Khẩn hoang và tri tạo kiến văn địa lý - trường hợp Tri Tôn

KHẨN HOANG VÀ TRI TẠO KIẾN VĂN ĐỊA LÝ – TRƯỜNG HỢP TRI TÔN

Trần Hoàng Vũ


Khởi đầu với ý nghĩa là “nghiên cứu năng lực đọc viết”, Literacy Studies dần dần mở rộng phạm vi nghiên cứu ra toàn bộ các yếu tố liên quan đến việc hình thành tri thức và truyền bá tri thức trong một xã hội nhất định. Ở Việt Nam, Trần Trọng Dương đề xuất dịch Literacy Studiestri tạo kiến văn. Thuật ngữ đó để chỉ quá trình tìm hiểu (tri) để hình thành (tạo) các hiểu biết (kiến văn) trong một lĩnh vực cụ thể. Một trong số những lĩnh vực quan trọng của tri tạo kiến văn chính là tri tạo kiến văn địa lý. Trần Trọng Dương định nghĩa rằng: “Hoạt động tri tạo kiến văn địa lý (geographical literacy practice) ở đây được hiểu là các hoạt động ghi chép về địa lý để tạo nên các văn bản sử liệu thể hiện sự nhận thức của chủ thể/tham thể (literacy factor) về một vùng lãnh thổ, hoặc một vùng đất nào đó. Hoạt động tri tạo kiến văn địa lý còn bao gồm cả khả năng giải đọc các văn bản sử - địa, các kỹ năng đọc hiểu bản đồ, và rộng hơn là các phương thức sử dụng bản đồ, các quan niệm định hình bản đồ được truyền thừa trong lịch sử”[1]. Hoạt động tri tạo kiến văn địa lý gồm ba bước: 1- thu thập sử liệu và tư liệu thực địa; 2- biên soạn tập sử liệu; 3- bản đồ hóa trên mặt bằng hai chiều. Hoạt động này cung cấp cho mọi người những hình dung về địa – thể (geo – body: hình thể địa lý) của đất nước, từ đó gia tăng sự cố kết cộng đồng và giúp định hình tinh thần dân tộc. Ở một khía cạnh khác, nghiên cứu các tư liệu địa chí, bản đồ dưới góc độ tri tạo kiến văn cho phép ta bóc tách và đánh giá từng ghi chép địa lý trong từng giai đoạn cụ thể. Trong bối cảnh lịch sử của các vùng đất đang trong thời kỳ khai phá, sự bóc tách này cung cấp rất nhiều hiểu biết về tình trạng khẩn hoang trong khu vực thông qua mức độ định danh các yếu tố địa lý như núi, sông, ao hồ, làng xã v.v.., việc mô tả các đặc trưng địa lý của từng địa điểm cụ thể, sự lượng hóa các địa điểm đó thông qua các phép đo đạc và việc tái thể hiện những hình dung về địa – thể (geo-body) của khu vực thông qua bản đồ.

Đối với vùng đất Nam Bộ, hoạt động tri tạo kiến văn địa lý của thế kỷ XVII-XVIII còn để lại rất ít bằng chứng. Hiện nay chúng ta không thấy một sách địa chí nào về Đàng Trong có niên đại biên soạn thời chúa Nguyễn. Hoạt động tri tạo kiến văn địa lý ở Đàng Trong chỉ nở rộ khi quân Trịnh đánh chiếm lại Phú Xuân và tiến hành biên soạn nhiều tác phẩm địa lý, bản đồ để hiểu rõ hơn vùng đất tái chiếm. Các tác phẩm đó bao gồm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Nam hành ký đắc tập của Phạm Nguyễn Du, Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh và tập bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Bùi Thế Đạt. Tuy nhiên, qua khảo sát các mô tả của Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, chúng ta sẽ thấy rằng bộ bản đồ này đã được biên soạn dựa trên các tư liệu bản đồ được thiết lập từ thời chúa Nguyễn. Chẳng hạn, bản đồ số 14 vẽ vùng Đồng Nai – Gia Định đã được vẽ trong khoảng 1674-1690[2]. Hoạt động tri tạo kiến văn địa lý ở Nam Bộ chỉ để lại nhiều thành quả từ khi triều Nguyễn được thành lập. Bài viết này tập trung phân tích một khu vực tiêu biểu thể hiện rõ cho quá trình tri tạo kiến văn địa lý tại Nam Bộ: vùng đất Tri Tôn.

