Thử soi sáng đôi điều trong sách "Hà Tiên Mạc thị thế hệ khảo" của Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho).

Post date: Oct 26, 2012 4:42:39 AM

Trương Minh Đạt.

A. ĐÔI HÀNG VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:

Ông Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho - TKH), nhà Việt Nam học người Hoa nổi tiếng vùng Đông Nam Á, khi sinh tiền luôn gắn bó với Việt Nam, vừa từ giã cõi đời ngày 19/11/1995, tại Thành phố Hồ Chí Minh (1). Ông chuyên viết sưu khảo, nhiều tác phẩm nổi danh như: An Nam dịch ngữ khảo thích, Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả chú thích, Hà Tiên Mạc thị thế hệ khảo v.v. Ông biết nhiều ngoại ngữ, viết bằng chữ Hán, chữ Nhật, chữ Anh, chữ Pháp... và nhiều tiểu luận bằng Việt Ngữ đăng trên tạp chí Đại học (Huế), Khảo cổ tập san, Văn hoá Á châu ... Tác phẩm chuyên sâu, trọng tâm là văn bản cổ Việt Nam. Khoảng năm 1958 - 1963, ông được mời khảo giảng ở Đại Học Huế, Sài Gòn, Đà Lạt.

Năm 1963, sau chính biến tháng 11 ở Sài Gòn, ông phải rời Việt Nam đi Hương Cảng ( Hong Kong). Từ đó về sau ông dạy học tại các trường Đại học trên thế giới: Nhật, Mỹ, Pháp, Đài Loan... Năm 1995, ông quay trở lại Việt Nam, và âm thầm qua đời tại đây.

Quyển "Hà Tiên Mạc thị thế hệ khảo" (HTMTTHK) là bản luận giải từ xa những ngôi mộ cổ tại núi Bình Sơn, Hà Tiên. Tác giả giúp cho người đọc ở xa có một nhận thức khá hệ thống về quan hệ họ hàng, thời đại sinh sống... của những người thân, hoặc bộ hạ họ Mạc, thời kỳ đầu thế kỷ XVIII về sau.

Sách còn nhiều điểm cần thảo luận lại. Có nhiều lí do khách quan khiến tác giả không chủ động khắc phục; ông có nói rõ trong lời tiểu dẫn:

"Năm 1962, ông Trương Bửu Lâm, Viện trưởng Viện khảo cổ Việt Nam(2) có đưa một tập văn bia những mộ cổ ở Bình Sơn thuộc Hà Tiên do Viện ấy sưu tầm được, nhờ bút giả điều chỉnh; nhưng chẳng bao lâu sau khi nhận lời, bút giả dời Việt Nam đi Hương Cảng... cho tới nay vẫn chưa thực hiện được lời hứa của mình. Bút giả nhân dịp này đem toàn tập mộ bia ra kiểm điểm lại; tham chiếu sử sách triều Nguyễn và so sánh bản lược đồ thế hệ họ Mạc ở Hà Tiên mà khảo chứng". (Sách HTMTTHK bằng chữ Hán, Hoa Cương Học báo đệ ngũ kỳ, Trừu ấn bản, Hong Kong, 1967, tr.179-180).

Xin được nói thêm cho rõ, tập văn bia mà ông Trương Bửu Lâm trao cho tác giả TKH nguyên là bản chép tay, do ông Trần Thiêm Trung người Hà Tiên thực hiện. Ông Trung nhờ một người biết chữ Hán không quen làm công tác khoa học chép, thành ra không chính xác, chỗ thiếu, chỗ thừa... ông Trung cũng vẽ một sơ đồ Bình Sơn với vị trí các ngôi mộ và đánh số từ 1 đến 43. Sơ đồ này được tác giả TKH cho in sách. Nhưng số hiệu các ngôi mộ có khác và nhiều hơn bản chép tay, vì hai nhóm mộ song hồn (của hai vợ chồng) ông Trung ghi một số, tác giả TKH ghi lại thành 2 số (ví dụ 14 - 15, 32 - 33), nên số hiệu mộ bia trong sách tăng đến 45.

Vì lẽ, sau năm 1963 ông TKH không thể trở lại Việt Nam, chỉ sử dụng bản chép thiếu chính xác, thế nên tác phẩm được làm ra thiếu khảo sát thực tế.

