Đời chiến sĩ - hồi ký Phạm Văn Trà (trích)

Chương năm


VÌ SỰ BÌNH YÊN MỘT DẢI BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP (trích)


        ...

  Thời điểm tôi về làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 4, cũng là lúc toàn đơn vị đang tích cực chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố thế trận phòng thủ khu vực biên giới An Giang, Kiên Giang.


        Bộ Tư lệnh Sư đoàn thời gian này có các anh: Võ Văn Đường (Ba Tôn) - Tư lệnh, Dương Tử - Phó tư lệnh, Nguyễn Văn Hên (Hai Hên) - Chính ủy, Hai Lược - Phó tư lệnh. Trừ anh Hai Lược - cán bộ quê miền Trung, trưởng thành từ Trung đoàn Sông Hương lên, còn lại các anh trong Bộ Tư lệnh đều là bạn bè thân hữu, từng bao năm sống chết lăn lộn trên chiến trường miền Tây, nên môi trường, quan hệ công tác không có gì lạ lẫm, tôi nhập cuộc nhanh.


        Anh Ba Tôn, anh Hai Hên khái quát nhiệm vụ của sư đoàn vừa được Tư lệnh quân khu giao là: Xây dựng vùng kinh tế quốc phòng ở khu vực kênh Tám Ngàn và một phần tứ giác Long Xuyên; đồng thời tổ chức tuyển chọn, huấn luyện chiến sĩ mới, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn chiến lược quan trọng ở biên giới Tây Nam thuộc các huyện Tri Tôn (An Giang), Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên,…(Kiên Giang).


        Qua tâm sự bước đầu, các anh trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn đều cho rằng cái khó nhất của sư đoàn lúc này là tư tưởng bộ đội. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ chiến đấu chuyển sang lao động sản xuất, đã có biết bao vấn đề nảy sinh trong suy nghĩ, hành động của bộ đội, không thể giải quyết bằng mệnh lệnh trong ngày một ngày hai.


        Tập thể lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn chúng tôi thống nhất quan điểm: Vùng Châu Đốc - Hà Tiên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về cả quân sự, kinh tế là địa bàn địch dễ dàng tấn công xâm lấn, nhưng cũng là nơi có địa thế tốt để ta phòng thủ phản công địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ dân, trấn áp bọn phản động, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của cả vùng.


        Về kinh tế, sư đoàn được phân công đảm trách một vùng đất rộng lởn từ trước đến nay chưa được khai thác. Do vậy, xây dựng nông trường quân đội không những có ý nghĩa về mặt quốc phòng mà còn ý nghĩa về mặt kinh tế. Xây dựng vùng kinh tế - quốc phòng Châu Đốc – Hà Tiên vững mạnh cũng có nghĩa sư đoàn đã tạo được địa bàn phòng thủ chiến lược vững chắc của Quân khu 9.


        Sư đoàn nhận nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng đồng thời lại phải đối mặt với thực trạng tư tưởng của bộ đội đang diễn biến khá phức tạp. Sau bao nhiêu năm chiến đấu liên tục, gian khổ, ác liệt, chính sách hậu phương quân đội chưa được giải quyết thỏa đáng; yêu cầu được nghỉ phép, phục viên của anh em chưa được giải quyết, nhất là số anh em quê miền Bắc, hàng năm - bảy năm, thậm chí cả chục năm biền biệt xa nhà; rồi tư tưởng “xả hơi”, nghỉ ngơi, bộ đội đang từ thành phố, thị xã. nay lên vùng biên khai hoang, làm kinh tế, trần mình suốt ngày với cỏ dại, cây hoang, sình lầy, chua phèn; thiếu thốn cơ cực đủ bề… Tất cả những điều đó như gánh nặng lo toan đặt lên vai người cán bộ.


        Biết là tư tưởng của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ “đang có vấn đề”, nhưng nhận nhiệm vụ quân khu giao, Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn phải quán triệt, động viên anh em, xác định quyết tâm tiến vào mặt trận mới.


        Lúc này, ngoại trừ Trung đoàn 1 vừa tăng cường cho Sư đoàn 4 đang đứng chân ở nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ), tiếp tục nhiệm vụ sản xuất tại chỗ, các đơn vị còn lại của sư đoàn đều được điều chuyển vị trí đứng chân. Cho đến trước Tết Bính Thìn (1976), Trung đoàn 20 Cửu Long được điều lên đứng chân ở tây nam kinh Tám Ngàn. Trung đoàn 10 về đứng chân ở tây bắc kinh Tám Ngàn, huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Hai trung đoàn có nhiệm vụ khai hoang vỡ hóa, đắp đập, đào mương trồng lúa. Các tiểu đoàn trực thuộc, có tiểu đoàn ra Phú Quốc khai thác gỗ, có đơn vị đi đóng gạch, nung vôi…


        Nhưng rồi, “Tư tưởng không thông đeo bình tông chẳng nổi” câu ngạn ngữ rất lính, được đúc kết trong hai cuộc kháng chiến, nay lại được kiểm nghiệm ở một số không ít chiến sĩ sư đoàn. Do không nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ, cộng với điều kiện sinh hoạt, lao động vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nên một số anh em không chịu lao động, tự do sinh hoạt, vi phạm kỷ luật… Ở những đơn vị có đông chiến sĩ quê miền Bắc, tình trạng nằm ì, kêu ca, đòi phục viên, chuyển vùng… khá phổ biến. Nhưng dở ở chỗ là số cán bộ quê miền Nam lại rất ngại làm công tác tư tưởng. 


Theo dõi sát sao tình hình Sư đoàn 4, anh Ba Trung - lúc này là Phó tư lệnh quân khu, trong một lần xuống công tác ở đơn vị đã thân tình trao đổi cùng tôi:


        - Tình hình ngó bộ dở quá Ba Trà ơi! Có lẽ tôi với anh phải trực tiếp xuống đơn vị, lấy cái tình cũng là dân miền Bắc với nhau để động viên, bảo ban anh em mình. Anh em đa phần gốc gác nông dân, cần cù, chịu thương chịu khó, nề hà chi gian khổ. Để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên phải là cán bộ.


        Tôi trả lời: Anh Ba cứ yên tâm lo công việc của quân khu. Vừa về sư đoàn, nhưng tôi cũng đã nắm được tình hình các đơn vị, tôi đã xuống nằm đồng mấy hôm với anh em dưới đó. Đồng ý với anh là trách nhiệm đầu tiên phải là cán bộ. Tôi đã bàn với các anh Ba Tôn, Hai Hên… cách giải quyết…


        Anh Ba Trung bắt tay tôi, bày tỏ sự tín tưởng. Tôi thấy trên khuôn mặt, trong ánh mắt anh vơi đi nỗi trăn trở đượm buồn.


        Quả thật, có sâu sát người lính lúc đó mới thấu phần nào nỗi cơ cực của anh em. Ngày qua ngày bộ đội đằm mình trong sình lầy, bùn nước, để đào mương xả phèn, vỡ hoang. Mùa khô nắng nóng như rang, đồng không mông quạnh không một bóng cây. Nước chua, phèn pha mặn, vì gần biển. Bộ đội thiếu cả nước ăn, nước tắm giặt. Anh nào anh nấy đen đúa, hốc hác. áo quần rách tưa tướp may mắn và khéo giữ lắm mới có một bộ lành.


        Sau khi bàn bạc thống nhất, cán bộ các cấp từ sư đoàn trở xuống thật sự lao vào cuộc, mỗi người mỗi việc: người lo chuyện nước nôi ăn uống, sinh hoạt cho anh em, huy động xe bồn chở nước ngọt cho bộ đội dùng; người lo mua sắm dụng cụ, giống vốn cho sản xuất. Cán bộ cùng làm, ăn ở, sinh hoạt với bộ đội, trao đổi để anh em dần dần nhận thức làm kinh tế cũng là đánh giặc - giặc đói; tuy không đổ máu nhưng không kém phần gian khổ, tổn hao sức lực…


        Khi cán bộ, chiến sĩ tìm được tiếng nói chung, xác định được quân đội không chỉ là đội quân đánh giặc giỏi mà còn là một đội quân công tác tốt, thì vướng mắc được tháo gỡ dần, công việc có chiều hướng tiến triển tốt. Hàng trăm hécta lúa đã thay dần cỏ dại; kênh mương xả phèn, cấp nước đan nhau, chạy dài; ruộng đồng dần ngời lên sức sống.



        *


        Công việc ở Sư đoàn 4 đã qua được những ngày “khai sơn phá thạch” khó khăn, cực nhọc nhất, thì một bước ngoặt mới lại đến với quãng đời binh nghiệp của tôi.


        Cuối năm 1976, tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia ngày một nóng lên. Mặc dù đã bị ta chặn đứng hành động xâm lấn, bằng các cuộc tiến công tiêu diệt lực lượng chiếm đóng trái phép các đảo ở vùng biển Tây Nam, nhưng tập đoàn Pôn Pốt vẫn nuôi mưu đồ chống phá Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, Pôn Pốt bắt đầu cho quân hoạt động vũ trang ở biên giới. Lúc này, Sư đoàn 4 chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; Sư đoàn 8 thực hiện biểu biên chế rút gọn, cho bộ đội phục viên, xuất ngũ hàng loạt. Trước yêu cầu tình hình mới, Quân khu 9 được trên chấp thuận cho tổ chức Sư đoàn 330 cơ động sẵn sàng chiến đấu.


        Bước vào thời kỳ mới, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lại một số quân khu. Theo đó, Khu ủy Khu 9 giải thể. Quân khu 8 và Quân khu 9 hợp nhất thành Quân khu 9. 18 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long dồn ghép lại thành 9 tỉnh là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Đồng Tháp, Cửu Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang và Minh Hải.


