Doãn Uẩn và vai trò của họ Doãn ở nước ta.

Post date: Mar 9, 2012 8:29:54 PM

DOÃN UẨN VÀ VAI TRÒ CỦA HỌ DOÃN Ở NƯỚC TA.

Trần Bá Chí.

Tôi đã đọc bản Hợp phả họ Doãn biên soạn lần thứ hai vào năm 1992 dày 316 trang do Trung tướng Doãn Tuế viết lời giới thiệu. Đọc qua bản hợp phả, tôi rất cảm phục sự nhiệt tình và công phu của các cụ Doãn Văn Đính, Nguyễn Viết Trứ, Nguyễn Đăng Na, Doãn Quý Cối, Doãn Mậu Côn, Doãn Tuế… đã qua nhiều năm hoàn thiện bản hợp phả. Đọc xong bản hợp phả này, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động, lấy làm vinh dự được tiếp xúc với một dòng họ có truyền thống tốt đẹp, có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước.

Kết hợp tham khảo quốc sử và tư phả, ta thấy từ thế kỷ XII đến nay, triều đại nào cũng có những người họ Doãn đạt được những vũ công văn nghiệp sáng tỏ. Về khoa bảng chỉ tính từ cuối thời Trần đến cuối thời Nguyễn đã có 8 cụ đỗ tiến sĩ, 5 cụ thi hội đỗ tam trường, trên 30 cụ thi hương đậu cử nhân, còn số thi hương chỉ đạt tam trường nhị trường thì đông lắm. (Số học hàm học vị ngày nay cũng nhiều, nhưng chưa làm tộc phả nên chưa thống kê được).

Về nhân vật cụ thể cũng có nhiều cụ tiêu biểu.

I- ĐI SỨ PHƯƠNG BẮC

Công việc ngoại giao của nước ta thời xưa, có hai việc hệ trọng thường xảy ra luôn, đó là việc cầu phong và việc xác định biên giới. Chọn người làm đại sứ, thay mặt vua để giải quyết những việc này trước hết phải tìm người có tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với nhà vua; nhưng chỉ có tấm lòng thôi cũng chưa đủ mà phải là người có tài ngoại giao, có trí hùng biện. Cho nên năm Giáp Tý (1084) vua Lý Nhân Tông phải chọn trạng nguyên Lê Văn Thịnh sang trại Vĩnh Bình tranh luận về địa giới, kết quả nhà Tống phải trả lại cho ta đất 6 huyện Bảo Lạc ở ngoài cửa ải.

Vậy thì sau đó cụ Doãn Anh Khái, cụ Doãn Tử Tư, cụ Doãn Bang Hiến (Hải) được vua chọn làm đại sứ cũng phải là những đình thần có đạo đức phẩm hạnh, có tài năng nhất định. Đặc biệt cụ Doãn Bang Hiến mùa hè năm Nhâm Tuất (1322) đã được vua Trần Minh Tông cử đi sứ nhà Nguyên để tranh luận về địa giới. Kết quả cuộc tranh luận này đạt đến đâu, sử thời Trần không chép rõ, chỉ chép rằng: …Bang Hiến sau (về) bị mất ở dọc đường, vua Trần rất lấy làm thương tiếc (CM.6.567). Lời chép ấy tỏ rõ rằng Hình bộ thượng thư Doãn Bang Hiến là người có thực tài và đã hoàn thành cuộc tranh biện đạt kết quả tốt.

II- DOÃN NỖ LẬP NHIỀU VŨ CÔNG OANH LIỆT

Doãn Nỗ có mặt ở khởi nghĩa Lam Sơn từ sau cuộc hội thề Lũng Nhai, sau đó lập nhiều chiến tích; nhưng tiêu biểu nhất là thắng trận Hà Khương và giải phóng các thành Tân Bình, Thuận Hóa.

Tân Bình, Thuận Hóa là những vị trí chiến lược lợi hại. Khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn Thanh Hóa thì các xứ trong đó đang thuộc quyền đô hộ của nhà Minh. Tướng Nhậm Năng cầm đầu các đạo quân Minh, đã củng cố thành lũy, sai quân xây dựng các công sự mới. Cuối năm 1423 đầu năm 1424 nghĩa quân Lê Lợi đã chiếm trại Cầm Bành, giải phóng Nghệ An, làm chủ vùng Thanh - Nghệ, chỉ trừ thành Tây Đô, thành Nghệ An giặc còn cố thủ. Bấy giờ việc giải phóng đất Tân Bình, Thuận Hóa trở thành yêu cầu cấp thiết.

