Một số từ địa phương trong hoạt động nông nghiệp ở ĐBSCL (Phú Tân, An Giang).

Post date: Dec 30, 2014 3:20:29 AM

[Trang 150] MỘT SỐ TỪ ĐỊA PHƯƠNG

TRONG HOẠT ĐỘNG NÔNG NGHIỆP Ở

ĐBSCL (PHÚ TÂN, AN GIANG)

Tô Đình Nghĩa

Ở Phú Tân, An Giang và nhiều nơi khác của vùng ĐBSCL, người nông dân thường sử dụng nhiều từ địa phương trong hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như trong nhiều ngành nghề khác. Những từ nghề nghiệp – địa phương này rất phong phú, nó có mặt trong hầu hết – nếu không phải là tất cả - các công đoạn của một nghề. Nhưng, cũng chính sự phong phú ấy đã gây bỡ ngỡ và khó khăn không ít cho các nhà điều tra, nghiên cứu kinh tế - xã hội, nông nghiệp … khi người đi điều tra không thuộc phương ngữ này.

Trong nghề trồng lúa – một hoạt động quan trọng ở ĐBSCL – từ khâu làm đất cho đến khi vận chuyển lúa về nhà và bán lúa ra thị trường, người nông dân ở Phú Tân sử dụng thành thạo một hệ thống từ vựng riêng để gọi tên công việc, dụng cụ và để tính toán. Khi cần thiết (như đóng thuế, kê khai…) họ có thể dễ dàng chuyển đổi ra hệ thống chung, nhưng trong sinh hoạt thường ngày người [trang 151] nông dân vẫn thích dùng hệ thống từ vựng riêng biệt này. Các nhà điều tra nghiên cứu muốn thâm nhập được vào đối tượng của mình thì không thể không tìm hiểu, rồi chuyển đổi các từ địa phương này ra ngôn ngữ toàn dân và hệ thống tính toán chung. Bài này sẽ trình bày một số các từ địa phương thuộc loại nêu trên.

1. Trong khâu làm đất và sạ lúa:

1.1. Thông thường vào vụ lúa Đông Xuân, người nông dân muốn xuống giống tháng 11 – 12. Quy trình của vụ Đông Xuân là:

+ Dọn cỏ, đắp bờ - Xới ướt – Trục, trạc – Sạ - Khui nước.

Còn vụ hè thu, xuống giống tháng tư, theo quy trình:

+ Đốt cỏ - Phay, Phúp – Vô nước – Trục trạc – Sạ - Khui nước.

Chỉ riêng trong khâu làm đất và sạ lúa ta thấy xuất hiện hàng loạt từ địa phương như: Xới ướt, phay, phúp, trục, trạc … Những từ này có ý nghĩa gì?

Xới ướt: Sau khi dọn cỏ, đắp bờ; người nông dân dùng máy xới tay có trang bị một giàn xới để làm cho đất tơi ra. Xới ở ruộng nước nên gọi là xới ướt. Còn phay, phúp là ở ruộng khô (vụ Hè Thu). Máy chuyên dùng để phay, phúp gọi là máy áo (máy áo là loại máy giàn xới có móc nhọn để xới đất khô, cứng…)

Trục: dụng cụ bằng gỗ, dài khoảng 2 mét, có hình dạng cạnh khế, do trâu bò kéo để làm cho nhuyễn đất.

[trang 152] Trạc: Sau khi trục là trạc. Trạc là một dụng cụ bằng kim loại hoặc bằng gỗ hình tròn, dài khoảng 2 mét. Mục đích của việc trạc là làm cho đất bằng để sạ lúa. Nếu là đất không bằng phẳng thì người nông dân phải dùng trang thay vì dùng trạc. Trang là một phiến gỗ dài khoảng 3 mét, cao 30 cm có dây đeo vào ách cho bò kéo. Để cho đất được bằng phẳng người nông dân đứng lên trang và điều chỉnh tùy theo chỗ đất cao hay thấp.

(Trục, trạc, trang được dùng vừa là danh từ vừa là động từ). Dù đất ruộng hay đất rẫy, người nông dân thường phân biệt đất oằn (trũng, ngập), đất lung (thấp), đất cồn (đất ở ven sông), đất (đất cao), đất bị đẻng (nhiễm phèn), v.v…

1.2. Trong việc dọn cỏ, đắp bờ (vụ Đông Xuân), động tác dùng lưỡi hái để cắt cỏ trong ruộng nước được gọi là ruồng cỏ. Trong ruộng khô (vụ Hè Thu), người nông dân dùng chéc để dẫy cỏ. Chéc là một dụng cụ nhỏ, có lưỡi như lưỡi bào và tay cầm bằng gỗ.