        Đầu năm 1976, anh Lê Đức Anh được điều trở lại làm Tư lệnh Quân khu 9, Chính ủy quân khu là anh Lê Văn Tưởng.


        Cùng với quyết định thành lập Sư đoàn 330, anh Ba Trung - Phó tư lệnh quân khu, sau một thời gian được điều xuống giữ chức Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hậu Giang, nay được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng, anh Huỳnh Xuân Quang (Sáu Hoài) - Phó chủ nhiệm chính trị quân khu được bổ nhiệm Chính ủy sư đoàn. Anh Nguyễn Minh Thông (Năm Thông) - vừa đào tạo ở Học viện quân sự cấp cao về giữ chức Sư đoàn phó và tôi được bổ nhiệm Sư đoàn phó Tham mưu trưởng.


        So với Sư đoàn 4, Sư đoàn 8 của quân khu thì Sư đoàn 330 - sinh sau đẻ muộn hơn, nhưng hợp thành Sư đoàn 330 lại là những trung đoàn có bề dày truyền thống, đó là Trung đoàn bộ binh 1 U Minh, Trung đoàn bộ binh 1 Đồng Tháp, Trung đoàn bộ binh 3 Cửu Long, Trung đoàn 4 pháo binh và một số tiểu đoàn binh chủng.


        Trung đoàn 1 U Mình - đơn vị gắn bó máu thịt với tôi ngót 15 năm, lúc này đã rạng danh với hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bước đường trưởng thành, chiến thắng của Trung đoàn 1, tôi đã dành thể hiện trong phần lớn cuốn hồi ký này. 


 Trung đoàn 1 Đồng Tháp được thành lập tháng 7 năm 1964 tại chiến trường miền Trung Nam Bộ (Khu 8 ). Tiền thân của trung đoàn là Tiểu đoàn 261 - đơn vị đã tham gia đánh trận Ấp Bắc nổi tiếng đầu năm 1963, lập chiến công vang dội, được Chính phủ Cu Ba tặng danh hiệu Tiểu đoàn Hirông (để kỷ niệm chiến thắng Mỹ trên bãi biển Hirông của lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba). Từ khi thành lập đến kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 1 Đồng Tháp đã đánh trên hai nghìn trận; lập nhiều chiến công xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đội ngũ cán bộ trung đoàn có nhiều người trưởng thành, như các anh Trần Minh Phú, Nguyễn Hữu Vị, Lê Phú Tươi, Nguyễn Cang, Châu Hoàng Nam,… Khi Sư đoàn 8 thành lập, Trung đoàn 1 Đồng Tháp thuộc đội hình Sư đoàn 8. Nay đứng trong đội hình Sư đoàn 330, Trung đoàn 1 Đồng Tháp chuyển đổi phiên hiệu là Trung đoàn 2.


        Trung đoàn 3 Cửu Long được thành lập ngày 20 tháng 4 năm 1968 tại Trà ôn, Vĩnh Long, do yêu cầu cấp thiết tiếp tục đẩy mạnh đến công địch ở chiến trường Vĩnh Trà trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.


        Từ khi thành lập đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 3 đã đánh ngót 1.600 trận, lập nhiều chiến công xuất sắc; xây dựng nên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, bám trụ kiên cường, tiến công nhanh, đột phá mạnh”. Trung đoàn 3 đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nói tới Trung đoàn 3 Cửu Long, đồng bào và chiến sĩ miền Tây khó quên tên tuổi các anh Ba Trung, Huỳnh Xuân Quang, Đinh Trung Thành, Lê Xã Hội, Huỳnh Trọng Phẩm, Nguyễn Văn Tố,…


        Riêng Trung đoàn 4 pháo binh, chính thức thành lập cùng với sự ra đời của Sư đoàn 330. Hợp thành Trung đoàn 4 pháo binh là Tiểu đoàn 10 (pháo 105ly), Tiểu đoàn 11 (pháo 85ly) và Tiểu đoàn 12 (pháo 37ly). Trung đoàn trưởng là anh Tám Tu, Chính ủy trung đoàn là anh Chín Cà Lâm.


        Ngày 27 tháng 12 năm 1976, lễ tuyên bố thành lập sư đoàn được tổ chức tại Thành Cổ Loa, xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long - vị trí đứng chân của sư đoàn bộ. Vào thời điểm này, Trung đoàn 1 U Minh đứng chân tại huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ đang làm nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế ở Nông trường Cờ Đỏ. Từ chiến trường tiến tới nông trường, những người lính trung đoàn đã gieo cấy 5 nghìn hécta lúa. Nay lúa đang vào kỳ thu hoạch thì trung đoàn nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Trung đoàn 2 đứng chân tại Bình Đức, Đồng Tâm - Mỹ Tho, đang làm nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và vận động quần chúng, giúp địa phương xây dựng chính quyền cách mạng. Trung đoàn 3 đứng chân ở thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp, có một bộ phận khai hoang, sản xuất lúa ở Bình Minh, Vĩnh Long. Trung đoàn 4 pháo binh đóng ở sân bay Vĩnh Long.


        Cuối năm 1976  - đầu năm 1977, Bộ Tư lệnh Sư đoàn tập trung chỉ đạo các đơn vị củng cố tổ chức biên chế chuẩn bị triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tạm ngừng giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ phục viên xuất ngũ; khẩn trương huấn luyện; đồng thời tranh thủ thu hoạch vụ đông xuân. Chỉ qua một vụ thu hoạch, sư đoàn đã có hơn 5.000 tấn lúa. Quả là đất miền Tây không phụ sức người! Không phụ những người lính đã đổi bát mồ hôi lấy hạt thóc.


        Với bản thân, thực hiện ý định trong lần nghỉ phép thăm nhà, đầu năm 1976, tôi đón vợ từ Bắc Ninh vào. Thời gian này tôi đang cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 lặn ngụp trong bùn đất, sình lầy vùng tứ giác Long Xuyên, khai hoang trồng lúa. Đưa vợ từ miền Bắc vào với hai bàn tay trắng; đơn vị vừa làm kinh tế vừa sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, có thể nay đây mai nơi khác, nên mặc dù rất khó khăn, tôi cũng tính chuyện kiếm đất làm nhà. Được anh em đồng đội động viên giúp đỡ, đặc biệt là anh Thống - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phụng Hiệp - bạn chiến đấu chí cốt rất nhiều năm khi tôi làm cán bộ tiểu đoàn rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, tôi đã được địa phương cấp cho vài công đất ở thôn Xểu Long, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, sát lộ 4 (nay là quốc lộ l). Đây cũng chính là vùng đất có nhiều kỷ niệm với tôi trong chiến tranh. Bà con cô bác ở đây đã từng cưu mang, giúp đỡ Trung đoàn 1 rất nhiều. Anh Thống cũng được cấp một mảnh đất ở bên cạnh. Nói là đất cho có vẻ to tát, chứ thực chất là một đám ruộng trũng. Vì vậy, cớ chủ nhật, tôi tranh thủ về Phụng Hiệp, cùng với anh Thống và một vài anh nữa lặn ngụp lấy bùn tôn nền làm nhà. Khó kể hết những vất vả, cơ cực lúc đó! Rồi dần dà vợ chồng tôi cũng có được một căn nhà tuềnh toàng, đơn bạc như đa phần nhà cửa của bà con miền Tây mình vào thời điểm đó. Ở đây chúng tôi được sống trong sự cưu mang đùm bọc của bà con xóm ấp. Rồi hạnh phúc hơn là chính nơi đây vợ chồng tôi có con trai đầu lòng - cháu Chung, thỏa niềm mong mỏi khát khao sau bao năm vì chiến tranh mà chồng Nam - vợ Bắc...


        Cũng thời gian này tôi được đón nhận một tin vui, một niềm vinh dự, tự hào - ngày 20 tháng 10 năm 1976, tôi được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng được phong Anh hùng với tôi đợt này, trong Sư đoàn 330 có đại úy bác sĩ Nguyễn Tấn Đang (Tư Đang) - Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 3. Trước đó Tư Đang là Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 1 U Minh. Khi được trên thông báo được phong tặng danh hiệu Anh hùng, tôi thật sự bất ngờ. Bởi tôi luôn tâm niệm rằng những gì tôi làm được, những thành tích, chiến công của mình cũng rất khiêm tốn, nhỏ nhoi. Tôi cũng không ngờ việc lập hồ sơ, đề nghị Nhà nước phong Anh hùng cho tôi đã được quân khu chuẩn bị từ trước năm 1975.


        Tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng do Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức, tôi đã bật khóc khi đồng chí Tư lệnh quân khu gắn lên ngực áo Huy hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân phong tặng. Có nhũng giọt nước mắt vì vinh dự tự hào; có nhiều giọt nước mắt dành cho những đồng chí đồng đội, bà con cô bác một thời đồng cam cộng khổ bên nhau chiến đấu và biết bao người trong số đó đã hy sinh. Tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn luôn tâm niệm, máu xương, nhiệt huyết của biết bao người đã tạo nên ánh hào quang lấp lánh của tấm Huy hiệu Anh hùng mà tôi vinh dự được trao tặng. Cũng vì vậy, tôi tự thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, nhân dân và anh em đồng chí càng nặng nề hơn. 


