Tổng kết Hội thảo khoa học về danh nhân Thoại Ngọc Hầu nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất.

Post date: Nov 28, 2010 7:48:35 AM

Ngày 25/7/2009 tại Khách sạn Bến Đá, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang và UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học danh nhân Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại, nhân kỷ niệm 180 năm ngày mất (mùng 6/6 âl năm 1828- mùng 6/6 âl năm 2009, nhằm ngày 27/7/2009).

Có 157 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài tỉnh về tham dự.

Hội thảo đã nghe 5 bài phát biểu khai mạc và chúc mừng của: Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc; Ông Lê Minh Tùng, PCT UBND tỉnh An Giang; Ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Giám đốc Văn phòng Bộ VHTTDL tại TpHCM; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN; Ông Ngô Quang Vinh, GĐ Sở VHTT&DL thành phố Đà Nẵng.

Sau khi nghe báo cáo đề dẫn Hội thảo của ông Huỳnh Công Mước- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang và các tham luận, ý kiến phát biểu trao đổi của đại biểu, ông Lê Minh Tùng- PCT UBND tỉnh An Giang kiêm Trưởng ban lễ hội và chủ trì Hội thảo đã tổng kết Hội thảo khoa học như sau:

Hội thảo khoa học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình và có trách nhiệm của 47 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài tỉnh An Giang với 51 bài tham luận. Tại hội trường đã có 16 tham luận được trình bày (do thời gian hạn chế). Nội dung phát biểu sinh động, xúc tích, có vài ý kiến còn khác nhau.

Nội dung Hội thảo đã xoay quanh 6 chủ đề lớn nhưng đi sâu 5 vấn đề:

1- Ý nghĩa và giá trị thực tiễn của các công trình của Thoại Ngọc Hầu trong lịch sử, hiện tại và tương lai (chủ đề 1)

Trong các công trình đó, kinh Vĩnh Tế là điển hình nhất. Những công trình của Thoại Ngọc Hầu (hay của triều Nguyễn theo Nhà sử học Dương Trung Quốc) ít nhiều đều có ý nghĩa về mặt kinh tế, quốc phòng, văn hoá (nay còn có du lịch). Những công trình này ngoài giá trị lịch sử, tiếp tục được phát huy tốt hơn trong hiện tại và tương lai bằng những công trình nạo vét kinh Vĩnh Tế, đào mới hệ thống kinh thoát lũ ra biển Tây (T4.T6, kinh Võ Văn Kiệt/T5). Từ đó nêu lên trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay là phải làm sao để phát huy mặt tích cực của kinh Vĩnh Tế, như nhà sử học Dương Trung Quốc: Những công trình này có giá trị trong cuộc sống và được nhân dân qua các thời đại thừa nhận.

Khẳng định các công trình vật thể và phi vật thể của Nguyễn Văn Thoại trên đất An Giang có giá trị vĩnh cửu đối dân với nước. Quyền lực của triều đình nhà Nguyễn không thể phá huỷ giá trị lịch sử và vai trò của ông trước lịch sử.

2- Qua giá trị những công trình của ông để lại cho đời sau, đã khẳng định công lao và vai trò của Thoại Ngọc Hầu đối với vùng đất Nam bộ nói chung, An Giang nói riêng (chủ đề 2).

Các tham luận đều khẳng định Thoại Ngọc Hầu có công lao to lớn đối với vùng đất Nam bộ (dĩ nhiên của triều Nguyễn và những công thần khác như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh).

Ông là người tài đức vẹn toàn, ngoài việc là một danh tướng (quân sự), nhà doanh điền (nhà kinh kinh tế), nhà quản lý hành chánh, nhà văn hoá và ngoại giao giỏi (sứ thần Bảo hộ Chân Lạp). Ông là một người con luôn nặng tình với nhân dân và quê hương Đà Nẵng, với vợ con, với bằng hữu (Trần Quang Diệu).

Ông là người có tâm và tầm với cái nhìn chiến lược, có ý chí kiên định (dù bị giáng chức/cách chức vẫn không nãn lòng vì không muốn đối đầu với Trần Quang Diệu trong trận chiến Phú Xuân năm 1801), là người hành động (khác các quan lại xưa kia).

Vấn đề án oan của ông sau 90 năm mới được sáng tỏ nhưng vẫn chưa phục hồi tương xứng với chức tước của ông. Đây là sự đố kỵ của vua Minh Mạng và triều đình nhà Nguyễn đối với công thần.

Nhiều tham luận đã thể hiện suy nghĩ, tình cảm và sự tôn kính của tác giả và của các thế hệ hiện tại đối với cuộc đời và sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu.

