Hoài Vân-Tản Văn

Nhà vệ sinh trên những nẻo đường du lịch

Người ta nói, nếu muốn xem xét đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc và chất lượng cuộc sống của dân tộc đó, hãy nhìn vào nhà vệ sinh công cộng của họ là đủ! (The public toilet is to reflect the civilization index of each country. It also reveals the country's civilization level and quality of life). Là kẻ hay lang thang trên những nẻo đường du lịch, tôi đã từng có những kỷ niệm buồn cười và những ấn tượng khó phai về dịch vụ vệ sinh công cộng này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 2,6 tỉ người trên toàn cầu đang thiếu nhà vệ sinh sạch. Hơn một nửa trong số đó sống tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á.

Toilet, hay còn được gọi là water closet (bồn cầu giật nước), hay lavatory, hay rest room.... Ở Việt Nam, ta quen với những từ nhà vệ sinh, hố xí, nhà cầu... Tóm lại đây là nơi chúng ta trút bầu tâm sự, giải tỏa nỗi buồn... khó tả để sau đó ta thở phào nhẹ nhõm. Nói như tiền nhân ngày trước, đây là nơi ta thưởng thức một trong bốn "tứ khoái". Vì đó là một nơi... tất yếu, không thể thiếu được cho cuộc sống con người, trong thế giới văn minh, nó được chú trọng thiết kế và chăm sóc như một nơi nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí...

Vài năm trước khi được mời tham gia một hội nghị khá long trọng của Nhật Bản, chúng tôi được Chính phủ Nhật chiêu đãi ở khách sạn năm sao với tiêu chuẩn ăn ở cao cấp. Và trong khách sạn năm sao này, chúng tôi được dịp tiếp cận và sử dụng những bồn cầu hiện đại kiểu Nhật với bàn phím điều khiển ở nơi để tay vịn. Với bàn phím này, bạn có thể điều khiển mùi hương, âm nhạc, nhiệt độ, thông gió trong nhà vệ sinh từ trên bệ ngồi rất tiện nghi của mình. Được biết, những bồn cầu tiêu chuẩn năm sao này cũng đã được nhập vào Việt Nam và xuất hiện tại những biệt thự, những khách sạn năm sao mới xây dựng.

Ở Abu Dhabi, thành phố của các ông hoàng dầu mỏ, có một khách sạn bảy sao với một nhà vệ sinh được giát bằng vàng ròng. Trong cái nhà vệ sinh xa hoa của mấy ông hoàng Ả Rập này, bạn thấy cái gì cũng lấp lánh ánh vàng, từ cái bồn rửa tay đến cái bồn cầu vệ sinh. Tuy nhiên khi vào đó chụp ảnh kỷ niệm, tôi cũng không quên nhắc nhở cái chức năng chính của nó là nơi giải quyết nỗi buồn cho du khách.

Trong một chuyến đi vòng quanh châu Âu, tôi cũng có vài ấn tượng khó quên về cái nơi giải tỏa nỗi buồn của du khách, ấy là nó quá ít và quá thiếu cho những điểm du lịch chật ních người chẳng hạn như tháp Epphen, nhà thờ Đức bà ở Pa ri (Pháp) hay Colosseum, Vatican ở Rome (Italy). Xếp hàng mua vé vào cửa những điểm du lịch này đã khiếp đảm rồi, mà xếp hàng đi vệ sinh thì còn ngán ngẩm hơn. Cũng may nhờ có nền văn minh xếp hàng rất lịch sự và nghiêm túc của du khách phương tây mà những cái hàng dài dằng dặc vào nhà vệ sinh cũng chỉ hù dọa du khách yếu bóng vía như tôi chứ thực tế cũng không lấy mất của du khách nhiều thời gian như người ta tưởng ban đầu. Và một điểm rất đáng khen ngợi là tuy rất hiếm, những nhà vệ sinh công cộng này vẫn rất sạch sẽ theo đúng nghĩa nhà vệ sinh, tuy có cả một biển người sử dụng nó liên tục suốt ngày. Thường là có người quản lý, dọn dẹp ở những nhà vệ sinh công cộng này, với mức thu phí kha khá đủ chi tiêu. Có nơi bạn phải nhét đồng xu 1 Euro (khoảng 25000 đồng Việt Nam) để có thể lách qua máy tự động khi vào nhà vệ sinh công cộng ... Nhà vệ sinh công cộng đủ tiêu chuẩn "vệ sinh" phải được thiết kế trang bị những thiết bị đáp ứng cường độ sử dụng cao như: Máy sấy tay, hộp đựng giấy vệ sinh loại lớn, thùng rác vệ sinh phụ nữ, hộp khử trùng, hệ thống khử mùi... và nhân viên quản lý dịch vụ có mặt thường xuyên.

Trong chuyến du lịch Trung hoa vĩ đại và thử làm hảo hán leo trường thành, tôi có một ấn tượng vô cùng xấu với nhà vệ sinh nơi đây. Dưới chân Vạn lý trường thành là một nhà vệ sinh công cộng bẩn chưa từng thấy trên thế giới, vì không có một giọt nước thậm chí chỉ để rửa tay chứ đừng nói chuyện để dội rửa những chất thải của hàng ngàn, hàng vạn du khách mơ làm hảo hán.

Về những cái nhà "mất vệ sinh" khủng khiếp theo đúng nghĩa đen của từ này ở Việt Nam, bạn có thể tưởng tượng đến những cái nhà cầu bên bờ mấy con kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long hay những cái hố kèm theo 1 tấm ván có quây cót xung quanh ở những điểm du lịch sinh thái như Yên Tử, Chùa Hương...Nếu chẳng may bạn có nhu cầu giải quyết ...nỗi buồn mà chẳng thể nào trì hoãn nổi ở những điểm du lịch này, chắc chắn bạn sẽ có một ấn tượng kinh khủng không thể nào quên.

Thật may bây giờ trong các thành phố lớn của Việt nam, tuy có rất ít những nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại có khá nhiều siêu thị, khách sạn, nhà hàng...nơi mà du khách có thể tranh thủ ghé qua không phải để ....mua sắm, ăn uống hay nghỉ ngơi, mà là để giải quyết nỗi buồn khó tả của mình. Tuy vậy việc du khách phàn nàn thiếu nhà vệ sinh công cộng hay nhà vệ sinh công cộng ...thiếu vệ sinh vẫn là đề tài thường trực trong các tour du lịch ở Việt Nam. Đây cũng là vấn đề nan giải của ngành du lịch nước nhà.

(August 2008)

Kinh hoàng lễ hội xuân Yên Tử

"Trăm năm tích đức tu hành

Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

Chủ nhật ngày 2.3.2008, tức ngày 25 tháng Giêng âm lịch, chúng tôi lên đường du xuân đến Yên Tử. Trải qua quãng đường 120km từ Hà Nội, chúng tôi hồ hởi vui mừng khi nhìn thấy khu di tích Yên Tử hiên ra trước mắt mình với núi non trùng điệp và mấy đường cáp treo như sợi chỉ đính kèm mấy “quả” cabin lửng lơ trôi trên triền núi.