 Đúng vào dịp quân và dân ta đang tận hưởng niềm vui kỷ niệm hai năm kết thúc thắng lợi kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thì đêm 30 tháng 4 năm 1977, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa Ri đã đưa quân đánh chiếm lãnh thổ của ta suốt một dải biên giới Tây Nam từ Tây Ninh đến Hà Tiên - Kiên Giang. Với bản chất của bè lũ diệt chủng, quân Pôn Pốt đã giết hại dã man đồng bào ta; đốt phá, cướp bóc nhiều tài sản của ta. Lửa chiến tranh lại bùng lên ở nhiều xóm ấp đang yên ấm, thanh bình. Chỉ riêng tuyến biên giới do Quân khu 9 đảm trách, từ huyện Mộc Hoá tỉnh Long An đến huyện Hà Tiên tỉnh Kiên Giang, Pôn Pốt đã tung bảy tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 2 bộ binh và lực lượng địa phương quân thuộc quân khu Tây Nam đánh vào nhiều khu vực thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Trọng tâm đánh phá của địch là khu vực Bảy Núi - Tịnh Biên - An Giang. Địch đã tàn sát hàng trăm thường dân, đốt phá trên một trăm ngôi nhà. Từng chứng kiến tội ác của địch đối với đồng bào ta ở các đảo Phú Quốc, Hòn Ông, Hòn Bà…, nên được tin kẻ địch tràn qua biên giới, tôi đã hình dung phần nào tội ác của chúng.


        Địch tiến công ồ ạt, bất ngờ. Các đơn vị của quân khu đứng chân gần biên giới đã kịp thời tổ chức chiến đấu, đánh trả quyết liệt, bảo vệ dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng vì hầu hết các đơn vị của ta đang làm nhiệm vụ sản xuất xây dựng kinh tế, chưa chuẩn bị đối phó với địch, nên có phần bất ngờ, bị động, lúng túng, thậm chí bị tổn thất.


        Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định đưa các đơn vị ở phía sau lên biên giới đánh địch. Ngay đêm 30 tháng 4 năm 1977, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 330 nhận lệnh của anh Lê Đức Anh: Chuyển toàn bộ sang trạng thái sẵn sàng cơ động lên tuyến biên giới đánh địch. Đồng thời, Quân khu cũng được trên đồng ý cho thành lập thêm Sư đoàn 339 làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.


        Kháng chiến chống Mỹ kết thúc tròn hai năm, cũng có nghĩa thời gian đó, quân và dân ta - đặc biệt là những người lính chúng tôi được sống trong hòa bình. Nhưng thực tế không như vậy. Những ngày chứng kiến bè lũ sát nhân Pôn Pốt gây tội ác với đồng bào ta ở các đảo vùng biển Tây Nam; lùi xa hơn nữa là những hành động đầy thù hận của chúng đối với bộ đội ta những năm  1971 - 1973…, chúng tôi đã tiên liệu tình hình còn phức tạp hơn khi lòng người dễ dàng đổi trắng thay đen “sớm nắng, chiều mưa”, đang là bạn bỗng chốc trở thành kẻ thù. Vì vậy, mặc dù tạm gác súng gươm, tăng gia sản xuất, những người lính vẫn luôn ý thức được nhiệm vụ cao cả của mình là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Và luôn nêu cao cảnh giác là “bản năng” của mỗi một anh lính Cụ Hồ. Cũng chính vì vậy, mà chỉ hai ngày sau khi nhận lệnh của Tư lệnh quân khu, toàn bộ đội hình Sư đoàn 330 đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng nhận lệnh hành quân chiến đấu.


        Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và thực lực, vị trí đóng quân của các đơn vị, chúng tôi chỉ thị cho Trung đoàn 1 đang đứng chân ở Vàm Cống - thị xã Long Xuyên tỉnh An Giang, khẩn trương đưa Tiểu đoàn 1 cơ động lên Tịnh Biên, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công địch lấn chiếm, hất chúng sang bên kia biên giới.


        Tiếp đó, toàn bộ đội hình còn lại của Trung đoàn 1 cũng được đôn lên tuyến trước chốt giữ khu vực An Phú, thị xã Châu Đốc. Trung đoàn 2 đứng chân ở bên này kênh Vĩnh Tế - dọc theo các xã An Phú, Nhân Hưng huyện Tịnh Biên. Trung đoàn 3 đóng từ xã Thái Sơn đến đông cầu Sắt, sau thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên.


        Lúc này, Bộ Tư lệnh Sư đoàn hình thành hai bộ phận. Sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn về đứng chân ở Vàm Cống thị xã Long Xuyên. Bộ phận chỉ huy tiền phương lên đứng chân ở khu vực từ chùa Thất Sơn, núi Trà Sư đến cầu Bà Mai - thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên, để chỉ huy trực tiếp, kịp thời các đơn vị phía trước. Tôi được phân công phụ trách bộ phận tiền phương.


        Khi sư đoàn chúng tôi được đôn lên đảm trách địa bàn Tịnh Biên; thì Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 cũng được lệnh trở lại làm nhiệm vụ chiến đấu. Sư đoàn 4 đảm nhiệm tuyến biên giới từ cửa khẩu Xà Xía, Hà Tiên (Kiên Giang) đến thị xã Châu Đốc (An Giang). Sư đoàn 8 làm nhiệm vụ chặn địch ở tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp. 


 Dọc theo biên giới hai nước ở khu vực Sư đoàn 330 và Sư đoàn 4 đảm trách có nhiều thị xã, thị trấn, các tụ điểm buôn bán, dân cư đông đúc như Tịnh Biên, Nhà Bàng, Ba Chúc… Đồng thời cũng chính là những mục tiêu đánh phá chính của địch. Dân cư ở đây định cư tản mát, không đều; có quãng dài hàng chục cây số không có dân ở. Có quãng đường biên chạy qua giữa cánh đồng hoang, mùa mưa nước ngập mênh mông. Cột mốc biên giới không được làm kiên cố như sau này, nên qua thời gian, năm tháng đã bị thất lạc, dịch chuyển nên khó phân định đường biên. Dân cư vùng Tịnh Biên, Bảy Núi, Chi Lăng (An Giang) phần lớn gốc là người Khme, thường xuyên qua lại làm ăn, sinh sống ở Campuchía. Địa hình, quan hệ dân cư phức tạp là điều kiện để kẻ địch xâm nhập, trà trộn, nắm tình hình, móc nối với các phần tử xấu để thực hiện mưu đồ đen tối.


        Về địa hình, phía bên kia biên giới có nhiều núi cao, như: Thâm Đưng, núi Som, Ki Ri Vông…Trên núi có nhiều hang sâu, thuận tiện cho địch triển khai lực lượng, lợi dụng điểm cao để khống chế toàn khu vực. Phần lãnh thổ của ta thuộc hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn được mệnh danh là vùng Thất Sơn huyền bí. Thất Sơn là bảy ngọn núi nằm trải dài trên địa bàn hai huyện là núi Sam, núi Dài, núi Phú Cường, núi Thoại Sơn, núi Cấm, núi Tượng, núi Sập; với tên chữ là: Thiên Cấm Sơn, Ngọa Long Sơn, Ngũ Hổ Sơn, Anh Vũ Sơn, Liên Hoa Sơn, Phụng Hoàng Sơn và Thủy Đại Sơn. Ở mỗi một tên núi kể trên lại có những ngọn núi nhỏ. Ví như ở núi Dài có nhiều núi nhỏ gộp lại, trong đó có núi Trà Sư. Trên đỉnh núi Trà Sư, chúng tôi bố trí đài thông tin của Sở chỉ huy tiền phương sư đoàn. Dưới chân núi có chùa Hoa Long (Hoa Long tự) là “đại bản doanh” của Bộ Tư lệnh tiền phương sư đoàn - là nơi tôi cùng các anh trong bộ phận tiền phương sư đoàn chỉ huy đánh trận phản kích nổi tiếng ở núi Phú Cường, diệt và hất cả sư đoàn địch sang bên kia biên giới.


        Một trong những yếu tố địa lý rất điển hình ở vùng biên ải có ý nghĩa lớn cả về quân sự và kinh tế, là kênh Vĩnh Tế.


        Lần theo sử sách, tôi được biết sau khi được vua nhà Nguyễn cử làm quan trấn biên vùng Hà Tiên, Kiên Giang, Thoại Ngọc Hầu - một viên quan đầu triều nổi tiếng đức độ, thanh liêm, thông tuệ đã có nhiều đóng góp để chấn hưng kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân trong vùng. Một trong những công trình vĩ đại được ông cho thực thi thành công mỹ mãn là đào kênh Vĩnh Tế (đặt theo tên người vợ yêu của Thoại Ngọc Hầu) vào năm 1818. Kênh Vĩnh Tế dài hàng trăm cây số, vừa là công trình thủy lợi tưới tiêu cho cả vùng An Giang, Kiên Giang; vừa là một công trình có giá trị về ngoại giao - tạo nên đường biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia. Trên thực tế, từ kênh Vĩnh Tế đến đường biên giới quốc gia còn một khoảng vài trăm mét. Cũng vì thế mà kênh còn là một chiến hào bề thế - một công trình quốc phòng rất quan trọng trong thế trận phòng thủ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ quốc gia.


        Sinh thời, anh Sáu Dân - nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất ngưỡng mộ Thoại Ngọc Hầu và đã vinh danh ông là “Tổng công trình sư” công trình kênh Vĩnh Tế.


        Nghĩ về vai trò của kênh Vĩnh Tế trong thế trận quốc phòng - an ninh, kinh tế - xã hội… Ở miền Tây Nam Bộ, tôi càng khâm phục tầm nhìn của quan Đốc Trấn; và thường nói đùa với anh em rằng: Thoại Ngọc Hầu có thể là vị “Tư lệnh Bộ đội Biên phòng” đầu tiên của Việt Nam.


        Để ghi công lao của vị quan trấn biên ngày đó, nhân dân đã lập đền thờ Thoại Ngọc Hầu và gia tộc ông ngay dưới chân núi Sam. Lễ hội danh tướng Thoại Ngọc Hầu hằng năm được tổ chức vào ngày 6 tháng 6 (âm lịch). Đối diện với đền thờ Thoại Ngọc Hầu, bên kia đường số 2 là đền thờ Bà Chúa Xứ.


