Giới thiệu văn bia "Châu Đốc tân lộ ..." bản sao sớm nhất.

Post date: Jun 24, 2017 1:31:04 PM

GIỚI THIỆU VĂN BIA “CHÂU ĐỐC TÂN LỘ ...” BẢN SAO SỚM NHẤT.

 

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 143 - tháng 02/2017.

 

 

Bia “Châu Đốc tân lộ ...” hay thường gọi là Châu Đốc tân lộ kiều lương là một trong bốn văn bia chữ Hán cổ nhất hiện biết trên địa bàn An Giang. Bia này hiện nay đã bị vỡ thành nhiều mảnh và chỉ còn hai mảnh (một góc trên bên phải và một góc dưới bên phải) của bia này còn giữ được, hiện trưng bày tại lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam. Những gì còn giữ lại của phần trán bia cho thấy bốn chữ tên bia là “Châu Đốc tân lộ ...”, tiếp theo có thể còn có những chữ khác – theo ước đoán về khoảng cách của tác giả thì còn lại độ chừng hai ô chữ. Hai ô chữ này, dựa trên quy tắc đặt tên bia thông thường, rất có thể là chữ “bi ký”. Cho đến nay, chúng ta mới chỉ được biết một đoạn trích của bia này qua phần dịch của nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh đăng trên Đại Việt tạp chí vào năm 1943 – dựa trên những tài liệu mà ông tuyên bố đã thu thập từ núi Sam vào năm 1929. Lúc bấy giờ, Ca Văn Thỉnh gọi bia này là “Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương ký”. Sau khi phát hiện mảnh trán bia ở núi Sam có bốn chữ “Châu Đốc tân lộ ...”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu đã chuyển sang gọi nó là bia “Châu Đốc tân lộ kiều lương ký”. Cái tên mới này là sự dung hòa giữa cách gọi của Ca Văn Thỉnh và những gì còn sót lại trên bia. Tuy nhiên, về vấn đề tên gọi mà nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh sử dụng, tác giả có nhận định khác sẽ thảo luận ở phần cuối. Trong bài viết này, tên bia sẽ chỉ được gọi bằng những gì còn sót lại của trán bia.

Do bản gốc bia này đã vỡ và bị thất lạc một phần, những gì ta còn biết về bia này chỉ là bản dịch một đoạn cuối bia do Ca Văn Thỉnh công bố; một bản lược dịch Pháp văn in trong Monographie de la province de Châu-Đốc in năm 1902 – được tái phát hiện vào năm 2013[1] và cuối cùng là hai mảnh văn bia được đưa ra trưng bày vào năm 2016. Một số điểm không thống nhất giữa bản Pháp văn và bản dịch Ca Văn Thỉnh được chỉ ra khiến cho việc tìm kiếm một bản sao đầy đủ bằng chữ Hán của bia này càng trở nên cấp thiết. Điều này càng trở nên khả thi hơn khi các tác giả Monographie de la province de Châu-Đốc hứa hẹn rằng một bản sao toàn văn (chữ Hán) và bản dịch sẽ được công bố sau[2].

Việc tra cứu kho thư mục của người Pháp do Henri Cordier thiết lập cho thấy rằng các văn bia ở núi Sam và núi Sập đã được người Pháp sao lục và công bố rất nhiều lần. Cụ thể trong các bản in:

- “Traduction des Inscriptions des Pierres commémorative des montagnes de Thoại sơn et de Vĩnh tế” (không rõ nơi và năm xuất bản, có lời giới thiệu của Trần Văn Hanh đề ngày 01-11-1877).

- “Les inscriptions de Thoại-sơn et de Vĩnh-tè, par M. Trần-băn-Hanh”. Hanoi, 1902.

- “Bulletin de la Société des Études Indo-Chinoises de Saigon no.48”. Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1904. Từ trang 5 đến trang 27 giới thiệu “Inscription de la montagne de Vinh-té (Châu-đốc)” (Văn bia ở núi Vĩnh Tế - Châu Đốc).

- “Publications de la Société des Études Indo-Chinoises – Inscription de la montagne de Vinh-te”. Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1905[3].

