Bạch Liên               

                           BÀI VIẾT  4             


1- Tản Mạn.................. 

2 -  Đổ Rác................ 

3 - Gạo Là Ngọc Trời

4 - Bo Bo

5 - Than Củi

6 - Gạo Nhà Bạn

7 - Tâm Tình 

8 -








Tâm Tinh 


Cám ơn các bạn áo trắng và quý độc giả gần xa vào xem youtube của Sun Shine. Và gần đây là các links với tựa đề là Cánh Buồm Căng Gió.

Các bạn thân mến, đây là hải trình thật của Bạch Liên. Sau khi các links gởi ra thế giới, có nhiều người gởi mail cho BL, bày tỏ cảm nghĩ về cái nhìn của họ. Ai cũng thương nhớ Pulau Bidong. Thậm chí, quý bạn có thời gian, đọc phần C/M phía dưới, có người viết ngay trên Youtube luôn.

Hầu hết người vượt biển sau 1975, đều đến Pulau Bidong. Có hít thở gió biển nhân ái sau lần sinh tử trên biển. Không ai quên kỷ niệm trên hòn đảo côi cút, nằm giữa biển, quá là hiền hòa, dễ thương lắm !.....


PULAU BIDONG , MỘT TRỜI KỶ NIỆM

 https://www.youtube.com/watch?v=absFLrHH4_0 

JETTY 2 

https://www.youtube.com/watch?v=50RYpRRLPbQ&feature=emb_logo 

JETTY 3 

https://www.youtube.com/watch?v=yDcizYEd_Uk&feature=emb_logo 



Nếu bạn nào xem link tiếng Anh, mới thấy tuổi trẻ khi VB còn nhỏ. Nhiều cháu đã viết C/M bằng tiếng anh trên Youtube tiếng Anh. Rất cảm động. BL mừng lắm ! Khi lớp trẻ sau này còn tìm đọc về Pulau Bidong với cảm nhận xúc động. Bước chân lên Pulau Bidong, BL ở chung khu B với trẻ nhỏ, không cha mẹ đi theo. từ  8 - 13 - 14 --- tuổi không à . Nhỏ ở riêng một nơi dễ kiểm soát.


Có người còn hỏi BL:


Các bạn có biết vì sao họ hỏi câu này không?

Rất ngây thơ !


Nhiều người gởi qua mails, nói lên tiếng lòng của họ. 

Cám ơn nhiều lắm.... lắm !!!


PULAU BIDONG, STATE OF MIND :

//www.youtube.com/watch?v=FZyZDUXs4Q0&feature=emb_logo 


***


Sau khi gởi 5  LINKS Cánh Buồm Căng Gió ra ngoài, một anh coi hết, gởi cho BL câu chuyên THẬT xảy ra giữa đại dương. Lòng người không ai đoán được ra sao. Cũng như anh Hai, chủ ghe của BL, là hàng xóm sát vách ở Sài Gòn. Anh chị hiền quá ... Cứ nghĩ ghe kia là người VB chung, cùng chí hướng.  

XUI... XUI...XUI  gặp cướp cùng người Việt Nam........BUỒN...!! 

Ý quên !!!

Chứ không cùng giọng Sài Gòn đâu ạ. 

Tuốt luốt ngoài miệt BT.  Trên ghe có vẽ chữ BT .


CÁNH BUỒM CĂNG GIÓ 5  ---  https://youtu.be/17h8sQr9ayE

NH BUỒN CĂNG GIÓ  4 ---  https://www.youtube.com/watch?v=KHtdduEsHZ4 

CÁNH BUỒM CĂNG GIÓ 3 --- https://www.youtube.com/watch?v=nviJjLnuG3Q 

CÁNH BUỒM CĂNG GIÓ 2 ----  https://www.youtube.com/watch?v=1_yLEKE_47A 

CÁNH BUỒM CĂNG GIÓ Part 1  ---  https://www.youtube.com/watch?v=8eTdp3Tvtt8 


CHUYỆN THẬT

Của một nhà văn gởi, sau khi xem CBCG

Anh A là bạn của nhà văn này


Một câu chuyện về vượt biển.  Đại khái như sau:


1) Thuyền anh A  (người kể chuyện) hết dầu.  Lênh đênh trên biển

2) Gặp một thuyền B  khác.  Thuyền này máy bị hư.

