Bàn thêm về địa danh Vàm Cống

Post date: Apr 22, 2013 12:21:01 PM

Trần Ngô Du

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số tháng 03-2013.

Gần đây, trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang có đăng bài viết của tác giả Lê Hoài Lê nghiên cứu về nguồn gốc địa danh Vàm Cống. Tác giả Lê Hoài Lê đã đưa ra ba giả thiết về nguồn gốc địa danh này, nhưng chưa xác quyết được vì còn thiếu nhiều cơ sở để phán đoán. Tuy nói là ba giả thiết nhưng nếu xem xét kỹ lại thì chỉ có hai loại:

Một là, sở dĩ có địa danh Vàm Cống là vì khi xưa ở khu vực này có một cái cống do Pháp xây dựng. Cái cống này hoặc được xây dựng bên phía Lấp Vò (Đồng Tháp) hay Hòa An (An Giang) ở bờ tả ngạn sông Hậu, hoặc ở bên bờ phía Long Xuyên. Do ảnh hưởng từ cái cống này mà các địa danh lân cận, như chợ hoặc phà cũng được gọi là chợ Cống, vàm Cống. Tác giả Lê Hoài Lê qua quá trình thực địa đã tìm ra hai cái cống xưa để củng cố cho giả thiết này: một nằm ở bờ An Giang (đoạn cua vòng từ bến phà Vàm Cống đi Cần Thơ, Rạch Giá); một ở phía Lấp Vò (cống Cái Sơn – nay là cầu Cái Sơn, gần UBND huyện Lấp Vò, cách chợ Vàm Cống 2.5 km).

Hai là, địa danh Vàm Cống vốn phải đọc làm Vàm Cóng. Cóng ở đây là dụng cụ đong nước. Gọi là vàm Cóng vì đầu vàm kinh xáng Lấp Vò ở khu vực phà ngày nay trước đây cồn Hòa An chưa nổi lên (khoảng năm 1907), mỗi khi triều cường, lượng nước từ sông Hậu đổ vào vàm kinh xáng ồ ạt như nước đổ vào trong một cái cóng. Sự liên tưởng này bắt nguồn từ dân địa phương hoặc các tài công trên các ghe buôn đi qua vùng này, rồi trở thành địa danh, về sau gọi trại thành Vàm Cống.

Từ hai nhóm giả thiết này, tác giả Lê Hoài Lê đề xuất việc sử dụng thời gian ra đời của địa danh Vàm Cống làm căn cứ để đoán định. Nếu địa danh Vàm Cống ra đời khoảng 1901-1907, tác giả nghiêng về giả thiết thứ hai: Vàm Cống bắt nguồn từ hình ảnh lượng nước đổ vào kinh xáng Lấp Vò như đổ vào cái cóng. Còn nếu địa danh này ra đời trong khoảng 1921-1927 thì địa danh Vàm Cống phải bắt nguồn từ một cái cống do Pháp đặt và đó là cống Cái Sơn. Sở dĩ có sự phân định thời gian này là vì nếu là cống do Pháp đặt thì nó phải gắn với việc xây dựng con đường liên tỉnh số 8 (nay là Quốc lộ 80) – theo ý tác giả Lê Hoài Lê.

Địa danh Vàm Cống ra đời từ khi nào?

