường ven hồ, thật tuyệt. Mùa hạ thì còn được ngắm đầm sen xanh ngắt với hương sen thoang thoảng. Mùa đông thì ngắm sương mù bảng lảng phủ kín mặt hồ, huyền ảo như trong mơ. Quanh hồ Tây là một loạt các đền chùa rất đẹp, ít nhất là vị trí đẹp, một bên hồ một bên đền chùa.

Ngày 1 Tết năm nào mình cũng đến cầu an ở chùa Sải (tên chữ là Tĩnh Lâu Tự), một ngôi chùa cổ bình yên có cây bồ đề cổ thụtrước cổng và một vườn trái cây xinh xắn phía sau. Năm nay thấy chùa này thay đổi nhiều, vườn cây phía sau bị rào kín không cho du khách vào thăm. Phía trước thì san phẳng không rõ định xây thêm nhà cửa gì đó. Vào net tìm thông tin thì thấy sư trụ trì chùa này đang cố gắng biến ngôi chùa thành "chùa nhà".

Gần đó là một ngôi chùa rất đẹp mà mấy năm trước chỉ đi qua, năm nay mới vào bên trong. Chùa Võng Thị (tên chữ là Vĩnh Khánh Tự) là 1 ngôi chùa do dân làng Võng Thị xây dựng vào thời hậu Lê, đến nay đã hơn 500 năm. Sau chiến tranh, chùa Võng Thị bị tàn phá. Năm 2001, Bản Tự chùa cùng nhân dân địa phương đã tái thiết lại ngôi Tam bảo và tôn tạo cảnh quan. Năm 2008, Ni Sư trụ trì tiếp tục xây mới cổng Tam quan.

Đền Phúc Lộc Thọ ở cạnh đình làng Trích Sài, thờ ba công chúa gắn với việc trừ loài hồ tinh. Tục truyền Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công chúa là hai chị em, con của Vua Lý Nam Đế, đều hiền từ, xinh đẹp, đến tuổi cài châm vẫn không chịu lấy chồng mà vẫn thích học pháp thuật để trừ tà, du ngoạn trên sông nước. Một lần, đến núi Long Đỗ ven Hồ Tây thuộc địa phận làng Trích Sài, thấy có loài cáo chín đuôi chuyên làm hại dân trong vùng, hai nàng liền lập đàn trừ cáo nhưng không được, liền quay về làng Yên Lữ đón Vạn Thọ phu nhân là người pháp thuật cao, đến rừng Long Đỗ lập đàn. Bà Vạn Thọ phu nhân cùng hai công chúa vừa cúng xong, cây rừng bị mất nhiều, loài cáo chín đuôi chạy đi hết, song bà Vạn Thọ phu nhân cũng theo giông bão mà hóa. Vua Lý Nam Đế nghe tin cho lập đền thờ Bà, gọi là Kim Mẫu hóa thân. Về sau, khi hai chị em công chúa Vạn Phúc và Vạn Lộc hóa, đền lại phụ thờ cả hai bà đền này còn gọi là đền Ba Bà chúa, lại có tên khác là am Gia Hội. Gần đó là chùa Thiên Niên do các cung phi lập ra trước thời Minh Mạng (1820 - 1841).

Nằm trên đường Lạc Long Quân ở phía tây Hồ Tây- Hà Nội, chùa Vạn Niên là một ngôi chùa cổ hàng nghìn năm. Xưa chùa Vạn Niên từng có tên là Vạn Tuế, thuộc địa phận ấp Quán La, nay thuộc thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa Vạn Niên được xây dựng từ trước thời nhà Lý, bởi ngay từ thời Lý, chùa đã trở thành chốn tới lui tu hành của nhiều bậc cao tăng. Chùa gồm năm gian bái đường và ba gian bảo điện nối nhau thành chữ đinh. Về lối bài trí, chùa cũng giống như nhiều chùa ở miền Bắc khác. Trên cao có Tam Thế Phật, dưới là A Di Đà Phật, dưới nữa là Quan Âm, phía ngoài là Thích ca Sơ sinh. Đặc biệt, hiện nay trên nóc chùa vẫn còn ba chữ triện đắp nổi "Vạn Niên tự", ý muốn chùa trường tồn mãi cùng với thời gian.

