Bạch Liên

Mây và Biển


Mây Và Biển


Mây xanh cùng chim bay, vỗ cánh.

Dưới đại dương cá nhảy tung tăng

Trần gian nhân thế hoài lăng xăng

Sân si, hỷ nộ, say nghiệt ngã

*

Trên trời có chim bay thong thả

Dưới trần gian lã chã mồ hôi

Phơi mình bươn chải, đói ăn xôi

Đến khi mệt lả, ngồi thở dốc

*

Những lúc buồn âm thầm than khóc

Giấu nỗi đau, biết tỏ cùng ai

Dòng đời lặng chảy, nào có hay

Bỏ lại sau lưng người chới với

*

Biển đậm sâu, vương cung thủy giới

Rong rêu, tôm cá, lượn lờ bơi

Sóng chập chùng, ca hát yêu đời

Ai sung sướng bằng mây và biển

Không gian bao quanh trái đất tròn là chín tầng mây xanh. Con người không thể nào có hơi thở nếu lỡ bị văng vút ra khỏi bầu không khí chơi vơi. Khoa học tiến bộ, phóng phi thuyền ra vũ trụ, bay xuyên thủng không gian, nhẹ nhàng đáp xuống mặt trăng. Các phi hành gia phải mặc quần áo đặc biệt mới có thể đi bộ chầm chậm trong phạm vi an toàn.

Mây bay

Nhìn lên khung trời xanh biếc hay xám tro ảm đạm, vài loài vật có thể nhàn du bay lượn đều phải có hai cánh làm động lực vút bổng lên cao. Tôi muốn nhắc nhớ tới loài chim sung sướng vô ngần. Niềm hạnh phúc nhàn hạ của đàn chim, con người không thể nào tự nhiên mà có được giống như vậy. Chim vỗ cánh bay cao, khi nào tới điểm đích thì âm thầm xà đáp bình yên. Khi buồn thì lại bay tiếp, không ai có quyền ngăn cản hay ghét bỏ. Cuộc đời của loài chim sao thanh thản, và vô tư lự thế nhỉ? Mắt trần chưa bao giờ thấy chim khóc, ủ rũ than van rằng ta buồn bã. Cũng như không hề thấy chim cô đơn đậu một mình trong một xó kẹt nào đó, trong dáng vẻ trầm lắng suy tư. Nếu có, theo tôi, duy nhất là giây phút chim xếp cánh vút mãi về cõi thiên thu, như con người mà thôi

Ước gì thế nhân được hưởng một phần nào niềm vui thanh thản này. Chân người cứ phải quần quật lăn xoay, bôn ba đi tìm miếng ăn qua ngày. Không ai để sẵn miếng ngon vật lạ cho mình tới lượm, hay cho ăn hoài suốt kiếp. Nếu người tốt bụng muốn tạo phước đức, đến ngày tháng ốm đau, họ cũng không thể cung phụng, hoặc cho ai một lời hứa hẹn lâu dài - rằng tôi sẽ sống đời đời giúp người.

Ai cũng phải từ giã dương trần. Chúng ta có cùng mẫu số chung hẩm hiu này mà thôi. Khi còn sinh tiền, còn sức khỏe, ta chịu khó mưu sinh, tự nuôi chính mình. Cho đến khi nào sức tàn bệnh hoạn, ta đành buông thả nhọc nhằn cho nhẹ gánh nợ đời.

Biển rộng

Đại dương bao la vô bờ. Loài thủy sản khôn ngoan cứ bám vào làn nước mặn mòi cho rộng đường bơi lội. Cá, tôm, cua là những đứa con cưng của sóng và muối mặn. Thủy sản không bao giờ vơi cạn. Thậm chí, trên trùng khơi mênh mông, không bao giờ vắng bóng tàu thuyền đánh cá, tôm, cua. Những tay thiện nghệ, cả đời chuyên mưu sinh với biển. Họ canh chừng thời gian đúng mùa, lần lượt rủ nhau, chạy ra góc biển xa xôi để thả thùng lưới, chiêu dụ cá, tôm, cua chui vào.