2. Trong việc bón phân cho lúa, người nông dân gọi tên các loại phân tùy theo màu sắc, đặc điểm của chúng. Thí dụ: phân lạnh (phân urê, đặc tính lạnh khi tan trong nước), phân muối tiêu (phân DAP, có màu muối tiêu); phân xi măng (super lân), phân muối ớt (kali) v.v… Thông thường, mỗi vụ lúa người nông dân bón phân khoảng 4 – 5 lần. Khi lúa trổ đòng đòng, đợt bón phân này được gọi là rải rước hột nhằm tăng thêm chất bổ dưỡng cho cây lúa để được nhiều hạt, không bị lép. Đợt bón phân cuối cùng được gọi là cử dứt hoặc cử tống.

[trang 153] 3. Tưới tiêu: Trong việc tưới tiêu, người nông dân Phú Tân thường hợp đồng hoặc khoán cho “tổ đường nước”, một tổ chức hợp tác, một cách làm ăn mới ở ĐBSCL. Thông thường, người ta nói lên nước, nước, lùa nước là đưa nước vào ruộng còn tưới nước chỉ dành cho rau đậu, thuốc lá. Để tránh ngập úng cho lúa, người nông dân phải khui nước (hoặc khai nước), đưa nước ra khỏi ruộng.

4. Cắt gom, suốt và vận chuyển lúa:

a) Khi thu hoạch, người nông dân không bó lúa gánh về mà chỉ cắt và gom lúa lại.

b) Trong công đoạn suốt lúa người nông dân thường dùng máy suốt tay hoặc máy suốt hòm. Máy suốt hòm còn có tên là máy nhai hay máy phóng. Đây là một dụng cụ suốt lúa hình tròn, dài khoảng 2 mét. Sở dĩ người ta gọi máy nhai hay máy phóng vì căn cứ vào hoạt động của máy: khi đưa lúa vào, máy có động tác như nhai lấy nhánh lúa, phần hạt được đổ về một phía, rơm rạ được “phóng” về một phía khác xa đến vài ba mét. Lúa lép, lá lúa và rác lúa từ máy thải ra gọi là bui bui.

c) Khâu vận chuyển lúa về nhà được gọi chung là lòi. Thật ra lòi có hai giai đoạn: lúa được chất lên các xuồng nhỏ đẩy dọc theo các kinh mương về nơi tập trung[1] (thường thường, từ lòi được dùng khi đẩy lúa dưới nước). [trang 154] Từ điểm tập trung, lúa được chuyển về nhà bằng cộ.cộ lết là loại không có bánh do bò kéo và cộ bò có bánh gỗ hoặc có bánh bơm hơi. Người nông dân ở Phú Tân vẫn quen gọi chung các giai đoạn này là lòi lúa.

5. Đo lường:

5.1. Ở An Giang, diện tích ruộng được tính theo công tầm cắt (1.296 m2) hoặc công tầm ba, còn rẫy thường được tính theo công điền (900m2) hoặc công mười (1000m2).

Tầm là dụng cụ để đo ruộng; nói đúng hơn, là một cây đo có chiều dài 3 mét. Công tầm cắt là dấu vết của thời thuộc địa. Lúc bấy giờ các địa chủ dùng công tầm cắt để tính diện tích lúa được cắt nhằm mục đích bóc lột nông dân, tá điền (thay vì tính theo công hecta 1000m2).

5.2. Trong khâu làm đất (trục, trạc), người nông dân thường tính theo tác. Tác có nghĩa là “lần, lượt”. Khi một nông dân nói “trục 2 tác, trạc 1 tác” có nghĩa là làm nhuyễn đất hai lượt và kéo cho đất bằng phẳng một lượt”. Tác được tính khi trâu bò kéo trục, trạc qua toàn bộ thửa ruộng một lần.

5.3. Cách thức cân, đong, đo, đếm các sản phẩm cũng được phân chia rất tỉ mỉ. Thí dụ: “Cống xê xê là một dụng cụ để đo thuốc trừ sâu. Cống xê xê là một cái ly nhỏ hình phễu có ghi phân lượng từ 10 – 50cc. Nếu một dụng cụ khác (như ly uống nước) được dùng đong thuốc trừ sâu với phân lượng tương tự thì cũng được gọi là cống xê xê.

