Góp thêm vào niên biểu Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Post date: Sep 17, 2015 4:10:11 AM

GÓP THÊM VÀO NIÊN BIỂU THỦ KHOA BÙI HỮU NGHĨA

Trần Hoài Trà Vinh

Bùi Hữu Nghĩa còn có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu là Nghi Chi, về sau đổi thành Liễu Lâm chủ nhơn, người làng Bình Thủy, huyện Vĩnh Định, nay thuộc thành phố Cần Thơ. Bùi Hữu Nghĩa là một trong những nhân vật nổi tiếng của đất Đồng Nai – Gia Định hồi thế kỷ XIX, cả về hai mặt tài và đức. Tiểu sử thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa sớm được nhiều nhà nghiên cứu ghi lại với nhiều chi tiết sinh động. Điều đáng tiếc là rất nhiều chi tiết trong đó chưa được xác định thời điểm xảy ra. Đến nay, ta mới chỉ có được ba niên điểm trong cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Hữu Nghĩa: năm ông sinh (1807), năm ông đậu thủ khoa kỳ thi Hương (1835) và năm ông tạ thế (1872). Trong bài viết này, tác giả muốn dựa vào các tài liệu lịch sử và di cảo thơ văn của ông để đối chứng với các giai thoại về cuộc đời Bùi Hữu Nghĩa, nhằm xác minh thêm một số niên đại và làm rõ thêm một vài hành trạng cuộc đời Bùi Hữu Nghĩa.

Bùi Hữu Nghĩa đi thi Hội năm nào?

Theo Đại Nam thực lục và Quốc triều hương khoa lục, Bùi Hữu Nghĩa đỗ thủ khoa kỳ thi Hương tháng 2 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) ở trường thi Gia Định[1]. Theo cố học giả Nguyễn Văn Hầu, Bùi Hữu Nghĩa có ra Huế thi Hội, không rõ khoa nào, nhưng hỏng. Ông được cho tập sự ở bộ Lễ rồi bổ Tri huyện Phước Long (tỉnh Biên Hòa) rồi sau thuyên chuyển làm Tri huyện Trà Vinh (tỉnh Vĩnh Long)[2].

Bùi Hữu Nghĩa có lẽ đã ra Kinh thi Hội đúng khoa Ất Mùi, tổ chức vào tháng 5 năm đó (1835). Giám khảo khoa này là Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản. Chúng ta còn có một chứng cứ gián tiếp cho việc này. Đại Nam hội điển sự lệ quyển 106, mục Thi Hội không đỗ có ghi:

“Năm [Minh Mạng] thứ 16 (1835), xuống chỉ: xét trong danh sách thi Hội các cử nhân từ Quảng Bình trở vào Nam, so với Hà Tĩnh trở ra Bắc thì ít hơn, trừ ngoài những người xin về nuôi bố mẹ như Lý Phong đã được chuẩn y, còn xin về học tập như lũ Trần Văn Gia đến Hoàng Hữu Quảng tất cả 20 người cho bộ Lễ truyền bảo cho lũ ấy biết rằng: đã là Hương cống đáng nên ở lại Kinh mà học tập chính sự để nhà nước dùng, không được đem lòng chán bỏ, toan lo sự an nhàn, có ý phụ công gây dựng, nên do bộ Lại sai họ làm Hành tẩu 6 bộ, để cho kịp thời gia sức”[3].

Lý Phong nói ở đây là người thôn An Thái, huyện Tân Long, đỗ thứ 5 khoa thi Hương năm Ất Mùi (1835) trường Gia Định, cùng khoa với Bùi Hữu Nghĩa. Hoàng Hữu Quảng chính ra là Hoàng Hữu Quang (lỗi mo-rát) đỗ thứ 9 (cuối bảng) khoa Ất Mùi trường Gia Định. Còn Trần Văn Gia là người xã Long Hồ, huyện Hương Trà, đỗ thứ 16 khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1834) trường Thừa Thiên. Cần biết rằng khoa thi trường Gia Định không thể tổ chức năm 1834 vì cớ có loạn Lê Văn Khôi và phải dời đến năm 1835 mới tổ chức. Cả ba trường hợp nêu ở đây đều là đỗ thi Hương xong liền đi thi Hội, đây là lệ thường của các sĩ tử. Lý Phong và Hoàng Hữu Quang đều là bạn đồng khoa của Bùi Hữu Nghĩa, hơn nữa lại đậu thứ hạng kém hơn mà vẫn đi thi. Bùi Hữu Nghĩa năm ấy chiếm giải thủ khoa, hẳn là ý chí cao ngất, không có lý gì lại không tham gia thi Hội ngay. Do đó, ta có thể nói mà không sợ sai rằng Bùi Hữu Nghĩa đã dự khoa thi Hội tháng 5 năm Ất Mùi (1835) nhưng hỏng và được triều đình giữ lại làm Hành tẩu bộ Lễ.

