Tín ngưỡng thờ "Ông Tà" ở một số địa phương An Giang

Post date: May 2, 2012 4:56:56 AM

TÍN NGƯỠNG THỜ “ÔNG TÀ” Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG AN GIANG

Liêu Ngọc Ân.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 84, tháng 3-2012, trang 10-12.

Thuở quần cư “khai sơn phá thạch”, để tồn tại trong môi trường sống khó khăn, cộng đồng người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer ở Nam Bộ kết chặt với nhau để đối mặt với thiên tai, địch họa. Sự cộng cư bền vững này trải qua nhiều giai đoạn làm cho phong tục, văn hóa, tín ngưỡng của mỗi tộc người hài hòa, đan xen, tạo thành sợi dây vô hình cột xiết họ lại với nhau gần hơn trong quan hệ xã hội. Dấu ấn điển hình của quá trình giao thoa – đồng vị văn hóa, tín ngưỡng là tục thờ Ông Tà của cộng đồng người Khmer và người Việt. Tuy cùng là bản thể tín ngưỡng nhưng ở góc độ đặc trưng văn hóa vùng, miền thì mỗi địa phương có những điểm khác biệt – từ việc thờ cúng, quan niệm về vai trò, vị trí của Ông Tà trong đời sống hàng ngày; giai thoại về nguồn gốc, sự linh nghiệm trong thế giới tâm linh…

Tục thờ Ông Tà của người Việt bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Tà thần có từ lâu đời trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer. Ông Tà có nghĩa là Néak Tà, Néak (danh từ) người nói chung, Tà = đàn ông đứng tuổi => đều là danh từ chung, không cụ thể hóa. Về nguồn gốc, vai trò, nhiệm vụ của Ông Tà như thế nào trong đời sống tâm linh người Việt, Khmer hiện có nhiều cách giải thích; chung quy cho rằng Ông là vị thần quan trọng trong việc quản lý thôn xóm, bảo vệ mùa màng, giúp dân tai qua nạn khỏi… Ông luôn xuất hiện mọi lúc, mọi nơi khi cầu khẩn, lúc đáp lễ khi việc đắc thành; sẵn sàng quở phạt khi người đời xem thường phá quấy, thất hứa, làm điều phạm thượng. Vai trò, địa vị của Ông Tà sánh như Thành Hoàng bổn cảnh, Thổ Địa, Thần Tài, Bà Mẹ Sanh…Hiện nay trên đỉnh núi Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) có một miễu Ông Tà bên cạnh tảng đá to, sớm chiều khói hương nghi ngút, luôn có mâm cỗ (trái cây, bông) đặt ngay ngắn trước miễu thờ. Vùng Lung Ấu (Bình Chánh, Châu Phú) có miễu thờ Ông Tà bên cạnh cây gáo to giữa đồng, có tên gọi là ông Tà Sen (vùng này trước kia sen mọc tự nhiên như đám rừng). Vùng đìa lạng, dân gian gọi đìa Cá Chết, thuộc xã Bình Chánh, Châu Phú (do mùa nắng khô hạn, cá trên đồng rút xuống đìa, nắng nóng, nước khô, cá dày đặc nên chết đầy cứng cả đìa) có miễu Ông Tà cất ngay ngắn bên cạnh bờ đìa, người dân gọi là Ông Tà đìa Cá Chết. Miễu thờ Ông Tà bên cạnh hai cây Da to tán lá xum xuế trước miếu Tiền Hiền trên quốc lộ 91 thuộc Bình Mỹ, Châu Phú. Có nơi thờ Ông Tà trong miễu cạnh hông, trong nhà (vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới), trong chùa (chùa Khmer Tri Tôn, Tịnh Biên). Gần ngọn Hang Tra (Cần Đăng, Châu Thành) miễu thờ Ông Tà được xây cất bằng gạch men, cao, rộng thoáng rất đẹp; chẳng biết tại sao người ta gọi miễu Bà Tà (có lẽ ảnh hưởng quan niệm tục thờ Bà, như Bà Chúa xứ…) mà không phải Ông Tà, thực chất đó là Ông mới đúng.