Xe du lịch của chúng tôi từ từ lăn bánh vào bãi gửi xe. Chúng tôi hoảng hồn khi nhìn thấy một bãi xe rộng mênh mông, trùng điệp, đầy ăm ắp các loại xe lớn nhỏ. Mới có 9h sáng, thấy lạ sao du khách đến sớm quá vậy. Chẳng lẽ công sức mình dậy sớm để khởi hành sớm từ 6h sáng chẳng ăn nhằm gì so với thiên hạ?

Lục tục xuống xe vào khu di tích, chúng tôi choáng váng với một biển người đông như kiến và một biển rác bẩn thỉu, nhếch nhác đến ghê người. Sau khi mua vé cáp treo giá 45,000 đ/lượt/1 chiều, chúng tôi chen chúc vào sảnh chờ để… xếp hàng đi cáp treo. Nhìn biển người mênh mông lúc nhúc chen lấn, cái cảm giác vô vọng chán nản đã từ từ làm cho chúng tôi mệt mỏi đến rã rời. Vâng, kiểu xếp hàng có một không hai của Việt nam ta là cái kiểu xếp hàng lên cáp treo của biển người đó. Bạn không thể đếm được đó là hàng mười hay hàng hai mươi, chỉ thấy một đám đông nhốn nháo, ai cũng mong vượt lên trên. Thỉnh thoảng đám đông lại dềnh lên như những đợt sóng, cuốn bạn trôi đến một hàng cột nào đó, đè bạn bẹp dí vào chân cột, làm bạn ngạt thở với đủ loại mùi mồ hôi, mùi khí thải, mùi xú uế…Sau ba giờ đồng hồ bất lực trong biển người đó, bạn bị chen lấn te tua đến rã rời, và đến khi bạn nguội ngắt không còn một khí thế du xuân nào hết, bạn sẽ được người ta tống vào cái hộp ca bin cáp treo để bay vù lên lưng chừng trời chỉ trong vòng 5-6 phút. Chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 543 m là điểm đến của tuyến cáp treo thứ nhất, nhưng ở đó mới chỉ là nửa con đường khổ ải của kiếp nạn du xuân Yên Tử.

Yên Tử có hai tuyến đường cáp treo với 16 cabin công suất vận chuyển chừng 600-700 hành khách một giờ. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với hàng chục vạn du khách mỗi ngày. Tôi không hiểu tại sao hai đường cáp treo này lại được thiết kế hoàn toàn tách biệt nhau với hai nhà ga khác nhau ở khá xa nhau. Vì vậy khi bạn đi hết một chặng, bạn lại phải di chuyển đến nhà ga thứ hai khá xa xôi, để tiếp tục một công cuộc xếp hàng lên tuyến cáp treo thứ hai. Ở đây thời gian xếp hàng chỉ là …hai giờ đồng hồ nữa, và bạn lại được bay vèo lên đỉnh núi một lần nữa. Điểm cuối của tuyến cáp treo thứ 2 là nơi có Tượng đá Yên Kỳ Sinh. Từ đó thì mời bạn leo bộ lên chùa Đồng ở độ cao 1068m. Khi đi xuống bằng cáp treo với hai tuyến đường như đã nói, bạn sẽ phải xếp hàng chờ đợi với thời gian trung bình hai giờ cho mỗi tuyến. Như vậy việc thiết kế cáp treo thành hai tuyến với bốn lần chờ đợi sẽ lấy mất của bạn tám giờ vàng ngọc và hầu như tất cả cảm hứng du xuân của bạn.

Trên đường lên đỉnh Yên tử, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cảnh quan đẹp đẽ và thiên nhiên thơ mộng khi mà bạn lạc vào một biển người và một biển rác. Rác ngập ngụa mọi nơi, mọi chốn. Một dòng sông rác trải từ trên đỉnh núi xuống dưới chân núi. Ngay tại chỗ ghi công đức đóng góp xây chùa, nơi có thể nói là linh thiêng nhất, bởi hơn 700 năm trước, đức Trần Nhân Tông đã từng ngồi thiền, cũng ngập ngụa trong rác. Những cái túi nilông, vỏ chai, lon bia vứt lăn lóc khắp nơi. Thùng rác công cộng là quá ít để chứa đựng một lượng rác thải khổng lồ từ du khách. Và ý thức của du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng nữa, ăn uống tự túc, xả rác tự do xuống chân mình bất kể đó là đâu, sân chùa, đường đi hay rừng cây, bãi cỏ….Trong không khí “lãng mạn” của lễ hội xuân, bạn luôn thấy thoang thoảng mùi ammoniac và mùi hôi thối bốc lên từ bên đường. Chẳng có gì lạ khi một biển người du xuân mà chỉ có một vài cái nhà… “mất vệ sinh” công cộng, chẳng có gì hơn là một mảnh ván, một cái rãnh giữa rừng và một tấm nilon quây trống tuyềnh trống toàng xung quanh. Thế mà khi từ nhà “mất vệ sinh” công cộng đi ra, tôi giật mình khi thấy một người đàn ông bặm trợn chìa tay trước mặt mình để đòi tiền dịch vụ “mất vệ sinh” giá 2,000đ. Dịch vụ bán hàng rong lừa đảo, chặt chém nhan nhản khắp nơi, nạn móc túi hoành hành…Những đội bán hàng lưu động cung cấp hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng: măng trúc, dứa dại, phong lan... Trúc lâm Yên Tử vì thế mà ngày càng trụi dần. Măng non bị bẻ làm thức ăn, trúc "cơ nhỡ" được các chị vệ sinh sử dụng làm chổi quét đường, còn những thân trúc đã cứng cáp được chặt ngang làm chiếc "chân thứ ba" cho các ông già bà lão và cả những nam thanh nữ tú. Một chiếc gậy trúc bán ra với giá 20.000 đồng quả là một món lời khó cưỡng lại của người dân nơi đây. Loa phóng thanh của “Ban Tổ chức lễ hội xuân Yên tử” luôn vang vang với những thông tin tìm người lạc, cảnh báo lừa đảo, cảnh báo móc túi, ăn cắp, thông báo tìm giấy tờ mất cắp…

Đau lòng cho một điểm du lịch sinh thái còn được gọi là Thánh địa Yên Tử bị con người tàn phá và làm ô nhiễm một cách tệ hại và vô ý thức như vậy. Du khách Việt như chúng tôi còn kinh hoàng một đi không trở lại, nữa là du khách nước ngoài. Ngành du lịch Việt nam bao giờ mới biết kinh doanh thực sự với những điểm du lịch sinh thái là thế mạnh duy nhất của ngành du lịch Việt Nam?

