Hai lần chiến thắng Rạch Gầm.

Post date: Dec 5, 2010 1:05:59 PM

Khi nghiên cứu về những sự kiện xảy ra giữa Việt Nam và Xiêm La [tức Thái Lan hiện nay], cần thiết phải tham khảo các thư tịch của Xiêm La, song song với tài liệu của Việt Nam.

Thư tịch Thái Lan có những Phôngxávađan [biên niên sử] những Tămnan [truyền thuyết], và văn kiện Hoàng cung v.v… đã được xuất bản khá nhiều. Đồng thời Thư viện Quốc gia Thái Lan, ở phố Xảmxên, mở cho tất cả mọi người, kể cả người ngoại quốc mà không phải xin phép trước và không phải trình chứng minh thư mỗi khi vào phòng đọc. Chi tiết tìm thấy trong các biên niên sử Thái Lan giúp cho ta biết rõ hơn nhiều điều mà thư tịch Việt Nam không ghi chép. Ví dụ về chiến trận Rạch Gầm, Chúa Nguyễn Ánh và quân đội Xiêm bị đánh tan rã, thì bộ Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn, chỉ viết qua mấy hàng, lại thêm chuyện là có người bày mưu cho anh hùng Nguyễn Huệ, chứ không phải tự Nguyễn Huệ nghĩ ra. Về các chiến trận Rạch Gầm – Xoài Mút, biên niên sử Thái Lan ghi chép khá nhiều và lý thú. Chúng tôi xin dịch từng đoạn để thêm tư liệu cho sử học Việt Nam.

Theo sách Biên niên sử triều Rắttanacôxỉn, thời vua thứ nhất của ông Cháu Phraya Thíphaconvông, Băng Cốc 2526 Phật lịch (PL), trang 30, thì Nguyễn Phúc Ánh vào Băng Cốc: đầu tháng tư (Xiêm) năm Dần, can thứ tư, 1144 Tiểu nguyên (2325 PL tức 1782 dương lịch). Lúc ông Txiêng Xử vào đến Băng Cốc, ông ấy được 33 tuổi…

Chúng tôi dịch đoạn này vì thấy ngày tháng trong biên niên sử Thái Lan có khác với Đại Nam thực lục. Ngoài ra, chi tiết về Nguyễn Ánh trong sách này có rất nhiều và thú vị, nhưng không thể ghi lại tất cả trong bài này.

Về sự kiện Vua thứ nhất của Xiêm La gửi quân sang Việt Nam giúp Nguyễn Ánh, sách nói trên trang 46, viết:

… Đến tháng 5, năm Thìn, can thứ 6, Tiểu nguyên 1146 (2327 PL) Hoàng thượng ra lệnh cho cháu là Cháuphá Krômmaluổng Thêp-harirắc làm thống suất, mang 5 nghìn quân đi đánh lấy Sài Gòn lại chỉ thị cho Ông Txiêng Xử đi theo quân đội. Phía bộ quân thì giao cho Phráya Vittxítnárông làm Tổng chỉ huy, đi đường Cao Mên, lấy thêm quân đội Cao Mên cùng đi. Theo đấy, Cháuphráya Aphâyphubệt đã bắt quân Cao Mên đi theo được 5 nghìn người.

Phráya Vitxítnárông mang quân Cao Mên đi đánh tỉnh Piêmcho Xađék, đến Phrék Phráyamăn, đánh nhau với quân KâySơn nhiều lần, quân Yuon đánh không lại, phải rút lui. Phraya Vitxítnárông xông vào thấu tỉnh Piêmparai, tiến đánh đồn Bản Pàyung… Phần cháu nhà vua, Cháuphá Krômmaluổng Thếpharirắc, cùng các tướng sĩ và ông Txiêng Xử vào chầu Vua và lạy Vua từ giã, mang thuỷ quân ra biển, đến tỉnh Bănthaimát (Hà Tiên – ND), bắt lính Cao Miên của Phráya Ratxaxệtthỉ, Phráya Thắtxáđa, thêm vào quân đội, vào cửa biển tỉnh Pàxặc, đến đóng quân ở Vàm Nao…