Bài viết này chỉ xin đề cập 2 tấm bia của Mạc Công Tài (số 11) và Phụng Nghị Đại Phu họ Mạc (số 45).(3)

B. KHẢO SÁT HAI BIA MỘ:

1/ Bia Mạc công tài: - (Sđd trang 195). Sách HTMTTHK in nguyên văn (bản chép của Trần Thiêm Trung) như sau: "Số hiệu thứ 11"

"Tuế Quý Dậu niên tạo"

"Đại Nam - ấm Thụ Xuất Đội húy Công Tài Mạc công chi mộ"

"Nữ ngọc mai lập" (Xem ảnh chụp 1 in ở bìa 4 số tạp chí này).

Tác giả TKH luận giải về mộ bia này như sau: "Mạc Công Tài là con của Mạc Tử Hoàng do người thiếp sinh ra. Tên huý của ông, sách Thông chí quyển 5 chép là Công Thôn, nhưng sách Thực lục tiền biên, Liệt truyện tiền biên, và gia phả đều chép là Công Tài. Cho tới nay chưa biết nên theo sách nào. Nay xem tập bia mộ, số thứ 2 - 3 và 11, thấy chép là Công Tài do đó có thể biết chính tên là Công Tài vậy. Còn năm xây mộ, nguyên văn Quý Dậu (năm Gia Long thứ 12 - 1813) e không chính xác (Nguyên văn chữ Hán: Chí ư thử mộ kiến tạo chi niên đại, nguyên văn chi Quý Dậu (Gia Long thập nhị niên - 1813) khủng bất xác". Xét bia mộ của Thiên Tứ (số hiệu thứ 2, năm 1818) và của Tử Hoàng (số hiệu thứ 3, 1820) đều có tên "Hiếu Tôn" hoặc "Hiếu nam" Mạc Công Tài. Mặt khác như đã thuật, Công Tài nhận chức Quản thủ Hà Tiên năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Mùa hạ năm thứ 14 (1833) Lê Văn Khôi nổi loạn ở Nam kỳ, Công Du, Công Tài đều nhậm chức nguỵ; việc phát giác, sắc nã về kinh tra hỏi; rồi Công Du, Công Tài bị bệnh mà chết. Như vậy thì mộ Công Tài không phải xây vào năm Quý Dậu (1813). Theo thiển kiến, Quý Dậu trên bia mộ này ắt là chữ Quý Tỵ (1833) viết lầm. (Cứ quản kiến, thử mộ bi thương chi Quý Dậu niên tất thị Quý Tỵ (1833) chi bút ngộ). Huống chi "Đại Nam" là quốc hiệu mới định, sau khi vua Minh Mạng lên nối ngôi, càng đủ chứng thực năm xây mộ là "Quý Tỵ" (năm Minh Mạng 14 - 1833).

Khi nói: "Quý Dậu trên bia mộ này ắt là chữ Quý Tỵ (1833) viết lầm" có lẽ ông TKH cứ vào lẽ thường: "việc chôn cất lập mộ" được tiến hành cùng một lúc ? Nhưng tác giả quên trường hợp ngoại lệ. Có khi người ta chôn người trước, làm bia đá sau, nhất là gặp thời chiến tranh ly tán.

