Một sản phẩm cố tình đánh tráo lịch sử.

Post date: Oct 26, 2012 5:10:25 AM

Lê Hồng Khánh

Bài nầy đã in nguyên văn trên Tạp chí Cẩm Thành cố sự - Kỳ 5 - Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi và một phiên bản in trên Tạp chí xưa nay - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

I- “ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG”!

Cuốn sách của Nhà xuất bản Thanh niên có nhan đề khá dài “Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười (người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười”(1). Lề trên, bìa 1 (nơi để tên tác giả, người biên soạn sưu tầm) lại có 3 dòng chữ “Trung tâm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc/Hội thảo văn hiến Quảng Ngãi truyền thống và hiện đại / (nhà nghiên cứu Thượng Hồng chủ biên)”. Cái bìa lạ lẫm này như báo trước quá nhiều sự không bình thường trong nội dung cuốn sách cũng như chủ ý của những người làm sách.

Trước hết, dễ nhận thấy đây là một cuốn sách cơ man lỗi chính tả, lỗi câu, từ ngữ tối nghĩa, thô kệch, thiếu kiến thức cơ bản về nghiên cứu. Bóc ra những lỗi của (hoặc tạm gán cho) khâu in ấn, mo-rát (như Thiệu Trị thành Thiện Trị - trang 22; Tổng đốc Định - Biên thành Tổng định - trang 23; Địa linh nhân kiệt thành Địa danh nhân kiệt - trang 21; Dĩ bất biến, ứng vạn biến thành Đi bất biến, ứng vạn biến;...) cuốn sách vẫn còn đầy rẫy những sai sót khiến người đọc phải nghi ngờ năng lực “nghiên cứu”của soạn giả:

- “Tại Đồng Tháp Mười, người ta xem Võ Duy Dương như một lãnh tụ cao cả, một tinh thần trong tâm tưởng” (trang 17).

- “Thời kỳ đó, bọn giặc Pháp và tay sai mà đắc lực và tàn ác nhất là tên chó săn Việt Huỳnh Công Tấn (trang 36).

- “Việc này liên quan tới một người phụ nữ ở làng Bình Cách, Mỹ Tho tên là Trần Thị Vàng, con của bá hộ Trần Văn Học, đã được người Pháp thổi phồng lên rằng đó là vợ bé của Thiên Hộ Dương... (trang 38).

Mục “Tài liệu tham khảo” (trang 385), kê 23 tên sách, tài liệu, gồm cả chữ Hán, chữ Pháp, Quốc ngữ; xưa có, nay có, nhưng khổ nỗi, cái thì thiếu tên tác giả, dịch giả, cái thì thiếu nhà xuất bản, năm xuất bản. Mớ xáo xào này buộc người đọc chẳng thể nào tin rằng người liệt kê có được những kiến thức, phương pháp sơ đẳng để có thể gọi là nghiên cứu.

Lạ nữa, ở trang 32, có vẻ nhưnhững người làm sách cắt một mẩu báo, một trang sách ở đâu đó đem dán chồng lên trang giấy đã có chữ rồi photocopy, thành ra cái nọ xọ cái kia, chữ còn, chữmất. Cẩu thả, nhếch nhác đến thế là cùng!

Trong những thứ mà ông Thượng Hồng (TH) gọi là “sử liệu liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương”, chúng tôi dù thấy có phần bất nhã, nhưng cũng đành khẳng định rằng ở đấy có quá nhiềuđiều phi lý:

- Trang 20 in lại một bức ảnh lờ mờvới dòng chú bên dưới “Di tích mộ Thiên Hộ Dương tại huyện Nghĩa Hành - tỉnh Quảng Ngãi”. Có thật vậy không? Ngôi mộ này mọc lên ở Nghĩa Hành lúc nào, hay là ông bịa ra để lừa gạt người đọc? Chúng tôi khẳng định rằng, ngoài ông (và những người rắp tâm đánh tráo lịch sử như ông) ở Nghĩa Hành chẳng hề có ngôi mộnào của nhà yêu nước đáng kính Võ Duy Dương cả. Ai là người thắp hương trước ngôi mộ trong bức ảnh ấy, thưa ông!