Vào năm 2014, tác giả được tiếp xúc với bản in “Inscription de la montagne de Vinh-Te” được in tại Sài Gòn năm 1905. Những thông tin từ sách này cộng với các lời mô tả của Henri Cordier cho phép xác nhận cả bốn lần công bố trên đều sử dụng bản chép chữ Hán và bản dịch của Trần Văn Hanh, thực hiện khoảng năm 1877. Bản sao này do đó là bản sao sớm nhất. Quyển sách giới thiệu phần Hán văn, phiên âm Quốc ngữ và dịch sang tiếng Pháp của hai văn bia: Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký Châu Đốc tân lộ ... Tuy nhiên, Trần Văn Hanh chỉ chép lại văn bia chứ không chép lại tiêu đề bia và cũng không có bất cứ dấu hiệu này phân tách hai văn bia. Đây là một chi tiết hết sức quan trọng gợi ý ta giải đáp một thắc mắc trước đây của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu về lời tường thuật của nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh. Sau đây xin giới thiệu phần Hán văn, phiên âm và dịch nghĩa bia Châu Đốc tân lộ ... Những chữ in nghiêng trong phần phiên âm là những chữ còn nhận ra được trên hai mảnh bia hiện tồn.

Hai mảnh bia Châu Đốc tân lộ ... được trưng bày tại núi Sam. Ảnh: Trần Hoàng Vũ.

NGUYÊN TÁC:

新 路 ....

與 梁 凡 以 便 州 郡 村 邑 不 同 而 道 橋 所 以 便 則 壹 王 周 言 橋 梁 不 修 刺 史 過 也 修 治 在 守 土 臣所 宜 致 意 焉

聖 朝 開 拓 疆 宇 [] 訖 朔 南 其 於 道 路 橋 梁 所 在 營 鎮 道 無 不 整 理 屯 守 臣 玉 侯 頒 按 守 是 屯 旨 諭於 此 屯 隨 界 地 邑 歸 民 居 聚 以 寔 邉其 間 各 路 以 成 里 落 並 溪 徑 通 行惟 永 濟 山 林 與 麓 林 隴 僑 舍 㕓距 屯 壹 望 膈 壹 泓 水 深 不 可 涉 不 免 舟

西 此 山 壹 使 永 濟 山 屯 營 以 抵 準 八 尺 面 四 官 俸附 以 家 貲以 洪 備 擀 路 成

僱 役 壹 凡 此 於 路 間 水 四 每段 便 轍 蹄 行 穩   便 庶 少 王 周 橋 道 與 山 間

PHIÊN ÂM:

Châu Đốc tân lộ ...

Truyện hữu đồ giang dữ lương phàm dĩ tiện nhân dã. Châu quận thôn ấp đại tiểu bất đồng nhi đạo kiều chi sở dĩ tiện nhân tắc nhất. Vương Châu hữu ngôn kiều lương bất tu thích sử quá dã. Cố sáng tạo tu trị giai tại thủ thổ chi thần sở nghi trí ý yên.

Thánh triều khai thác cương vũ khải ngật sóc nam kỳ ư đạo lộ kiều lương sở tại dinh thành trấn đạo vô bất chỉnh lý. Châu Đốc đồn thủ thần Thoại Ngọc Hầu khâm phụng đặc ban án thủ thị đồn chi sơ kinh phụng chỉ dụ ư thử đồn tùy giới địa lập ấp qui dân cư tụ dĩ thực biên, kỳ gian các lộ dĩ thành lý lạc, tịnh hữu khê kính thông hành. Duy Vĩnh Tế sơn lâm dữ lộc lâm lũng kiều khách xá triền cự đồn nhất vọng chi địa nhi trung cách nhất hoằng trư thủy, thâm bất khả thiệp, sấn khư qui đỗng, bất miễn châu tiếp chi nan.

Tích Tô Đông Pha thủ Hàng tích phong vi đề tuyên Hàng chi Tây Hồ, chí kim thượng tại. Huống thử sơn nhất đàm khởi dung điềm sử trở ngại? Tức cụ sự thân đạt ký hoạch sở thỉnh nãi kiến độ nhất điều lộ, do Vĩnh Tế sơn cước hoành tiệt nhạn thủy đạt đồn dinh biên trường nhị thiên thất bá tầm dĩ để giang tân, cao chuẩn bát xích, hoành diện tứ tầm, khai cước bội chi, viên quyên quan bổng phụ dĩ gia ty dĩ cung bị cán chi phí, dĩ Bính Tuất niên thập nhị nguyệt thập nhị nhật khởi trúc, dụng nhân phàm tam thiên tứ bá. Chí Đinh Hợi niên tứ nguyệt thập ngũ nhật lộ thành.

