VÀI NHẬN ĐỊNH VỀ CÔNG LAO CỦA NGUYỄN CƯ TRINH ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT NAM BỘ VÀ AN GIANG GIỮA THẾ KỶ XVIII.

Post date: Oct 24, 2012 3:49:00 AM

Thái Trí Hải.

Bài Tham luận Hội thảo về danh thần Nguyễn Cư Trinh ngày 31-03-2011.

Lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ được ghi nhận từ chuyến đi kinh lược của Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam năm 1698 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu. Gần 60 năm sau, một vị danh nhân khác của miền Trung đã thừa lệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát theo bước của tiền nhân vào Nam tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long (tỉnh An Giang xưa), kết thúc quá trình Nam tiến vĩ đại của dân tộc. Đây chính là vùng đất cuối cùng chưa thuộc về Nam Bộ lúc bấy giờ và vị danh tướng đã đóng vai trò xác lập chủ quyền đất nước ta thời đó chính là Nguyễn Cư Trinh.

I. Lược sử vùng đất Nam Bộ trước khi Nguyễn Cư Trinh vào Nam.

Vùng đất Nam Bộ ngày nay trước kia thuộc về địa phận của vương quốc Phù Nam (thế kỉ I đến thế kỉ VII) và Thủy Chân Lạp (thế kỉ VII đến thế kỉ XVII). Nhưng những thành tựu còn tồn tại ở Nam Bộ cho đến ngày nay chủ yếu có từ thời của vương quốc Phù Nam với một nền văn hóa Óc Eo đa dạng và rực rỡ. Sau khi Chân Lạp trỗi dậy và thôn tính Phù Nam, vùng đất này được gọi là Thủy Chân Lạp. Cũng chính từ đấy, vùng đất này rất ít khi được chính quyền Chân Lạp quan tâm do những bất ổn trong nội bộ triều đình và nơi đây cũng chỉ có số ít người Khmer sinh sống lúc bấy giờ. Bước vào thế kỉ XVII, cuộc chiến tranh giữa hai thế lực Đàng Ngoài (chúa Trịnh) và Đàng Trong (chúa Nguyễn) xảy ra liên miên, đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, đói khổ. Từ đây, vùng đất phì nhiêu, màu mỡ nhưng còn rất hoang sơ, lầy lội ở phía Nam chưa được khai phá và trên thực tế chính quyền Chân Lạp cũng không kiểm soát nơi này đã được các lưu dân để ý đến. Họ mở đầu cho công cuộc di dân và khai hoang vùng đất này với mục đích tìm một mảnh đất an lành, tìm kế sinh nhai, lập nghiệp, đồng thời thoát khỏi cảnh chiến tranh, cướp bóc và nghèo đói tại chính quê hương mình.

Tiền đề mở đầu cho công cuộc khai phá miền Nam bắt đầu từ cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn (con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) với vua Chân Lạp là Chey Chetta II vào năm 1620, cuộc hôn nhân đã kết tình giao hảo giữa xứ Đàng Trong với vương quốc Chân Lạp. Năm 1623, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho một đoàn sứ bộ đến Chân Lạp xin vua Chey Chetta II cho đặt các sở thu thuế tại Prei Nokor và Kas Kobei (vùng đất Sài Gòn, Đồng Nai, Bà Rịa ngày nay) và cho phép lưu dân Việt vào sinh sống. Không lâu sau đó, nơi đây đã trở thành một thị tứ sầm uất, là địa điểm dừng chân nghỉ ngơi của các thương nhân người Việt với Xiêm La và Chân Lạp. Sự có mặt rất sớm của lưu dân người Việt tại đây đã tạo tiền đề cho công cuộc Nam tiến của dân tộc sau này.

Năm 1658, Nặc Ông Chân xâm phạm biên giới, chúa Nguyễn đã sai phó tổng Trấn Biên(1) là Tôn Thất Yên và các tướng tùy tùng đem 2000 quân đánh thành Hưng Phước (Mô Xoài), bắt được Nặc Ông Chân. Chúa Hiền tha cho nhưng với điều kiện triều đình Chân Lạp làm phiên thần nộp cống và không cho dân xâm nhiễu nơi đây,“người Cao Miên sợ uy đức của triều đình, lại nhường mà tránh, không dám tranh giành ngăn trở” (2).