Người dân xã Cần Đăng kể rằng: khi thi công đào kinh nối từ ngọn rạch Hang Tra ngã ba giáp 3 xã Bình Chánh (Châu Phú), Cần Đăng và Vĩnh Hanh (Châu Thành) xuống chợ Cần Đăng, xáng múc cạp phải một cục đá (hiện cục đá này được thờ trong miếu) tuy không to (bằng cái thúng giê) nhưng xáng kéo không lên, thợ lặn xuống thăm dò thì không thấy gì ngoài cục đá, cố kéo thử ba, bốn lần nhưng chẳng xê dịch. Nghe lời mách bảo của các bậc lão niên, chủ xáng phải cúng một con heo quay và van vái xin phép thần linh sở tại để tiếp tục công việc, sau đó mới lấy cạp lên được.

Trong tâm thức tín ngưỡng người Việt, Ông Tà không có hình hài cụ thể như Thành Hoàng, Ông Địa. Ông Tà chỉ có phần hồn, những hòn đá tròn, hoặc bầu dục – nhẵn to (hoặc vừa) mang tính tượng trưng cho linh hồn Ông. Một số nơi vì lý do nào đó người ta cụ thể hóa Ông bằng những hình tượng, có lẽ vì thế thoạt trông Ông Tà vừa giống Sơn thần, vừa mang dáng Thổ công… chứng tỏ sự thay đổi trong quan niệm tín ngưỡng dân gian của người dân đã đi từ cái trừu tượng thành cái cụ thể, dù không rõ ràng so với hình dạng một số thần linh khác.

Vì hình thể là những cục đá nhẵn – đen – xám nên trong dân gian (vùng Châu Phú, Châu Thành) còn lưu truyền câu “đen như Ông Tà, Ông Tà đen”; còn “Ông Tà đỏ” chẳng qua là việc mô phỏng theo chiếc khăn màu đỏ chùm lên, hoặc cột ngang cục đá (Ông Tà) mà thôi. Tại sao Ông Tà được trùm, hoặc cột chiếc khăn màu đỏ mà không phải một màu nào khác? Màu đỏ trong quan niệm dân gian tượng trưng cho sự thịnh vượng, điều may, việc tốt đẹp…; còn là sự hài hòa mang tính hình thức của nhu cầu về cái đẹp; xa hơn nữa đó là triết lý “âm – dương” – màu đỏ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, tốt đẹp (dương), Ông Tà màu đen, xám, sống cùng đồng ruộng => đất (âm) => âm dương hài hòa.

Nghi thức thờ Ông Tà rất đa dạng, xuất phát từ tính cách bình dị, giản đơn của đời sống người dân nông nghiệp (lúa nước); không giống như thờ những vị thần khác miếu thờ sang trọng, trong sáng, hài hòa, phong thủy… Ông Tà được thờ ở khắp mọi nơi, từ đồng cạn đến đồng sâu, từ trong nhà ra ngoài ruộng, từ chỗ cao đến bệ đất thấp, từ chỗ nhộn nhịp đến vắng vẻ; miễu thờ là những chòi cất bằng tre, lá…, đủ để đặt cục đá, lư hương, vài ly nước, dĩa bánh. Ông Tà sen ở rạch Lung Ấu được thờ trong bọng cây gáo nằm thoi loi ngoài cánh đồng; bên bờ đìa Cá Chết, Ông Tà chỉ sở hữu ngôi miễu nhỏ giữa bạt ngàn cây gáo, cây tre; dưới hai gốc cây Da (xã Bình Mỹ, Châu Phú) có miễu thờ nhỏ trông rất sơ sài… Hình thức thờ này chứng tỏ Ông Tà là vị thần bình dị, gần gũi với tính cách của người dân nông nghiệp; ngày nay khi đời sống được nâng cao, một số nơi miễu thờ được xây cất khang trang.

Việc lễ cúng Ông Tà thông thoáng, không theo một ngày – giờ cố định nào, Ông Tà ở xa ngoài ruộng có khi cả tháng người dân vẫn chưa đến nhang khói; miễu thờ trong – gần nhà thì được cúng bái sớm hôm. Về mâm lễ cúng cũng không mang tính quy định, rườm rà, nhân dân cầu gì – vái gì cúng lễ vật ấy; khi đầu heo (thủ vỉ) luộc, lúc thì cặp cá lóc nướng trui và xị rượu, khi thì con gà luộc và rượu, lúc nải chuối, miếng bánh in; mâm lễ cúng bày trước sân, trong nhà, hoặc đem ra miễu đều được. Câu khấn vái trả lễ không theo bài bản nhất định, thường là: “Hôm nay ngày…tháng…(theo âm lịch) con có nấu…(lễ vật – “mâm cơm, cá, rượu) cúng Ông Tà (thường vái chung với thổ thần – “đất đai, Thổ Địa”) để trả lễ về việc (việc đã cầu)… Mời Ông về chứng giám, bớ Ông Tà…”. Đọc xong lời khấn, gia chủ phải ăn trước một miếng để chứng thực cho lễ vật trong sạch – không có độc (nếu lễ vật gồm nhiều thứ thì dùng mỗi thứ một miếng).

