Copenhagen of Danmark

Thăm nàng tiên cá Copenhagen

Đan Mạch là một nước Bắc Âu, có diện tích nhỏ (43.000 km2) và dân số ít (5,5 triệu người), nhưng có nền kinh tế rất phát triển và mức sống thuộc loại cao nhất thế giới.

Thủ đô Copenhagen là một thành phố thuộc loại trung bình, nhưng có những tòa lâu đài và kiểu kiến trúc cổ kính có giá trị lịch sử văn hoá lâu đời. Cư dân ở đây có lối sống thật thà, hiếu khách, rất có ý thức bảo vệ môi trường.

Thành phố cổ kính và yên bình

Rời thủ đô Paris hoa lệ và náo nhiệt của nước Pháp, tôi đến Copenhagen và chứng kiến quang cảnh một thành phố khác hẳn. Thành phố này sao mà quá im lặng, rất ít thấy bóng dáng các ô tô, không có cảnh chen chúc ồn ào, phố xá vắng vẻ (trừ khu trung tâm), ở đâu cũng thấy nhiều nhất là xe đạp và người đi bộ.

Đây là đặc điểm sinh hoạt ở hầu hết thành phố các nước Bắc Âu, chứ không riêng gì Đan Mạch. Vì thế nên nhiều sinh viên nước ta, vốn quen với cảnh sinh hoạt ồn ào náo nhiệt ở quê nhà như Sài Gòn, Hà Nội, khi sang du học ở các nước Bắc Âu đều than là buồn.

Lâu đài Hoàng gia Amalienborg

Copenhagen hấp dẫn vì các kiến trúc cổ xưa vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, các lâu đài, các nhà thờ, các con đường nhỏ hẹp lát đá, các con kênh trong vắt chảy qua thành phố. Thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ có thể đi thăm vài đường phố chính, vài toà lâu đài và bức tượng Nàng tiên cá.

Phố Stroget

Đây là con đường cổ nhất ở Copenhagen, chạy xuyên qua trung tâm thành phố, hai đầu là hai quảng trường lớn: quảng trường Kongens ở phía Đông và quảng trường toà thị chính ở phía Tây. Hai bên đường, tập trung nhiều cửa hàng, hiệu ăn, có nhiều ngôi nhà xây dựng từ mấy thế kỷ trước. Phố Stroget chỉ dành cho người đi bộ. Đến toà thị chính, du khách có thể trèo lên chiếc tháp cao, từ đó có thể nhìn thấy toàn bộ con đường Stroget ở phía sau và phía trước là công viên Tivoli.

Tivoli là một công viên giải trí và cũng là một vườn hoa rực rỡ, ban đêm vườn hoa này được chiếu sáng bởi 100.000 chiếc đèn màu được xây dựng từ năm 1843. Tivoli là niềm tự hào của ngưởi dân Copenhagen với đủ các kiểu kiến trúc, các trò giải trí cho trẻ em và cả người lớn. Nó chỉ mở cửa 6 tháng trong năm (từ trung tuần tháng 4 đến hạ tuần tháng 9) với chương trình 7 ngày đều có ca nhạc, sân khấu, pháo hoa và đặc biệt nhất là cuộc trình diễn của các nhân viên bảo vệ Tivoli mặc trang phục của ngự lâm quân hoàng gia.

Trung tâm Copenhagen chỉ toàn người đi bộ

Thăm nàng tiên cá

Chúng tôi đi thăm một số lâu đài tiêu biểu nhất: Charlottenborg (cung điện mùa hè của hoàng gia), Amalienborg (cung điện mùa đông của hoàng gia), Christianborg (trụ sở quốc hội, toà án tối cao, văn phòng thủ tướng). Rồi đến một địa điểm khá nổi tiếng là con kênh đào Nyhavn ăn thông ra biển, nơi đây là một bến cảng tấp nập với thuyền bè dưới nước, nhà kho, hàng quán trên bờ.