Bùi Hữu Nghĩa và thời kỳ làm Tri huyện Trà Vinh.

Bùi Hữu Nghĩa từ Hành tẩu bộ Lễ đi Tri huyện Phước Long năm nào nay không còn dấu vết. Riêng về thời kỳ làm Tri huyện Trà Vinh thì ta có một niên điểm chắc chắn là năm 1844. Đại Nam thực lục ghi:

“[Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), tháng 10,] Tỉnh Vĩnh Long có đạo trưởng người Tây dương gọi là Phó giám mục Đô-ni-my-cô ẩn nấp ở huyện Tân Minh (địa hạt tỉnh Vĩnh Long) bị quan quân bắt được, sai giải giao bộ Hình trị tội. Lãnh binh Nguyễn Văn Phương, Tri huyện Trà Vinh Bùi Hữu Nghĩa, vì có công bắt được, đều được thưởng ngân tiền Phi Long hạng lớn …”[4].

Từ niên điểm này mà suy thì Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vinh sớm nhất là từ năm 1841. Cụ thể hơn là từ tháng 3 (âl) nhuận là lúc Tri huyện Trà Vinh Hoàng Hữu Quang đánh nhau với phản quân Lâm Sâm bị chết trận; hoặc là từ tháng 6 (âl) là lúc quân triều đình thu phục lại huyện Trà Vinh. Bùi Hữu Nghĩa tại chức Tri huyện Trà Vinh đến muộn nhất là trước cuối năm 1852 vì tháng chạp năm này đã thấy Đại Nam thực lục kể chuyện một ông Tri huyện Trà Vinh khác là Phan Đắc Thông bị bãi chức.

Thời điểm diễn ra vụ Láng Thé.

Thời kỳ làm Tri huyện Trà Vinh, Bùi Hữu Nghĩa đã để lại hai dấu ấn: một là việc bắt được Phó giám mục Đô-ni-my-cô[5]; hai là vụ Láng Thé. Vụ Láng Thé được các nhà viết tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa gắn liền với nguyên nhân bị bãi chức của ông.

Chuyện là khi Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vinh là tòng sự dưới quyền Tổng đốc Long – Tường Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Bùi Hữu Nghĩa là người cương trực, từng đánh roi người em của Bố chánh Truyện vốn cậy quyền anh mà lấc cấc với ông. Bùi Hữu Nghĩa do đó đã kết thù chuốc oán với Uyển và Truyện.

Bấy giờ, Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện vì tham lợi riêng nên đã cho một vài người Hoa có thế lực và tài lực lãnh trưng việc thu thuế thủy lợi ở rạch Láng Thé. Thuế thủy lợi tức thuế đánh lên việc khai thác thủy sản. Vào thời Gia Long, ông đã tha thuế này cho người dân Khmer ở Láng Thé để trả ơn họ đã giúp mình hồi còn bôn tẩu. Những người lãnh trưng đã phong tỏa con rạch để độc quyền khai thác, thu thuế. Mệ Sốc và dân chúng Khmer liền đến đầu cáo với Tri huyện Nghĩa. Bùi Hữu Nghĩa đã nói: tha thuế rạch ấy là ơn riêng của vua Thế Tổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà chống lại việc ấy thì dẫu có chém đầu cũng không sao. Được lời như cởi tấm lòng, Mệ Sốc cùng dân chúng kéo về phá đập, bửa rọ, giải phóng thuế thủy lợi cho rạch Láng Thé. Phía chủ Hoa kiều ỷ có Tổng đốc và Bố chánh chống lưng nên kháng cự. Dân chúng thì cậy vào lời quan Tri huyện mà cũng không chịu lép. Hai bên xô xát, kết quả là có tám người chết[6]. Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện liền vu cho Tri huyện Nghĩa chủ mưu giết người, sai bắt giam ở Vĩnh Long và phán tội chết.

