Giáp Ngọ niên bình nam đồ với lịch sử khẩn hoang miền Nam.

Post date: Apr 9, 2015 4:10:40 AM

GIÁP NGỌ NIÊN BÌNH NAM ĐỒ

VỚI LỊCH SỬ KHẨN HOANG MIỀN NAM.

Trần Hoàng Vũ.

Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa - Lịch sử An Giang số 120, tháng 03-2015.

Giáp Ngọ niên bình nam đồ là bộ bản đồ gồm 14 bức, được đóng cùng với bộ bản đồ Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư thành cuốn Hồng Đức bản đồ. Phần đầu của Giáp Ngọ niên bình nam đồ cho biết đây là bộ bản đồ do Đoan quận công vẽ và dâng lên, bao gồm địa thế từ Đồng Hới đến giáp giới nước Cao Miên. Theo sự khảo cứu của hai nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Trần Viết Ngạc, bộ bản đồ này được vẽ trong chiến dịch quân Trịnh tiến đánh chúa Nguyễn năm Giáp Ngọ (1774) và tác giả bộ bản đồ là Đoan quận công Bùi Thế Đạt (1704-1778). Đây là một tư liệu có giá trị rất lớn về lịch sử hành chính và cư dân miền Trung và Nam Bộ cuối thế kỷ XVIII. Ở đây chỉ xin đề cập đến tấm bản đồ thứ 14 cũng là bức cuối cùng trong bộ Giáp Ngọ niên bình nam đồ.

Bản đồ số 14

Đối tượng địa lý phản ánh trên tấm bản đồ số 14.

Nổi bật trên bản đồ số 14 là một con sông lớn chạy ngang qua bản đồ từ đông sang tây và ở gần cuối có hai chi lưu đổ xuống phía nam ra biển. Con sông lớn này được tác giả chú thích: “Sông này từ nội địa tỉnh Vân Nam, chảy đến nước Tây Lự, xuyên qua châu Ninh Biên, xứ Hưng Hóa, tới nước Vạn Tượng, đến đó thì là sông Khung”[1]. Ngoài ra còn một dòng chú thích nhỏ bên dưới: “Sông này thông với nước Vạn Tượng”. Ở phía trên đoạn phân nhánh đầu tiên có một chỗ dòng sông lồi lên thành một cái hồ và được chú thích là “Hạc Hải”. Phía tây Hạc Hải là một tòa thành lớn có 20 cạnh, được chú là “điện Đế Thiên, Đế Thích thờ bốn cõi ở tam giới”. Có thể dễ dàng nhận ra Hạc Hải chính là Biển Hồ Tonle Sap. Còn đền Đế Thiên, Đế Thích chính là Angkor Wat và Angkor Thom. Như vậy, con sông lớn chạy ngang bản đồ chính là sông Mê Kông.

Hai chi lưu của sông này đổ xuống phía nam, từ trái sang phải lần lượt đổ ra biển qua “Cao Miên môn” và “Mỹ Tho môn”. Dòng sông lớn chạy ngang bản đồ có vẻ vẫn còn chảy tiếp về phía tây, nhưng không được vẽ tiếp. Nhờ dòng chữ Mỹ Tho môn, đối chiếu với bản đồ hiện đại, có thể xác định chi lưu này chính là đoạn sông Tiền đổ ra cửa Đại và cửa Tiểu, đi ngang thành phố Mỹ Tho ngày nay. Còn chi lưu thứ nhất bên trái đổ ra Cao Miên môn tức là đoạn sông Tiền đổ ra cửa Cổ Chiên và Cung Hầu. Đoạn sông tiếp tục chảy về phía tây nhưng không được vẽ tiếp hẳn là sông Hậu.

Phía đông Mỹ Tho môn còn có hai con sông nữa theo thứ tự từ trái sang phải.

Con sông đầu tiên phát nguyên từ các dải núi được chú thích là khu vực của “Vua Lửa”, rồi đổ thẳng xuống phía nam ra “Nước Lộn hải môn”. Tác giả chua thêm: “Sông này sâu rộng, Cao Miên đi sứ Quảng Nam, dùng bè chở voi”.

Con sông thứ hai cũng chảy theo hướng bắc-nam, nhưng chỉ dài bằng một nửa ba con sông trước, đổ ra biển ở chỗ Tắc Kế môn. Sông này nhỏ hơn hẳn ba sông kia, vì cửa Tắc Kế chỉ được chú là “trung thiển” (cạn vừa), trong khi cửa Cao Miên, cửa Mỹ Tho và cửa Nước Lộn đều được chú là “thâm đại” (sâu rộng). Tư liệu địa chí triều Nguyễn không nói đến cửa Tắc Kế mà chỉ có cửa Tắc Khái. Trịnh Hoài Đức cho biết:

“Cửa Tắc Khái, ở các trấn lỵ [trấn Biên Hòa - THV] về phía đông 210 dặm, lòng lạch có bãi cát dời đổi không thường, cửa rộng 90 tầm, khi nước triều lên thì sâu từ 13 thước trở lên, 17 thước trở xuống”[2].

