Nhậm Tín hầu Nguyễn Đức Nhậm

NHẬM TÍN HẦU NGUYỄN ĐỨC NHẬM – NGƯỜI VẼ ĐỒ ÁN SÔNG THOẠI HÀ VÀ SÔNG VĨNH TẾ

Trần Hoàng Vũ

Kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế là hai công trình thủy lợi quan trọng đầu tiên phục vụ cho việc khai phá miền Tây sông Hậu. Từ bấy lâu nay, chúng ta cứ đinh ninh rằng người thiết kế công trình này chính là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Tuy nhiên, cùng với việc phổ biến các tài liệu chính sử triều Nguyễn, quá trình từ dự án đi đến thực tiễn của hai công trình kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế ngày càng sáng tỏ. Có bằng chứng để nói rằng Thoại Ngọc Hầu không phải là người thiết kế đồ án hai công trình này. Đó là phần việc thuộc về một cơ quan chuyên trách mà người đứng đầu là Nhậm Tín hầu Nguyễn Đức Nhậm.


Quá trình xây dựng đồ án kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế.

Việc khai đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế không phải là hai công tác biệt lập, được tiến hành theo thứ tự trước sau mà là hai công trình cùng nằm trong một kế hoạch tổng thể do vua Gia Long ấp ủ. Năm 1816, vua Gia Long tiến hành đắp đồn Châu Đốc ở khu vực khu quân sự thị xã Châu Đốc hiện nay. Cùng lúc ấy, ngài ban dụ cho Cao Miên mộ 1.000 quân dân đến Châu Đốc theo sự hướng dẫn của quan Giám thành sứ cùng quan Trấn thủ Vĩnh Thanh khai mở đường kênh từ Châu Đốc tới Hà Tiên. Tuy nhiên, vì chưa có kế hoạch cụ thể nên công trình bị hoãn lại. Về việc này, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Lần này khai thông đường sông, từ đồn Châu Đốc đến cửa trác Ỷ Hâm, chưa từng đo đạc. Trước đã bắt 1.000 quân Cao Man đến làm. Nay nên đình bãi cho về làm ăn. Chờ khi đo xong, lại bắt đến đủ để khai đào” [1].

Ngay trong năm đó, vua Gia Long sai tiến hành khảo sát đo đạc năm tuyến đường: 1. Từ đồn Châu Đốc đến cù lao Cỏ Tiêu; 2. Từ phiếm Bắc Nam đến Răng Lạch; 3. Từ lạch nhỏ Sâm Tôn ở Hậu Giang đến xứ Cái Vừng trên sông Tiền; 4. Từ Thang Lung đến bến Thang Lung; 5. Từ đồn Châu Đốc qua trác Ỷ Hâm, trác Trà Bát, bến Cầm Long, gò Trà Bích, Trà Niên, Diệp Bà Đê, Chuông Song, Hạm Tháp, lạch Cây Cờ, cửa Phiếm. Tuyến đường thứ ba về sau sẽ là tuyến đường dự kiến của kênh Vĩnh An; hai tuyến còn lại lần lượt tương ứng với kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế sau này.

Đoạn đường dự kiến của kênh Thoại Hà lại tiếp tục được đo đạc lại lần thứ hai. Năm 1817, vua Gia Long căn cứ theo đó mà ra lệnh cho Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại vét đào đường kênh từ rạch Tam Khê đến rạch Song Khê. Thoại Ngọc Hầu không phải làm công việc thiết kế đồ án vì Hội điển sự lệ có nói: “cứ theo giám thành cắm tiêu mà cắt phát cỏ rã” rồi sau đó lại có chỉ ban cho trấn Vĩnh Thanh rằng: “nay phát giao đồ bản, khi xong việc cắt phát cỏ rã, thì nên chiếu theo quy thức đồ bản đốc dân khai đào kênh ấy” [2]. Bản thân văn bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc Hầu nhờ Cao Huy Diệu khởi thảo và Đoàn Khắc Cung đính chính cũng không đề cập tới việc Thoại Ngọc Hầu là người có sáng kiến đào kênh Thoại Hà hay đã thiết kế ra công trình kênh này. Văn bia chỉ viết: “Mùa Xuân năm Mậu Dần (1818), vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên. Ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài một vạn hai ngàn bốn trăm mười tầm” [3]. Rõ ràng, Thoại Ngọc Hầu không tự nhận mình là người đề xuất và thiết kế công trình kênh Thoại Hà. Nhiệm vụ khảo sát, vẽ bản đồ, làm thành đồ án thuộc về một cơ quan khác đó là Giám thành sứ.

Về công trình kênh Vĩnh Tế, Đại Nam thực lục ghi rõ, tháng 4 năm Bính Tý (1816), vua Gia Long “bàn khơi sông Châu Đốc, sai bọn Lưu Phước Tường và Nguyễn Đức Sĩ đem đo đường đất (từ mặt sau đạo Châu Đốc đến các xứ Náo Khẩu, Cây Báng) vẽ bản đồ dâng lên” [4]. Rồi đến tháng 7 năm Kỷ Mão (1819), vua lại sai Trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du “xem đo đường sông Châu Đốc, rồi triệu về kinh, đem bản đồ dâng” [5]. Toàn bộ quá trình khảo sát này không thấy có liên quan chút gì đến Thoại Ngọc Hầu. Trong thời gian này, khi thì ông đang công cán ở Cao Miên, khi thì tạm nghỉ dưỡng bệnh. Thoại Ngọc Hầu chỉ có mặt khi công trình đào kênh Vĩnh Tế đi vào giai đoạn khởi công.

Bia Phụng khai tân cảng ký ở chợ Phú Kiết (Tiền Giang) năm 2019

Cơ quan Giám thành và người thiết kế đồ án kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế.

Như đã dẫn các tài liệu ở trên, việc khảo sát và vẽ đồ án (sử cũ gọi là bản đồ) kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế có vai trò quan trọng của viên quan Giám thành sứ thuộc cơ quan Giám thành. Tài liệu của Nội các triều Nguyễn cho biết, cơ quan Giám thành nguyên là đội tuần thành do vua Gia Long đặt ra trước năm 1802 để phòng thủ thành Gia Định, đứng đầu là Giám thành phó sứ. Về sau đội Tuần thành đổi thành vệ Giám thành. Năm 1806, vua Gia Long đặt thêm chức Giám thành sứ Cai cơ 1 người. 

Về trách nhiệm của vệ Giám thành thì năm 1835, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: “vệ Giám thành lệ thuộc ty Hộ thành binh mã, chuyên việc vẽ đồ bản và chỉ bảo cách thức xây dựng. Phàm các nơi tường thành, cửa lầu, cửa cống, thành hào, sông hồ, đường xá, cầu đập, chợ búa ở trong ngoài Kinh thành, đều phải xem xét hàng ngày. Nếu có chỗ xói lở ở địa phận nào, tức thời chuyển rõ cho quản viên nơi ấy, tính toán ước lượng, sửa chữa công việc lớn nhỏ, rồi phân ra để tâu [lên cấp trên], để tư [xuống cấp dưới], theo việc mà làm”[6]. Sắc lệnh này chẳng qua chỉ nhằm thể chế hóa những nhiệm vụ đã được thực hiện từ trước đến nay của vệ Giám thành. Phạm vi quản lý thường trực của vệ Giám thành là khu vực Kinh sư. Mặc dù vậy, trong những công tác đặc biệt trước đó hoặc sau này, vua Gia Long và Minh Mạng vẫn thường cử người đứng đầu hoặc phó của vệ Giám thành đến nơi khảo sát và lập đồ án. Việc vẽ bản đồ của vệ Giám thành đã đạt tới mức vẽ được những bản đồ chính xác gần với trình độ phương Tây thời đó như trường hợp bản đồ thành Gia Định do Giám thành sứ Trần Văn Học vẽ. Trường hợp của việc đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, người được vua Gia Long tin cậy giao phó chính là Giám thành sứ Nguyễn Đức Nhậm.

Sử sách triều Nguyễn vì kiêng húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) nên khi chép tên Nguyễn Đức Nhậm đã bớt đi một nét, thành ra Nguyễn Đức Sĩ. Tuy nhiên, tên đúng của ông có thể suy ra từ tước hiệu còn thấy ghi trong văn bia Phụng khai tân cảng ký do Trịnh Hoài Đức biên soạn, dựng năm Gia Long thứ 18 (1819) tại chợ Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ở đó chức tước của ông là Khâm sai Chưởng cơ lãnh Giám thành sứ Nhậm Tín hầu[7]. Đến nay chúng ta vẫn còn chưa biết chút gì về quê quán của Nguyễn Đức Nhậm. Năm 1801, Nguyễn Đức Nhậm đã là Cai đội của đội 2 thuộc vệ Hùng Võ dinh Thần Sách, tước Nhậm Tín hầu, nằm dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Đức Xuyên. Chính Nguyễn Đức Xuyên xác nhận Nhậm Tín hầu này “sau làm Khâm sai Chưởng cơ Giám thành sứ”[8]. Cuối năm Gia Long thứ 6 (1807), Nguyễn Đức Nhậm từ chức vụ Cai cơ được phong làm Giám thành phó sứ rồi năm 1814 thăng Giám thành Chánh sứ[9]. Với vai trò này, Nguyễn Đức Nhậm đã tham gia khảo sát và thiết kế đồ án nhiều công trình quan trọng:

- Đập ngăn mặn Hà Trữ ở Huế. Đập Hà Trữ ở phường Hà Trữ, huyện Phú Lộc, dinh Quảng Đức (Huế). Phường này nằm ở gần biển, thường bị nước mặn xâm nhập. Vì vậy, năm 1808, vua Gia Long đã sai Giám thành phó sứ Nguyễn Đức Nhậm cùng với dinh thần Quảng Đức đi xem xét đo đạc để tiến hành đắp đập ngăn mặn. Thực lục cho biết sau khi đập đắp xong “nông dân lấy làm tiện lợi”[10].

- Vẽ bản đồ Châu Đốc, thiết kế đồ án đồn Châu Đốc. Ngay từ trước năm 1816, vua Gia Long nhận thấy Châu Đốc là nơi quan trọng ở biên thùy, dự định xây một đồn bảo hiểm yếu để bảo vệ. Vua đã sai Nguyễn Đức Nhậm đến Châu Đốc “xem đo hình thế, vẽ bản đồ dâng lên”[11]. Đến năm 1816, vua lại sai Nguyễn Đức Nhậm cùng với Phó tướng Nguyễn Văn Xuân, Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường đôn đốc dân binh đắp bảo Châu Đốc. Theo sự mô tả của Trịnh Hoài Đức thì đồ án bảo Châu Đốc được thiết kế có hình lục giác, từ trước ra sau dài 324 tầm, từ trái sang phải rộng 164 tầm, có năm cửa: hai cửa bên tả, hai cửa bên hữu, phía sau một cửa cao 7 thước. Chân lũy của bảo dày 6 tầm, mặt lũy thu lại so với chân hẹp hơn 5 thước, có hai bậc. Bên hữu liền với sông lớn, ba mặt tiền, tả, hậu đều có đào hào rộng 20 tầm, sâu 11 thước lấy nước từ sông Hậu vào. Trong thành có đủ đồn quân, kho thóc. Cùng lúc đó, vua Gia Long cũng định sai Nguyễn Đức Nhậm và Lưu Phước Tường chỉ huy dân binh Cao Miên khai đào sông từ Châu Đốc đến trác Ỷ Hâm nhưng vì chưa khảo sát và chưa có đồ án nên phải gác lại.

- Khảo sát và vẽ đồ án sông Thoại Hà, sông Vĩnh Tế. Cùng năm 1816, dưới sự chỉ đạo của vua Gia Long, cơ quan Giám thành đã tiến hành khảo sát năm tuyến đường ở An Giang. Ba trong số đó về sau sẽ trở thành các đường kênh đào Thoại Hà, Vĩnh Tế và Vĩnh An. Bản thân khu vực Thoại Sơn được đo khảo sát từ năm 1816 rồi qua năm sau (1817) lại đo lại một lần nữa. Theo tài liệu của Nội các triều Nguyễn, quan Giám thành – mà ta biết chắc là Nguyễn Đức Nhậm - đã tiến hành công việc cắm cọc tiêu làm mốc để hai đội dân công do Nguyễn Văn Thoại chỉ huy cắt phát cỏ rã, rồi theo đồ bản do ông cung cấp mà đào thêm 150 trượng nữa để nối rạch Tam Khê với rạch Song Khê, trở thành đường kênh Thoại Hà sau này. Những khảo sát sơ bộ của Nguyễn Đức Nhậm cũng là cơ sở để tính toán công trình đào kênh Vĩnh Tế. 

- Vẽ đồ án sông Bảo Định. Đầu năm Gia Long thứ 18 (1819), Nguyễn Đức Nhậm tham gia công tác đào kênh nối Vũng Gù với nhánh sông Mỹ Tho. Đường kênh này được Gia Long ban tên là sông Bảo Định. Vai trò của Nguyễn Đức Nhậm trong công tác này là dựa theo đồ án để hướng dẫn thi công (án đồ chỉ thụ). Đây cũng là công trình cuối cùng mà ta biết có ghi dấu ấn của Nguyễn Đức Nhậm.

Từ năm 1816-1819, Nhậm Tín hầu Nguyễn Đức Nhậm đã thực hiện khảo sát, vẽ bản đồ và hướng dẫn thực hiện hai công trình thủy lợi quan trọng (sông Thoại Hà và sông Bảo Định), đồng thời chuẩn bị cơ sở cho một số công trình thủy lợi quan trọng khác. Điều đáng tiếc là đến nay vai trò và công trạng của Nguyễn Đức Nhậm đối với công tác đào kênh Thoại Hà, cũng như với việc xây dựng vùng đất An Giang, vẫn chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Lý lịch và hành trạng của Nguyễn Đức Nhậm vẫn còn những khoảng trống cần được làm sáng tỏ. Nghiên cứu và làm rõ thân thế của nhân vật này chính là một bước đi cần thiết để ghi nhận và vinh danh công trạng của một bậc tiền nhân có công khai phá vùng đất Thoại Sơn. 

Chú thích:

[1] Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VII. NXB Thuận Hóa, 2004, trang 131.

[2] Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VII. NXB Thuận Hóa, 2004, trang 131.

[3] Nguyễn Văn Hầu. Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang. NXB Trẻ, 1999, tr.383. Ngược lại, đối với công trình nào là sáng kiến của bản thân Thoại Ngọc Hầu thì trong văn bia ông đều nói rõ. Chẳng hạn, bia Châu Đốc tân lộ kiều lương có đoạn nói về việc ông phát kiến đắp lộ Châu Đốc – Núi Sam; bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký có nói ý định của ông trong vấn đề phát triển vùng Châu Đốc nên mới có công trình “nhứt lộ hoành đạt song song trường giang, nhứt lộ thượng chí Sóc Vinh, nhứt lộ thượng chí Lò Gò, tùy tiện quy vi thôn lạc”.

[4]  Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, tr.926.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, tr.994.

[6] Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập V. NXB Thuận Hóa, 2004, trang 137.

[7] Trịnh Hoài Đức, Phụng khai tân cảng ký, bia dựng ở chợ Phú Kiết (Tiền Giang). Việc Trịnh Hoài Đức là tác giả bia này thấy ghi trong Đại Nam văn uyển thống biên.

[8] Nguyễn Đức Xuyên, Lý lịch sự vụ, Nxb. Hà Nội, 2019, tr.108.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, tr.713, 889.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, tr.734.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập I. NXB Giáo Dục, 2002, tr.917.