1. Thu thập tư liệu và những biên soạn tập sử liệu đầu tiên: từ Lê Quang Định (1806) đến Trịnh Hoài Đức (1820):

Ngay khi vừa mới thành lập, triều Nguyễn đã “sức cho các trấn quan ghi chép đo đạc đường sá, chia đặt dịch trạm, thời gian đi đường châm chước cứ lấy nửa ngày làm mốc theo sức của người bình thường, lại còn kê rõ lộ trình trong hạt của mình, tổng hợp lại để làm thành sách”[3]. Thành quả điều tra đó được Thượng thư bộ Binh, Mẫn Chính hầu Lê Quang Định tập hợp lại trong 10 quyển Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (hoàn thành năm 1806). Do nó được biên soạn dựa theo phương pháp mô tả các đặc trưng địa lý, dân cư trên từng chặng đường bộ, đường thủy ở các dinh, thành, trấn, đạo nên có thể xem đây là bộ địa chí mô tả chi tiết nhất về hiện trạng địa hình địa mạo, phân bố dân cư ở nước ta thời triều Nguyễn.

Khảo sát các ghi chép của Lê Quang Định về khu vực tương ứng với địa bàn tỉnh An Giang ngày nay trong hai phần chép về dinh Vĩnh Trấn ở quyển 2 và quyển 7, ta thấy các khu vực dọc sông Tiền Giang và Hậu Giang được tập trung mô tả, trong đó kỹ nhất là khu vực thuộc địa bàn huyện Chợ Mới ngày nay. Đây là khu vực được khai phá sớm nhất và do đó được hiểu rõ nhất với nhiều địa danh được xác định nhất. Khu vực miền núi phía tây của tỉnh chỉ được miêu tả sơ sài, nhưng cũng cho thấy một sự am hiểu về tuyến đường đi xuyên qua khu vực ấy để kết nối với các vùng trù mật hơn của dinh Vĩnh Trấn. Ở cuối quyển 7, Lê Quang Định mô tả: “Từ rạch Châu Đốc ... bốn vạn ba ngàn năm trăm bảy mươi [43.570] tầm ... đến ngã ba đường thủy ở cù lao Sài Mạt”. Cụ thể “giữa đường đi qua rạch Vung Cần Thăng 𡍙 芹 升, Láng Suất 𣼽 [氵率], rạch Sơn Lông 山 [竜羽]”[4]. Đến ngả ba cù lao Sài Mạt thì “nhánh trái đi ra rạch Thuyết Nói 説 訥, đi về phía đông bốn vạn chín ngàn mười lăm [49.015] tầm, giữa đường đi qua khe Chiết Trà Ấn 折 茶 印, trong khe có cầu, qua cầu đó lại có ngả ba đường thủy, theo nhánh bên phải thì đến rạch Ba Rách 𠀧 𧞿, theo nhánh trái rạch Mạt Cần Đăng 末 芹 簦”. Như vậy, vào đầu thế kỷ XIX, có một con đường thủy theo đường sông Châu Đốc và rạch Dung Thăng sau đó vòng vào khu vực Bảy Núi rồi thông ra Ba Rách (tức rạch Long Xuyên) và Mạt Cần Đăng (tức Mặc Cần Dưng). Con đường này được nhóm Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu nhắc lại vào năm 1810. Họ cho biết rạch Mạt Cần Nhưng “ăn thông sang sông lớn Chân Sum”[5].

Địa danh rạch Thuyết Nói 説 訥 khiến ta liên tưởng đến tên làng Thuyết Nạp 説 納 trong địa chí Châu Đốc của người Pháp[6]. Làng Thuyết Nạp được người Pháp xác định là nằm ở phía đông nam núi Phú Cường, là vùng cửa ngõ để đi vào huyện Tri Tôn hiện nay. Một bản đồ của người Pháp đề ngày 23-8-1861 đã mô tả lại các thủy lộ này giống hệt với những gì Lê Quang Định đã ghi chép hơn nửa thế kỷ trước – ngoại trừ việc có thêm kênh Vĩnh Tế mới đào sau này và vùng Náo Khẩu Ca Âm mà Lê Quang Định không ghi. Một phần con đường thủy ấy chính là đường ranh giới chia cách phủ Tịnh Biên với phủ Tuy Biên dưới triều Nguyễn. Nếu như sự liên kết Thuyết Nói – Thuyết Nạp là đúng, chúng ta có thể suy ra rằng khu vực xung quanh chân núi Phú Cường đã được người Việt tiếp xúc và hiểu rõ từ đầu thế kỷ XIX với rất ít gián đoạn cho đến tận đầu thế kỷ XX. Ta cũng sẽ không ngạc nhiên vì sao vua Minh Mạng lại chọn khu vực này để đặt dịch trạm đầu tiên trên con đường mới mở nối Hà Tiên – Châu Đốc[7].