3- Làm rõ những mặt được, chưa được trong kiến trúc và giá trị mỹ thuật của các công trình kiến trúc liên quan đến Thoại Ngọc Hầu (chủ đề 4)

Những công trình kiến trúc nhằm đánh giá công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu để giáo dục cho đời sau chưa tương xứng với tầm vóc của ông như đã đánh giá; đề nghị Bộ VHTT&DL, tỉnh An Giang, thị xã Châu Đốc cần quan tâm đầu tư hơn nữa (kể cả những chương trình ở An Giang, Vĩnh Long (mẹ Thoại Ngọc Hầu), Đà Nẵng, hay những địa phương có di tích Thoại Ngọc Hầu).

4-Những giải pháp để khai thác tốt hơn hệ thống kinh Vĩnh Tế và những hệ thống kênh rạch hiện nay, khắc phục các mặt bất lợi của kinh Vĩnh Tế (xâm nhập mặn)

5- Những vấn đề cần làm sáng tỏ thêm về gia tộc, thân thế và công lao Thoại Ngọc Hầu; phân biệt xem vấn đề gì là thực tế, vấn đề gì là huyền thoại và chưa có cơ sở khoa học (chủ đề 5).

Vì sao Thoại Ngọc Hầu với công lao đối với nhà Nguyễn như vậy chỉ được phong trung đẳng thần? Về tên kinh Vĩnh Tế có trước khi đào kinh hay khi đào xong mới đặt tên kinh như bia Vĩnh Tế Sơn đã ghi nhận? Cần xác định rõ vị trí đặc bia Vĩnh Tế Hà và bia này thực tế có hay không?

Về vụ án oan của Nguyễn Văn Thoại: Đây là chuổi âm mưu kéo dài của vua Minh Mạng nhằm hạ bệ uy tín những công thần đầu vua Gia Long có liên quan đến Lê Văn Duyệt.

Bà Nguyễn Thị Hiền có phải vợ thứ ba của Nguyễn Văn Thoại?

Đánh giá về triều Nguyễn thế nào trước khi đánh giá Thoại Ngọc Hầu.

Có ý kiến cho rằng kiến thức của Thoại Ngọc Hầu có từ đâu, khi ông tham gia đầu quân Nguyễn Ánh lúc 17 tuổi? (giỏi về quân sự, kinh tế, ngoại giao).

Ý kiến có thể tìm ra dòng dõi của Thoại Ngọc Hầu hiện nay hay không?

- Về đào kinh Vĩnh Tế, có ý kiến cho rằng thời gian đào kinh chính thức chỉ từ 9-10 tháng mà thôi, vì trong 5 năm đào đã nghỉ đứt quảng nhiều giai đoạn, thực tế đào chỉ có 37 km, số còn lại là nối các lạch khe cũ.

Nhận xét chung Hội thảo:

- Nội dung hội thảo và các tham luận đã bám sát mục đích và yêu cầu của hội thảo đề ra.

- Làm rõ thêm những vấn đề khoa học đã khẳng định (công lao Thoại Ngọc Hầu, Thoại Ngọc Hầu bị hàm oan, Nguyễn Văn Thoại không có vợ ba, bà Châu Thị Tế là người Việt, quê quán…), cần tiếp tục nghiên cứu sâu về những vấn đề còn tranh luận chưa rõ ràng của lịch sử. Về công lao của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu?

- Những nét mới, những tình tiết mới cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi để làm sáng tỏ Thoại Ngọc Hầu về khái niệm 5 nhà (nhà quân sư, kinh tế, ngoại giao, quản lý hành chánh, văn hoá). Cần làm rõ thêm kiến thức của ông có từ đâu. Những tấm bia lạ trong sơn lăng Thoại Ngọc Hầu. Đào kinh Vĩnh Tế chỉ có 37 km và 10 tháng/ 91 km và 5 năm như các tài liệu trước đây công bố. Về hàm oan của Nguyễn Văn Thoại.

- Hội thảo cũng nêu lên những kiến nghị mà các nhà quản lý, lãnh đạo ở các địa phương, nhất là ở An Giang phải quan tâm (như xây dựng tượng toàn thân Thoại Ngọc Hầu).

- Những nội dung hội thảo cần nghiên cứu; chắc lọc và giáo dục thế hệ trẻ và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

- Cần có những công trình thiết thực để xứng với công lao, sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu. Phải tiếp tục tu bổ, trùng tu các công trình đã có. Cần phát huy vai trò kinh Vĩnh Tế (ngăn mặn) phù hợp với giai đoạn hiện nay.

- Bổ sung vào kỷ yếu các bài phát biểu chưa kịp cập nhật./.

Trần Văn Đông