Để minh oan cho chồng, bà Nguyễn Thị Tồn phải vượt đường xa trên một chiếc ghe bầu ra Huế. Được sự mách nước của Lại bộ Thượng thư Phan Thanh Giản, bà đến đánh trống kêu oan ở Tam pháp ty. Vua Tự Đức phải cho đình thần thẩm tra lại vụ án. Bùi Hữu Nghĩa được tha tội chết nhưng phải sung quân để đoái tội lập công. Bà Tồn được Từ Dũ thái hậu triệu kiến, ban cho bốn chữ “Liệt phụ khả gia” để khen ngợi.

Trên đây là vụ Láng Thé kể theo những người viết tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa. Câu chuyện này có bao nhiêu phần sự thật? Điều làm chúng ta băn khoăn là một biến cố lớn như thế lại không có chút dấu vết nào trong quốc sử. Thêm vào đó, vào thời gian phỏng đoán Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vinh, Tổng đốc Long – Tường không phải là Trương Văn Uyển. Còn nhân vật Bố chánh Truyện có lẽ là người mà Thực lục gọi là Trần Văn Triện thì trong giai đoạn này đang làm Bố chánh Định Tường chứ không phải Vĩnh Long.

Cả hai nhân vật bị quy là đầu sỏ của vụ Láng Thé đều không ở vào vị trí có thể chi phối đến Bùi Hữu Nghĩa như những người viết tiểu sử của ông đã nói. Vậy chúng ta có nên xem vụ Láng Thé chỉ là một giai thoại hư cấu? Hay nên cho đó là sự thật nhưng diễn ra ở một thời điểm khác chứ không phải thời Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vinh? Hay quy trách nhiệm cho hai nhân vật khác (không phải Uyển và Truyện) đã vô phúc bị cử làm Tổng đốc Long – Tường và Bố chánh Vĩnh Long trong thời điểm đó? Dù sao thì, nếu cho vụ Láng Thé là một sự thật lịch sử, ta hãy còn một chi tiết khả dĩ giúp suy luận ra thời điểm xảy ra vụ án. Đó là việc Phan Thanh Giản là Lại bộ Thượng thư. Phan Thanh Giản giữ chức này trong ba năm 1848-1850 và vụ Láng Thé nếu là một sự thật lịch sử thì đã xảy ra trong giai đoạn đó.

Nếu như vụ Láng Thé còn là một tồn nghi thì việc Bùi Hữu Nghĩa bị bãi chức là có thật. Quốc triều hương khoa lục nói Bùi Hữu Nghĩa “làm quan đến chức Tri huyện, can tội”. Trong số di cảo thơ văn của Bùi Hữu Nghĩa cũng có bài thơ “Bị giam ở Vĩnh Long” được cho là đề cập đến vụ Láng Thé này[7].

Thời điểm và lý do được trao chức Quản cơ.

Theo các nhà viết tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa, sau khi khi được tha bổng, Bùi Hữu Nghĩa được điều đi làm lính trấn đồn Vĩnh Thông trên vùng biên giới tỉnh An Giang. Vì có công trạng nên ông được thăng chức Quản cơ ở đồn này, rồi vì chán ngán thời cuộc, Quản cơ Nghĩa xin từ nhiệm về quê.

Thực lục triều Tự Đức chép quá ít về biến động quan chức ở đồn này. Chỉ biết rằng vào năm 1856, Thực lục ghi cho Phạm Văn Hậu làm đầu mục của 34 tù phạm mãn hạn mà dân không muốn nhận và tù bị phát đi làm lính, dồn làm đội ngũ cơ Hướng Thiện, giao cho bảo Vĩnh Thông quản thúc. Đến năm 1860, Thực lục lại ghi việc Phòng thủ úy bảo Vĩnh Thông là Nguyễn Toại và Suất cơ (người Khmer) là Triệu Tầm Di đánh bại quân Cao Miên khuấy rối. Dù lịch sử không ghi nhận Bùi Hữu Nghĩa với vai trò Quản cơ giữ đồn Vĩnh Thông, trong di cảo của Bùi Hữu Nghĩa, ta còn đọc được bài “Vĩnh Thông đồn trấn”, đủ để chứng minh một phần lời kể của những nhà nghiên cứu tiểu sử Bùi Hữu Nghĩa.