Kế hoạch mở một thủy lộ mới nối thẳng đồn Châu Đốc với Hà Tiên của vua Gia Long khiến khu vực này được khảo sát kỹ càng hơn trong các năm 1816 và 1819. Đặc biệt, vào năm 1816, đoạn đường từ đồn Châu Đốc đến vàm Đông Hồ được đo thành mười đoạn:

- Từ hữu hậu phía sau đồn Châu Đốc đến cửa trác Ỷ Hâm dài 3265 trượng.

- Từ cửa trác Ỷ Hâm đến cửa trác Trà Bát (đoán là hai đầu Náo Khẩu Ca Âm) dài 2037 trượng 5 thước.

- Từ cửa trác Trà Bát đến bến Cầm Long dài 2104 trượng 5 thước.

- Từ bến Cầm Long đến gò Trà Bích dài 660 trượng 5 thước.

- Từ gò Trà Bích đến Trà Niên dài 744 trượng 5 thước.

- Từ Trà Niên đến Diệp Bà Đê dài 1138 trượng 5 thước.

- Từ Diệp Bà Đê đến Chuông Song dài 2291 trượng 5 thước.

- Từ Chuông Song đến Hạm Tháp dài 2220 trượng 5 thước.

- Từ Hạm Tháp đến lạch Cây Cờ dài 215 trượng 5 thước.

- Từ chỗ cắm tiêu ở lạch Cây Cờ đến cửa Phiếm (tức cửa vàm sông Giang Thành đổ vào Đông Hồ) dài 242 trượng 5 thước[8].

Năm 1819, tuyến đường này đã được Hiệp trấn Hà Tiên là Mạc Công Du khảo sát một lần nữa, vẽ thành bản đồ dâng lên vua Gia Long[9].

Những cuộc khảo sát này cộng thêm hoạt động nhộn nhịp của hai công trường đào kênh Vĩnh Tế cuối năm 1819 – đầu năm 1820 (một do người Việt chỉ huy và một do người Khmer chỉ huy, từ hai đầu tiến về đoạn giữa) đã giúp hiểu sâu hơn về địa lý vùng núi phía tây trấn Vĩnh Thanh (lúc đó còn chưa có khái niệm Thất Sơn hay Bảy Núi). Các hiểu biết này nhanh chóng được Hiệp tổng trấn thành Gia Định, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức thâu thập vào trong cuốn Gia Định thành thông chí hoàn thành vào năm 1820.

Trong phần Sơn xuyên chí chép về trấn Vĩnh Thanh, Trịnh Hoài Đức đã ghi chép được 19 tên núi. Mười chín tên núi này được Trịnh Hoài Đức mô tả bao gồm các thông tin: (1) tên, (2) chiều cao, (3) chu vi, (4) vị trí núi khi so với một mốc nào đó, (5) hình dáng núi, (6) sản vật trên núi, (7) tình trạng dân cư ở khu vực xung quanh. Những ghi chép này cho thấy sự am hiểu rõ ràng của người Việt về khu vực núi non phía tây trấn Vĩnh Thanh vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng những tính toán về chiều cao và chu vi của các núi hoàn toàn không phù hợp với bất kỳ số liệu đo đạc hiện đại nào. Điều đó thể hiện những hạn chế trong khâu trắc địa và tính toán bản đồ của nước ta dưới triều Nguyễn.