Nên nhắc lại rằng biên niên sử Thái Lan gọi tên Việt Nam sai đi rất nhiều, ví dụ họ gọi Tây Sơn là Kây Sơn. Chúng tôi đang tìm cách điều chỉnh về mặt này. Ngoài ra, họ gọi địa danh Việt Nam bằng tên tiếng Pali theo lối của họ ví dụ gọi Hà Tiên là Bănthaymát. Công việc tìm và so sánh các địa danh Việt - Thái lại là một công trình khó khăn khác, đề nghị các nhà sử học Việt Nam chú ý.

… Phía Yuon Kâysơn thì đóng quân tại cửa rạch Má Nao, trên con đường đi Sa Đéc, Long Hồ, Sài Gòn. Bộ đội của Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc đánh xuống không được, nên lên đóng quân trên bộ, định đánh đồn bộ quân Kây Sơn trước, nên đã mang thuỷ quân tiến tới mà không lo phía sau.

Lúc nước thuỷ triều dâng lên, Yuon mang chiến thuyền đi tắt rạch Ông Chương, ra sông to, rồi vòng đến chiếm đóng kín cửa rạch MáNao, chặn phía sau quân đội ta. Đồng thời quân đội Yuon từ Sài Gòn đánh vào, cùng lúc với quân đội từ sông Xamịthò cũng đánh thốc từ phía sau. Quân đội của Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc ở tình trạng bị vây hai phía, đành phải bỏ thuyền nhảy lên bộ chạy trốn (khứn bộc nỉ pay-ND). Lúc ấy là mùa lễ hội tháng chạp của ta, nước ngập khắp đồng, quân đội Thái phải lội nước ngập tới ngực tới eo chạy trốn quân địch. Phía Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc, bộ hạ bắt được một con trâu mang đến dâng cho Ngài lội nước cùng với tất cả quân đội chạy trốn qua đất Cao Mên. Phía bộ quân Thái-Cao Mên, khi nghe tin thuỷ quân thua chạy, cũng bỏ trại PàYung, chạy trốn như nhau.

Quân đội Yuon đại thắng, nhưng không đuổi theo, thu thập được chiến thuyền và khí giới súng đại bác và súng nhỏ vô số và bắt được lính chạy không kịp, xong trở về Sài Gòn.

Quân đội Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc và ông Txiêng Xử trở về nghỉ ngơi ở Cao Mên và báo cáo sự thất bại về triều đình để nhà vua biết, nhà vua và Hoàng đệ nổi cơn thịnh nộ, dụ bắt quân đội trở về Băng Cốc và ra lệnh giam tù Cháu nhà vua Krômmaluổng Thếp-hạrịrắc với các tướng sĩ thua trận. Mãi về sau, bà chị của cả hai Hoàng thượng xin tha tội cho, Hoàng thượng mới tha tội cho tất cả mọi người.

Đọc biên niên sử Thái Lan cũng thú vị không kém đọc truyện Tam quốc của Trung Quốc. Những chi tiết về trận Rạch Gầm này, phía thư tịch Việt Nam, chúng tôi chưa thấy sách nào tỉ mỉ như trên. Đấy là chi tiết của biên niên sử Thái Lan, xin dịch ra mà không thêm bớt, không bình luận.

48 năm về sau, tức năm 1833 nhà vua thứ 3 của Xiêm La ra lệnh cho Cháu Phráya Bađinđêxa mang quân đội 124 nghìn người (124.000, theo con số trong sách Annam Xayảm Yứt) đi đánh Nam Bộ, thời ấy ở Việt Nam là triều đình Hoàng đế Minh Mạng.

