- Hạ Về Đá Ơi !


Hạ Về Đá Ơi !


Mưa rơi hạt nhỏ giọt to

Tưới mầm chồi lộc, trổ giò phóng cao

Thoạt đầu vài lá lao xao

Hàng ngày uống nước ngọt ngào thành cây

*

Sương đêm bảng lảng quanh đây

Sương mù ôm núi, giăng đầy khắp nơi

Hừng đông hồng đỏ buông lơi

Mặt trời leo đỉnh, chơi vơi mây ngàn

*

Bắc cầu thả sợi nắng vàng

Len theo vách núi, thêu đan tơ trời

Hạ về nóng lắm đá ơi…!!!

Gió reo ngọn lửa rong chơi xóm làng

*

Ý mà lúc đó thu sang

Núi thay màu áo lại càng thêm xinh

Đá ong cam đỏ tỏ tình

Hoa cương khoe sắc lung linh bạc vàng

Trên lớp vỏ trái đất có năm thềm lục địa, là đất liền nổi lên, nhấp nhô ra khỏi mặt nước biển muôn trùng. Núi non chập chùng cũng ầu ơ khoe vóc dáng cao chót vót, sắc nét hùng vĩ của mình. Như chúng ta đều thấy, đồng bằng phẳng lặng cho dù có chạy dài ngút ngàn, rồi cũng sẽ xuất hiện ngọn đồi hay núi cao chắn ngang.

Núi

Khi còn cắp sách thời Trung Học, năm đệ ngũ (lớp chín sau này) có môn Vạn Vật. Lồng trong bài học, tôi mãi nhớ có giờ học về đá sỏi, cách cấu tạo nên vỏ trái đất. Tôi mãi nhớ, làm bài thi trong lục cá nguyệt, có câu hỏi – Cách hình thành cấu trúc lớp vỏ địa cầu. May quá, bài này tôi học nằm lòng nên được vị giáo sư cho điểm tối đa.

Mừng vui vô kể ! Tôi vẫn còn nhớ, chỉ sau vài phút thì tôi đã viết xong bài thi, còn nhiều thời giờ để trau chuốt, tỉ mỉ vẽ hình. Vài tầng đất sét, đá sỏi tạo nên cái vỏ cứng cáp cho thế nhân đào, bới, khoan lỗ...theo nhu cầu cần thiết của đời sống. Bây giờ, theo thời gian phôi pha, hiện tại, tôi chỉ nhớ mài mại vài thứ.. đá, sỏi, ...rồi dòng nước ngầm âm thầm chuyển động phía dưới bề mặt, nơi chúng ta đang vui sống.

Mạch nước ngầm này sâu hay cạn đều tùy vào lớp đá, sỏi chồng chất bên trên. Khi đào giếng, các vị chuyên môn cầm cây thước đi loanh quanh vùng đất nào đó để tìm mạch nước. Khi tín hiệu báo tin, nơi nào có nước, họ làm dấu. Công việc kế tiếp là hì hục đào hố, hay dùng máy khoan sẽ nhanh hơn. Ở những vùng khô cằn thì rất khó mới thấy tia nước phun lên.

Ở miền quê, nhiều cánh đồng lúa trải dài mênh mông đến tận chân mây. Nhà của Ngoại mọc lên từ thảm lúa xanh tươi, ngay sau hè có cái giếng tuyệt hảo. Nước cứ thản nhiên dâng lên hoài. Nhiều khi cô bác ngồi giặt giũ, rửa chén bát trên nền xi măng chung quanh miệng giếng. Đôi khi không cần đứng lên thả thùng xuống đáy để xách nước. Cô bác chỉ cầm cái thùng, đưa tay múc nước. Nhìn vào, tôi cứ ngỡ, giếng là cái thùng chứa không có đáy mà trời cao ban tặng.

Đá sỏi

Vào giờ Vận Vật, học trò được giáo sư cho ngắm, săm soi các loại đá rất đẹp. Tôi chỉ còn nhớ vài tên tiêu biểu mà thôi...

· Nhiều loại có vân anh màu xanh lóng lánh như kim tuyến, có tên gọi là đá hoa cương.

· Loại đá màu đỏ, lấm chấm loang lỗ, có tên gọi là đá ong. Có lẽ, vì nó chi chít các khe bé tí y hệt như cái tổ ong...rất xinh xắn. Đá ong dễ bị tan vỡ theo độ ẩm thấm vào. Theo tôi nghĩ, đó là vì sao đá ong ưa bị bào mòn, khoét lủng như hang động. “Đá ong là loại đá hình thành từ đất giàu chất sắt và nhôm ở vùng nhiệt đới nóng và ẩm ướt. Gần như tất cả đá ong có màu đỏ nâu, là bởi vì các oxit sắt.”

· Hạt cát cũng là một loại đá trong suốt. Bãi biển là nơi qui tụ nhiều hạt cát kim sa này....

***

Khi nhắc nhớ đến núi, ta thường mường tượng ra rừng cây mọc tràn lan khắp sườn đồi và đỉnh ngọn.. Cội gốc lớn dần theo thời gian. Nước mưa và tuyết trắng là bàn tay thiên nhiên vun tưới cho lá thêm xanh. Khi mùa hè nóng cháy đến thì cây xanh là mồi ngon cho ngọn lửa đi hoang.

Dãy núi chập chùng bao quanh vùng đất bằng phẳng nơi tôi sinh sống, hình như không là rừng cây dại um tùm, mà là sỏi đá chất chồng lên nhau. Dưới ánh nắng vàng chói chang của mùa hè bỏng rát, sườn đồi, vách núi khô hốc, co thắt từng nhánh xương sườn BBQ tội nghiệp !

Hạ về ươm nắng vàng hoe

Trải thành thảm ngọc xum xoe sườn đồi

Khối cao, tảng nhỏ, đứng ngồi

Tạo thành vách đá lõm lồi trơ xương

Gia Long Ao Trang -Bay Nam Qua Nhanh

April 2021