Theo những tài liệu mà tôi sưu tầm được tính đến nay, trong các tài liệu của triều Nguyễn chưa hề có địa danh Vàm Cống. Địa danh này được nhắc đến lần đầu trong Monographie de la province de Long Xuyen của chủ tỉnh Duvernoy soạn, in năm 1924. Tài liệu này cho ta biết ở hạt Long Xuyên bấy giờ có “đường số 6 từ An Hòa đi Vàm Cống Định Yên” (Route n6o de An-Hòa à Vàm-Công Dinh-Yên). Còn con đường liên tỉnh 8 được ghi nhận trong sách đó như sau: “đường số 8 từ Chợ Mới đến Mỹ Luông và tới giáp ranh Sa Đéc”[1]. Trước đó, trong cuốn Địa lý hình thể, kinh tế và lịch sử Nam Kỳ, tập 12: Long Xuyên (in năm 1905), tôi không thấy đề cập đến hai con đường kể trên trong danh sách các con đường ở hạt Long Xuyên. Nhưng trong một đoạn nói về các khúc đường liên tỉnh 4 có nói tới một đoạn “từ Tân Thạnh Trung tới Vàm Lấp Vò” (Tân-thanh-trung au Vam Lâp-vo)[2].

Như vậy, vào khoảng năm 1905, khu vực Vàm Cống vẫn còn gọi làm Vàm Lấp Vò và phải đến khoảng năm 1924 mới thấy ghi nhận tên gọi Vàm Cống. Không còn nghi ngờ gì nữa, địa danh Vàm Cống phải là ra đời trong khoảng 1905-1924. Do vậy, ta có thể bác bỏ hẳn giả thiết Vàm Cống bắt nguồn từ hình ảnh lượng nước ồ ạt chảy vào kinh xáng Lấp Vò vì nếu thế thì địa danh Vàm Cống phải ra đời từ trước khi cồn Hòa An nổi lên rất lâu. Giả thiết tên gọi Vàm Cống bắt nguồn từ cống Cái Sơn do Pháp đặt khi xây dựng đường liên tỉnh 8 cũng khó đứng vững bởi hai nguyên nhân. Một là từ cống Cái Sơn trên đường số 8 tới Vàm Cống xa đến 2 km như chính tác giả Lê Hoài Lê đã nói. Hai là lúc tên gọi Vàm Cống được ghi nhận thì con đường liên tỉnh 8 chưa ra đời hoặc chí ít là chưa hoàn thành. Địa danh Vàm Cống – theo tôi – vẫn bắt nguồn từ việc xây dựng đường sá của Pháp nhưng là đường liên tỉnh 6 từ An Hòa đi Vàm Cống chứ không phải đường liên tỉnh 8. Giả thiết này được suy ra từ những ghi chép của chính Chủ tỉnh Long Xuyên là Victor Duvernoy.

Như vậy, Vàm Cống thoạt tiên là một địa danh nằm bên tả ngạn sông Hậu. Đến năm 1925, khi phà Vàm Cống được xây dựng nối liền hai bờ thì địa danh Vàm Cống mới từ tả ngạn chạy sang hữu ngạn sông Hậu. Địa danh Vàm Cống phải giải thích theo Sơn Nam là bao gồm yếu tố “vàm” cộng với yếu tố “cống”. “Vàm” tức là vàm kinh xáng Lấp Vò. Còn “cống” là do đâu mà có?

Tôi đã thử tìm kiếm xung quanh khu vực vàm kinh xáng Lấp Vò xem có địa danh hay sự vật gì có thể ảnh hưởng đến việc ra đời của địa danh Vàm Cống hay không. Điều bất ngờ là trong cuốn Địa lý hình thể, kinh tế và lịch sử Nam Kỳ, tập 12: Long Xuyên đã nói ở trên có kèm một bản đồ tỉnh Long Xuyên tỷ lệ 1:250 000. Trước vàm kinh xáng Lấp Vò chỗ phà Vàm Cống hiện nay có vẽ một cù lao nhỏ với chú thích “C. Cong”. Đến bản đồ trong địa chí của chủ tỉnh Duvernoy, cái cù lao ấy đã được vẽ lớn hơn một chút và chú thích tên là “C. Cai Cong”. Nếu so sánh với tình hình thực địa hiện nay thì cù lao ấy chính là cồn Cái Cùng. Bản đồ năm 1924 vẽ nó ở khá xa bờ sông (gần như ở giữa sông Hậu), nay cồn này đã to ra, chỉ cách bờ tả ngạn một con rạch nhỏ.

