Ngườm Ngao-LMP

Trước chuyến đi, cô bạn gái gọi điện: " Đi Cao Bằng thì đừng bỏ qua bánh cuốn nước, phở chua, rượu Thông Nông, hạt dẻ Trùng Khánh và ...Ngườm Ngao nhé". Ngườm Ngao? Tôi bắt bạn phát âm lại đến mấy lần vậy mà lên đến nơi vẫn không nhớ nổi cái tên ấy.

Chia tay thác Bản Giốc, anh bạn đi cùng nói: Bây giờ chúng ta đi Ngườm Ngao nhé. Lúc ấy tôi mới nhớ ra và háo hức để kiểm tra xem lời cô bạn gái quảng cáo có ngoa không để còn về....ngườm!

Từ thác Bản Giốc đến Ngườm Ngao chỉ chừng 3km. Khi nghe cô gái Tày giải thích: "Ngườm Ngao" theo tiếng Tày nghĩa là "hang Cọp", tôi nửa đùa nửa thật: " Ngộ nhỡ còn cọp ở đó thì sao?!" .Cô gái mủm mỉm " Cọp bán hết cho người Kinh nấu cao rồi".

Trên đường đến hang không thấy cọp, chỉ thấy chú la hiền lành chật vật xuống từng bậc thang.

Lên hết các bậc thang, chúng tôi dừng lại thở hổn hển và phóng mắt nhìn xuống cánh đồng nhỏ dưới chân núi. Bạn tôi xuýt xoa: tiếc là bắp đã thu hoạch rồi, nếu không sẽ được chiêm ngưỡng một bức tranh vàng tuyệt đẹp...

Đi ngang cánh đồng chang chang nắng này mới thấy cái nón chúp-đóp của Tày quả là hữu dụng. Kìa rồi, cuối cánh đồng bắp ấy, trên vách núi - hai chữ "Ngườm Ngao"....

Lách người qua cái cửa hang khuất sau cây cỏ và đá núi có tên gọi là Ngườm Lồm hay Luồng gì đó , một làn không khí mát lạnh tràn đến làm tan biến mỏi mệt...

Được biết nhiệt độ trong động luôn ổn định vào khoảng 18-25 độ C, mùa hè mát mà mùa đông lại ấm. Một phần là nhờ dòng suối ngầm chảy trong hang.

Không nghe thấy tiếng suối róc rách mà chỉ thấy tiếng du khách xầm xì, xuýt xoa: đẹp tuyệt, hơn cả động Phong Nha thế này mà sao ít nghe tiếng nhỉ.

Tôi như Từ Thức lạc vào mê cung: này là cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, buổi thiết triều của nhà vua, cây đàn đá… Kia là đóa san hô, thác bạc, thác vàng....Cứ mải miết chụp ảnh mà tụt lại phía sau, chẳng còn kịp nghe những truyền thuyết mê ly về nhũ đá. Tiếc là ánh sáng trong hang không đủ để chuyển tải những màu sắc lung linh.

Hang đá trải dài với những cung bậc gập ghềnh cảm xúc như những nốt nhạc của một bản giao hưởng cho ta phiêu du. Đến Đài Sen úp ngược thì cảm xúc ấy thăng hoa đến cao trào.

Nghe kể rằng xưa có vị phật ngồi trên đài sen tu mãi không thành chính quả, nên phẫn chí mà úp ngược đài sen xuống, và biến mình thành cột đá cô đơn bên cạnh đài sen...

Nghe nói vào những ngày chiến tranh biên giới năm 1979, cả xã Nam Thủy đã từng trú ẩn trong cái hang dài đến hơn 2 cây số này hơn 1 tháng. Tôi còn muốn đi thêm nữa nhưng một cái cửa hang bỗng hiện ra trước mặt.

Thì ra đây là cái cửa ra nằm dưới vách núi, nơi có hai chữ Ngườm Ngao. Đứng từ cửa hang nhìn ra chỉ thấy bao quanh là núi. Thật là "Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây"!

Trước khi rời sơn động, tôi còn chụp vội cái cảnh người dân bày nhũ đá la liệt để bán cho du khách. Cô hướng dẫn viên thanh minh: không phải đá lấy từ động này đâu. Cứ cho là thế, tôi cũng cứ pót ảnh này lên để kêu gọi bảo vệ nhũ đá cho động Ngườm Ngao. Làm được thế coi như đã phần nào đáp trả cho những phút giây mà Ngườm Ngao đã làm tôi ngây ngất...