Ít ra thì Bùi Hữu Nghĩa đã từng là lính đồn Vĩnh Thông. Có điều, Bùi Hữu Nghĩa được thăng Quản cơ có lẽ vì một lý do khác. Quốc triều hương khoa lục cho biết Bùi Hữu Nghĩa “can tội, mộ nghĩa quân theo đi đánh giặc, được trao chức Quản cơ”. Điều đó có nghĩa là ông được phong Quản cơ không phải vì chiến công, mà nhờ thành tích mộ quân nghĩa dũng. Về chủ trương này, Đại Nam thực lục cho biết vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 14 (1861): “Định lệ thưởng cho người mộ dõng thuộc Nam Kỳ (5 tỉnh là Biên Hòa, Long, Tường, An, Hà, ai mộ được 50 tên dõng đi theo tỉnh hoặc theo quân thứ sai phái thì thưởng thụ suất đội, trật tòng ngũ phẩm; mộ đủ 500 tên, thì thưởng thụ quản cơ, trật chánh tứ phẩm”[8]. Từ ghi chép của Quốc triều hương khoa lục và Đại Nam thực lục, có thể phán đoán Bùi Hữu Nghĩa đã được thăng Quản cơ vào khoảng thời điểm này.

Chủ trương trên được ban hành trong bối cảnh thực dân Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn khiến ta nghĩ rằng: Bùi Hữu Nghĩa cùng đội nghĩa dõng của mình từng có tham gia những trận chiến chống Pháp xâm lược. Về vấn đề này, ta có thể tìm thấy nhiều dấu vết trong di cảo thơ văn của ông. Kết bài “Đi thuyền qua núi Sập”, Bùi Hữu Nghĩa dùng hình ảnh của Tổ Thích – người thời Đông Tấn, nuôi chí thu phục đất đai bị rợ Hồ xâm chiếm – múa kiếm để tỏ chí mình:

“Gà gáy học đòi người dậy múa.

Luống e năm tháng để ta đà”.

Nỗi e sợ “năm tháng để ta đà” đó khiến ta dễ nhớ lại tâm sự của ông trong bài Vĩnh Thông đồn trấn: “Tu mi tự đắc bách phu trưởng. Tái thượng ta đà niên hựu niên”. Trong bài “Ai xui Tây đến”, Bùi Hữu Nghĩa viết càng rõ hơn:

“Nam Kỳ đâu thiếu người trung nghĩa.

Báo quốc cần vương há một ta”.

Cũng chính bởi thành tích chống Pháp này mà sau khi xâm chiếm ba tỉnh miền Tây, thực dân Pháp đã câu lưu Bùi Hữu Nghĩa vì nghi ông có dính líu tới các cuộc nổi dậy sau này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Bảo Định Giang. Bùi Hữu Nghĩa – con người và tác phẩm. NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1988.

Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. NXB Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011.

Nguyễn Văn Hầu. Văn học miền Nam Lục Tỉnh, tập II: Văn học Hán Nôm thời khai mở & xây dựng đất mới. NXB Trẻ, 2012.

Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV. NXB Thuận Hóa, 2005.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập IV. NXB Giáo Dục, 2007.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập VI. NXB Giáo Dục, 2007.

Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập VII. NXB Giáo Dục, 2007.

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập IV. NXB Giáo Dục, 2007, trang 514. Cũng xem Cao Xuân Dục. Quốc triều hương khoa lục. NXB Lao Động & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011, trang 178.

[2] Nguyễn Văn Hầu. Văn học miền Nam Lục Tỉnh, tập II: Văn học Hán Nôm thời khai mở & xây dựng đất mới. NXB Trẻ, 2012, trang 320.

[3] Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV(B). NXB Thuận Hóa, 2005, trang 73.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập VI. NXB Giáo Dục, 2007, trang 668.

