Thần tích - thần sắc đình Vĩnh Nguơn qua bảng điều tra năm 1938

Trần Hoàng Vũ

Bài đăng trên Tạp chí Văn Hóa - Lịch Sử An Giang số 176, tháng 11-2019, tr.19-22.

Đình Vĩnh Nguơn tọa lạc ở đầu vàm kinh Vĩnh Tế, nhìn ra ngã ba sông Hậu. Trước kia, đình tọa lạc tại vị trí phía sau trường Vĩnh Nguơn cách đó không xa. Đến năm 1929, Đốc phủ Trương Tấn Vị đã giúp đỡ tiền bạc để dời đình về vị trí hiện nay. Năm 2011, đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Mặc dù nằm ở vị trí gần sát trung tâm thành phố Châu Đốc, đình Vĩnh Nguơn vẫn chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu một cách nghiêm túc. Các vấn đề về thần tích, thần sắc của ngôi đình này vẫn còn nhiều điểm chưa chính xác và còn gây ra một số tranh luận. Điều may mắn là vào năm 1938, Hội Khảo Cứu Phong Tục đã gửi về địa phương một bảng hỏi điều tra (gồm 3 bản giống hệt nhau) về việc thờ cúng ở làng Vĩnh Nguơn. Hai bản trả lời vẫn còn được lưu trữ tại viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội. Tài liệu quý báu này giúp ta minh định nhiều vấn đề về thần tích, thần sắc của vị tôn thần thờ tại đình Vĩnh Nguơn. Kết hợp với khảo sát thực địa của tác giả vào cuối năm 2018 và ảnh chụp thần sắc do nhà nghiên cứu Huỳnh Thị Mỹ Thanh cung cấp, xin trình bày lại về lai lịch vị tôn thần thờ ở đình Vĩnh Nguơn, đồng thời đính chính lại những ngộ nhận, nhầm lẫn không đáng có về vị tôn thần thờ ở đình này.

Thần tích về Nguyễn Hữu Lễ: nhân vật thời Tây Sơn hay thời Minh Mạng?

Thần tích về Nguyễn Hữu Lễ được trình bày trong tập Nội dung di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Nguơn xã Vĩnh Nguơn, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang đề ngày 9-9-2001. Nội dung như sau:

“Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, anh em Tây Sơn khởi nghĩa để chống lại cuộc chiến phi nghĩa kéo dài hơn 100 năm, gây cho dân tình lầm than, đói rét, khốn khổ. Quân Tây Sơn diệt quân Trịnh ở miền Bắc, đánh đuổi chúa Nguyễn ở miền Nam. Nguyễn Ánh phải chạy đi khắp nơi để tìm phương thoát nạn. Một lần Nguyễn Ánh chạy đến đầu kinh Vĩnh Tế và được Nguyễn Hữu Lễ là người dân địa phương đã nhiệt tình giúp đỡ. Nguyễn Hữu Lễ huy động nhân dân xã Vĩnh Nguơn đem xuồng ghe đến đưa đoàn quân Nguyễn Ánh qua sông chạy thoát rồi ông cho phá cầu, nhận chìm xuồng ghe, khi quân Tây Sơn kéo đến và phải khó khăn lắm mới qua được sông thì quân Nguyễn Ánh đã chạy xa rồi. Nguyễn Huệ Tây Sơn rất tức giận vì không tiêu diệt được quân Nguyễn Ánh nên bắt dân làng ra tra hỏi người cầm đầu đã tổ chức làm việc ấy. Trước sự kiện nghiêm trọng và căng thẳng như trên, ông Nguyễn Hữu Lễ đã đứng ra chịu tội chết thay thế cho dân làng. Trước nghĩa cử cao quí đó, người dân địa phương xây dựng ngôi thờ Nguyễn Hữu Lễ và tôn kính người như một vị thần, vì ông dám liều mình giúp chúa, cứu dân.

Về sau, khi Nguyễn Ánh phục quốc lên ngôi (1802) lấy niên hiệu Gia Long, Vua tưởng nhớ đến công ơn của Nguyễn Hữu Lễ nên thưởng công và [tr.20] phong là Thần Hoàng cho làng Vĩnh Nguơn. Từ đó, người dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi một lòng cung kính, ngày đêm nghi ngúc [sic] khói hương thờ cúng tại đình”[i].