Cửa Tắc Khái này ngày nay là cửa sông Dinh đổ ra thành phố Vũng Tàu. Như vậy, con sông ngắn đổ ra Tắc Kế môn trên bản đồ số 14 chính là sông Dinh.

Địa danh Nước Lộn thì đến đầu thế kỷ XIX vẫn còn thấy trong địa chí triều Nguyễn. Trịnh Hoài Đức trong phần Sơn Xuyên chí, trấn Biên Hòa mô tả:

“Sông Ký Giang ở cách trấn lỵ về phía đông 91 dặm. Sông này từ nam chảy về bắc, dài 12 dặm rưỡi, đến Đại Tuyền [Suối Lớn], tột nguồn thì thôi; ở giữa có đường quan, có cầu ngang để thông đi lại; cửa sông chảy về đông, hợp với sông Đảo Thủy (tục danh Nước Lộn), rồi phóng ra cửa sông lớn Mỗi Xoài, chảy về phía tây, hợp với sông Đồng Hươu, qua Đồng Môn mà chảy ra sông lớn Phước Long”[3].

Trước Trịnh Hoài Đức ít lâu, Lê Quang Định cũng có đề cập đến rạch Nước Luồn (Lòn) trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí phần Đường trạm bộ và thủy dinh Trấn Biên. Ông cho biết:

“… đến Suối Sâu là gặp đường quan, chỗ này chia làm ba nhánh. Một nhánh chảy theo hướng bắc 6.360 tầm thì hợp lưu với sông Mỗi Xoài, một nhánh chảy vòng theo hướng tây bắc 9.450 tầm đến rạch Nước Luồn (Lòn), rạch này ở phía bờ bắc. Theo hướng bắc chảy 6.750 tầm đến cầu Nước Luồn, gặp đường quan. Lại theo hướng bắc chảy 10.120 tầm là hết, tục gọi là suối Bảng Cù”[4].

Địa danh Đại Tuyền hay Suối Sâu chính là Suối Cả - là suối dài nhất nằm trong hệ thống sông Thị Vãi. Rạch Phước Thái ở xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (ở chỗ nhà máy Vedan) còn được gọi là rạch Nước Lộn. Như vậy, rạch Nước Lộn trong địa chí đầu thế kỷ XIX là nằm trên hệ thống sông Thị Vãi.

Sông Thị Vãi lại đổ ra vịnh Gành Rái ở giáp ranh huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh và huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khu vực này còn là nơi mà hệ thống sông Đồng Nai đổ ra biển qua nhiều ngả. Sông Đồng Nai sau khi nhận nước của sông Sài Gòn xuôi xuống Nhà Bè thì chia làm hai: nhánh phía tây là sông Soài Rạp đổ ra cửa Soài Rạp, nhánh phía đông là sông Lòng Tàu đổ ra vịnh Gành Rái. Sông Lòng Tàu đổ tới Ngã Ba thì lại chia làm hai: nhánh phía tây là sông Đồng Tranh đổ ra cửa Soài Rạp, nhánh phía đông là sông Lòng Tàu tiếp tục đổ tới Ngã Bảy, nhận nước từ sông Dừa đổ vào, thành sông Ngã Bảy đổ ra vịnh Gành Rái. Trên đường ra biển, sông Ngã Bảy lại nhận nước từ sông Đồng Tranh và các con sông nhỏ khác đổ vào. Tình trạng chằng chịt này đã được Trịnh Hoài Đức tả rõ: “phía nam có ngã ba, phía bắc có ngã tư [hình chữ thập], cho nên gồm lại gọi tên như thế [tức Ngã Bảy – THV]. Nhưng mà ngã ba, ngã tư rất nhiều, lại không thể chỉ định được tên hiệu, vì sông ngòi chằng chịt, ngang dọc lẫn lộn, cùng xuyên qua nhau mà chảy nên gọi tên là sông Hỗn Đồng [lẫn lộn], chẳng phải chỉ gọi là sông Ngã Bẩy”[5]. Xem tình trạng đó mà suy thì tên gọi Nước Lộn môn trong Giáp Ngọ niên bình nam đồ là phản ánh tình trạng ngang dọc chằng chịt này của khu vực ven biển huyện Cần Giờ, chứ không nói riêng rạch Phước Thái nằm trong hệ thống sông Thị Vãi. Ngược lại, tên gọi Nước Lộn của rạch Phước Thái có thể là tàn tích của khu vực Nước Lộn rộng lớn hơn, bao gồm vùng cửa biển huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và một số địa phương lân cận. Nước Lộn ở đây có nghĩa là nước lẫn lộn, chảy đan xen nhau, chứ không phải là dòng nước vòng ngược trở lại như cách gọi Đảo Thủy mà Trịnh Hoài Đức đã phiên ra chữ Hán.