Tháng 7 năm Ất Tỵ (1425) vua sai Trần Nguyên Hãn và thượng tướng Doãn Nỗ đem hơn 1.000 quân và một thớt voi tiến vào Tân Bình. Quân vừa đến sông Bố Chính (tức sông Gianh) thì do thám được lực lượng của Nhậm Năng đã án ngữ phía trước. Trần Nguyên Hãn và Doãn Nỗ lập tức bày trận mai phục ở đất Hà Khương để nhử địch vào sau mà tiêu diệt. Tướng Nhậm Năng sẵn tính hiếu chiến, lại tưởng quân ta đi đường xa vừa vào còn mệt mỏi, chưa tìm được địa thế tốt. Y liền thúc ngựa lùa quân vào tận vị trí quân ta. Khi lực lượng Nhậm Năng tiến vào sâu, phục binh ta nổi dậy đánh khép lại, đạo quân Nhậm Năng tan vỡ, bị ta chém chết và bắt sống vô số.

Khi đạo bộ binh của Trần Nguyên Hãn và Doãn Nỗ đã thắng to ở Hà Khương, phá tan lực lượng Nhậm Năng thì cánh thủy quân gồm 70 chiến thuyền do tướng Lê Ngân vượt biển vào chi viện cũng kịp thời phối hợp với bộ binh đi giải phóng lần lượt hai thành Tân Bình và Thuận Hóa. Quân ta tiến đến đâu thắng đến đấy. Như vậy chiến thắng Hà Khương và giải phóng hai thành Tân Bình, Thuận Hóa có phần công lao lớn của Doãn Nỗ đã có tác dụng thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và quân Minh, mở rộng thêm địa bàn hoạt động cho nghĩa quân Lam Sơn, dồn hẳn lực lượng địch ra phía bắc để ta lo đối phó một phía cho chóng đi đến thắng lợi. Ca ngợi chiến công chống giặc Minh của tướng Doãn Nỗ, đôi câu đối ở Miếu công thần xã Phương Chiểu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên đã ghi rằng:

Lam Sơn vận dực Lê hoàng thống;

Khai quốc công thần Doãn tướng môn.

III- CHIẾN CÔNG GIỮ ĐẤT MIỀN TÂY CỦA DOÃN UẨN

Cụ Uẩn còn có tên là Ôn, tự Nhuận Phủ hiệu Tĩnh Trai, sinh tại làng Ngoại Lãng, nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình vào năm Ất Mão (1795), đậu cử nhân khoa Mậu Tý (1828). Đậu xong được bổ làm Hữu tham tri bộ Hộ. Đến tháng 5 năm Giáp Thìn (1844) vua Thiệu Trị cử Doãn Uẩn vào làm Tuần phủ An Giang vì biết cụ có tài cầm quân. Hôm nhậm chức, vua truyền dụ rằng: “Đất An Giang là nơi trọng yếu ở biên thùy, lại giáp giới nước Xiêm La, tính toán việc quân thật hệ trọng không phải việc nhỏ. Ngươi được Trẫm kén dùng vì tuổi đang sung sức lại có tài, gặp việc gì Ngươi cũng nên cùng Tổng đốc An Hà Nguyễn Tri Phương nhất tâm luận bàn thực hiện để xứng với trách nhiệm Trẫm ủy thác. Thời trước, Gia Cát Lượng không phải trận nào cũng đi đến được thế mà tính toán toàn cục không sót một ly, đi dến đâu cũng không ai địch nổi. Ngươi có học vấn, có mưu lược hãy cố gắng lên”[1].