Năm 2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Đông Triều có giới thiệu một thần tích chi tiết hơn, được chép lại từ tư liệu và hồ sơ di tích ở đình Vĩnh Nguơn. So với văn bản năm 2001, bản kể này đã được bổ sung nhiều dữ kiện lịch sử và đi sâu vào chi tiết hơn. Nội dung như sau:

“Năm 1774, khi Trịnh Sâm tiến đánh Phú Xuân, Định vương Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Quảng Nam lập cháu là Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung, và chia quân hai mặt chống cự. Ít lâu sau, đạo thủy bộ Tây Sơn tấn công nên chúa Nguyễn bỏ chạy. Định vương cùng một người cháu khác là Nguyễn Ánh xuôi thuyền vào Nam nhằm chiêu mộ tân binh. Năm 1776, quân Tây Sơn tấn công vào Sài Gòn. Định vương chạy xuống Rạch Chanh, được Nguyễn Ánh phò tá xua quân Đông Sơn tiếp viện. Nguyễn Ánh rước Định vương chạy về Long Xuyên (Cà Mau xưa). Quân Tây Sơn sau thời gian ráo riết truy tìm đã bắt được Định vương đem giết. Cháu là công tôn Nguyễn Phúc Ánh may mắn thoát thân vội dắt đoàn tùy tùng chạy đến biên giới, dự định qua đảo Thổ Châu, cầu viện quân Xiêm. Được tin, tướng Tây Sơn ráo riết đuổi theo.

Giáp biên địa là khu vực hoang vu, mọc đầy tre rừng, đất trũng thấp, mương rạch chằng chịt do dấu chân voi di chuyển lâu ngày tạo thành kinh lạch. Nơi đây có gò nổi, dân địa phương ở thành xóm nhỏ, nhiều nhà tranh vách lá, cột tre tạo dựng đơn sơ. Để bảo vệ an ninh, họ đề cử một người biết chữ Nho, biết võ làm Thôn trưởng. Đó là Nguyễn Hữu Lễ. Ông chỉ huy một số tráng đinh gìn giữ xóm làng. Muốn ra vào nội thành, Thôn trưởng Nguyễn Hữu Lễ có sáng kiến chế tạo cầu quay, khỏi lội qua mương lạch. Phần giữa cầu đóng bộ trụ cột to, bốn góc có 4 cây chỏi túm sát đầu kiềng cứng cây trụ. Then cầu đặt tấm ván danh mộc dài, giữa đục cái lỗ hổng trồng lên đầu cây trụ như cái ngõng cối xay. Hai người túc trực sẵn hai đầu, muốn qua mương phải xoay tấm ván nằm xuôi cho đầu ván cầu đặt lên bờ để giữ thăng bằng. Xuồng ghe muốn vào mương phải đợi nước lớn kéo tấm ván chừa lối trống. Để thuận tiện cho nhiều người đi cùng một lúc, hai bên tấm ván cầu, ông Thôn trưởng đóng thêm ván be ra lớn thêm độ năm bảy tấc. Nói chi người đi bộ, ngựa chạy qua cũng lọt. Mỗi đầu cầu, buộc sợi dây đỏi, cho hai người chung sức kéo lúc gặp tình trạng khẩn trương.

Khi Nguyễn Vương thua chạy về phía biên giới đã sai người liên lạc với Thôn trưởng nên qua cầu dễ dàng. Để chặn quân Tây Sơn sắp đuổi tới, Thôn trưởng sai tráng đinh rút ván chừa trục cầu chơi vơi giữa mương, kịp đến nơi, quân Tây Sơn thấy chiếc cầu bị phá, liền đốt tre kết bè vượt qua mương. Quân Tây Sơn phải khó khăn lắm mới qua đến bên kia sông thì Nguyễn Ánh đã chạy thoát. Nguyễn Huệ rất tức giận vì không tiêu diệt được quân Nguyễn Ánh nên bắt dân làng ra hỏi người cầm đầu. Trước tình hình căng thẳng đó, ông Nguyễn Hữu Lễ đã đứng ra nhận tội và bị giết. Người dân địa phương vô cùng thương tiếc nên xây dựng ngôi đền thờ Nguyễn Hữu Lễ và tôn kính ông như một vị thần, vì ông dám liều mình giúp chúa cứu dân.