        Sự hiện diện của đền thờ Thoại Ngọc Hầu và đền thờ Bà Chúa Xứ đã biến núi Sam - thị xã Châu Đốc - An Giang thành một trung tâm tín ngưỡng tâm linh không chỉ ở miền Tây mà ở cả vùng Nam Bộ. Đặc biệt vào dịp lễ Vía Bà Chúa Xứ hằng năm (ngày 24 tháng 4 âm lịch), tín đồ, phật tử và khách thập phương đổ về đây dự lễ. Trong thời gian xảy ra chiến tranh ở biên giới Tây Nam, pháo của quân Pôn Pốt thỉnh thoảng vẫn bắn sang khu vực núi Sam, nhưng lễ Vía Bà Chúa Xứ vẫn diễn ra rất rầm rộ. Đây là vấn đề làm chúng tôi hết sức đau đầu. Nếu mình can thiệp làm giảm mật độ người tập trung về đây, dễ làm cho phật tử, khách thập phương hiểu nhầm là can thiệp tín ngưỡng của nhân dân; nhưng để người tập trung quá đông, chiến sự xảy ra, khó lường hết sự tổn thất bởi đối tượng tác chiến của ta lúc này là bọn diệt chủng. 


 Vào những ngày đó, Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 330 đóng ở trên đỉnh núi Sam. Ở đây, chúng tôi bố trí ba đài quan sát: đài trinh sát, đài quân báo và đài thông tin. Đứng ở đỉnh núi Sam có thể thấy rõ từng ngọn cây, bờ ruộng, căn nhà ở phía bên kia biên giới. Pháo l30ly của Pôn Pốt cũng đã nhiều lần bắn sang khu vực núi Sam. Ở vào thời điểm căng thẳng, quyết liệt nhất, khi Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn ở núi Trà Sư bị địch vây bọc ba phía, tôi cùng anh Năm Thông - Sư đoàn trưởng (anh Năm Thông thay anh Ba Trung) và anh em trong Bộ Tư lệnh đã tính tới phương án, nếu không giữ được Tịnh Biên thì Sở chỉ huy tiền phương sẽ lùi về núi Sâm. Nhưng thực tế tình huống đó không xảy ra.


        Trở về với nhiệm vụ của sư đoàn trong năm 1977, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, địch đã tiến công lấn chiếm một phần đất đai của ta từ Đồng Tháp, qua An Giang, sang Kiên Giang. Ở hướng Kiên Giang, từ Căm Pốt, địch tập trung một lực lượng lớn đánh vào Hà Tiên; một cánh quân địch đã vào sát Nhà máy xi măng Hà Tiên. Ở hướng Đồng Tháp, địch đánh qua cửa khẩu Vịnh Bà.


        Khi địch tràn qua biên giới, chiếm đất, cướp của, sát hại đồng bào ta, Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 đang sản xuất xây dựng kinh tế, đã kịp thời tổ chức chiến đấu, chặn địch. Ở hướng Kiên Giang, Trung đoàn 20 Sư đoàn 4 cùng Tiểu đoàn 207 bộ đội địa phương đã đánh chặn địch quyết liệt, nhưng vì lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần, thế trận phòng thủ lại triển khai trên một chiều ngang quá rộng, không có chiều sâu, nên các đơn vị tại chỗ đã không đánh bật được địch ra khỏi địa bàn. Tình hình hết sức căng thẳng. Không thể để cho quân Pôn Pốt muốn làm gì thì làm; anh Sáu Nam lệnh cho Sư đoàn 330 sang Kiên Giang chiến đấu.


        Thực hiện lệnh của Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định để Trung đoàn 1 ở lại giữ Tịnh Biên, đưa Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 sang Kiên Giang. Đồng thời quân khu cũng điều Trung đoàn 416 tăng thiết giáp, một tiểu đoàn pháo và Bộ Quốc phòng tăng cường hai phi đội máy bay trực thăng đi giải tỏa quân địch ở Kiên Giang.


        Với hai trung đoàn bộ binh và lực lượng của Bộ, của quân khu tăng cường, trung tuần tháng 6 năm 1977, chúng tôi đã tiến hành một trận phản kích hiệp đồng quân binh chủng quy mô sư đoàn. Trung đoàn 2 được tăng cường xe M.113, đánh hướng chủ yếu của sư đoàn, tiến công từ Đầm Chích thọc sâu sang bên kia biên giới và vòng về hướng nam, diệt địch tại nông trường Ton Hon. Trung đoàn 3 phát triển tiến công ở sườn phải Trung đoàn 2, tạo thế hỗ trợ cho Trung đoàn 2 và phát triển tiến công quân địch dọc theo tuyến biên giới, sau đó chốt giữ, hỗ trợ cho Trung đoàn 20 Sư đoàn 4 giải quyết tử sĩ hy sinh trước đó chưa đem ra được.


        Trận đánh diễn biến thuận lợi. Trung đoàn 2 nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Đầm Chích, xã Vĩnh Điện, diệt trên hai trăm tên, thu nhiều súng và 5 tấn đạn. Địch ở các vị trí khác hoảng sợ, vội chạy về bên kia biên giới. Ta khôi phục lại tuyến biên giới Hà Tiên.


        Trong khi chúng tôi đang cùng Sư đoàn 4 khôi phục tuyến biên giới Hà Tiên thì tình hình ở Đồng Tháp lại diễn biến phức tạp. Địch tràn qua khu vực cửa khẩu Vịnh Bà, đánh sâu vào lãnh thổ của ta, chiếm một số khu vực, trong đó có khu vực tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn 8. Khi anh Ba Trung chỉ huy sư đoàn sang Kiên Giang, tôi được phân công tiếp tục phụ trách Sở chỉ huy tiền phương ở chùa Hoa Long, núi Trà Sư, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 1 và một số tiểu đoàn binh chủng chốt giữ Tịnh Biên. Tại Sở chỉ huy tiền phương, tôi nhận điện của anh Lê Đức Anh: Đưa ngay một trung đoàn lên Đồng Tháp, cùng Sư đoàn 8 đánh đuổi địch ra khỏi khu vực cửa khẩu Vịnh Bà, khôi phục lại tuyến biên giới.


        Tình thế không đến nỗi khó khăn, căng thẳng; bởi lẽ khi nhận được điện của anh Sáu Nam, tôi cũng đã được tin Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở hướng Hà Tiên. Vì vậy, tôi điện ngay cho anh Ba Trung, báo cáo lệnh của trên, sau đó chúng tôi thống nhất Trung đoàn 3 về chốt giữ Tịnh Biên, để tôi đưa Trung đoàn 1 sang Đồng Tháp. Sau này nghĩ lại, trong trường hợp nhận điện của Tư lệnh quân khu mà ở hướng Kiên Giang, ta chưa khôi phục được tuyến biên giới Trung đoàn 3 chưa lui về được, thì tôi cũng không thể bỏ địa bàn Tịnh Biên mà sang Đồng Tháp được. Dẫu sao thì Tịnh Biên với Thất Sơn vẫn là địa bàn hết sức quan trọng đối với ta. 


 Vào những ngày đó, Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 330 đóng ở trên đỉnh núi Sam. Ở đây, chúng tôi bố trí ba đài quan sát: đài trinh sát, đài quân báo và đài thông tin. Đứng ở đỉnh núi Sam có thể thấy rõ từng ngọn cây, bờ ruộng, căn nhà ở phía bên kia biên giới. Pháo l30ly của Pôn Pốt cũng đã nhiều lần bắn sang khu vực núi Sam. Ở vào thời điểm căng thẳng, quyết liệt nhất, khi Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn ở núi Trà Sư bị địch vây bọc ba phía, tôi cùng anh Năm Thông - Sư đoàn trưởng (anh Năm Thông thay anh Ba Trung) và anh em trong Bộ Tư lệnh đã tính tới phương án, nếu không giữ được Tịnh Biên thì Sở chỉ huy tiền phương sẽ lùi về núi Sâm. Nhưng thực tế tình huống đó không xảy ra.


        Trở về với nhiệm vụ của sư đoàn trong năm 1977, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, địch đã tiến công lấn chiếm một phần đất đai của ta từ Đồng Tháp, qua An Giang, sang Kiên Giang. Ở hướng Kiên Giang, từ Căm Pốt, địch tập trung một lực lượng lớn đánh vào Hà Tiên; một cánh quân địch đã vào sát Nhà máy xi măng Hà Tiên. Ở hướng Đồng Tháp, địch đánh qua cửa khẩu Vịnh Bà.


        Khi địch tràn qua biên giới, chiếm đất, cướp của, sát hại đồng bào ta, Sư đoàn 4 và Sư đoàn 8 đang sản xuất xây dựng kinh tế, đã kịp thời tổ chức chiến đấu, chặn địch. Ở hướng Kiên Giang, Trung đoàn 20 Sư đoàn 4 cùng Tiểu đoàn 207 bộ đội địa phương đã đánh chặn địch quyết liệt, nhưng vì lực lượng địch đông hơn ta nhiều lần, thế trận phòng thủ lại triển khai trên một chiều ngang quá rộng, không có chiều sâu, nên các đơn vị tại chỗ đã không đánh bật được địch ra khỏi địa bàn. Tình hình hết sức căng thẳng. Không thể để cho quân Pôn Pốt muốn làm gì thì làm; anh Sáu Nam lệnh cho Sư đoàn 330 sang Kiên Giang chiến đấu.


        Thực hiện lệnh của Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định để Trung đoàn 1 ở lại giữ Tịnh Biên, đưa Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 sang Kiên Giang. Đồng thời quân khu cũng điều Trung đoàn 416 tăng thiết giáp, một tiểu đoàn pháo và Bộ Quốc phòng tăng cường hai phi đội máy bay trực thăng đi giải tỏa quân địch ở Kiên Giang.