- Trang 2, TH cho in cái gọi là “Sắc phong vua Tự Đức về Võ Duy Dương tổ quán Quảng Ngãi” và ghi là “Tư liệu giađình ông bà: Võ Thành Châu (tự là Võ Nghĩa Hiệp). Tên tư liệu: sắc phong MS: 02/SP TLGD”. Lạ nhỉ, cuốn sách của ông in bao nhiêu là bức ảnh, sao không chụp lại sắc phong này in lại cho người ta tin mà lại chép tay rồi vẽ thêm cái hình giả con ấn đỏ lòe. Lạ hơn nữa là “sắc phong” ghi Võ Duy Dương người “Bình Sơn huyện”. Trước sau TH vẫn cố gán ghép cho Võ Duy Dương người huyện Nghĩa Hành (lúc bấy giờ còn là phần đất thuộc phủ Tư Nghĩa), vậy mà ở đây lại “sáng tác”ra mấy chữ “Bình Sơn huyện” làm chi? Huyện Bình Sơn (nay là 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh) ở bờ bắc sông Trà Khúc, còn huyện Nghĩa Hành lại ở tận thượng nguồn sông Vệ, cách nhau xa lắm!

Cái con ấn giả đỏ lòe nói trên kia chụp lên dòng chữ Hán (viết tay) mà ông phiên âm sai chính tả là “Tự Đức tam thập nhị niên thập ngoạt sơ bác nhựt”, có nghĩa là: Tự Đức năm thứ 32, tháng mười, ngày mùng tám. Ông TH ơi, ông đã bị lừa, hoặc là ông đồng lõa với người ta để lừa bạn đọc rồi. Tự Đức thứ 32 là năm 1879, nhưng chính ông đã khẳng định là Võ Duy Dương đã tuyệt tích từ năm 1866, còn triều đình thì nói rõ Võ Duy Dương mất tháng 9 năm Tự Đức thứ XIX, tức là năm 1866(2) kia mà. Triều đình nào mà lại đi cấp bằng “cửu phẩm văn giai” (phẩm phàm hạng bét) cho một người đã mất, thưa ông TH?

- Trang 27 có in một mẫu bản đồ với lời chú “Bản đồ Đàng trong trước thời Pháp chiếm Nam kỳ (trích từ Đại Nam nhất toàn đồ)”. Trong lịch sử đồ bản nước ta chỉ có bản đồ “Đại Nam nhất thống toànđồ”, chớ không hề có cái gọi là “Đại Nam nhất toàn đồ”; nhưng bản đồ gì đi nữa thì mẫu bản đồ ở trang 27 nầy chỉ là phần đất Nam kỳ và lân cận. Đàng Trong phải là phần đất từ phía Nam sông Gianh chạy vào Nam chứ đâu phải chỉ từ khoảng Ninh Thuận - Bình Thuận trở vào Nam mà thôi.

- Trang 14 là một “Phả đồ - phả hệsơ lược”, không biết lấy từ đâu ra, do ai tạo tác, mà theo đó một trong hai người con của Võ Duy Ninh là Võ Duy Lập, được chép như sau: “Võ Duy Lập (Võ Duy Dương, Nguyễn Duy Dương, Thiên hộ vương, Võ Quá) / (1827/ĐHợi - 1866 BDần -1923 QHợi)”.