Về sau, khi Nguyễn Ánh phục quốc lên ngôi (1802) lấy niên hiệu Gia Long, vua tưởng nhớ đến công ơn của Nguyễn Hữu Lễ nên phong làm Thần Thành Hoàng cho làng Vĩnh Nguơn. Từ đó, người dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi một lòng cung kính, ngày đêm nghi ngút khói hương thờ cúng”[ii].

Thần tích được kể trên đây từng gây ra rất nhiều băn khoăn cho tác giả bài viết. Thứ nhất, không có ghi chép lịch sử nào nói về việc Nguyễn Ánh từng chạy trốn đến khu vực Châu Đốc trong bất cứ giai đoạn nào của thời kỳ bôn tẩu. Thứ hai, tên thôn Vĩnh Nguơn 永元 – tức Vĩnh Nguyên – hàm ý đây là thôn nằm ở điểm bắt đầu của kênh Vĩnh Tế. Do đó, nó không thể xuất hiện trước cuối năm 1819 là lúc bắt đầu khai đào con kênh này. Thứ ba, sự chia tách giữa Vĩnh Nguơn với phần còn lại của Châu Đốc bởi một dòng nước kênh có giá trị giao thông e rằng cũng là gắn liền với việc khai đào con kênh Vĩnh Tế. Thứ tư, sự mô tả chiếc cầu có thể rút được với một kỹ thuật quá phức tạp gợi nhớ đến kỹ thuật “cầu quay” do người Pháp du nhập vào. Theo sự mục kích của tác giả trong khu vực, để giải quyết vấn đề tương tự, người địa phương thường xây dựng những cây cầu khỉ với nhịp giữa không được buộc chặt mà chỉ gác hờ trên chạc ba, để ghe thuyền đi ngang có thể nhấc nó lên để đi qua rồi đặt lại chỗ cũ. Giải pháp này đơn giản và thuận tiện hơn cây cầu hết sức phức tạp ở trong câu chuyện. Nói tóm lại, thần tích về Nguyễn Hữu Lễ mang nhiều yếu tố không trùng khớp về niên đại. Nếu như câu chuyện về con kênh và chiếc cầu là thực thì việc ấy phải xuất hiện sau khi kênh Vĩnh Tế được đào.

Bản khai thần tích – thần sắc thôn Vĩnh Nguơn do Hương chánh Phan Văn Mẫn (53 tuổi) khai ngày 27-12-1938 đã giúp minh định điều đó. Trong mục III, khi trả lời câu hỏi a) “Hiệu ngài là gì, tên gọi thường và tên húy”, cụ Phan Văn Mẫn cho biết:

“Tên ngài là: Nguyễn hữu Lễ, đương niên Thôn trưởng làng Vĩnhnguơn, đời vua Minh Mạng”.

Cụ Mẫn còn cho biết: “Sự tích ngài chỉ truyền khẩu”. Lai lịch tôn thần Nguyễn Hữu Lễ được cụ Mẫn kể như sau:

[tr.21]“Sự tích ngài là đời vua Minh Mạng có giặc ngụy qua cầu tại vàm Kinh Vĩnh Tế, ngài không cho xây cầu, ngài ngăn giặc lại. Đến chừng giặc qua sông đặng, giặc mới chém đầu ngài, lúc ấy thây ngài đứng xửng [sững], hồn ngài nhập vào xác đồng lên nói ngài thành thần về đời vua Minh Mạng”[iii].

Có thể thấy các bản thần tích hiện đại vẫn giữ được những yếu tố cốt lõi của thần tích gốc, nhưng khoảng thời gian đã bị đẩy lên sớm hơn – từ thời Minh Mạng lên thời Tây Sơn. Sự tích Nguyễn Hữu Lễ ngăn “giặc ngụy” còn thấy trong đôi câu đối ở đình Vĩnh Nguơn (xây lại ở vị trí mới năm 1929):

Bất khiếp ngụy cường, đương nhật kính chân vi xã trưởng.