(March 2008)

Hạt sạn trong bữa tiệc

Thời gian này tôi đang tham gia khóa học CEO do công ty tổ chức. Đăng ký học vì thời gian này tôi khá rảnh và cũng vì tôi vốn ham học từ thủa nhỏ. Khóa học kéo dài tận ba tháng, học tất cả các ngày thứ bảy. Thế là sáng thứ bảy tôi không còn được ngủ nướng nữa, lọ mọ dậy sớm cắp laptop đến lớp. Đi học ngày nay sướng thật, ngồi trong phòng máy lạnh, có laptop WIFI nhí nhoáy vào mạng viết blog và đọc báo, thi thoảng liếc qua bài giảng của thày cũng trên laptop của mình ở cửa sổ bên cạnh. Ai không đem laptop thì cũng copy bài giảng của thày vào USB đem về nhà đọc lại thoải mái, chẳng cần giáo trình, tài liệu, sách vở làm gì cho mệt.

Thứ bảy tuần qua, chúng tôi có một ông thầy đầu bạc, complê caravat lịch sự, GSTS, Tổng giám đốc một công ty liên doanh. (Ghi chú GSTS là Giáo Sư Tiến Sĩ, không phải Gà Sống Thiến Sót.). Thầy giới thiệu đã từng du học ở Canada, đã từng bôn ba năm châu bốn bể, tiếng Anh như gió, tuy nhiên trong khóa học này thầy sẽ ưu tiên giảng bằng tiếng Việt mẹ đẻ cho yêu nước.

Vâng, giới thiệu về khóa học và về ông thầy hơi kỹ, chỉ để nhấn mạnh cho cái mục đích chính của tôi. Đấy là bắt lỗi chính tả trong bài giảng tiếng Việt của thầy. File powerpoint xanh đỏ tím vàng, hình ảnh động, âm thanh nổi, bấm slides chạy ra chạy vào đồng hành cùng các loại hình ảnh và âm thanh. Thế mà hỡi ôi, bài giảng “chất lượng cao” của thầy đầy rẫy lỗi chính tả và lỗi đánh máy. Ngoài những lỗi chính tả thông thường, người miền nam còn hay mắc lỗi lẫn lộn dấu hỏi và dấu ngã, lẫn lộn giữa t và c trong văn phong nói và kéo luôn cả vào văn phong viết. “Rũi ro”, “chia sẽ”, “xử dụng”, “xác xuất’, “sác địng”, “chặc chẻ”, sẳn sàng”, tóm lượt”, “mồi lữa”, ….là một số lỗi trong bài giảng nhan nhản lỗi của ông thầy. Tôi ngán ngẩm nhìn bài giảng của thầy mà ước ao sao thầy không để nó nguyên bản tiếng Anh thì hay hơn nhiều dịch nó ra tiếng Việt. Tiếng Việt cha sinh mẹ đẻ của thầy mà sao thầy không thông thạo bằng tiếng Anh nơi thầy du học?

Tôi có một thói xấu là khi nhìn thấy lỗi chính tả hay lỗi đánh máy trong sách báo nhất là trong văn chương…là thấy ngứa mắt và khó chịu vô cùng. Và rồi tự dưng tôi chỉ còn nhìn thấy mấy cái lỗi chính tả mà chẳng còn thấy bài văn bài thơ đó còn gì hay ho nữa. Cái cảm giác giống hệt như đang nhấm nháp sơn hào hải vị chợt nhai phải hạt sạn to đùng mẻ hết cả răng, chỉ còn một cách duy nhất là nhổ miếng ngon trong miệng đi.

Trên mạng tôi may mắn được đọc khá nhiều nhà văn, nhà thơ, có danh cũng như vô danh qua blog của họ. Dĩ nhiên họ là những bậc kỳ tài trong việc tung hứng với các con chữ. Họ múa bàn phím toanh toách, bấm chuột nhoay nhoáy, thả thơ viết văn cứ như thả diều, nhẹ nhàng như chơi. Tuy nhiên, một số vẫn mắc phải những lỗi chính tả sơ đẳng nhất. Những lỗi chính tả này làm cho những bài văn, bài thơ tuyệt tác của họ trở nên…kém giá trị, thậm chí vô nghĩa đối với bạn đọc, giống y như những món sơn hào hải vị có sạn vậy.

Vì vậy, hãy để ý nhặt sạn trước khi chuẩn bị món cho bữa tiệc của bạn nhé, hỡi các nhà văn nhà thơ vô cùng đáng kính.

(June 2007)

My pain, Your gain!

Vào những ngày nóng bỏng trên thị trường chứng khoán này, tôi muốn viết vài điều tản mạn về thị trường chứng khoán ở Việt Nam. Chứng khoán hiện đang là thời sự nóng của xã hội. Ở bất cứ tờ báo giấy nào, hay bất cứ trang báo điện tử nào, bạn cũng có thể tìm thấy mục thông tin về chứng khoán. Nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán. Người ta ví von thị trường chứng khoán của Việt Nam là canh bạc của những người giàu có và là lô đề của các bà nội trợ, quả không sai.

Tôi có mấy cô bạn học cùng thời phổ thông cũng lao vào vòng xoáy của chứng khoán. Nga, một cô bạn xinh đẹp, nhanh nhẹn, tháo vát, buôn bán kinh doanh giỏi. Nga có vốn liếng kha khá cỡ vài tỷ trước khi lao vào chứng khoán. Nga không ngại ngần vứt toàn bộ vốn liếng vào chứng khoán, suốt ngày ngồi đồng ở các sàn giao dịch chứng khoán. Đến thời điểm tháng 3 vừa rồi, nghĩa là trước khi thị trường xuống dốc không phanh, Nga có khoảng 12 tỷ trong tài khoản chứng khoán của mình. Vì thế có thể gọi Nga là một “đại gia” trong “canh bạc” chứng khoán.

Mai, cô bạn thứ hai, chỉ là một công chức làm công ăn lương, chịu khó, đảm đang nhưng hơi bị lạc hậu với thời cuộc. Mai chỉ có vài chục triệu gửi tiết kiệm đề phòng những lúc trái gió trở trời. Thế mà rồi khi bị cuốn vào “lô đề” chứng khoán, “tiểu gia” Mai cũng không ngại ngần vứt toàn bộ vốn liếng của mình, rồi của anh chị em, bố mẹ mình vào chứng khoán. Đến thời điểm tháng 3 vừa rồi, Mai cũng có khoảng 400-500 triệu trong tài khoản chứng khoán của mình.

Thế rồi, thị trường chứng khoán đỏ ngầu, giá cổ phiếu xuống dốc không phanh khoảng 20-30% trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.

“Đại gia” Nga có nhiều tin tức về thị trường, kịp thời bán đi vài tỷ trị giá chứng khoán khi thị trường đang ở đỉnh, thu hồi vốn chờ thời cơ khi giá thấp lại mua vào kiếm lời. Số dư tài khoản của Nga vẫn tăng lên mặc dù thị trường chao đảo.