Sau cùng, đến điểm quan trọng nhất mà du khách nào cũng không thể bỏ qua, đó là bức tượng Nàng tiên cá (còn gọi là Mỹ nhân ngư) được đặt trên một tảng đá trên bến cảng Langilinic nhìn ra biển. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876-1954), được làm theo yêu cầu của ông Carlsberg Jacobsen (người sáng lập ra hãng bia Carlberg) để làm tặng phẩm cho thành phố Copenhagen. Tuyệt tác này được hoàn thành vào năm 1913 và trở thành biểu tượng của thủ đô Copenhagen, cũng là biểu tượng của nước Đan Mạch.

Bức tượng Nàng tiên cá

Nàng tiên cá bé nhỏ là tên một câu chuyện cổ tích rất xúc động của đại văn hào Đan Mạch Christian Andersen (1805-1875). Mối tình đẹp đẽ của nàng với vị hoàng tử và tinh thần hy sinh cao cả của nàng khiến nàng thu phục được sự cảm phục và yêu mến của hàng triệu độc giả khắp thế giới. Điều đó cũng giải thích vì sao biểu tượng nàng tiên cá bé nhỏ có sức hút mạnh mẽ đối với tất cả du khách như vậy.

Thế nhưng vào đêm rạng ngày 24/4/1964, một tên vô lại nào đó đã dùng cưa cắt đứt đầu của nàng tiên cá, gây nên sự bàng hoàng đối với người dân Đan Mạch. Cuối cùng, người ta phải tạc một chiếc đầu khác giống như nguyên bản để gắn vào thân nàng. Chuyện tưởng đã yên, nào ngờ đến tối 6/9/1998 (tức là 34 năm sau), nàng tiên cá lại bị cắt đầu một lần nữa. Nhưng may thay, chiếc đầu này được tìm thấy và ráp lại trên thân nàng.

Vào tối 11.9.2003, nàng tiên cá lại bị phá hoại lần nữa. Lần này nàng không bị cắt đầu nhưng bị lật nhào xuống biển. Vài ngày sau, người ta vớt nàng lên và đặt trên tảng đá cũ.

So với biểu tượng của Paris là tháp Eiffel, biểu tượng của New York là Nữ thần tự do, thì biểu tượng của Copenhagen quá ư là bé nhỏ, chỉ có 1,25 mét chiều cao, thế nhưng kích thước bằng đó cũng đã đủ giúp nàng tiên cá được cả thế giới biết đến.

Tính cách Đan Mạch

Đan Mạch cũng như các nước Bắc Âu (gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan) đã xây dựng cho mình mô hình xã hội gọi là nhà nước phúc lợi (Etat-providence), trong đó phúc lợi xã hội được chia đều cho mọi người dân, không có khoảng cách lớn về mức sống giữa các tầng lớp dân chúng, giữa người "làm quan" với dân thường.

Lâu đài Christiansborg

Đan Mạch có nền kinh tế rất phát triển, ngân sách hàng năm luôn luôn thặng dư, không có nạn thất nghiệp, thậm chí nhà cầm quyền rất lo về tình trạng thiếu nhân công. Người nhập cư ở đây (đa số là người Pakistan và các nước Nam Á) được hưởng chế độ trợ cấp rất tốt.

Người dân Đan Mạch sử dụng xe đạp rất nhiều, tính trung bình hai người dân có một chiếc xe đạp. Ở thủ đô Copenhagen, chuyện các bộ trưởng đến công sở bằng xe đạp là "việc hàng ngày xảy ra ở huyện", các dân biểu đi họp quốc hội cũng bằng xe đạp. Còn nữ hoàng Margrethe đệ nhị thường đi bộ dạo chơi ở trung tâm thủ đô và vào các cửa hàng mua sắm như người dân thường.

Đặc điểm của hoàng gia Đan Mạch là chỉ có một triều đại duy nhất cai trị đất nước này từ thế kỷ thứ 10 đến nay. Nữ hoàng Margrethe đệ nhị lên ngôi từ năm 1972 và nay được 67 tuổi, là nhân vật rất được dân chúng yêu mến và kính trọng. Lối sống của Hoàng gia cũng là một hình ảnh tiêu biểu của phong cách Đan Mạch, tuy giàu có nhưng không kiêu kỳ, thanh lịch nhưng rất hồn nhiên, giản dị, thích hoà hợp với thiên nhiên hơn là gò bó trong những phương tiện sinh hoạt hiện đại. Môi trường ở Đan Mạch được bảo vệ rất tốt. Rời thủ đô Copenhagen cổ kính, ta thấy nông thôn thật là yên tĩnh, đâu đâu cũng đồng ruộng xen lẫn với rừng cây, nối liền giữa các thôn xóm là các nhà thờ và lâu đài cổ. Người Đan Mạch tự hào nói rằng quang cảnh nông thôn ngày nay không khác gì mấy thế kỷ trước, như được mô tả trong các truyện cổ tích của đại văn hào Andersen.