Khu vực Vàm Cống trên bản đồ năm 1905

Khu vực Vàm Cống trên bản đồ 1924

Từ chi tiết này, tôi mạnh dạn đặt giả thiết rằng địa danh Vàm Cống bắt nguồn từ cồn Cái Cùng mà từ năm 1905 người Pháp đã gọi sai là Cái Cóng, cồn Cái Cóng. Vàm Cống tức là vàm sông đổ ra cồn Cái Cóng (gọi sai). Sở dĩ tôi nói bản đồ người Pháp vẽ gọi cồn này là cồn Cái Cóng là gọi sai vì trong địa bạ triều Nguyễn hồi năm 1836 đã thấy nhắc tới địa danh Cái Cùng châu tức cù lao Cái Cùng nằm trong địa phận làng An Hòa xưa. Cồn Cái Cùng thời đó chắc còn nhỏ hơn so với tình trạng năm 1905 và thậm chí khoảng năm 1806 còn chưa xuất hiện hoặc nổi lên chưa đáng kể. Bằng chứng là Lê Quang Định viết xong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí vào năm đó chỉ nhắc cù lao Châm Ba (cũng thuộc làng An Hòa xưa) mà không nói gì đến cù lao Cái Cùng.

Trở lại với địa danh Vàm Cống, tôi cho rằng nó đã xuất hiện trong quá trình người Pháp khảo sát để mở con đường liên tỉnh 6 từ An Hòa đi Định Yên cũng như một số công trình giao thông khác trong vùng bao gồm cả việc lập phà Vàm Cống. Khu vực vàm kinh xáng Lấp Vò đổ ra chỗ cù lao Cái Cóng – theo bản đồ tỉnh Long Xuyên mà chính quyền thực dân cho vẽ từ năm 1905 – là tâm điểm chú ý vì nó vừa là một đoạn con đường liên tỉnh 6, vừa là nơi dự kiến lập bến phà qua sông Hậu. Chính người Pháp chịu ảnh hưởng của các cố vấn người Việt đã gọi vàm sông này là Vàm Cóng rồi trại ra Vàm Cống. Đó là trường hợp của chủ tỉnh Duvernoy khi ông gọi vàm Lấp Vò là Vàm Cống. Địa danh Vàm Cống chính thức định hình vào năm 1925 khi nó được gắn với bến phà Vàm Cống nối liền hai bờ sông Hậu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Géographie physique, économique et historique de la Cochinchine, XII fascicule: Monographie de la province de Long Xuyen. Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1905.

2. Duvernoy. Monographie de la province de Long Xuyen. Édution de Moniteur de L’Indochine, Hanoi, 1924.

3. Nguyễn Đình Đầu. Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.

4. Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

[1] Duvernoy. Monographie de la province de Long Xuyen (Địa chí tỉnh Long Xuyên). Édition du Moniteur de L’Indochine, Hanoi, trang 10.

[2] Géographie physique, économique et historique de la Cochinchine, XII fascicule: Monographie de la province de Long Xuyen. Imprimerie Saigonnaise, Saigon, 1905, trang 9.

NÓI THÊM:

Mặc dù không nói đến cồn Cái Cùng, Lê Quang Định có nhắc đến địa danh cù lao Bần "không có dân cư". Brian Wu cho rằng vì chữ Hán "Bần" 貧 giống với chữ "Cống" 貢 nên rất có thể đã nhầm lẫn theo hướng đó. Tuy nhiên, từ thời điểm biên soạn địa bạ làng An Hòa thì tên Cái Cùng đã xuất hiện và tồn tại đến tận ngày nay, trong khi tên cù lao Bần đã biến mất.


Chữ "Cái Cùng châu" trong địa bạ làng An Hòa


C Cai-cong trong bản đồ do người Pháp vẽ năm 1861-1862


Một số địa danh liên quan ở khu vực Vàm Cống