“Tiểu gia” Mai ôm giữ mấy chứng khoán cò con của mình, chậm chạp ngóng nhìn chứng khoán lên giá, đau đớn nhìn chứng khoán giảm giá. Đến nay, vốn đầu tư của Mai đã thụt đi khoảng 30% so với khi mua vào ở đỉnh. Tội nghiệp nhất là Mai đã gom góp hết từng đồng tiết kiệm của mình, của gia đình, rồi vay thêm ngân hàng đổ vào “lô đề”, để bây giờ ruột như xát muối khi thấy mình thua trắng.

Ngạn ngữ châu Âu có câu” No pain, no gain”. Còn ở thị trường chứng khoán Việt Nam, câu ngạn ngữ này bị biến thái thành “My pain, your gain”.

(May 2007)

Mặt trời của mẹ

Hôm nay con trai yêu quí tròn 21 tuổi. Có thể ở ta, tuổi 21 lẻ không quan trọng, nhưng ở nước ngoài, sinh nhật tuổi này làm long trọng lắm, đó là lễ trưởng thành của một con người. Qua tuổi 21, đứa con không còn phải ở dưới sự bảo mẫu của cha mẹ, được trưởng thành như một con người chín chắn, đủ năng lực, đủ trách nhiệm.

Mẹ nhớ những ngày tuổi thơ đã đi qua của con khi mà mẹ đã cố gắng chăm sóc cho con bằng tất cả khả năng, bằng tất cả tình cảm của mình. « Vừa là mẹ, vừa là cha, Vừa là bà chủ vừa là Osin », mẹ đã cố gắng đảm nhiệm vai trò “bốn trong một” như một câu thơ tếu.

Mẹ nhớ mãi kỷ niệm lần đầu tiên dẫn con đến lớp, nhớ cái bóng bé nhỏ của con nhút nhát, ngơ ngác đứng vào hàng cùng các bạn. Cái cảm giác thương con đến nao lòng, khi nghĩ rằng con sẽ không còn luôn được bao bọc trong vòng tay mẹ, mà sẽ phải bước vào cuộc đời đầy cam go thử thách.

Mẹ cũng nhớ lắm cái ngày cùng con đến đăng ký vào trường đại học, con đã là một thanh niên cao lớn, tuy vẫn còn rụt rè, ngơ ngác giữa đám đông sinh viên ồn ào. Và chỉ ngay sau khi vào năm thứ nhất, con đã thử sức thi TOEFL mà hầu như không có chuẩn bị gì. Kết quả thi 630 điểm/660 max của con làm cho cả danh sách thi phải ghen tị và ngưỡng mộ, và mẹ thì vừa ngạc nhiên vừa tự hào về con như một bà mẹ hạnh phúc nhất trần gian.

Sinh nhật con hôm nay, mẹ thấy con thực sự chín chắn, trưởng thành, mạnh mẽ. Mẹ tin là con trai của mẹ sẽ là một người đàn ông thành đạt trong tương lai. Mẹ tin con, tự hào về con và mẹ yêu con nhất trên đời, mặt trời của mẹ.

(July 2008)

Hẹn hò qua mạng

Truyện ngắn

Sau một cuộc hôn nhân bất hạnh, Hạnh chia tay với người chồng thiếu trách nhiệm và sống một mình nuôi con đã năm năm. Như con chim sợ cành cong, nàng thu mình lại và hầu như không giao du tìm kiếm tình yêu mới trong năm năm qua. May cho nàng là thời đại ngày nay có mạng internet với những trang làm quen kết bạn, tìm bạn trăm năm đầy rẫy như lá rụng mùa thu. Sau những giờ làm việc và những công việc nhà bất tận buổi tối, nàng lang thang vào mạng. Và nàng đã lựa chọn phương án tìm bạn đời qua mạng như một giải pháp tương đối thận trọng cho cuộc đời mình.

“Thiếu phụ 35 tuổi, đã ly hôn, sống với một con trai 10 tuổi, tính tình giản dị, sống nội tâm, quí trọng gia đình, yêu văn thơ, thích du lịch. Mong muốn tìm bạn nam có cùng hoàn cảnh, hiểu biết, có học thức, nghiêm túc, tuổi trên 35, nếu hợp có thể sẽ là bạn đời”

Sau khi gửi mấy dòng này cùng một tấm ảnh chân dung lên trang E tình yêu, Hạnh nhận được rất nhiều thư làm quen. Nhiều thư đến mức nàng phải soạn sẵn một thư trả lời ban đầu và gửi lại cho tất cả như nhau, chỉ thay mỗi tên người nhận.

Sau vài tuần và dăm ba thư qua lại với tất cả các đối tượng, Hạnh chỉ chọn được ba người có cùng hoàn cảnh (điều kiện tiên quyết của nàng) có vẻ phù hợp nhất để tiếp tục thư từ. Một người tên Thành là công chức ở Hà nội, tỏ ra điềm đạm, hiểu biết, thông minh, sống một mình gà trống nuôi con, hơi vụng về và có vẻ chân thực. Người thứ hai là một kỹ sư tên Sơn làm việc ở Sài gòn, viết thư ngắn gọn, giản dị với lời lẽ dễ thương, sống một mình sau ly hôn. Người cuối cùng là một Việt kiều tên Hiếu sống ở Pháp với những bức thư buồn và tha thiết nhớ về quê hương từ nơi xa xứ.

Một cuối tuần nọ, kỹ sư Sơn gửi thư cho nàng: “Hay là mình gặp nhau đi, cuối tuần này anh nghỉ làm hai ngày mà không biết làm gì, buồn quá”. Sơn là người ở cùng thành phố với Hạnh, nên nàng cũng nghĩ thầm, tại sao không thử gặp xem sao. Nàng đắn đo mãi mới nhắn tin lại vào số di động mà Sơn đã ghi cho nàng: “Đồng ý, mình gặp nhau ở quán cà phê Nhạc Trịnh lúc 7h tối thứ bảy, bàn đầu tiên bên trái”.

Tối thứ bảy, sau khi trang điểm kỹ lưỡng, Hạnh vẫn không tự tin lắm khi ngắm mình trong gương: Một thiếu phụ không còn trẻ trung với khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt dịu dàng đượm buồn đang nhìn nàng. Nàng đến chỗ hẹn với tâm trạng lo lắng, bồn chồn. Quán Nhạc Trịnh là một quán khá lịch sự, yên tĩnh với âm nhạc du dương của tình yêu, nơi Hạnh đôi lúc ghé vào với cô bạn cùng văn phòng để nghe nhạc và thư giãn. Khi bước vào quán, nàng nhìn thấy một thanh niên khá trẻ, có lẽ trẻ hơn nàng, đang ngồi một mình bên góc bàn phía trái, ly cà phê bên cạnh một cái gạt tàn bốc khói. Hạnh do dự đến gần khi thấy anh ta đứng dậy đón nàng:

- Hạnh đúng không?