[5] Nhân vật Phó giám mục Đô-ni-my-cô được ghi trong Đại Nam thực lục, so sánh với các tài liệu lịch sử Công giáo chính là Dominique Lefébvre, Giám mục Tông tòa Tây Đàng Trong, bị bắt ngày 30-10-1844. Giám mục Lefébvre về sau được phóng thích, trao trả cho người Pháp, rồi lại trở lại Đàng Trong hoạt động. Có thể lúc bị bắt, ông này đã khai bớt chức vụ đi. Trong vụ này, Bùi Hữu Nghĩa rõ ràng có vai trò quan trọng, vì ông là Tri huyện Trà Vinh còn vụ bắt giữ thì diễn ra ở huyện Tân Minh. Có thể suy đoán rằng chính Bùi Hữu Nghĩa đã điều tra ra tung tích Giám mục Lefébvre và dẫn Lãnh binh Nguyễn Văn Phương đi bắt.

[6] Kể theo lời cụ Nguyễn Văn Hầu. Theo Bảo Định Giang thì hơn chục người chết, trong đó có cả tay địa chủ người Hoa cầm đầu lãnh trưng rạch Láng Thé.

[7] Bài thơ “Bị giam ở Vĩnh Long” được sáng tác theo bộ vần “voi, mòi, còi, roi, thoi” thường được gọi là bộ vần Từ Thứ vì nó gắn với bài thơ “Từ Thứ quy Tào” của Tôn Thọ Tường. Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh thì “Từ Thứ quy Tào” được sáng tác trong khoảng 1867-1868 để biện minh cho hành động bán nước hàng giặc của Tôn Thọ Tường. Đây cũng là bài cuối trong cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị theo thứ tự: Mười bài tự thuật, Tôn phu nhân quy Thục và Từ Thứ quy Tào. Với “Từ Thứ quy Tào”, Tôn Thọ Tường đã chịu nhận thua trong cuộc bút chiến và do đó ít có người họa lại bài này. Tuy nhiên, các nhà thơ Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa và một số người khác vẫn sáng tác nhiều bài thơ với chủ đề khác nhưng vẫn dùng bộ vần Từ Thứ để chứng tỏ không phải họ không họa được thơ Tường mà là không thèm chửi Tường nữa đó thôi.

Nếu như lập luận dẫn trên là đúng thì bài “Bị giam ở Vĩnh Long” phải ra đời trong một thời điểm muộn, sau khi Tôn Thọ Tường đã sáng tác “Từ Thứ quy Tào”. Vậy bài “Bị giam ở Vĩnh Long” có phản ánh tâm trạng Bùi Hữu Nghĩa khi bị bắt vì vụ Láng Thé không hay là nói đến một lần bị giam khác của ông. Cụ thể là sau lúc Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây cũng đã từng câu lưu Bùi Hữu Nghĩa?

Tôi nghĩ rằng về vấn đề nguồn gốc bộ vần Từ Thứ cũng như bản chất bài thơ “Từ Thứ quy Tào” bấy lâu nay chúng ta đã nhầm lẫn ở mấy chỗ: thứ nhất, chúng ta cho rằng bộ vần Từ Thứ là sáng tạo của Tôn Thọ Tường; thứ hai, chúng ta cho rằng “Từ Thứ quy Tào” là một bài xướng – nghĩa là Tôn Thọ Tường đã tấn công trước. Kỳ thực các bài thơ của Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị và một số người khác có dùng bộ vần Từ Thứ đều không mang mục đích đáp trả bài “Từ Thứ quy Tào”. Riêng Bùi Hữu Nghĩa đã sáng tác ba bài: Bị giam ở Vĩnh Long, Đũa bếp và Thân Bao Tư tiễn Ngũ Tử Tư theo bộ vần Từ Thứ. Riêng bài “Thân Bao Tư tiễn Ngũ Tử Tư” của Bùi Hữu Nghĩa nếu đem so sánh với bài “Từ Thứ quy Tào” của Tôn Thọ Tường sẽ thấy tính chất xướng họa của hai bài này rất rõ, không chỉ ở chỗ cùng dùng chung một bộ vần, mà còn ở chỗ sự ăn khớp về mặt hàm ý giữa từng cặp câu trong cả hai bài thơ. Điều đó cho phép chúng ta giả định rằng có thể Bùi Hữu Nghĩa đã sáng tác bài “Thân Bao Tư tiễn Ngũ Tử Tư” để trách cứ Tôn Thọ Tường và Tường đã làm bài “Từ Thứ quy Tào để đáp lại”.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập VII. NXB Giáo Dục, 2007, trang 703.