Đến năm 1674, Nặc Ông Đài cùng với quân Xiêm La tiến đánh Sài Gòn. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Nguyễn Dương Lâm làm Thống suất đem binh tiến đánh, chiếm được Sài Gòn rồi tiến lên Nam Vang. Sau khi dẹp yên Nặc Ông Đài, chúa Nguyễn phong cho Nặc Thu làm quốc vương Chân Lạp, đóng đô ở Oudong; Nặc Non được phong làm đệ nhị vương đóng ở Sài Gòn, cả hai đều phải triều cống hằng năm.

Giữ thế kỉ XVII tại Trung Hoa, người Mãn Châu lật đổ nhà Minh và thành lập nhà Thanh, một số cựu thần nhà Minh không chịu phục tùng vương triều mới này đã cùng với những người thân của mình chạy sang Việt Nam, xin vào trú ngụ ở Đàng Trong.

Năm 1679, hai cựu thần của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài (Trần Thượng Xuyên) đem quân lính và gia quyến khoảng 3000 người đến cửa biển Tư Dung, Đà Nẵng xin hàng phục chúa Nguyễn Phúc Tần. Mặc dù rất ngại sự có mặt của nhóm người Hoa này những sự thực lòng của họ, chúa Hiền đã cho họ vào khai phá vùng đất Gia Định ( vùng đất đã có lưu dân Việt sống trước đó). Điều này đã được Trịnh Hoài Đức ghi nhận trong Gia Đình Thành thông chí như sau: “Khi ấy vì ở Bắc Hà thường loạn, mà quân nước ấy từ xa đến, thực dối chưa rõ, huống chi lại ăn mặc khác, tiếng nói khác, cũng khó sai khiến, nhưng họ cùng quân đến theo, tiết trung bầy tỏ, nghĩa không thể dứt được. Vả lại địa phương Đông Phố (tên riêng của Gia Định ngày trước) ở nước Cao Miên, đồng lầy nghìn dặm, triều đình chưa rỗi kinh lý, không gì bằng nhân sức lực của chúng, cho vỡ đất mà ở đó, đó là một việc mà được cả ba”. Sau đó, chúa Nguyễn cho nhóm Trần Thắng Tài vào Biên Hòa khai hoang, lập phố chợ và nhóm của Dương Ngạn Địch vào khai phá vùng đất Mỹ Tho, lập trang trại, thôn ấp.

Trước đó, năm 1671, một người tên là Mạc Cửu ở Quảng Đông (Trung Quốc) vì nhận thấy nhà Minh không thể phục hưng lại được nên chạy sang Chân Lạp, xin triều đình cho trú ngụ và khai phá vùng đất Mang Khảm (Hà Tiên). Từ đây, ông chiêu tập các lưu dân người Việt, Hoa đến làm ăn sinh sống và lập được 7 thôn xã. Trước tình hình bị giặc Xiêm quấy rối trong thời gian này, năm 1708, Mạc Cửu sai bọn Lý Xá và Trương Cần ra Thuận Hóa xin thần phục chúa Nguyễn, xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa Hiển Tông chấp thuận và phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh và trao ấn để giữ trấn Hà Tiên (3).

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ (tước Lễ Thành hầu) Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược miền Nam, nhận thấy nơi đây đất đai trù phú, lưu dân người Việt đến đây sinh sống làm ăn đông đúc nhưng lại không có một đơn vị hành chính nào để tiện quản lý, kiểm soát vùng đất này. Vì vậy, ông cho “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt ra các chức Cai bạ, Lưu thủ, Ký lục để giữ và chăm dân” (4). Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử khai phá vùng đất mới Nam Bộ, triều đình đã đặt được nền hành chính trên vùng đất mới và cai quản đến nơi đây.

Năm 1731, lưu dân người Việt tại Gia Định lại bị người Chân Lạp tấn công, nhưng lần này do một tên người Lào là Sá Tốt chỉ huy. Chúa Nguyễn Phúc Chú cử Trương Phúc Vĩnh điều khiển binh đi đánh dẹp nhằm bảo vệ nhóm người Việt tại đây. Sau trận này, do bị chúa Nguyễn buộc tội Chân Lạp cho Sá Tốt mượn dân và quân lính, vua Chân Lạp là Nặc Tha chính thức nhường hai tỉnh Me Sa (Mỹ Tho) và Long Hork (Long Hồ) để xin được tha. Năm 1732, chúa Nguyễn cho đặt châu Định Viễn, lập dinh Long Hồ (5). Như thế, nền hành chính của chúa Nguyễn đã vươn tới đây.