Đã biết Nước Lộn môn là khu vực cửa biển huyện Cần Giờ, tôi cho rằng con sông được vẽ trên bản đồ - bắt nguồn từ khu vực của Vua Lửa đổ ra cửa Nước Lộn – là sông Đồng Nai.

Như vậy, đối tượng phản ánh chủ yếu của bản đồ số 14 trong Giáp Ngọ niên bình nam đồ là miền Đông Nam Bộ, khu vực sông Tiền của miền Tây Nam Bộ, một phần Tây Nguyên (khu vực Vua Lửa và các phần rừng núi được chú thích là “núi và rừng già kéo tới biển”), và lãnh thổ Cao Miên dọc theo trung lưu sông Mê Kông và xung quanh Biển Hồ Tonle Sap. So sánh với bản đồ hiện đại thì bản đồ số 14 được vẽ khá ước lệ, chủ yếu chỉ phản ánh những điểm chủ chốt trong địa hình các khu vực này.

Đối tượng nhân khẩu phản ánh trên bản đồ số 14.

Ngoài điện Đế Thiên, Đế Thích, bản đồ số 14 còn ghi nhận một số địa điểm cư dân khác:

- Vùng giữa sông Cao Miên môn và sông Mỹ Tho môn: phía bắc có Nặc Thu thành (thành của Nặc Thu), cách một khoảng về phía nam là “tự” (chùa), đi tiếp nữa về phía nam thì có chú thích “Cao Miên quốc, Trung Quốc Quảng Đông nhân trú” (nước Cao Miên, người Quảng Đông Trung Quốc ở).

- Vùng giữa sông Mỹ Tho môn và Nước Lộn hải môn: phía bắc, gần như đối diện với Nặc Thu thành là Nặc Nộn thành (thành của Nặc Nộn). Phía đông nam Nặc Nộn thành có ghi “Quảng binh tam chích” (ba thuyền lính Quảng Nam). Đi xuống tiếp phía nam thì có chú thích: “Ba Vinh phố, Trung Quốc Phúc Kiến nhân trú” (phố Ba Vinh, người Phúc Kiến Trung Quốc ở). Phía đông phố Ba Vinh có chú thích mà Trần Đại Vinh và Trần Đức Ngạc đọc là “tự” (chùa), nhưng trên bản ảnh có vẻ là chữ “thủ” (đồn trú).

Khu vực phố Ba Vinh của người Phúc Kiến có vẻ đối diện với khu người Quảng Đông bằng con sông Mỹ Tho môn.

- Vùng giữa sông Nước Lộn môn và sông Tắc Kế môn, gần sát khu vực rừng núi có ghi: “Điền dĩ hạ, Đồng Nai xứ, Hà Tôm xã thủy đắc nhị thập nhân” (Ruộng xấu, xứ Đồng Nai, xã Hà Tôm, mới được 20 người)[6].

Nhận xét về giá trị tư liệu của bản đồ số 14.

Bản đồ số 14 của Giáp Ngọ niên bình nam đồ tuy khá giản lược, nhưng lại chứa đựng một số chú thích rất đáng chú ý. Ngoài hai địa danh Đồng Nai, Mỹ Tho vẫn còn được dùng đến ngày nay, bản đồ này chứa một số địa danh khá lạ lẫm, cần có sự khảo cứu nhất định mới xác định được (xứ Cồn Thành, phố Ba Vinh, cửa Nước Lộn, cửa Tắc Kế, xã Hà Tôm). Nhiều địa danh quan trọng đương thời của Bùi Thế Đạt như Sài Gòn, Long Hồ, Ba Thắc, Hà Tiên hoàn toàn không được nhắc đến.

Bên cạnh đó, dù được xác định niên đại 1774-1775, bản đồ này không ghi nhận các dinh đồn quan trọng ở Nam Bộ cuối thế kỷ XVIII, mà lại ghi nhận hai địa điểm xưa hơn là Nặc Thu thành và Nặc Nộn thành. Chính sử triều Nguyễn cho biết vào năm Giáp Dần (1674) đời chúa Hiền, Nặc Ô Đài làm loạn ở Cao Miên. Quốc vương Cao Miên là Nặc Nộn chạy sang dinh Thái Khang cầu cứu. Chúa Hiền sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm làm Thống binh, Nguyễn Diên Phái làm Tham mưu, Văn Sùng làm Thị chiến, chia hai đạo đánh Nặc Ô Đài. Nặc Ô Đài bỏ chạy, rồi chết. Nặc Thu đầu hàng. Triều đình chúa Nguyễn bàn rằng Nặc Thu là dòng đích nên phong làm vua chính, đóng ở Long Ức (Udong). Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở Sài Gòn, cùng nhau coi việc nước. Như vậy, Nặc Thu thành trong bản đồ chính là kinh đô Udong, còn Nặc Nộn thành là thành Sài Gòn[7].

