- Áo Trắng Gia Long

Mấy mươi năm trôi qua, những kỷ niệm non dại này vẫn còn in hằn trong ký ức của tôi mãi cho đến hôm nay và vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh lí lắc dễ thương thuở nào.

Tháng ngày non dại của tuổi tung tăng đã qua. Tôi tập tễnh thành cô gái mảnh mai với chiếc áo dài phất phơ hai tà, uốn lượn theo gió. Thời trung học, con đường Phan Thanh Giản, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn thị Điểm, Ngô Thời Nhiệm, đã in hằn bước chân của những nữ sinh Gia Long. Tà áo trắng giăng khắp các nẻo đường trong giờ tan trường. Chiều nắng nhạt, góc trời điểm hoa trắng như một bức tranh nên thơ với tà áo mộng mơ, tung bay trong gió nhẹ.

Chùa Xá Lợi trang nghiêm cũng không thể nào thiếu vắng tiếng ồn ào, gọi nhau ơi ới của những cô bé lăng xăng đùa giỡn sau giờ học. Hàng quán bên cạnh chùa xôn xao tiếng cười réo rắt. Từng nhóm năm ba đứa vây quanh những xe bán bò bía, gỏi đu đủ, chè đậu ba màu bánh lọt lá dứa với nước dừa béo sệt ngon ngọt. Khi nhắc đến các món ăn của "tuổi ô mai" chúng ta đều phải thèm thuồng.

Cái lạnh của nước đá bào làm mát lòng tan khát trong khí trời nóng oi bức của Sàigòn. Ôi, hương vị sao đậm đà quá, sao tuyệt diệu quá, không những làm say mê những cô học trò Gia Long mà còn thu hút, mời gọi khách qua đường hoặc từ phương xa đến để thưởng thức ly chè đậu ba màu với nước cốt dừa béo thơm, ngon ơi là ngon!

Những thức ăn ngon miệng, không chỉ ngừng nơi đây. Rời trường Gia Long, đi hướng về đường Phan Đình Phùng, ngang qua chợ Vườn Chuối, bên trong có gian hàng bún ốc, bún riêu. Ôi, nhớ quá đi thôi! Nếu ta tiếp tục hướng về đường Nguyễn Thiện Thuật, hầu như mọi người đều biết đến một khu hàng quán nổi tiếng ở góc Phan Đình Phùng - Nguyễn Thiện Thuật. Tôi nhớ nhất là xe bán bò viên, xe bán xâm bổ lượng. Khi nhắc đến những hàng quán, chúng ta không thể nào kể hết các món khoái khẩu của mấy mươi năm về trước. Tất cả bây giờ trong tôi chỉ còn là hoài niệm.

Hoàn cảnh đã đổi thay. Những người chủ quán này cũng đã ra đi lưu lạc, trôi nổi khắp mọi phương trời. Vật đổi sao dời. Khung trời hoàn toàn mới lạ thì thử hỏi, làm sao khi trở về chốn cũ sau mấy mươi năm tha hương, chúng ta còn có thể tìm lại được dấu tích của những địa danh năm xưa mà một thời ta dung dăng khắp các ngả đường. Có chăng, đó cũng chỉ là một thoáng hương xưa, còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để thương và còn một chút gì để ngậm ngùi, nuối tiếc mà thôi!

Ngày tôi rời xa Sàigòn lại là một ngày tôi không dám nói lên lời từ biệt, lẫn tránh tất cả những người thân quen, âm thầm ra đi như trốn chạy. Tâm trạng này, chắc hẳn có nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi.

Mấy mươi năm trôi đi như giòng sông cuộn chảy, chúng ta chỉ còn tưởng nhớ lại để xao xuyến ngậm ngùi. Những kỷ niệm xa xưa, dù vui hay buồn, đối với tôi đều được trân quý. Chúng ta không thể nào quay ngược giòng thời gian, trở về tìm lại bất cứ một kỷ niệm thuở vàng son này được nữa cho dù kỷ niệm thật vui, thật buồn hay thật là bé nhỏ chỉ xảy ra trong thoáng chốc bay xa.

Sàigòn vẫn mãi nằm trong tiềm thức của tôi. Khi lưu lạc xứ người, cuộc đời tôi đã bắt đầu một trang giấy mới. Tôi thiết nghĩ, trên trang giấy trắng mới tinh này đã ghi khắc giòng chữ:

“Tôi mở mắt chào đời ở Sàigòn, tôi hít thở không khí Sàigòn, tôi lớn khôn ở Sàigòn."

"Sàigòn, nơi tôi được sanh ra và nay...đã xa...”

Bài viết được trích trang 13 - 16 trong tập hồi ký

Pulau Bidong Một Trời Kỷ Niệm

Nov 22, 2015

***