Như vậy, kể từ khi nhóm lưu dân người Việt đầu tiên vào khai khẩn Nam Bộ vào thế kỉ XVII, đến nửa đầu thế kỷ XVIII, xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn đã được mở rộng thêm được một vùng đất rộng lớn, trù phú ở phía Nam. Bằng những chính sách mềm dẽo và khôn khéo, với mục đích trên hết là bảo vệ lưu dân người Việt vào Nam sinh cơ lập nghiệp, chúa Nguyễn đã dần đặt được nền hành chính cai trị trên vùng đất mới này.

II. Nguyễn Cư Trinh với việc xác lập chủ quyền vùng đất Nam Bộ và An Giang giữa thế kỷ XVIII.

Trước khi Nguyễn Cư Trinh vào Nam, vùng đất Nam Bộ đã được mở rộng và sáp nhập vào xứ Đàng Trong đáng kể, duy chỉ còn vùng đất nằm ở phía Bắc Hà Tiên và phía Nam Gia Định từ Long Hồ trở vào là còn thuộc quyền cai quản của triều đình Chân Lạp. Thực sự đã từ rất lâu nơi đây đã có người Việt đến sinh sống, triều đình Chân Lạp cũng không mấy quan tâm đến vùng đất này và cũng không cắt cử quan lại đến trông coi. Năm 1753, Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Khoát vào Nam. Cũng chính từ giai đoạn này, bằng tài thao lược dụng binh, cùng với những chính sách quốc phòng, an sinh hiệu quả, Nguyễn Cư Trinh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong việc hoàn tất chính sách mở cõi của chúa Nguyễn về phương Nam, khẳng định chủ quyền lịch sử của dân tộc về biên giới quốc gia.

Chính sách “tàm thực” của Nguyễn Cư Trinh, một phương thức đối ngoại khôn khéo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một vị tướng tài giỏi trong việc mở rộng chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

Năm 1692, vua Chiêm Thành là Bà Tranh bị quân nhà Nguyễn đánh bại, một số người dân nước này chạy sang lánh nạn ở Chân Lạp nên gọi là người Côn Man. Những người Côn Man này bị người Chân Lạp đối xử rất tệ, đa số họ bị bắt làm nông nô; nạn cướp, giết người Côn Man lại thường xảy ra. Do người Côn Man trước kia đều là dân của nước Chiêm Thành, sau này bị sáp nhập vào biên giới của xứ Đàng Trong, vì vậy chúa Nguyễn nhận thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho họ. Năm 1753, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Nguyễn Thiện Chính, Nguyễn Cư Trinh đem quân vào đánh Chân Lạp để cứu thoát cho nhóm người Côn Man này.

Năm 1755, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên thua trận và phải nương nhờ Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên. Đến năm 1756, Nặc Nguyên “xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp (vùng Tân An và Gò Công) và nạp bù lễ cống ba năm trước còn thiếu để chuộc tội” (6). Chúa không chấp nhận, Nguyễn Cư Trinh liền tâu: “…. Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này, trước để cũng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần, mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật là khó. Trước kia, mở mang đất Gia Định tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Côn. Đó là cái kế ‘tằm ăn lá dâu’ ” (7). Trước lời phân tích rất thuyết phục của Nghi biểu hầu, chúa Nguyễn chấp nhận “thu lấy hai phủ ấy, ủy thần xem xét hình thế, đặt lũy đóng binh, cấp điền sản cho quân, dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn để thu lấy toàn thể vùng đất ấy” (8).

Như vậy, với chính sách “tàm thực”, Nguyễn Cư Trinh đã giúp cho chúa Nguyễn thu về hai vùng đất mới, tạo điều kiện cho lưu dân người Việt yên tâm làm ăn, gây dựng sự nghiệp. Đồng thời, việc sáp nhập hai vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp vào châu Định Viễn đã giúp cho hệ thống cai trị hành chính của triều đình vươn xa thêm về phía Nam.

Nguyễn Cư Trinh đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử dân tộc với việc đưa mảnh ghép địa giới cuối cùng vào lãnh thổ Đại Việt. Riêng đối với đất Nam Bộ, ông đã hoàn thành sứ mệnh xác lập chủ quyền biên giới và bước đầu xây dựng nền hành chính vững vàng tại vùng đất mới này.

