- Hoà Lan

Hoà Lan

Dòng đời êm đềm ở miền Nam Việt Nam bình yên trôi theo hai mùa mưa nắng và mưu sinh. Sống trên đời ai cũng phải làm việc để nuôi sống người thân yêu của mình. Ba tôi phục vụ trong trong các ngành nghề thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mẹ tôi chu toàn bổn phận làm người vợ hiền, săc sóc đàn con thơ dại.

Tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm như cơn bão dữ quất hằn ngàn lằn roi nghiệt ngã vào miền Nam hiền hòa. Cũng như bao gia đình chân chất khác, ba tôi phải đi tù cải tạo nhiều năm và không biết ngày nào được thoát khỏi cảnh lao khổ đọa đày này.

Ở nhà, mẹ tôi đơn thân nuôi con. Mẹ là cánh cò bươn chải nên phải tìm cách mua bán, chắt mót từng đồng cắc vừa thăm chồng cải tạo, vừa xông xáo lo cho con thơ mâm cơm đạm bạc, hầu sống qua ngày. Mẹ tôi tìm cách xoay trở với khả năng nhỏ nhoi của mình bằng cách mua bán nho nhỏ. Đồng ra đồng vô không nhiều, chỉ có thể đong từng lon gạo, mua rau cải nấu đủ tô canh đạm bạc cho con trẻ húp nhanh vào buổi chiều. Gia đình thưa thớt, vỏn vẹn vài người cùng nhau quay quần bữa cơm rau cháo, ăn qua loa lót dạ. Giờ phút sum họp mẹ và con rất hiếm hoi và quí báu, vì vắng bóng người cha thân yêu. Ông là trụ cột che nắng chắn mưa cho mái nhà đơn sơ, và phụ giúp mẹ tôi dòm ngó mọi chuyện trong ngoài.

Ngày ba tôi đeo trên vai gói vải nhỏ chứa lèo tèo ba bộ quần áo, và chút thức ăn khô mà mẹ tôi tỉ mỉ, chắt chiu sấy vài con khô, hũ muối mè…Mọi người đều tin theo lời rao của phường khóm là:

- Các sĩ quan chỉ đi học tập mười ngày.

Mẹ tôi cũng hy vọng và tin là vậy. Vài con khô, chút muối vừng...có thể cho cha tôi sống lấy lất qua mười ngày rồi trở về. Nghiệt ngã thay, mười ngày mong đợi đã vằn vặt kéo dài thành mười năm heo hút nơi rừng sâu nước độc. Lúc đó, tôi chỉ mới mười một tuổi, còn ngây ngô lắm. Ba vắng nhà, tôi phải xông xáo phụ giúp mẹ mỗi ngày mua bán, nhờ vậy mới có đủ tiền mua từng lon gạo, nấu cháo lỏng bỏng chất đầy cái bao tử sống qua ngày. Trong năm năm phải bươn chải giúp mẹ, tự nhiên tôi nhanh nhẹn chân tay, và thích ứng với hoàn cảnh mua bán từng ngày.

Đứa bé rong chơi ngày xưa bỗng dưng trở thành cậu thanh niên năng động, biết xoay trở mau mắn mỗi khi rơi vào hoàn cảnh cần phải giải quyết cho thuận buồm xuôi gió. Năm 1980, một người quen giàu có, ông có hai cậu con trai xấp xỉ số tuổi với tôi, họ sẽ xuống ghe ra khơi, thực hiện chuyến vượt biển. Đây là gia đình sống trong nhung lụa, nên hai cậu ấm được nuôi nấng trong lồng son. Hai cậu không phải vật lộn với cuộc sống, nên có lẽ không thích ứng với mọi hoàn cảnh chật vật dễ dàng như tôi. Bác này liền có ý nghĩ, cho tôi đi theo cùng, tháp tùng đi chung với hai cậu ấm của ông, để dẫn dắt hai công tử trong cơn nguy biến nếu xảy ra.