3) Không thuyền nào có đủ sức chứa cho tất cả mọi người.


Biện pháp cuối là buộc dây để kéo chiếc thuyền không thể chạy.


4) Anh A  qua thuyền B bị hư để sửa máy. 



Khi máy sửa xong.  Họ trói bắt anh A lại, để đề phòng máy bị hư lần nữa thì có người sửa... Và chặt dây thừng.


5) Từ đó, anh A không còn gặp lại người thân.

 

Cám ơn chị Bạch Liên chia sẻ chuyện vượt biển của chị.

 

Bạch Liên

Sept 12 - 2023



&&&

Tản Mạn

 

Mùa hè vén màn, bước vào với tiết trời nóng cháy. Tôi mường tượng về khung trời Sài Gòn dấu yêu. Góc phố với bao tà áo trắng học trò quyện bay giờ tan trường. Những khoảnh khắc dễ thương đó đà ở lại bên kia bờ đại dương. Nhiều khi chạy xe ngang trường học, tôi miên man nhớ vóc dáng các nữ sinh xa xưa. Chạnh lòng một phút !

 

Tất cả hình bóng thướt tha đó, không còn có dịp đậu lại ở sân trường trong quê hương thứ hai. Mà chỉ phất phơ, lượn lờ bay ngang qua trí óc chúng ta vài giây, rồi nhanh chóng bay bổng theo áng phù vân.

 

Đời không là mơ

Tình không là thơ

Ta nhìn thực tại

Không buồn vu vơ

*

Ngước mắt nhìn mây

Mây cũng phôi phai

Không tồn tại mãi

Gió hoài thổi bay

*

Lá xanh trên cành

Đàn chim vây quanh

Cùng nhau ca hát

Chim cũng vút nhanh

*

Lá bỗng bơ vơ

Thu về thẫn thờ

Úa vàng rơi rụng

Về cõi xác xơ

 

Người ta thường ví, hình với bóng là đôi nhân tình không bao giờ ngăn cách, dù chỉ một cái liếc mắt. Ngoài cái bóng hư hư ảo ảo, ta không thể nào chạm tay vào, còn một thứ vô hình khác. Khi nhắc tới cái tên huyền bí, tất cả loài người đều phải cúi đầu khiếp sợ. Mặc dù ai cũng muốn tránh xa, nhưng không thể nào được.

 

Ông lão Thời Gian đầy quyền lực, sao cứ mải mê lẽo đẽo theo ta sau lưng. Ông cứ thả đóa hoa muối tiêu lên mái tóc xanh hồn nhiên. Cho dù tay ta cứ phủi, hất văng ra xa. Hạt muối tiêu này ù lì, ngoan cố cứ đeo bám sợi tóc mềm mại hoài. Ta đành cúi đầu vâng lệnh ông lão này, buồn buồn tủi tủi mà quay về thực tại.

 

Tà áo trắng hiền dịu của đoạn đời xinh đẹp nhất, cũng đã bay bổng về cuối trời quên lãng rồi. Nhìn về Sài Gòn qua mây ngàn. Đôi mắt ta cố gắng dõi tìm… chỉ còn là lớp sương mù bồng bềnh trên mặt đại dương mà thôi.

 

Ngay cả trong sân trường xưa với cái tên mới, tà áo trắng cũng biến mất theo khúc quanh. Quá khứ không bao giờ quay về. Gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Còn chăng chỉ là hoài niệm để nhớ và để thương. Khi tâm hồn chúng ta, tự mình quay ngược dòng sông đời vài phút vu vơ.

 

Trang bài này, tôi dành riêng cho những dòng chữ, xí xô các cảnh đời lâu lắm, mà tôi biết. Trước khi tôi vượt đại dương. Một chút thả hồn rong chơi, nhớ lại, cho các bạn vàng cùng vui lẫn buồn. Cùng nhau đi lại các nẻo đường kỷ niệm. Biết bao chuyện xảy ra, mà nhiều nàng không còn ở Sài Gòn.…sau khi Sài Gòn đổi tên. 