Doãn Uẩn xuống tỉnh điều hành công việc, tháng 7 năm 1844 tập trung được gạo ba tỉnh Vĩnh Long, Định Tường và Gia Định về chứa ở tỉnh An Giang vì trước đây chưa được đầy đủ quân lương. Đến tháng 9 năm Giáp Thìn, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tuần phủ An Giang là Doãn Uẩn dâng sớ tâu vua rằng: “Năm ngoái, dân sáu tỉnh Nam Kỳ bị dịch lệ nặng, thóc lúa kém thu hoạch, xin Nhà nước tha thuế cho một năm để dân được phục sức và giặc ngoài cũng bớt dòm ngó…”. Vua truyền rằng: “Các hạt Nam Kỳ, Trẫm đã gia ân tùy từng việc rồi, nay muốn gia thêm ân trạch thì đợi sang năm sau, nhân thể khánh tiết mà thi hành”. Sự kiện trên chứng tỏ cụ Doãn Uẩn ngay khi xuống tỉnh nhậm chức, cụ đã quan tâm đời sống nhân dân trước hết.

Tháng 10 năm Giáp Thìn, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn lại dâng sớ lên tâu rằng: Bọn giặc Xiêm đến đây đã nhiều năm, đuổi người Lạp, bắt người Lạp làm nô lệ, bóc lột người Lạp. Do nguồn lợi đó chúng quyết không rời bỏ đất này. Chúng thường bày vẽ ra việc điều đình là cốt cầu yên để kéo dài. Nếu ta để chậm năm chầy tháng thì chúng đủ thời gian chuẩn bị lực lượng chống lại ta… Vậy xin đợi đến cuối mùa hạ đầu thu, nước lụt dâng lên đầu, ta phải lập tức đem quân ra oai, chúng mới sợ mà việc mới có hiệu quả. Vua cho là phải.

Cuối năm Giáp Thìn (1844), có khoảng 5.000 quân Xiêm chiếm đóng hạt Trấn Tây, Doãn Uẩn tăng cường việc tuần tra nghiêm ngặt.

Tháng 5 năm Ất Tỵ (1845) Tuần phủ An Giang Doãn Uẩn cùng đề đốc Nguyễn Văn Hoàng chia đường tiến quân đuổi Xiêm diệt phỉ, trận nào cũng thắng. Vua Thiệu Trị vui mừng ban khen: gia cho mỗi người một cấp quân công, mỗi người một đồng tiền vàng, giữa khắc 4 chữ Long vân khế hội chung quanh có tua rủ xuống, mỗi người một nhẫn vàng mặt khảm lưu ly. Mấy ngày sau, bọn đầu sỏ giặc là tên Bang, tên Mạt ở xứ Kha Đốc lại kéo quân đến bắn phá, Doãn Uẩn tiến quân đóng ở Gò Bác, chờ lúc giặc sơ hở thì tiến đánh, giặc bỏ đồn chạy. Thừa thắng, đạo quân Doãn Uẩn lại phá giặc, chiếm lại từ cửa sông Sách Sô đến Bang Chích. Giặc lại chiếm đóng đồn Vinh Bích và Kha Đốc, Doãn Uẩn lại đem quân về ngã ba sông Trà Mạt, hôm sau Doãn Uẩn cùng các tướng dùng 1.000 biền binh chia làm ba đạo tiến về Sách Sô, giặc giữ thành bắn tên ra, Doãn Uẩn thúc quân lội qua sông phá thành, giết được đầu sỏ quân giặc. Thế là Tuần phủ Doãn Uẩn được gia thêm một cấp quận công, một chiếc nhẫn vàng mặt kim cương, một đồng tiền vàng giữa khắc hai chữ ngũ phúc chung quanh có tua vàng rủ xuống.

Cuối tháng 6 năm Ất Tỵ (1845) Doãn Uẩn đang đóng ở Sách Sô, giặc lại kéo đến 5.000 quân vây thành quấy rối. Doãn Uẩn nhanh chóng chia quân mai phục các nơi, sai Quản cơ Lê Viên ra khiêu chiến. Hai bên đánh nhau, bắn giết được giặc rất nhiều. Sau đó phục binh đồng loạt nổi dậy, bắn được các tên đầu sỏ, giặc liền tan vỡ. Tin thắng trận về triều, vua lại ban khen.