Ô hay! Một người có thể có 5 tên khác nhau nhưng thời điểm sinh và thời điểm mất mà lại có 3 năm khác nhau, thì hiểu làm sao? Cứ tạm cho 1827 ở đây là năm sinh của Võ Duy Dương, thì hà cớ gìở trang tiếp sau (trang 15) TH lại viết “Võ Duy Dương sinh năm 1824”? Mà Võ Quá là ai? 1827 có phải là năm sinh của người có tên là Võ Quá. Phải chăng ông THđã cố tình tráo Võ Quá thành Võ Duy Dương để thực hiện ý đồ “thấy người sang bắt quàng làm họ” của những ai đó. Cụ Võ Quá đã mất từ lâu và chắc sinh thời cụchẳng ngờ đám hậu thế lại đem tên tuổi cụ ra sắm vai trong một vở kịch điên rồ.

- Trang 21, một trong điển hình lung tung chữ nghĩa, TH viết: “Nhân vật miền địa danh nhân kiệt Quảng Ngãi trải dài suốt lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Ngãi. Tham gia các chức sắc của các triều đình phong kiến Việt Nam có 28 người nhưng đều là người yêu dân, yêu dân tộc [...].

Từ ngày có phong trào cộng sản, từnhững năm 1930, Quảng Ngãi đã xuất hiện 18 chí sĩ yêu nước và tham gia cách mạng vô sản như...”

Cái số 28 và 18 ấy không biết TH lấyở đâu ra, vì rằng những nhân vật Quảng Ngãi (và nhiều địa phương khác nữa), theo những “tiêu chí” mà ông ta nói, kể ra sẽ có những con số hàng trăm, thậm chí hàng ngàn vẫn là chưa đủ. Rõ ràng “nhà nghiên cứu” TH vừa không hiểu hàm nghĩa từ “chức sắc” vừa hiểu lịch sử tỉnh Quảng Ngãi theo kiểu “lơ-tơ-mơ”.

Chỉ với mấy điểm trình bày nêu trên, bạn đọc cũng đã có thể nhận ra kiểu “nghiên cứu” của một người “Điếc không sợsúng”, đầy những cẩu thả, vụng về.

II- CỐ ĐẤM ĂN XÔI

Trong “Lời nói đầu” cuốn sách “Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười”, ông Thượng Hồng: “Từ lâu rồi đã có nhiều người viết về sự nghiệp kháng chiến của Thiên hộ Võ Duy Dương, tuy nhiên hầu hết đều khá sơ lược, chưa dựng lại một thiên hùng ca đúng tầm vóc của ông.

Tập sách này là một tập hợp các nguồn tư liệu như đã nói ở trên, hệ thống lại các sự kiện rời rạc, loại bỏnhững tình tiết đượm tính hoang đường, thiếu thuyết phục, để khắc họa lại chân dung tương đối thật về con người Võ Duy Dương” (trang 11).

Hãy xem ông TH “khắc họa lại chân dung”Võ Duy Dương “thuyết phục” đến mức nào. Cuốn sách của ông, nội dung chính chia làm 2 phần: phần một (từ trang 12 - trang 68) - Tư liệu lịch sử và nhân chứng sống nói về Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) người con Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười; phần hai (trang 69 - trang 384) - Sự nghiệp đấu tranh của anh hùng chống Pháp Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) ở Đồng Tháp Mười.

Chúng tôi xin không đề cập đến phần hai trong bài viết này, vì quả thật không tài nào hiểu những gì ông TH viết ở đây là tiểu thuyết, truyện ký hay là truyện giả tưởng (!); còn tác giả, chẳng biết vô tình hay cố ý, lại không nói rõ “đứa con tinh thần” của mình thuộc thểloại nào. U u, minh minh như thế, biết nói làm sao? Hơn nữa, theo chúng tôi, chỉ cần xem xét “lời nói đầu” và phần một, là đủ để thấy thực chất nội dung của tác phẩm và mục đích của tác giả.