Tại sao khi cúng trả lễ cho Ông Tà người ta phải ăn trước? Giai thoại rằng: Ông Tà thời bình sinh rất hiền, hay giúp đỡ người khác, nhưng khó tính nên bị kẻ ganh ghét đầu độc chết bằng thức ăn. Bởi tính hiền từ, giúp người nên được thành thần, do “ám ảnh” tiền kiếp nên khi ăn đồ cúng tế Ông Tà chỉ ngửi. Người đời thấy vậy lúc bày mâm cổ cúng, để chứng thực thức ăn không có độc, người cúng phải nếm trước. Ngoài việc làm vật cúng đáp lễ theo lời vái, người dân còn cúng khi vụ mùa đã thu hoạch xong; cúng Ông Tà kết hợp với cúng đất đai, Thổ thần, cầu xin cho mùa sau làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên…

Ông Tà là hình ảnh trừu tượng, việc thờ cục đá mang tính tượng trưng, nhưng trên thực tế có rất nhiều tên gọi địa danh cho Ông Tà: Tà Sen, Tà đìa Cá Chết, Tà Cây Da, Tà Chòm gáo, Tà Tẹt Kẹt (một số nơi chỉ thờ nhưng không đặt tên)… Vậy có bao nhiêu ông Tà? Thực tế Ông Tà chỉ có một, giống như Bà Mẹ Sanh, Sơn thần, Thổ thần; việc Ông có nhiều tên gọi là do người đời lấy tên, hoặc đặc trưng của một vùng đất làm tên gọi cho Ông. Người ta tin rằng, làm như thế sẽ giúp cho vùng đất, con người nơi ấy được bình an, thuận lợi trong lao động sản xuất, làm biểu tượng sự linh ứng của vùng đất; phần nữa còn làm ranh giới phân định phạm vi đầu làng, cuối xóm như hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình.

Sự linh thiêng của Ông Tà cũng được khẳng định, dân gian có câu “hữu thành ắt hữu thần”, chính vì thế ở rất nhiều nơi Ông Tà được tin tưởng tuyệt đối như các vị thần khác. Hễ gặp trắc trở, xui rủi người ta thường khẩn: “Ông Tà ơi độ cho con (gia đình) qua việc xui này; độ cho con tìm được (vật làm rơi mất)…; độ cho con bán được (vật cần bán)”…, sau lời cầu khẩn là lễ vật hứa cúng khi việc đắc thành. Chẳng ai dám thốt lời sàm bậy, hứa suông, thề thốt khi bản thân làm sai, quấy phá, thách thức Ông, nếu phạm phải sẽ bị quở phạt và xin Ông tha tội.

Có một câu chuyện thực như đùa (?!) được một lão nông cao niên kể lại cách nay đã lâu về sự linh thiêng của ông Tà Sen ở rạch Lung Ấu như sau: Xưa, bên cạnh miễu thờ hiện nay có hai cây gáo thật to, mỗi cây ba người ôm không xuể, chủ đất muốn đốn một cây để cưa ván cất nhà, nghĩ “vật vô chủ” chẳng nhằm gì, ông ta leo lên chưa hạ được nhánh nào thì bị té nhào xuống đất hộc máu, nằm bệnh cả tháng, gia đình lo lắng chạy chữa nhưng không khỏi. Một hôm chủ đất nằm mộng thấy người đàn ông thân hình vạm vỡ, đầu trọc, nước da ngâm đen, xưng là Ông Tà và nói rằng người này đã phá chỗ ở của Ông; muốn hết bệnh và đốn được cây gáo phải cúng một thủ vỉ heo, phải cất ngôi miễu thờ bên cạnh cây còn lại, lấy một hòn đá trong bọng cây ra đặt lên miễu, nhang khói thường xuyên. Quả đúng, chủ đất này hôm sau sai người nhà làm y như lời chỉ dạy của người đàn ông (Ông Tà) trong mộng, vài ngày sau thì hết bệnh hẳn, cây gáo được hạ xuống mà không có chuyện gì. Hiện nay, hòn đá vẫn còn được thờ trong ngôi miễu bên cạnh cây gáo còn lại.

