Đôi nét về chùa Khmer Svay Dom Cum của xã An Tức anh hùng

Post date: Apr 4, 2012 4:55:05 AM

Đôi nét về chùa KHMER SVAY DOM CUM của xã AN TỨC anh hùng.

Võ Văn Sịnh

Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 80, tháng 11-2011.

Trong khí thế hân hoan chào mừng “Ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ” xin giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành chùa Svay Đon Cum, một ngôi chùa Khmer cổ thuộc hàng những ngôi chùa có lịch sử lâu đời trong tỉnh, đồng thời qua đó cũng thấy được tình keo sơn gắn bó giữa hai dân tộc người Kinh và người Khmer trên đất An Giang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chùa Svay Đon Cum tọa lạc tại xã An Tức, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngoài những giá trị thời gian tồn tại cũng như hiện vật quý báu của chùa “Bộ kinh là Rít” có lịch sử gần 300 năm được viết bằng tiếng Pali, thì chùa còn là một căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân, dân Tri Tôn và các lực lượng vũ trang từ Kiên Giang qua phối hợp tác chiến. Nơi đây từng che giấu những con người quả cảm chiến đấu cho sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc giao phó – đánh bại đế quốc Mỹ giành độc lập lại cho non sông đất nước.

Chùa được xây dựng năm 1718, trụ trì đầu tiên là sãi cả Chau Sô. Ba đầu chùa làm bằng gỗ mái lá, cư ngụ trên sườn đồi Tức Dụp. Theo lời kể các cụ lớn tuổi trong phum sóc và các cựu chiến binh, thanh niên xung phong từng đóng căn cứ hoạt động cách mạng ở vùng này cho biết: vị trí của chùa ban đầu gần với hang Tuyên huấn ở đồi Tức Dụp. Khoảng trước 1945, chùa được di dời từ trên núi xuống địa điểm hiện nay chùa đang tọa lạc và xây cất lại bằng gỗ, mái tranh. Về nguyên nhân của việc di dời này có hai giải thích khá tương đồng nhau: Thứ nhất, người ta cho rằng khi xưa chùa trên núi cao, rừng rậm âm u nên việc cúng bái của dân làng thường xuyên bị thú dữ đe dọa phải di dời xuống các phum sóc dưới chân núi nơi có đông người để tránh thú dữ. Thứ hai, quan điểm cho rằng chùa di dời vì mục đích tiện cho dân trong phum sóc cúng bái cũng như sinh hoạt cộng đồng vì nét đặc trưng hiếm có ở đồng bào Khmer là tính cộng đồng rất cao, chùa là nơi hội họp và giải quyết tất cả những công việc quan trọng của phum sóc.Chúa Svay Đon Cum ban đầu có tên là Nay Đon Cum, về sau khi di dời xuống chân núi mới có tên gọi Svay Đon Cum. Bấy giờ, xung quanh chùa cây cối mọc thành rừng um tùm, một cây xoài gần chùa bị rập, do tìm ánh sáng nên thân cây vươn lên rất cao, thân nhỏ tựa như dây leo. Thường trong cách gọi tên của người Khmer khi nhắc đến một địa danh nhất định họ thường gắn địa danh đó với một nét riêng điển hình cho nơi họ muốn đề cập. Do đó, dân trong phum sóc mới gọi chùa Nay Đon Cum lệch đi thành chùa Svay Đon Cum, ý chỉ chùa “Dây Xoài”. Chùa còn được biết đến với tên gọi “Chùa B52”. Năm 1968 quân Mỹ đánh vào căn cứ cách mạng ở Bảy Núi, trong đó trọng tâm là căn cứ ở đồi Tức Dụp. Chùa bị bom B52 đánh trúng và hư hại hoàn toàn, vì vậy chùa còn được mọi người trong phum sóc cũng như chiến sĩ cách mạng gọi là chùa B52. Như vậy, tên gọi Chùa B52 chỉ xuất hiện sau năm 1968. Dấu tích trận càn này vẫn còn, bằng chứng là ao nước lớn trước cửa chùa được tạo nên bởi sức công phá của quả bom.

Công trạng của chùa Svay Đon Cum trong kháng chiến chống Mỹ rất lớn. Những năm Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1965) các cánh quân đóng ở Bảy Núi phải chịu sự ruồng bố gắt gao. Bấy giờ lực lượng ta dựa vào địa hình hiểm trở của núi đồi ẩn núp chỉ hoạt động về đêm, nguồn sống chủ yếu chỉ là những “buồng chuối, nắm cơm nguội” của đồng bào Khmer tiếp tế vào. Khi chiến lược chiến tranh đặc biệt phá sản, Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1969) rồi Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973), đây là những thời điểm mang tính chất quyết định đến toàn cục diện chiến tranh, vì vậy các cánh quân từ căn cứ U Minh, Tây Ninh… tăng cường phối hợp với nhau trên toàn xứ Nam Kỳ. Bấy giờ chùa Svay Đon Cum đóng vai trò là cầu nối điểm trung chuyển việc “thu nhận”“truyền tin” cho lực lượng du kích địa phương với quân từ Kiên Giang qua tiếp ứng. Mỗi người dân Khmer trong phum sóc không phân biệt già trẻ, trai gái đều hăng hái tham gia cách mạng bằng nhiều hình thức. Những việc làm thông minh sáng tạo có sự phối kết hợp giữa việc tham gia sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc ở chùa với làm cách mạng, những nhà sư, đồng bào Khmer chùa Svay Đon Cum đã góp phần quan trọng làm nên những thành tích đáng tự hào của lịch sử huyện Tri Tôn anh hùng cũng như viết nên những trang sử vẻ vang của tỉnh nhà và của cả dân tộc.

Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, bà Neáng Hiền đã vận động dân trong phum sóc góp tiền của xây lại chùa trên khuôn viên cũ. Năm 2001, chùa một lần nữa được tu sửa lại phần tường ở chánh điện và tha la chất liệu chính là gạch, xi măng, mái chùa lợp thiếc. Hiện nay chùa có 14 sư sãi trong đó có sãi cả Chau Ươne là trụ trì từ năm 2006 đến nay.

Chiến tranh đã qua đi, Tri Tôn không ngừng “thay da đổi thịt” từng ngày. Những người con Tri Tôn đang ra sức xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống củng cố tình đoàn kết hai tộc người Kinh – Khmer. Nếu ai chưa từng đến hãy một lần đến với huyện Tri Tôn đi qua xã An Tức sẽ dễ dàng bắt gặp ở vùng đất anh hùng này những cánh đồng xanh mượt, vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng với những người đồng bào dân tộc Khmer chất phác hiền lành và mến khách mới có thể cảm nhận hết được tình đất tình người Tri Tôn. Ghé thăm chùa Svay Đon Cum để tự hào và hãnh diện với ngôi chùa cổ anh hùng, để thấy ở đó một mối tình đoàn kết thủy chung sắt son giữa hai tộc người Kinh và Khmer.

V.V.S

Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang số 80, tháng 11-2011, trang 10-11.