Vua khen rằng: Đốc quân các đạo ấy là Doãn Uẩn xử trí thích hợp, từ lúc ra trận đến nay đã ba lần thắng lợi, Trẫm thấy thực đáng khen. Đợt ba này các tướng cũng đều được khen, riêng Doãn Uẩn lại được gia thêm một cấp quân công, một đồng tiền vàng khắc chữ tư mỹ chung quanh đều có giây thao vàng rủ xuống.

Tháng 7 năm Ất Tỵ, Doãn Uẩn bàn với Nguyễn Tri Phương rằng: đồn Thiết Thằng nằm ở địa thế rất lợi hại, nếu để mãi trong tay giặc thì sau này bất lợi cho quân ta. Chi bằng nhân thắng thế mấy trận vừa qua, ta đem quân thu gom Thiết Thằng. Thế rồi hai người kíp đem 1.000 biền binh triệt hạ được đồn ấy, giết được rất nhiều giặc, rồi giao cho Lãnh binh Nguyễn Sáng đóng giữ.

Tháng 8 năm Ất Tỵ, Nguyễn Tri Phương đem 3.000 quân theo sông Tiền Giang tiến lên, Doãn Uẩn đem 2.000 quân cũng theo hướng Tiền Giang lên Trấn Tây, cả hai đạo đều có thổ mục dẫn đường. Giặc đón chặn, bắn ra, quân ta lặng lẽ đi, khi hai đạo quân hợp lại thì mới ứng chiến. Quân ta hạ đồn Trấn Tây, tâu tin thắng trận, vua phê lời khen.

Lời vua Thiệu Trị phê: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, về việc khôi phục đất Trấn Tây không lúc nào không nghĩ đến... Nay được tin thắng trận này, có thể yên lòng Trẫm. Nhưng lấy được chưa phải là khó, mà giữ được mới là khó. Mong các ngươi nghĩ cho kế an toàn về sau”. Xét thưởng công thu phục Trấn Tây: Nguyễn Tri Phương được gia hàm Hiệp biện đại học sĩ... Doãn Uẩn được gia hàm Thượng thư, gia một cấp quân công, thẻ bài đeo bằng ngọc quý khắc hai chữ Phú Thọ chung quanh kết dây vàng xâu san hô sặc sỡ, một chiếc nhẫn trân châu mặt cẩn kim cương, một đồng tiền vàng khắc bốn chữ long vân khế hội chung quanh có tua vàng rủ xuống, lại một chiếc khánh vàng ghi công. Đến tháng 9 năm Ất Tỵ, sắc vua ra thăng Doãn Uẩn lên chức Thự thượng thư bộ Binh kiêm làm Tham tán đại thần.

Đầu tháng 10 năm Ất Tỵ, Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn tâu vua rằng: Thổ dân ở Trấn Tây phần đông là mới theo về, xin chọn ra 20 người đắc lực trong số thổ mục thổ biền tin cậy được, phong cấp bằng cho họ làm Phủ úy, Huyện úy để chiêu dụ dân. Vua chuẩn.

Mùa đông rất rét, vua sai Trung sứ ban áo rét cho tướng sĩ ở Trấn Tây theo thứ bậc. Riêng Doãn Uẩn vua ban chiếc áo vua may để dùng, đó là chiếc áo nhung màu xanh biếc, thân áo có thêu đoàn long bát bảo; vua lại truyền nhắn rằng: Khanh mặc chiếc áo ấy coi như Trẫm đã tới nơi tự cởi áo mặc cho khanh, cho một vị tướng có công lớn ở nơi xa.

Sau trận thắng ở đất Ô Đông, Nguyễn Tri Phương mắc bệnh, Doãn Uẩn cũng ốm. Vua ban xuống những vị thuốc vua đang dùng. Riêng Doãn Uẩn làm việc tuần phủ khó nhọc, vua cũng gửi nhân sâm đến cho. Sau khi hai người khỏi bệnh, vua xét thấy công việc nặng nhẹ tùy từng nơi từng lúc, những người khó nhọc cũng cần có lúc bớt việc, nên đã điều Tôn Thất Bạch về coi quân thứ Trấn Tây, đổi cho Nguyễn Tri Phương sang quân thứ Vĩnh long, Doãn Uẩn thì làm nhiệm vụ một tham tán đại thần là chính, lo việc trù mưu hiến kế.