Khi đại quân Xiêm La đi đến Rạch Gầm, nơi cũ, thì Cháu Phráya Bađinđêtxa vẫn thấm thía và còn nhớ đến bài học xưa nhưng rồi lại cũng bị cùng một số phận như trong quá khứ.

Tác giả bài này chỉ trình bày tư liệu thư tịch hai nước để giúp việc nghiên cứu học hỏi, không có ý gì tâng bốc phía nào vì trong chiến tranh hai bên đều bị thiệt hại, chỉ có người dân là chịu khổ.

Sau đây là bài dịch một vài đoạn trong sách Annam Xayảm Yứt (Chiến cục Annam – Xiêm); sách này dựa vào hồi ký của Tổng chỉ huy quân đội Xiêm La tức Cháu Phráya Bađinđêtxa (Xỉnh), kể lại chiến trận ở Cù Lao Teng tức một cù lao giữa sông to gần Rạch Gầm.

Sách Annam Xayảm Yứt (Nhà Xuất bản Phréphithaya, Bangkok, 2514 PL) trang 499, viết:

“… Với lại, trên lãnh thổ Yuôn (từ dùng gọi Việt Nam – ND) có nhiều con sông chảy đi khắp nơi; dọc theo các con sông này lại có những con kênh nhỏ bé thông thương với tất cả các con sông to ấy, có hàng mấy chục con kênh không thể nào nhớ tên cho xuể. Các con kênh này, kênh nào cũng cạn, thuyền to như thuyền của Xiêm ta không đi được; trái lại chiến thuyền của bọn Yuôn thì hay dùng nhiều loại, thường là thuyền cỡ nhỏ, đáy cạn, chèo đi trong kênh nào cũng được. Bọn Yuôn có thuyền to, thuyền nhỏ nhiều không kể xiết, vì đây là đất nước của họ, không như ta, từ xa đến, có thuyền bé nhưng mang đến không được vì đi đường biển, mang đi khó. Do đó về mặt thuỷ chiến, ta thất thế Yuôn một tí…

… Ở cù lao Teng này, trước đây, trong thời vua thứ nhất (tức vua Phrábạt Xổmđệt Phráphútthá Yódphá Chụlalốc), cháu vua, Cháu Fá Krôm Luổng Thếp-hạrịrắc làm tổng chỉ huy quân đội đã đánh nhau với Yuôn ở cù lao Teng này một lần rồi, quân đội ta bị đánh tan, chạy trốn Yuôn, thua Yuôn một trận rồi ở cù lao Teng này, làm cho Ngài bị nhà vua bắt giam khá lâu. Cù lao Teng này là trận địa chiến thắng của bọn Yuôn, chúng đã từng đại thắng ở đây nhiều rồi. Bọn Yuôn sẽ lập mưu lừa chúng ta ở đây một lần nữa. Ngài hãy quan tâm đề phòng để bảo toàn tính mệnh và danh dự ở cù lao Teng này để được tiếng tăm lâu dài về sau…”.

Trên đây là một đoạn của lời ông Cháu Phráya Bạđinđatxa giảng và dặn dò Cháu Phráya PhráKhlăng, tướng chỉ huy thuỷ quân Xiêm. Sau đấy đội quân Xiêm phải rút khỏi vùng Rạch Gầm, để khỏi phải thua chạy như 48 năm về trước.

Trong chiến trận, cũng đã có sự kiện đáng ghi nhớ nhiều chuyện như chuyện giáo sĩ người Pháp cùng đi đánh Tây Sơn với quân đội Xiêm:

“… Lần ấy, đã sai giáo sĩ người Pháp tên Pể Rô trong bộ đội Phráya Víxệt Xổng Khram, đi quyến rũ bọn con chiên người Yuôn nhà ở Rạch Chương đấy. Con chiên Yuôn cũng bằng lòng theo giáo sĩ Pể Rô khoảng 300 người, ngoài ra còn có thanh niên tráng kiện và gia đình được khoảng 400 hơn. Giáo sĩ Pể Rô và Phráya Víxệt Xổng Khram thực hiện việc quyến dỗ con chiên và giữ gìn đầu kênh khá lâu”…

Lại còn có chuyện thuỷ quân Việt Nam thả bè lửa định đốt chiến thuyền Xiêm La nhưng vô hiệu quả (theo Annam - Xaỷam Yứt).