Sách sử còn ghi rõ thời kỳ tao loạn đen tối khoảng 1833 - 1834 ở Hà Tiên. Trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, cha con Công Du, Công Tài, Hầu Di, Hầu Diệu đang quản thủ Hà Tiên, đều theo về với họ Lê. Thái Công Triều được Lê Văn Khôi giao cho nắm các tỉnh miền Tây, trong đó có Hà Tiên. Chẳng bao lâu sau, Thái Công Triều phản lại họ Lê nên đã bắt cha con họ Mạc giao cho binh triều. Mạc Công Tài chết. Quân Xiêm tràn vào chiếm cứ Hà Tiên, rồi theo kinh Vĩnh Tế lên Châu Đốc... "Quân Xiêm thả sức đốt cướp dọc đường hành quân, giết đàn ông, bắt đàn bà trẻ con mang đi..."(4). Trong số biến cố này con cháu họ Mạc không thể an cư tại Hà Tiên. Người chết không kịp dựng bia, kẻ sống phải cao bay xa chạy, thậm trí thay tên đổi họ để trốn... Về sau Đại học sĩ Trương Đăng Quế đi Kinh Lý, tổ chức lại việc cai trị ở các tỉnh vừa trải qua tai họa chiến tranh, tâu trình lên vua Thiệu Trị: "Việc mở mang đất Hà Tiên lúc ban đầu do công lao của Mạc Thiên Tứ rất lớn, nên lục dụng lại con cháu họ Mạc..."Mãi đến đời Thiệu Trị thứ 5 (1845) mới có lệnh "tìm lại con cháu họ Mạc, người nào có tài có thể dùng được thì tâu lên..."(5). Mạc Công Tài chết vẫn chưa được xét giảm tội cũ. Vì mãi đến đời Tự Đức mới có sắc lệnh chọn lấy Mạc Văn Phong - (tức Mạc Hầu Phong) - làm Đội trưởng, để coi việc thờ cúng Thiên Tứ: "Tự Đức năm thứ nhất (1848) ấm thụ cho cháu bốn đời là Mạc Văn Phong là Đội trưởng"...(6)

Cứ theo sắc lệnh này của vua Tự Đức, đương nhiên trước năm 1848, bia của Mạc Công Tài - nếu có - chưa thể có chữ "ấm Thụ Xuất Đội" - việc truy phong "ấm Thụ Xuất Đội" trên bia của Mạc Công Tài chỉ xảy ra sau sắc lệnh của vua Tự Đức. Thế là niên đại Quý Dậu trên bia của ông này không thể sớm hơn 1848. Ta có thể kiểm chứng niên đại Quý Dậu trên bia Mạc Công Tài bằng cách so sánh với bia của Phụng Nghị Đại phu Mạc Tiên Sinh. (Số 45), vì cả 2 bia đồng một niên đại tạo lập.

2/ Bia Phụng Nghị Đại phu Mạc tiên sinh:

- (Sđd. tr.211) - Văn bia trên đá, khắc nội dung như sau:

- Chính văn: "Đại Nam" - "Phụng Nghị Đại phu Mạc tiên sinh chi mộ".

- Lạc khoản phải: "Quý Dậu niên tạo"

- Lạc khoản trái: "Môn nhân Trần Hữu Tạo Ö lập" (xem ảnh chụp 2 in ở bìa 4 của số tạp chí này).

Nếu đặt gần nhau, người ta thấy rõ hai cái bia có những điểm giống nhau từ chất đá, kích thước, cả nét chữ đến lối sắp xếp văn bản (xem ảnh).

a) - Về chất liệu: 2 bia đều bằng một loại đá sa thạch mịn, màu xám xanh, mài láng mặt trước, không có hoa văn trang trí, mặt sau có dạng đá tự nhiên có chẻ.

- Về kích thước: 2 bia sít soát bằng nhau, sai lệch khoảng 1/2 phân trên mỗi cạnh; có thể lấy số gần bằng là 0,85x 0,45x0,10m.

b) - Về văn bia: nhìn thư pháp trên bia, dễ phát hiện do một người tạo tác. Sự đồng dạng trên thư pháp thể hiện rõ ở hai phương diện: một là nét chữ được thấy nơi chữ Đại, Nam, Mạc, Quý, Dậu, Niên, Tạo, Lập... Hai là cách sắp xếp, có sự nhấn mạnh để tránh hiểu nhầm giữa "Tạo" và "Lập", nơi câu lạc khoản (phải + trái), hai chữ đều đặt rời xa, phía dưới câu lạc khoản độ 2 tấc: (do chỗ chữ "Lập" đặt cách tên "Tạo" quá xa, nên bản chép được in trong sách HTMTTHK thiếu mất chữ này: sách in "Môn nhân Trần Hữu Tạo"; có lẽ người chép vội vàng ? Còn câu lạc khoản bên phải của 2 bia, sách lại in dư chữ "tuế").

Do các điểm tương đồng vừa nêu, tôi cho rằng cả hai bia được tạo lập đồng thời, do một người viết, cùng một nơi sản xuất. niên đại Quý Dậu trên 2 bia vì thế không thể sai lầm. Đó không phải năm Gia Long thứ 12 (1813), cũng không phải năm Bảo Đại thứ 8 (1933) (Thuộc 2 ngôi mộ mới hơn, ghi số 19 và 25 trong sách HTMTTHK). Để cho sáng tỏ điểm này, chúng ta hãy tìm hiểu về Phụng Nghị Đại phu họ Mạc và thời đại sinh tiền của ông.