Suốt hơn 1000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, ngôi chùa cũng đã nhiều lần được trùng tu. Tuy nhiên, đến nay, chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Ví dụ như những bức tường cổ của gian chùa chính được xây bằng loại gạch vồ tiêu biểu của thời Lý. Ngoài ra chùa còn có bộ tượng tròn gồm 46 pho, trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, tượng tổ; hai quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn, 11 đạo sắc phong thần và nhiều đồ thờ khác. Đáng chú ý là trên quả chuông đồng của chùa được đúc vào đời Gia Long (1802-1820) có bài kí cho biết chùa Vạn Niên là một di tích cổ có quy mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía Tây kinh đô Thăng Long.

Chùa tuy không lớn nhưng do nằm ở gần hồ Tây nên cảnh quan thoáng đãng, trong lành. Khác với các ngôi chùa khác ở đất Bắc, chùa Vạn Niên thường là nơi để người ta đến cầu bình an, sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình, họ tộc chứ không phải là nơi để cầu tài cầu lộc. Chính vì vậy, ngày thường, chùa thường vắng lặng, chỉ những ngày rằm và vào dịp lễ tết, chùa mới có đông du khách thập phương đến viếng cảnh chùa và lễ Phật. Có lẽ nhờ đó mà chùa luôn có không khí thanh tịnh, rất hợp với khung cảnh của chốn thiền môn.

Chùa Kim Liên được dựng trên một dải đất ven hồ Tây về phía Bắc, sát chân đê Yên Phụ, nước hồ bao quanh, tựa như một hòn đảo. Từ phía xa, đi trên mặt đê ta đã trông thấy mái chùa màu xám rêu và những ngọn tháp vươn lên giữa những bụi tre xanh thấp thoáng quanh chùa. Chùa nằm trên địa phận huyện Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nên còn được gọi là chùa Nghi Tàm. Xưa kia đây nguyên là chùa Đống Long, dựng từ thời nhà Trần (1225 - 1413) trên nền cũ của cung Từ Hoa có từ thời nhà Lý. Tương truyền rằng Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) đã đem cung nữ đến mảnh đất này trồng dâu nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang, sau đổi tên thành Tích Ma, rồi phường Nghi Tàm. Năm 1639, dưới triều vua Lê Thần Tông, chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Đại Bi. Một bia dựng bên tả sân chùa do Ngô Độn Phu soạn có khắc năm chữ to: Trùng tu Đại Bi Tự. Một tấm bia dựng ở bên tả trong tiền đường do Bùi Huy Cận soạn cũng khẳng định chùa vốn tên là Đại Bi. Đến thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1728) có vị Hòa thượng tên là Huệ, nguyên là nội thị của Chúa Trịnh Uy Vương, đến tu tại đây. Năm 1771 Chúa Trịnh Sâm sai dỡ chùa Bảo Lâm về tu bổ chùa này và đổi tên là Kim Liên. Việc này được ghi lại trong tấm bia do quan Đại học sĩ Phan Trọng Phiên lập. Vào năm 1792 chùa lại được đại tu mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn. Lần tu sửa gần đây nhất kéo dài từ năm 1983 đến năm 1987 đã phục hồi lại diện mạo ngôi chùa 200 năm trước đây. Chùa Kim Liên gồm ba nếp nhà: chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, xếp song song theo kiểu chữ "Tam". Cột xà kiên cố, chạm khắc tinh vi, tường xây gạch cổ dày, không trát vữa. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái, kiểu chồng diêm, lớp ngói cổ, với bốn góc đao uốn cong có gắn đầu phượng. Cổng tam quan là một kiến trúc độc đáo bằng gỗ, đượm dáng vẻ cung đình, với những bức chạm nổi trên mặt gỗ hình rồng, hoa văn hết sức tinh xảo. Trong chùa còn lưu giữ đủ các tượng Phật và tượng Bồ-tát. Đặc biệt có pho tượng tạc hình một người trung niên, râu ba chòm, mặc áo văn lĩnh, đầu đội mũ miện, tay cầm hốt ở tư thế đứng. Theo Phạm Đình Hổ, thì tương truyền rằng đó là tượng chân dung Uy Nam Vương Trịnh Giang.

Phủ Tây Hồ và đền Kim Ngưu thuộc thôn Tây Hồ, nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây. Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Tục truyền rằng: bà là Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, bà chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu.Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.