Thế là tôi được leo lên chiếc ghe dài mười một mét. Số người đi khoảng trên dưới sáu mươi. Chúng tôi đi xe đò ra Long Hải, xuống taxi ra gặp con cá lớn.

Vừa bước lên ghe thì chúng tôi phải chui xuống hầm tối chật chôi ngay. Tôi phải giữ tròn lời hứa với ông bác, là phải chu toàn bổn phận săc sóc hai cậu ấm, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh lao đao ói mửa ra sao. Nhưng cũng nhờ, người Việt mình nhỏ con, hơn nữa trong lúc giao thời nghèo khổ, ai cũng gần như ốm còi, co rút nên nhẹ te. Đây là điều thuận lợi cho hầm ghe được nhẹ bớt kí lô..

Hai ngày đầu tiên chiếc ghe và cả tôi, tất cả đều lắc lư quay cuồng theo từng đợt sóng bạc đầu, hung hăng nhảy múa kinh hoàng của trùng khơi. Mặt mày tôi xanh như tàu lá chuối, ruột gan thắt lại. Mật xanh mật vàng biểu tình chống đối cái bụng teo xẹp, chỉ còn lớp da nhăn nheo. Cả hai nàng Mật Xanh và Mật Vàng rủ nhau tuôn trào ra hết, đã vậy còn làm eo làm ảnh, kéo theo tất cả những gì còn sót lại trong bao tử teo héo của tôi. Thế là tiếng ọ oẹ thay nhau ca hát theo từng cung bậc bổng trầm, tạo nên bài nhạc có tựa đề…Chúng Ta Cùng Ói.

Gần như mọi người trong hầm ghe đồng lòng ói…ói… Tôi ói mửa đến xanh xao vàng vọt vì quá say sóng.

Một tuần ghe con cứ trôi nổi theo con nước bềnh bồng. Có lẽ trời cao còn thương xót nên chiếc ghe lòn lách, tránh khỏi những chiếc ghe Thái Lan, không gặp tàu cướp biển. Ngoài hải phận quốc tế, ôi thôi, biết bao tàu hàng chạy ngang qua lại như diều bay cao. Nhưng họ hoàn toàn lạnh lùng, bỏ mặc chiếc lá úa nhàu, không tỏ chút lòng nhân nào cứu vớt. Tàu hàng to lớn như ông khổng lồ đứng nhìn cậu bé có tên “Hạt Muối.” Với thái độ phớt tỉnh ănglê, ông khổng lồ tỉnh bơ, không hề thấy chiếc lá lặn hụp, tròng trành theo từng cơn sóng dữ.

Chiếc ghe cứ xoay tròn, lòng vòng quanh quẩn trong phạm vi gần giàn khoan dầu. Một chiếc tàu từ giàn khoan ra tiếp tế dầu, nước uống, thức ăn và chỉ hướng cho tài công chạy về hướng Mã Lai. Chiếc ghe trải qua nhiều sóng gió sinh tử. nhưng nhờ ân phước của đấng thiêng liêng, tất cả trôi qua như cơn ác mộng hãi hùng.

Ngẫm nhìn lại hành trình vượt biển năm xưa, bây giờ nếu ai cho tôi một núi vàng, một biển bạc, tôi xin chừa. Nhất định, chỉ một lần trong đời và chỉ một lần sinh tử, tôi dám liều mạng đi tìm Tự Do mà thôi. Vài ngày sau khi bước chân lên bờ cát vàng mịn màng của đất nước Mã Lai. Đoàn người hốc hác phải lo thủ tục nhập đảo. Chúng tôi bước chân lên cây cầu Jetty hiền hòa, và không quên ngước cao, ngắm nhìn cổng chào “Welcome To Pulau Bidong.” Tôi tá túc ở khu F một năm, và định cư ở Hoà Lan.

Cám ơn trời cao cứu độ.

Cám ơn biển Đông che chở.

Ghe của tôi không ai bị tử vong.

Cám ơn Pulau Bidong, Một Trời Kỷ Niệm.

Viết theo lời kể của Minh Bùi,

hiện là công dân của đất nước Hòa Lan

August 2019