Ông TH bảo rằng: “Để thực hiện tập sách này, chúng tôi đã để nhiều thì giờ về Gò Công, Mỹ Tho, Cao Lãnh, Tháp Mười, Châu Đốc, Bình Thuận và vùng Lý Nhơn, Cần Giờ, Bình Chánh, Long An để gặp gỡ, sưu tập những tư liệu sống từ dân gian. Đặc biệt là những vị bô lão lưu ngụnhiều đời ở những nơi đó, họ đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ để người viết gom nhặt từng chi tiết nhỏ tưởng chừng như đã mai một...” (trang 6). Xin thưa:“Nhân chứng sống” theo ông TH là thế nào? Thời điểm xảy ra sự kiện cách nay gần 150 năm, ai chứng kiến những sự kiện ấy còn sống đến giờ để có thể bảo đấy là“nhân chứng sống”? Còn như đời trước kể lại cho đời sau, người này kể lại cho người kia, thì phải gọi là “truyền khẩu” mới đúng; mà đã là truyền khẩu thì giá trị tư liệu khác xa so với các tài liệu thành văn và “nhân chứng sống” (ngườiđương thời). Các cụ già mà ông TH tìm gặp hẳn là rất thành thật kể cho ông nghe bao nhiêu là chuyện về Võ Duy Dương, nhưng là một “nhà nghiên cứu” sao ông lại“thành thật” xem những điều họ kể như những chứng cứ lịch sử có thể phủ nhận những điều mà các nhà nghiên cứu nghiêm túc đã viết ra trước đó rất lâu.

Có quá nhiều điều khác thường trong cuốn sách của ông TH, song chúng tôi chỉ nêu ra đây 3 vấn đề mà ông ta tìm cách chứng minh, khẳng định, đồng thời cũng đã công bố trong hàng loạt bài viết,“tham luận” trong vòng 2 năm trở lại đây (3), đó là:

1. Khẳng định Võ Duy Dương là người huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi .

2. Khẳng định Võ Duy Dương là con Võ Duy Ninh (1804-1859).

3. Cho rằng Võ Duy Dương không mất ở Nam bộ sau khi cuộc kháng chiến của nghĩa quân Đồng Tháp Mười thất bại (1866) mà đã “trở lại Gò Công, Lý Nhơn rồi về Bình Thuận. Chính nơi này, họ Võ đã hay tin người vợ trẻcủa mình ở Gia Định đã có với mình một người con trai và đã từng đưa con về Bình Thuận và sau cùng theo đường dây bí mật của thân tộc họ Võ, người ta đã gởi đứa trẻ 4 tuổi ấy ra Nghệ An [...]” (trang 18).

Sự thật là, đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy bất cứ tư liệu thành văn đương thời nào nói rõ quê quán và thân thế Võ Duy Dương, do vậy những công trình của người đời sau nêu quê quán, thân thế của ông chỉ là những giả thiết với mức độthuyết phục khác nhau; trong khi đó, một cách thận trọng, nhiều công trình không đề cập hoặc xác định là không rõ quê quán, dòng dõi.

Trong số các tư liệu này “Định Tường thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” (Chữ Hán- không đề tên tác giả), do Nguyễn Hữu Thông chép lại năm 1942; công bố trên “Văn hóa nguyệt san” (Sài Gòn) số 50-52 năm 1960, có thể được xem là tài liệu xưa nhất, xác định cụ thể quê quán Võ Duy Dương ở Bình Định.

Dựa vào tư liệu này, cùng những giai thoại, truyền thuyết vùng Đồng Tháp Mười, kết quả khảo sát thực địa tại BìnhĐịnh, lời kể của cụ Võ Quế, cháu nội Võ Duy Dương (85 tuổi năm 1989), tư liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Bình Định, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Hiếu, Lê Kim Hoàng, Ngô Bé, Trương Ngọc Tường từ năm 1992( ) đã xác định quê quán Võ Duy Dương là thôn Cù Lâm Nam, nay là Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1997 được sự giúp đỡ của Sở VHTT Bình Định, UBND huyện An Nhơn, xã Nhơn Tân, tộc Võ An Nhơn đã xây dựng nhà lưu niệm Võ Duy Dương trên nền nhà thờ cũ vốn đã bị chiến tranh tiêu hủy.