Khu vực huyện Tri Tôn ngày nay tuy thuộc về “vùng sâu vùng xa” nhưng đã được Trịnh Hoài Đức ghi nhận khá rõ với bốn núi: Ba Xuy, Ngất Sum, Nam Vi và Đài Tốn. Tên các núi này được Trương Vĩnh Ký đọc sang Quốc ngữ là: Bà-xôi, Ác-giùm (Ấc-giùm trong tiếng Hán), Nam-vi, Đài-tố[10]. Những đứt gãy về kiến thức địa lý cộng thêm những ghi chép gây nhiễu của Đại Nam nhất thống chí (sẽ thảo luận ở phần sau) khiến việc xác định tên gọi của một số núi hiện nay không dễ dàng. Ngoại trừ núi Nam Vi nay vẫn còn tên gọi cũ, ba núi còn lại lần lượt tương ứng với các tên gọi hiện đại sau: núi Ba Xuy (Bà-xôi) tức núi Cấm, núi Ngất Sum (Ác-giùm) tức núi Dài và núi Đài Tốn (Đài-tố) tức núi Tô. Tên gọi sơ khởi của các núi này cho thấy dấu ấn chuyển ngữ từ cách gọi trong tiếng Khmer: Bà-xôi – Phnom Popal, Ác-giùm – Okdum, Nam Vi – Phnom Pi. Riêng núi Đài Tốn dường như là được đặt riêng theo nghĩa tiếng Hán, thông qua sự nhận xét về phương vị của núi này ở trên bản đồ, chứ không dựa vào tên gốc Khmer. Theo sự mô tả của Trịnh Hoài Đức, xung quanh bốn núi này đều có dân cư. Ở núi Bà-xôi (núi Cấm), “nhà tranh cửa nứa, thôn xóm đoàn tụ ở đấy”. Ở núi Ác-giùm, “nhân dân dựa chân núi để ở, bày nên thôn xóm, là chỗ tụ họp chợ rừng”. Ở núi Nam Vi, “dân rừng khách rỗi, dựng lều đắp nhà làm ăn ở dưới núi đó”. Đặc biệt ở núi Đài Tốn, “dấu người đi lại gần thì tiếp với đồng ruộng, xa thì tới phá chằm, những dân cày ruộng chài cá, chia nhau ở thành loại, khi thường vẫn nghe thấy tiếng gà gáy trăng dưới núi, tiếng chó sủa xuân trong động, thực có vẻ yên hà ở ngoài đời”[11].

2. Chia vạch địa giới và những hình dung về địa – thể (geo – body): các hoạt động tri tạo kiến văn địa lý dưới triều Minh Mạng và Thiệu Trị.

Bởi vì con đường giao thông đã được mở thông thẳng tắp, công cuộc khẩn hoang của người Việt vào vùng núi phía tây càng được đẩy mạnh. Từ đây bắt đầu quá trình thay thế một cách từ từ các tên gọi phiên âm từ tiếng Khmer sang sử dụng các địa danh do người Việt đặt. Ngay sau lần đào kênh Vĩnh Tế đợt thứ nhất, vua Minh Mạng đã thiết lập đường trạm nối thông Châu Đốc – Hà Tiên để thay thế cho con đường biển phải vòng qua mũi Cà Mau. Nhà trạm này được đặt ở vùng lân cận núi Tà Biệt với tên gọi là trạm An Nông. Địa bạ triều Nguyễn về sau có ghi nhận một làng cùng tên là An Nông ở khu vực ấy. Làng An Nông có lẽ đã có rất sớm, vì đến năm 1832, một bộ phận dân làng ấy lại xin tách ra để lập làng Phú Cường. Tên của ngôi làng thành lập sau này có lẽ là lý do để núi Tà Biệt thời Trịnh Hoài Đức đến ngày nay đã được gọi bằng tên núi Phú Cường.

Công cuộc đo đất và thiết lập địa bạ do triều Nguyễn tiến hành từ năm 1836 cho phép các tên làng được sử dụng để xác định một phạm vi địa lý cụ thể, với đông tây tứ cận rõ ràng. Ở nhiều nơi trong tỉnh An Giang, các địa danh hành chính hiện đại trên thực tế là những tên làng xưa được ghi trong địa bạ thời Minh Mạng. Với Tri Tôn, tư liệu địa bạ còn sót lại cho phép xác định các làng Vĩnh Thông, Vĩnh Lạc (khoảng khu vực xã Lạc Quới hiện nay), Vĩnh Trung, Thới Hưng (khoảng khu vực núi Nam Vi). Cả ba đều thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên. Địa bạ triều Nguyễn khi định vị các làng này đều phải dùng nhiều địa danh phiên âm từ tiếng Khmer sang: thôn Vĩnh Lạc ở xứ Trà Nóc Hữu Ngạn, thôn Vĩnh Trung ở xứ Nam Vi, thôn Thới Hưng ở hai xứ Nam Vi, Chơn Nam[12]. Năm 1839, vua Minh Mạng đem vùng Tri Tôn đặt thành huyện Hà Dương, thuộc phủ Tĩnh Biên, tỉnh Hà Tiên.

Tuy nhiên, với Tri Tôn, tiến trình định danh các khu vực địa lý đang diễn ra thì đã vấp phải những biến động quân sự làm xáo trộn nó. Vừa khéo thay, các làng mà tư liệu địa bạ cung cấp lại đại diện cho ba hướng ứng xử trước biến động quân sự to lớn ấy. Cuối năm 1840, các cuộc nổi dậy của người Thổ ở khu vực miền núi phía tây đã khiến cho triều Nguyễn chú ý hơn đến vùng này. Quân nổi dậy chiếm đóng hoàn toàn địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay, khiến cho các làng Việt vừa mới lập cũng bị ảnh hưởng. Làng Vĩnh Lạc và Vĩnh Thông ở ven kênh Vĩnh Tế được quân đội triều đình kiểm soát và bảo vệ nên còn trụ vững. Làng Vĩnh Trung kéo dài từ Nam Vi lên phía đông bắc núi Cấm phải rút lui về phía bắc. Bản đồ thời Pháp cho thấy làng Vĩnh Trung đã không còn thuộc về địa bàn huyện Tri Tôn ngày nay nữa. Làng Thới Hưng kém may mắn hơn, đã hoàn toàn biến mất.