Tư niên hựu gia bồi bổ, sung cố dịch nhất thiên nhân, tự chính nguyệt thập bát nhật chí tứ nguyệt thập ngũ nhật cáo thuyên. Phàm dữ thổ công dong nhân mỗi nguyệt tiền nhất quan, mễ nhất phương. Thả ư lộ gian thông thủy tứ đoạn các giá bản kiều, mỗi đoạn liệt bản tứ phiến trường lục tầm kỳ hậu ngũ thốn, cái dục kiên thực cố trí dĩ tiện vu nhân, dân phụ tải bộ an triệt đề hành ổn. Thủy my bích thảo, bất lao hoán độ chi thanh; ngạn lý duyên âm, sự sanh chu chi lực. Thần sương lưu tích, nguyệt tịch tùy cân, diệc nhất đại phương tiện, môn thứ thiểu thù, sô mục nhất sự nhĩ. Cố tự kỳ dụng tâm trước lực giả tuyên chi vu thạch vĩnh vi ngự thức. Lệ châu vọng tha, nhất ưng thị nhậm đổ thị, tích tư Vương Châu chi ngôn dĩ vi tâm tắc. Tuy thử tích phương kiều đạo, diệc dữ sơn gian minh nguyệt, giang thượng thanh phong, nhân giai thủ pháp vô cùng tận, nhi vô di Trăn Vị tế nhân chi tiếu hỉ. Thị vi ký.

Minh Mạng cửu niên, trọng thu nguyệt, hạ hoán.

BẢN DỊCH:

Châu Đốc tân lộ ...

Truyện viết: bắc cầu nhỏ, xây cầu lớn[4], là để tiện cho dân đấy. Châu, quận, thôn, ấp, dẫu lớn nhỏ chẳng giống nhau nhưng việc cầu đường đều lấy điều lợi cho dân làm gốc. Vương Châu cũng nói: kiều lương chẳng sửa sang, là lỗi của quan Thứ sử. Việc kiến thiết tu bồi do bởi kẻ thần tử giữ đất, tùy nghi xếp đặt.

Thánh triều ta khai thác cương thổ, vỗ về cõi Nam, thì việc cầu đường ở khắp các dinh, thành, trấn, đạo, không nơi nào là không chỉnh lý. Đồn thủ Châu Đốc thần là Thoại Ngọc Hầu, từ ngày vâng mệnh vua ban án thủ đồn này, kính vâng lời dạy, dựa theo địa giới bản đồn mà nhóm dân lập ấp, bảo vệ bờ cõi. Nay các nẻo đường đều đã thành thôn lạc, thảy đều có đường nhỏ ven kênh đi lại dễ dàng. Duy một khoảnh rừng núi Vĩnh Tế, chỗ rừng chằm nơi chân núi, là nơi kiều ngụ của Khách nhân, cách đồn doanh ước chừng một tầm nhìn, ở giữa ngăn bởi đầm nước đọng, sâu không thể lội, men gò tới động, chẳng thể tránh vòng, thuyền bè khó nhọc.

Nhớ xưa Tô Đông Pha giữ đất Hàng Châu, gom rau phong, đắp bờ đê qua Tây Hồ ở xứ Hàng, nay còn lưu dấu. Huống chi một chốn đầm nước tại núi này há lại điềm nhiên mà để cho trở ngại hay sao? Liền đem sự vụ bẩm trình, xin đắp một con đường từ chân núi Vĩnh Tế, chạy ngang đầm nước, thẳng tới dinh đồn ra tận bến sông, dài hai ngàn bảy trăm tầm, cao tám thước, mặt rộng bốn tầm, đào chân núi mà đắp nên, nguyện đem bổng lộc, phụ với của nhà để trang trải các chi phí. Từ ngày mười hai tháng chạp năm Bính Tuất khởi đắp, dùng ba ngàn bốn trăm nhân công. Đến ngày mười lăm tháng tư năm Đinh Hợi, lộ đắp thành.

