Châu Đốc - chuyện chưa kể về những ngày Cách mạng tháng Tám 1945.

Post date: Aug 22, 2013 3:28:05 PM

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Lịch sử An Giang số 101, tháng 8-2013.

Mỗi năm đến những ngày tháng tám, câu chuyện đấu tranh giành độc lập ở hai tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc lại sống dậy trong lòng người dân An Giang. Diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ấy tuy đã được nhiều báo đài, bài viết, bài nghiên cứu, sách vở đề cập chi tiết. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chuyện đến nay vẫn còn là một mảng ký ức sắp phai mờ chưa được nhiều người biết đến.

Cuộc hội đàm Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây với Tỉnh trưởng Hồ Tấn Khoa:

Sau khi đảo chính Pháp (9-3-1945), phát xít Nhật lựa chọn các viên chức chính quyền cũ để thiết lập bộ máy cai trị bù nhìn ở các tỉnh, tuyên truyền độc lập giả hiệu. Tại Châu Đốc, phát xít Nhật cử Hồ Tấn Khoa làm Tỉnh trưởng. Về nhân vật Hồ Tấn Khoa này, các tài liệu lịch sử Đảng bộ khi nhắc về ông ta trong những ngày Cách mạng tháng Tám đều chú thích thêm hai chữ Cao Đài. Chú thích như vậy là quá sớm vì mãi tới sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, Hồ Tấn Khoa mới gia nhập đạo Cao Đài.

Hồ Tấn Khoa người làng Bình Lạc, tổng An Vinh Hạ, tỉnh Tân An (nay là Long An), xuất thân trong gia đình công chức Pháp, cha là Hồ Tấn Giêng từng làm Thư ký Tòa bố Tân An. Hồ Tấn Khoa làm việc cho Pháp tới ngạch Đốc phủ sứ, từng trải qua các địa bàn Bà Rịa, Cần Thơ, Châu Đốc, Hồng Ngự, Biên Hòa. Khi Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tấn Khoa đang làm việc ở Châu Đốc (lần thứ hai). Khác với các tỉnh trưởng bù nhìn khác, Hồ Tấn Khoa được sự ủng hộ của các viên chức người Việt trong bộ máy chính quyền thực dân cũ. Hồ Tấn Khoa đã ra mấy yêu sách trước khi chịu nhận chức Tỉnh trưởng, như đòi nắm toàn quyền quản lý trật tự, trị an; đòi được cấp vũ khí; đòi sử dụng lực lượng lính gạc cũ của Pháp; giữ nguyên bộ máy quan chức thống trị cũ của chính quyền thực dân … Phát xít Nhật đã nhượng bộ hầu hết nhưng vẫn thoái thác không giao vũ khí. Về sau, Hồ Tấn Khoa đã đòi được số súng cần thiết trong buổi hội kiến các tỉnh trưởng miền Hậu Giang với Thống chế Toàn quyền Nhật. Sau buổi hội kiến này, Hồ Tấn Khoa được cấp cho hai xe du lịch chất đầy súng. Như vậy, khác với các Tỉnh trưởng bù nhìn khác, trong thời gian ngắn, Hồ Tấn Khoa đã nắm trong tay một lực lượng mạnh, có thể gây khó khăn lớn cho việc giành chính quyền ở tỉnh Châu Đốc. Ngược lại, nếu có thể tranh thủ lôi kéo ông ta về phía cách mạng, hoặc ít ra là làm cho Hồ Tấn Khoa ở thế trung lập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng.

Quán triệt đường lối của Nguyễn Ái Quốc từng đề ra trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt năm 1930, Tỉnh ủy Châu Đốc đã thông qua ông Đốc công Cường để thuyết phục Hồ Tấn Khoa ủng hộ cách mạng. Tuy nhiên, Hồ Tấn Khoa vẫn ngoan cố không chịu hợp tác, mặc dù vẫn tuyên bố ủng hộ Trần Văn Giàu ở Sài Gòn. Mặc dù vậy, trước sự phát triển của lực lượng quần chúng và khí thế cách mạng trong cả nước, bộ máy chính quyền thân Nhật ở Châu Đốc cũng phải rúng động. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tây (tức Nguyễn Thanh Sơn, khi đó là Thanh tra chính trị miền Tây) kể:

“Phong trào quần chúng mạnh mẽ đã lay chuyển đến cả chính quyền cấp tỉnh của địch. Đáng ghi nhớ là ở Châu Đốc, những nhân vật chóp bu như Tỉnh trưởng Hồ Tấn Khoa, cảnh sát trưởng Thái Ngươn Dương, trạng sư Trương Tấn Phát, bác sĩ Hồ Văn Nghĩa, đốc công Bính v.v… Tất cả trên mười người thiết tha đề nghị được gặp tôi. Tôi tới Châu Đốc gặp họ mấy ngày liền, giải đáp mọi câu hỏi của họ về Mặt trận Việt Minh. Khi hết mọi thắc mắc, họ tình nguyện theo Việt Minh. Tỉnh ủy Châu Đốc cử đồng chí Thới (tôi quên họ) và đồng chí Hồng Cẩm Hòa đến ở chung với họ để họ bí mật giao chính quyền cho ta trước ngày Tổng khởi nghĩa tới hai, ba tuần lễ”.

Đồng chí Thới được nhắc đến trên kia có lẽ là đồng chí Nguyễn Văn Thôi, bí thư Tỉnh ủy Châu Đốc thời điểm đó. Nhân vật Hồng Cẩm Hòa trong Lịch sử Đảng bộ An Giang và một số tài liệu tuyên truyền khác thấy ghi là Hùng Cẩm Hòa. Nhưng trong hồi ký của đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, tập tiểu sử của Hồ Tấn Khoa và hồi ức của các đồng chí từng hoạt động ở Campuchia trong kháng chiến chống Pháp đều gọi là Hồng Cẩm Hòa. Đây là một chi tiết cần được lưu ý nghiên cứu và đính chính.

Theo hồi ức của chính Hồ Tấn Khoa thì không chỉ có đồng chí Nguyễn Văn Tây mà còn có cả đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Nội vụ ở Sài Gòn cũng đến Châu Đốc tham dự cuộc gặp này. Hai bên đã đi đến thỏa thuận là Hồ Tấn Khoa sẽ làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh còn Hồng Cẩm Hòa làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến. Số vũ khí Hồ Tấn Khoa đang nắm giữ được giao lại cho cách mạng, bao gồm: khoảng 100 súng trường, 2 khẩu tiểu liên, 70 súng lục ru-lô cỡ lớn gọi là giò heo, một số lựu đạn và thuốc đạn đầy đủ. Trên thực tế, vai trò của Ủy ban Kháng chiến vẫn mạnh hơn vì ta nắm được lực lượng quần chúng, lại lấy được toàn bộ vũ khí của chính quyền thân Nhật.Như vậy, trước ngày Tổng khởi nghĩa hai, ba tuần lễ, Tỉnh ủy Châu Đốc đã bí mật kiểm soát được chính quyền trong tỉnh, nắm giữ được toàn bộ số vũ khí của chính quyền tay sai thân Nhật, tạo không khí hòa hoãn cần thiết để tăng cường củng cố lực lượng chính trị, quân sự cho cách mạng. Đây là điểm đặc sắc của cuộc khởi nghĩa tháng Tám tại Châu Đốc, cần được các nhà nghiên cứu quan tâm phân tích làm rõ.

Sự thành lập Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân ở Châu Đốc.

Do mối quan hệ mật thiết từ lâu đời giữa hai cộng đồng nên tại nước bạn Campuchia có khá đông Việt kiều sinh sống và làm việc. Khi thông tin về phong trào cách mạng sục sôi trong nước được truyền bá trong giới Việt kiều ở Campuchia, một làn sóng Việt kiều yêu nước trở về quê hương tham gia chiến đấu đã bùng lên mạnh mẽ. Thủ đô Phnompenh trở thành nơi tiếp nhận Việt kiều yêu nước từ các tỉnh đổ về để từ đó theo đường sông Mékong về nước. Châu Đốc chính là điểm hội tụ của trên 2.000 Việt kiều yêu nước gồm nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau: từ thợ lái xe, thợ giày, lính cũ của Pháp, công chức, nhưng đa phần là dân lao động. Tỉnh ủy Châu Đốc đã tổ chức đón rước chu đáo.

Sáu giờ sáng ngày 24-9-1945, trên 1.000 thanh niên, công chức Việt kiều tập trung tại sân vận động Châu Đốc để tiến hành tuyển chọn người thành lập một đơn vị chiến đấu. Sau buổi lễ chào cờ, một vị trong ban tuyển quân công bố tiêu chuẩn: Đánh giặc cần người gan dạ, nếu ai chấp nhận bỏ một cục than hồng lên lòng bàn tay cho đến khi nó cháy hết hoặc chịu chặt một ngón út bàn tay trái thì được nhập ngũ (Kỳ thực đồng chí ấy chỉ dọa, để chọn ra những người thực sự can đảm).