Thế nhưng, trong cuốn sách của mình, TH lại khẳng định quê Võ Duy Dương là thôn Đại An Đông, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành. Cơ sở để ông khẳng định điều đó là... không có cơ sở nào cả! Thìđấy, từ đầu cuốn sách, TH cứ như muốn ám thị người đọc bằng câu chữ, cố tình gán cho Võ Duy Dương, nào là: “người con của Quảng Ngãi trên đất Tháp Mười”(tên sách) “tổ quán Quảng Ngãi” (trang 2) “Nghĩa Hành, Quảng Ngãi nơi đã sinh ra những người họ Võ, trong đó có Võ Duy Dương” (trang 3), “người con của Quảng Ngãi ở đất Nam bộ (trang 15), “người con kiên trung của xứ Quảng” (trang 22),“quê ở xứ Quảng” (trang 35)... Cứ như thể quê quán của Võ Duy Dương ở Quảng Ngãi là điều không bàn cãi, trao đổi gì nữa.

Nói cho đúng thì ông TH cũng có đưa ra 2 cứ liệu: một bằng hình ảnh, một là cái mà ông gọi là “thủ bút” của ngườiđương thời Võ Duy Dương. Nhưng tiếc thay và thật đáng trách, đó lại là cứ liệu giả! Bức ảnh mà ông in lại ở trang 20 hoàn toàn không phải là “mộ Võ Duy Dương tại huyện Nghĩa Hành” như chúng tôi đã đề cập tại kỳ trước. Cứ liệu thứ 2, ởtrang 43, gồm 4 dòng chữ Hán (viết ngang - từ trái sang phải), 5 dòng chữ Quốc ngữ viết tay (dịch những câu chữ Hán) và lời chú “Đây là thủ bút của ông BaĐương, quê ở Tổng Hòa, Lạch Hạ, huyện Tân Hòa (Gò Công). Ông là người thân cận với ông Thiên Hộ Dương từ chiến khu Đám Lá Tối Trời qua Đồng Tháp Mười năm 1862đến năm 1866”. Ông TH quả có ranh mà không có khôn, bởi vì ông đã cho “nhân vật” Ba Đương viết “Cuộc đời tôi may mắn gặp được người họ Võ đồng hương Nghĩa Hành, Quảng Ngãi...”. Lố bịch thay! Mãi đến năm 1890 (Thành Thái thứ hai), nhà Nguyễn mới cho thiết lập châu Nghĩa Hành và cũng là lần đầu tiên địa danh“Nghĩa Hành” xuất hiện trong lịch sử tỉnh Quảng Ngãi ( ), hỏi làm sao “năm 1862đến năm 1866” ông Ba Đương lại gặp được “người họ Võ đồng hương Nghĩa Hành” và viết thành câu, thành chữ để lại đời sau? “Cố đấm ăn xôi”, mà than ôi “xôi lại hỏng”!

Cũng tựa như những chứng cứ, lập luận về quê quán Võ Duy Dương, ông TH cho rằng “Võ Duy Dương chính là con trai của Tổng đốc Võ Duy Ninh” (trang 23). Chứng cứ duy nhất mà ông đưa ra là “theo gia phả họ Võ Duy”. Thế nhưng cái gọi là “phả đồ - phả hệ sơ lược” mà ông đưa ra ở trang 14 chỉ là một sản phẩm hư cấu, lẩn thẩn. Xin hỏi gia phả đấy được lập vào lúc nào? Người lập gia phả ấy là ai? Những mâu thuẫn trong chính các“phả đồ” ấy với kết quả “nghiên cứu”(!) của TH đã mặc nhiên chỉ ra rằng cả hai sản phẩm ấy đều không thể tin được.