Ốc đảo' cổ tích

Nhờ có dòng hải lưu nóng chảy qua, nên mặc dù ở Bắc Âu nhưng khí hậu Đan Mạch rất ôn hòa. Bước chân vào vương quốc Đan Mạch, bạn như có cảm giác bước vào một ốc đảo tươi mát, và đối với nhiều người nơi đây còn là “ốc đảo” của những câu chuyện cổ tích, bởi tuổi thơ của họ đã gắn bó với xứ sở thần tiên này qua những trang cổ tích đầy nhân văn của Đại văn hào Andersen.

Đến Đan Mạch, nếu không phải tất cả thì cũng là đại đa số, mang trong mình hình ảnh của “những chú lính chì”, những câu chuyện cảm động về “chú vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” hay “Cô bé bán diêm”…

Để rồi khi đặt chân trên đường phố Copenhagen - thủ đô của Đan Mạch - bạn sẽ choáng ngợp và ngỡ ngàng trước không khí vui nhộn, cảm nhận được sức sống căng tràn khắp nơi nơi qua từng ánh mắt hân hoan của mỗi người dân mà bạn bắt gặp trên đường. Hương nắng nồng nàn, những khóm hoa quyến rũ, những phong cảnh hữu tình, đầy chất thơ…đã làm từng con đường, ngõ phố, mái nhà…như sống dậy, bước vào cuộc đời của người dân Đan Mạch.

Thủ đô Copenhagen.

Khu giải trí Tivoli nằm ngay trung tâm thủ đô Copenhagen, du khách rất ưa

chuộng nơi đây bởi vẻ đẹp rực rỡ, hiện đại và không khí nhộn nhịp, thân thiện.

Cung điện Amalienborg là nơi để Hoàng Gia thiết đãi

những buổi tiệc rất lớn với sự tham dự của các vị vua

chúa, những nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia trên Thế giới.

Mặc dù bức tượng đại văn hào Andersen có mặt nhiều nơi trên thế giới nhưng có thể nói bức tượng ở đây có “thần” nhất, đứng trước bức tượng bằng đồng của H. C. Andersen, bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé trước một con người thật vĩ đại.

Tòa thị chính thủ đô sừng sững giữa khuôn viên rộng hơn 7.000m2, với tháp chuông cao 106m.

Bạn có thể ngắm toàn cảnh thủ đô trải dài theo bờ biển thơ mộng khi đứng trên vọng lầu. Thú vị nhất là những lúc bầu trời thoáng đãng, hình cây cầu Oresund hai tầng dài 7.845 m nối liền Thụy Điển hiện xa xa…hay những cánh chong chóng đang quay trên đỉnh những cây cột trắng.

Hình ảnh cây cầu Oresund nhìn xa xa

giống như sợi dây vắt ngang qua mặt biển.

Tượng Nàng Tiên Cá.

Một chiều lặng gió, giữa cái bao la của đất trời và biển... Dáng ngồi cô độc của Nàng công chúa Thủy tề u uẩn trong tiếng sóng trầm trầm, nghe thời gian và không gian như lắng lại...Cái thuở rất xa – Thuở bồng lai bỗng thật gần!

Những giây phút trầm mặc cuốc bộ trên Đại lộ H. C. Andersen, chiêm ngưỡng những cung điện in dấu một thời lịch sử, hay du thuyền đi thăm Nàng Tiên Cá..., bạn sẽ cảm nhận phần nào bức tranh hài hòa của thực tại và quá khứ, của cổ tích và hiện thực. Chiêm nghiệm để nhận ra chúng ta của thời thơ ấu và chúng ta của bây giờ cũng chỉ là con người nhỏ bé trước cuộc đời, để nghe nhịp đập của trái tim mình và nghe thời gian vội vàng đi qua...