 

Thân chúc quý anh chị, quý bạn hữu an vui. 

Hy vọng các bạn cùng đón đọc. 

 


Bạch Liên


May 25 - 2023

 



Gạo Nhà Bạn  

 

Những năm sau này, tất cả người trong xóm, đều mua gạo chung, cái dzì cũng giống nhau. Mỗi lần đi mua gạo, cả làng la ơi ới. Cùng rủ nhau đem bao, bị, túi xách…đựng gạo….hay bo bo.  Nghĩ tới ngày tháng ấy, mà lạnh mình…. Ối giời ơi, muốn pịnh quá xá quà xa !.......

 

Cửa hàng bán gạo nằm tứ tung trong phường, khóm. Có một ngày, tôi đến cửa hàng, chờ tới phiên mình mua gạo. bỗng dưng nỗi buồn quay về. Quý vị độc giả ơi, có biết vì sao không ? Tại dzì, tui nhớ bạn xưa quá trời !...híc…híc…

 

Vì lúc trước, tôi đã tới căn nhà này để học bài thi, làm toán với con gái của chủ nhà cũ. Những người tốt số, nên cả gia đình may mắn lên máy bay. Vút cái vèo xuyên mây và băng qua đại dương muôn trùng, định cư xứ người hết rồi. Nhìn quanh nhìn quẩn, mèn ơi, chỉ mình tui đứng chèo queo… Buồn nhớ bạn dzàng !

 

Một mình tôi đứng nhìn mông lung, nhớ cô bạn Gia Long áo trắng thuở nào.  Các bạn biết nàng này là ai không?

 

Nga Vũ !!!........đó các bạn ơi.


(Chắc Anh Quang Dương biết cửa hàng gạo này)

 

Nhà của Nga là cửa hàng bán gạo, trước khi di tản. Nhà nước tiếp thu. Ý quên, chữ tiếp thu… nghe ngộ hén. Chữ này là tiếng mới đó các bạn đi trước 75. Tiếp thu là chiếm đóng cửa tiệm này. Cũng như nhà nước có toàn quyền tịch thu gạo bơ vơ, không còn chủ. Vì chủ nhà chạy không kịp khoá cửa chăng ?..?..?...

 

Cái kho gạo to lớn của Nga Vũ… Ôi thôi, biết bao là bao gạo còn chất chồng cao như núi, nằm đầy trong kho. Những bao gạo vô tri, nhưng biết buồn từ đây. Đêm nằm thao thức, nhớ cô chủ nhỏ đà bay xa rồi.

 

Tôi là cư dân tầm thường, còn kẹt ở lại. Sinh sống lòng vòng trong khu phố này, nên đến đây mua gạo Hợp Tác Xã. 



Xếp hàng cả ngày.

 

Chúc các bạn có nụ cười vui như con két

Ý quên !!!


Tui chưa hề nghe con két cười lần nào

Nói cho dzui nhà dzui cửa...dzị mà



Bạch Liên


AUG 22 - 2023


Than Củi


Ngày xưa ngày xửa của một thời xa lắc xa lơ. Nhà nào sáng sớm, những bà mẹ đều đi chợ mua thức ăn. Tiền trong túi do mình làm chủ, tha hồ nấu món gì cũng được. Sau này, ngộ lắm quý vị ơi !  Nhà nào cũng mua các thứ trọng yếu giống y hệt như nhau.

 

Hợp tác xã bán gì, ai cũng rối rít lấy sổ lương thực, răm rắp xếp hàng cả ngày, để được mua. Đây là lý‎ do, vì sao tôi vừa nói trên. Nhà nào cũng ăn các món giống nhau. Vì tất cả đều mua từ Hợp Tác Xã. Nơi bán giá rẻ do nhà nước chủ động - thương người dân như ngọc ngà châu báu. Lo từng hạt gạo, từng hạt bo bo, từng ký‎ khoai mì…..

