Tên gọi Việt Nam trong ngôn ngữ của người nước ngoài.

Post date: Apr 24, 2012 4:46:56 PM

Tên gọi Việt Nam trong ngôn ngữ của người nước ngoài.

Trần Hoàng Vũ - Bài đăng trên e-news Đại học An Giang.

Quốc gia nào cũng thường có hai cái tên, một cái tên do chính họ đặt ra và một cái tên do các dân tộc láng giềng dành cho họ. Người Ba Lan tự gọi mình là Polska, người Nhật tự gọi mình là Nippon,... nhưng người nước ngoài thì lại gọi bằng những cái tên khác. Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Trong suốt quá trình lịch sử giao lưu của Việt Nam với bên ngoài, Việt Nam cũng như người Việt đã được các dân tộc khác gọi bằng nhiều cái tên khác nhau.

Cái tên đầu tiên mà người nước ngoài đặt cho chúng ta chính là "Việt". Cái tên này -thường được nhắc đến một cách đầy đủ là "Bách Việt"- bắt đầu phổ biến từ thời Xuân Thu-Chiến Quốc. "Việt" trong tiếng Hán có nghĩa phổ biến là "vượt qua", nhưng nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng không nên tìm ý nghĩa của cái tên này theo nghĩa chữ của nó. "Việt" là một cái tên mà người Trung Hoa dùng để phiên âm tên gọi của dân tộc Việt Nam theo chính cách gọi của người Việt.Trong các thời kỳ phong kiến độc lập, người Trung Hoa đã gọi Đại Việt bằng những cái tên khác nhau. Nhà Tống thoạt tiên gọi nước ta là Giao Chỉ và các vua đầu nhà Lý được phong là Giao Chỉ quận vương. Đến năm 1164, quốc hiệu nước ta được đổi gọi là An Nam quốc. Cái tên này được sử dụng ổn định cho mãi tới đầu triều nhà Thanh. Khi cục diện Đàng Trong-Đàng Ngoài bắt đầu rõ rệt, triều đình Trung Hoa tiếp tục dùng cái tên An Nam để chỉ phần đất của triều đình Lê-Trịnh và gọi Đàng Trong là Quảng Nam quốc, vì lúc bấy giờ Quảng Nam là cửa ngõ ngoại thương lớn nhất Đàng Trong. Khi Gia Định nổi lên như một vùng đất độc lập dưới quyền Nguyễn Ánh, nhà Thanh đã gọi vùng đất này là nước Nông Nại (phát âm hai chữ Đồng Nai theo tiếng Hoa). Năm 1802, Gia Long thống nhất đất nước và cử sứ giả sang nhà Thanh. Vua Gia Khánh đã quyết định gọi nước ta là Việt Nam quốc (1804).

Trong thế kỷ XVII, người Nhật cử nhiều thương thuyền đến Đông Nam Á, trong đó có Đàng Trong và Đàng Ngoài. Thoạt tiên, họ rất lúng túng trong cách gọi tên vùng đất tuy hai mà một đó. Cuối cùng, người Nhật đã quyết định dùng tên "An Nam" để gọi Đàng Ngoài và "Giao Chỉ" để gọi Đàng Trong.

Các dân tộc phía Nam lại gọi chúng ta bằng những cái tên hoàn toàn khác. Các văn bia Champa và Khmer trước thế kỷ XV gọi người Việt và quốc gia của người Việt là Yavanas. Đến năm 1511, nhà hàng hải Tomes Pires viết báo cáo mang tên "The Suma Oriental" đã cho biết, tại Malacca người ta gọi Đại Việt là Cochinchine. Vào thế kỷ XVIII, một truyền thuyết của người Lào có đề cập tới một đạo quân của vua nước Phù Xun sang giúp người Lào đánh đuổi quân Xiêm. Nước Phù Xun chính là triều đại Tây Sơn của Nguyễn Huệ, đóng đô ở Phú Xuân. Trong khi đó, người Thái Lan thời kỳ này lại gọi Nguyễn Ánh là Chao Namgok (Chiêu Nam Cốc). Chao có nghĩa là vua, Namgok = Nam quốc.

Cái tên Cochinchine của người Malacca được các nhà hàng hải Bồ Đào Nha sử dụng rộng rãi trong các bản đồ của mình và từ đó ảnh hưởng tới cả cách gọi của các dân tộc châu Âu khác. Khi xuất hiện cục diện Đàng Trong-Đàng Ngoài, cái tên Cochinchine được dùng để chỉ Đàng Trong. Với Đàng Ngoài, họ gọi là Tonkin (hoặc Tunquin, Tongking... tùy theo mỗi quốc gia), theo tên gọi thủ đô Đàng Ngoài lúc đó là Đông Kinh. Sau khi Gia Long thống nhất đất nước, tên gọi Cochinchine được người châu Âu sử dụng để chỉ toàn thể lãnh thổ Việt Nam.

Trong thời kỳ thuộc địa, thực dân Pháp chia lãnh thổ Việt Nam ra thành ba kỳ với ba tên gọi khác nhau. Bắc Kỳ được gọi là Tonkin, Nam Kỳ là thuộc địa Cochinchine và Trung Kỳ là An Nam, người Việt Nam được gọi là người Annamites. Sau khi giành được độc lập, chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực để cái tên Vietnam được sử dụng một cách rộng rãi thay cho các tên gọi cũ.