Vô tàm nghĩa sĩ, thiên thu khâm chính thị tôn thần.

Nguyên nhân của sự lùi thời gian này có lẽ là do người sao chép thần tích đã cho rằng vào thời Minh Mạng không có biến động nào khiến làng Vĩnh Nguơn lại bị tấn công từ hướng Châu Đốc. Trên thực tế, vào năm 1833, quân phản loạn của Lê Văn Khôi do các tướng Võ Vĩnh Lộc, Thái Công Triều chỉ huy từng tiến đánh Châu Đốc và chiếm được tỉnh lỵ này trong một thời gian ngắn. Nguyễn Hữu Lễ có lẽ đã tham gia chiến đấu ngăn chặn quân “ngụy” Khôi. Lúc này kênh Vĩnh Tế đã được đào, và hẳn là làng Vĩnh Nguơn cũng đã được thiết lập.

Về hai chữ không có trong thần sắc về Nguyễn Hữu Lễ.

Theo bản khai của Hương chánh Phan Văn Mẫn, vua Minh Mạng từng ban sắc phong cho Nguyễn Hữu Lễ. Cụ Mẫn cho biết: “Sự tích ngài chỉ truyền khẩu, có sắc phong ngài hồi đời Minh Mạng. Sắc ấy làng ký thác cho hương chủ Nguyễn Văn Vạng giữ, lúc ấy hương chủ Vạng nghèo rồi trốn đi mất, y đem sắc Thần theo. Sau đây làng cụ sớ xin Đức vua Khải Định ban sắc Thần thờ, năm Đức Hoàng-đế Khải Định cửu niên có ban phong sắc là: Dược bảo Trung Hưng Tôn Thần, nhằm tháng 7 ngày 25 Annam. Đến ngày nay làng tôi đang giữ sắc ấy thờ ngài”[iv].

Sắc phong cho tôn thần Nguyễn Hữu Lễ được nhóm Trương Ngọc Tường, Huỳnh Ngọc Trảng giới thiệu trong cuốn Đình Nam Bộ xưa và nay, gồm phần phiên âm và dịch nghĩa. Một bản phiên âm và dịch nghĩa khác cũng được chép lại trong tập Nội dung di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Nguơn xã Vĩnh Nguơn, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Điều đáng ngạc nhiên là với một sắc phong được sao chép và phiên dịch không dưới một lần như thế, nhưng lại được truyền bá hết sức sai lầm. Cả nhóm Trương Ngọc Tường, Huỳnh Ngọc Trảng vào thập niên 90 của thế kỷ XX[v], đến Huỳnh Long Phát năm 2001 rồi Nguyễn Đông Triều năm 2018 đều “nhất trí” gọi sai mỹ hiệu của tôn thần Nguyễn Hữu Lễ là “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần”! Thực ra trong sắc phong đề niên hiệu Khải Định không hề có hai chữ “Đoan Túc”.

Sắc phong đề năm Khải Định thứ chín cho Nguyễn Hữu Lễ có nội dung như sau:

勅 朱 篤 省 周 富 總 永 元 村 奉 事 阮 有 禮 之 神 稔 著 靈 應 肆 今 正 値 朕 四 旬 大 慶 節 經 頒 寶 詔 覃 恩 禮 隆 登 秩 著 封 爲 翊 保 中 興 靈 扶 尊 神 準 其 奉 事 神 其 相 佑 保 我 黎 民

欽 哉

啟 定 玖 年 柒 月 貳 拾 五 日

Phiên âm:

Sắc Châu Đốc Tỉnh, Châu Phú tổng, Vĩnh Nguơn thôn. Phụng sự Nguyễn Hữu Lễ chi thần nẫm trứ linh ứng. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ phong vi “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”. Chuẩn kỳ phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên, thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Vĩnh Nguơn, tổng Châu Phú, tỉnh Châu Đốc thờ cúng thần Nguyễn Hữu Lễ từng thấy linh ứng. Ngày nay gặp tiết Tứ Tuần Đại Khánh của trẫm, nay ban chiếu báu gia ơn, long trọng thăng trật. Ban phong làm Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần. Cho phép được thờ cúng. Thần cùng che chở, bảo vệ dân ta.