 

Từ từ, tôi sẽ kể danh sách các mặt hàng mà HTX thương dân không chỗ nào chê được. Dân là con dziời cho mà, phải chăm NO cho tròn trịa chứ hè.  Lo cho bao tử no tròn. Đúng y bon. Nhà nước NO cho dân, không sai chút nào.

 

Cũng may, Hợp Tác Xã còn lo xa nhiều thứ lắm. Thương dân hết biết ! Bo bo nấu lâu muốn xỉu mới mềm. Ai nói dóc đâu nà ! Lòng nhân ái của nhà nước, đã trót thương yêu thì phải NO cho trót, đành thương cho trọn. HTX thông báo rầm rộ:


- Bà con mau mau đến cửa hàng bán củi, than đá. Về nhà nấu bo bo cho rẻ tiền.

 

Mèn ơi, sức khoẻ đâu không thấy, mà thấy khói đen bay mù mịt khắp nhà. Hai lá phổi ngày càng bám ám khí độc hại. Bệnh ho hen, ho gà… lung tung loại ho lên ngôi thiên đỉnh. Cứ theo đà tiến lên XHCN mà tăng lên cao… 


Nhiều loại ho nổi dậy, vì phổi nám, phổi lủng…sanh ra ho lao. ho gà.... Khói bay chằng chịt, y hệt như khung cảnh chiều thu đa tình, lãng mạn.

 

Mỗi đêm cả tổ đi họp nhóm, tự do phát biểu. Người dân tha hồ, được phép nói những điều mình ấm ức. Ông, bà tổ trưởng hiền từ, xuề xoà vuốt ve…hy vọng mọi người cười như hoa héo.

 

-       Ôi, chút đỉnh khói mà, coi như khói nhang thơm, nhằm nhòa cái gì. Ráng hít vô chút xíu, thở ra thiệt là mạnh… Khói than củi yếu xìu à, lo gì ba cái lẻ tẻ. Phổi cũng sạch trơn sau một đêm ngáy khò khò.  


- Ông bà an tâm. Nhà nước lúc nào cũng luôn lo lắng cái bao tử, cho dân lành êm ấm. Đời sống sung sướng, thì mới sung túc, để chúng ta cùng xếp hàng tiến lên XHCH vinh quang.....khà khà....

 

Hy vọng các bạn nào còn kẹt ở lại, coi tôi nói sai hay đúng ?! 

 

Bạch Liên

July 26 - 2023



Bo Bo  

 

Ai nấy thấy mà thương. Tay cầm thật chặt cuốn sổ lương thực, một tay cầm nón lá quạt cho khô mồ hôi thấm đẫm tấm lưng. Biết bao người ngồi chầu chực, quạt đến xỉu luôn, mới tới phiên mình được kêu tên vô.

 

-       Chị kia, đứng xếp hàng ngay ngắn. Nếu lộn xộn, ra ngoài chờ. Chờ quơ, chờ mấy tiếng đồng hồ mới vô tới mức này, mà biểu trở ra chờ !

 

-       Chị này, xuất trình sổ lương thực, kèm theo hộ khẩu (như tờ khai gia đình cũ). Ai không có sổ lương thực thì miễn giải quyết.  Ghê chưa ! Uy quyền là đây !...

 

Họ kiểm tra nhà này có bao nhiêu miệng ăn, phát đủ số kí gạo mà thôi. Không ai được xin xỏ thêm chút xíu nào nữa hết, dù chỉ là nửa kí lô.

 

Nếu hôm nào không có gạo, thì mọi người xếp hàng, chờ cho đổ mồ hôi tắm ướt áo quần. Cuối cùng, họ phát gì cũng phải lấy đem về. Nếu ai không thích, tỏ ra chê khen, chần chờ lắc đầu. Tốt nhất là quay lưng, sẽ mang túi rỗng về. Ối dziời ơi!  làm sao có gì để ăn. Mọi người đành ríu rít, khúm núm. Trong dáng vẻ buồn xo, tiu nghỉu mang bo bo về nhà hầm mềm mới nuốt được. Chắc ai cũng đều biết, bo bo cứng lắm... lắm các bạn tôi ơi ! Đã không có tiền mua dầu hôi nấu, mà còn phải hầm bo bo… khổ quá trời vậy kìa !