… Đến ngày rằm tháng 3, ban đêm trăng sáng, vào lúc 2 giờ khuya, Yuôn thả bè tre đốt lửa trên bè, thả bè rất nhiều, đếm không xiết, nhưng bè lửa Yuôn không trúng chiến thuyền Xiêm, thuyền Xiêm không cháy một chiếc nào cả…

 

Trang 528 có đoạn:

“Khi đội chiến thuyền Xiêm La đến gần đội chiến thuyền Yuôn thì chúng bắn súng đại bác cả to lẫn bé. Chiến thuyền Yuôn chiến đấu quyết liệt, thuyền đầy cả sông, dàn thành hàng một rồi vây vòng cả hai bên bờ, trên dòng sông không còn chỗ cho chiến thuyền Xiêm di chuyển để bắn đại bác trả lại.

Bấy giờ đội chiến thuyền tiên phong của Xiêm ở giữa dòng sông, thấy thuyền Yuôn chặn cả dòng sông, không có đường tiến, nên bỏ neo ngay giữa sông…

(trang 533):

Cháu Phráya Bađinđêtxa thấy thuỷ quân Yuôn lên bộ giúp bộ quân thì biết ngay rằng chắc chắn là thuỷ quân Xiêm đã thua thuỷ quân Yuôn rồi. Do đó, thuỷ quân Yuôn lên bộ giúp đánh thắng quân đội Xiêm nhiều đội, người chết quá nhiều có cả tướng sĩ và lính thường. Cháu Phráya Bađinđêtxa nói rằng:

“Chiến thuật Yuôn sâu sắc và dũng cảm lắm, cả bộ quân và thuỷ quân, có khả năng bỏ thuyền lên bộ giúp đánh thắng ta nhiều đội, nghĩ rằng ta không đủ sức chiến đấu với Yuôn. Thuỷ quân Xiêm không đủ để ủng hộ bộ quân, riêng bộ quân bị thiệt do quân Yuôn quá nhiều. Nếu thuỷ quân Yuôn vây ta ở đầu kênh Vàm Nao rồi vòng phía sau đánh bộ quân ta ở đầu kênh Sa Đéc thì ta sẽ mắc vào cảnh chạy thì không có đường chạy, ở lại chiến đấu cũng không nổi vì người ít, không có bộ đội đến giúp, nếu tiếp tục chiến đấu thì sẽ bị vây tứ phía. Nếu ta thắng thì không được gì vì bọn Yuôn chỉ có chạy trốn là cùng, mà ta bại thì không còn gì, không một người nào thoát chết, chỉ vì đội chiến thuyền không tiến quân kịp thời”. Nghĩ như thế, bèn ra lệnh cho rút quân, chờ nghe tin thuỷ quân đã”.

Xiêm La đã mang hàng trăm nghìn quân (theo con số của thư tịch Thái Lan) sang xâm lược Việt Nam và đánh phá suốt 14 năm, theo lời bạt của sách Thái Annam Xayảm Yứt (Chiến cục Annam - Xiêm).

“Nếu tính từ lúc Xiêm bắt đầu chiến đấu với Yuôn năm Tị, can thứ 5 tiểu nguyên cho đến lúc ngưng chiến năm Mùi can thứ 9 tiểu nguyên thì Xiêm và Yuôn đánh nhau 14 năm mới chấm dứt rồi trở thành hữu bang với nhau”.

Nguồn: Xưa & Nay, số 131, 1/2003.

Thawi Swangpanyangkoon