Tính chất Phật giáo Đại thừa Phù Nam.
Post date: May 18, 2015 5:01:49 AM
TS. Thông Thanh Khánh.
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật Giáo số 11.
Văn hóa Óc Eo là một phức hệ văn hóa đa dạng, vốn sản sinh từ yếu tố nội sinh kết hợp với nguồn năng lực văn hóa ngoại sinh đã thực hiện tạo nên văn minh sông nước rực rỡ. Nền văn minh ấy được phôi bào trong yếu tố miền cảng thị, hấp thu tinh thần văn hóa Ấn Độ đã để lại cho nhân loại những nguồn di sản vô cùng quý giá. Trong nguồn di sản vô cùng quý giá ấy, Phật giáo đã đóng một vai trò không nhỏ vào sự phát triển của nền văn minh, văn hóa này.
1- Từ triều đại Srimara đến bộ kinh Thắng ManPhật giáo Phù Nam được xem như có mặt sớm nhất tại vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa. Thật ra, ngay như trong một tên gọi mà bi ký Võ Cạnh vào thế kỷ thứ I STL đề cập đến một triều đại có tên gọi là Srimara đã phản ánh phần nào về vai trò Phật giáo Đại Thừa ở ‘quốc gia Phú Nam’ này. Srimara hay Srimala là tên gọi của một bộ kinh Đại thừa Phật giáo nói về vai trò của ngũ giới. Tên đầy đủ của bộ kinh này l
à Srimala- Simhanada- Sutra , dịch ra tiếng Hán là Thắng Man Sư Tử Hồg Nhất Thừa Đại Phương Tiện Phương Quảng kinh , thường gọi tắt là Kinh Thắng Man. Nội dung chính yếu của bộ kinh này nói về Thắng Man phu nhân, với nhân cách tượng trưng cho tinh thần tuyệt đối bình đẳng của Đại thừa, thiên chức làm mẹ của Bồ tát. Bồ tát không phải là con đường dành riêng cho hàng Thánh giả xuất thế, bậc đại trượng phu, hay một hạng người đặc biệt nào, bởi vì Phật tính vốn bình đẳng nơi tất cả chúng sinh. Chí nguyện và trách nhiệm ấy được thể hiện trọn vẹn trong cốt cách của một nữ Phật tử. Với thiên chức làm mẹ, Bồ tát ôm trọn cả thế gian vào trong lòng bao dung trời biển của mình. Thắng Man là bảng chỉ dẫn các phương pháp nuôi lớn thánh thai của Bồ tát, mở rộng tình mẹ bao la của Bồ tát, do thế không chỉ riêng biệt dành cho phụ nữ, mà con đường thực hiện của Bồ tát đạo. Như vậy nhân cách Thắng Man và nguyên lý Thắng Man đã nằm trọn trong tiêu đề kinh.
Về tiểu sử Thắng Man phu nhân, hiện chúng ta biết rất ít, ngoại trừ những điểm chính được nói ở phần mở đầu của kinh. Các tài liệu trong điển tích Phật giáo Trung Hoa hiện có cũng không nói gì nhiều hơn những điều mà kinh này nói. Như vậy, chúng ta biết một cách vắn tắt về thân thế của phu nhân như sau: phu nhân là con gái của vua Ba Tư Nặc và Mạt Lị phu nhân, là vương phi của vua Hữu Xứng.
Ba Tư Nặc và Mạt Lị phu nhân là hai đệ tử danh tiếng của Đức Thích Tôn. Nhà vua có một đức tin thuần khiết, vững mạnh trong giáo pháp của Phật. Điếu này được đề cập rất nhiều trong các kinh điển, nhất là kinh điển Nguyên thủy, Kinh Pháp Trang Nghiêm ghi chép sự bày tỏ của vua về những niềm tin trong sáng của mình đối với các phẩm tính tuyệt vời của Đức Như Lai, về Chánh pháp được Như lai khéo giảng thuyết, và về toàn thể Tăng chúng sống hòa thuận, vui tươi , khéo tu tập dưới sự hướng dẫn của Đức Như Lai. Trong một đoạn kinh khác thuộc Trung Bộ 12 có ghi rằng , vào môt lúc nọ, nhà vua đến viếng Phật và cũng ngay lúc ấy cung nhân đến báo tin Mạt Lị phu nhân vừa sinh một công chúa. Vua tỏ ý không vui về tin này, vì nhà vua thích con trai hơn. Nhưng Đức Phật giảng giải rằng, trong nhiều trường hợp, con gái vẫn xứng đáng hơn con trai. Tài liệu kinh điển Pali chỉ biết vua và hoàng hậu Mạt Lị có một người con gái, nhưng không thấy nói rõ tên. Tài liệu kinh điển Pali cũng cho biết, nhà vua có một vị công chúa tên gọi là Vajiri hay Vajirakumàri ( Kim cang vương đồng nữ ), về sau được gả cho vua A Xà Thế nước Ma Kiệt Đà. Nhưng các tài liệu này không chỉ rõ Vajiri là con gái của vị vương phi nào.
Thắng Man là tên gọi được dịch từ tiếng Phạn, theo Cát Tạng, tiếng Phạn gọi là “Thất-lị-ma-la” nhưng Khuy Cơ cho rằng, tiếng Phạn của tên gọi ấy là “ Mạt-Lị-thất-la”; cả hai đều cùng có ý nghĩa: cát tường hoa, mang tràng hoa của sự tốt đẹp, thánh thiện, hay đỉnh đầu có kết tràng hoa. Thuật lý của Khuy Cơ cũng giải thích rằng, sở dĩ có tên như vậy, vì mẹ là Mạt Lị nên con gái được gọi là Mạt Lị Thất La.
2- Minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài ( Long An ) nói về Pháp thân kệ.
Minh văn được tìm thấy ở Gò Xoài ( Long An ) do Trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa Học Xã hội TP.HCM kết hợp với bảo tàng Long An tổ chức khai quật đã có các nhà cổ tự Sanskrit tiến hành dịch và công bố. Tiến sĩ Thái Văn Chải dịch nhưng chưa chuẩn, có một số điểm còn áp đặt. May mắn là vào năm 1993, GS.Hà Văn Tấn đã cho công bố bản dịch của mình trong thông báo tại Hội nghị Khảo cổ học tháng 9 – 1993, đây là một bản dịch chuẩn, với những thông tin khá thú vị nên chúng tôi xin mạn phép trích dẫn nguyên văn nội dung của bài công bố này: “ Minh văn trên lá vàng tìm được ở Gò Xoài ( Long An ) được viết bằng ngôn ngữ Pàli ( hybrit pali ), có dấu vết của Sanskrit và văn tự Deccan ( Nam Ấn ) không xưa lắm khoảng thế kỷ VIII , IX. Minh văn có 5 dòng , có thể đọc như sau:
1- Ye dhammà hetupabhavà tesam hetum tathàgato avca tesan ca yo nirodho evamvadi mahàsama ( no).
2- D u h k h a m dđuhkhasamamutpuo dukhassa ca a t i k k a m o a i r o a t t h a n g I k o m a g g o duhkoassamagàmìko // .
3- T a d y a t h à // d a n d a k e // p a n d a t e // kaurande // keyure // dantile // svàhàh //.
4- Tad yathà adhame amvare parikunja nàta puskaràdhaha jala khama khaya l limi .
5- Liki limilikìrtti caramudre mudramukhe svàhàh //
Dòng thứ nhất là Pháp thân kệ của Phật giáo, mà tôi sẽ trở lại sau đây, có thể dịch như sau:
“ Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, Đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, Đại đức Sa môn đã nói như vậy”.
Dòng thứ hai là một đoạn kinh Pháp Cú (Dhammapada) Nguyên bản này trong kinh có khác chút ít:
Dukkassa dukkasamutpadam dukkhassa ca atikkamam ariyam c a t t h a n g i k a m c a g g a m dukkúpassamagàminam.
Đoạn này có thể dịch :
“ Nỗi khổ lại sinh ra nỗi khổ. Nhưng nỗi khổ có thể vượt qua được. Bát chính đạo dẫn đến sự chấm dứt nỗi khổ”.
Do chỗ từ Svàhàh ( đúng ra là svàhà ), thường gặp sau các câu thần chú ( có nghĩa là viên mãn, may mắn ) xuất hiện hai lần, tôi cho rằng ba dòng cuối của minh văn là hai câu thần chú dhàranì ). Hai câu này có nhiều từ khó hiểu và lặp lại, tôi chưa thể dịch trọn vẹn được.
Ở đây tôi chỉ bàn thêm về Pháp thân kệ . Pháp thân kệ là bài kệ được coi là tóm tắt tư tưởng cơ bản của Phật giáo mà Tỳ Kheo Ásvajit (tên Pàli là Assaji, Hán tạng dịch là Mã Tinh hay Mã Thắng ) đã đọc cho Sàriputra ( tên là Sàriputta , Hán tạng dịch là Xá Lợi Phất ) . Chúng ta có thể tìm được nguyên văn tiếng Pali bài kệ này trong Vinaya (Luật tạng) :
Ye dhammà he tuppadhavà tesam hetum ta thàgato àha tesan c a y o n i r o d h o e v a m v à d i mahàsamano.
Ta thấy câu kệ ở minh văn Gò Xoài có khác vài chỗ với câu này. Chúng ta cũng có thể đọc được câu kệ Pháp thân bằng ngôn ngữ tiền Sanskrit trong Mahàvastu một bộ luật được coi là của Mahàsanghika (Đại chủng bộ) :
Ye dharmà hetuprabhàvà hetun tesàm tathàgato à ha tesam ca yo nirodho evam vàdi mahàsamanah.
Điều thú vị gần đây, trong một di tích Champa ở tỉnh Gia Lai, phía sau một phù điêu có hình Phật ngồi, mà Bùi Minh Trí đã thông báo năm ngoái có 4 dòng minh văn đúng là câu kệ Pháp thân này , viết bằng tiếng Sanskrit chuẩn và bằng thứ cữ viết xưa hơn, khỏang thế kỷ VI – VII chỉ khác ở câu Mahàvastu vài chỗ:
Ye dharmà hetuprabhàvà tesàm he (tu)n tathàgato hy avadat ca yo nirodho evamvà dimahàsamanah.
Như vậy, đến nay đã tìm được câu kệ Pháp thân bằng Pàli cũng như Sanskrit ở Việt Nam. Đó là những bằng chứng chắc chắn của Phật giáo. Những di tích được đề cập trong minh văn này hẳn là di tích Phật giáo.
Chúng ta có thể đọc kệ Pháp thân bằng tiếng Hán trong kinh sách Hán tạng. Chẳng hạn trong Đại Trí độ luận quyển 11 và 18, bản dịch của Cưu Ma La Thập (Ku màrajìva) hay trong Phật bản hạnh tập kinh quyển 48 , bản dịch của Chà Na Quật Đa (Janakutta). Đặc biệt, tôi muốn dẫn ra đây một đoạn có liên quan đến bài kệ này trong Tạo tượng công đức kinh (bản dịch của Địa Bà La Ha) : “ Bấy giờ Đức Thế Tôn nói lời kệ này : Các pháp do nhân duyên sinh , ta nói đó là nhân duyên. Nhân duyên hết là diệt. Ta nói như thế đó, này thiện nam tử , kệ này có nghĩa như vậy, lấy tên là Phật pháp thân. Các người nên chép viết kệ này để vào trong tháp. Vì sao vậy ? Vì tất cả các pháp do nhân duyên sinh ra đều có tính chân tịch, nên điều ta nói có tên là Pháp thân”.
Từ đoạn trên, ta có thể thấy rằng kệ Pháp thân thường được chép đưa vào các tháp Stùpa. Tôi cũng chú ý đoạn sau đây trong Dục Phật công đức kinh ( bản dịch của Nghĩa Tình ) : “ Xá lị cúng dàng có hai loại : một là xá lị xương thân, hai là xá lị Pháp tụng”. Bài tụng đó như sau : “ Các pháp do duyên khởi , Như Lai nói đó là nhân , pháp , đó cũng do nhân duyên mà diệt. Đại Sa môn nói như vậy” .Bài tụng được dịch trong kinh này rõ ràng cũng là kệ Pháp thân.
3- Những tượng Phật Bồ Tát tìm được ở Phù Nam
Những tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở Phù Nam là rất lớn và khá đồ sộ. J.Boisselier, đã công bố các tượng Phật, Bồ tát được tìm thấy vào năm 1966 với các pho tương tiêu biểu như : tượng Avalokitesvara ( Quán Thế Âm tìm được ở Rạch Giá, tượng Phật ngồi theo thế liên hoa tọa ở Thắng Tam ( Vũng Tàu ), có niên đại bán thế kỷ thứ VI ; tượng Avalokitesvara tìm thấy ở rạch Lò Gốm ( Chợ Lớn ), là những đỉnh cao về mặt phong cách và điêu khắc tiếu tượng học Phù Nam. Bên cạnh những công bố của J. Boisselier, sau năm 1975, chúng ta đã phát hiện hàng loạt những tượng Phật khá đặc trưng của nền văn hóa Phù Nam cùng với những phát hiện được lưu giữ tại Bảo Tàng TP.HCM :
1- Tượng Phật ( số đăng ký BTLS.1615 ) bằng gỗ sao, màu nâu đen, cao : 2,44m, ngang 0,65m, ở tư thế đứng trên tòa sen, chân phải hơi co, hông tượng lệch về phía bên phải. Tượng có khuôn mặt tròn, mũi cao, mắt mở to, nhìn xuống. Thân tượng cân đối, cổ cao. vai thuôn tròn. Tỷ lệ giữa thân và chân khá hài hòa. Tượng khoác áo cà sa dài xuống cổ chân. Tòa sen hình trụ tròn gồm hai phần, phần trên chạm khắc hai lớp cánh sen, phần dưới là đế thấp, tròn hình trụ.
Pho tượng này được phát hiện vào ngày 3-11-1943, do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tiến hành khai quật tại Sa Đéc – Đồng Tháp. Niên đại : thế kỷ VSTL
2 – Tượng Phật (số đăng ký BTLS. 1617) bằng gỗ mù u, màu nâu đen, cao 1,70m ; ngang 0,41m ,ở tư thế đứng thẳng trên tòa sen . Tượng có khuôn mặt tròn phúc hậu ,các đường nét trên khuôn mặt đã bị hủy hoại , chỉ còn chi tiết miệng được thể hiện như đang mĩm cười, môi dưới dày , hai dái tai dài chấm vai. Đầu tượng tròn, tóc kiều bụt ốc , giữa đầu có đỉnh Unisa hình chóp nhọn . Hình mặc trang phục gồm hai lớp: lớp ngoài là áo choàng rộng , phủ từ bờ vai xuống đến cổ chân; lớp trong là áo cà sa mỏng ôm sát thân thể lộ ra những đường cong trên cơ thể. Tòa sen hình trụ gồm hai phần : phần trên chạm khắc đóa sen lớn đang nở gồm hai lớp cánh sen, phần dưới là đế hình trụ tròn.
Tượng được đưa về Bảo tàng ngày 8-4-1937, do các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại làng Lợi Mỹ, xã Phong Mỹ, Sa đéc- Đồng Tháp. Niên đại : thế kỷ VSTL.
3 – Tượng phật ( số đăng ký BTLS. 1618 ) bằng gỗ sao, màu nâu đen , cao 1,03m ngang 0,35m, ở tư thế đứng trên tòa sen, chân phải đứng thẳng , chân trái hơi co , hông tượng lệch nhẹ về phảo . Tượng có khuôn mặt phúc hậu, mắt hé mở , nhìn xuống , mũi cao thon , miệng như đang mĩm cười Tất cả đều toát lên vẻ từ bi, quảng đại. Đầu tượng tròn, tóc hình bụt ốc, giữa đầu có đỉnh Unisa hình chóp nhọn, hai dái tai dài. Tượng có thân hình cân đối, cổ cao, vai thuôn tròn , hai tay được diễn tả ở tư thế đang vận động. Tay phải đưa lên ngang ngực, lòng bàn tay để ngửa, hướng về trước, các ngón tay trong tư thế đang bắt ấn , tay trái giơ cao , nắm lấy vạt áo cà sa xoắn lại, bẻ ra ngoài đưa sang trái . Tượng mặc áo cà sa rộng quấn qua vai trái, để lộ vai phải, phần vạt áo cà sa bên hông trái căng rộng ; kéo thẳng từ vai xuống cổ chân . Tòa sen gồm hai phần : phần trên là đóa sen lớn đang nở , gồm hai lớp cánh sen , phần dưới là đế cao hình trụ tròn .
Tượng được các nhà khảo cổ học phát hiện và khai quật tại huyện Bình Hòa , tỉnh Long An, sau năm 1975. Niên đại: thế kỷ thứ VII STL .
Cả ba pho tượng đều là tượng Phật Thích Ca, căn cứ vào những đặc điểm về phong cách cho thấy , tượng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Ấn Độ. Bằng nhiều con đường khác nhau, những phong cách nghệ thuật này du nhập vào Việt Nam và được cư dân Óc Eo cảm thụ. Từ việc tiếp thu phong cách nghệ thuật ngoại lai, họ đã vận dụng một cách sáng tạo trong việc thể hiện hình tượng Phật bằng loại nguyên liệu mang tính “bản địa”. Có thể không ngoa khi cho rằng, những pho tượng Phật gỗ là những tác phẩm điêu khắc đặc sắc , đã được cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long tạo ra và góp phần làm nên những tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu Tây Lịch .
Thay lời kết
Văn hóa Óc Eo là một phúc hệ văn hóa đa dạng , vốn sản sinh từ yếu tố nội sinh kết hợp với nguồn lực văn hóa ngoại sinh đã thật sự tạo nên một nền văn minh sông nước rực rỡ. Nền văn minh ấy được phôi bào trong yếu tố miền cảng thị , hấp thu tinh thần văn hóa Ấn Độ đã để lại cho nhân loại những nguồn di sản vô cùng quý giá. Trong nguồn di sản quý giá ấy, Phật giáo đã đóng một vai trò không nhỏ vào sự phát triển của nền văn minh , văn hóa này. Điều đó nói lên rằng , Phật giáo đã có mặt từ rất sớm tại vùng đất Nam Bộ từ trước thế kỷ thứ I STL , và đã từng là một trong những tôn giáo chủ đạo của các triều đại cổ vương quốc Phù Nam xa xưa.
Tài liệu tham khảo :
1- Tuệ Sĩ , Thắng Man giảng luận , Phật học viện Nha Trang ấn hành .
2- Lương Ninh , “ Nước Chí Tôn” một quốc gia cổ ở miền Tây sông Hậu , Tạp chí Khảo Cổ Học , số 1, 1981 , tr .38 .
3- Lương Ninh , Văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long trong quan hệ khu vựa tộc người , Báo cáo tại hội nghị Hội thảo Khoa học về văn hóa Óc Eo và văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long , An Giang 1984 , tr 247 -259.
4- Hà Văn Tấn , Óc Eo – những yếu tố nội sinh và ngoại sinh . Báo cáo tại Hội thảo Khoa học về văn hóa cổ đồng bằng sông Cửu Long , An Giang 1984 , tr , 222- 231 .
5- Hà Văn Tấn , Từ minh văn trên lá vàng ở Gò Xoài ( Long An ) . bàn thêm về Pháp thân kệ . Thông báo khảo cổ học tháng 9 – 1993 .
6- Lê Xuân Diệm , Văn hóa Óc Eo – những khám phá mới , NXB KHXH , 1995 .
7- Hoàng Nghị – Nguyễn Anh Tuấn , Tượng Phật cổ văn hóa Óc Eo , tạp chí Cổ vật tinh hoa , số 9 tháng 9 -2004 , tr 28-29 .
8- G- Coedès , Lịch sử cổ đại các quốc gia Ấn Độ – Trung Hoa ở Viễn Đông , Hà Nội , 1944 , tr,44-45 .
9- Tamamoto Tatsuro , Truyền thuyết dựng nước của Đông dương trong nững vấn đề lịch sử giao thương giữa phương Đông và phương Tây , quyển thượng , Tokyo 1939 .
10- Inuishi Hidetoshi , Vấn đề dựng nước của Phù Nam nghiên cứu Phật học trong Ấn Độ quyển 14 , số 1 , 1975 , tr 166-167
11- Sugimoto Naojiro Trường hợp nước Phù Nam trong tính đặc thù lịch sử của xã hội cổ Đại Đông Dương , Nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á , quyển 1 , Tokyo 1956 .
12- P- Pelliot , Le Fou nan , BEFEO III , No 2 , tr 248 -303 .
13- P- Pelliot , Mémceres su Les coutumes du Cambodge , BEFEO II , 1902 .
14- P- Pelliot , Quelques texles chinois concermant L` Indochine hindouisés – E `tudes Asiatuques , Paris , 1925 , II.
15- L . Malleret , L`Archéologie du Della du Mékong , Tome I , L`Exploration archéologique et les fouilles d`Oc Eo , Paris 1959 b .
16- L- Malleret , L`Archéologie du Della du Mékong , Tome II , La civilisation materielle d`OcEo , Paris 1960 .
17- L- Malleret , L`Archéologie du Della du Mékong , Tome III , La culture du Fuo-nan , Paris 1961
18- L – Malleret , L`Archéologie du Della du Mékong , Tom IV , Le Cisbassac , Paris 1963 .
19- Ma Touan , Lin : Fuo – nan Ethnographic dé peuples E` trangers à la chine , Méridionaux , Paris 1883
20- G – Coedès – Deux Inscriptions Sanskrites du Fuo-nan , BEFO XXXI , tr 2-8 pl III-IV
21- G – Coedès , Les E`tat Hinmdonisés d`Indochine et d`indonédie , Paris !964 .