Năm 1757, Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận thay quyền trông coi việc nước. “Quan phụ trách Gia Định tâu xin nhân đó lập lên để tỏ ý ban ơn và để cho biên giới được giữ vững” (9), Nặc Nhuận vì thế mà xin dâng hai phủ Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre) và Ba Thắc (Sóc Trăng, Bạc Liêu) cho chúa Nguyễn. Không lâu sau khi lên ngôi vua, Nặc Nhuận lại bị con rễ là Nặc Hinh giết để cướp ngôi. Trước sự bất ổn triều chính của Chân Lạp, chúa Nguyễn cho Thống suất Trương Phúc Du tiến đánh Nặc Hinh, rồi lập con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn lên làm vua Chân Lạp. Để tạ ơn, Nặc Tôn xin hiến đất Tầm Phong Long (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu) cho chúa Nguyễn.

Như vậy, Tầm Phong Long (còn gọi là Kampong luôn hay Tầm Phong Xuy) là vùng đất cuối cùng được nhập vào lãnh thổ nước ta. Việc tiếp nhận Tầm Phong Long còn mang một ý nghĩa lớn lao khác, đó là tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển của tỉnh An Giang sau này.

Ngoài công lao lớn đối với lịch sử dân tộc, Nguyễn Cư Trinh còn là một vị danh nhân của vùng đất An Giang nói riêng khi ông đã có công lớn trong việc đặt cơ sở hành chính, cũng cố quốc phòng và chiêu mộ lưu dân đến sinh sống tại đây. Tất cả những yếu tố đó đặt nền tảng cho sự hình thành tỉnh An Giang về sau, vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng của miền biên ải, địa đầu cực Tây Nam của Tổ quốc.

Sau khi Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã cử Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du vào tiếp nhận và đặt nền hành chính trên vùng đất mới này. Phúc Du và Cư Trinh tâu với chúa Nguyễn “dời dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (nay là thôn Long Hồ, tức là tỉnh lỵ Vĩnh Long). Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp” (10).

Việc lập ra các đạo tại các địa điểm trọng yếu trên cũng không nằm ngoài mục đích cũng cố biên thùy, bảo vệ cho các lưu dân khẩn hoang, sinh sống tại đây. Tại khu vực thượng nguồn sông Tiền, đạo Tân Châu có đồn quân lính đóng ở Koh Teng, tức Bãi Dinh (Cù lao Giêng ngày nay, sau dời về thôn Long Sơn); đạo Châu Đốc ở thượng nguồn sông Hậu có đồn quân đóng ở Mok Chruk (tức Châu Đốc); hai đạo này nằm ở vị trí án ngữ dinh Long Hồ, đồng thời Nguyễn Cư Trinh cho đặt đạo Đông Khẩu ở phía nam, đồn quân đóng ở Phsar Dek (Sa Đéc) làm hậu thuẫn cho hai đạo tiền phương, cả ba đạo tạo thành tam giác có nhiệm vụ phòng giữ vùng đất mới này.

Sau khi hoàn thành việc xác lập nền hành chính mới, đồng thời để tạo điều kiện cho lưu dân người Việt đến sinh sống, khai hoang, Nguyễn Cư Trinh đã thực hiện việc tổ chức an sinh vùng đất mới này. Lúc đầu khi mới tiếp nhận vùng đất này, những vùng dọc biên giới là nơi cư trú của người Khmer bản địa, còn những vị trị dọc các bờ sông Tiền và sông Hậu chỉ có vài thôn xóm nhỏ lẻ của người Việt, chủ yếu là gia đình các binh sĩ ở lại đây. Về sau, khi việc quản lý trật tự và ổn định về mặt hành chính được vững vàng, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn tài nguyên phong phú, lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông đúc thông qua chính sách khẩn hoang của chúa Nguyễn. Ví như tại Bãi Dinh (Cù Lao Giêng) được Trịnh Hoài Đức miêu tả như sau: “ở đây có nhiều đầm chằm ruộng cá, lũ lượt, cứ 15 người làm thành một đoàn, rẽ bùn phát cỏ, bắt cá để làm mắm hay phơi khô, chém nứa làm bè, đem bán các nơi, đều nhờ được lợi tự nhiên” (11).

