- Vạc Bay

Vạc Bay

Đôi cánh vạc vươn cao bay bổng

Dáng thanh tao như võng đong đưa

Võng kêu kẽo kẹt à ưa

Con thơ say ngủ, giọt mưa ru hời

*

Hai cánh vạc tung trời hai hướng

Như hai đầu võng vướng cột nhà

Thụng chùng khoảng giữa là đà

Tạo thành nôi nệm đong qua, đưa về

*

Nhìn cánh vạc không hề mệt mỏi

Lao vào đời, rắn rỏi tìm mồi

Đôi chân gầy guộc lội bơi

Ao bùn nước đọng tối trời cũng cam

*

Là biểu tượng giỏi giang về mẹ

Không sờn lòng, quản ngại gian nan

Mưa dông tầm tã gánh hàng

Chân mau chen bước theo làn nước rơi

*

Mẹ vất vả một đời khổ nhọc

Lo cho con ăn học nên người

Hành trang cất bước vào đời

Mong con đứng vững giữa trời tha hương

Sáng nào chúng ta cũng nghe tiếng chim se sẻ líu lo trên cành, nhất là khoảng sân nho nhỏ sau vườn. Cành nhánh nào cũng có bóng dáng lao xao trò chuyện của chim muông. Tiếng chim ríu rít tạo cho khung trời xôn xao và sinh động thêm lên. Trên cành đeo mang ngàn lá xanh tươi êm ấm. Tất cả đều rung rinh, chịu ảnh hưởng theo tiếng sột soạt của bước chân chim nhanh nhẹn chuyền cành. Nhất cử nhất động của mỗi lần di chuyển, làm lung lay phiến lá loanh quanh, nhất là mỗi khi chim vỗ cánh, dùng sức đẩy, nhấc bổng bay cao.

Đ ôi bàn chân xương xẩu rất khôn ngoan bấu chặt vào cành, để không bị té ngã xuống đất. Bao nhiêu đó cho ta thấy, trí thông minh của loài vật không thua gì con người. Chim biết làm sao để giữ thăng bằng trên cành, cũng như trên sân đời đầy sóng gió và mưa dông. Mỗi buổi sáng ra sân sau dòm ngó cây cảnh, tôi thường nghe âm hưởng vui tai. Lời đối thoại chào buổi sáng đẹp trời của vài loại chim. Đôi khi tiếng hót líu lo xen lẫn nhịp nhàng âm điệu du dương của bài tình ca âu yếm nồng nàn.

· Chim se sẻ có thân hình xinh xắn, thuộc loài chim có vóc dáng nhỏ thó, lóc chóc tung cánh mau nhất. Hễ nghe chút xíu động tịnh gì, anh chị rủ nhau bay vút lên không trung ngay lập tức. Tổ chim se sẻ thêu đan chằng chịt hàng trăm cọng rơm rạ, cũng như trăm thứ cỏ khô từ phương xa. Hai chim đầu đàn có bổn phận tha từng cọng cỏ, sợi rơm khô, đồng tình vượt mây ngàn, Về tới tổ êm ấm thì lui cui trổ tài đan dệt. Trí khôn của chim không thua gì con người. Sợi nằm ngang, chồng chéo qua sợi thẳng dọc, cứ thế mà hình thành cái tổ. Bao công phu tỉ mỉ, rất mỹ thuật và rất đẹp trong tầm mắt thế nhân. Cái tổ cỏ rơm thô sơ nhưng đầy tánh kiên nhẫn li ti, qua cách thêu đan tài tình. Với kích thước khiêm nhường, cái tổ bềnh bồng nhẹ te nên rất dễ treo lửng lơ trên cành cây. Tôi chưa bao giờ thấy cái tổ cỏ rơm nào cheo leo nằm trên mái nhà. Nếu có, thì đây là ổ của bồ câu hay chim đen.

· Chim đen thì to con lớn xác hơn gấp mười lần chim se sẻ, thường làm tổ trong các hốc tó, trú ngụ trong góc kẹt mái nhà. Tánh tính chim đen chắc hung dữ hơn, có thể xé xác các chim hiền lành hơn mình dễ dàng. Mắt tôi đã chứng kiến cảnh chim đen bay rượt, chụp bắt bồ câu, kéo lê trên sân cỏ, rồi cào cắn bồ câu đến bất tỉnh, nằm chết đơ ngay lập tức. Chim đen rỉa thịt nhanh chóng. Cuộc săn lùng con mồi diễn ra chỉ trong hai, ba phút, rồi lẳng lặng vỗ cánh bay xa, bỏ lại sau lưng bãi lông bồ câu trắng mềm vụn vỡ, quá là đau thương. Chim đen thường đóng trụ trên mái ngói cho chắc chắn. Có lẽ ở vị trí cao và vững chắc hơn, nên chim đen có lợi thế canh me con mồi rõ ràng. Hơn nữa, vì thân hình không nhẹ te nên chim đen không dám đứng ầu ơ ví dầu, gãi đầu gãi cổ lung tung trên cành cheo leo mỏng mảnh như chim se sẻ.

· Chim trắng ngoài bãi biển thì lớn xác hơn hai loại chim kể trên. Đặc biệt là cái mỏ cứng cáp, dài hơn chim trong thành phố. Chim biển không nhút nhát sợ người, mà ngược lại rất thân thiện, thích bu quanh thức ăn do người cung cấp. Vào mùa hè nắng cháy, trên bãi cát vàng mịn màng nóng bỏng xuất hiện nhiều gia đình ra biển hít thở không khí trong lành. Đây cũng là cơ hội cho con trẻ tắm ướt muối mặn, thỏa thích lội bơi, nhúng toàn thân vào bể nước của đại dương. Sau đó, họ vui đùa trải khăn to rộng, nằm dài phơi làn da. Họ tắm nắng, mong sao sức nóng chói chang hòa quyện cùng gió biển kèm theo hơi muối, sẽ tô phết lên lớp da màu nâu săn chắc.