        Với hai trung đoàn bộ binh và lực lượng của Bộ, của quân khu tăng cường, trung tuần tháng 6 năm 1977, chúng tôi đã tiến hành một trận phản kích hiệp đồng quân binh chủng quy mô sư đoàn. Trung đoàn 2 được tăng cường xe M.113, đánh hướng chủ yếu của sư đoàn, tiến công từ Đầm Chích thọc sâu sang bên kia biên giới và vòng về hướng nam, diệt địch tại nông trường Ton Hon. Trung đoàn 3 phát triển tiến công ở sườn phải Trung đoàn 2, tạo thế hỗ trợ cho Trung đoàn 2 và phát triển tiến công quân địch dọc theo tuyến biên giới, sau đó chốt giữ, hỗ trợ cho Trung đoàn 20 Sư đoàn 4 giải quyết tử sĩ hy sinh trước đó chưa đem ra được.


        Trận đánh diễn biến thuận lợi. Trung đoàn 2 nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Đầm Chích, xã Vĩnh Điện, diệt trên hai trăm tên, thu nhiều súng và 5 tấn đạn. Địch ở các vị trí khác hoảng sợ, vội chạy về bên kia biên giới. Ta khôi phục lại tuyến biên giới Hà Tiên.


        Trong khi chúng tôi đang cùng Sư đoàn 4 khôi phục tuyến biên giới Hà Tiên thì tình hình ở Đồng Tháp lại diễn biến phức tạp. Địch tràn qua khu vực cửa khẩu Vịnh Bà, đánh sâu vào lãnh thổ của ta, chiếm một số khu vực, trong đó có khu vực tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn 8. Khi anh Ba Trung chỉ huy sư đoàn sang Kiên Giang, tôi được phân công tiếp tục phụ trách Sở chỉ huy tiền phương ở chùa Hoa Long, núi Trà Sư, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 1 và một số tiểu đoàn binh chủng chốt giữ Tịnh Biên. Tại Sở chỉ huy tiền phương, tôi nhận điện của anh Lê Đức Anh: Đưa ngay một trung đoàn lên Đồng Tháp, cùng Sư đoàn 8 đánh đuổi địch ra khỏi khu vực cửa khẩu Vịnh Bà, khôi phục lại tuyến biên giới.


        Tình thế không đến nỗi khó khăn, căng thẳng; bởi lẽ khi nhận được điện của anh Sáu Nam, tôi cũng đã được tin Trung đoàn 2 và Trung đoàn 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở hướng Hà Tiên. Vì vậy, tôi điện ngay cho anh Ba Trung, báo cáo lệnh của trên, sau đó chúng tôi thống nhất Trung đoàn 3 về chốt giữ Tịnh Biên, để tôi đưa Trung đoàn 1 sang Đồng Tháp. Sau này nghĩ lại, trong trường hợp nhận điện của Tư lệnh quân khu mà ở hướng Kiên Giang, ta chưa khôi phục được tuyến biên giới Trung đoàn 3 chưa lui về được, thì tôi cũng không thể bỏ địa bàn Tịnh Biên mà sang Đồng Tháp được. Dẫu sao thì Tịnh Biên với Thất Sơn vẫn là địa bàn hết sức quan trọng đối với ta. 


 Sau khi đưa Trung đoàn 1 lên Đồng Tháp, tôi cùng các anh Tư Minh - Trung đoàn trưởng, Ba Tô - Chính ủy trung đoàn… khẩn trương tổ chức trinh sát nắm tình hình; hiệp đồng với các anh bên Sư đoàn 8 tổ chức phản công hất địch qua bên kia biên giới, khôi phục lại khu cửa khẩu Vịnh Bà. Với khu tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn 8 bị quân Pôn Pốt chiếm từ đầu tháng 5, khi chúng tôi cho Trung đoàn 1 đánh chiếm lại, thì địch đã phá hết máy móc - những thứ mà chúng không mang đi được


        Sau khi giải quyết tương đối ổn thỏa tình hình căng thẳng ở Kiên Giang, Hà Tiên và khu vực cửa khẩu Vịnh Bà - Đồng Tháp, thì điểm nóng lúc này là khu vực Tri Tôn, Ba Chúc - Tịnh Biên (An Giang). Địch tập trung một lực lượng lớn đánh vào Ba Chúc là nơi đứng chân của sư đoàn bộ Sư đoàn 4. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, Sư đoàn 4 không giữ được địa bàn, buộc phải lùi về phía sau. Quân Pôn Pốt nhân cơ hội đó thả sức tàn sát đồng bào ta.


        Sau khi cùng Sư đoàn 8 khôi phục lại tuyến biên giới ở khu vực Vịnh Bà - Đồng Tháp, tôi đưa Trung đoàn 1 quay về Tịnh Biên. Cùng lúc Trung đoàn 2 từ Kiên Giang trở về. Sư đoàn lại nhận lệnh vào giải vây khu vực Ba Chúc. Vừa trở lại Tịnh Biên, theo phân công của Bộ Tư lệnh Sư đoàn, tôi trực tiếp đi cùng Trung đoàn 1 tiến công địch ở Ba Chúc. Đã có kinh nghiệm tác chiến với quân Pôn Pốt ở đảo Hòn Ông, Hòn Bà và những trận gần đây, Trung đoàn 1 nhanh chóng đẩy lùi quân địch qua bên kia kênh Vĩnh Tế, chiếm lại khu vực Ba Chúc, lấy lại niềm tin của nhân dân trong vùng đối với bộ đội Quân khu 9. Sau khi dồn đuổi địch về bên kia biên giới, Trung đoàn 1 trụ lại gần một ngôi chùa của các tín đồ người Khme, giúp bà con ổn định tình hình.


        Cuối năm 1977, theo yêu cầu của trên, chúng tôi bàn giao địa bàn Ba Chúc lại cho Sư đoàn 4 và bộ đội địa phương An Giang, đưa Trung đoàn 1 trở về đội hình sư đoàn. Qua tiếp xúc nắm thực lực của đơn vị bạn và theo dõi mọi động thái của địch, tôi cảm thấy không thật sự yên tâm khi rút Trung đoàn 1. Tuy nhiên “quân lệnh như sơn” - cứ phải chấp hành lệnh của trên. Cũng vì băn khoăn, ái ngại, nên trước khi cho Trung đoàn 1 rút, tôi gạn hỏi đồng chí Tỉnh đội phó An Giang liệu có giữ được Ba Chúc không, thì được nghe trả lời:


        - Anh Ba yên tâm, tụi tôi giữ được. Vả lại quân Pôn Pốt vừa bị một trận phủ đầu, chắc đám lính trẻ con ấy chưa kịp hoàn hồn.


        Nhưng khi Trung đoàn 1 vừa rút đi, thì tình hình diễn ra đúng như chúng tôi dự đoán. Quân Khme đỏ lập tức quay lại đánh Ba Chúc - Tri Tôn; lần này chúng tập trung quy mô cấp sư đoàn, và một lần nữa đơn vị bạn lại không giữ được địa bàn.


        Xâu chuỗi, hệ thống lại những tổn thất của Sư đoàn 4, Sư đoàn 8, bộ đội địa phương An Giang trong thời gian đầu đụng độ với quân Pôn Pốt; để mất dân, mất đất, tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là ta đã có phần chủ quan trong xác định kẻ thù; từ đó lơ là mất cảnh giác. Khi chuyển các đơn vị đồng loạt sang làm kinh tế, đã cho xuất ngũ một số lượng lớn cán bộ và bộ đội quê miền Bắc đã từng kinh qua chiến đấu, có bề dày kinh nghiệm. Khi chuyển các đơn vị làm nhiệm vụ sản xuất sang làm nhiệm vụ chiến đấu, thì cán bộ khung thiếu nhiều; số chiến sĩ mới chưa được huấn luyện kỹ càng, nên gặp tình huống căng thẳng ác liệt, đã không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là bài học kinh nghiệm phải trả bằng máu.


        Về vấn đề này, cùng thời điểm đó, có một số đơn vị đã có giải pháp tốt. Ví như Quân đoàn 2, khì tổ chức cho bộ đội ra quân, đã giữ lại một số cán bộ khung, nhân viên kỹ thuật, một tỷ lệ “cựu binh”. Khi chiến sự xảy ra, yêu cầu khôi phục tổ chức biên chế đủ, đơn vị chỉ cần lắp số tân binh vào - lính cũ, lính mới có điều kiện kèm cặp, giúp đỡ nhau, chỉ một thời gian ngắn là chiến đấu tốt. Các anh ở Quân đoàn 2 gọi là giải pháp “nở nồi”.


        Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, tháng 10 năm 1977, Quân khu ủy họp đánh giá âm mưu, mục tiêu cơ bản của bọn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa Ri không có gì thay đổi, vẫn nuôi tham vọng xâm lấn đất đai, tăng cường gây tội ác giết hại đồng bào ta, cướp bóc của cải…; gây oán thù sâu sắc giữa hai dân tộc. Từ đó, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang quân khu là tăng cường củng cố tổ chức biên chế, nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân… 


Học tập và kế thừa kinh nghiệm đánh giặc, giữ nước của các bậc tiền thân - đặc biệt là kế “Tiên phát chế nhân” của Lý Thường Kiệt thời kỳ kháng chiến chống Tống - muốn loại trừ quân xâm lược, phải ra quân trước - triệt hạ mầm mống xâm lược từ gốc, Bộ Tư lệnh Quân khu giao cho Sư đoàn 330 tổ chức một chiến dịch phản công sâu vào hậu phương của địch. Nhiệm vụ cụ thể là luồn sâu qua bên kia biên giới từ 20 đến 30 cây số, đánh vào hang ổ của địch, làm suy sụp ý chí và hành động xâm lược của chúng, đẩy chiến tranh ra xa biên giới. Chiến dịch mở màn vào trung tuần tháng 12 năm 1977.