Hàng năm, những chuyến tàu đồ sộ giăng bẫy, bắt được hàng trăm tấn thủy sản tươi xanh bổ dưỡng, ngon ngọt và sạch sẽ. Đây là nguồn thu hoạch thiên nhiên của ông vua Thủy Tề ban tặng cho loài người. Bàn tay thế nhân không cần chăm sóc, nuôi nấng cho thủy vật mau lớn chi cả. Chúng tự sinh sôi nẩy nở, ăn rong rêu rồi tự vươn mình to lớn nhờ bơi lội. Hoặc là, có thể những thủy vật này khoái uống nước muối chăng? Hàng năm, cứ chờ đến mùa thu hoạch thì tàu bè tranh nhau chạy ra hốt về, bán được hàng trăm triệu dễ dàng. Tôi thích xem các chương trình đánh cá, tôm, cua xa tít trên vùng biển miệt bắc cực, sát mé gần biên giới nước Nga.

Đội ngũ chuyên nghiệp rất gian khổ vì biển rất lạnh và sóng nổi giận hoài hoài. Chiếc tàu cồng kềnh dài hơn ba trăm thước vẫn trồi lên, hụp xuống, nghiêng qua, té lại…như chiếc lá mong manh. Khi lượn sóng cao ngút trời tiến tới chiếc tàu, ông thuyền trưởng ngồi trong cabin cao chót vót sẽ báo động cho mấy chàng lực lưỡng, đang quần quật cuồng quay trên sàn tàu ướt mem. Anh nào đứng đâu thì phái bám chặt vào nơi nào đó. Nếu không, sóng dữ sẽ hất đẩy họ xuống biển sâu trong nháy mắt. Luồng nước mặn chát đánh ập, tràn ngập trên boong tàu. Các anh ướt như con chuột lột. Ai cũng phải mặc bộ quần áo đặc biệt chống lạnh, và chống luôn sức mạnh kinh hoàng của ngàn con sóng hung hăng.

***

Trên các quày sạp ngoài chợ Mỹ, thường bày bán các chú Cua to lớn màu đỏ cam rực rỡ, rất đẹp mắt. Nhìn giá bán King Crab Legs rất mắc. Tôi thầm hiểu, vì sao giá bán cao ngất ngưởng. Vì trên lớp vỏ cứng rắn chắc của cua, đều pha trộn nỗi nhọc nhằn, gian khổ của những anh chàng chịu đựng bão táp, băng đá, gió lạnh kinh hồn….

Nhìn họ tê cóng bàn tay khi cùng nhau kéo, nâng thùng lưới dưới cơn bão nước đá…quá là kiên cường. Đôi khi sơ hở chút xíu, có anh bị thương nhức nhối rên rỉ mà vẫn phải nằm chịu trận. Tàu đang ở vùng biển quá xa đất liền, anh này đành nằm nhăn mày nhó mặt và chửa trị tạm thời, chờ tàu cập bến. Nếu vết thương quá trầm trọng thì trực thăng sẽ bay ra, mang họ vào cấp cứu.

Có những ngày tảng băng đóng cứng mặt biển, nguy hiểm biết chừng nào. Nếu tàu đi sai hướng, có thể sẽ bị khối băng đụng mạnh, làm tung vỡ và chìm tan. Ngày nào biển đóng đá, sẽ không an toàn. Nhưng vì chi phí ra khơi, hao tốn cho một ngày, lên đến tám, chín chục ngàn đô. Nếu tàu quay vô bờ mà không có đủ nhu cầu đòi hỏi để bán, thì lỗ lã, mất sở hụi.

Thuyền trưởng đành cá cược, phải hoàn tất số lượng cua, cá, tôm theo giao kèo với chủ thầu trong bờ. Mặc dù cả con tàu gần như đóng băng theo từng cơn sóng dữ vập vồ.

Làm nghề nào cũng có nỗi khổ của nghề đó. Mồ hôi và nước mắt xây nên cái giá trị vàng son của một con người.

Gia Long Ao Trang -Bay Nam Qua Nhanh

AUGUST 2021