Năm nay lại gia cố bồi bổ, mướn nhân công, điều phu dịch một ngàn người, từ ngày mười tám tháng giêng đến ngày mười lăm tháng tư cáo thành. Thợ đắp đường mỗi tháng đều phát tiền một quan, gạo một phương. Đường này có bốn chỗ nước chảy xuyên qua, đều bắc cầu ván, mỗi đoạn đều dùng bốn tấm ván dài sáu tầm, bề dày năm tấc, muốn được cho kiên cố, để kẻ rong chơi, người vác nặng, đẩy xe, đi bộ đều được an toàn.

Mặt nước cỏ xanh, hết tiếng gọi đò vất vả; ven đường bóng mát, khỏi công chèo chống nhọc nhằn. Sương sớm còn vương, trăng chiều theo gót. Thật là một điều tiện lợi lớn lao, cũng là chút lòng báo bổ, một việc chăn dân vậy. Bởi thế nên đem tâm sức này tạc vào bia đá, lưu lại muôn đời được biết.

Nhỏ lệ nhớ người, trông lời như gặp, tưởng nhớ lời dạy của Vương Châu, ghi làm tôn chỉ. Dẫu chỉ là một sở cầu đường ở nơi hẻo lánh, nhưng cũng cùng với trăng ngà bên núi, gió mát trên sông, người theo phép nước không bao giờ dứt, cũng không để lại chuyện cười giúp người trên sông Trăn, Vị[5] vậy. Nay làm bài ký.

Năm Minh Mạng thứ 9, tháng trọng thu, hạ hoán[6].

Kiến nghị.

Bản sao bia Châu Đốc tân lộ ... của Trần Văn Hanh là bản sao chữ Hán đầy đủ nhất còn lưu lại được đến nay. So sánh với phần tàn khuyết của bia này thì chưa phát hiện những sai lệch giữa bản chép và văn bia gốc. Bản sao này kết hợp với hai mảnh bia còn lại cho phép ta phục dựng văn bia Châu Đốc tân lộ ... gần giống như cách trình bày nguyên thủy với độ tin cậy cao nhất về các chi tiết: chiều cao, chiều rộng, số dòng, số chữ của từng dòng.

 

 

[1] Trần Hoàng Vũ. “Tìm lại văn bia Châu Đốc tân lộ kiều lương ký”. Tạp chí Văn Hóa – Lịch Sử An Giang, số tháng 04-2013.

[2] Nguyên văn: “Un travail plus complet sera publié ultérieurement; textes en caractères et traduction”. Xem “Monographie de la province de Châu-Đốc”. Imprimerie L. Ménard, Saigon, 1902, p.40.

[3] Henri Cordier. “Dictionnaire bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule Indochinoise, vol. III”. Imprimerie Nationale, Paris, 1914, p. 1736, 1879.

[4] Nguyên văn: đồ giang dư lương. Chữ lấy trong sách Mạnh Tử. Xem chú thích về Tử Sản ở bên dưới.

[5] Sách Mạnh Tử chép: “Tử Sản coi sóc nền chính trị nước Trịnh, đã lấy xe cộ của mình giúp người ở sông Trăn, sông Vị. Mạnh Tử nói: đó là làm ơn, nhưng không biết làm chính trị. Mỗi năm, vào khoảng tháng 11, hãy hoàn thành những cây cầu nhỏ; vào khoảng tháng 12, hãy hoàn thành những cây cầu lớn. Dân chúng sẽ không bị nỗi khổ phải lội sông. Người quân tử cân bằng việc cai trị của mình, cần phải khiến người ta biết nhường tránh. Sao lại phải đi giúp đỡ từng người này người kia? Vì thế, nếu làm chính trị cứ làm cho mỗi người được vui lòng thì hằng ngày làm cũng chẳng đủ”. Chuyện cười giúp người trên sông Trăn, Vị là ám chỉ điển tích này.

[6] Thời xưa, cứ 10 ngày cho nghỉ một lần để tắm giặt, gọi là hoán. Một tháng ba kỳ (mười ngày) gọi là thượng hoán, trung hoán, hạ hoán; cũng như thượng tuần, trung tuần, hạ tuần.