Qui chế hai vua này kéo dài đến năm Canh Ngọ (1690), khi Nguyễn Hữu Hào đánh bắt được Nặc Thu đem về Sài Gòn. Nặc Thu và Nặc Nộn lần lượt chết. Chúa Nguyễn cho Nặc Yêm làm quốc vương, đóng ở Gò Bích. Như vậy, việc phân chia Nặc Thu thành và Nặc Nộn thành diễn ra trong khoảng thời gian 1674-1690.

Bản đồ số 14 phản ánh hiện trạng một vùng đất mà Bùi Thế Đạt chưa từng đặt chân đến và ghi nhận những thành quách của một thời kỳ sớm hơn. Đây không thể là bản đồ do Bùi Thế Đạt tự vẽ dựa trên việc phỏng vấn các nhân vật Đàng Trong mà ông đã gặp. Rất có thể Bùi Thế Đạt đã khai thác bản đồ này (và một số bản đồ khác của các địa phương phía nam Bến Ván) từ kho lưu trữ của chúa Nguyễn để hình thành văn bản Giáp Ngọ niên bình nam đồ.

Bản đồ mà Bùi Thế Đạt đã sao lại thành bản đồ số 14 này phải được vẽ trước khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thành lập hai huyện Tân Bình và Phước Long (1698). Vì khi ấy vùng Đồng Nai – Gia Định đã có hơn bốn vạn hộ, chứ không chỉ vẻn vẹn một xã Hà Tôm với 20 người dân như bản đồ đã cẩn thận ghi chú. Việc bản đồ không đả động gì đến Nông Nại đại phố và Mỹ Tho đại phố do Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch mở mang từ năm 1679 càng đẩy niên đại sớm nhất của bản đồ lên xa hơn nữa. Nói cách khác, bản đồ số 14 đã sao lại một bản đồ có niên đại xưa hơn niên đại cuối thế kỷ XVIII, cụ thể là trong khoảng 1674-1690 – giai đoạn mà sự ghi nhận việc phân chia Nặc Thu thành và Nặc Nộn thành vẫn còn có ý nghĩa. Bản đồ số 14 trong Giáp Ngọ niên bình nam đồ là bản đồ cổ nhất mô tả thực trạng khẩn hoang vùng đất Nam Bộ Việt Nam thế kỷ XVII, cũng là bản đồ sớm nhất do người Việt vẽ lại vùng đất này. Bản đồ ghi nhận sự trơ trọi của Nặc Nộn thành, sự định cư của hai nhóm người Hoa từ Quảng Đông và Phúc Kiến bên hai bờ sông Tiền, sự hiện diện của ba thuyền lính Quảng Nam trú đóng gần Nặc Nộn thành với nhiệm vụ bảo vệ Nặc Nộn và một xã Hà Tôm của người Việt đương lúc khởi đầu chỉ với 20 cư dân.

[1] Trần Đại Vinh, Trần Viết Ngạc. Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên bình nam đồ. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 2 (109), 2014, trang 114. Tất cả các chú thích về sau trong Giáp Ngọ niên bình nam đồ đều lấy nguồn từ đây.

[2] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. NXB Giáo Dục, 1998, trang 29.

[3] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. NXB Giáo Dục, 1998, trang 27.

[4] Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. NXB Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005, trang 81.

[5] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. NXB Giáo Dục, 1998, trang 29.

[6] Thạc sĩ Trần Văn Dũng trong luận văn của mình có đặt giả định Hà Tôm xã có thể là ở vùng Châu Đốc. Kết luận như vậy là chưa chính xác. Bằng vào Giáp Ngọ niên bình nam đồ ta có thể kết luận xã Hà Tôm là ở miền Đông Nam Bộ, thuộc đất Trấn Biên xưa. Nguồn: http://www.chaudoc.angiang.vn/luan-van-thac-sy

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tập 1. NXB Giáo Dục, 2002, trang 89.

Lời người đăng: Theo khảo sát bản ảnh "Giáp Ngọ niên bình nam đồ" chất lượng cao của Brian Wu thì bản đồ số 14 không ghi địa danh Đồng Nai mà là "điền dĩ hạ, Đồng Liêu xứ, Hà Tôm xã, thủy đắc nhị thập nhân" (xem ảnh). Tuy nhiên, sau khi khảo sát một số phiên bản khác của sách này, tác giả cho rằng chữ đó phải đọc là Đồng Nai. Nhưng không phải chữ mà là chữ [犭奈 ] mà bản văn đã chép lầm thành chữ "liêu" 獠.