Tháng 2 năm Đinh Mùi (1847) lại có đợt xét công ở Trấn Tây để ban khen. Vua dụ rằng: Xét lại việc biên phòng ở quân thứ Trấn Tây... Khâm sai đại thần Nguyễn Tri Phương, Tham tán đại thần Doãn Uẩn, Thự đề đốc Nguyễn Văn Hoàng chỉ một trận đánh ở sông Tiền Giang mà phá luôn đất Thiết Thằng, bình định ngay được thành Trấn Tây, vây sát đến thành Ô Đông, quân Xiêm Man đều sợ hãi, đầu mục giặc phải chịu hòa ước. Rõ ràng là có công đặc biệt đáng được ban thưởng. Nay thưởng cho Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn lên một cấp trác vị,... Riêng Doãn Uẩn được thưởng một chiếc nhẫn ngọc kim cương bịt vàng hạng lớn, một thẻ bài đeo khắc hai chữ Bình an dây tua thẻ có xâu ngọc và san hô, một đồng tiền vàng hạng vừa khắc chữ Vạn thế vĩnh lại, một đồng tiền vàng khắc chữ Nhị nghi có dây tua rủ xuống. Lại thưởng cho Doãn Uẩn một chiếc bài vàng khắc năm chữ: An Tây mưu lược tướng để phân biệt.

Đến mùa xuân năm Đinh Mùi, việc quân việc nước thắng lợi nhiều, dân tình các huyện phía nam có phần yên ổn, các công thần đều được khen thưởng thăng quan tiến chức. Bấy giờ Doãn Uẩn được thăng lên làm Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên)[2]. Vào mùa hè năm ấy trời phía nam nóng nực, vua lại sai Trung sứ đi đường trạm đến ban thưởng cho Doãn Uẩn một chiếc quạt ngự, một chuỗi ngọc san hô, một bài thơ đề là Bình định Xiêm Lạp, một tập giáy rồng ghi Tây chinh kỷ tiệp (ghi công các trạn miền tây), một bình đựng rượu bằng ngọc, một con báo bằng vàng...[3].

Tháng 6 năm Đinh Mùi, đất nước yên lặng, nhân sứ Cao Man đến chầu, vua định thưởng tướng cho người đã có chiến công. Về Doãn Uẩn có lời vua dụ rằng: “...An Tây mưu lược tướng: mình đảm nhận đội trước, lập được công đầu, phá đồn Thông Bình, hạ đồn Sách Sô, tiến chiếm đất Vĩnh Long, vây sát đất Ô Đông, trận nào cũng đề xuất mưu lạ, nắm phần thắng, vỗ về được biên cảnh, bình định được nơi xa, gắng sức rất nhiều...”. Thưởng cho Doãn Uẩn tước Tuy Tĩnh tử. Ngày Mồng 1 tháng 7 năm Đinh Mùi, vua soạn lời minh, sai thợ khắc vào 12 khẩu súng thần công vừa đúc xong. Họ tên và chức tước của Doãn Uẩn được khắc vào cỗ súng thứ nhất. Ý vua khắc tên các tướng có chiến công vào cỗ súng để động viên khích lệ các tướng sĩ. Vua lại sai đình thần chuẩn bị khắc bia ghi chiến công của Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn... đặt tại Võ miếu để nêu gương những người đã suốt đời lo giữ gìn mở mang đất nước.

Cuối năm Đinh Mùi vua Thiệu Trị se mình, gọi Nguyễn Tri Phương ở Trấn Tây về, cùng với Trương Đăng Quế, Vũ Văn Giải, Lâm Duy Hiệp làm phụ chính triều đình, chuẩn bị cho việc đưa vua Tự Đức lên nối ngôi. Giữa tháng 9 vua Thiệu Trị gượng soạn 9 thiên Giáo huấn dạy con, đốc thúc kiểm tra nhân khẩu cả nước để vua biết trước khi nhắm mắt, soạn di chiếu truyền ngôi, chọn 6 tướng nhiều chiến công để khắc bia ở Võ miếu là Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Hoàng, Tôn Thất Nghị. Khi vua mất, cụ Doãn Uẩn khóc lóc buồn phiền rồi lâm bệnh, cụ xin về tĩnh dưỡng ở thôn Vĩnh Tế huyện Tây Xuyên, tỉnh An Giang, để thân nhân, tôi tớ chăm sóc.