 

Nếu nấu bo bo giống với thời gian bình thường, như nấu gạo thi…hăng rết cả đám. Làm sao ông già bà cả nhai cho được. Vì bo bo còn cứng ngắt.


***

Chúng ta cùng nhau thả hồn, nhìn về năm tháng trước ngày Sài gòn cởi bỏ áo cũ, ngơ ngác khoác vào chiếc áo toàn lan toả hương thơm ngây ngất. Đó là mùi mồ hôi. Hoàn cảnh sống hoàn toàn khác với những ngày mặc vào áo mới, dung dăng cùng bạn bè rong chơi.

 

Đó là, khi trời chạng vạng lên đèn. Các hàng quán bên lề vỉa hè rộn ràng mua bán. Nhất là các xe bán đồ ngọt của các chú thoòng. Mèn ơi, tuổi trẻ chen chúc, ngồi rợp trời.

 

Ngộ một điều thú vị. Họ đến đây thường đi chung với bạn bè, vui cười tán gẫu. Chỗ ngồi không quan trọng bằng cuộc đối thoại, tía lia  với nhau. Họ không ngồi trên ghế nệm cho êm cái bàn tọa. Ai cũng hồn nhiên, xí xô xí xào, ngồi trên cái ghế xếp thấp lè tè. Cạnh bên là cái mấy cái bàn nhỏ tí nị.

 

Vậy mà ai cũng tươi cười như hoa. Cái quan trọng là nhâm nhi các loại chè. Nào là chè ba màu, chè mè đen – chí-mà-phủ - ăn thông phổi, chè táo soạn, chè trôi nước…Còn một thứ mà lứa tuổi loai choai thích nhất. Đó là món sâm bổ lượng. Nghe cái tên đã thấy kiêu sa rồi.

 

Cũng tại cái chè này thơm ngon mùi hương nhãn nhục. Còn một thứ lạ miệng khác, mà thời còn no cơm ấm áo ít ai nghĩ tới một ngày mình phải ăn cả kí lô vô bụng. Đó là bo bo. Lúc đó, ai nào có biết, cứ nghĩ bo bo là hạt ngọc trai bạc của ông Giời ban tặng.

 

Hỡi ôi, sau này không có gạo phát cho dân. Họ toàn phân phối bo bo dzìa nhà. Ngày nào cũng phải nhai… nhai…. đến mệt xỉu. Lâu lâu, ông già bà cả trong xóm…móm sọm. Vì sao?  Vì ông bà thay nhau hăng rết hết trơn. Tiền đâu mà gắn răng giả.

 

Thôi đành để ngọn gió hương đồng cỏ nội, lưu thông, bay vào cuống họng. Để đêm đêm nằm mơ màng ngủ, không cần quạt chi cho mỏi tay. Nguyên hàm răng sún hết trơn. Gió khuya ríu rít bên hiên nhà, tha hồ đi rong chơi miền xa xôi phiêu lãng… Chàng gió cứ an nhiên thổi vù vù vào hai lá phổi.

 

Đây là tuyến đường ngắn nhất, toàn dân nhanh gọn lẹ, tiến lên mục tiêu - Xếp Hàng Cả Ngày. Không biết các bạn may mắn xa Sài gòn sớm, có hiểu chữ này không hè?!

 

Bạch Liên


July 18 - 2023




Gạo Là Ngọc Trời


Ngày Sài Gòn khoác vào chiếc áo mới, người may mắn nhanh chân di tản sớm. Chúc mừng ! Chúc mừng ! Chắc ai cũng được đẻ bọc điều quá ?!

 

Họ đã may mắn lên máy bay, đi tàu lớn, thoát được biết bao nỗi buồn, bao nghịch cảnh đã in khắc thâm sâu tận đáy lòng. Nhất là không trải qua bao ngày đói khổ.

 

Nếu ai bị kẹt ở lại, vội vàng nhanh chân, nhảy ra phụ hợ, nghiêng theo chiều gió mới. Tự nhiên họ được người dân gọi tên chính xác là – 30 Trở Cờ. Họ xông xáo gánh vác mọi chuyện lớn hoặc nhỏ. Có người xuất gia từ đó, bỏ nhà, ở luôn nơi nào cho ăn cơm free. Luôn ra sức kiếm điểm tốt với chính quyền mới.

 

Nghĩa là, cứ lớn tiếng hà hiếp dân lành thì được phong cho một chức vụ. Có chút uy quyền nho nhỏ trong tay. Mặt mày hớn hở như hoa nở trái mùa. Lúc đó, tất cả nhân viên cũ đều mất việc. vì là người của chính quyền cũ. 

 

Người nào khôn ngoan, lanh lẹ, dựa theo ai có chút hơi hám, nhờ quen biết, thân thuộc với người “mới vô”. Họ luôn chờ đợi, hy vọng có một việc làm thơm. Cho dù có đi ngược lại với lương tâm, cũng chẳng sao, không nhằm nhòa gì.

 

Miễn sao, lời nói trên đầu môi này mang lại cho mình thứ cần thiết nhất lúc ấy. Đây là thực phẩm, gạo là thứ yếu, đôi khi có chút tiền sống qua ngày. Thời buổi giao mùa giữa hai chế độ, ai có miếng cơm no bụng cho mình, có thể no luôn gia đình mình thì, họ không thể từ chối thực hiện.

 

Nhà nước mới cần tuyển dụng nhiều người vào làm việc cho họ. Với điều kiện là lý lịch trong sạch, chịu khó học tập chính trị chút xíu, hội họp thường xuyên. Nhất là phải có tư tưởng, phải có xu hướng nhìn cùng phía với xã hội mới. Chỉ lắng nghe mà không được phản đối cấp trên…hehehe....

 

***

Dĩ nhiên, nhiều người hăng hái gật đầu, làm theo. Thế là họ lên ngôi thiên đỉnh, y hệt như mặt trời ngự trị trên cao. Ung dung được hưởng nhiều quyền lợi hơn dân quèn. Nào là nhu yếu phẩm nhận đầy đủ trước. - được ngồi chễm chệ một ghế trong cơ quan nhà nước mới.

 

Tiếng nói của họ tự nhiên lên hương, bay lên chín tầng mây xanh. Từ phường, khóm, tổ đều ngẩng mặt lên trời. Không sợ bị đạp bánh tráng. Nếu lỡ đạp bể mấy cái bánh tráng, cũng tỉnh bơ. Người bán là dân quèn cũng không dám bắt đền. Thiệt tình là khổ quá xá ! 


Bao việc làm thơm tho, ngon lành, đắt giá như tôm tươi. ‎Ý mà quên, thời gian đó, làm gì có tiền mà mua tôm tươi về ăn. Ai cũng đói te tua. Tội chưa hè !

 

Trong một khu phố có cửa hàng Hợp Tác Xã. Ái dà da ! Cô, Dì, chú , Bác, anh chị nào có địa vị, dù nhỏ xíu xiu trong cửa hàng Hợp Tác Xã này, coi như no cơm ấm áo. Vì sao ?  Dĩ nhiên hạt gạo nào trước khi tới tay người dân quèn, thì êm ấm rơi vào cái túi xách của các nhân viên trước.

 

Mỗi khi có thông báo:

 

-   Alô alô, dừa khô lên giá. Hôm nay bán gạo ở cửa hàng tên… gì gì…ở địa chỉ nào… mấy giờ. Ối giời ơi ! Mèn ơi, mọi người trong tổ mừng kể gì. Ai cũng lật đật quơ cái nón lá che nắng. Ăn qua loa chút gì cho no bụng. Các bạn có biết vì sao phải tìm chút gì nhét vô bao tử trước không ?