        Được giao nhiệm vụ ở mũi tiến công chủ yếu của Quân khu, Bộ Tư lệnh Sư đoàn đưa Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 phát triển dọc theo phía đông và tây lộ 2, được tăng cường một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 4, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương An Giang, một số xe M-113, đánh thẳng vào khu vực cố thủ của địch ở núi Tham Đưng và núi Som. Trung đoàn 2 tiến công giồng Bà Ca, Bà Cò. Toàn sư đoàn và lực lượng tăng cường đã đập tan tuyến phòng thủ của địch từ Ki Ri Vông đến quận lỵ Rề Minh thuộc tỉnh Tà Keo. Trong quá trình luồn sâu đánh địch, sư đoàn tiến hành nhiều trận đánh hay, đạt hiệu suất cao; điển hình là trận đánh vào Ki Ri Vông và trận đánh vào Ba Sa ở phía đông lộ 2 thuộc tỉnh Tà Keo. Ngày 21 tháng 12, Trung đoàn 3 đánh vào Ki Ri Vông, diệt gọn Tiểu đoàn 360 thuộc Trung đoàn 14 địch. Ngày 28 tháng 12, Trung đoàn 1 đánh vào Ba Sa, diệt gọn Tiểu đoàn 452.


        Thắng lợi của chiến dịch luồn sâu, đánh vào hang ổ kẻ địch, ngoài tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, là điều kiện để cán bộ, chiến sĩ sư đoàn tiếp cận đối tượng tác chiến được kỹ càng hơn; thấy được chế độ diệt chủng vô cùng tàn bạo của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xa Rí đã đẩy đất nước Campuchia tới bờ vực của họa diệt chủng. Cũng vì vậy, khi bộ đội ta truy kích, địch bỏ chạy tán loạn. Nhân dân bạn bị giam cầm trong các trại tập trung, tựa đại hạn gặp mưa rào; xem bộ đội Việt Nam như vị cứu tinh xuất hiện, cứu sống họ. Nhân dân bạn tha thiết mong bộ đội Việt Nam ở lại một thời gian để bà con được nhờ. Khi bộ đội ta buộc phải rút về, hàng nghìn người dân Campuchia nằng nặc đòi đi theo. Nhiều người vừa khóc vừa nói: Bộ đội Việt Nam là bộ đội nhà Phật, đã sang cứu sống chúng tôi. Nay bộ đội rút về, hãy cho chúng tôi về theo, nếu ở lại sẽ bị ăngca giết mất…


        Cảm thương nhân dân bạn vô cùng, nhưng chúng tôi không thể để bà con theo về được.


        Đầu tháng 1 năm 1978, ta rút quân về nước, sau hơn 20 ngày làm cú vu hồi vào sào huyện của địch, thì trung tuần tháng 1, địch cho quân tiến công ào ạt vào các xã Nhơn Hội, Khánh Bình huyện Châu Đốc - An Giang và đặc biệt, ngày 15 tháng 1, địch tập trung 7 tiểu đoàn của Trung đoàn 14 và Trung đoàn 15 Sư đoàn 2 bộ binh đánh chiếm khu vực Ba Chúc, núi Phú Cường thuộc huyện Tịnh Biên. Âm mưu của địch là chiếm giữ các điểm cao thuộc hệ thống núi Phú Cường làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ khu vực Thất Sơn (Bảy Núi) của An Giang.


        Khi địch tràn sang, diễn biến ban đầu như phần trên tôi đã đề cập Sư đoàn 4 và lực lượng địa phương của An Giang đã không giữ được địa bàn. Có quãng, địch đã tiến sâu vào lãnh thổ của ta trên năm cây số, chúng phá sập hai chiếc cầu trên trục đường từ thị trấn Nhà Bàng đi Ba Chúc - Chi Lăng. Đi tới đâu, lính Pôn Pốt xả súng bắn giết đồng bào ta, bắt cả trẻ em, người già. Chúng ngang nhiên đập phá chùa chiền, tượng Phật. Tượng Phật nằm - một công trình văn hóa tâm linh của các phật tử người Khme ở núi Dài đã bị quân Pôn Pốt hủy hoại. Đây cũng là thời điểm Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn đóng ở Hoa Long tự trên núi Trà Sư bị bao vây ba bề; và chúng tôi cũng đã tính tới phương án xấu hơn là lui về núi Sam. Đỉnh điểm của sự dã man, tàn bạo của quân Pôn Pốt là cuộc thảm sát hơn ba nghìn đồng bào ta ở Ba Chúc.


        Ba Chúc là một xã nằm sát biên giới thuộc huyện Tri Tôn, An Giang. Đồng bào địa phương hầu hết theo đạo Phật, trong xã nhà cửa san sát; cảnh xóm ấp sầm uất như một thị trấn. Khi quân Pôn Pốt tràn qua kênh Vĩnh Tế, đánh vào Ba Chúc, bà con vô cùng khiếp sợ. Hàng nghìn người trong xã hoảng sợ kéo vào hai ngôi chùa lớn để nương nhờ cửa Phật, hy vọng kẻ thù dù có dã man, tàn bạo mấy cũng nương tay trước đức Phật từ bi. Nhưng lính Pôn Pốt đã ném lựu đạn, xả súng giết hại hàng nghìn phật tử - phần lớn là người già, trẻ nhỏ. Một số người trốn chạy vào các hang đá trong núi cũng bị quân Pôn Pốt sục sạo sát hại. 


 Sau khi tổ chức cho sư đoàn tiêu diệt gọn gần một sư đoàn quân Pôn Pốt, chiếm lại núi Phú Cường và Ba Chúc, tôi cùng một số cán bộ, chiến sĩ đã vào các hang đá tìm cứu bà con mình. Trong hang có rất nhiều xác chết không đầu. Thấy chúng tôi tìm vào hang, có mấy người sống sót tưởng chúng tôi là lính Pôn Pốt, bèn quỵ sụp lạy như tế sao. Sau khi được anh em ân cần giải thích, bà con mới trấn tĩnh, kể lại nỗi kinh hoàng ngày 15 tháng 1 năm 1978. Sau khi ném lựu đạn, xả súng bắn chết hàng nghìn bà con ta ở hai ngôi chùa, quân Pôn Pốt gom số còn lại, dẫn giải ra ngoài đồng, xả súng bắn chết; tương tự như vậy, khi sục vào hang núi, chúng bắt dân ta đi theo; ai không đi bị bắn chết ngay tại chỗ; số còn lại bị dẫn giải ra đồng và cũng bị hạ sát hàng loạt, xác chết chất thành đống trong xóm ấp và ngoài đồng. Không khí chết chóc bao trùm; quạ đen bay đầy trời. Để ghi lại tội ác diệt chủng, “trời không dung, đất không tha” của quân Pôn Pốt, sau này chúng ta cho xây dựng ở Ba Chúc khu tưởng niệm những nạn nhân bị quân Pôn Pốt sát hại. Đã bao lần trở lại đất này, đứng trước cảnh sọ người chất thành đống, trong tôi trào dâng nỗi căm thù, ghê tởm lũ sát nhân; đồng thời cũng khắc ghi lòng mình phải luôn cảnh tỉnh với hiểm họa diệt chủng, với lũ sát nhân mặt người dạ thú.


        Trở lại với hoạt động của sư đoàn, sau khi địch đánh vào Phú Cường, Ba Chúc, Bộ Tư lệnh Quân khu hạ quyết tâm và lệnh cho Sư đoàn 330, Sư đoàn 4 phải tổ chức phản công, đánh bật địch sang bên kia biên giới. Phó tư lệnh quân khu Trần Văn Nghiêm được phân công trực tiếp chỉ huy chung.


        Về phía địch, sau khi chiếm được núi Phú Cường (với độ cao 232m, có 4 mỏm) và địa bàn xung quanh, quân Pôn Pốt đã khẩn trương bố trí trận địa chốt giữ dọc theo kênh Vĩnh Tế (từ Cầu Sắt đến Cống Đá). Chúng hy vọng với lợi thế về địa hình sẽ đẩy lùi các đợt phản công của ta, từ đó tạo bàn đạp đánh sâu vào nội địa An Giang. Chỉ huy quân khu Tây Nam của Pôn Pốt đã có những hoạt động nhằm khiêu khích ta. Chúng tung truyền đơn tuyên bố. “Sẽ đánh cho Sư đoàn 330 mười năm sau phải nể mặt”, hoặc: “Dù cho mấy nghìn quân Việt Nam cũng không thể đặt chân đến khu vục Phú Cường”…


        Chẳng phải vì hành động khiêu khích đầy hợm hĩnh của quân Pôn Pốt, mà vì chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, vì hàng nghìn đồng bào vô tội bị sát hại, và để thực hiện lệnh của quân khu, chúng tôi quyết tâm phải dạy cho quân địch một bài học nhớ đời.


        Sau khi nhận lệnh trên, chúng tôi tổ chức cho các đơn vị trinh sát nắm địch, nghiên cứu địa hình, xây dựng quyết tâm chiến đấu. Để giải tỏa Phú Cường, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho sư đoàn một trung đoàn của Sư đoàn 341 do các anh Trần Văn Trân, Vũ Cao… chỉ huy vừa từ thành phố Hồ Chí Minh xuống.


