Triển lãm cổ vật thời Tây Sơn: Những bí mật còn chờ giải mã.

Post date: Aug 31, 2011 3:10:02 PM

Hoài An - Hoa Nguyễn

Cuộc triển lãm cổ vật Tây Sơn với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM (từ ngày 10/2 đến hết tháng 11/2011) thu hút đông đảo sự quan tâm của giới sử học, nhà nghiên cứu và người dân. Trong số 4.000 hiện vật được trưng bày, có nhiều cổ vật vừa mới được khai quật gần đây khiến nhiều người bất ngờ.

Cuộc triển lãm cổ vật Tây Sơn với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM (từ ngày 10/2 đến hết tháng 11/2011) thu hút đông đảo sự quan tâm của giới sử học, nhà nghiên cứu và người dân. Trong số 4.000 hiện vật được trưng bày, có nhiều cổ vật vừa mới được khai quật gần đây khiến nhiều người bất ngờ.

Đồng Minh Đức Thông Bảo được tìm thấy trong mộ bà Châu Thị Tế, phu nhân Thoại Ngọc Hầu

Trong số cổ vật được trưng bày, ít ai biết đồng tiền Minh Đức Thông Bảo nằm lọt giữa khá nhiều đồng tiền khác của thời Tây Sơn lại mang một “thân phận” khá đặc biệt cùng nhiều câu hỏi còn phải chờ thêm sự đánh giá của các nhà nghiên cứu. Được xác định niên đại khoảng 1787 - 1793, mặt đồng tiền có bốn chữ Hán: Minh Đức Thông Bảo, phần lưng có hai chữ Hán: Vạn tuế, viết kiểu chữ thảo. Theo tiến sĩ Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP.HCM thì điểm lạ của đồng tiền này nằm ở… vị trí được tìm thấy. Đó là mộ của bà Châu Thị Tế, phu nhân của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại tại khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Xưa nay, các đồ tùy táng thường là những vật vốn gắn bó và được chủ nhân trong mộ yêu thích, quý trọng lúc sinh thời. Vì vậy, đồng tiền trong ngôi mộ cổ của bà Châu Thị Tế cũng không hẳn là một ngoại lệ. Điều “cắc cớ” là Thoại Ngọc Hầu là một vị quan nổi tiếng, phò nhà Nguyễn từ rất sớm, từng theo sát chúa Nguyễn trong những ngày bị quân Tây Sơn đánh bại. Sau này, ông lập khá nhiều công lớn với nhà Nguyễn, nhưng khi được giao đi đánh quân Tây Sơn, lại tự ý bỏ về và bị giáng cấp. Thời bấy giờ, bất kỳ ai có mối quan hệ hay lưu giữ vật nào liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị trừng trị. Như vậy, Thoại Ngọc Hầu và những người thân của ông có mối liên hệ thế nào với nhà Tây Sơn? Giải mã được những điều này, chắc chắn sẽ còn nhiều điều thú vị phía trước.

Chiếc khánh thời Tây Sơn bị đục mất chữ để tránh lệnh cấm của nhà Nguyễn

Nhiều cổ vật khác thời Tây Sơn cũng mang theo những thân phận đặc biệt với không ít dấu tích về sự khốc liệt khi quyền lực được chuyển sang nhà Nguyễn. Trên chiếc khánh của nhà sưu tập Nguyễn Tâm Hữu ở Huế, vết đục đẽo các chữ viết, dấu ấn của nhà Tây Sơn vẫn còn nguyên vẹn. Khánh là vật chỉ dùng trong những nhà giàu, tầng lớp quý tộc, nhưng giữ một vật cấm sẽ rất dễ mang họa vào thân. Nếu không gắn bó và thực sự có giá trị tinh thần nhất định, chắc chắn chủ nhân của chúng không dám mạo hiểm giữ lại. Những dấu ấn của một triều đại còn được thể hiện qua hàng loạt các cổ vật lưu lạc qua hàng thế kỷ: các con dấu của Đô đốc khâm sai đơn vị tiền thủy, của Hộ quân sứ tước Vinh Hoa hầu của phủ Tây Kỳ, các bức thư, chiếu của vua Quang Trung Nguyễn Huệ gửi các quân thần được nâng niu bởi từng dòng họ, từng nhà sưu tập hay lăn lóc từ hàng đồng nát…

Theo tiến sĩ Phạm Hữu Công, những hiện vật thời Tây Sơn hiện không còn nhiều như các triều đại khác, nhưng sau những cuộc thanh trừng khốc liệt của nhà Nguyễn mà vẫn còn giữ được như thế đã là may mắn.