Các hoạt động quân sự thường xuyên ở khu vực này những năm 1840-1842 đã dẫn đến hai hệ quả: một là, các địa danh trọng yếu của khu vực Tri Tôn liên tục xuất hiện trong các báo cáo của triều Nguyễn; hai là, khu vực huyện Tri Tôn dần dần được nhắc đến như là một khu vực địa lý riêng biệt, với một tên gọi mà ngày nay ta đã quen thuộc: Thất Sơn.

Trong chiều hướng thứ nhất, các báo cáo quân sự của triều Nguyễn đã cung cấp cho ta nhiều địa danh ở khu vực Tri Tôn như: Trà Nục (tức Trà Nóc trong địa bạ làng Vĩnh Lạc), Tượng Sơn (tức núi Tượng ở Tri Tôn, đã được nhắc tới trong địa bạ làng Vĩnh Lạc; phân biệt với Tượng Sơn trong Gia Định thành thông chí là chỉ núi Sam ở thành phố Châu Đốc), Bàn Ly (nằm đâu đó ở khu vực giáp ranh của xã Lê Trì và Châu Lăng của Tri Tôn với xã An Hảo huyện Tịnh Biên, nằm giữa núi Dài và núi Cấm). Địa danh sóc Xoài Tốn trong địa bạ thôn Thới Hưng cũng được nhắc đi nhắc lại với nhiều phiên bản: Xuy Tốn (1840 – trong chiến dịch của Dương Văn Phong)[13], Xoài Tốn (1841 – trong lời bàn của Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách), Sà Tôn (1842 – trong chiến dịch của Lê Văn Đức)[14]. Người Pháp cũng sẽ ghi nhận làng Tri Tôn thuộc tổng Thành Lễ. Làng này có một chợ quan trọng mà người Annam gọi là Soai-ton. Đây là nguồn gốc tên gọi huyện Tri Tôn ngày nay.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là tiến trình Việt hóa một số tên núi quan trọng ở Tri Tôn. Cuối năm 1840, Quyền thự Tổng đốc An Hà là Dương Văn Phong khi lên kế hoạch còn gọi tên núi Ba Xuy. Dương Văn Phong sẽ theo sông nhánh Hiến Cần (tức Mặc Cần Dưng – Trương Vĩnh Ký gọi là Hiến Cần đà) tiến đánh xứ Xuy Tốn, mà để Thự phủ Hà Tiên là Lê Quang Huy tấn công núi Ba Xuy. Hai cánh quân sẽ hợp lại ở núi Nam Vi[15]. Tuy nhiên, đến đầu năm 1842, khi Tổng đốc An Hà là Phạm Văn Điển lên kế hoạch tiến công từ đồn Tiên Nông qua Ba Thứ tới Bàn Ly thì ngọn núi ở phía bên trái xứ ấy đã được gọi là núi Cấm Sơn, còn ngọn núi bên phải lại mang tên là núi Ốc Dâm[16]. Núi Ba Xuy trong Gia Định thành thông chí đến đây đã chính thức mang tên là núi Cấm. Còn núi Ngất Sum (tức núi Dài) thì đã mang một phiên âm khác là núi Ốc Dâm. Một chiến dịch diễn ra tiếp sau đó – nối tiếp thành quả của Phạm Văn Điển – do Tổng thống Lê Văn Đức chỉ huy nhắm vào Tô Sơn (tức núi Tô). Tên núi Đài Tốn mà Trịnh Hoài Đức ghi chép đã hoàn toàn biến mất.

