Kỳ 04 - Hùng vương phiên bản Lê

HÙNG VƯƠNG "PHIÊN BẢN LÊ"


Khi Đại Việt một lần nữa giành lại độc lập từ tay nhà Minh, diễn ngôn về lịch sử lập quốc của người Việt lại được phát biểu một lần nữa. Lần này lại là một phiên bản khác. Phát biểu này rốt cuộc đã trở thành chuẩn mực, là chính thuyết. Đó là câu chuyện về Hồng Bàng thị với Kinh Dương vương, Lạc Long Quân – Âu Cơ. Sở dĩ diễn ngôn này có được quyền uy to lớn là vì nó được phát biểu bởi một bộ sử nhận được sự chuẩn thuận của triều đình Lê sơ – bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên.

Đám rước lễ hội đền Hùng năm 1920

Hùng vương qua diễn ngôn của Ngô Sĩ Liên

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư về cơ bản là một nỗ lực biên soạn của cá nhân Ngô Sĩ Liên.  Năm 1479, Ngô Sĩ Liên đã dâng sách này lên triều đình. Nó thay thế hoàn toàn cho một bộ sử trước đó được triều đình ra lệnh biên soạn và Ngô Sĩ Liên có tham gia một phần trong giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do bộ sách quan thư hoàn thành xong lại được cất ở Đông các và thậm chí sử quan như Ngô Sĩ Liên cũng “không được trông thấy nữa”. Ngược lại, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên được cất ở sử quán, “cũng đủ giúp ích nhiều cho những kẻ kê cứu về sau”.

Một trong những đóng góp nổi bật của Đại Việt sử ký toàn thư chính là quyển I của phần Ngoại kỷ. Trong quyển này, Ngô Sĩ Liên đã thêm vào kỷ Hồng Bàng thị và kỷ An Dương vương. Điều này bổ sung cho thiếu sót của Lê Văn Hưu khi chỉ mở đầu lịch sử Đại Việt ở thời Triệu Vũ đế. Nó cũng “bổ sung” cho “thiếu sót” của Đại Việt sử lược khi không nói rõ nguồn gốc xuất thân của Hùng vương. Hùng vương bây giờ có một phả hệ tương đối rõ ràng. Cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi lại đi tuần phương Nam, lấy con gái của Vụ Tiên (Vụ Tiên nữ, có người hiểu ba chữ này là tên người), sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục vì không muốn tranh ngôi với anh, đã bỏ xuống phương Nam, được phong là Kinh Dương vương, lập ra nước Xích Quỷ. Kinh Dương vương lấy con gái của Thần Long sinh ra Sùng Lãm, đó là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới con gái Đế Lai của họ Thần Nông là Âu Cơ (Đế Lai là con trai Đế Nghi), sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai. Rồi sau Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha xuống phía nam; lập người con trưởng làm Hùng vương, nối ngôi. Vua các đời đều gọi là Hùng vương. 

Hồng Bàng thị truyện trong Lĩnh Nam chích quái

Ngô Sĩ Liên và Trần Thế Pháp

Diễn ngôn của Ngô Sĩ Liên về Hùng vương có nhiều chỗ tương đồng với truyện Hồng Bàng thị trong sách Lĩnh Nam chích quái. Trong bài tựa tập thơ vịnh sử của mình vào năm 1520, sử gia Đặng Minh Khiêm lần đầu tiên nhắc đến “Lĩnh Nam chích quái lục của Trần Thế Pháp”. Tuy vậy, trước đó mấy năm, Vũ Quỳnh (năm 1492) và Kiều Phú (năm 1493) lần lượt tu chỉnh sách này đều không biết cụ thể ai là tác giả. Vũ Quỳnh suy đoán “ngờ rằng các bậc hồng sinh thạc nho đời Lý, Trần thảo sáng ra, rồi các bậc quân tử hiếu cổ bác nhã ngày nay nhuận sắc lại”. Tân đính Lĩnh Nam chích quái – một phiên bản tu chỉnh theo hướng tiểu thuyết chương hồi hóa của Lĩnh Nam chích quái – lại cho rằng những lời nhận xét này là của chính Trần Thế Pháp đề năm Hồng Đức thứ 8 (1477). Tại đó, Trần Thế Pháp ghi mình là “Mậu Tuất khoa Tiến sĩ, Mậu Lâm lang, Kinh Bắc đạo Giám sát Ngự sử, Thạch Thất, Thế Pháp Trần thị”. Bùi Văn Nguyên khi dịch sách này đã chỉ ra nhiều chỗ mâu thuẫn trong những thông tin ấy. Trần Thế Pháp nói có được bản sách này “mùa xuân năm Nhâm Tý niên hiệu Hồng Đức (1492)”, nhưng bài tựa lại được soạn xong từ 15 năm trước! Điểm mà Bùi Văn Nguyên không nhận ra là hình thức tiểu thuyết chương hồi với tiêu đề hai câu thơ đối ngẫu là một cấu trúc xuất hiện khá muộn. Cộng thêm bài từ mở đầu, nói gợi cho ta cấu trúc của tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa phiên bản Mao Tôn Cương thời nhà Thanh. Bài tựa của “Trần Thế Pháp” do đó có vẻ là một ngụy tạo từ bài tựa của Vũ Quỳnh.

Lĩnh Nam chích quái lục mà Đặng Minh Khiêm nhắc đến là một quyển sách được tàng trữ trong kho sách của triều đình và là “toàn tập” – nghĩa là sách không bị thiếu khuyết. Ngược lại, bản mà Vũ Quỳnh có được là một bản chép với nhiều lỗi sai. Do đó có thể suy đoán rằng thông tin của Đặng Minh Kiêm về việc Trần Thế Pháp là tác giả sách này là đáng tin cậy. Một bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyện lưu hành đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê đã nhận rằng sách này là do “Thạch Thất, Trần Thế Pháp, Thức Chi biên tập”, Vũ Quỳnh hiệu chính và Kiều Phú san định. Điều chúng ta có thể nói chắc là vào thời điểm Ngô Sĩ Liên biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, thì Lĩnh Nam chích quái đang được dư luận hết sức chú ý. Rốt cuộc hai phiên bản này có quan hệ thế nào?   

(Còn tiếp)