TH viết: “Võ Duy Dương sinh năm 1824 tại Nghĩa Hành Quảng Ngãi. Năm 18 tuổi ông theo cha vào Gia Định” (trang 15), như vậy (theo TH) năm Võ Duy Dương vào Gia Định phải là 1842. Còn ở “phả đồ”thì chép Võ Duy Dương sinh năm 1827 (Đinh Hợi), nghĩa là ông vào Nam sau năm 1845 (trang 14). Cho rằng năm 1842 hoặc 1845 có một ông “Võ Duy Dương” theo cha vào Gia Định, thì thưa ông TH người cha ấy không thể nào là Võ Duy Ninh - đơn giản vì phải đến năm 1859 Võ Duy Ninh mới được vua Tự Đức phái vào Gia Định!

Vẫn theo “phả đồ”, 2 trong số 5 người con của Võ Duy Dương là Võ Tường (1855-1941) và Võ Kỳ (1858-1912). Nếu 18 tuổi Võ Duy Dương vào Gia Định thì ắt hai ông Võ Tường (sinh 1855) và Võ Kỳ(sinh 1858) phải được sinh ra ở Nam kỳ. Xin ông TH và người lập gia phả vui lòng cho biết hai ông Võ Tường, Võ Kỳ về lại Quảng Ngãi lúc nào, trong trường hợp nào mà lại lấy vợ sinh con đàn, cháu đống ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi?

Vấn đề thứ 3 chúng tôi muốn đề cậpđến là “thuyết” của ông TH, cho rằng Võ Duy Dương còn sống sau năm 1866, đã trởlại Bình Thuận, và có một người con 4 tuổi được gởi ra Nghệ An. Vấn đề này liên quan đến nhiều vấn đề khác và cả ý định khác lạ của một số người, do vậy chúng tôi sẽ bàn thêm ở phần sau.

III- THẤY NGƯỜI SANG BẮT QUÀNG LÀM HỌ

Sở dĩ chúng tôi phải dành riêng mục này để bàn về “thuyết” của TH “Võ Duy Dương chỉ rời Đồng Tháp Mười sau năm 1866 và tiếp tục con đường đấu tranh khác [...] Võ Duy Dương đã trở lại Gò Công, Lý Nhơn, rồi về Bình Thuận. Chính nơi này họ Võ nghe tin người vợ trẻ của mình ởGia Định đã có một người con trai, đã từng đưa con về Bình Thuận và sau cùng theo một đường dây bí mật trong thân tộc họ Võ, người ta đã gởi đứa bé 4 tuổiấy đi thẳng ra Nghệ An, thay vì Nghĩa Hành, Quảng Ngãi để tránh sự truy nã của giặc Pháp...” (trang 24-25), vì có vẻ ở đây chính là cứu cánh của cả cuốn sách, cũng như toàn bộ những bài viết, mẫu tin (đã in) liên quan đến Võ Duy Dương của ông TH, kể cả một số bài viết ký những tên như Văn Lâm, Xuân Hồng, Mai Ngọc Thúy,... in trên các báo, tạp chí (Văn Hiến, Giáo dục TPHCM, Công an Nhân dân TPHCM,...) với những đoạn chép lại giống hệt bài của TH (kể cả lỗi morat, lỗi chính tả) mà không thấy có ngoặc kép như thông lệ.

Sự thật, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cái chết của Thiên hộ Võ Duy Dương vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ vềthời điểm, nguyên nhân,...). Chính sử triều Nguyễn chép rằng ông mất vào tháng 10 năm 1866 (tháng 9 - Tự Đức thứ 19), nguyên nhân là do đi thuyền “gặp gió bị đắm ở phần biển Thần Mẫu( ). Trong khi đó, theo nhóm tác giả Nguyễn Hữu Hiếu, có một số tài liệu do người Pháp để lại, tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ II (TPHCM), thì nguyên nhân cái chết của Võ Duy Dương là do bị cướp biển, còn năm mất của ông được người Pháp xác định dè dặt với các thời điểm 1869, hoặc 1871( ). Một số tư liệu khác (Binh địa Định Tường, Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam) thì cho là Võ Duy Dương chết vì bệnh( ).

Nhìn chung các tài liệu thành văn (và cả truyền ngôn dân gian vùng Đồng Tháp Mười) đều cho là Võ Duy Dương đã chết ở Nam bộ vào khoảng 1866-1871. Chính trong bối cảnh tư liệu như thế, “phát hiện” của ông TH quả thật là điều gây “hot” cho giới nghiên cứu và cả những người kính trọng, yêu mến Võ Duy Dương. Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh xem TH khẳng định điều ấy từ cơ sở nào. Đọc cả cuốn sách của ông và những bài viết khác, lạ thay, chúng tôi chỉ tìm thấy một “căn cứ” duy nhất, đó là cụm từ “một nguồn tài liệu tin cậy quả quyết rằng...” (trang 18) hay khác đi một chút “mọi nguồn tài liệu tin cậy quả quyết rằng...” (trang 25). Điều mọi người quan tâm cần biết, cái mà nếu đủ tư cách làm một “nhà nghiên cứu” TH phải nêu ra, đó là:“mọi nguồn tài liệu đáng tin cậy” hoặc “một nguồn tài liệu đáng tin cậy”, là gì, ở đâu, thì TH tuyệt không nói đến!

Theo lôgic, nếu sự việc “về Bình Thuận” của Võ Duy Dương sau năm 1866 chỉ là cách nói liều lĩnh, vu vơ của TH thì những gì ông ta nêu ra gắn liền với sựkiện này (nghe tin người vợ trẻ có con trai, gởi đứa bé 4 tuổi ra Nghệ An...) cũng chỉ là nói nhăng, nói cuội.

Nhưng TH nói liều như thế để làm gì? Thử xâu chuỗi lại thành mối liên kết vềcâu chuyện “hoang đường” mà TH cố dựng lên, người đọc sẽ phần nào hình dung ra ý đồ sâu xa núp đằng sau nó [Võ Duy Dương là con của Võ Duy Ninh - quê quán ở Đại An Đông, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi - có người con năm 1866 lên 4 tuổi -người con đó được thân tộc Võ gởi ra Nghệ An]. Vì sao lại là Nghệ An? Vì sao lại 4 tuổi năm 1866? Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết ký tên Mai Ngọc Thúy nói về ông Võ Thành Tân (người huyện Nghĩa Hành, chủ doanh nghiệp sách Thành Nghĩa - TPHCM) như sau: “Tự hào với dòng tộc họ Võ (Vũ), Võ Thành Tân đang tiếp tục tìm kiếm những mối liên hệ giữa Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương) với cụ Nguyễn Sinh Sắc [...]( )”. Mối liên hệ này là gì? Chúng tôi xin nêu rađây một thời điểm liên quan đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (tức Nguyễn Sinh Huy - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đó là năm sinh của cụ - năm Nhâm Tuất (1862), nghĩa là 4 tuổi vào năm 1866. Cái năm 1866 mà chúng ta đã nhắc đến trên kia!

Chúng tôi xin nhường lời bình luận về việc này cho bạn đọc và chỉ xin nhắc lại một câu nói dân gian, được lấy làm tiêu đề cho mục cuối của bài viết này: “Thấy người sang bắt quàng làm họ”. Quảng Ngãi, tháng 2/2006.

Tài liệu tham khảo

1-Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười. NXB Trẻ - tạp chí Xưa Nay- TPHCM 2005.

2-Nguyễn Bá Trác (chủ trương) Quảng Ngãi tỉnh chí - Nam Phong tạp chí 1933 - Mục Chính trị.

3-Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên. NXB Khoa học Xã hội, HN, 1978 - trang 65.

4-Xin xem Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười. NXB Trẻ - Tạp chí Xưa Nay TPHCM, 2005 - trang 50-53.

5-Thái Bạch - Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam. Sài Gòn, 1957.

- Bảo tàng Tiền Giang - Binh địa Định Tường.

6-Mai Ngọc Thuý - Võ Thành Tân với niềm tự hào với họ tộc. Tạp chí Văn Hiến số1(57) Giai phẩm xuân Bính Tuất (2006).