Xét văn bia 45 (Phụng Nghị Đại phu) có 2 điểm lạ:

a/ Phần chính văn không khắc tên của Mạc tiên sinh.

b/ Lạc khoản bên trái ghi trọn tên họ người lập văn bia là Trần Hữu Tạo", và trỏ mối quan hệ là "môn nhân" - tức "người trong họ". Vậy ông Tạo có quan hệ thế nào với Phụng Nghị Đại phu ? Nếu như nơi bia Mạc Công Tài đề tên con gái lập bia, ở đây Trần Hữu Tạo - tự xưng mình là "người của Mạc môn" - thì vô lý, ông là một kẻ ngoại tộc ? Theo đúng thông lệ, con trai đứng lập bia cho cha, đề chữ " Nam" hoặc "Hiếu Nam". Trong trường hợp này - Phụng Nghị Đại phu họ Mạc - nên ông Trần Hữu Tạo không thể dùng các chữ ấy. Do quy tắc chính danh, tương quan tộc hệ, ông Tạo chỉ còn cách tự xưng là "môn nhân", cho người đời sau biết rõ ông có liên hệ gần gũi. Nhưng mối liên hệ "Trần + Mạc" chặt chẽ đến mức nào ? Theo tôi nhận xét, Phụng Nghị Đại phu có thể là "anh ruột", cũng có khả năng là "cha" của ông Trần Hữu Tạo.

3) Truy tầm lý lịch Mạc tiên sinh:

- Nhận xét về ngôi mộ số 45, tác giả TKH chỉ viết vẻn vẹn 2 câu: "Quý Dậu chính năm Gia Long thứ 12 (1813). Chưa rõ lý lịch Mạc tiên sinh". "Quý Dậu đương thị Gia Long thập nhị niên (1813). Vị tường thử Mạc tiên sinh ở Hà Tiên, không một ai biết tên thật của ông. Gia phả xưa của họ Mạc do Võ Thế Doanh viết, không có ghi đã đành, vì sách kết thúc năm 1818. Tất cả những người từng khảo cứu về họ Mạc và lịch sử đất Hà Tiên xưa nay, không ai đề cập, dù chỉ viết một dòng về ngôi mộ này. Nay chúng tôi xin cống hiến quý độc giả chút tư liệu khả dĩ xác định nhân vật, soi sáng một điểm "chưa biết" của tác giả sách HTMTTHK.

Xin tìm hiểu hàm ý những chữ khắc trên bia:

a) Đại Nam: - Quốc hiệu nước ta sau Minh Mạng năm thứ nhất. Mộ này được lập sau năm 1820, không sớm hơn.

b) Phụng Nghị Đại phu: - Chức Thụy được ban cho Quan văn làm Đốc học hoặc Hồng Lô tự Thiếu khanh, trật Chánh ngũ phẩm (theo Lệ định thời Minh Mạng)(7).

c) Quý Dậu niên: - Trong lời luận giải bia số 11 trên đây, ông TKH nói: "Nguyên văn Quý Dậu (...1813) e không chính xác... Huống chi Đại Nam là quốc hiệu mới định sau khi vua Minh Mạng lên nối ngôi..." Thế là tại bia số 45 này, ông lại nói "Quý Dậu chính là năm Gia Long thứ 12 (1813) mặc dù văn bia có chữ Đại Nam rành rành đó. Tác giả quên chăng ?... Chúng ta hãy xét tới năm Quý Dậu thuộc thế kỷ kế tiếp của năm 1813: ấy là năm 1873. Để dễ thấy, ta ôn lại những nét trọng đại của lịch sử. Năm đó Pháp mới chiếm Hà Tiên vừa tròn 6 năm, họ đang tiến đánh Hà Tiên và Nguyễn Tri Phương hy sinh đền nợ nước.

d) Họ Trần và Họ Mạc liên hệ thế nào? Tôi nghĩ rằng Phụng Nghị Đại phu Mạc Tiên Sinh đã có thời mang họ Trần. Ông được vua Tự Đức cho cải chính để ăn theo họ Mạc, theo lệ định năm 1857. Lệ ấy như sau: "Lệ cải chánh - Năm Tự Đức thứ 10 (1857) định rằng phàm viên chức nào lúc bé lưu lạc, không rõ quán chỉ đích thực; sau khi đã thành lập mới dò hỏi được đích xác mà cải chánh, thì chuẩn miễn cho sự xử phạt. Tựu trung đã có thể nên cải chánh, mà lần chần cẩu thả không tâu xin cải chánh ngay, thì dù không có lòng riêng muốn trốn tránh điều gì cũng phải xử phạt ... ".