Trong chiều hướng thứ hai, phần đất huyện Tri Tôn ngày nay đã được triều Nguyễn hình dung như là một khu vực địa lý đặc thù với tên gọi Thất Sơn. Tên gọi này đã được nhắc đến lần đầu vào tháng 11 năm Minh Mạng thứ 21 (1840), khi đầu mục quân nổi dậy là Chân Triết phái thuộc hạ “đem hơn 2.000 quân từ núi Thất Sơn đến quấy nhiễu huyện lỵ Kiên Giang”[17]. Tuy nhiên, phải đợi đến tháng 11 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), lĩnh Tuần phủ An Giang là Nguyễn Công Trứ và thự Đề đốc Vĩnh Long là Đoàn Văn Sách cùng tâu với vua Thiệu Trị: “Vĩnh Tế là đường vận tải thông báo của tỉnh An Giang, phía bắc sông này liên tiếp với Thất Sơn, phía nam sông này liên tiếp với các núi Sâm Đăng, Chân Sâm, Bà Đê, Cần Thế, Lệ Chân”[18] thì cụm từ Thất Sơn mới trở nên thông dụng trong các chỉ thị của vua Thiệu Trị và tâu báo của địa phương.

Đại Nam nhất thống chí là tài liệu đầu tiên giải thích phạm vi của Thất Sơn. Theo đó, Thất Sơn bao gồm bảy ngọn núi: núi Tượng Sơn 象 山, núi Tô Sơn 蘇 山, núi Cấm Sơn 禁 山, núi Ốc Nhẫm 渥 [氵壬], núi Nam Vi 南 爲, núi Tà Biệt (Lục tỉnh Nam Việt gọi là Châm Biệt 針 別), núi Nhơn Hòa 人 和 (tục gọi là núi Sáng Cháy 𤏬 𤈜)[19]. Tên gọi tương ứng của chúng ngày nay là: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Nam Vi, núi Bà Đội (núi Sáng Cháy có lẽ là một cách ký âm chưa đúng của xứ Láng Cháy 浪 𤈜[20], phía đông núi Bà Đội còn có kênh Láng Cháy).

Khái niệm Thất Sơn thời Nguyễn hoàn toàn khác biệt với khái niệm Thất Sơn – Bảy Núi mà ta dùng ngày nay. Trong những thống kê thời cận hiện đại, ta thấy những cố gắng thâu tóm các núi ở phía bắc vào khu vực Thất Sơn. Nguyễn Văn Hầu kể thêm núi Trà Sư, núi Két. Lê Văn Đức kể thêm núi Sam, núi Két[21]. Trần Thanh Phương kể thêm núi Dài Năm Giếng, núi Két, núi Nước. Thời Nguyễn, Thất Sơn chỉ bao gồm các núi quan trọng ở phía nam. Thất Sơn là chỉ khu vực do quân nổi dậy chiếm đóng, là một địa danh mang tính quân sự. Bảy ngọn núi được kể trong Đại Nam nhất thống chí đều là những ngọn núi dụng binh quan trọng trong các chiến dịch cuối thời Minh Mạng đầu thời Thiệu Trị. Khái niệm Thất Sơn được các thế hệ sau cố gắng mở rộng ra, cho bao trùm tất cả các núi quan trọng trong vùng núi phía tây của tỉnh. Đến lúc này thì Thất Sơn từ một khái niệm địa lý – quân sự đã chuyển thành một khái niệm địa lý – văn hóa. Căn cứ nổi dậy đã bị dẹp tan, nhưng khái niệm Thất Sơn không biến mất mà được tái sử dụng lại cho một nhiệm vụ mới, với nội hàm mở rộng ra ngoài phạm vi địa lý mà nó ám chỉ lúc đầu.

3. Bản đồ hóa, bổ sung tập sử liệu và tái bản đồ hóa: các tài liệu địa chí thời Tự Đức.

Khu vực Tri Tôn có lẽ đã được bản đồ hóa từng phần trong các cuộc khảo sát địa lý để đào kênh Vĩnh Tế. Hoạt động đo đạc đất đai để làm sổ địa bạ cũng tạo ra những bản đồ cục bộ cho một số làng. Chẳng hạn, một bản đồ đơn giản đã được thôn trưởng thôn Vĩnh Thông là Trần Văn Điền vẽ lại trong tờ bẩm xin đo ruộng năm 1837. Năm 1861, triều đình Tự Đức tiến hành biên soạn Đại Nam nhất thống dư đồ thì vùng Tri Tôn là điểm được chú ý mô tả một cách khá chi tiết. Trong phần tỉnh An Giang, những nhà làm địa lý đã bỏ qua các núi khác mà đặc tả vùng Thất Sơn (Tri Tôn) với bảy ngọn núi: Tà Biệt 斜 別, Ốc Nhẫm 渥 [氵壬], Thị Vi 氏 爲, Ba Xuy 波 吹, Nam Vi 南 爲, Nhơn Hòa 人 和, Đài Tốn 臺 巽[22].

