Bạch Liên Cầu Vồng


Cầu Vồng

Tiếng xe cục kịch lạch cạch chạy tới rồi thắng ngừng, rồi lại chạy và tiếp tục thắng ngừng, xen kẽ trong chuỗi tiếng động này là tiếng ò e te te của cái còi hụ nho nhỏ phát ra như lời báo động “hãy tránh ra xa”.

À, thì ra âm thanh này là do chiếc xe sơn màu xanh lá cây có cái thùng to rộng phía sau đang làm công việc của mình. Đó là sự chuyển dịch của cái cần trục nằm chễm chệ trên đầu xe để nâng hai cái càng sắt lên và xuống. Khi nào hai nhánh tay sắt hạ xuống, giống y hệt như hai cái càng cứng cỏi của con cua thì ôm chặt - vội vàng kẹp cái thùng nhựa chứa rác đang nằm chèo queo, thấp thỏm trên lề đường. Hai càng cua nhè nhẹ nhấc bổng thùng lên và từ từ chuyển đưa thùng nhựa ra đằng sau đầu xe. Cái thùng sẽ ở vị thế lật úp để cái nắp mở tung. Khối rác thoải mái, tha hồ chạy theo vì được thoát nạn, trút đổ xuống và tuôn ra.

Hai cái càng sắt cứ nhịp nhàng cùng một động tác lập lại, không sai sót một ly nào như vậy. Xe tiếp tục làm phận sự của mình, chạy từ nhà này sang nhà khác cho đến khi hoàn tất một dãy phố. Bốn bánh xe hiên ngang lăn tròn, quẹo sang ngả đường cạnh bên. Chuyển động cứ vần xoay từ khu phố này sang khu phố khác. Công việc nhuần nhuyễn tạo nên dòng đời trôi cho một ngày mới. Một tuần xe đến lấy rác một lần.

Nhìn những chiếc xe đổ rác của xứ người mà tôi thơ thẩn nhớ đến những chiếc xe ba bánh thô sơ ở xứ mình của tháng năm xa xưa ấy - thuở tôi còn ở Sài Gòn.

Mỗi buổi sáng, bác đẩy xe ba bánh ì ạch, lạch cạch trên con đường nhựa ngay trước nhà tôi. Bác chầm chậm ngừng xe, đi vào sân, gom vài cái thùng rác nhỏ xíu của từng căn nhà. Bác trút rác vào cái thùng cây được che chắn bởi bốn miếng ván, trên chiếc xe ba bánh đạp của mình. Khi nào thùng vuông này vun đầy thì bác gồng người đẩy thẳng xe ra chợ Nguyễn Tri Phương. Nơi đây có một khu chứa rác thật to lớn.

Một ngày ở xứ người và một ngày ở xứ mình, chỉ nhìn qua một công việc “đổ rác” thôi, ta cũng thấy sự khác biệt của hai đời sống trong hai khung trời.

****

Khi vừa mở mắt chào đời, đôi mắt bé tí như hai sợi chỉ mỏng dính, he hé chớp chớp nhìn thế gian. Chúng ta nào có biết, ngay thời khắc đó - chúng ta sẽ phải bắt đầu học biết bao là những điều hay, những cái văn minh tiến bộ của con người sau này. Trong những bài học đó, chắc chắn, chúng ta cũng biết luôn những điều không hay. Ta phải trung dung đứng ở giữa của hai sự kiện thì ta mới nhận thức, bên nào là đúng và bên nào là sai, điều nào hay và điều nào dở. Nếu ta chỉ có tầm nhìn về một hướng duy nhất thì không bao giờ ta nhận ra cái nào tốt, và cái nào xấu vì không có sự so sánh.

Dòng thời gian lững lờ trôi, con người lững thững tập tành từng bước đi ngờ nghệch, có ngả nghiêng té đau thì ta mới chệnh choạng đứng vững mà đi tiếp. Có vụng về vẽ nét ngoằn ngoèo như con giun bò thì chữ mới được tròn trịa theo ý mình. Có ê a tập đánh vần thì ta mới biết đọc chữ suôn sẻ. Tầm hiểu biết bé nhỏ theo bước chân vào đời, sẽ tích tụ những cái li ti ngượng nghịu đó, để chất chồng kiến thức. Hy vọng trong tương lai, bao điều tích lũy hữu ích sẽ trở thành đóa hoa trí tuệ.

Hoa trí tuệ tiềm ẩn, nhưng âm thầm bung nở dưới ánh mặt trời trong sân đời muôn sắc, ở đúng vào thời điểm “cần có sự hiện diện của mình.” Kiến thức mở rộng lớn hơn. Trí óc có cơ hội phát triển thêm lên, giúp con người học hỏi thêm nhiều điều mới lạ, để đón nhận cái hay cũng như cái dở. Đó là gia tài vô giá mà con người tự tạo cho chính mình.

Ai cũng trải qua những chặng đường đời thăng trầm.Trên từng đoạn đời mình đi qua. Đôi khi ta chạm phải gai nhọn rồi té ngã, lồm cồm bò dậy. Ngồi bên lề đường với bàn chân trầy trụa mà rơi nước mắt vì đau. Những giọt lệ tím buồn này là chất xúc tác giúp cho ta thêm vài mớ kiến thức nhớ mãi.

Từng nỗi buồn bé nhỏ gom góp được ngày qua ngày, “tích tiểu thành đại,” ta có được bài học thức tỉnh. Tuy bài học ướt đẫm nước biển của tôi, tưởng chừng bị nhầu nát bởi sóng đại dương, nhòe nhoẹt nét chữ tả tơi. Nhưng nhờ đó mà tôi biết trân quý những hạt cát vàng mịn màng trên bờ đất tự do “vô giá.”

Tôi không bao giờ mơ đi trên mây.Tôi chỉ muốn bàn chân mình chạm đất của con người thực tế, bình thường. Tôi vẫn thích loay hoay với điều gì mình đang có, và rất sợ nhìn cao để với tới những gì gọi là hư ảo. Theo ý nghĩ thô thiển bé nhỏ của tôi, nếu ta bám vào hư ảo hoài thì ta mất hơi thở của mình.

Hư ảo là bạn đồng hành của những áng mây phù du. Chắc chắn, chúng ta, ai cũng đều biết, mây là sự tích tụ, kết đọng của hơi nước bốc lên từ những bề mặt to rộng. Cũng như vũng nước nhỏ trên lớp vỏ trái đất ở khắp mọi nơi, như biển cả, sông ngòi, ao, hồ…

Nếu ta cứ quyết chí rình rập, ngồi chờ đợi cơ hội để bắt chụp những áng phù vân đẹp đẽ, pha nhiều màu lộng lẫy - tựa như chiếc cầu vồng lung linh tuyệt sắc sau cơn mưa, chẳng chóng thì chầy, chiếc cầu vồng nhanh chóng vỡ tan. Cái khao khát xa vời huyễn hoặc đó cũng đành có cùng một số phận bọt bèo, như chiếc cầu vồng mong manh trên nền trời mà thôi.

Cầu vồng không khác gì cái bong bóng trong bọt xà phồng rất đẹp, long lanh chiếu sáng nhiều màu óng ả, rất dễ bắt tầm mắt người trần. Nhưng, không ai có thể bắt chụp và cất giữ chiếc cầu vồng lấp lánh - ảo huyền trong lòng bàn tay của mình bao giờ.

Mưa tạo ra cầu vồng

Hai chân trời chênh chông

Đôi khi bị đứt khoảng

Óng ánh trong chân không

*

Cầu vồng có bảy màu

Dịu dàng đan tay nhau

Vẽ khung hình bán nguyệt

Lơ lửng giữa trời cao

*

Bồng bềnh mau vỡ tan

Số mệnh chóng bẽ bàng

Chỉ toàn là hơi nước

Nên biến mất dễ dàng

*

Giàu ngất ngưởng cầu vồng

Danh vọng cao cầu vồng

Khi lìa đời nhắm mắt

Ai đem theo cầu vồng?


MAR 2022