Kính thay!

Khải Định năm thứ chín (1924), tháng bảy, ngày hai mươi lăm.

Như vậy, mỹ hiệu mà triều đình sắc phong cho Nguyễn Hữu Lễ là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần, không phải Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần như nhiều nhà nghiên cứu đã công bố. Hai mỹ hiệu này hoàn toàn khác nhau về đẳng cấp. Theo quy định ban hành đời Thành Thái năm 1890, các công thần được chia thành ba hạng thượng, trung, hạ; mỹ hiệu được phong là:

- Trác Vĩ Dực Bảo Trung Hưng thượng đẳng thần.

- Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần.

- Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.

[tr.22] Riêng những vị thần đã biết là chính thần, tỏ ra linh ứng nhưng sự tích chưa rõ ràng thì phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần[vi]. Như ta đã biết, thần tích về Nguyễn Hữu Lễ chỉ được kể một cách đại khái chung chung vào năm 1938. Thêm vào đó, Nguyễn Hữu Lễ chỉ là một thôn trưởng, khó có thể chen chân vào cùng với các công thần triều Nguyễn, nên chỉ có thể được phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù tôn thần.

Theo bản khai của Phó lục bộ Võ Thiện Quan và Hương giáo Phạm Văn Khiết ở làng Khánh Bình (năm 1938) thì năm 1927 ở hạt Châu Đốc có một đợt xin cấp sắc phong thần cho các làng trong tỉnh. Đầu đuôi sự việc được họ kể lại như sau: “Nguyên trước làng thờ thần hoàng theo phong tục truyền. Lối năm 1927 có quan Chủ tỉnh dạy làng nào không có sắc thần thì gởi đơn cho ngài đệ đơn ấy ra triều Huế năm Khải định thứ 9, sắc gởi lại nơi Tòa bố chaudoc, hương chức phái người sấm [sắm] lễ vật bàn hương án đến thỉnh và theo nghi tiếc [tiết] mỗi năm quí tế, sắc chỉ như vầy – Khải định cửu niên thập ngoạt nhì thập ngũ nhựt, sắc phong thuần ngưn phụng bổn cảnh thần hoàng”[vii]. Năm Khải Định thứ 9 là năm 1924. Tuy nhiên, việc xin sắc phong năm 1927 cũng được Hương chủ Nguyễn Văn Tổ và Hương trưởng Trần Văn Diệt ở làng Vĩnh Tế nhắc đến trong bản khai của mình, nên có thể xác nhận thông tin của hai hương chức hội tề làng Khánh Bình cung cấp là chính xác. Như vậy là tuy sắc phong ghi năm 1924, nhưng việc xin sắc và nhận sắc phải đến năm 1927 mới được tiến hành, mà lúc này vua Khải Định đã qua đời và vua Bảo Đại đã lên ngôi.

Nguyễn Hữu Lễ hay Nguyễn Hữu Cảnh?

Trong Hội thảo Khoa Học về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức năm 1992, có một số tham luận đã đặt vấn đề liệu đình Vĩnh Nguơn đang thờ cúng là Nguyễn Hữu Lễ hay Nguyễn Hữu Cảnh? Nguyễn Hữu Lễ và Nguyễn Hữu Cảnh có phải là một người hay không? Nhà nghiên cứu Liêm Châu đã chủ trương rằng Nguyễn Hữu Lễ là Thượng Đẳng Lễ (trước còn có tên đường Thượng Đăng Lễ ở Châu Đốc, nay là đường Sương Nguyệt Anh), không phải Nguyễn Hữu Cảnh. Quan niệm như vậy là đúng một nửa. Nguyễn Hữu Lễ không phải Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng Thượng Đẳng Lễ không phải Nguyễn Hữu Lễ mà là Nguyễn Hữu Cảnh (được phong Thượng đẳng thần). Sở dĩ có sự băn khoăn nhập nhằng này là vì đình Vĩnh Nguơn không chỉ thờ cúng một mình Nguyễn Hữu Lễ mà còn thờ cả Nguyễn Hữu Cảnh và một số vị thần khác.