Đối với các sản phẩm như lúa, đậu xanh, đậu nành, ấu, người nông dân thường tính theo giạ. Tuy gọi giống nhau [trang 155] nhưng một giạ lúa bằng 20kg, đậu xanh bằng 32kg, đậu nành, đậu trắng lại là 28kg còn ấu cũng tính giạ, không qui ra kg mà chỉ đong be ngọn (đong đầy vun cao). Ngoài giạ còn có táothùng (10kg) tức là 1/2 giạ.

Đôi khi người nông dân cũng dùng cân, nhưng cân ở đây chỉ bằng 600gr (còn mới là 1000gr). Dựa vào các khía trên mặt cân để tính trọng lượng, cứ 1 khía là 50gr. Một cân là 12 khía.

5.4. Trong việc thuê máy xới, trục, trạc hoặc cắt gom, vận chuyển lúa, các nông dân thường tính chi phí theo đơn vị là “giạ lúa”. Thí dụ: khi ta hỏi một nông dân về “chi phí làm đất do súc vật kéo”. Người nông dân trả lời vắn tắt: “Trục trạc 3 tác công giạ rưỡi”. Điều đó có nghĩa là: Nếu người nông dân ấy có số diện tích ruộng là 7 công tầm cắt, giá lúa vào thời điểm ấy là 600 đồng thì toàn bộ chi phí làm đất do súc vật kéo là: 30 kg lúa x 7 x 600đ = 126.000 đồng. Theo các nông dân, ưu điểm của cách tính lấy lúa làm “chuẩn” là ngắn gọn, dễ nhớ, dễ tính toán và khi muốn tính ra bằng tiền cũng không khó khăn gì.

Bên cạnh các từ gắn với việc trồng lúa, chúng ta cũng cần kể đến một số từ địa phương có liên quan như: (rầy nâu), đi cồn (đi làm rẫy), đi đồng (làm ruộng), sạ ngầm[2] (gieo lúa không ngâm ủ), cấy (trồng ấu), nhót (hao [trang 156] phí) v.v.. Ngày lao động cũng được người nông dân chia làm buổi đứng (không nghỉ trưa) và buổi nằm (có nghỉ trưa)… Cả đến các loại chuột xuất hiện trong các ruộng lúa cũng chia theo nhiều tên gọi: chuột cơm (chuột nhỏ), cống nhum (chuột màu đen, to, nặng khoảng 1kg), cống lang (màu vàng, ám tro, lớn như loại cống nhum)… Các từ địa phương thuộc loại này rất nhiều và được dùng thường xuyên.

Nhận xét: Một số từ địa phương trong sản xuất nông nghiệp ở vùng Phú Tân (An Giang) dẫn ra trên đây cho thấy các từ địa phương thuộc loại này là một phần quan trọng của phương ngữ Nam Bộ, bởi lẽ phương ngữ Nam Bộ phong phú không phải chỉ vì số lượng từ vựng riêng biệt trong sinh hoạt hàng ngày mà phải kể cả lớp từ “nghề nghiệp” này. Chính những sắc thái riêng của địa phương trong các nghề nghiệp làm phát sinh ra các hiện tượng từ vựng riêng biệt mang dấu ấn của địa phương ấy. Các từ địa phương này còn phản ánh đặc điểm địa lý của một vùng sông nước, kinh rạch chằng chịt và ngay cả phong cách sống, cách nhìn nhận sự vật cụ thể của người nông dân ở đây. Do đó, nghiên cứu các từ địa phương thuộc loại này, một mặt góp phần làm phong phú thêm, bổ sung thêm cho tiếng Việt văn học; mặt khác, giúp cho việc tìm hiểu các cách thức làm ăn, cách sử dụng ngôn ngữ của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Viện Khoa Học Xã Hội tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc phía Nam. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1992.

[1] Trước đây, trong vụ lúa mùa, nông dân thường dùng loại xe lỉa bằng gỗ, bề rộng phía trước 1m5, phía sau 1m8, dài 2m5. Xe lìa dùng để gom lúa. Khuyết điểm của xe lỉa là thường bị lún sình nên ít được dùng. Cần phân biệt với chẹt là một loại xà lan nhỏ, mặt bằng, dùng để chở máy xới đến các thửa ruộng.

[2] Sạ ngầm: Trong vụ Đông Xuân, sau khi làm đất và khi nước còn trong ruộng khoảng 20cm, sạ lúa giống chưa ngâm ủ. 10 ngày sau khai nước, bón phân, bấy giờ lúa đã cao 5cm. Ưu điểm của cách sạ ngầm là ít cỏ và có thể xuống giống sớm so với kiểu sạ ướt, khuyết điểm: mật độ mọc không đều, dễ bị cua cắn đứt. Hiện nay còn khoảng 20% hộ nông dân ở Phú Tân (An Giang) theo cách sạ này.