- Đồng Sâu

Đồng Sâu

Khi nhắc nhớ đến miền Tây Lục Tỉnh, hình ảnh hiền hòa luôn hiện ra trong tâm trí. Đây là bức tranh linh động chi chít sông ngòi, và không thể thiếu vắng thảm nhung xanh mượt mà của những cánh đồng ruộng lúa. Tôi vu vơ tự hỏi:

Nếu không có những dòng sông lững lờ trôi, xuyên suốt từ miền này qua miền khác thì người dân quê chất phát, làm sao có nước ngọt dẫn vào thửa ruộng mênh mông.

Sông thường có bề rộng to lớn. Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây như hai nhánh xương sườn tạo nên thúng gạo dẻo thơm. Dân làng tập trung về vùng trời êm ả gió đồng cỏ nội. Lọn gió chiều hoàng hôn hòa quyện với cây quạt trời từ dòng sông nước ngọt màu phù sa, luôn phe phẩy hương mạ non.

Phần đất sình lầy mềm nhũng tiếp giáp với hai bờ con sông là những chỗ trũng, lòng chảo, lỗ hõm. Rãnh khuyết này tròm trèm đeo bám vào mấy cái gốc dừa an phận có tuổi thọ già nua, rất rắn chắc. Ngọn rễ xum xuê mọc lan, đan kết vào nhau thành chùm to bảng, nằm lắt lẻo phô dáng, thích ngâm mình trong khoảnh đất sền sệt. Thường cái hốc lõm này ít có ánh nắng vàng hây len vào. Cá tôm, cua còng rủ nhau chui vào nương thân, xin được tạm trú. Nhờ cái gốc mục rửa, sanh ra rong rêu đeo bám, lại là thức ăn ngon ngọt. Cá tôm vừa có chỗ trú ẩn qua đêm, quá là sung sướng mà còn đầy ắp bao nhiêu là sâm nhung. Cả nhóm tha hồ rút rỉa rong rêu từ rễ mục. Từ từ gậm nhắm, ăn lan qua tất cả các loại cây chùm gởi, bao quanh gốc dừa, gốc chuối.

Nguồn nước sông được luân chuyển ra vô theo mực thủy triều lên xuống. Cá tôm, cua còng, ếch nhái, tranh giành đớp tỉa no nê tất cả chất bổ dưỡng từ thiên nhiên, Sáng rồi chiều, thủy triều luôn nhẫn nại khuân mang phù sa vào tận cùng mạch sống. Và không ngần ngại kéo theo mọi thứ trời cao ban tặng.

Những bà mẹ chịu đựng nắng mưa, bì bõm lội xuống nước, mò cá, nghêu, sò, ốc hến. Đôi khi chỉ cần xà quần, quay qua ngó lại một vị trí, rất thuận tiện vì không cần bơi ghe ra xa. Điều quan trọng là mẹ hiền phải có sức khỏe dẻo dai, chịu khó khom lưng, bán mặt cho dòng sông sâu. Dù thời gian dài hay ngắn, hai bàn tay xương xẩu cũng nhanh nhẹn gom được chút cá tôm cho bữa cơm gia đình.

Hôm nào có dòng cá tôm xoắn xít nép mình theo cụm lục bình đong đưa, lặng lờ xuôi theo dòng thủy triều ngầu đục thì thu hoạch được trúng lớn. Giây phút đàn cá mê say rong chơi, đùa vui chung quanh mẹ, bà lẹ làng đưa tay quơ cái thúng, vớt hớt đàn cá con về kho mẳn trong cái niêu đất. Nếu là cá lóc, cá rô thì phải đánh vảy. Cá con còn quá nhỏ nên không cần làm sạch từng chút. Mẹ cho cá vào cái bịch lưới, cứ dùng bàn tay chà qua, sát lại. Cá sẽ rủ tan hết mùi vảy tanh dễ dàng. Sau khi cá được tẩm muối, tắm rửa qua vài lần nước sạch. Rổ cá trắng phau, sẵn sàng thay màu áo mới, được khoe sắc làm dáng ngẩn ngơ.

Ôi thôi, cá được khoác vào thân mình lớp áo ươm đậm nâu đỏ của nước màu. Chao ơi, đẹp biết bao! Từ đầu, tới cổ, chạy dài tới cái đuôi, đều mặn mòi quéo chặt, thoang thoảng lan tỏa mùi thơm nước mắm quê hương. Toàn thân thấm đẫm mùi cay nồng từ mấy trái ớt. Đã vậy, bàn tay mẹ hiền dịu dàng rải thêm nhiều bụi tiêu, y hệt như lớp voan mỏng lấm tấm hạt sương sa, phớt mờ trên thân thể ngon tuyệt cú mèo, mặn ngọt đậm đà.

Đồng sâu mẹ bì bõm

Tôm cá lội loanh quanh

Lui cui chui đầy rổ

Vào niêu đất tròn khoanh

*

Bếp thơm ngon chiều nay

Mâm cơm thoảng mùi cay

Hòa chung cùng nước mắm

Lẹ làng bới cơm ngay

*

Chén cơm trắng dẻo dai

Chưa ăn, lòng đã say

Cái bụng kêu rọt rẹt

Cầm đôi đũa vào tay

*

Gắp miếng cá đỏ au

Kèm thêm một trái ớt

Cho vào miệng thiệt mau

Hít hà…nhai không ngớt

Gia Long Ao Trang -Bay Nam Qua Nhanh

JULY 2020