Tại sao gọi là Vàm Cống (2)

Post date: Apr 22, 2013 12:26:50 PM

Lê Hoài Lê

III.Ý kiến của chúng tôi :

Từ những sự kiện quan trọng liên quan đến địa danh Vàm Cống – Lấp Vò mà tôi

đã nêu trên và các tư liệu mà tôi có được thì tôi xin được đóng góp một vài ý kiến như sau :

1.Về địa danh Lấp Vò: Tôi đồng ý với giả thiết mà nhà văn Sơn Nam đang nghiên cứu về các địa danh Vàm Cống - Lấp Vò như sau:

Lấp Vò: theo phương ngữ chuyên môn Nam bộ thì “ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là xảm trét ghe thuyền ( giống như cách giải thích Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Hùynh Tịnh Của )

“ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”): là một trong những thao tác sửa chữa thuyền là dùng “ Chai trét ghe quết nhuyễn, trôn lẫn sợi đay ( bao bố ) xé nhỏ rồi lấp vô khe tiếp nối giữa những mãnh ván thuyền. “

Nên công việc“ Lắp Vò” ( hay “Lắp Dò”) là việc làm hằng năm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô, để chuẩn bị đi lại,đánh bắt trong mùa nước nổi.

Tháng 1 năm 1787 chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Xiêm ( Thái Lan ) trở về chọn Hồi Oa ( Nước Xóay –Long Hưng A ) đóng đại bản doanh ở trong khoảng 2 năm ( 1787-1788) – Lúc này quân Tây Sơn và Vua Quang Trung đang tập trung lực lượng để đánh Quân Thanh và dẫn đến chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Vùng đất rộng, dọc theo sông Cường Thành và cách bờ sông Hậu khỏang 3Km bao gồm một phần xã Hòa An-Tỉnh An Giang (làng Bình Thành Tây cũ ), Chợ Cũ xã Bình Thành Trung ( làng Bình Thành Tây cũ ), Khu vực Thị Tứ Lấp Vò và một phần xã Bình Thành là địa điểm thích hợp để cho quân chúa Nguyễn tu sửa ghe thuyền phương tiện và“Lắp Vò”để chuẩn bị lực lượng chống chọi với quân Tây Sơn trong những năm 70,80 của thế kỷ 18.

Nơi xảm trét ghe thuyền, tu sửa phương tiện đó gọi là nơi“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) Dần dần địa danh“ Lắp Vò”(hay “Lắp Dò”) được xác lập, lâu dần trong dân gian

Đến năm 1947 (19/5/1947 ) Chánh phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ ( thân Pháp ) đã cho thành lập quận Lấp Vò. Ý nghĩa lịch sử về mặt hành chánh của địa danh Lấp Vò đã được thành lập,địa danh Lấp Vò đã thay cho vùng đất“ Lắp Vò”( hay “Lắp Dò”) có nhiều truyền thuyết trong giai đọan Gia Long lập lại chế độ phong kiến tập quyền.

2.Về địa danh Vàm Cống :

Qua tìm hiểu, nghiên cứu và hỏi thăm nhiều người trong địa phương trong những năm qua. Tôi nhận thấy khi hỏi về địa danh Vàm Cống .-Tại sao gọi là Vàm Cống ??? thì tôi tổng hợp lại được các giả thiết sau đây ( ngoài giả thiết mà tôi không đồng ý với tác giả tài liệu khi viết về địa danh Vàm Cống ở trang 9 của tài liệu- mà tôi đã nêu trên):

2.1/ Giả thiết thứ nhất - Theo anh Từ Quang ( và nhiều người khác) thì anh cho biết : Lúc nhỏ mẹ anh có nói gọi là Vàm Cống vì có một cái cống được xây dựng trước đây ở đâu đó trên khu vực Vàm Cống hoặc bên Hòa An ( An Giang ) vì ngày xưa thì Vàm Cống và Hòa An rất gần nhau, có thể cái cống đó ngày nay không còn hoặc chỉ còn một vài vết tích nhỏ hoặc bị mở rộng dòng sông kinh xáng Lấp Vò ( Năm 1907 ) nên không còn nữa.

· Từ giả thiết trên, tôi cũng đã tìm một cái cống gần chợ Vàm Cống và ở xã Hòa An ( An Giang ) nhưng không phát hiện có dấu vết một cái cống xưa đã từng tồn tại để tạo ra địa danh Vàm Cống. Nên giả thiết nầy khó thuyết phục được cho địa danh Vàm Cống..