- Dạ, anh Sơn?

- Anh chờ em hơi lâu rồi, sao em đến muộn vậy?

- Em bị tắc đường chút xíu.

Ngồi xuống đối diện với Sơn, Hạnh lúng túng đưa mắt nhìn trả ánh mắt dò hỏi, xét nét của Sơn. Có vẻ như anh ta đang quan sát và đánh giá Hạnh. Quả là một thanh niên đẹp trai, cao lớn, dáng tự tin và trí thức. Mãi sau đó khá lâu nàng mới lấy lại được bình tĩnh để trò chuyện với Sơn. Câu chuyện cũng mặn mà, đem đến cho cả hai nhiều thông tin mới về nhau. Hạnh thấy nói chuyện với Sơn khá hợp, anh có cùng sở thích văn thơ và biết lắng nghe nàng với ánh mắt nhìn khuyến khích, đầm ấm.

- Anh không phải tên Sơn, mà tên Long - Hạnh chợt nghe tiếng anh ta nhỏ nhẹ.

- Vậy sao? –nàng ngơ ngác.

- Anh mới 34 tuổi, chứ không phải 37 như đã nói qua thư.

- Em cũng đoán thế. – Nàng ngập ngừng xác nhận.

- Và đây mới là thông tin quan trọng nhất: anh không ly hôn, mà chỉ sống một mình xa gia đình. Vợ con anh ở Hà Nội, còn anh phải vào công tác Sài Gòn biệt phái trong ba năm.

- ….

Nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của Hạnh, anh ta hơi lo lắng.

- Anh nghĩ là anh nên trung thực với em ngay từ lần đầu gặp gỡ. Anh nghĩ em và anh có thể là bạn tâm tình. Anh không muốn lừa dối em, anh tự nguyện nói thật với em ngay từ đầu để mình không trách gì nhau sau naỳ.

- Cám ơn anh đã thành thực. Nhưng em không nghĩ là em có thể tiếp tục tin anh, biết đâu anh lại có tên khác nữa chứ không phải là Long thì sao nhỉ? - Hạnh tỏ vẻ chán nản.

- Em phải tin anh, và anh vẫn nghĩ mình có thể là bạn mà em?

- Em cũng không nghĩ mình có thể là bạn nếu như anh vẫn vướng bận gia đình và chỉ ở Sài gòn trong thời gian ngắn.

- Anh rất muốn được chia sẻ tình cảm với em trong những thời gian rảnh rỗi ở phương trời xa xôi này, khi anh được tự do một mình.

- Xin lỗi, chắc em phải về rồi. Rất hân hạnh được quen biết anh. - Hạnh chán ngán nhìn đồng hồ, đã gần 10 giờ.

- Hạnh, anh thực sự thích em và muốn kết bạn với em mà. - Hạnh nghe tiếng anh ta nài nỉ, nhưng nàng đã đứng dậy và hướng về phía cửa.

Hạnh lấy xe máy và ra về, trên đường đi vẫn nghe tiếng anh ta lải nhải từ cái xe máy bên cạnh. Làm thế nào để cắt đuôi nhỉ?

- Xin lỗi anh về trước đi, em phải ghé nhà cô em gái có chút việc. - Hạnh dừng lại tạt vào một ngôi nhà bên đường và bấm chuông. Anh ta do dự một giây rồi đi thẳng. Hú vía, Hạnh chờ một lát rồi vội vàng rẽ trái, trước khi chủ nhà kịp ra mở cổng cho kẻ bấm chuông phá rối là Hạnh.

Thế là xong, Hạnh thở dài sau khi xóa thư từ, địa chỉ email của anh chàng “kỹ sư Sơn” khỏi hộp thư của mình. Mạng là vậy sao, hư ảo thật khó lường.

Đánh bắt xa bờ

Truyện cực ngắn

Là giám đốc một công ty lớn, ông là một người đàn ông đúng kiểu người của chủ nghĩa xã hội những năm 60 của thế kỷ trước. Một vợ, hai con gái xinh đẹp, giỏi giang đã trưởng thành, gia đình ông là hình mẫu gia đình lý tưởng. Không nhậu nhẹt, không hút thuốc, không rượu chè, không lăng nhăng bồ bịch, tóm lại là như mấy anh em tai quái trong công ty tán láo, sống bốn không như vậy thì sống chẳng hiểu để làm gì. Sáng nào cũng như sáng nào, ông có mặt ở cơ quan trước 5 phút khi giờ làm bắt đầu, như một cái đồng hồ sống. Mọi nhân viên đi làm muộn cho dù chỉ vài phút đều lấm lét canh chừng sao cho không bị ông phê bình. Tóm lại ông là tấm gương đạo đức sáng ngời cho nhân viên noi theo.

Năm năm trước lúc về hưu, ông được cấp trên điều động làm Giám đốc một công ty liên doanh mới thành lập ở một thành phố nhỏ ven biển để áp dụng một công nghệ đánh bắt hải sản mới, đánh bắt xa bờ. Ông cắp cặp đi xa theo lệnh điều động. Hàng tuần, rồi dần dần hàng tháng ông mới về thăm vợ con một lần. Vợ con ông chẳng mấy khi đến thăm ông, và tin tưởng ông tuyệt đối.

Sau khi về hưu, ông đột ngột dắt về nhà một thiếu phụ trạc 40 tuổi và một chú nhóc khoảng 5 tuổi, bụ bẫm, kháu khỉnh, giống ông như đúc. Vợ con ông chỉ còn biết chết đứng như Từ Hải, và chấp nhận cô vợ nhỏ cùng đứa con của ông. Ông đã thu hoạch được cả cá lớn, cá bé, cá mẹ, cá con, áp dụng thành công công nghệ "đánh bắt xa bờ".

Tin nhắn thứ hai

Truyện cực ngắn

Lan và anh yêu nhau khủng khiếp. Những ngày anh đi công tác nước ngoài, không ngày nào là họ không gặp nhau qua chat. May mà điện thoại của anh không hòa mạng quốc tế, nếu không sẽ tốn tiền nấu cháo điện thoại quốc tế suốt ngày. Những ngày này Lan coi như anh ở “ngoài vùng phủ sóng”. Lan nhớ anh và cháy lòng mong đợi ngày anh trở về. Trong lần chat cuối cùng với anh, Lan hiểu anh chỉ ghé Sài gòn có vài tiếng tối chủ nhật, transit ở sân bay rồi bay luôn đi Hà Nội để sáng thứ hai còn đi làm. Mặc dù nó phụng phịu đòi anh ở lại Sài Gòn để gặp nó, anh nói rất tiếc anh không thể ở lại vì có công chuyện quan trọng sáng thứ hai. Anh hứa sẽ nhắn tin hoặc điện thoại cho Lan khi đến Sài gòn, khi đã về “vùng phủ sóng”.