Rất nhiều thông tin địa lý mới mẻ được thu thập trong giai đoạn này đã được đưa vào bộ địa chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn – bộ Đại Nam nhất thống chí. Vua Thiệu Trị đã đề cập tới các ghi chép của một bản Đại Nam nhất thống chí vào năm 1842. Nhưng bộ sách này ngày nay được biên soạn chủ yếu dưới thời Tự Đức, và được khắc in dưới dạng một bản bổ sung nhưng lược bỏ các tỉnh Nam Kỳ dưới triều Duy Tân.

Ngoài việc bổ sung lịch sử dựng đặt và thay đổi các đơn vị hành chính của khu vực Tri Tôn, Đại Nam nhất thống chí còn bổ sung thêm 5 tên núi cũng thuộc khu vực Tri Tôn. Sự bổ sung kiến thức địa lý tập trung trong một khu vực nhỏ thể hiện mối quan tâm đặc biệt của triều Nguyễn với vùng này. Tuy nhiên, phân tích những ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí cho thấy các mục từ được ghi nhận trong sách chỉ là kết quả của quá trình tham khảo thư tịch, mà thiếu đi những khảo sát và đối chiếu trên thực địa. Kết quả là bên cạnh các ghi chép đúng đắn được kế thừa từ Gia Định thành thông chí, những phần tăng bổ, viết thêm của Quốc sử quán triều Nguyễn về núi ở Tri Tôn chứa đầy những sai lầm. Cụ thể:

- Mục từ Tượng Sơn mô tả núi ở cách huyện Hà Dương 31 dặm về phía đông bắc thì rõ ràng chỉ núi Tượng ở Tri Tôn – là ngọn núi được nhắc nhiều trong các chiến dịch quân sự giai đoạn 1840-1842. Tuy nhiên, thông số chiều cao (8 trượng), chu vi (3 dặm) và chi tiết “chân núi có đá thủy tinh” thì rõ là chép lại từ mục Tượng Sơn trong Gia Định thành thông chí. Nhưng Tượng Sơn trong Gia Định thành thông chí lại “ở phía nam đồn Châu Đốc 9 dặm” thì đó phải là núi Sam.

- Các mục từ núi Tô Sơn, núi Cấm Sơn, núi Ốc Nhẫm là trùng lặp với các mục từ núi Đài Tốn, núi Ba Xôi, núi Ngất Sum. Quốc sử quán triều Nguyễn thêm ba núi “mới” vào vì chúng thuộc Thất Sơn và “chưa được ghi”. Nhưng do không đối chiếu được với thực địa nên nhóm biên soạn không biết rằng chúng là những tên gọi mới hoặc cách phiên âm khác của các núi cũ đã được ghi nhận.

- Mục từ núi Nhân Hòa và núi Thị Vi có vẻ cũng chỉ là một núi, hoặc chúng ở rất gần nhau. Vì núi Nhân Hòa mà là núi Láng Cháy thì chỉ có thể là núi Bà Đội. Nhưng núi Bà Đội cũng có thể là núi Thị Vi. Trong địa bạ làng Vĩnh Trung có nói thôn này “tây giáp vùng sơn cước Bà Ve” và “bắc giáp thôn Nhơn Hòa”[23]. Đại Nam nhất thống chí xác định vị trí núi Nhân Hòa một cách mâu thuẫn: “ở phía đông nam huyện Hà Dương, liền với núi Nam Vi”, mà núi Nam Vi thì lại “cách huyện Hà Dương 24 dặm về phía nam”[24]. Bản đồ của người Pháp vẽ cho thấy làng Nhơn Hòa đã rút lui hẳn về phía bắc, và địa bàn chỉ còn tương ứng với khu vực xã Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên ngày nay.

Một bản đồ với tên An Giang toàn đồ được Nguyễn Đình Đầu giới thiệu và phỏng đoán nó được vẽ sau năm 1839[25]. Nhưng thực ra nếu nhìn kỹ sẽ thấy bản đồ đó cố gắng thể hiện những ghi chép của Đại Nam nhất thống chí lên trên bản đồ - một cách phi thực tế. Trong đó, núi Ốc Nhẫm (núi Dài) lại nằm ở phía bắc núi Ba Xuy (núi Cấm); về phía tây sông Vĩnh Tế lại có vẽ núi Ngất Sum (cũng là núi Dài nhưng lại được vẽ ở chỗ khác!).

