“Ngày nay, chúng ta biết không có nền văn hóa “tĩnh”, và ngược lại, tất cả các nền văn hóa đều là “truyền thống” nếu nó có ý thức giữ gìn, bảo lưu và lặp lại chính nó”. Vargyas Gábor đã phát biểu như vậy trong tập sách về văn hóa của người Bru – Vân Kiều. Thực vậy, cái gọi là truyền thống lâu đời rốt cục lại vẫn phải có khởi nguồn. Vào một thời điểm nào đó trong quá khứ, “giá trị truyền thống” đã được sáng tạo ra. Đó có thể là hôm qua, là năm ngoái, hoặc là thế kỷ trước. Thời điểm khai sinh ấy thường bị bỏ qua và thay bằng một cảm giác xa xôi mờ mịt nào đó. Chúng ta thường quên rằng thời điểm xuất hiện của một “giá trị truyền thống” thường chịu sự chi phối của những bối cảnh lịch sử cụ thể, đồng thời tác động ngược lại vào lịch sử ở một mức độ nào đó. Câu chuyện truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Sự ra đời, củng cố và phát triển của truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc ta là một cuộc đấu tranh lâu dài nhằm khẳng định sự tồn tại của chính mình. Xem thêm...
Tháng 11 âm lịch năm Chính Hòa thứ 18 [1697] thời Lê Hi Tông (1675-1716), nhóm sử thần do Hình bộ Thượng thư, tri Trung thư giám, Lai Sơn tử Lê Hi dẫn đầu đã tiến hành đề tựa cho bộ sử mà họ vừa khảo đính và chép nối. Vào thời điểm đó, đây là bộ sử được cập nhật sát nhất. Lịch sử đất nước được biên chép từ Hồng Bàng thị đến thời vị vua tiền nhiệm là Lê Gia Tông (1671-1675). Đây cũng là lần đầu tiên trong thời Lê Trung Hưng một bộ quốc sử hoàn chỉnh được lưu hành rộng rãi dưới hình thức bản in dập từ các ván gỗ (mộc bản). Nhiều năm về trước, vào năm Cảnh Trị thứ 3 [1665], nhóm sử thần Phạm Công Trứ thừa nhận rằng: “việc biên soạn quốc sử đã được tiến hành ba bốn lần, nhưng chưa khắc ván ban bố, mới khiến người ta truyền chép sai lầm”. Nhóm Phạm Công Trứ đã dựa trên các bộ sử cũ, tiến hành chỉnh lý và chép nối từ Lê Trang Tông đến hết thời trị vì thứ hai của Lê Thần Tông. Bộ sử này - theo Lê Hi - chỉ mới được khắc ván khoảng 5-6 phần mười, “việc vẫn chưa xong, còn cất ở Bí các”. Nhóm Lê Hi đã dựa vào công trình của Phạm Công Trứ, tiến hành biên tập, “chuyện ngoa truyền thì đính chính, việc gì đúng thì chép lại”, lại biên soạn thêm về lịch sử của hai triều Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông, dâng lên ngự lãm, rồi tiến hành khắc ván, “ban bố thiên hạ”. Bộ ván in được tiến hành vào năm đó được các nhà nghiên cứu hiện đại gọi là bộ mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Xem thêm ...