Tối chủ nhật, Lan thắc thỏm ngóng chờ điện thoại của anh. Mệt mỏi, nó thiếp đi với cái điện thoại nắm chặt trong tay. Gần nửa đêm nó bừng tỉnh với tín hiệu nhạc báo tin nhắn đến. Dụi mắt nó thì thầm đọc những lời có cánh của anh: “Anh đã về đến Sài gòn. Nhớ em và yêu em nhiều Lan ạ, hôn em yêu dấu của anh.” Nó những muốn hôn lên màn hình điện thoại, nhưng buồn ngủ quá nó lại lăn ra ngủ. Nhưng rồi tiếng nhạc báo tin nhắn thứ hai lại đánh thức nó dậy sau vài phút. Nó dụi mắt mấy lần mới đọc hết tin nhắn thứ hai của anh mà nó không sao hiểu nổi lúc mới đọc, và khi đã hiểu ra thì nó thấy đau nhói ở ngực: “Anh đã về đến Sài gòn. Nhớ em và yêu em nhiều Hạnh ạ, hôn em yêu dấu của anh. Chiều mai anh bay Hà Nội, sáng mai mình gặp nhau ở Cafe Tím nhé em.”

Tội nghiệp cho cái điện thoại mới của anh và cho trái tim mong manh, khờ khạo của Lan.

Con cá đánh mất

Truyện cực ngắn

Mải mê với cái báo cáo cuối tháng, Thu quên mất giờ họp. Lúc nhìn vào đồng hồ thì đã muộn mất năm phút. Vớ lấy cuốn sổ và cây bút, Thu vừa đi vừa chạy xuống phòng họp ở tầng hai. Cuộc họp khá quan trọng, Ban Giám đốc Tổng công ty ra mắt cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty.

Mở cửa phòng họp, Thu chói mắt vì ánh đèn sáng lóa. May quá còn một chỗ trống gần bên cửa ra vào, Thu kiếm chỗ ngồi đại, trong khi mắt vẫn chăm chú nhìn người đang nói trên bục phát biểu. Lại quên kính cận nữa rồi, Thu nheo mắt, cau mày. Nàng chỉ nhận ra người phát biểu qua giọng nói, ông Trưởng ban Tổ chức nhân sự đang đọc quyết định bổ nhiệm Ban Tổng Giám đốc mới. Sau đó là Ban Tổng giám đốc mới phát biểu cảm tưởng, rồi mọi người chúc tụng. Sâm panh nổ đôm đốp, tiếng chạm cốc lanh canh. Thu đứng dậy để bắt tay, chạm cốc chúc mừng các sếp mới. Chợt tim Thu như ngừng đập khi nàng nhìn thấy người bên cạnh cũng vừa đứng dậy. Đó chính là Sơn, người tình năm xưa của nàng. Chắc hẳn anh vừa bay từ Sài gòn ra dự cuộc họp quan trọng này. Già hơn nhiều, bụng hơi phệ, đầu hói, nhưng vẫn phong độ, trầm tĩnh, trí thức như xưa. Thu choáng váng nhìn Sơn, không thốt lên lời. Sơn gật đầu chào nàng, lúng túng với cảm giác có lỗi. Có phải vì cái cảm giác lúng túng có lỗi của Sơn mà mắt nàng ánh lên một nỗi chán ngán và coi thường? Thu im lặng và bước tránh sang bên để chạm cốc với một đồng nghiệp khác, vẫn thoáng nhìn thấy Sơn lảng tránh và cụp mắt xuống như một tội đồ. Không khí vui vẻ trong phòng họp bỗng trở nên ngột ngạt đến nghẹt thở. Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Gần hai mươi năm trời trôi như bóng câu qua cửa sổ, và bây giờ nhờ cặp mắt cận mà quên đeo kính, Thu vớ được quả đắng này.

Con cá mất là con cá to. Ai có thể ngờ người ta đôi lúc vô tình đến mức không nhận ra con cá to nhất của đời mình khi bất ngờ chạm trán.

Love me, Love my dog!

Bên trời tây, thứ tự ưu tiên được cưng chiều thứ nhất là trẻ con, thứ nhì là phụ nữ, thứ ba là chó, thứ tư mới đến đàn ông. Người ta cũng có câu ngạn ngữ: “nếu yêu tôi, hãy yêu cả con chó của tôi”. Thực sự con chó là người bạn thân thiết của con người, con chó yêu người chủ của nó bằng một tình yêu hoàn toàn thuần khiết.

Con chó đầu tiên của nhà tôi tên là Tô. Về sau, nhà tôi có nuôi thêm mấy con chó nữa và toàn đặt tên Tô để nhớ về nó. Tuy nhiên con Tô đầu tiên của tôi thực sự khôn ngoan và đã in dấu ấn vào tâm hồn thơ ấu của tôi như một kỷ niệm không thể nào quên.

Hồi đó nhà tôi sơ tán ở Nho quan. Mẹ tôi mua 1 cái nhà có vườn rộng, có rất nhiều cây trái xum xuê quanh nhà, chạy nhảy trong vườn sướng mê ly.

Ngay trong sân là một cây muỗm rất to, con Tô hay nằm ngủ ở gốc cây muỗm. Xung quanh nhà là mấy cây trứng gà, mấy cây na trĩu quả. Sát hàng rào là mấy cây nhãn, là nơi bọn trẻ tụi tôi suốt ngày leo trèo, nằm ngủ cả trên nhánh chạc ba của nó.

Hồi đó tôi mới 10 tuổi, anh trai tôi 15 tuổi, em gái tôi 5 tuổi. Chúng tôi hay lục lọi sách vở của anh để xem, mà anh ấy thì ngăn nắp lắm, không thích bọn nhóc lục lọi. Buồn cười anh ấy đánh dấu sách vở xếp ngay ngắn, lệch khoảng mấy phân trên giá, về nhà thấy lệch khác đi một li là tra hỏi và bạt tai bọn tôi. Bọn tôi hay bị anh trai bắt nạt, nên ghét anh lắm, chỉ thích chơi với con Tô. Tôi yêu nó nhất nhà, tôi suốt ngày quanh quẩn bên nó, chơi đùa với nó.

Tôi đi học ở chân đồi, con Tô ngày nào cũng lon ton theo tôi đi học. Nó hay ngồi ở cửa lớp, nhìn vào xem cả lớp học hành ra sao cứ như một ông thanh tra vậy. Vì ở xứ rừng núi nên tôi học giỏi nhất lớp, tôi khoái chí tưởng tượng thấy con Tô nhìn tôi ngưỡng mộ khi tôi được cô khen trước lớp.

Con Tô hay ra vẻ khảnh ăn. Đến bữa không bao giờ nó chạy lăng xăng quanh mâm đòi ăn. Nó nằm dài ở sân, mặt ghếch ra ngõ, ra cái điều có mời chắc gì ta đã ăn. Hết bữa, tôi lùa hết thức ăn thừa vào bát của nó, phải gọi hai ba lần nó mới ngoe nguẩy đuôi uể oải đi vào, y chang kiểu làm khách làm bộ, ăn cho vui thôi nhé.