· Ái dà da, nhắc tới màu nâu tuyệt diệu thì tâm hồn ăn uống nhạy cảm trong tôi, liến láu bắt chụp ngay hương thơm bánh ít quê ngoại xa xưa. Màu nâu dễ thương của đường mật đen vàng cứ lắng đọng trong ngăn ký ức bé nhỏ của tôi. Màu đường thốt nốt thơm phưng phức nức mũi hòa quyện trong lớp nếp bánh ít. Ngon ơi là ngon quí vị ạ! Màu nâu sạm vàng bóng lưỡng như thoa mỡ hành xanh trên trái bắp nướng. Làn da pha nâu bóng láng, dạo sau này là phong trào ưa thích của tuổi trẻ, trong ánh mắt mỹ thuật, ươm đượm chút phong trần lãng tử.

· Chim Kiwi. Ở đất nước New Zealand ở miệt dưới Down Under, có loài chim Kiwi. Không quốc gia nào trên thế giới có loài chim độc nhất vô nhị này. Tuỵ được liệt kê vào giòng giống thuộc loài chim, nhưng Kiwi lại không có cánh. Không bao giờ bay được. Nhờ tính quí hiếm này, quốc gia New Zealand đã dùng tên Kiwi để gọi cho người dân yêu quí của quê hương. Phần lục địa lạnh lẽo tọa lạc ở miền cực nam quả địa cầu. Tôi may mắn là một Kiwi vào những năm đầu tiên chập chững bước vào thiên đường Tự Do. Tôi đã an lành định cư, sau khi rời đảo Pulau Bidong tạm dung. Ba năm sau. tôi chính thức nhập quốc tịch, xin làm con dân hiền lành của đất nước nhân ái. Bảo trợ đã mở rộng vòng tay quảng đại, ôm ấp người tị nạn bằng cả tấm lòng hiền hòa của nhiều hội đoàn nhà thờ.

Tôi chỉ kể sơ qua vài loại chim quen thuộc trong tầm mắt bé nhỏ của mình mà thôi. Thiên nhiên nuôi dưỡng hàng ngàn loài chim khác. Nhất là trong nhiều khu rừng âm u sâu thẳm. Chắc chắn, ngoài thiên nhiên bao la rải rác khắp năm châu bốn bể còn biết bao là loài chim tuyệt đẹp khác. Tôi không thể quên kể vài loại chim to con dữ dằn như:

· Chim hải âu luôn sống ngoài đại dương. Những ngày lênh đênh trên biển vắng, chim hải âu đôi khi lờn vờn lượn vòng rồi xa cách ngay sau đó. Chỉ cần sự hiện diện của vài đôi cánh hải âu, cũng đủ tạo chút niềm tin và hy vọng cho những thân xác rã rời ói mửa vì say sóng, giúp cho chiếc ghe lạc loài cảm nhận đất liền không còn xa lắm. Hải âu bay thành từng đàn kêu réo inh ỏi trên cao, cho ta biết giông bão kéo đến.

· Chim đại bàng là biểu tượng của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với dáng điệu bề thế, phong cách hùng hồn. Móng vuốt của đại bàng dùng để xà đáp xuống thấp, kẹp chặt con mồi, rồi nhanh như chớp mắt, bay vút lên không trung, tìm nơi an toàn để thanh toàn, nuốt trọn con mồi. Giữa muôn trùng sóng vỗ, hải âu thường là con mồi thơm ngon của chim đại bàng.

Tôi trân kính dành lời trang trọng để miêu tả, nói về chim vạc. Cánh cò có dáng điệu gầy gò mà người Việt chúng ta thường ví như hình ảnh đặc trưng, đề cao sự nhọc nhằn bươn chải, cũng như tấm lòng nhân hậu thương con vô bờ của mẹ hiền..

· Vóc dáng cao dong dỏng, hai ống chân gầy gò xương xẩu như hai cây tăm xỉa răng, nhưng cứng chắc như hai thanh sắt. Cũng nhờ hai ống chân dạn dày phong sương, chim vạc cứ lù lù đứng ngâm hai bàn chân dưới ao vũng mà không bị cảm lạnh thương hàn như con người.

· Cái mỏ dài và rất cứng cứ liên tục rà soát, mổ mổ nhanh lẹ, kiếm tìm bất cứ sinh vật nho nhỏ nào, miễn sao là mồi ngon, cá, tôm, cua, ốc...

· Từng bước đi chậm rãi biểu hiện bản tánh trầm lặng chịu đựng của từ mẫu, người chăm lo cho đàn con thơ dại từ miếng ăn đến giấc ngủ. Khi ta còn là trẻ nhỏ, mẹ nuôi nấng che chở, thương yêu ta nhiều bao nhiêu, không có bất cứ thứ gì có thể đong, đo, đếm, chính xác tấm lòng bao la của mẹ hiền.

Đứa bé thơ dại ngày nào, theo thời gian dần dà lớn khôn thành cô cậu vững chãi, tự tin bước vào trường đời giăng đầy phong ba bão táp. Nhưng trong ánh mắt của mẹ, cô cậu thành nhân này vẫn luôn là trẻ thơ bé bỏng trong vòng tay âu yếm của mẹ như thuở nào.

Thời gian bay vút

Mẹ già còm cõi

Theo năm tháng dài

Một ngày đuối sức

Mẹ theo mây ngàn

Cởi áo trần gian

Thương con muôn vàn

Đến giây phút cuối

Gia Long Ao Trang -Bay Nam Qua Nhanh

May 202-0