2.2/ Giả thiết thứ hai - Theo anh Tô Chiêm Huy( và nhiều người khác) thì anh cho biết : Trước đây, những người thân và các cụ già trong vùng đã có lần bàn tới vấn đề nầy .-Tại sao gọi là Vàm Cống ??? thì các cụ già bảo gọi là Vàm Cống vì đầu vàm sông Kinh Xáng Lấp Vò tại khu vực chợ Vàm Cống cũ (đầu vàm sông Sông Cường Thành sau đó được Pháp đào rộng thêm gọi là Kinh Xáng Lấp Vò ) trước đây cồn Hòa An hiện tại chưa nổi lên ( khoảng năm1907 ) nước ở hai đầu sông kinh xáng Lấp Vò khi triều cường sẽ chãy vào đầu sông rất mạnh ( do kinh xáng mới đào rộng và sâu và lượng nước ở trên sông Hậu chưa có cồn nổi cao lên. Từ năm 1905 đến thập niên 60 của thế kỷ XX lượng nước sông Hậu ở hai bên bờ kinh chảy vào đầu kinh xáng Lấp Vò rất là mạnh và xiết, đến năm 1962 do cồn Hòa An nổi cao lên ngay đầu Vàm nên nước chảy vào kinh xáng Lấp Vò đã yếu và chậm lại như ngày hôm nay. ) .

Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ( Cóng chứ không phải là Cống ) nên địa danh được ghép giữa VàmCóng được gọi là Vàm Cóng sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống

Tôi cũng thấy giả thiết nầy có những điểm chấp nhận được như sau :

Thứ nhất - Địa danh được gọi từ rất lâu ( từ năm 1905 ).

Thứ hai - Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng nên địa danh được ghép giữa VàmCóng được gọi là Vàm Cóng sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống cũng có thể chấp nhận được vì :

- Nếu là người dân miền nam chúng ta có thể biết được một vật dụng để đong các chất lỏng như rượu, dầu, nước mắm.....đổ vào trong một cái quặng ( Phểu ) của vùng đồng bằng nam bộ gọi là cái cóng ( không như định nghĩa như từ điển TIẾNG VIỆT do viện khoa học xã hội Việt Nam xuất bản năm1992 Trang 201 cóng dt .Đồ đựng bằng sành hình trụ,miệng rộng,có nắp đậy, thân hơi phình,đáy lồi.- mà cóng ở đây là một cái cóng miền nam lúc xưa làm bằng tre, có đáy là mắc tre, được cắt miệng và chừa một cái cán để múc, có dung tích một xị (1/4 lít), nửa xị (1/8 lít ) và cóng 1/10 lít. Sau đó cóng tre được thay bằng cóng nhôm và nay là cóng bằng nhựa -

- Nếu chúng ta dùng cóng lớn nhấn mạnh và trong một cái thùng đựng đầy nước thì ta có thể thấy được Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng.

Thứ ba theo như một số lời truyền khẩu lại thì địa danh Vàm Cống được gọi từ những tài công trên các thuyền ghe buôn bán đường dài họ chỡ hàng từ Cam Pu Chia, An Giang, Rạch Giá (Kiên Giang ) đi Sài Gòn và các tỉnh miền đông. Đến đầu Vàm sông kinh xáng Lấp Vò, họ phải neo thuyền ghe lại đợi nước lớn để qua sông Tiền (Tại Sa Đéc ) sau đó sẽ đi Sài Gòn và các tỉnh miền đông. Địa điểm neo đậu ghe thuyền để chờ đợi nước lớn đó họ dùng một tên gọi để thông báo, hẹn hò cùng nhau và họ đã chọn tên gọi là Vàm Cóng ( do hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ) sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống.

2.3/ Giả thiết thứ ba Theo ý kiến của nhà văn Sơn Nam : Nếu như Vàm Cống là từ ghép giữa “ Vàm” “ Cống” như một số địa danh khác trong vùng như Vàm Đinh, Vàm Nao….thì ở Vàm Cống trước đây phải có một cái “Cống”. - Vậy cái Cống đó nằm ở đâu ??? Xác định được vị trí cái Cống đó thì ta có thể giải mã được địa danh “Vàm Cống”. Từ giả thiết nầy nhiều năm qua tôi đã tìm kiếm và xác định được hai cái cống xây dựng rất lâu để củng cố cho giả thiết nầy :

2.3a. Một cái cống được đặt tại bờ bến phà phía An Giang ( tại cua vòng từ bến phà đi Cần Thơ, Rạch Giá ) Nên phía kia bờ bến phà phía An Giang gọi là Vàm Cống, rồi từ đó tên gọi cho bến phà bên bờ Lấp Vò cũng là Vàm Cống, lâu dần cả hai phía bến phà Vàm Cống đều có tên gọi là Vàm Cống.

2.3b. Một cái cống rất to, được xây dựng rất lâu ( Khoảng năm 1925 lúc làm đường liên tỉnh 8- nay gọi là quốc lộ 80 – và trong thời gian mở bến phà Vàm Cống) Đó là Cống Cái Sơn ( hiện nay là cầu Cái Sơn gần UBND Thị Trấn Lấp Vò, cách chợ Vàm Cống khoảng 2Km )

Khi nói đến cống Cái Sơn trong giả thiết 2.3b,chắc rằng sẽ có nhiều bạn thắc mắc:

- Tại sao giữa“ Vàm” và “ Cống” lại cách xa nhau như thế ( gần 2 km ) như thế giả thiết có thuyết phục không ?