Trên thực tế, việc bản đồ hóa chính xác các núi ở khu vực Tri Tôn chưa bao giờ là một việc dễ dàng – ngay cả khi người Pháp bắt đầu tiến hành vẽ bản đồ khu vực này theo phương pháp hiện đại. Ngày nay, những thành quả tri tạo kiến văn địa lý dưới triều Nguyễn về khu vực Tri Tôn vẫn là những tư liệu quý hiếm hoi. Trong một thời gian khá dài, những tài liệu địa lý nói về vùng này chỉ có thể lặp lại những thành quả đã thâu thập được trong giai đoạn triều Nguyễn cai trị vùng đất này (chẳng hạn: Đại Việt địa dư toàn biên của nhóm Nguyễn Văn Siêu, Bùi Quỹ, Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí của Duy Minh Thị, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ của Trương Vĩnh Ký), cho đến khi người Pháp tiến hành tri tạo kiến văn địa lý về vùng này theo phương pháp luận của họ.


[1] Trần Trọng Dương, Bản đồ và tri tạo kiến văn địa lý ở Việt Nam thời tiền hiện đại qua mẫu hình nhà Nho hành đạo Nguyễn Huy Quýnh, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 4 (138), 2017, trang 73.

[2] Trần Hoàng Vũ, Giáp Ngọ niên bình Nam đồ với lịch sử khẩn hoang miền Nam, Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang, số 120, tháng 3-2015.

[3] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Lao Động, 2005, trang 12.

[4] Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, quyển 7, tờ 84b. Phan Đăng dịch là Vồng (Vung) Cần Thăng, Suất Sơn Lông. Tôi chọn âm Vung, vì nay rạch đó vẫn được người địa phương gọi là Dung Thăng. Phan Đăng bỏ sót chữ Láng.

[5] Tống Phước Ngoạn, Dương Văn Châu, Xiêm La quốc lộ trình tập lục, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 8 (106), 2013, trang 55.

[6] Publications de la Société des Études Indo-Chinoise, Monographie de la province de Châu-Đốc, Imprimerie L. Ménard, Saigon, 1902, p.24.

[7] Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng hai chữ 説 訥 còn có âm Nôm khác là Thốt Nốt. Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu đã dùng chữ đó để chỉ rạch Thốt Nốt (nay thuộc Cần Thơ). Chính Trương Vĩnh Ký khi kể các sở đánh cá ở hạt Long Xuyên cũng có nói đến Thất-sơn đà hay Thốt-nốt.

[8] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 7, Nxb. Thuận Hóa, 2005, trang 131.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb. Giáo Dục, 2002, trang 994.

[10] Trương Vĩnh Ký, Petit cour de la géographie de la Basse-Cochinchine, Imprimerie Gouvernement, Saigon, 1875, p.49.

[11] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo Dục, 1998, trang 51.

[12] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 250, 253,249.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 864-865.

[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 248, 353-355.

[15] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 864.

[16] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 325.

[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 863.

[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 6, Nxb. Giáo Dục, 2007, trang 248. Nguyễn Công Trứ và Đoàn Văn Sách chỉ định Thất Sơn ở phía bắc kênh Vĩnh Tế sẽ khiến nhiều nhà nghiên cứu hiện đại bối rối. Tuy nhiên, vì các bản đồ thời Nguyễn không xoay chiều theo một hướng thống nhất nên việc xác định phương hướng bắc nam trong một số ghi chép xưa có khi không khớp với phương hướng được xác định trên bản đồ hiện đại. Vấn đề này đã gây bối rối cho không ít người nghiên cứu khi cho rằng phương hướng tả trong thư tịch xưa là đúng hoàn toàn. Thật ra các núi mà hai người kể là ở phía nam thì nay đều nằm bên kia biên giới (tức hướng bắc kênh Vĩnh Tế). Để ý sẽ thấy ngay sau đó vua Thiệu Trị đã nói: “Thất Sơn ở sau lưng Vĩnh Tế”.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 196-197. Phần chữ Hán là theo Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt tập hạ, Nha Văn Hóa Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản, 1959, trang 47-48.

[20] Địa danh chép trong tờ tâu của Hoàng Văn Tuyển năm Tự Đức thứ 13 (1860). Xem Lý Kim Hoa (sưu khảo và biên dịch), Châu bản triều Nguyễn tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2003, trang 291.

[21] Lê Văn Đức giải thích mục từ Thất Sơn là: “Bảy hòn núi trong các Tg. [tổng] Châu-phú, Thanh-lễ, Thanh-ý, Thanh-ngãi, Th. Châu Đốc là: núi Sam, núi Két, núi Dài, núi Tà-béc, núi Cấm, núi Voi và núi Cô-tô”. Xem Lê Văn Đức, Việt Nam tự điển quyển hạ, phần III, Khai Trí, 1970, trang 233.

[22] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống dư đồ, ký hiệu A.68, bản ảnh số 170.

[23] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 253.

[24] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 5, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 197, 196.

[25] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: An Giang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 75.