Tục cũ ở làng núi Hòn Sam

TỤC CŨ Ở LÀNG NÚI HÒN SAM, XÃ VĨNH TẾ, CHÂU ĐỐC, AN GIANG

Hồ Đức Thọ

Trích "Lệ làng Việt Nam trong tâm thức dân gian"

- Làng núi Hòn Sam cách thị xã Châu Đốc 5km, núi cao 237m, chung quanh núi có đường mòn đi lại. Nơi đây có vùng Bẩy Núi thường được gọi là Thất Sơn có miếu Bà Chúa Xứ, Vĩnh Tế giang thần miếu. 

- Lễ Bà Chúa vào ngày 25 tháng 4 hàng năm.

- Lễ Sơn Thần ngày 1 tháng 10.

- Lễ thủy tổ họ Chu, họ Nguyễn, họ Bùi vào ngày 26 tháng 4. Tương truyền dân các họ này ở vùng Quảng Trị đến, từ thời chúa Sãi (1630).

- Bà Chúa Xứ là vị thần về đây sớm nhất, nên ngày kị 3 tổ 26 tháng 4 đều phải rước lễ từ đền Tam tổ về đến núi Bà Chúa Xứ, mãi sang chiều 27 mới rước về. Lễ bà chúa và tam tổ bằng ngô trắng đồ với gạo nếp. Mỗi năm 4 gia đình chịu việc làm lệ, sang năm lại 4 gia đình khác.

- Ngô đồ: Gồm có ngô trắng, gạo nếp, đậu xanh, hành mỡ. Ban đầu tế trời đất, sau đó tế Chúa xứ và thần tổ.

Tế xong mỗi gia đình phải được một bát đem về làm lộc, nếu năm nào làm lệ chia ra không đủ mỗi nhà một bát, thì bốn gia đình này phải phạt một quan tiền và quét đền Tam tổ 30 ngày liền.

- Trước tôn thần tổ làm thần hoàng, sau tôn Thoại Ngọc Hầu, là người tôn sùng bà chúa và giúp dân làm thành hoàng thứ 4. Lễ Thoại Ngọc Hầu thì lễ tam sinh vào ngày 5 tháng 5.