Hai trăm người giơ tay tình nguyện đầu tiên đã được chọn để thành lập Đại đội Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân. Số giơ tay sau thì được bổ sung vào các đội cộng hòa vệ binh và dân quân trong tỉnh.

Ngày 25-9-1945, Đại đội Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân làm lễ ra mắt. Ban chỉ huy đại đội có Tô Can, đại đội trưởng; Mộc, chánh trị viên. Biên chế có ba trung đội: Trung đội 1 do Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy, Trung đội 2 do đồng chí Nguyễn Văn Lầu, Trung đội 3 do đồng chí Lạc chỉ huy. Theo tư liệu do dòng họ Tô cung cấp, đồng chí Tô Can (1910-1985) tên thật là Tô Văn Cương, thường gọi là Tô Cương (Can là cách phát âm của người miền Nam), quê làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đến năm 1949, đồng chí Tô Cương được Trung tướng Nguyễn Bình ủy thác xây dựng ngành nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng miền Nam. Từ đó cho đến khi qua đời, đồng chí Tô Cương đã toàn tâm toàn ý phục vụ cho nền điện ảnh cách mạng với nhiều thành tích.

Tô Cương - Đại đội trưởng Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân ở Châu Đốc năm 1945.

Về trang bị vũ khí, bấy giờ mỗi trung đội Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân có 10 súng Mousqueton và súng 2 nòng. Mỗi tiểu đội có 1 súng Musqueton của Pháp, 9 viên đạn, 2 súng lửa bắn chim 2 nòng, còn lại là mã tấu, lựu đạn, phi tiêu. Các chiến sĩ được phát mỗi người một mũ ca-lô có gắn huy hiệu nền đỏ sao vàng hình vuông may bằng vải, một cái nóp bàng để thay chiếu và mùng mền, quần áo thì ai có gì mặc nấy. Đại đội được cấp tốc huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Cuối tháng 9-1945, đại đội lại tập trung ở sân vận động Châu Đốc. Phái đoàn Tổng bộ Việt Minh do các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh nói chuyện động viên. Đồng chí Nguyễn Văn Tây – thanh tra chính trị miền Tây – ra lệnh chia ba trung đội đi trấn giữ ba mặt trận: Tịnh Biên, Núi Sam, Nhà Bàn. Dưới sự chỉ đạo của Quân khu IX, đại đội Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân đã phối hợp tác chiến hoặc độc lập chiến đấu, đánh nhiều trận phục kích tàu địch ở Giang Thành, vàm kinh Vĩnh Tế, tập kích đồn Bố Thảo (Sóc Trăng) v.v… Sang năm 1947, đơn vị được bố trí lại theo yêu cầu mới. Các chiến sĩ Cao Miên Việt kiều cứu quốc quân trở thành các cán bộ dày dạn kinh nghiệm, bổ sung cho các đơn vị khác.

Bộ đội Nam tiến và Cao Miên Việt kiều Cứu quốc quân gặp nhau sau trận đánh ở Ngã Năm (Rạch Giá), tháng 1-1946.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Ban liên lạc Cựu chiến binh quân Tình nguyện Việt Nam ở Campuchia thời kỳ 1945 – 1954. Tư liệu lịch sử Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia thời kỳ 1945 – 1954. NXB Mũi Cà Mau, 2000.

Ban liên lạc Việt kiều Campuchia hồi hương. Tấm lòng của Việt kiều Campuchia. NXB Mũi Cà Mau, 1998.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang 1927 – 1945 sơ thảo. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng An Giang, 1986.

Nguyễn Thanh Sơn. Trọn đời theo Bác Hồ - hồi ức của một người con đồng bằng sông Cửu Long. NXB Trẻ, 2005.

Tư liệu về đồng chí Tô Cương của dòng họ Tô công bố trên website: hotovietnam.org

Tiểu sử Hồ Tấn Khoa ghi theo cuốn “Tịch đạo pháp nhơn chi đạo” của Hồ Tấn Khoa, đăng trên website của Đại học Sydney, Australia: http://www-personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/TieuSu-BaoDaoHoTanKhoa/tieusubaodaohtk.htm