Ngày nay, men theo con đường rợp bóng cây cuối khu biệt thự Tây Hồ ở thủ đô Hà Nội, giữa bát ngát hương sen và cảnh đất trời hòa quyện trong ánh nắng chiều tà, đảo nhỏ được người xưa ví là “bãi đất cá vàng” nhô ra giữa mặt nước lung linh, đúng là cái thế “đầu rồng, thân rồng, rùa cõng” khiến khách vãn cảnh cảm thấy âm dương đối đãi, tâm hồn mình thư thái lạ.

Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ đắp đao lửa, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán “Phong đài nguyên các” (Đài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh.

Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước Phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi “Tây Hồ hiển tích” (Dấu để Tây Hồ), được trang trí tỉ mỉ, công phu.

Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh, giữa chạm đào thọ. Qua tam quan vào là phương đình 2 tầng, 8 mái. Nhà tiền tế xây sát sau phương đình.

Phần thờ tự theo thứ tự từ ngoài vào: lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan, có tượng ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười, 3 đôi câu đối ca ngợi chúa Liễu Hạnh.

Lớp thứ hai, thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, có câu đối ca ngợi thắng cảnh Tây Hồ. Lớp thứ ba thờ Tam Tòa Thánh Mẫu có cửa võng đề “Tây Hồ phong nguyệt” và đôi câu đối ca ngợi bà Liễu Hạnh. Trên nóc mái giáp cửa hậu treo đại tự “Mẫu nghi thiên hạ”, hai bên có câu đối bằng gỗ.

Lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng của bà Liễu Hạnh và tượng Chầu Quỳnh, Chầu Quế. Trên cao là bức đại tự “Thiên tiên trắc giáng” và “Mẫu nghi thiên hạ”.

Sát Phủ chính là lầu Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian. Phía ngoài Phủ chính xây 2 am thờ nhỏ thờ Cô và Cậu. Phía trước lầu có tháp nhỏ, dưới gốc si là tấm bia Từ chỉ của xã Vĩnh Thuận dựng năm Thiệu Trị 5 (1845).

Di vật trong Phủ còn khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX . Ngoài ra còn có các loại tàn, tán, lọng, 3 quả chuông đồng, 1 bát hương đồng ghi “Đông Cung Điêu”, bát hương đá, 10 đạo sắc phong (3 đạo phong chúa cho Liễu Hạnh, 7 đạo phong cho thần Kim Ngưu), 50 pho tượng tròn lớn nhỏ.

Đền Kim Ngưu đã bị đổ trong chiến tranh chống Pháp, nhưng vẫn còn dấu tích là cây đa cổ thụ trên đó có bàn thờ mà dân làng Tây Hồ dựng lên để thờ vị thần Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Theo truyền thuyết, tiếng chuông làm bằng đồng đen của nhà sư Nguyễn Minh Không đời Lý đã làm cho con trâu vàng bị giam giữ ở Trung Quốc tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, lồng về phía Việt Nam. Đường trâu vàng chạy lún thành sông Kim Ngưu. Đến phía tây Kinh thành thì tiếng chuông tắt, trâu đã lồng và xéo nát một vùng thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây ngày nay. Đền Kim Ngưu có Tam quan, phủ chính, điện thờ Mẫu, sân trong và nhà khách.

Soi mình bên bóng nước hồ Tây đã 15 thế kỷ, chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất, với bao huyền thoại từ tên gọi Khai Quốc, nay trở thành một di sản văn hóa trong lòng Hà Nội. Chùa Trấn Quốc thuộc địa phận làng Yên Hoa bên bờ sông Hồng (nay nằm trên đường Thanh Niên thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ).

Vào thời vua Lý Nam Đế (544 - 548), chùa có tên là Khai Quốc. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cổ Ngư và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng. Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639.

Đến niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.

Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.

Chùa có lối kiến trúc độc đáo gồm nhiều lớp, nhiều tượng Phật được xếp từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ.... Chùa có 3 nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ và bên trái là nhà bia. Trong chùa hiện nay còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích nhắc đến việc xây dựng chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815. Đặc biệt chùa còn có vườn tháp lớn với rất nhiều tháp. Ở khuôn viên chùa có cây bồ đề, quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Chùa Trấn Quốc đã sống một cuộc đời riêng, hòa chung trong lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến mà mỗi viên ngói trên mái chùa rêu phong đều mang trong mình một câu chuyện, gợi lên hoài niệm về những kí ức của Hà Nội.

Nguồn tư liệu: internet

Ảnh: tác giả blog