        Căn cứ thực lực của sư đoàn, địa hình, địa vật và lực lượng cũng như thế trận chốt giữ của địch, chúng tôi lên phương án tiến công tiêu diệt địch ở Phú Cường như sau: Trung đoàn 1 từ núi Tượng phát triển theo bờ đông kênh Vĩnh Tế qua chốt 23, chốt 21, tiến lên Cống Đá. Trung đoàn 3 từ núi Cậu phát triển theo bờ đông kênh Vĩnh Tế, qua An Phú, chốt 17 và hợp điểm với Trung đoàn 1 ở Cống Đá. Hai trung đoàn có nhiệm vụ đón lõng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở núi Phú Cường bị Tiểu đoàn 2 tiến công trực diện hất xuống. Như vậy lực lượng trực tiếp tiến công hệ thống chốt giữ của địch ở núi Phú Cường là Trung đoàn 2. có pháo binh, thiết giáp của quân khu tăng cường. Đơn vị của Sư đoàn 341 phối thuộc là lực lượng dự bị.


        Khi tôi trực tiếp báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu quyết tâm, phương án của sư đoàn đánh vào Phú Cường, lúc đầu anh Lê Đức Anh không đồng ý. Mặc dù anh Trần Văn Nghiêm được phân công trực tiếp chỉ huy, nhưng Tư lệnh quân khu đặc biệt quan tâm sự kiện Phú Cường. Vì vậy khi tôi báo cáo cụ thể phương án có lực lượng tiến công trực diện, có lực lượng đón lõng, anh Lê Đức Anh phản ứng:


        - Không được, không được. Một trung đoàn khó có thể hất được đội hình tương đương sư đoàn của địch khỏi núi Phú Cường. Các anh phải nhớ quyết tâm của quân khu là hất địch về bên kia biên giới.


        Tôi kiên trì bảo vệ ý đính của Bộ Tư lệnh Sư đoàn và nói rõ:


        - Hất cả sư đoàn địch qua bên kia kênh Vĩnh Tế là không đơn giản, nhưng cố gắng thì chúng tôi vẫn làm được. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ đánh theo kiểu xua đuổi sẽ dẫn tới tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, địch không sợ, chúng sẽ còn gây khó khăn cho ta nhiều. Quyết tâm của sư đoàn là phải tiến hành một trận đánh có tính chất tiêu diệt, không những đánh bật địch ra khỏi lãnh thổ của ta mà còn làm cho chúng khiếp sợ, làm suy sụp ý đồ lấn chiếm của chúng. Chính vì vậy, Trung đoàn 2 và lực lượng tăng cường đủ sức hất địch khỏi núi Phú Cường, cùng lúc Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 phát triển đón lõng dọc kênh Vĩnh Tế. Địch không còn đường thoát.


        Chưa thật tin tưởng phương án của chúng tôi, anh Sáu Nam lệnh xuống:


        - Không chắc thắng thì chưa đánh. 


Nghe lệnh trên, mấy anh em trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn vẫn không thối chí, mà quyết tìm cách trình bày để thủ trưởng hiểu. Sau này khi trận đánh diễn ra đúng như ý định, chúng tôi mới thấy được giá trị của những quyết định xuất phát từ thực tiễn.


        Tình thế có lúc bế tắc. Tôi chủ động gặp gỡ anh Nghiêm trình bày cặn kẽ, cơ sở phương án chiến đấu của sư đoàn. Là người trực tiếp đi cùng chúng tôi nên anh Nghiêm tán đồng phương án của sư đoàn. Rồi anh về ngay quân khu trao đổi với anh Sáu Nam. Không hiểu anh Nghiêm thuyết phục thế nào đó, mà anh Sáu gọi điện xuống đồng ý cho đánh theo phương án của Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Tuy nhiên anh cũng nhắc nhở chúng tôi phải chuẩn bị chu đáo, kiên quyết phải đánh thắng; không được phạm sơ suất nào - phải cho quân Pôn Pốt thêm một đòn chí mạng, nhớ đời.


        Tôi cảm ơn anh Sáu và hứa quyết tâm cùng sư đoàn giành thắng lợi - không phụ niềm tin của Bộ Tư lệnh Quân khu.


        Triển khai cuộc phản kích địch lấn chiếm, giải phóng núi Phú Cường, Ba Chúc, Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị như sau:


        Trung đoàn bộ binh 2 do anh Năm Thời - Trung đoàn trưởng chỉ huy, được tăng cường hai xe tăng PT.85, sáu xe thiết giáp M.113 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 3 đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu của sư đoàn (một trung đoàn của Sư đoàn 341 làm dự bị), đánh thẳng hướng chính diện vào núi Phú Cường, tiêu diệt toàn bộ cụm địch chốt giữ ở đây; trường hợp không diệt gọn thì hất địch xuống cánh đồng ở phía sau (giữa núi Phú Cường và xã Ba Chúc), để Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 đón lõng, tiêu diệt.


        Trung đoàn 1 do anh Đoàn Quang Minh - Trung đoàn trưởng chỉ huy, được tăng cường ba xe tăng PT.85 và một số xe thiết giáp M.113, một tiểu đoàn của Trung đoàn 10 Sư đoàn 339, được pháo binh yểm trợ, đảm nhiệm hướng tiến công quan trọng, vu hồi cánh trái núi Phú Cường, từ núi Tượng, Lạc Quới đánh lên theo bờ kênh Vĩnh Tế, hợp điểm cùng Trung đoàn 3 tại Cống Đá đón lõng, diệt quân địch bị Trung đoàn 2 tiến công rút chạy hòng vượt kênh Vĩnh Tế về bên kia biên giới.


        Trung đoàn 3, do Trung đoàn trưởng Huỳnh Trọng Phẩm chỉ huy, được tăng cường một tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Cửu Long và ba xe M.113, có pháo binh yểm trợ, đảm nhiệm hướng vu hồi cánh phải núi Phú Cường, từ núi Cậu và núi Đất xã Tân Phú phát triển qua chợ Tịnh Biên vào kênh Vĩnh Tế, phát triển dọc bờ kênh xuống hợp điểm với Trung đoàn 1 ở Cống Đá.


        Trung đoàn 4 pháo binh được Trung đoàn 6 pháo binh quân khu phối hợp, có nhiệm vụ đánh phủ đầu, chế áp quân địch ở núi Phú Cường, chi viện đắc lực cho bộ binh tiến công mục tiêu. Khi bộ binh phát triển tiến công đánh chiếm núi Phú Cường thì pháo binh kịp thời chuyển làn, khống chế pháo địch ở bên kia biên giới.


        Nói thêm về địa hình khu vực diễn ra trận đánh, thì ngoài núi Phú Cường có bốn mỏm; bốn phía núi đều là ruộng đồng bằng phẳng. Núi Phú Cường ngày đó là núi trọc, chỉ có đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Cả cánh đồng bao la tít tắp, ruộng đồng vừa sau vụ gặt trống trơn cả vùng. Đứng ở núi Dài, núi Cậu và núi Đất có thể quan sát hết thay. Bên kia biên giới cũng đồng không mông quạnh, nổi lên núi Tham Đưng cách biên giới chừng hai cây số, lùi sâu hơn một chút là núi Xôm. Pháo của địch ở hai ngọn núi này có thể phát huy hỏa lực tốt; riêng với núi Tham Đưng, địch có thể dùng 12, 7ly gây sát thương cho ta. Nhớ lại trước đó, anh Sáu Nam có lần định dẫn một nhóm cán bộ đi qua vùng trống này giữa ban ngày, tôi đã cương quyết can ngăn không để anh đi, rất dễ thương vong.


        Tới ngày 18 tháng 1 năm 1978, từ các mũi, các hướng, anh em báo về mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Tối hóm đó, các đơn vị đã tiếp cận mục tiêu. Tất cả sẵn sàng để sáng ngày 19 tháng 1 nổ súng. Công tác chuẩn bị được tiến hành hết sức bí mật và khẩn trương, nên địch hoàn toàn không hay biết gì ý đồ tác chiến của ta.


 Sáng sớm ngày 19 tháng 1, khi màn sương mỏng trên cánh đồng vừa tan, tôi báo cáo anh Năm Thông - Tư lệnh sư đoàn ra lệnh cho các trung đoàn đồng loạt nổ súng tiến công địch. Gần nửa tiếng đầu, các loại hỏa lực cấp tập bắn phá các mục tiêu của địch ở núi Phú Cường. Từ Sở chỉ huy ở núi Cậu, chúng tôi thấy núi Phú Cường bị bao trùm bởi lửa khói đạn pháo. Quân địch đang ngái ngủ, bất thần bị sấm sét chụp xuống đầu, vô cùng hoảng loạn. Màn hỏa lực kết thúc, bộ binh bắt đầu tiến công; được xe tăng, thiết giáp hộ tống đánh thẳng vào núi Phú Cường. Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Sau cú choáng váng bởi đòn hỏa lực phủ đầu của ta, địch đã lợi dụng công sự, núi đá, chống cự quyết liệt. Phải hơn ba giờ quần lộn với địch, có một số đồng chí hy sinh, mãi đến trưa, Trung đoàn 2 mới chiếm được các mỏm số 1, 2, 3.


        Trực tiếp chỉ huy trận đánh, anh Năm Thông và tôi ra lệnh cho Trung đoàn 2 tập trung hỏa lực đánh chiếm mỏm số 4 và đẩy địch xuống cánh đồng dưới chân núi. Ở hướng Trung đoàn 1, sau khi được lệnh nổ súng, tiến công, từ núi Tượng, toàn trung đoàn dâng đội hình lên áp sát địch. Nhưng phi pháo của ta cấp tập vào hệ thống điểm chốt của địch ở núi Phú Cường thì địch ở nam kinh Thầy Cai đã kịp tổ chức ngăn chặn. Phải mất thời gian khá lâu sau nhiều lần bộ binh, thiết giáp đột phá, Trung đoàn 1 mới chọc thủng được tuyến ngăn chặn của địch ở kinh Thầy Cai, phát triển lên chốt 23 và chốt 21. Lúc này địch từ trên núi Phú Cường bị đẩy dồn xuống cánh đồng, đang cố sống cố chết chạy về bên kia biên giới. Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 phối hợp tổ chức bao vây, chia cắt tiêu diệt địch.