Để tránh nạn cướp bóc cho các thuyền buôn, đảm bảo sự thông thương buôn bán trên sông rạch ở vùng đất mới, Nguyễn Cư Trinh “bày ra lệ bắt thuyền các Hạt, bất luận lớn nhỏ, trước mũi phải khắc tên họ, quê quán, chủ thuyền và ghi bộ quan sở tại để tiện tra xét” (12).

Dưới thời vua Gia Long, ông đã đổi vùng đất Tầm Phong Long này thành Châu Đốc tân cương. Đại Nam nhất thống chí mục tỉnh An Giang có chép: “vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu dời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc tân cương”, một yếu tố góp phần khẳng định công lao của Nguyễn Cư Trinh với việc xác lập vùng đất An Giang ở giữa thế kỷ XVIII.

Tài năng quân sự của Nguyễn Cư Trinh đối với cả vùng đất Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng còn được thể hiện ở phương pháp “dĩ địch chế địch” để phòng giữ các vị trí ở miền biên giới và ở những vị trí thường xuyên bị người Chân Lạp quấy phá, đồng ông cũng đã tổ chức cho những người Chăm sống ở Chân Lạp trở về quê nhà sinh sống (kể từ khi Chiêm Thành bị sáp nhập vào Đại Việt) trên những vùng đất mới khai phá này.

Năm 1755, khi tiến đánh Chân Lạp để giải cứu người Côn Man bị ức hiếp, Nguyễn Cư Trinh đã cho 5000 người Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đinh (núi Bà Đen, Tây Ninh) (13). Năm 1756, khi tiếp nhận vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp, Nguyễn Cư Trinh đã từng tâu với chúa Nguyễn cho người Côn Man trấn giữ nơi đây: “Thần thấy rợ Côn Man đánh đường bộ rất tài, quân Chân Lạp cũng đã chột dạ. Nếu cho rợ Côn Man ở đấy, sai nó ngăng chống, lấy mọi đánh rợ, cũng là kế hay” (14). Năm 1757, sau khi tiếp nhận Tầm Phong Long và đặt nền hành chính cai quản nơi đây, ông cũng đã bố trí cho người Côn Man đến trấn thủ.

Theo Biên niên sử An Giang có chép thì vào năm 1775, Nguyễn Cư Trinh đưa một số người Chăm từ Chân Lạp về định cư ở núi Bà Đen (Tây Ninh), Hồng Ngự, Châu Giang,...

Như vậy, đến giữa thế kỷ XVIII, công cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc kết thúc, toàn cõi Nam Bộ được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt bằng những biện pháp khôn khéo của những bậc tiền nhân, người đảm nhận sứ mệnh lịch sử cuối cùng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc không ai khác chính là Nguyễn Cư Trinh. Ngoài công lao đối với vùng đất Nam Bộ, ông còn đặt dấu ấn rõ nét đối với vùng đất An Giang xưa và nay, góp phần khẳng định chủ quyền của vùng đất này, tạo điều kiện, tiền đề cho những bậc nhân tài về sau tiếp tục đóng góp công lao của mình cho sự hình thành và phát triển của tỉnh An Giang cho đến hôm nay.

Chú thích:

(1) Gia Định Thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức chép: khi bắt đầu mở mang bờ cõi, những nơi ở đầu địa giới gọi là Trấn Biên, dinh Trấn Biên vào thời gian này chính là Phú Yên ngày nay.

(2) Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí

(3) Phan Khoang. Việt Sử xứ Đàng Trong.

Cũng ở Chi tiết này, GĐTTC của Trịnh Hoài Đức chép: Năm 1714, mùa thu, tháng 8, Sắc cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu ngọc hầu, bèn lập nên doanh ngũ, đóng ở địa phận Phương Thành, dân ngày về càng nhiều.

(4) Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí

(5) Theo Trịnh Hoài Đức chép trong GĐTTC: dinh Long Hồ sau này thuộc thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường ngày nay, tục gọi là dinh Cái Bè.

(6) (7) (8) Nguyễn Phan Khoan. Việt Sử xứ Đàng Trong.

(9) Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí

(10) Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục, tập 1, NXB GD, 2006.

(11) Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí

(12) Vương Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa

(13) Trịnh Hoài Đức. Gia Định Thành thông chí

(14) Vương Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa