Hai văn bia thời Tây Sơn ở xã Quảng Yên, tỉnh Thanh Hóa.

Post date: Jul 11, 2015 5:56:21 AM

NGUYỄN VĂN HẢI

Ban Quản lí Di tích và Danh thắng tỉnh Thanh Hóa

Quảng Yên là một xã nằm về phía Tây Bắc của huyện Quảng Xương, vùng đất này được Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật(1) đem quân đến khai phá từ thế kỷ thứ XII. Xưa kia là xã Cổ Linh, tên Nôm đọc là Kẻ Lăng, đời Lê đổi thành xã Thiên Linh bao gồm 8 làng: Thiên Linh Đông, Cổ Duệ, Viện Đông, Viện Đoài, Mỹ Cảnh, Thọ Khảo, Yên Trung, Yên Nam thuộc tổng Văn Trinh, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau năm 1945 là xã Ngô Quyền, đầu năm 1948 đổi thành xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương. Đây là vùng đất có lịch sử, văn hoá lâu đời, được con người đến khai phá từ rất sớm, trong quá trình khai đất mở làng, người dân nơi đây đã tạo nên khá nhiều những giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể như: Văn thánh Phủ Cảnh thờ Đức Khổng Tử, vị thuỷ tổ khai mở ra đạo Nho và phối thờ các bậc tiên thánh tiên hiền trong phủ Tĩnh Gia xưa kia, chùa Linh Qui, đền Thượng hay còn gọi là Đền Thiên Linh thờ Đức Thánh cả Nghiêu Sơn Đại vương, đền thờ Lĩnh Trấn Trung Quốc tôn thần, đền thờ Tĩnh túc Dực bảo Trung hưng… v.v. Ngày nay hầu hết những giá trị di sản văn hoá vật chất như đình, đền, chùa đã bị phá hết, chỉ còn lại hệ thống các di vật như văn bia, sắc phong, gia phả lưu lạc trong dân và còn lại ở một số di tích, trong số đó có 2 văn bia mang niên hiệu thời Tây Sơn.

Bia thứ nhất Hậu kị bi kí 后忌碑記: Bia hiện được nằm sâu trong lòng đất(2)nằm trong khu vực đền Thiên Linh (nay gần nhà máy gạch Quảng Yên) kích thước cao 1,4m, rộng 0,75m, dầy 0,20m. Trán tạo hình vòng cung khắc mặt nhật và hai dây cúc. Mặt nhật được trạm hai vạch lượn đường tròn, quanh mặt là các đao lửa với các quầng mây, phía trong tạo cơn xoáy bốc ra. Hai dây cúc được trạm theo kiểu cúc hoá long chầu vào mặt nhật, các dây cúc trạm nổi, tạo vạch tựa như hình rồng. Quanh viền trạm hoa văn cúc leo cách điệu. Ngăn cách phần thân và trán là tên bia, tên bia phần chữ được khắc dương trong hình các ô vuông. Ngăn cách các chữ tên bia là các ô vuông, bên trong ô vuông chạm bốn hoa chanh, mỗi bông bốn cánh. Bia không ghi người soạn, người khắc, dựng vào đầu thu năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791). Toàn văn chữ Hán khắc theo kiểu chữ Chân, khoảng 23 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 26 chữ (có nhiều chữ bị đục).

Nội dung nêu rõ lý do dựng bia để ca ngợi người có công đức với nước với dân, lúc bây giờ có ông Mậu Lâm lang Tri phủ Nguyễn Lệnh công tự là Tâm, người thôn Đoài xã Thiên Linh huyện Ngọc Sơn vốn người nhân từ đức độ, phong thái cao sang, ông hằng tâm hằng sản cung tiến tiền ruộng giao cho xã thôn lo việc trồng cấy, lấy lộc điền sửa sang đền miếu lo việc kỵ giỗ về sau. Làng xã nhớ ơn bầu hậu lo việc kị giỗ trong đền. Bia còn ghi cụ thể số tiền, diện tích ruộng mà các xã thôn lưu nhận, truyền đời cách tác. Thôn Đoài tiền 100 quan, ruộng tốt 15 mẫu, thôn Đông tiền 100 quan, ruộng tốt 15 mẫu, thôn Viện Đoài tiền 40 quan, ruộng 1 mẫu. Thôn Cổ Duệ tiền 40 quan, ruộng 1 mẫu. Thôn Viện Đông tiền 40 quan, ruộng 1 mẫu…vv. Cuối bia ghi qui định lễ vật trong kỳ lễ về sau.

Như vậy về nội dung tấm bia chỉ ghi lại việc tiến cúng hậu thần, nhưng từ văn bia chúng tôi tiến hành tra cứu, lần tìm trong các thư tịch thành văn được biết việc hậu kỵ ở đây là ở đền thờ Thiên Linh, dân nơi đây gọi là đền thượng, thờ Đức Thánh cả thuộc làng Riềng. Sách Địa chí huyện Quảng Xương(3): chép về sự tích đền Riềng như sau: Đời Hùng Vương thứ 18, Thục Phán đánh nước Văn Lang. Vua hùng sai tướng giỏi Kiều Sơn Vương đem quân chống cự Kiều Sơn vương đánh thắng nhiều trận, sau vì chủ quan mắc mưu giặc bị phục binh ở Trang Nang Thuỷ Bắc. Quân giặc đông như kiến cỏ, bao vây trùng trùng điệp điệp. Kiều Sơn vương một mình một ngựa mở đường máu phá vỡ vòng vây, trên người bị nhiều vết thương nặng. Đặc biệt Kiều Sơn vương có vết chém vào cổ sắp đứt, chỉ còn dính một mảnh da ở cổ. Ông một tay giữ lấy đầu, một tay cầm dây cương thúc ngựa nhắm núi Hoàng Nghiêu(4)phi thẳng, đến Ngã Ba sông Vạy, ông thấy phong cảnh núi sông hùng vĩ, dừng ngựa tìm đất cho mình. Ông lượn ba vòng rồi giục ngựa vượt sông Lăng đến núi Vàng(5). Tới đỉnh núi, ông buông tay, cái đầu rơi xuống liền hoá thân về trời(6).

Thục Phán đại thắng, xưng An Dương Vương, nối tiếp Hùng Vương cai quản nước Âu Lạc, An Dương Vương thương tiếc những người trung nghĩa đã hi sinh vì sự nghiệp vua Hùng xưa sai dân các nơi lập miếu thờ… bao phong là Nghiêu Sơn đại vương.

Đời tiền Lê, Lê Đại Hành tiến quân chinh phạt Chiêm Thành, đến Ngã Ba sông Vạy binh thuyền một số bị mắc cạn không đi được, bèn dừng chờ nước thuỷ triều lên. Đêm nhà vua mộng gặp một người tướng mạo khôi vĩ, trên cổ có vết dao chém rõ rành, xưng thần là Nghiêu Sơn xin được phò tá đánh giặc. Lê Đại Hành đồng ý cho đi bình chiêm. Khi đại thắng trở về, nhà vua ban một số tiền, sai dân địa phương lập một miếu thờ Nghiêu Sơn chỗ thần lúc trước hóa, cưỡi ngựa lượn ba vòng, là một bãi bồi bên sông Lăng thuộc Thiên Linh Đoài, bên cạnh Ngã Ba sông Vạy.

Đền thờ Nghiêu Sơn cuối đời Lê Cảnh Hưng bị cháy, được ông Ngọc Lĩnh hầu Lê Công Ninh và người địa phương xuất tiền trùng tu lại, hoàn thành năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775). Sau này đến năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791) ông Tri Phủ Nguyễn Lệnh công tự là Tâm cúng tiền ruộng giao cho dân lo việc trùng tu tiếp. Sau cách mạng tháng Tám (1945) miếu vẫn còn, năm 1960 thì bị phá.

Bia thứ 2 (vô đề) dân gian gọi là bia Phủ Cảnh. Bia dựng tại Văn thánh Phủ Cảnh, của phủ Tĩnh Gia xưa kia. Khích thước cao 1,80 m, rộng 0,90m, có mũ tựa hình búp sen có ba lớp cách điệu hình Kỳ hà. Viền đáy và hai viền biên khắc hoa cúc cách điệu. Bia hai mặt, mặt trước ghi nội dung, mặt sau ghi lạc khoản, phần lạc khoản bị đục mất chữ, bia dựng ngày tốt tháng 4 năm Mậu Ngọ (1798) niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6 (1798). Nội dung nguyên văn như sau: Quan Khâm sai Thanh Hóa nội trấn là Hoàng Thái tử Tuyên Quận công Nguyễn Quang Bàn kể lại. Do miếu Văn Thánh của phủ Tĩnh Gia đã quá lâu năm, nên hư hỏng đổ nát, vâng lệnh trên mùa Đông năm Đinh Tị (1797) khởi công xây dựng lại, đến mùa Xuân năm Mậu Ngọ (1798) hoàn thành, làm lễ cáo thánh, đồng thời lại sửa sang mua sắm thêm đồ thờ cúng tế để đủ cung cấp cho việc thờ cúng, xong xuôi bèn khắc vào đá để truyền lại lâu dài.

Con trai vua Quang Trung còn tiến dâng một quả chuông lớn, một trống lớn có đầy đủ giá treo, và miếu có người trông coi quét dọn, giữ gìn việc thờ cúng chu đáo(7).

Năm 1999 bia đã được xếp hạng Di tích - Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh và đã được công bố trích đăng trên báo và tạp chí. Qua nội dung trên cho ta biết, Văn thánh phủ Cảnh là Văn miếu hàng phủ của ba huyện Nông Cống, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia thuộc phủ Tĩnh Gia xưa kia. Thời Lê Mạc bị hư hỏng, đến thời Tây Sơn, năm Đinh Tỵ (1797) Nguyễn Quang Bàn mới cho sửa sang tu sửa lại, mua sắm thêm đồ tế khí và lập thánh vị đức Khổng Tử và các bậc tiên thánh tiên hiền về thờ cúng để dương cao đạo học.

Như vậy, có thể thấy trong hệ thống thư tịch văn bia cũng như các loại thư tịch khác thời Tây Sơn hiện còn lại trên địa bàn tỉnh ta nói chung, huyện Quảng Xương nói riêng, cho đến nay số lượng còn lại rất ít. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà các tư liệu bị đập phá thất lạc. Việc một xã như Quảng Yên còn lưu giữ hai văn bia thời Tây Sơn là rất hiếm, ít nơi nào có được. Từ nội dung phản ánh cũng như các đồ án chạm khắc hoa văn trên bia, giúp chúng ta nghiên cứu thêm về lịch sử vùng đất trong các giai đoạn Tây Sơn và trước đó. Cần có phương pháp bảo quản tốt nhất để lưu giữ phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hoá của cha ông.

Chú thích

1. Huyện ủy HĐND - UBND: Địa chí huyện Quảng Xương Nxb. Từ điển Bách khoa, H. 2010 tr.88.

2. Xưa kia bia được dựng trên bệ đá tam cấp, sau đó bị người dân gỡ phần bệ đá đem đi bắc cầu ao, nay bệ vẫn còn.

3. Địa chí Quảng Xương, Sđd, tr.615.

4. Núi Hoàng Nghiêu nay thuộc hai xã Hoằng Giang và Hoàng Sơn huyện Nông Cống, nơi đây xưa kia là nơi tập quân của Nguyễn Chích.

5. Núi Vàng thuộc làng Sơn Nam xã Xích Lộ.

6. Câu chuyện này cốt truyện tựa giống như truyện Đức Thánh Lưỡng thời Tùy được thờ chính ở làng Côn Minh (Mưng) xã Trung Thành huyện Nông Cống.

7. Trích trong sách: Di tích và Danh thắng huyện Quảng Xương, tập 1, Nxb. Thanh Hóa, 2011, tr.223-224.

Phụ lục

Dịch nghĩa:

Bài ký ghi chép trên bia nói về việc hậu kị

Bia sao mà được làm để kịp ghi chép đức của con người, được mọi người ngưỡng mộ mà hưởng việc thờ cúng. Người ấy là ông bà họ Nguyễn công được hợp thờ ở đền và từ đường nên lập bia gửi giỗ.

Trước đây ông Nguyễn lệnh công tên tự là Tâm, giữ chức Mậu Lâm lang, Tri phủ là người thôn Đoài, xã Thiên Linh, huyện Ngọc Sơn (nay là Quảng Yên). Ông là người từ tốn, độ lượng, thương yêu mọi người nên chuyên thi ban quả phúc, hợp cùng dân quanh ấp trong thôn cùng lúc chu cấp của cải, đặc biệt lại có tâm năng hết sức quan tâm đến thần thánh, nên được đông đảo mọi người đồng ý ghi lời thệ từ gửi giỗ cho quan, xưng nguyện cho ngài không dám soạn lời sai cùng kính xin ghi tiền, ruộng hậu cho xã thôn về sau để trợ giúp tăng thêm xôi thịt lo việc kỵ giỗ hưởng cúng hàng năm. ..{mờ khôn rõ chữ} giúp cùng xã dân để tỏ rõ cả ơn đức của bà người đất Tượng Lâm. Bà là người khoan hậu, có tâm kế lo việc điền viên. Phàm lúc lệnh công còn sống, ý hướng muốn giúp ruộng đất tiền bạc, chu cấp cho xã bàn bạc lo việc chi phí hương hỏa. Người ấy, đức ấy có thể truyền khẩu lưu truyền ức vạn năm sau nên khắc vào bia đá lưu truyền mãi mãi.

Ông bà lưu cấp tiền ruộng các nơi hàng năm lo việc kỵ giỗ các lệ theo thứ tự như bên (dưới đây):

Một là thôn Đoài lưu cấp hậu tiền 100 quan, ruộng tốt 15 sào.

Một là thôn Đông lưu cấp hậu tiền 100 quan, ruộng tốt 15 sào.

Một là thôn Cổ Duệ hậu tiền 70 quan, ruộng 7 sào, đồng ý cho thêm tiền 2 quan.

Một là thôn Viện Đoài tiền 40 quan, ruộng 1 mẫu.

Một là thôn Viện Đông tiền 40 quan, ruộng 1 mẫu.

Một là thôn Mỹ Cảnh tiền 60 quan, ruộng 8 sào.

Một là cấp cho văn hội trong xã tiền 60 quan, ruộng 1 mẫu, 6 sào.

Hàng năm vào ngày mồng 9 tháng giêng, kỵ Tiền Tri phủ họ Nguyễn tên tự là Đôn Chất, các thôn Đoài, Đông, Cổ Duệ kính dùng mỗi thôn lợn 1 miếng, xôi các thứ một bàn. Thôn Viện Đoài, Viện Đông Mỹ Cảnh và nhiều thôn khác kính dùng gà các thứ một con, xôi các thứ một bàn, kim ngân, vàng bạc, các thôn trên dưới rượu 1 bình, cau trầu các thứ 20 miếng, theo như trên các thôn y theo ngày kỵ tề tựu đến nơi thờ hành lễ chính tế nghiêm trang, lưu giữ mãi mãi không mất. Sau này bà họ Đỗ, tên Bà Lang mất, kính tế như ngày kỵ ông họ Nguyễn.

Hàng năm vào ngày lễ tiết Văn hội trong bản xã bày lễ trước long sàng kính tế phụ hưởng ông họ Nguyễn.

Ngày kị nhật tiên hiền các kỳ gà một con, xôi một bàn, cau trầu vàng bạc giống như ngày kỵ nhật. {mờ hết một đoạn cuối}

Ngày tốt đầu thu năm Tân Hợi (1791) niên hiệu Quang Trung./.

(Thông báo Hán Nôm học 2011, tr.595-601)