Hai góp ý nhân đọc bài viết "Tổng đốc Doãn Uẩn người ơn của đất An Giang" của Nguyễn Hữu Hiệp.

Post date: Oct 27, 2012 3:46:44 PM

Trần Minh Tạo.

Trang 71, mục Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình thuộc tạp chí văn nghệ Thất Sơn số 160 /8-2011 có đăng bài viết “Tổng đốc Doãn Uẩn người ơn của đất An Giang do Nguyễn Hữu Hiệp (NHH) viết.

Sau khi đọc xong,xin có 2 đóng góp sau đây:

1-Tại cuối trang 71 đầu trang 72, có đoạn viết như sau: “ Chỉ trong tháng 6 năm Quý tỵ (1833) Lê Văn Khôi đánh chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa. Tiếp theo đó thành Phiên An (Sau cải là Gia Định). Các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên, An Giang cũng lần lượt thất thủ! Hai tháng sau, thự án sát Vĩnh Long là Doãn Uẩn thu phục được tỉnh thành. Án sát An Giang là Bùi Văn Lý thâu phục được An Giang và Hà Tiên. Giữa lúc triều đình đang tập trung binh lực cứu thành Phiên An thì quân Xiêm (do Lê Văn Khôi cầu viện) đem đại quân tới cướp. Chúng chia làm 3 đạo… Chiến cuộc diễn ra như cơm sôi. Tháng 11 (tức vào năm 1833-NV) Hà Tiên lại thất thủ. Tháng 12 Trấn Tây Thành (Nam Vang) thất thủ. Quân triều đình rút chạy…”.

Theo người viết bài này, chi tiết “Tháng 12 (năm 1833-NV) Trấn Tây Thành thất thủ” nằm trong đoạn trên cần được xem lại. Vì vào thời điểm này, đơn vị hành chính-quân sự Trấn Tây Thành của người Việt,g ồm 36 phủ và 2 huyện, tức toàn bộ nước Chân Lạp thưở ấy chưa hề ra đời. Hay nói cách khác, căn cứ vào Việt Nam Sử Lược (VNSL) của Trần Trọng Kim, Trấn Tây Thành tới năm 1835 mới bắt đầu xuất hiện trên bản đồ hành chính-quân sự của nước Việt Nam ta (do triều đình Minh Mạng cai trị) sau khi Trương Minh Giảng vừa “dựng” xong cô con gái (Ang-mey) của vua Chân Lạp vừa quá cố lên làm “Quận chúa” nơi đây với cái tên Việt Nam là Ngọc Vân.

Về việc này, sách VNSL của Trần Trọng Kim chép như sau: “Cuối năm Giáp ngọ 1834, vua nước Chân Lạp là Nặc-Ông-Chân mất, không có con trai, quyền cai trị trong nước về cả mấy phiên liêu là bọn Trà- Long và La-Kiên. Những người này đều là người Chân Lạp mà lại nhận quan chức Việt Nam. Đến năm Ất vị 1835, Trương Minh Giảng xin lập người con gái của Nặc- Ông- Chân tên là Ang-mey lên làm quận chúa, gọi là Ngọc Vân công chúa, rồi đổi nước Chân lạp ra làm Trấn Tây Thành, chia ra làm 32 phủ và 2 huyện. Đặt một Tướng quân, một Tham tán đại thần, một Đề đốc, một Hiệp tán và 4 Chánh phó lãnh binh để coi mọi việc quân dân. Ở các chỗ yếu hại, lại đặt chức Tuyên phủ, An phủ để phòng ngự”. Hàm nghĩa rằng, cuối năm 1833, tức tháng 12, “Trấn Tây Thành thất thủ” là điều chưa chuẩn, dù rằng lúc này quả thật thành Nam Vang của nước Chân Lạp hồi ấy, đang được triều đình Minh Mạng bảo hộ có bị thất thủ trong thực tế trước quân Xiêm.

2-Tại trang 73, từ dòng thứ 5, có đoạn viết như sau: “Thắng lớn nhiều trận nên tháng 6 năm Ất Tỵ (1845) Doãn Uẩn được vua Minh Mạng sai quan Trung sứ phi ngựa trạm đến nơi quân thứ phong tước Tuy Tĩnh Tử, ban cho chiếc quạt có đề bài minh “Bình định Tiêm La” và một tập “Ngự chế kinh Tây kỷ tiệp” (tập sách vua làm, ghi việc thắng trận ở Trấn Tây) cùng một chén rót rượu bằng ngọc…”.

Theo người viết bài này, lại có điểm nhầm lẫn.

Căn cứ vào Quốc triều Chỉnh biên toát yếu do Quốc sử quán nhà Nguyễn làm ra xưa kia thì cuối năm 1840 hoàng đế Minh Mạng của Triều Nguyễn đã băng hà. Sách chép như sau, tại phần Đức Hiến Tổ Chương Hoàng Đế : “Năm thứ XXI,triều Minh Mạng 1840, tháng 12, Đức Thánh Tổ se, đòi ngài (tức vua Thiệu Trị sau đó –NV) vào chầu. Ngày 28 Đức Thánh Tổ đòi Ngài đến trước sạp ngự cầm tay Ngài truyền lời ngọc dụ khiến Ngài nối ngôi. Ngày ấy Đức Thánh Tổ thăng hà”. Như vậy, việc nói vào năm 1845, khi chết đã được 5 năm rồi, hoàng đế Minh Mạng còn sai sứ đi ngựa tới doanh trại phong tước Tuy Tĩnh Tử cho Doãn Uẩn là điều cần soát xét lại.

(Nói thêm,triều Nguyễn khi xưa có trình tự các tước vị Công, Hầu, Bá, Tử, Nam để phong ban cho công thần. "Tử" là tước vị áp chót trong hệ thống này.)

Sa Đéc-Đồng Tháp ngày 17/8/2011

Nguồn: http://tranminhtao.vnweblogs.com/post/23160/317672