Theo tài liệu địa phương thì những ngày nghỉ tại thôn Vĩnh Tế, cụ Doãn Uẩn quyên tiền xây chùa Tây An để lưu niệm lại với dân địa phương. Chùa xây trên núi ở thôn Vĩnh Tế, mặt chùa hướng ra tỉnh thành An Giang, cảnh chùa thâm u, cũng là một nơi danh thắng.

Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1849 Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn từ trần, hưởng thọ 50 tuổi. Vua Tự Đức truy tặng hàm Hiệp biện đại học sĩ, cấp tiền tuất và táng phí theo lệ đối với một đại thần thanh liêm.

Bia Võ miếu.

IV- CUỘC ĐỜI CỤ DOÃN KHUÊ: MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG

Doãn Khuê (1813-1878) đậu tiến sĩ năm 1838, từ sơ bổ Tri phủ Ứng Hòa, hàm Hàn lâm viện biên tu, trải qua các chức Đốc học Sơn Tây, Hải phòng sứ Nam Định... Có nhiều công lao trong sự nghiệp chống thực dân Pháp dưới thời Tự Đức. Đúc kết mọi lời phẩm bình thì cuộc đời của cụ Doãn Khuê là: một tấm lòng vì dân, một tấm gương yêu nước, sống cần cù, giản dị, thành liêm.

Một số trước tác của người họ Doãn

- Doãn Hành (thế kỷ XVI) quê Thường Tín, Hà Đông, đậu khoa Hoành từ làm đến Quốc tử giám học sĩ. Tác phẩm có Vân biều tập, 4 quyển: 6 bài thơ Đường luật.

- Doãn Thự (thế kỷ XIX): Doãn thị gia phả lược thuật A.78.

- Doãn Thai – Doãn Phác: Bài tựa gia phả họ Doãn (ca Nôm).

- Doãn Khuê (1813-1878): bài châm bằng chữ Hán soạn năm 1850.

- Doãn Uẩn: Tuy Tĩnh tử tạp ngôn A.192.

- Ngoại Lãng – Doãn tướng công niên biểu VHv. 1747.

- Doãn Đĩnh (Hữu Đoan): Thế gia bản kỷ (chữ Hán) soạn năm 1913.

- Doãn Kế Thiện (1891-1965) quê làng Phú Mỹ huyện Quốc Oai, Hà Tây làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thủ đô Hà Nội. Tác phẩm có:

Lược khảo thơ Trung Quốc, Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội.

Phương pháp học chữ Hán, Nxb. Mai Lĩnh, Hà Nội.

Máu thịt xây thành (hồi ký) 1943-1944.

Hà Nội cũ, Nxb. Đời mới, Hà Nội, 1943.

Cổ tích và danh thắng Hà Nội, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1959.

Danh nhân Việt Nam, Nxb Đời mới, Hà Nội, 1943...

Viết báo Trung Bắc, Trung Bắc chủ nhật, Khai hóa, Thực nghiệp, Tiểu thuyết thứ bảy...

So với các họ trong nước thì họ Doãn là một họ lớn (đại tộc) có vai trò rõ rệt từ thế kỷ XII. Đến nay họ Doãn đã có nhiều chi phái cư trú ở nhiều tỉnh trong nước, dòng dõi đã đông tới hàng nghìn nhân khẩu. Từ năm 1945 về trước, triều đại nào cũng có văn thần võ tướng họ Doãn cống hiến công đức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lại nay, qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không ít người họ Doãn đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc; một số nay đang ở lại quân đội trở thành những cán bộ trung cao cấp. Ở mọi lĩnh vực, mọi ngành khác cũng có người họ Doãn hoạt động tích cực. Nhiều kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà nghệ sĩ là con cháu dòng họ Doãn đều có ý thức phát huy những tinh hoa tốt đẹp của tổ tiên.

Bài đăng trong cuốn Tấm lòng và Trí tuệ, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, trang 707-718.

[1] Đại Nam thực lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t.25, tr. 81.

[2] Đại Nam thực lục, Sđd, t.26, tr.268.

[3] Đại Nam thực lục, Sđd, t.26, tr.300.