        Đến chiều ngày 13, toàn sư đoàn đã tiến hành xuất sắc trận hợp vây trên cánh đồng làng Ba Chúc. Trung đoàn 2 sau khi giải quyết nốt mỏm còn lại, từ trên núi Phú Cường đánh tràn xuống. Cùng lúc, từ hai cánh tả - hữu, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 tiến theo kênh Vĩnh Tế hợp điểm tại Cống Đá. Gần một nghìn quân địch bị quây lại giữa cánh đồng trống, đã bị đền tội. Kẻ sát nhân đã bị đền tội đúng ở nơi mà chúng đã dẫn hàng nghìn dân thường vô tội ở Ba Chúc ra để sát hại.


        Tuy nhiên, địch tháo chạy ồ ạt, Trung đoàn 3 tiến xuống hợp điểm với Trung đoàn 1 ở Cống Đá chậm so với dự kiến, nên địch đã kịp chạy thoát một số trên quãng từ chốt 21 đến Cống Đá.


        Chừng 16 giờ, chúng tôi quyết định đưa đơn vị của Sư đoàn 341 - lực lượng dự bị tham chiến, truy quét tàn binh địch, giải quyết chiến trường, tận thu vũ khí trang bị. Nắng tắt trên cánh đồng Ba Chúc cũng là lúc chúng tôi làm chủ hoàn toàn trận địa. Vậy là gần trọn ngày chiến đấu liên tục, Sư đoàn 330 và đơn vị bạn tăng cường đã thực hiện một trận đánh tiêu diệt xuất sắc; loại khỏi vòng chiến đấu 1.215 tên địch, bắt 106 tên; tiêu diệt gọn 5 tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác; thu 348 khẩu súng các loại, 6 máy thông tin, phá hủy 1 khẩu pháo 105ly… Có hiện tượng lạ là sau khi trận đánh kết thúc, khi kiểm tra chiến trường, chúng tôi bắt gặp xác lính địch phủ phục bên bờ ruộng; khắp người không một vết xây sát. Phải chăng tên lính này chết vì khiếp sợ.


        Tổn thất của ta trong trận này là 34 đồng chí hy sình, bị thương 146 đồng chí, bị cháy 1 xe tăng PT.85. Trận tiêu diệt cỡ sư đoàn địch ở núi Phú Cường là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô cấp sư đoàn tăng cường đạt hiệu suất cao.


        Sau khi làm chủ chiến trường, chúng tôi đã cho giữ nguyên hiện trạng chừng một tuần để các nhà báo trong nước, quốc tế đến quay phim, ghi hình, đưa tin tố cáo hành động xâm lấn của địch đã bị trừng trị đích đáng. Những kẻ gây nên vụ thảm sát đẫm máu đồng bào ta ở Ba Chúc - Tri Tôn đã bị đền tội. Sự kiện này đã gây tiếng vang trong công luận quốc tế.


        Chiến thắng núi Phú Cường khẳng định sự phát triển nhảy vọt về trình độ tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô cấp sư đoàn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330. Chiến thắng này cũng lấy lại niềm tin yêu của nhân dân vùng biên giới Tịnh Biên - An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đối với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 330 và lực lượng vũ trang Quân khu 9 nói chung; tin tưởng vào thắng lợi của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. 


Với trận thắng quân Pôn Pốt ở núi Phú Cường, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm tổ chức chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh với kẻ thù mới, đối tượng tác chiến mới, điều tâm niệm nhất đối với tôi là bản lĩnh, tính quyết đoán của người chỉ huy trên chiến trường. Việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, chấp hành kỷ luật chiến trường luôn là vấn đề tối thượng - là kỷ luật - một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh của quân đội ta - Bộ đội Cụ Hồ. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có những trường hợp cho phép người chỉ huy trực tiếp có chính kiến - có phương án tác chiến khác với ý định của trên. Vấn đề cơ bản là phương án tác chiến, chính kiến đó phải thật sự khoa học, được hình thành từ điều kiện lịch sử cụ thể và đảm bảo đạt được mục đích cuối cùng của trận đánh, của chiến dịch là giành thắng lợi lớn, hạn chế thấp nhất thương vong. Chấp hành triệt để mệnh lệnh cấp trên nhưng chấp hành tới mức thụ động, thiếu sáng tạo, thiếu bản lĩnh… không phải là chuẩn mực của người cán bộ giỏi. Quyết định của người chỉ huy trên chiến trường khác ý kiến cấp trên, nếu dẫn đơn vị tại chỗ không hoàn thành nhiệm vụ, tổn thất; dĩ nhiên cá nhân người chỉ huy phải chịu kỷ luật trước cấp trên, trước Đảng và nhân dân. Ngược lại, nếu thắng lợi, thì hành động của họ phải được lịch sử ghi nhận, cấp trên ghi nhận. Với những ý nghĩa trên, trận đánh quân Pôn Pốt ở núi Phú Cường là một trong những trận để lại dấu ấn sâu đậm nhất, giàu cảm xúc trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.


        Sau trận đánh ở núi Phú Cường, chúng tôi nhận lệnh của quân khu, tổ chức cho sư đoàn xây dựng trận địa phòng thủ từ Vĩnh Xương, Tịnh Biên - An Giang lên đến huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp. Sư đoàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương An Giang, Đồng Tháp và các đơn vị bạn củng cố vững chắc thế trận phòng thủ, bảo vệ từng tấc đất nơi biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.


        Trong thời gian này, khi quân Pôn Pốt mò sang khu vực núi Tượng, Lạc Quới, Ba Chúc - Tịnh Biên; chúng tôi đã tổ chức cho các trung đoàn đánh một số trận. Trong đó có trận đánh ngày 1 tháng 5, sư đoàn diệt trên 250 tên, thu trên một trăm súng, giải thoát cho trên 200 đồng bào ta bị quân Pôn Pốt bắt giữ. Từ đó, ở Mặt trận Hà Tiên, An Giang, quân Pôn bốt hễ thấy bóng dáng đơn vị nào thuộc Sư đoàn 330 đánh ở đâu, đều hò nhau bỏ chạy, không dám chống cự. Điều đó, tạo điều kiện thuận lợi để sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.


*


*       *


        Mùa mưa đến, những cánh đồng khu vực Tịnh Biên - dọc hai bờ kênh Vĩnh Tế nước trắng băng, mênh mông một màu nước. Quân Pôn Pốt vẫn bắn pháo và đột nhập vào lãnh thổ của ta ở một số điểm, nhưng thưa hơn mùa khô. Lúc này tôi cùng anh Ba Trung được trên cho đi học Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Trước khi đi, tôi đã được phong quân hàm thượng tá. Khi đó, quyết định phong quân hàm thượng tá do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký.


        Tháng 8 năm 1978, tôi ba lô khăn gói nhảy xe đò ra Hà Nội. Dọc đường “lai kinh” có một chuyện khá thú vị. Có thể vì dáng dấp tôi nhỏ nhắn, mang quân hàm thượng tá, ngó bộ quá trẻ chăng (mặc đầu năm đó thực tuổi của tôi là 42), nên hai anh công an tỏ vẻ nghi ngờ họ cho rằng tôi giả mạo quân hàm và hỏi giấy tờ của tôi. Với thái độ từ tốn, tôi bảo các đồng chí công an nếu cần thì gọi điện về quân khu xác minh cho rõ. Khi rõ ngọn nguồn, hai anh cảnh sát xin lỗi rối rít. Âu cũng là một bài học về tinh thần cảnh giác thái quá, mà thiếu đi độ sắc sảo về nghiệp vụ.


        Lúc đầu, theo diện chiêu sinh, tôi cùng anh Ba Trung thuộc đối tượng bổ túc ngắn hạn. Nhưng sau xét thấy tôi chưa qua một khóa đào tạo cơ bản nào, nên anh Hoàng Minh Thảo - Giám đốc Học viện đề nghị thủ trưởng Bộ chuyển tôi qua hệ đào tạo hai năm. Còn anh Ba Trung vẫn học chương trình bổ túc, đến cuối năm 1978, anh về lại quân khu, kịp tham gia chiến dịch tiến công giải phóng toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam và giúp bạn giải phóng Phnôm Pênh.


        Khóa chúng tôi học là khóa đào tạo cán bộ tham mưu chiến dịch đầu tiên, chuẩn bị cho xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại; chuyển từ xây dựng quân đội theo yêu cầu chiến tranh giải phóng sang xây dựng quân đội theo yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy nội dung chương trình có nhiều điểm rất mới. Cùng dự học với tôi khóa này có nhiều anh em sau này phát triển tốt, đảm đương một số trọng trách trong cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, đó là các anh: Lê Văn Dũng, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Phúc Thanh, Đỗ Trung Dương, Nguyễn Khắc Dương, Phạm Văn Long, Lê Văn Hân, Lê Ngọc Oa, anh Ba Chia…


        Hai năm chúng tôi học tập trung ở Học viện Quốc phòng là quãng thời gian đất nước và khu vực đầy biến động. Lực lượng vũ trang ta thực hiện chủ trương của Đảng và đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, đã thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng, giúp bạn tiến công giải phóng Phnôm Pênh, lật đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xa Ri, cứu đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Nhưng, khi tình hình biên giới Tây Nam qua cơn nguy biến thì lửa chiến tranh lại vùng lên ở biên cương phía Bắc…


        Là người lính, là cán bộ từng xông pha nơi chiến trường, trải qua hàng trăm trận chiến đấu; nay hay tin chiến sự diễn ra ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nhiều khi như có lửa trong lòng. Đã có lúc chúng tôi đề đạt lên Ban Giám đốc Học viện nhanh chóng kết thúc chương trình để được trở về đơn vị chiến đấu.