Đình Vĩnh Nguơn hiện nay có hai bài vị. Bài vị được thờ ở gian chính đề: “Sắc thụ Vĩnh Nguơn thôn Thành Hoàng Nghĩa Dũng Hữu Lễ Nguyễn Công”. Phía trước gian chính có bàn thờ với bài vị Hội Đồng, gồm ba vị:

“Sắc tứ Thống suất Nguyễn Thành hầu khâm tặng Thác Cảnh Chiêu Ứng Hàm Cảm Trác Vĩ thượng đẳng thần.

Khai quốc công, bình Tây Sơn, Lê Duyệt, Tả quân quận công, sắc phong Dực Bảo thượng đẳng tôn thần.

Khâm sai Thống chế, Án thủ Châu Đốc, bảo hộ Cao Miên, kiêm quản Hà Tiên Nguyễn Ngọc hầu thần”.

Như vậy, ngoài thôn trưởng Nguyễn Hữu Lễ, đình còn phối thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tả quân Lê Văn Duyệt và Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đông Triều từng cho biết rằng: “Trong đình hiện còn bức hoành phi ghi tước hiệu của Nguyễn Hữu Lễ là 阮玉侯 “Nguyễn Ngọc hầu”, lập năm Mậu Dần, có lẽ là năm 1818(?) trong niên hiệu Gia Long”[viii]. Đây lại là một ngộ nhận khác nữa. Theo bài vị Hội Đồng, Nguyễn Ngọc hầu được nhắc tới trong hoành phi chính là Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại. Nguyễn Hữu Lễ chưa từng có tước phong là Nguyễn Ngọc hầu. Người cúng hoành phi này là Vương Chính Trực – một nhân vật địa phương sống vào khoảng đầu thế kỷ XX – nên không thể có chuyện năm Mậu Dần là năm 1818. Nguyễn Đông Triều đặt dấu (?) sau năm 1818 là có cơ sở, vì năm cúng hoành phi thực ra phải là năm 1938.

Kể từ khi Hương chánh Phan Văn Mẫn điền vào bảng khai thần tích – thần sắc thôn Vĩnh Nguơn (1938), hơn 80 năm đã trôi qua. Sự đứt quãng trong việc truyền khẩu thần tích và nghiên cứu thần sắc đã gây ra một số biến thể về thần tích, cũng như những nhầm lẫn về phong hiệu của thần và danh tính của vị thần được thờ chính. Đây là những nhầm lẫn không đáng có, nhất là với một ngôi đình ở vị trí đắc địa, kề cận trung tâm thành phố. Nhiệm vụ của chúng ta là phải trả lại những sự thực lịch sử cho ngôi đình, ngõ hầu giúp cho mọi người hiểu đúng hơn về vị phúc thần ở nơi vàm kênh Vĩnh Tế.


[i] Bảo Tàng An Giang, Nội dung di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Nguơn xã Vĩnh Nguơn, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, 2001, tr.5. Ở trang cuối có phần chữ ký cho biết người biên soạn là Huỳnh Long Phát.

[ii] Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, Vườn xưa dạo bước, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.53-55.

[iii] Bản khai thần tích – thần sắc thôn Vĩnh Nguơn, ký hiệu TTTS 17522, lưu trữ tại Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội, tr.1, 4.

[iv] Bản khai thần tích – thần sắc thôn Vĩnh Nguơn, ký hiệu TTTS 17522, lưu trữ tại Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội, tr.1, 4.

[v] Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam Bộ xưa và nay, Nxb. Đồng Nai, 1999, tr.149.

[vi] Lê Công Lý, “Việc phong thần ở Nam Bộ thời Pháp thuộc”, Tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển số 3 (146), 2018, tr.11.

[vii] Võ Thiện Quan, Phạm Văn Khiết, Bản khai thần tích – thần sắc thôn Khánh Bình, ký hiệu TTTS 17508, lưu trữ tại viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội. Hai chữ “thuần ngưn” là chữ mỹ hiệu “Đôn Ngưng” dịch nhầm.

[viii] Nguyễn Đông Triều, Phan Mạnh Hùng, Vườn xưa dạo bước, Nxb. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.56.