 

Họ chuẩn bị sắp hàng dài cả ngày đấy. Hàng dài như cái đuôi con rồng lượn lờ, uốn éo như cái đuôi con rắn độc. Cho dù, biết mình phải chờ đến bao lâu, mọi người vẫn kiên cường, ù lì, ngồi che cái nón lá tưa vành.... mải mê chờ... cho đến khi nào gạo bay vào túi xách. Gạo là hạt ngọc trời cho, no lòng mà !.........



Trời Sài Gòn em đi mà chợt té

Bởi vì em, mắt tá hỏa tam tinh




Bạch Liên

June 29 - 2023




Đổ Rác

 

Các bạn rời xa Sài Gòn sớm, chắc chắn không thể nào tận mắt, biết xã hội Sài Gòn ra sao. Có chăng chỉ qua sách báo. Đôi khi không linh động, xác thực bằng chứng tích thật. Cái máy quay phim dòng thời gian, từng chặng đường thật, vẫn còn lắng đọng trong ký ức. Cuộc sống mới, dòng chảy mưu sinh hoàn toàn thay đổi theo cơn bão nghiệt ngã.

 

Người giàu hay nghèo đều chao đảo theo vận mệnh điêu linh, không ai ngờ. Có người nhìn qua dáng vẻ bề ngoài, ta cứ ngỡ họ lam lũ kiếm tiền. Nhưng khi vỡ lẽ ra, tất cả mọi người ngỡ ngàng. Vì họ rất giàu. Chúng ta thường nghe lời khuyên:

 

·  Không nên đánh giá ai đó qua bộ quần áo, nghề nghiệp.

·  Sự thật đôi khi trái ngược lại. Mình phải trố mắt to khi nghe.

 

****

 

Nhà tôi nằm trên mặt tiền đường Trần Quốc Toản. Mỗi buổi sáng, ai có rác trong nhà, phải đem sẵn cái thùng đựng rác ra ngoài sân trước.

 

Chiếc xe ba bánh lạch cạch, chầm chậm đẩy tới. Bác trai ốm yếu, gầy gò, trên đầu đội cái nón lá tưa vành. Nhất là xơ xác trong bộ quần áo màu tro xám, thường tiệp màu với bụi bặm, nên pha lẫn lộn màu nâu đen.

 

Bác ngừng xe trước nhà. Từ tốn bước vào, đi từ nhà này sang nhà khác, gom mấy cái thùng rác có sẵn của vài căn nhà, nằm san sát vách nhau. Nhìn bác, từ trong lòng cảm thấy thương bác nhiều. Vì sao bác phải khổ cực sống với nghề nhọc nhằn như vậy.


Đến tháng, bác vào nhận tiền của từng chủ nhà.

 

Tiền bác cầm trong tay ít ỏi, trơ xương với đôi bàn tay gầy guộc. Ai cũng nghĩ, tuổi này, bác đẩy chiếc xe ba bánh đầy vun rác. Quá mệt mỏi, và phải gồng mình với sức lực của mình.

 

Ngày đổi tiền, mọi người lao xao gom góp tiền mọn của mình đi đổi. Có gia đình vơ vét hết trong nhà cũng không đủ số tiền nhà nước cho đổi. Sau 1975, người nghèo nhiều quá. Không có công ăn việc làm.

 

Có một người quần áo xốc xếch, lấm lem mùi tanh rác rưởi. Bác bức tóc than trời, mới lên tiếng là mình có quá nhiều.... so với số tiền để đổi… mấy triệu…  Nếu đem ra phường đổi cũng chỉ cầm 200 đồng tiền mới về nhà mà thôi.

 

Nhìn sự việc xảy ra trước mắt, chúng ta đôi khi lầm lẫn, sai lạc nhiều so với sự thật.

 

Tôi thiết nghĩ, bạn bè ở gần nhà tôi trước 1975, chắc biết bác này.

 

Từ từ tôi sẽ viết vài dòng cho các bạn đọc cho vui. Những người hàng xóm, bạn bè mà tôi biết. Có lẽ, cô chú bác này đã an giấc thiên thu hết rồi. Chuyện vui buồn khi dòng đời rẽ khúc.

 


June 8, 2023