Về sau, một vài thanh niên đến miễu xin số, chẳng thấy gì, liền không tin vào sự linh ứng đã đến đạp miễu, ít hôm sau phát bệnh nặng (chân sưng phù, đi lại không được, chuẩn đoán không biết bệnh gì), chữa trị nhiều tháng không khỏi. Gia đình đi xem bói thì được một lão đạo cao tay ấn phán rằng đã phạm thượng bề trên – đạp miễu, phá chùa, phải làm lễ cúng để tạ lỗi. Nhớ lại, nghe lời ấn chỉ, họ làm heo đem ra miễu ông Tà Sen cúng van xin tha tội, sau đó hết bệnh ngay.

Chính từ những câu chuyện linh tính đó nên ông Tà Sen rất được người dân vùng Lung Ấu, Bình Chánh và nhiều người xứ xa đến vùng làm ăn tôn thờ, cúng bái thường xuyên. Khi mùa màng xong, họ dâng lễ tạ ơn Ông đã giúp đỡ trong việc đồng áng. Tuy vậy, ông Tà Sen rất vui tính và gần gũi, thuở ấy mỗi chiều khi tắm bọn trẻ thường mượn “xác” Ông đùa giỡn, bằng cách: lấy hòn đá ném xuống nước rồi tìm kiếm, mỗi lần ném như thế dù đánh dấu chỗ ném nhưng bọn trẻ tìm mãi không được, khi nào nói “chịu thua” Ông mới xuất hiện, lại ngay chỗ vừa ném (dù đã tìm rồi) chỉ việc lặn xuống lấy lên là có ngay. Mùa nước lụt năm 1978 và 2000, sóng to, gió lớn cây cối bị cuốn trôi theo sóng dữ ba đào, duy chỉ có cây gáo và miễu Ông nằm thoi loi giữa đồng vẫn còn sừng sững. Dân vùng này càng tin tưởng sự linh thiêng của Ông hơn. Có lẽ “Hữu thành ắt hữu thần” là nguyên tắc dường như không thể lý luận khoa học được (!?)…

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh An Giang miễu thờ Ông Tà được dựng khắp nơi, nhất là ở những chỗ vắng vẻ, người dân lập miễu thờ, rồi thỉnh một cục đá tròn, bầu dục, nhẵn đặt vào miễu mang tính tượng trưng cho linh hồn Ông; để xua tan đi vẻ cô tịch, hoang sơ, làm cho không khí vùng đất đó thêm ấm cúng. Nhiều người chẳng hiểu lầm tưởng miễu thờ âm binh – cô hồn, thực ra không phải thế, miễu thờ âm binh – cô hồn thì không có cục đá.

Theo thời gian, sự linh thiêng diễn ra thế nào trong thế giới quan tín ngưỡng dân gian là điều thuộc về bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Việc thờ cúng Ông Tà ăn sâu vào tâm thức, quan niệm của người dân Nam Bộ trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên để tồn tại khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Xét về góc độ lịch sử, văn hóa, tính cộng đồng dân tộc thì tục thờ trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần người Việt – Khmer Nam Bộ, kết quả quá trình cộng cư, giao thoa văn hóa thời khai hoang mở cõi. Vì vậy, cần phải được giữ gìn, nghiên cứu một cách toàn diện.

Một số nơi việc thổi phồng sự linh thiêng của Ông Tà dẫn đến cực đoan, mê tín, cúng bái tùy tiện, vịn cớ để xây cất quá mức quy mô miễu thờ, mất đi bản thể ban đầu của tín ngưỡng. Bên cạnh, kéo theo hàng loạt những biến tướng làm cho tín ngưỡng dân gian chân chính trở thành chuyện lố lăng, ngậu xị trước bàn quan thiên hạ như xin số, lên đồng, lên xác… gây mất an ninh trật tự, bản sắc văn hóa, cần sớm khắc phục.