Ở góc vườn nhà tôi có một cái ao và một cái giếng nước ăn. Một lần đi tắm ở ao, tôi bị tụt chân xuống khỏi cầu ao, suýt chết đuối. Chới với bì bõm vì không biết bơi, may có con Tô nhảy xuống cắn áo kéo vào bờ.

Một hôm tôi đi chơi về, thấy mẹ đang ngồi bên con Tô bị xích cổ vào gốc cây muỗm. Nó nằm im nhưng toàn thân run rẩy, đôi mắt ướt nhẹp ngước lên nhìn tôi cầu khẩn .

Tôi hỏi mẹ làm gì con Tô thế. Mẹ tôi nói có lệnh cấm nuôi chó vì đang có dịch chó dại, đành bán nó đi cho mấy chú bộ đội trong xóm để làm thịt. Tôi vừa khóc lóc ầm ĩ, vừa đòi mẹ giữ nó lại. Mẹ nói không được, có lệnh cấm rồi.

Chiều, có một chú bộ đội đến bắt con Tô. Khi chú ấy vừa bước vào sân, con Tô giật đứt xích và bỏ chạy. Mẹ tôi gọi mãi nó mới ngoe nguẩy đuôi chạy về. Ngờ đâu chú bộ đội nấp sau cánh cổng cầm gậy vụt nó một cái gãy chân. Nó kêu ăng ẳng rồi lại khập khiễng bỏ chạy mất tăm. Cả nhà đi tìm không thấy nó đâu. Chú bộ đội đành đi về.

Tối đến, tôi đi lang thang vừa gọi nó vừa khóc. Thì ra nó trốn vào bụi cây, nằm im trong đó. Nghe tiếng tôi gọi, nói lừ đừ chui ra ngoe nguẩy đuôi. Tôi bế nó về cho ăn và băng chân cho nó.

Nó nằm bên chân tôi, mắt ngước nhìn tôi van lơn. Tôi nhìn thấy nước mắt nó ứa ra ngoài khóe mắt, nó khóc như người. Tôi ngồi ôm nó khóc như mưa. Mẹ tôi cũng khóc, anh tôi cũng khóc, em gái tôi cũng khóc, cả nhà khóc. Tôi van xin mẹ đừng bán nó nữa, nhốt nó trong nhà trốn lệnh cấm chó. Mẹ im lặng không nói gì, chỉ thấy mắt mẹ đỏ hoe.

Sáng hôm sau khi ngủ dậy, tôi không thấy con Tô đâu. Mẹ cũng đã đi làm. Tôi hoảng sợ chạy khắp nơi tìm con Tô mà không thấy. Hôm đó tôi bỏ học, đi lang thang khắp nơi tìm con Tô, vừa tìm, vừa khóc.

Đến tối, mẹ đi làm về, mới biết sáng sớm mẹ đã giao con Tô cho chú bộ đội rồi. Tôi giận mẹ quá, vừa khóc huhu vừa chạy trốn khỏi nhà. Tối đó tôi bỏ cơm, trèo lên cây nhãn nằm ngủ, mẹ phải ra bế về nhà. Đêm đó tôi nằm mơ thấy con Tô bị giết, hai chân trước chắp lại van xin, nước mắt ròng ròng.

Từ đó, tôi ghét những kẻ ăn thịt chó, và không bao giờ ăn thịt chó. Kết thúc bài viết này, tôi lại vẩn vơ nghĩ đến một câu blast trên blog: Càng hiểu về loài người, ta càng thêm yêu quí loài chó.

(August 2008)

Hãng Sorry Airline và sự độc quyền được qui định trong luật hàng không

Nếu bạn đã từng có dịp hân hạnh vi hành cùng hãng hàng không quốc gia Việt Nam thì chắc chắn bạn biết hãng hàng không quốc gia Việt Nam nổi (tai) tiếng này còn có tên thứ hai là Sorry Airline do những vị “khách bị hành” ưu ái đặt cho. Tôi là một hành khách thường xuyên của hãng này, vì tôi luôn phải đi lại tuyến Hà Nội- TP Hồ Chí Minh vì lý do công tác, mà tuyến bay nội địa béo bở nhất này hầu như bị Sorry Airline độc quyền “phục vụ”. Ai cũng biết hãng này độc quyền “phục vụ” đến 90%, còn lại khỏang 10% là hãng Pacific Airline, một hãng anh em ruột của Sorry Airline. Tuy nhiên cái sự độc quyền này thậm chí còn được ưu ái qui định trong Luật hàng không của nhà nước ta thì không phải ai cũng biết. Sau đây là một ví dụ tiêu biểu của phong cách phục vụ độc quyền “hành khách” của hãng Sorry Airline.

Ngày 15.10.2006, tôi dậy sớm từ 5 h sáng để ra sân bay Nội bài, những mong kịp đáp chuyến bay 8:00 am của hãng Sorry Airline đi TP Hồ Chí Minh. Khi làm thủ tục tại quầy VIP, tôi thất vọng nhìn thấy một tờ thông báo dán trên mặt quầy “ Vì LÝ DO KẾ HỌACH THAY ĐỔI, chuyến bay VN 213 sẽ bị chậm đến 8:40”. Một lý do vô cùng khó hiểu, kế họach bay trong ngày thay đổi vào phút chót và hòan tòan không được thông báo trước cho khách hàng kể cả khách hàng VIP. Chặc lưỡi thôi thì ngồi lê ở phòng chờ sân bay thêm 40 phút cũng là… “chuyện thường ngày ở huyện”, tôi làm thủ tục check-in và vào phòng chờ.

Chăm chú với cái laptop và những cuốn sách ebook thú vị của mình, tôi hầu như quên mất thời gian cho đến 8:40. Lúc đó tôi chợt thấy lạ khi thấy nhân viên hàng không lật đật đẩy các xe chở mấy khay thức ăn đến gate số 2, nơi mà hành khách đi chuyến bay VN 213 làm thủ tục boading. Chắc chết rồi, khi mà hành khách bị “phục vụ” ăn sáng tại phòng chờ. Các quí khách lo âu và hồi hộp chờ đợi mãi đến 9:30 thì tiếng loa phóng thanh mới êm ái cất lên: “Xin hành khách chú ý: Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin trân trọng thông báo, vì LÝ DO MÁY BAY VỀ CHẬM, chuyến bay VN 213 đi TP Hồ Chí Minh sẽ bị chậm, giờ khởi hành dự kiến là 12:00. Hành khách nào có yêu cầu liên hệ nhân viên ở gate số 2 để được thông tin chi tiết hơn. Chúng tôi sẽ phục vụ quí khách bữa ăn sáng tại gate số 2. Chúng tôi xin lỗi vì sự châm trễ của chuyến bay.”