(Xem Đại Nam điển lệ toát yếu, (Sđd phụ chú (7), tr.124-125, mục cải chánh).

Trường hợp thay họ đổi tên phù hợp hoàn cảnh con cháu họ Mạc sau năm 1833 - 1834 như trên đã nói. Gần đây các học giả Việt Nam có nhắc đến một trường hợp rất cụ thể, xứng hợp các điều ghi ở bia Mạc tiên sinh(8) - Trong số các học giả ấy, nên kể đến ông Nguyễn Đổng Chi, người phát hiện lai lịch và tác phẩm của họ Mạc từng mang họ Trần, trong bài viết: Một bài hịch lưu hành ở Gia Định vào thời kỳ trước thực dân Pháp bắt đầu xâm lược. Ông viết: "Năm 1860... Nguyễn Tri Phương đã giao cho đốc học Định Tường ngày ấy là Mạc Như Đông soạn một bài hịch, lấy lời một "vị nguyên nhung" nói với quân dân Gia Định. Tác giả vạch tội ác "thần dân đều giận, săn cỏ cũng hờn" của bọn cướp Tây di... Bài hịch này soạn bằng tiếng Việt"(8).

Ông Nguyễn Đổng Chi cũng nói rõ xuất xứ bài hịch: "Bài này được Trương Vĩnh Ký sưu tầm và đăng trên tập Sử loại thông khảo hoặc có tên là Thông loại khóa trình (Miscellanées) số 2 tháng 6 năm 1889 - một loại nguyệt san xưa ở Sài Gòn"(9). Nơi chú thích số 2, ông Nguyễn Đổng Chi nói rõ về lai lịch tác giả Mạc Như Đông: Quốc triều hương khoa lục ghi tên ông là "Trần Nghị Đông" và chú thích như sau: "Ông nguyên là người Hà Tiên, họ Trịnh đăng ký hộ tịch ở quê mẹ. Sau chuyển ra sinh sống ở làng Mộ Trạch, huyện Đường An, Phụ thí (ở trường thi Thừa Thiên). Làm quan Đốc học Định Tường" (Quyển II, tờ 52b). Theo chúng tôi QTHKL chép nhầm Mạc (莫) ra Trịnh (鄭) vì ở Hà Tiên có dòng họ Mạc rất đông đúc. Mạc Nghị Đông hay Trần Nghị Đông đỗ Cử nhân khoa Quý Mão, năm Thiệu Trị thứ 3 (1843)... (Ngày nay ta có thể dễ dàng tìm đọc trong sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, do Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính, Nxb. Tp. HCM, 1993, tr.233). So về niên đại, hoàn cảnh lịch sử và họ Trần đổi họ Mạc, chúng ta có thể nói: ngôi mộ có bia số 45 tên "Phụng Nghị Đại phu Mạc tiên sinh", tạo lập năm 1873 chính thật là mộ của Mạc Như Đông, xưa có tên là Trần Nghị Đông hay Mạc Nghị Đông.

Xét vì năm in đầu tiên của phần chánh biên bộ Quốc triều hương khoa lục (1873)(10) đã chép về ông (có sự thay đổi từ họ Trần trở lại họ Mạc) và bia mộ Mạc tiên sinh cũng khắc vào năm này (1873) đâu phải là điều trùng hợp ngẫu nhiên, không dựa trên cơ sở nào. Tôi cho rằng cái cơ sở đó chính là lệnh cải chánh của vua Tự Đức. Nhưng khó xác định thời điểm nào ông Trần Nghị Đông cải chánh để ăn lại họ Mạc. Bởi lẽ Hoàn cảnh "lúc bé lưu lạc, không rõ quán chỉ đích thực, sau khi đã thành lập mới dò hỏi được đích xác" được ghi rõ trong "Lệ cải chánh". Bất cứ ai cũng có thể nghĩ: ông Đông đã trình bày hoàn cảnh của mình để xin cải họ; tạo thành tiền lệ cho định lệ... Đến đây có thể tóm tắt lược tiểu sử của ông như sau:

Mạc Nghị Đông - hay Trần Nghị Đông - cháu nội của Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tứ (hay Tích) - (chưa rõ ông Đông là con ai, chỉ thấy trong tên Đông của ông có bộ Mộc (木) bàn giai với Mạc Công Du và Mạc Công Tài)(11). Năm 1833, khi xảy ra biến cố Lê Văn Khôi, họ Mạc bị khép tội. Riêng cậu Đông còn bé được mẹ đưa về quê ngoại ở xã Mộ Trạch (Hải Dương). Mộ Trạch là một làng khoa bảng sản sinh nhiều vị Tiến sĩ. Cậu đăng ký hộ tịch ăn họ mẹ và đi học. Sau vào thi nhờ ở trường Thừa Thiên (Kinh đô). Ông Đông được đỗ Cử nhân năm 1843, bổ nhậm Đốc học Định Tường. Khoảng 1860, Nguyễn Duy (em ruột Nguyễn Tri Phương) làm Tán Lý đạo Định Biên đóng ở Tân An - (Long An bây giờ) cùng với Mạc Như Đông qui tập về Gia định phục vụ trong ban đầu não của Tổng thống quân vụ Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương bảo ông làm bài hịch khích lệ quân dân chống Pháp. Trong lời hịch có những lời lẽ mạnh bạo, cứng rắn, nguyền rủa bọn Tây cướp nước: "Cớ chi một gốc Tây di khác lòng trâu ngựa, (...) Quỷ trắng đâu vùng vẫy dưới trời, (...) Thói hung bạo thần dân đều hận, dạ tham ô tuy săn cỏ cũng hờn (...)". Vì ông có quá trình chống Pháp cho nên khi ông mất (1873), người ta không để tên thật của ông trên bia, phòng hờ bọn Pháp biết được sẽ khủng bố trả thù cánh họ Mạc ở Hà Tiên. Năm 1873, bộ máy cai trị của Pháp ở Hà Tiên còn mới mẻ, chưa ổn định... Khi đưa ông về chôn ngay dưới chân Mạc Thiên Tích, hẳn người xưa nghĩ rằng Phụng Nghị Đại phu Mạc Như Đông xứng đáng nằm vào nơi vinh dự đó. Ngày nay chúng ta biết rõ lai lịch và tinh thần yêu nước kháng Pháp của ông, thời Pháp mới xâm lăng nước ta, lẽ nào ta nỡ để cho mộ phần ông bị san bằng quên lãng cách tội nghiệp ?

Chú thích:

(1) Báo Nhân Dân số 14.792 ngày Chủ Nhật 17.12.1995.

(2) Viện Khảo cổ Sài Gòn dưới thời chánh quyền Ngô Đình Diệm. Tháng 11 năm 1963 có cuộc đảo chánh tại Sài Gòn, Ngô Đình Diệm bị giết, Chính phủ kế nhiệm không còn tin dùng những người từng phục vụ cho chế độ trước, đã cho ông Trần Kinh Hòa ngưng việc ở các Đại học miền Nam, trở về Hương Cảng (Hong Kong).

(3) Trước đây trong bài viết: Truy nguyên và đính chính một số sai lệch trong sách Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt thuộc tỉnh Hà Tiên cũ”, chúng tôi đã có vạch một điểm sai do ngộ nhận về ngôi mộ số 30. Ông Trần Kinh Hòa chỉ căn cứ vào sách Đại Nam nhất thống chí nên sai về sự tích ngôi chùa Phù Dung và lịch sử bà Từ Thành Thục Nhân.