Tôi xin được lý giải cho giả thiết nầy như sau :

1.Chúng ta thử hình dung lại khung cảnh của vùng địa danh Vàm Cống trong thời điểm đầu thế kỷ XX đến năm 1925(Giả sử chỉ là chợ Vàm chứ chưa phải là chợ Vàm Cống ).Đến năm 1925 hoặc trước đó vài năm trong thới gian người Pháp cho mở đường liên tỉnh 8( nay là quốc lộ 80 ) và mở bến bắc cho hành khách qua lại trên sông Hậu, lúc mở đường họ cho đặt một cái cống lớn ( Cống Cái Sơn ) trên đường liên tỉnh 8, lúc đó người dân trong dùng chỉ biết làm « ống bọng » bằng cây tre, cây dừa hoặc cây cau( còn gọi là bọng tre, bọng dừa, bọng cau ....) cho nước chảy thông thương hai bên bờ mương .thì việc đặt một cái cống lớn của Pháp( cống Cái Sơn ) là điều mới lạ đối với người dân địa phương ,người dân khắp vùng rủ nhau đên đó xem bến bắc mới, xem đường mới mở, xem cái cống to với lượng nước tràn vào cống qua đường liên tỉnh 8 mang nước ngọt từ dòng kinh xáng Lấp Vò vào đồng ruộng và các kinh nhánh khu quanh khu vực cho người dân trong khu dân cư và chợ có nước sạch ăn uống, sinh hoạt. Hàng ngày nước vào ra hai lần theo con nước lớn ròng giữ được vệ sinh môi trường cho tòan khu vực. Thời điểm đó người dân ở các địa phương Hội An, Mương Kinh,Lấp Vò, Vĩnh Thạnh,Định Yên.... muốn ra Vàm cầu bắc đi sang bờ kia của sông Hậu phải qua Cống nên Vàm có cái Cống ( hay Vàm Cống )là một giả thiết có thể chấp nhận được.Sau đó người dân liền gọi chợ mới xây gần cái cống này là “Chợ Cống”.“Chợ Vàm Cống”.....( như tài liệu đã ghi ).

2.Chúng ta cũng thấy cống Cái Sơn cũng có những « đặc điểm » mà tài liệu xưa đã nhắc tới như :

- Cống Cái Sơn vừa làm thủy lợi thông ra sông, tạo đường nước thông thoáng để dân trong khu dân cư và chợ có nước sạch ăn uống, sinh hoạt. Hàng ngày nước vào ra hai lần theo con nước lớn ròng giữ được vệ sinh môi trường cho tòan khu vực.

-Cống Cái Sơn ngày xưa còn được nối với con Rạch khá to chảy từ cầu Kinh( Chỗ cây xăng Anh Năm Tuôi ngoài Vàm Cống) nối với Sông Hậu Giang và cống Cái Sơn. Con Rạch nầy được đào song song với quốc lộ 80 vừa lấy đất đấp lộ , vừa dẫn nước lưu thông để người dân trong vùng sử dụng (rạch nầy hiện nay vẫn còn, mặc dù đã bị bồi đấp làm cho rạch bị thu nhỏ hơn và một số đoạn đã bị san lấp trong những năm gần đây nhưng vẫn còn vết tích của con rạch ngày xưa (Từ trường PTTH Lấp Vò 1 đến cống Cái Sơn)

Tóm lại, với các giả thiết mà tôi thu thập trong những năm qua,cùng với các tư liệu mà tôi đã trình bày bên trên, thì địa danh Vàm Cống tôi đang nghiên về hai giả thiết :

- Nếu địa danh Vàm Cống có tên gọi trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XX ( khoảng năm 1901 đến năm 1907 ) thì tôi nghiên về giả thiết thứ hai ( Hình ảnh của lượng nước đổ vào đầu kinh xáng Lấp Vò như nước chảy vào trong một cái cóng ( Cóng chứ không phải là Cống ) nên địa danh được ghép giữa VàmCóng được gọi là Vàm Cóng sau đó được gọi trại đi, lâu dần trở thành là Vàm Cống).

- Nếu địa danh Vàm Cống có tên gọi trong khoảng 1921 đến năm 1927 thì tôi nghiên về giả thiết 2.3b. ( Nếu như Vàm Cốnglà từ ghép giữa “ Vàm” “ Cống” thì địa danh Vàm Cống bắt nguồn từ Một cái « cống » rất to, được xây dựng rất lâu ở gần « Vàm » - Khoảng năm 1925 lúc làm đường liên tỉnh 8- nay gọi là quốc lộ 80 – và trong thời gian mở bến phà Vàm Cống- Đó là Cống Cái Sơn - hiện nay là cầu Cái Sơn gần UBND Thị Trấn Lấp Vò, cách chợ Vàm Cống khoảng 2Km –

Trên đây là những suy nghĩ của tôi về địa danh Vàm Cống mà tôi đã trăn trở rất nhiều năm để ghi chép và và trả lời khi các du khách hoặc bạn bè hỏi đến địa danh của quê hương mình, để trả lời cho câu hỏi – Tại sao gọi là Vàm Cống ???.

Người viết

Lê Hoài Lê