Các quí khách kẻ thở dài ngao ngán, người văng tục chửi thề. Chuyến bay chậm đến 4 giờ đồng hồ vì những lý do lãng nhách thậm vô lý. Và điều này được thông báo cho quí khách một cách thản nhiên, chuyên nghiệp, tiêu biểu theo phong cách "Sorry Airline".

Tại gate số 2, các nhân viên hàng không mặc áo dài xanh nước biển thướt tha tụ lại thành một nhóm khỏang gần chục người, kẻ buôn dưa lê với đồng nghiệp, người ngồi buồn xa vắng sau quầy, thản nhiên vô cảm trước nỗi đau khổ của các quí khách “bị hành”. Cũng là bình thường thật, vì đây đâu phải chuyên lạ đó đây, và vì đây đâu phải nỗi đau khổ của các nhân viên phục vụ. Quí khách làm thượng đế mãi rồi thì cũng phải chia sẻ nỗi khổ với giai cấp phục vụ chứ? Tại sao Giám đốc của hãng không giảm biên chế ít nhất là 70% số nhân viên mặt đất tại đây, vì thực tế chỉ cần một nhân viên trực quầy cộng thêm 2 nhân viên phát bữa ăn sáng cho khách. Cái cơ chế "xin-cho" được biểu hiện rõ rệt qua cách phục vụ quí khách của các nhân viên hàng không với vẻ mặt vô cảm, lạnh tanh và những câu nói khó chịu.

Do nhiều chuyến bay bị dồn lại cùng lúc, các quí khách thậm chí không còn ghế để ngồi, đành ngồi bệt la liệt dưới đất để thưởng thức bữa sáng của hãng hàng không. Quang cảnh trông như một ga xép chờ mấy chuyến tàu chợ. Cũng phải nói thêm là mấy quán ăn trong phòng chờ của Sorry Airline phục vụ quí khách bằng cách chặt chém cắt cổ với giá cả tăng gấp 200-300% so với thị trường bên ngoài. Điều này cho phép tôi nghi ngờ hàng không cố tình chậm trễ vài chuyến bay trong ngày để tăng doanh thu (và lợi nhuận tương ứng) của mấy quán ăn vốn ế ẩm vì chặt chém quá mức này.

Chung qui cũng vì cái sự độc quyền mà hãng Sorry Airline có thể hành xử kiểu này với hành khách mà vẫn "bình chân như vại" không sợ mât khách. Quí khách đâu có lựa chọn nào khác là cứ phải tiếp tục vi hành cùng Sorry Airline, cho dù có "bị hành" đến cỡ nào đi chăng nữa. Hay là các quí khách chuyển sang vi hành cùng Đường sắt Việt Nam hay Đường bộ Việt nam?

Cám ơn và hẹn gặp lại quí khách trên những chuyến bay tới của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.

Tản mạn về nỗi cô đơn

Ta lấy thời gian đo nỗi nhớ

Lấy biển khơi đo độ rộng tâm hồn

Lấy cuộc đời đo tình yêu dang dở

Nhưng biết lấy gì để đo nỗi cô đơn?

(ST)

Cô đơn là tâm trạng của tôi, của bạn, của rất nhiều người trên thế giới này. Cho dù có đến 6 tỷ người trên thế giới rộng lớn bao la này, bạn vẫn cảm thấy cô đơn vào một lúc nào đó, vào một ngày nào đó.

Đó là những buổi chiều chủ nhật mưa gió hay rét mướt căm căm… khi mà bạn ngồi một mình ngắm hòang hôn đổ dài trên bãi biển hay trên triền núi xa xa, khi mà bạn không có một ai bên cạnh để chia sẻ nỗi niềm, khi mà bạn có cảm giác trống vắng đến nao lòng…

Đó là những buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngắm nhìn cái điện thọai vô hồn, lướt tìm cả mấy trăm số thân quen mà không biết gọi cho ai để chia sẻ nỗi lòng…

Đó là những đêm dài lạnh lẽo, khi mà bạn một mình ôm gối suy tư với những nỗi vui buồn của cuộc đời trong màn đêm thăm thẳm...

Đó cũng có thể là một buổi sáng mùa hè nắng đẹp, khi mà bạn tỉnh giấc bên người bạn đời mà bạn không còn yêu thương, không còn có thể chia sẻ nỗi niềm, chỉ còn lại những nghĩa vụ mệt mỏi của cuộc sống chung…

Đó cũng có thể là một buổi chiều nhộn nhịp tan sở, khi mà bạn chen lấn trong đám đông cả trăm người trên đường về nhà, sốt ruột, mệt mỏi chờ mong đèn đường chuyển màu từ đỏ thành xanh…

Đó cũng có thể là một buổi tối vắng lặng, khi mà bạn ngồi chờ đợi khắc khoải bên mâm cơm đã nguội lạnh mà người bạn đời của bạn vẫn còn la cà nhậu nhẹt đâu đó chưa về…

Có nỗi cô đơn mà bạn thực sự thấm thía cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khi mà bạn thực sự một mình không có ai bên cạnh và cũng không thể chia sẻ nỗi lòng được với bất cứ ai.

Nhưng còn có nỗi cô đơn chỉ thuần túy theo nghĩa bóng, khi mà bạn có ai đó bên cạnh mà lại không thể chia sẻ nỗi lòng. Và đôi khi nỗi cô đơn này lại trở nên mênh mông đến mức không thể chịu đựng nổi.

Bạn chỉ có thể hiểu bản thân mình tường tận khi mà bạn thấm thía nỗi cô đơn. Hãy nói cho tôi biết bạn làm gì mỗi khi cô đơn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai. Lúc cô đơn bạn thường làm gì? Tìm đến một người bạn để chia sẻ? Tìm một thú vui để thư giãn? Lang thang trên mạng đọc sách báo hoặc trao đổi ý kiến trên các forum? Tìm đến một ly rượu hoặc một liều ma túy để quên đi cảm giác trống vắng? Hay đơn giản chỉ tự suy ngẫm về thế thái nhân tình để rồi có thể sống tốt hơn? Như vậy cô đơn đôi khi là cần thiết cho một số người trong chúng ta. Chỉ có điều đừng để sự cô đơn kéo dài triền miên, nó sẽ gặm nhấm tâm hồn bạn, làm nản lòng bạn, làm bạn trở nên sầu não, bi quan với cuộc đời. Đừng để mình rơi tự do với nỗi cô đơn. Hãy nhấc điện thọai lên gọi cho người bạn thân nhất của bạn cho dù chỉ để nói một câu thăm hỏi sức khỏe. Bạn hãy tưởng tượng người bạn đó của bạn cũng đang cô đơn, bất ngờ nhận được một tin nhắn vui vui của bạn, hay một câu hỏi thăm sức khỏe của bạn, người bạn đó sẽ thấy hạnh phúc đến chừng nào.