(4). Tư liệu của Jackenet theo Nguyễn Phan Quang dẫn chứng trong quyển "Cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi ở Gia Định (1833 - 1835)”. Nxb. Tp. HCM, 1991, tr.87, chú thích số 23. Trong chú thích này tác giả Nguyễn Phan Quang nói quân Xiêm kéo sang "khoảng cuối tháng 12 năm Giáp Ngọ tức đầu năm 1835", có lẽ đã lầm. Chúng tôi đọc thấy trong Đại Nam thực lục chính biên Đệ nhị kỷ (IX và X), tập XIII và XIV về năm 1833 - 1834 (Nxb. KHXH, H. 1965); Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (Nxb. KHXH. H. 1987, tr.443), tóm thuật sự việc xảy ra vào tháng Chạp âm lịch năm Quý Tỵ (1833), như sau: "Hơn 100 binh thuyền nước Xiêm xâm phạm tỉnh Hà Tiên. Hà Tiên thất thủ, triều đình phải cử binh thuyền đến An Giang chặn đánh địch". Sách Việt sử tân biên, Phạm Văn Sơn, (Q.IV - Sài gòn, 1961, trang 365-366-367-368) mô tả rõ trận này; đã viết: "Quốc vương xứ này xét cơ hội thuận tiện nên đã cho ba đạo quân tiến đánh Nam Kỳ vào tháng Chạp năm 1833. Thủy quân Tiêm La với 100 chiến thuyền từ bể xông vào Hà Tiên..." Tháng Chạp năm Quý Tỵ tức là từ ngày 10/1/1834 đến ngày 8/2/1834. Ông Phạm Văn Sơn cũng nói rõ ở trang 368, Sđd "Cuộc xung đột Việt - Tiêm khởi từ tháng Giêng năm Giáp Ngọ(1834) đến hết tháng naem thì kết liễu. Ngày 1 tháng Giêng năm Giáp Ngọ là ngày 9/2/1834 và tháng Năm/Giáp Ngọ/ thuộc vào tháng 6/1834. Ông Phạm Văn Sơn cũng nói rõ đã dùng tài liệu của M.Gaultier: Minh Mạng.

(5) Đại Nam thực lục chánh biên Đệ tam kỷ, Q.477, Tờ 1/a,b.

(6) Đại Nam liệt truyện, Tập I (Tiền biên), Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr.183-184.

(7) Nguyễn Sĩ Giác: Đại Nam điển lệ toát yếu, Nxb. Tp. HCM 1993, tr.22-23.

(8) Nguyễn Đổng Chi - Nghiên cứu lịch sử số 2/173 tháng 3+4, 1977, tr.71-72.

- Ca Văn Thỉnh: Hào khí Đồng Nai, Nxb. Tp. HCM, 1983, tr.42-43 và 134-137.

- Cao Tự Thanh: Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập II, tr.94.

- Nhóm Nguyễn Thị Thanh Xuân - Nguyễn Khuê - Trần Khuê: Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa, Nxb. Tp. HCM, 1987, tr.290 - 295.

(9) Tạp chí Miscellanées của Trương Vĩnh Ký, có tên đầy đủ là "Miscellanées ou lectures instructives pour les élèves des écoles primaires, communales et cantonales (kể từ số 4, Aout 1888 có thêm: "et les familles" par P.J.B Trương Vĩnh Ký. Sg.Imp. Commerciale Rey et Curiol 1888-1889 "Đầu trang bìa, trên chữ Miscellanées có một hàng chữ Hán, đọc từ trái qua mặt "Thông loại khóa trình" (Xem Bằng Giang: Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Nxb. Văn học, SG 1994, tr.62.

(10) Quốc triều hương khoa lục, Cao Xuân Dục, Nxb. Tp. HCM, 1993. Chúng tôi chọn năm 1873 là năm in đầu tiên của Phần chánh biên bộ sách này, do Phan Đình Toái viết bài tựa.

(11) Họ Mạc truyền tử lưu tôn theo thứ tự "Thất diệp phiên hàn": Thiên, Tử, Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Đồng thời trong tên riêng viết có kèm các bộ Kim - Thủy - Mộc - Hỏa - Thổ - theo ngũ hành: Thế hệ Mạc Thiên Tích lót chữ Thiên, trong chữ Tích có bộ kim (金); Thế hệ thứ hai lót chữ Tử (như Tử Hoàng...) trong chữ Hoàng có bộ Thủy (氵); Thế hệ thứ ba lót chữ Công (Như Công Tài), trong chữ Tài có bộ Mộc (木); thế hệ thứ tư lót chữ Hầu (như Hầu Hi), trong chữ Hi có bộ Hỏa (火)./.